Wednesday, May 22, 2019

Những cái tên trong Hồng Lâu Mộng

Nhà phê bình kiêm lý luận văn học nổi tiếng người Pháp Roland Barthes từng nói: "Một cái tên [trong văn chương] luôn cần được phân tích kỹ lưỡng, bởi tên chính là vị chúa trùm của những biểu tượng." Trong trường hợp các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, tầm quan trọng của tên nhân vật lại càng rõ rệt hơn hết. Chi Nghiễn Trai là người đầu tiên quan tâm đến ý nghĩa đằng sau những cái tên trong Hồng Lâu Mộng. Đến thế kỉ 19, tác phẩm Hồng Lâu Mộng tuỳ bút (khuyết danh) lại tiếp tục đào sâu vào chủ đề hết sức thú vị này. Tính chất đặc biệt của tiếng Trung Quốc với vô số từ đồng âm hoặc hài âm đã biến công việc nghiên cứu Hồng Lâu Mộng trở thành một trò chơi tìm kho báu, qua đó tên nhân vật trở thành chìa khoá để mở những tầng lớp sâu xa của tác phẩm. Tạm thời có thể chia thành mấy loại:


1. Những cái tên gợi đến chủ đề của tác phẩm:

Tất cả những cái tên xuất hiện trong chương một của Hồng Lâu Mộng đều xứng đáng được phân tích kỹ càng. Ngay từ chương này, người đọc đã tiếp xúc với những địa danh mang màu sắc huyền bí, thần thoại: Đại Hoang Sơn (ngọn núi của sự hoang đường lớn) và Vô Kê Nhai (vách núi không có căn cứ, không được ghi lại). Từ hai cái tên trên có thể suy ra hai điều: những điều xảy ra từ nay về sau nói là mộng cũng được, là thực cũng được, hư hư ảo ảo, giả giả chân chân không biết đâu mà lần. Hơn thế nữa, việc bà Nữ Oa luyện đá vá trời cũng như việc họ Tào lấy chữ dệt lên câu chuyện Hồng Lâu Mộng, nói cho cùng, chỉ là hành động vô nghĩa, phi lý, không có ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực. Đây là cái nhìn nhuốm màu sắc bi quan. Nhân vật chính (Bảo Ngọc) lại chính là hòn đá thừa thãi không được sử dụng đầu thai mà thành. Có thể suy ra rằng Tào Tuyết Cần đã gửi vào Hồng Lâu Mộng tinh thần chán nản, bất đắc chí vì thất bại trong đường hoạn lộ. Ba vạn sáu ngàn năm trăm hòn đá vá trời, kích cỡ cao mười hai trượng, vuông hai bốn trượng, tất thảy đều được trọng dụng, chỉ trừ có "Thạch huynh". 36500 là số ngày trong năm nhân với 100 lần, 12 và 24 là số tháng trong năm và số giờ trong ngày. Những chi tiết này ám chỉ rằng: câu chuyện về hòn đá có ý nghĩa vượt thời gian.

Tác giả Tào Tuyết Cần

Hòn đá bị bà Nữ Oa bỏ rơi tại Thanh Ngạnh Phong (đỉnh núi có cây xanh). Nghe qua thì tưởng chỉ là miêu tả đơn thuần, nhưng hai chữ "thanh ngạnh" lại hài âm với "tình căn" - cái gốc của tình. Nhờ vậy ta biết Hồng Lâu Mộng là câu chuyện của tình, và hòn đá này chính là cội rễ của lưới tình. Tiếp theo đó, hòn đá gặp hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân. Mang Mang miêu tả không gian mênh mông, rộng lớn. Diểu Diểu có nghĩa xa xăm, mờ ảo. Kết hợp lại ta có từ "diểu mang" (miaomang): không thật, không đáng tin. Hai người này đã mang hòn đá về chốn hồng trần, nhưng chính bản thân họ cũng là những sứ giả của sự mơ hồ. Về sau, một đạo nhân tên là Không Không (không tồn tại của không tồn tại, nghĩa là tột cùng của không) vì ngẫm nghĩ câu chuyện hòn đá mà đổi tên thành Tình Tăng (nhà sư tình). Điều này chứng tỏ câu chuyện hòn đá có sức cảm hoá ghê gớm, có khả năng biến không trở thành sắc (tình).

