Sunday, June 3, 2018

Võ Lâm Ngũ Bá: ai xứng làm phu quân?

Cách đây mấy hôm vô tình đọc được hai câu thơ lục bát trên mạng: “Lấy chồng hãy chọn Đông Tà. Đừng yêu Bắc Cái không nhà không xe.” Trong bụng chợt nghĩ trong năm đại cao thủ võ lâm Đông Tà, Tây, Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, ai là người đáng chọn làm phu quân nhất? Hôm nay rỗi rãi thử làm một bài tổng kết. Vốn chẳng có ý tứ sâu xa gì, lại dám mạo muội đem tiêu chuẩn kết hôn thế kỉ 21 áp vào võ lâm ngũ bá đời nhà Tống, hy vọng không khiến mếch lòng các chư vị anh hùng.

Võ lâm ngũ bá (nhà sư góc dưới cùng bên phải là Nam đế khi chuyển thành Nam tăng)


1. TƯỚNG MẠO – YẾU TỐ ĐẦU TIÊN ĐỂ CHỌN TÌNH LANG

Đừng nghĩ ở thời hiện đại người ta mới coi trọng vẻ ngoài của nam nhân. Ngày nay các cô gái mê mẩn vẻ đẹp trai của thần tượng Kpop, diễn viên Hollywood, hay gần gũi hơn là thủ môn Bùi Tiến Dũng đội tuyển U23, thì ngày xưa cũng vậy. Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa được truyền tụng đã đành, còn có tứ đại mỹ nam ít được biết đến hơn là Tống Ngọc, Phan An, Lan Lăng Vương, Vệ Vương Giới. Cụ Nguyễn Du đã đưa Tống Ngọc vào Kiều (Sáng đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh). Vệ Vương Giới thì đẹp trai đến mức bị các cô gái đeo bám đến nhà, sợ hãi sinh bệnh nặng mà chết. Từ đó có thành ngữ “nhìn chết Vệ Giới” (khán sát Vệ Giới,) có thể nói là ca đầu tiên được ghi nhận chết vì fan cuồng. Dài dòng như vậy để nói rõ rằng trong việc chọn chồng thì ngoại hình là yếu tố không thể xem thường.
Từ trái qua: Nam Đế, Tây Độc, Trung Thần Thông, Đông Tà, Bắc Cái

Võ lâm ngũ bá khi xuất hiện thì đều đã ở lứa U50, vẻ xuân sắc đã sớm nhường chỗ cho ánh tà dương của tuổi trung niên. Tuy nhiên dựa trên những mô tả trong Anh Hùng Xạ Điêu vẫn có thể đưa ra một số phỏng đoán về “nhan sắc” của ngũ tuyệt.

Thứ nhất là Đông Tà Hoàng Dược Sư: “Khuôn mặt thật của y vừa lộ ra, chỉ thấy y tướng mạo thanh cù, phong tư tuấn tú ung dung tiêu sái, khí vũ hiên ngang.

Đông Tà Hoàng Dược Sư

Thứ hai là Bắc Cái Hồng Thất Công: “Người này hàm vuông mặt dài, dưới cằm có râu, tay thô chân to, quần áo trên người vá chằng vá đụp nhưng rất sạch sẽ, cầm một chiếc gậy trúc xanh bóng loáng như ngọc, lưng đeo một chiếc hồ lô lớn sơn đỏ, vẻ mặt rất thèm thuồng, thần thái rất nôn nóng, tựa hồ nếu không đưa y phần phao câu gà thì y sẽ giơ tay ra cướp.”

Bắc Cái

Thứ ba là Nam Đế Đoàn Trí Hưng: “Một người khác mặc tăng bào bằng vải thô, hai hàng lông mi dài che rũ xuống khóe mắt, mặt mũi hiền từ, trong mắt thấp thoáng vẻ sầu khổ nhưng lại lập tức ánh lên nét tinh anh, chỉ nhìn một cái là biết.”