Ba vị Không Không, Mang Mang, Diểu Diểu

Trong truyện có nói: "Sau Tào Tuyết Cần mười năm đọc bộ sách này ở trong hiên Điếu hồng, thêm bớt năm lần, xếp thành mục lục, chia ra từng chương từng hồi, lại đề là Kim lăng thập nhị hoa."

Mấy chứ "Điếu hồng hiên" đồng âm với "Điếu hồng trần" - khóc cho trần gian. Chưa cần đọc đã hiểu Hồng Lâu Mộng tràn đầy bi kịch. Tiền kiếp của Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau bên hòn đá Tam Sinh (ba kiếp) ám chỉ tình duyên của đôi trai gái này sẽ phải trải qua ba lần đầu thai mới có thể ở bên nhau. Khi Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau mới là kiếp thứ hai, vì vậy số mệnh buộc phải chia lìa. Tiền kiếp của Đại Ngọc rong chơi ở tầng trời Ly Hận (hận vì phải xa nhau), ăn quả Mật Thanh (điều bí mật) uống nước bể Quán Sầu (nước để tưới sự buồn), tất cả đều báo trước cuộc tình thê thảm của nàng.

Bảo Ngọc và Đại Ngọc

Nhân vật dưới trần đầu tiên xuất hiện là Chân Sĩ Ẩn. Cái tên này có hai nghĩa. Thứ nhất, Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là giấu giếm đi nhưng sự thực. Tên tự Chân Sĩ Ẩn hài âm với Chân Sự Ẩn, có nghĩa là sự thật bị ẩn giấu đi. Chân Sĩ Ẩn lãnh vai trò dẫn dắt Hồng Lâu Mộng - một câu chuyện nửa hư nửa thực, ấy là dùng mộng để nói đời. Tên thật của nhân vật này là Chân Phí, lại đồng âm với Chân Phế, nghĩa là đồ vô dụng, phế phẩm. Nếu Chân Sĩ Ẩn là phản chiếu của Bảo Ngọc thì có thể kết luận Bảo Ngọc "đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi."

Thứ hai, Chân Sĩ Ẩn còn có nghĩa kẻ sĩ thực thụ (chân sĩ) trốn tránh sự đời (ẩn). Điều này nói lên bản chất cương trực, không màng danh lợi, lánh đời của họ Chân, về cơ bản giống với tính cách và quá trình giác ngộ của Bảo Ngọc.


Chân Sĩ Ẩn đi tu

Ngược lại, người hàng xóm xấu tính của Chân Sĩ Ẩn là Giả Vũ Thôn lại ham mê phù hoa. Giả Vũ Thôn có ba tên gọi khác nhau: tên chữ Giả Vũ Thôn đồng âm với Giả Ngữ Thôn (lời quê mùa không thật,) tên tục Giả Hoá đồng âm với Giả Thoại (lời giả dối,) và Giả Thời Phi đồng âm với Giả Thực Phi (việc không thật.) Qua đó có thể thấy nhân vật này là biểu tượng cho sự giảo quyệt, xảo trá. Số phận lên voi xuống chó của Giả Vũ Thôn là ẩn dụ cho sự thăng trầm của Giả phủ, một nơi hiểm ác và giả tạo. Thế nhưng tuy tính cách hoàn toàn trái ngược, Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn lại vô cùng thân thiết với nhau. Điều này ám chỉ rằng trong Hồng Lâu Mộng, sự thật (chân) và sự dối trá (giả) cũng quấn quít, đan xen bên nhau, khó có thể phân biệt.

Giả Vũ Thôn làm quan

Quay trở lại chương một, con gái của Chân Sĩ Ẩn có tên Anh Liên. Chữ "anh" có nghĩa là dũng cảm, còn "liên" (hoa sen) vừa đẹp vừa trong trắng tinh khôi. Tên cũng như người, Anh Liên (Hương Lăng) là người phụ nữ có nhan sắc và tính cách thẳng thắn, can trường chịu đựng sự hành hạ của Tiết Bàn, nhưng Anh Liên còn đồng âm với "ứng liên" (đáng phải thương xót). Số phận của Anh Liên từ đầu đến cuối Hồng Lâu Mộng buồn nhiều hơn vui do sự tàn nhẫn của Tiết Bàn, sự độc địa của Hạ Kim Quế. Sau này Hạ Kim Quế lại đổi tên nàng thành Thu Lăng. Hoa lăng là củ ấu, nhưng chữ “lăng” còn có nghĩa lăng mộ, chữ "thu" hài âm với "khưu" cũng có nghĩa là mồ mả. Ý đồ nham hiểm của Hạ Kim Quế muốn ám hại Hương Lăng đã được tác giả báo trước từ câu chuyện đổi tên tưởng chừng vô thưởng vô phạt này.

Chân Sĩ Ẩn bế Anh Liên lúc nhỏ

Anh Liên từ thân phận tiểu thư cao quý, do số phận trớ trêu mà trở thành nàng hầu của Tiết Bàn. Ngược lại, a hoàn của Chân Sĩ Ẩn vì đứng hái hoa, liếc nhìn Giả Vũ Thôn mà sau này một trở thành chính thất của quan, được bao người ngưỡng vọng. Tên của a hoàn này là Kiều Hạnh (hoa hạnh mềm mại). Thứ nhất, cái tên nói lên vẻ đẹp ngọt ngào, say lòng của nàng ta. Thứ hai, Kiều Hạnh đồng âm với "kiểu hãnh" - tốt số, may mắn. Cái tên đã nói lên vận mệnh "một bước lên bà" của Kiều Hạnh.


Giả Vũ Thôn và Kiều Hạnh

Có lúc tên tuổi mô phỏng vận mệnh. Bốn tiểu thư trong phủ Giả có tên là Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, bốn chữ đầu của bốn tên hợp lại hài âm với nguyên ưng thán tức (vốn nên than thở), phản ánh số mệnh hẩm hiu của bốn người.


Bốn cô Xuân

Có lúc tên tuổi ám chỉ ngũ hành: Lâm Đại Ngọc mệnh mộc (lâm - rừng), Sử Tương Vân mệnh thuỷ (mây bay trên sông Tương), Tiết Bảo Thoa mệnh kim (thoa quý), Vương Hy Phượng mệnh hoả (phượng đỏ),...


Mười hai người đẹp ở Kim Lăng

Có lúc tên tuổi lại được dùng để làm ẩn dụ cho Tình. Tần Khả Khanh, nàng dâu lẳng lơ của nhà họ Giả, có tên tục là Kiêm Mỹ - ôm trọn hai vẻ đẹp. Khi lạc vào giấc mộng tình trong buồng ngủ của Khả Khanh, Bảo Ngọc đã gặp và ân ái với một nàng tiên mang tên Kiêm Mỹ - người kết hợp vẻ đẹp của cả Bảo Thoa và Đại Ngọc. Chữ "tần" và chữ "tình" cũng hài âm với nhau, vì vậy Tần Khả Khanh chính là kẻ dẫn dắt Bảo Ngọc vào cõi tình - nơi chứa đựng tình cảm luyến ái của Bảo Ngọc với nữ nhi. Ngược lại, em trai nàng - Tần Chung, lại đại diện cho tình cảm đồng tính. Tần Chung đồng âm với "tình chung" - mối tình chung thuỷ. Cha của hai chị em nhà họ Tần tên là Tần Nghiệp, đồng âm với "tình nghiệp" - nghiệp chướng của tình.


Bảo Ngọc cùng Kiêm Mỹ ân ái



Bảo Ngọc và Tần Chung

Trong cõi tình, Bảo Ngọc đã lần lượt gặp các nàng Si Mộng tiên cô, Chung Tình đại sĩ, Dẫn Sầu kim nữ, Độ Hận bồ đề. Bốn nàng tiên này chính là đại diện cho bốn giai đoạn của tình: đầu tiên là si mê, sau đó là chung tình, tiếp đến là sầu bi, cuối cùng là thù hận.