Thứ tư là Tây Độc Âu Dương Phong: “Bèn ngưng thần nhìn người đi sau Âu Dương Khắc, thấy y thân thể cao lớn, cũng mặc áo trắng, chỉ vì phía sau y có ánh sáng nên không nhìn thấy rõ diện mạo.”

Âu Dương Phong thường được miêu tả với tướng mạo khá thô

Thứ năm là Trung Thần Thông Vương Trùng Dương: Khi các sự kiện trong truyện diễn ra thì y tạ thế đã lâu, hình bóng chỉ tồn tại trong ký ức những người còn sống, chẳng khác nào kì lân trong cổ tích. Người tình cũ của y là Lâm Triều Anh khi sinh thời đã kịp hoạ một bức chân dung y, khi chia tay y lại ra lệnh cho lũ đồ đệ nhổ vào đó cho bõ tức. Thế nhưng “tấm ảnh cũ” này lại chỉ có lưng mà không có mặt: “Dương Quá nhìn, thấy bức chân dung vẽ một đạo sĩ thân hình cao lớn, lưng đeo trường kiếm, ngón trỏ tay phải chỉ về góc đông bắc, có điều là đạo sĩ quay lưng lại nên không thấy mặt.

Vương Trùng Dương trước khi xuất gia là một công tử nhà giàu. Y là nhân vật có thực trong lịch sử, hiện tại vẫn được thờ phụng trong Đạo giáo

Vậy thì ai xứng đáng là mỹ nam trong càn khôn ngũ tuyệt? Đoàn Trí Hưng dòng dõi vương tộc, cả gene di truyền lẫn điều kiện dinh dưỡng đều vào hàng tuyệt phẩm, dung mạo chắc chắn không kém. Trung Thần Thông vừa gặp Lâm Triều Anh đã khiến nàng ta điên đảo thần hồn, hẳn cũng là một trai đẹp trong võ lâm. Hồng Thất Công có phong thái hào sảng của dân Sơn Đông, còn Âu Dương Phong lại ánh lên vẻ nham hiểm, hung dữ. Dựa trên hậu nhân mà suy luận, con ruột của Âu Dương Phong là Âu Dương Khắc là một thanh niên tuấn tú, nên có lẽ vẻ ngoài của ông bố không thể quá xấu xí. Nhưng tất cả đều chịu thua Hoàng Lão Tà.

Hình dung lãng tử về Đông Tà khi còn trẻ

Thứ nhất, Đông Tà là người được Kim Dung mô tả hấp dẫn nhất, mà như dân mạng bây giờ hay nói đó, “quan trọng là thần thái.” Thứ hai, con gái y Hoàng Dung là hoa hậu trong Anh Hùng Xạ Điêu, người đời lại nhận xét cha con y giống nhau như hệt từ mắt đến miệng, đương nhiên Hoàng Dược Sư là một trung niên mỹ mạo. Thứ ba, y không chỉ có vẻ ngoài “lạnh lùng lộng lẫy” mà còn có gout ăn vận phong cách. Một đời y chuyên mặc trường bào màu xanh tôn da tôn dáng, lại luôn giữ thân mình sạch sẽ không vết nhơ. Giả sử mà kết hôn với Cửu Chỉ Thần Cái “một tháng áo sạch, một tháng áo bẩn” chắc phụ nữ thời nay khó thể chịu nổi.

Kết luận: Đông Tà hạng Nhất về vẻ đẹp.

2. NGHỀ NGHIỆP – YẾU TỐ THỨ HAI ĐỂ CHỌN CHỒNG

Nam nhi đại trượng phu phải có chỗ đứng trong trời đất, ngày xưa đã thế mà thời nay cũng vậy. Lấy chồng thất nghiệp thì dù đẹp trai cũng không thể nào mài ra mà ăn. Nhìn lại cảm thấy các nhân vật trong càn khôn ngũ tuyệt đều có sự nghiệp lừng lẫy, đáng để người ta kính phục, song để chọn làm chồng thì tương đối khó nói.