Bảo Ngọc và những nữ nhân bên mình

Có lúc tên tuổi không chỉ miêu tả nhân vật mà còn gắn liền với tư tưởng triết học mà tác giả muốn gửi gắm. Ở chương 73, ta bắt gặp Con Ngốc, một a hoàn nhỏ của Giả Mẫu. A hoàn này mới mười bốn tuổi, tính tình ngu đần, rất được Giả Mẫu yêu thích. Trong tác phẩm, tên của Con Ngốc là Xoạ Đại Tỷ (chị lớn ngốc). Theo Phật giáo, ngu ngốc đẻ ra tối tăm và đau khổ. Con Ngốc là một nhân vật phụ, nhưng sự xuất hiện của cô ta, dù ngắn ngủi, lại có ý nghĩa biểu tượng vô cùng to lớn, bởi nó đại diện cho sức mạnh đáng sợ của sự ngu dốt. Thứ nhất, việc Con Ngốc tìm được cái túi tú xuân với những hình ảnh chăn gối đã châm ngòi cho cuộc khám xét lớn trong nhà họ Giả, gián tiếp gây ra cái chết của Tình Văn. Ghê gớm hơn, kể từ đó cơ đồ nhà họ Giả tuột dốc không phanh, liên tiếp xảy ra những điều không may. Ngày mà các phu nhân nhà họ Giả ra lệnh khám xét người hầu trong nhà, trùng hợp thay, cũng là ngày nhà họ Chân bị triều đình chính thức điều tra. Thám Xuân đã nhận xét một cách ai oán:

"Các chị đừng vội, thế nào sau này các chị cũng có ngày bị khám đấy! Sáng hôm nay các chị chả bàn tán việc nhà họ Chân đấy à, chỉ mong được khám nhà, quả nhiên bây giờ được khám thực đấy. Dần dần rồi cũng đến lượt chúng ta thôi! Thế mới biết những nhà đại gia thế này, chỉ người ngoài đến thì một lúc không thể giết chết được. Chính đúng như người xưa đã nói: “Con sâu trăm chân, chết cũng không ngã!” Tất phải do người trong nhà giết lẫn nhau trước, mới tan nát, sạch sanh!"

Con Ngốc nhặt được túi Xuân Cung Đồ

Quả vậy, nói cho cùng, việc nhà họ Giả tan hoang cơ nghiệp đâu phải vì Con Ngốc, mà chính do sự ngu ngốc tồn tại sẵn trong con người họ: Phượng Thư mờ mắt vì tiền, Giả Xá ăn chơi đàng điếm, Giả Chính có mắt không tròng, người trong nhà đấu đá nhau, thi nhau ăn tiêu xả láng, kiếm tiền phi pháp. Con Ngốc ở đây chỉ đóng vai trò biểu tượng, đánh dấu cho một bước ngoặt lớn trong vận mệnh của nhà họ Giả.

Lần tiếp theo Con Ngốc xuất hiện cũng để lại hậu quả nghiêm trọng không kém. Giả Mẫu quyết định cho Bảo Ngọc kết hôn cùng Bảo Thoa. Trong thời gian chuẩn bị lễ cưới, Giả Mẫu ra lệnh cho tất cả mọi người giữ bí mật với Đại Ngọc và Bảo Ngọc, hy vọng rằng khi sóng gió qua đi, đôi tình nhân sẽ đành chấp nhận vận mệnh. Thế nhưng vào giờ phút sinh tử khi đám cưới sắp diễn ra, chính Con Ngốc lại vô tình cho Đại Ngọc biết tin động trời này. Vốn tưởng mình sẽ được kết hôn cùng Bảo Ngọc, Đại Ngọc đã bị cú sốc làm ngã quỵ. Nàng âu sầu mà chết, Bảo Ngọc sau đó cũng chán đời đi tu. Lại một lần nữa, sự ngu ngốc lại đem đến hỗn độn, khổ đau, chết chóc.

2. Những cái tên ám chỉ tính cách nhân vật:

Dùng tên để củng cố hoặc ẩn ý về tính cách nhân vật là một biện pháp cơ bản của văn học. Đặc biệt với các nhân vật mang họ Giả, trò chơi chữ giúp tác giả không cần tốn công sức mà vẫn có thể ám chỉ những phẩm chất tốt đẹp của họ là giả dối.