Đông Tà Hoàng Dược Sư là một cướp biển đã về hưu. Nhờ làm cướp biển mà y thu thập được một khối tài sản lớn, từ đó xây dựng trên đảo Đào Hoa một cơ đồ đáng nể, lại sưu tầm vô số châu báu. Do không phải lo kiếm ăn nên y có thể thong thả thu nhận sáu đồ đệ, nghiền ngẫm Cửu âm chân kinh, tranh đấu với Chu Bá Thông. Tuy nhiên nghề hải tặc không những nguy hiểm mà còn bất chính, vì nó mà Hoàng Dược Sư bị mang tiếng ác. “Người ven biển sợ đảo Ðào Hoa như rắn rết, dặn nhau không được tới bốn ngàn dặm quanh đảo, nếu nói tới tên đảo Ðào Hoa thì cho dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không chiếc thuyền đánh cá nào dám đi.” Lấy y cũng như uống ly rượu – rượu nồng khiến người ta say ngây ngất nhưng ẩn chứa độc tính.

Hình dung về Đông Tà

Bắc Cái Hồng Thất Công là thủ lĩnh bang hội lớn nhất thiên hạ, thế lực nghiêng trời, được giang hồ kính nể. Có điều y làm bang chủ Cái Bang thì vợ y cũng không tránh khỏi đám khiếu hóa vây xung quanh tối ngày, mà đa phần họ là những hán tử thô lỗ, hay nói tục chửi bậy, khạc nhổ, nuôi rắn rết bọ cạp trong bao, vệ sinh thân thể cực kém.

.
Nếu sinh ra là một người phụ nữ tao nhã, mềm mại, thích thêu thùa đốt hương, vẽ hoa ngâm thơ thì thật khó dung hòa với công việc của Bắc Cái. Phụ nữ thời nay đã bớt ngâm thơ vẽ tranh nhưng bản tính ưa sạch sẽ muôn đời vẫn thế, chắc chắn cũng không thích chồng làm thủ lĩnh ăn mày. Hơn nữa xã hội ngày càng phát triển, nghề ăn mày dần dần cũng ít được tôn trọng. Lấy Hồng Thất Công chẳng khác nào hàng ngày cũng xơi món thịt lợn luộc không mắm muối, tuy đủ dinh dưỡng nhưng chẳng thấy ngon.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là vua một nước, địa vị trong cõi thế tục là cao nhất trong ngũ tuyệt, người đời tất thảy đều kính ngưỡng y. Y lên làm vua nước Đại Lý đúng vào thời điểm thái bình thịnh trị, anh em trong hoàng tộc hoà thuận, có thể nói là việc nhẹ lương cao, tha hồ luyện võ. Làm vợ y thì yên cái bụng vì vinh hoa phú quý, châu ngọc đeo đầy mình, mỗi tội có vài trăm bà vợ khác cũng tranh nhau sự ân sủng của y, nếu ai có chút máu Hoạn Thư thì đây là điểm trừ duy nhất nhưng rất nặng. Nhất là phụ nữ ngày nay vốn quen với chế độ một vợ một chồng thì mùi vị đó thật khó mà nuốt trôi. Về sau y lại đùng đùng bỏ việc, đem đổi ngai vàng hoàng đế lấy cái bồ đoàn nhà sư, sự nghiệp thứ hai này khiến y không thể lấy vợ nữa nên không bàn tới. Đoàn Hoàng Gia chính là mâm cỗ nhiều cao lương mỹ vị nhưng khiến chị em lo sợ mình tăng cân.

Đoàn Nam Đế đi tu

Tây Độc Âu Dương Phong làm nghề luyện độc ở vùng Bạch Đà Sơn. Chọn Âu Dương Phong làm ý trung nhân là phải gánh chịu một thứ rủi ro nghề nghiệp khá lớn. Thứ nhất, xung quanh y luôn lổm ngổm các loại rắn rết, trùng độc đáng sợ, y lại luôn mang theo xà trượng có hai quái xà cực độc bò lên bò xuống, lỡ đãng trí va quệt phải thì thật nguy nan.

.
Tây Độc không chỉ luyện độc từ dị thú mà còn từ nhiều loài thực vật khác nhau, kiến thức sinh-hóa rất rộng rãi. Nếu y tái sinh ở thời này thì có thể làm giáo sư hóa học tài giỏi hay lương y chữa độc, có điều người làm sao của chiêm bao làm vậy, y chỉ thích hạ độc người khác. Sống cạnh y là luôn phải thấp thỏm lo lắng cho sự an toàn, cần giữ thuốc giải độc bên mình như tính mạng. Chẳng những thế, vì Âu Dương Phong luyện độc nên người y cũng đầy độc tính, lỡ hôn y một cái mà không có miễn dịch tốt thì có thể về chầu ông bà như chơi. Lấy y chẳng khác nào xơi món cá fugu cực độc của Nhật, mỗi lần ăn là một lần đánh cược với số phận.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương trước theo sự nghiệp kháng chiến chống Kim, sự nghiệp này thất bại, y chuyển sang làm đạo sĩ mũi trâu. Cả hai công việc đó đều cao cả nhưng không cho phép y vui thú hôn nhân. Hồi xưa say mê hoạt động cách mạng thì y dành hết sạch thời gian, tâm trí vào công việc, phát nguyện không thắng Kim không lấy vợ. Sau y làm đạo sĩ lại càng ngoan cố không chịu hoàn tục.

Vương Trùng Dương xa lánh thế sự, về dạy dỗ Toàn Chân thất tử

Tài sản của Vương Trùng Dương có nhiều nhưng phần lớn là huy động trong dân chúng để chống giặc, không thể sử dụng bừa bãi. Yêu y chính là đi vào địa ngục không lối thoát. Số phận gái ế chết già trong ngôi mộ cổ của Lâm Triều Anh chính là tấm gương cho những bóng hồng có ý kết duyên với Vương Trùng Dương. Y là củ sâm nghìn năm trong truyền thuyết, ăn vào có thể trường sinh bất lão, là Đường Tam Tạng tu hành mười kiếp, nhưng nào có ai trói buộc được y?

Kết luận: Nam Đế hạng Nhất về nghề nghiệp.

3. YẾU TỐ THỨ BA: TÍNH CÁCH VÀ TRÍ TUỆ

Đây là yếu tố thứ ba để chọn chồng. Đã đứng vào hàng võ lâm ngũ bá thì đương nhiên là tài năng võ học siêu việt, nhưng tài năng này chưa chắc đã đem lại hạnh phúc hôn nhân. Chỉ tính cách người chồng mới giúp người phụ nữ được hạnh phúc, còn trí tuệ của anh ta chỉ đem lại sự vui vẻ. Năm người trong ngũ tuyệt cũng có tính cách rất đa dạng, có thể nói là Kim Dung đã dày công khắc họa mỗi nhân vật một nét riêng.

Đông Tà Hoàng Dược Sư là người có trí tuệ siêu việt. Đàn ông chăm làm việc nhỏ thường không làm được việc lớn, đàn ông nhiều tài vặt thường không có tài chính, nhưng Hoàng Dược Sư lại là ngoại lệ. Không chỉ võ công mà y học, tướng số, ngũ hành kì môn độn giáp, văn chương, âm nhạc,… môn nào y cũng giỏi đến mức xuất quỷ nhập thần.

Đông Tà Hoàng Dược Sư

Riêng về võ học mà nói, Đông Tà Hoàng Dược Sư tự mình sáng tạo ra được nhiều pho võ công xuất chúng, điều đó chứng tỏ nội hàm trí tuệ sâu rộng của y. Các tuyệt chiêu của y như Lan hoa phất huyệt thủ, Ngọc tiêu kiếm pháp, Bích hải triều sinh khúc,… đều có lồng ghép văn học, nghệ thuật, cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú, điều đó lại cho thấy tâm hồn y vô cùng lãng mạn.