Đơn cử như ông cả của Ninh Quốc phủ mang tên Giả Kính. Đây là một đạo sĩ chỉ thích tu tiên thành bất tử, bỏ bê nhà cửa để ra sống chung cùng đạo sĩ. Chữ "kính" có nghĩa kính trọng, cũng hài âm với chữ "tịnh" - yên lặng. Thế nhưng kính trọng chỉ là giả mà tĩnh mịch cũng là giả, bởi Giả Kính là một kẻ dại dột. Niềm tin mù quáng của Giả Kính khiến ông ta chết vì nuốt kim đan.

Giả Chính cũng như vậy. Bên ngoài ông ta là một nhà nho điển hình, nhưng trên thực tế lại cổ hủ, cứng nhắc. Giả Chính: chân chính giả, nguỵ quân tử. Con trai ông ta, Giả Bảo Ngọc, cũng chỉ là một hòn ngọc giả, bởi thực ra chàng ta vốn là hòn đá vô dụng, đến kiếp này vẫn không làm được gì cho đời. Giả Xá lại là một kẻ dâm ô, ham mê phụ nữ. Chữ "xá" vốn có nghĩa tha tội, xá tội, nhưng Giả Xá không tha cho một phụ nữ nào được mắt, kể cả người hầu của mẹ. Nhận xét của các a hoàn về Giả Xá: "Lão già này thực là đê tiện quá! Hễ thấy ai hơi dễ coi là lão không chịu buông tha."

Giả Chính giáo huấn con trai

Không là ngoại lệ, ba nữ nhân vật chính là Đại Ngọc, Bảo Thoa, Diệu Ngọc cũng có những cái tên tượng trưng cho tính cách nhân vật.

Đại Ngọc là con người sống bằng cảm tính thay vì lý trí. Đại là thứ phấn màu đen dùng để kẻ lông mày, mà đôi lông mày là bộ phận có khả năng biểu đạt tình cảm rõ rệt trên gương mặt người phụ nữ: khi nhíu mày - phiền muộn, khi cau mày - giận dữ, khi nhướn mày - ngạc nhiên… Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau cũng của nàng chính là chi tiết đầu tiên đập vào mắt Bảo Ngọc cũng như độc giả. Phấn kẻ lông mày lại là thứ dễ tiêu tan, mau mờ nhạt. Cái tên đã nói lên bản chất thơ mộng, lãng mạn, song cũng rất đỗi mong manh của Đại Ngọc.


Đại Ngọc thổ huyết

Bảo Thoa lại là người phụ nữ cao quý, có dáng dấp của bậc mẫu nghi. Tên nàng - Bảo Thoa - là chiếc thoa đài các, tựa hồ rắn chắc, bền vững hơn hẳn thứ phấn phù du kia. Chất liệu của chiếc thoa cài tóc vốn phản ánh tầng lớp của người đàn bà trong xã hội: phụ nữ nghèo thì dùng thoa gỗ, thoa cành cây. Phụ nữ giàu có như Bảo Thoa thì cài thoa loan phượng bằng ngọc vàng quý giá. Thoa còn là vật dụng dùng để tạo kiểu tóc bằng cách uốn, kẹp, giữ. Nếu mái tóc mây để xoã biểu trưng cho sự phóng túng, tự nhiên, thì chiếc thoa chính là vật kìm hãm bản năng đó. Bảo Thoa cũng luôn giữ cốt cách đoan trang, tề chỉnh, là người tuân thủ chặt chẽ các quy ước của xã hội truyền thống.

Chữ "thoa" còn xuất hiện trong chương 62 dưới hai câu thơ khác nhau.

Bảo Ngọc nói:
- Chị ấy đố chữ “bảo” tất nhiên ở dưới chữ “bảo” phải là chữ “ngọc”. Tôi đoán chữ “thoa”, vì thơ cũ có câu: “Thoa ngọc gõ xong tàn đuốc lạnh”, đoán như thế chẳng đúng à?

Hương Lăng nói:
- Ngày trước tôi đọc thơ ngũ ngôn của Sầm Gia Châu có một câu: “Nơi này nhiều bảo ngọc”. Thế mà cô quên à? Sau đọc thơ thất ngôn tuyệt cú của Lý Nghĩa Sơn lại có một câu: “Thoa báu ngày nào không bám bụi?”

Hình ảnh "tàn đuốc lạnh" và "thoa bám bụi" đã báo trước số phận cô độc, hẩm hiu về sau của Bảo Thoa.


Tiết Bảo Thoa đùa bướm

Diệu Ngọc là cô gái xinh đẹp, tài hoa, có xuất thân quý tộc vào bậc nhất nhưng lại quy y làm ni cô. Diệu Ngọc vừa là thứ ngọc màu nhiệm, nhưng cũng đồng âm với "diệu dục" - thứ dục vọng phi lý. Diệu Ngọc thân đi tu nhưng từ hình tướng bên ngoài (để tóc dài, có người hầu hạ) đến suy nghĩ bên trong (khinh người nghèo khổ, ưa xa hoa, si mê Bảo Ngọc) đều trái ngược với triết lý của Phật pháp. Về cuối truyện, Diệu Ngọc rơi vào tay giặc cướp.Viên ngọc bị chà đạp trong bùn, người muốn giữ mình thanh cao lại rơi vào sự bẩn thỉu nhất, quả là một sự tréo ngoe của số phận.

Diệu Ngọc lên cơn mê sảng vì "điên tình"

Một nữ nhân vật phụ là Hình phu nhân, vợ của Giả Xá, cũng có cái tên phù hợp với tính cách của mình:

Phượng Thư thấy Hình phu nhân tính vốn khờ dại nhút nhát, chỉ tìm cách chiều chuộng Giả Xá để được yên thân, và tham vớ được nhiều tiền là thích, còn việc lớn nhỏ trong nhà đều mặc Giả Xá sắp đặt. Những khoản chi thu nào vào tay bà ta, thì tìm cách bớt xén thậm tệ. Bà ta thường lấy cớ Giả Xá hay hoang phí, ta phải tằn tiện, mới có thể bù vào. Trong bọn con gái, người hầu, không tin ai và cũng chẳng nghe ai.

Về địa vị mà nói, Hình phu nhân là người đàn bà đứng thứ hai trong Giả phủ, chỉ kém mỗi Giả mẫu. Nhưng trong cách hành xử bà ta hoàn toàn không được kẻ dưới khâm phục, bởi Hình phu nhân chỉ biết cúi đầu phục tùng Giả Xá, không hề đứng ra thu vén, quản lý công việc của gia tộc. Ngoài ra bà ta lại chiều ý chồng làm những việc vô luân, sẵn sàng ép kẻ thân cô thế cô làm vợ lẽ cho chồng, miễn không ảnh hưởng đến vị trí của mình. Chữ "hình" trong tên bà ta có hai cách viết, cách thứ hai 刑 nghĩa là bắt chước, làm theo, mô phỏng. Hình phu nhân quả thật giống như một con rối trong tay Giả Xá. Không phải ngẫu nhiên mà Hình phu nhân lại là người phát hiện ra Con Ngốc - sự kết hợp của hai cái ngây ngốc là khởi nguồn của tai hoạ.


Hình phu nhân dụ dỗ Uyên Ương làm vợ lẽ cho chồng

Tính cách vợ cả, nàng hầu của Tiết Bàn cũng được hé lộ qua những cái tên. Ở chương 80, Tiết Bàn là kẻ lăng nhăng vô lại, luôn thèm khát bạn tình mới. Bản dịch tiếng Việt gọi y là kẻ "được voi đòi tiên," còn trong nguyên tác là "đắc Lũng vọng Thục" (có đất Lũng lại mong đất Thục, chỉ lòng tham vô đáy.) Chữ "bàn" trong Tiết Bàn hài âm với từ "phán" (thèm muốn) và từ "tham" (tham lam). Mạt cưa gặp mướp đắng, Hạ Kim Quế lại là con người giả tạo, miệng nam mô bụng một bồ dao găm. Hoa quế vốn không nở mùa hè, do đó Hạ Kim Quế là một bông hoa giả, có sắc không hương. Kim Quế lại đồng âm với "quan quý" (矜貴) - kiêu căng, kiểu cách, đúng như mô tả về ả "tôn mình như đức Phật, rẻ người như bùn". Chữ "hạ" trong tên ả lại ám chỉ mùa hè làm tan chảy "tuyết" trong tên chồng (Tiết hài âm với tuyết). Bởi vậy mà vừa lấy nhau Tiết Bàn đã bị Hạ Kim Quế áp chế không ngửng đầu lên được.