Tính cách Hoàng Dược Sư có điểm tà khí, quái dị, song cuộc sống bên cạnh y sẽ không bao giờ nhàm chán. Vợ y muốn cùng y ngâm thơ vọng nguyệt, cưỡi ngựa ngắm hoa, uống rượu chơi cờ, y đều có thể chiều ý. Không những thế y lại vô cùng chung thủy, si tình như điên, sống chết không từ. Vợ y mất đi, y bèn dựng một con thuyền, định giong buồm ra khơi tự sát theo vợ. Hoàng Dược Sư xứng đáng nhất với danh hiệu “soái ca ngôn tình.”

Bắc Cái Hồng Thất Công là người tính tình thẳng thắn, khẳng khái không chút quanh co. Y trượng nghĩa, không cơ tâm, sẵn sàng xả thân cứu kẻ khác mà không màng bản thân mình. Sở trường của y là 18 chiêu Hàng Long thập bát chưởng vô cùng cương mãnh và Đả cẩu bổng pháp tinh diệu, nhưng cả đời y không sáng chế ra được một pho võ công mới nào. Điều này cũng phù hợp với tính cách đơn giản của y.


Hồng Thất Công mê rượu

Hồng Thất Công là kẻ tứ hải giai huynh đệ, không phù hợp với nơi trướng rủ màn che êm đềm. Y sinh ra để khề khà chén rượu với anh hùng thiên hạ, hành hiệp trượng nghĩa, một người đàn bà không thể trói buộc y. Làm phu nhân Cái Bang thì chỉ được cái tiếng vô vị: y có thể không lăng nhăng với người phụ nữ khác, song cô mãi mãi không phải là điều quan trọng nhất với y. Chưa kể, lấy một người chồng mê nhậu mà lại thích ăn ngon (!!) như Hồng Thất Công ắt sẽ dẫn đến tinh thần ức chế, bất mãn về lâu về dài.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là người có tấm lòng nhân hậu, lại bao dung độ lượng. Thân y làm vua một nước nhưng cư xử với anh em trong giang hồ hết sức lễ nghi, khiêm tốn. Có điều y không biết nặng nhẹ, quá coi trọng võ học mà không hiểu tâm tình nhi nữ, dẫn đến ba lần đắc tội với Anh Cô: lần thứ nhất y mê say võ công bỏ bê người đẹp khiến nàng tằng tịu với Chu Bá Thông. Lần thứ hai y sẵn sàng đem nàng gả cho người khác. Lần thứ ba y chần chừ không cứu khiến con nàng bỏ mạng. Chưa kể đến việc lấy y là phải cạnh tranh với vô vàn cung tần mỹ nữ, ba ví dụ trên đã đủ người ta uất hận đến chết.

Nam Đế cùng đàm đạo với Bắc Cái

Nam Đế tuy thân là vua nhưng tâm lý khù khờ không nhanh nhẹn giỏi ứng biến. Y có khí khái nam nhi nhưng động tới chuyện tình cảm lại trù trừ. Vụ Anh Cô vốn dĩ đơn giản, y lại chẳng xử lý kịp thời, khiến từ một việc nhỏ hóa thành to không sửa được, chuốc vạ cho mấy người (Bá Thông, Anh Cô, bản thân y) đến già. Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản, việc nhà y không ứng phó dứt điểm được nên chán đời đi tu, quả thật thiếu bản lĩnh của một vị quân vương.

Tây Độc Âu Dương Phong âm hiểm gian trá, là kẻ độc địa số một trong ngũ bá. Làm vợ y lúc nào cũng chịu cảnh “sống trong sợ hãi,” nếu y không vừa lòng thì chỉ một tí thuốc Hoá Thi Phấn cũng đủ biến cô thành vũng nước vàng. Thế còn đỡ, y có vô số cách khiến người ta đau đớn vô cùng, sống không được chết không xong. Không những vậy, y còn tư thông với chị dâu sinh ra Âu Dương Khắc, thực là bất trung, bất nghĩa. Lấy kẻ có tư cách đạo đức thấp hèn như vậy làm chồng thì ắt khó mà sống thọ.