Tiết Bàn và Hạ Kim Quế

Để phục vụ cho mục đích chia cắt Tiết Bàn khỏi Hương Liên, Hạ Kim Quế nghĩ ra cách sử dụng a hoàn nhỏ Bảo Thiềm. “Mình đương định bày binh bố trận làm hại Hương Lăng, chưa tìm được chỗ sơ hở, thì anh chàng đã lại lấm lét đến Bảo Thiềm. Mình hãy liều gán Bảo Thiềm cho hắn, thế nào hắn cũng thưa nhạt Hương Lăng. Thừa dịp ấy, ta sẽ gạt bỏ Hương Lăng, bấy giờ Bảo Thiềm là người của mình thì cũng dễ xử thôi”. Bảo Thiềm là đứa a hoàn tinh ranh, láu cá, và cũng không kém phần lẳng lơ. Chữ Thiềm đồng âm với chữ Sàm (ham muốn, thèm thuồng.) Trong nguyên tác, đến giờ ngủ, Kim Quế bảo Tiết Bàn thích ngủ đâu thì ngủ để khỏi thèm thuồng đến chết được, cũng sử dụng chữ Sàm (饞) này.


Một ví dụ khác là Tiều Đại, một nô bộc nhà họ Giả từng có ơn cứu chủ. Vì được biệt đãi, khi về già, lão trở nên vô cùng kiêu căng, tinh tướng, hay say rượu nói nhảm. Ở chương 7, y đã mắng đại tổng quản như sau: 7: “Cụ Tiều này chỉ ghếch một cái đùi lên, còn cao hơn cả cái đầu mày. Hai mươi năm về trước, mắt cụ Tiều này chẳng còn biết có ai, ai nói đến giống hèn mạt như chúng mày.” “Tiều Đại” gần âm với “tự đại” (自大) chính là để chỉ tính cách của y.

3. Những cái tên báo trước diễn biến câu chuyện:

Trong Hồng Lâu Mộng, nhiều khi tên của nhân vật được sử dụng như một thứ điềm báo nhằm phục vụ cho diễn biến của tác phẩm. Những cái tên này thường thuộc về những nhân vật phụ, ngoài rìa, phần lớn là kẻ hầu người hạ. Họ thường chỉ xuất hiện một lần duy nhất với mục đích dẫn dắt câu và nhấn mạnh chuyện. Đơn cử như anh chàng xấu số Phùng Uyên. Khi được nhắc đến ở chương 4 thì Phùng Uyên đã thành người thiên cổ.

...người bị đánh chết ấy là con một nhà hương hoạn nhỏ, tên gọi Phùng Uyên, bố mẹ chết sớm, không có anh em, sống nhờ một cái gia tài nhỏ, tuổi độ mười tám, mười chín, tính thích chơi bời với đàn ông, không gần gũi con gái. Nhưng đây cũng là oan nghiệp kiếp trước để lại. Một hôm, anh ta ngẫu nhiên gặp nữ tỳ này, nhất định mua về làm thiếp, thề không chơi bời với đàn ông và cũng không lấy người thứ hai nào nữa. Vì thế, việc mua này, đối với anh ta, coi là trịnh trọng lắm, hẹn ba hôm sau, tốt ngày, mới đón về. Ngờ đâu đứa bán người lại ngấm ngầm đem con nữ tỳ bán cho nhà họ Tiết. Nó muốn cuỗm tiền của cả đôi bên rồi trốn đi. Ai hay nó chạy không thoát, cả hai đều bắt được, đánh nó gần chết. Nhưng sau đó không nhà nào muốn lấy lại tiền, chỉ đòi lấy người. Công tử họ Tiết sai đầy tớ đánh công tử họ Phùng một trận nhừ tử, khiêng về nhà, ba ngày sau thì chết.