Tây Độc lột hết quần áo, nhảy dù từ ngọn Ngọc Bút Phong

Trong bộ phim điện ảnh Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ, đạo diễn biến Tây Độc (Trương Quốc Vinh) thành nhân vật bi thảm đẹp trai như ngọc, lại vẽ mối tình của y với chị dâu (Trương Mạn Ngọc) thành câu chuyện lâm li bi đát. Đông Tà Tây Độc là tác phẩm cực hay của Vương Gia Vệ, nhưng nhiêu đó không đủ thay đổi hình tượng quá kém lý tưởng của lão Độc Vật.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương thì trí tuệ quá siêu đẳng, đạo đức lại càng không có gì phải nói. Tuy y đã chết nhưng hình tượng chói lòa của y vẫn chiếu sáng trong hai bộ Xạ điêu, Thần điêu, chẳng khác nào mặt trăng mặt trời.

Tuy nhiên nhược điểm của y là quá cầu toàn. Y cầu toàn với bản thân chưa đủ, lại đem cái nhìn đó áp vào thế giới xung quanh, khi mọi sự không theo ý muốn, y liền rút vào trong núi, tự chôn vùi đời mình.

Giáo chủ Toàn Chân Vương chân nhân

Y có tình với Lâm Triều Anh nhưng cách thể hiện tình cảm của y khiến nàng sống dở chết dở, phí một đời hoa. Y cự tuyệt nàng nhưng lại viết thư gửi nàng đều đặn, không lấy nàng làm vợ nhưng lại đi đào hàn ngọc tặng nàng làm giường, khiến nàng khốn khổ không dứt nổi y. Vương Trùng Dương không thể đem lại hạnh phúc cho một người đàn bà, song lại luôn tỏ ra cao thượng khiến cô ta không thể trách móc y. Sống với vị Giáo chủ này có lẽ sẽ là một dạng tra tấn tinh thần thể nhẹ.

Kết luận: Đông Tà về Nhất ở khoản tính cách.

4. NƠI CƯ NGỤ: YẾU TỐ CUỐI CÙNG

Câu “Thuyền theo lái, gái theo chồng” đời nào cũng đúng. An cư mới lạc nghiệp, chỗ ở có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Võ lâm ngũ bá “mỗi người hùng cứ một phương” nên lựa chọn cho các chị em cũng hết sức phong phú.

Đông Tà Hoàng Dược Sư cư ngụ tại đảo Đào Hoa. Về phương diện mỹ học thì đây là nơi diễm lệ nhất: có hoa đào bóng rụng (đào hoa ảnh lạc,) có biển biếc triều dâng (bích hải triều sinh). Trên đảo có vô số các loài điểu cầm xinh đẹp sinh sống. Hoàng Dược Sư lại là kiến trúc sư có tài, y thiết kế đầy đủ đền gác, nhà cửa, vườn tược lộng lẫy chẳng khác nào tiên cảnh.

Đảo Đào Hoa

Có người cho rằng đất nước Nhật Bản thơ mộng ở phía Đông chính là cảm hứng để Kim Dung sáng tạo hình ảnh đảo Đào Hoa. Nếu không có Chu Bá Thông tới quấy rối, ắt vợ chồng y có ngày sẽ mọc cánh thành tiên. Nhược điểm duy nhất của nơi này là vị trí địa lý cách trở, quá biệt lập với đất liền. Hoàng đảo chủ chẳng thiếu lương thực, ngọc ngà, nhưng với những người ưa phồn hoa đô hội, đi chơi ăn uống shopping xem phim thì có lẽ cuộc sống trên đảo sẽ hết sức tẻ nhạt.

Bắc Cái Hồng Thất Công lại lang thang khắp Trung nguyên, chẳng có đâu là chốn dừng chân lâu dài. Ngày hôm nay thì y tham gia đại hội võ lâm ở Hoa Sơn, hôm khác lại núp trên nóc ngự trù ăn Nem uyên ương ngũ trân, hôm khác lại về đảo Đào Hoa chữa bệnh,…

Nhân vật nào trong truyện chưởng cũng chu du thiên hạ, song riêng Hồng Thất Công dường như không có chỗ nào cố định. Thân ăn mày bốn bể là nhà, khó có thể đèo bòng thêm vợ con. Cuộc sống bấp bênh, không ổn định như vậy thì ở vậy cả đời là lựa chọn xác đáng của Bắc Cái. Đến khi gặp Hoàng Dung, tình phụ tử trong y mới được khơi dậy khiến y che chở cho nàng, lại khiến lòng y có chút ghen tị với cảnh vợ con đề huề của Hoàng Dược Sư.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là con nhà giàu, có hẳn một vương quốc làm địa bàn, về mặt bất động sản thì hơn hẳn bốn vị còn lại. Đại Lý nằm ở phía nam, chủ yếu là khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay. Đất nước tuy nhỏ nhưng giang sơn cẩm tú, lại có nhiều loại đặc sản: hoa trà rực rỡ, trà Phổ Nhĩ ngát hương. Ẩm thực Vân Nam cũng ngon nổi tiếng, nói chung là ăn ở đều tuyệt.

Vẻ đẹp nên thơ của Đại Lý

Trong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã miêu tả món ăn Vân Nam như sau: “Quế công công, nhà bếp dặn tiểu nhân bẩm lại với công công, món canh Quá kiều mễ tuyến này nóng lắm, nhìn thì không thấy bốc hơi chứ thật ra đang sôi đấy. Món chân giò sấy Tuyên Thành này nướng với Tiền liên tử tẩm đường, gấp quá có khi chưa thật mềm, xin công công bỏ qua. Món này là gỏi đen Vân Nam. Đĩa này là khô cá công ở Nhĩ Hải Đại Lý, tuy không phải cá tươi nhưng mười phần quý báu, rán bằng dầu hoa hồng Vân Nam. Trong bình là trà bọt Phổ Nhĩ ở Vân Nam. Nhà bếp nói món gà hấp Vân Nam phải hơn hai giờ mới chín, chỉ còn cách buổi chiều sẽ đưa tới cho Quế công công lão nhân gia người”. Quả khiến cho người ta chảy nước bọt.

Ngoài ra Đại Lý tuy là một vương quốc riêng biệt nhưng việc di chuyển về Trung thổ thì rất đơn giản, gọi một chuyến Uber hay Grab là tới ngay, có thể nói là vị trí đắc địa.

Tây Độc Âu Dương Phong trấn vùng Bạch Đà Sơn thuộc Tây Vực. Nơi này chính là khu vực Tân Cương ngày nay, hồi xưa nó còn dính dáng đến các nước Ấn Độ, Ba Tư, Kyrgyzstan,… Không thể nói hết khí hậu khắc nghiệt, phong tục khác biệt, địa lý xa xôi cách trở, thua những nơi khác về mọi mặt. Âu Dương Phong chắc chắn không có cửa trong cuộc đua này nên khỏi cần bàn tiếp.

Kết luận: Nam Đế về nhất về nơi cư ngụ

*

Tổng kết lại, tỉ số là Đông Tà, Nam Đế hoà nhau 2-2. Nhưng xét lại, trong tình yêu thì nhà đẹp chức to như Nam Đế chưa chắc đã quan trọng bằng một mảnh tình si của Đông Tà. Có câu ngàn vàng dễ kiếm, tình lang khó tìm là vậy. Vì vậy xin bầu chọn Đông Tà là người chồng lý tưởng nhất trong Võ Lâm ngũ bá, có điều xin đừng bắt vợ học thuộc Cửu Âm Chân Kinh!

*

No comments:

Post a Comment