Phùng Uyên là nạn nhân của Tiết Bàn. Chữ Phùng còn có thể đọc theo nghĩa 逢 (gặp phải), chữ Uyên lại hài âm với chữ Oan 冤 (oan khuất, oán hờn). Sự bất hạnh của Phùng Uyên đã được báo trước ngay từ cái tên.


Ở ngay chương đầu tiên, khi Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn đang trò chuyện thì a hoàn vào báo "Có cụ Nghiêm đến chơi." Cụ Nghiêm là ai? Không ai biết, nhưng chữ Nghiêm (嚴) hài âm với Diệm (炎), tức là ngọn lửa. Ngôi nhà của Chân Sĩ Ẩn không lâu sau đó bị "bà hỏa" ghé thăm, cháy rụi chỉ còn đống gạch vụn. Cũng ở chương này, tên người hầu Hoắc Khải bế Anh Liên đi chơi nhưng vô ý để em bé bị lạc, sau đó sợ quá trốn đi. Hoắc Khải đồng âm với Họa Khởi (禍起), tai họa bắt đầu. Thằng cháu tên Hắc của bà già coi vườn ở chương 90 cũng có ý tương tự như vậy.


Người hầu của Liễu Tương Liên là Hạnh Nô, tên của y vừa báo trước sự "bé cái nhầm" của anh chàng Tiết Bàn (Hạnh Nô: người hầu có vẻ đẹp như hoa hạnh), lầm tưởng Liễu Tương Liên là đồng tính luyến ái giống y, vừa ẩn ý cho sự cả tin của Tiết Bàn vì đồng âm với Tín Nhữ (信汝) - tin tưởng.


Một nhân vật phụ khác là Trung Thuận Vương. Vị vương gia này là chủ của con hát Tưởng Ngọc Hàm và có mối tình đồng tính với y. Sau Tưởng Ngọc Hàm bỏ đi, kết thân với Bảo Ngọc. Vì Trung Thuận Vương sai người đến đòi của Bảo Ngọc mà khiến cậu ta bị Giả Chính đánh một trận thừa sống thiếu chết. Ở đây, cái tên của Trung Thuận Vương không nói về tính cách nhân vật mà dùng để ngụ ý chủ đề chương 33. Trung nghĩa là trung thành, Thuận tức là nghe lời. Vì lòng trung với vương gia mà Giả Chính đánh Bảo Ngọc, song cũng vì vâng lời Giả mẫu mà Giả Chính tha chết cho con trai.



Bảo Ngọc bị cha đánh

Một ví dụ khác là cặp vợ chồng “mạt cưa mướp đắng” hầu hạ cho Giả Liễn. Tên đầu bếp là Đa Quan, một kẻ say rượu thịt đến mức không biết trời đất gì, để cho vợ tằng tịu với vô số đàn ông, bao gồm cả chính ông chủ. Biệt danh của Đa Quan là “Đa hồ đồ”, biệt danh của Đa thị là “Đa cô nương” nhằm ám chỉ thói lẳng lơ của ả. “Đa Quan” hài âm với “đa hoán” (姑灌). Y sau này cũng vì rượu chè quá độ mà tử vong.
Ngoài vợ của Đa Quan, vợ của một nô tài khác là Bão Nhị cũng cặp kè với Giả Liễn. Tên của y đồng âm với Bao Nhị (包二), hay còn có nghĩa “ôm ấp cả hai”, “có hai lòng”. Tên của Bão Nhị vừa ám chỉ việc nhập nhằng giữa vợ y và Giả Liễn, vừa báo trước việc y sau này sẽ phản bội nhà họ Giả, ăn trộm tài vật quý giá. Về sau vợ y tự sát vì bị lộ chuyện ngoại tình, y lại kết hôn với Đa cô nương, vợ góa của Đa Quan. Một kẻ “hai lòng”, một kẻ “nhiều tim”, quả thật rất hợp nhau!

Người em cùng cha khác mẹ của Bảo Ngọc là Giả Hoàn thường xuyên đối đầu với anh mình. Không ít lần y đâm bị thóc chọc bị gạo, vu oan giá họa để Giả Chính phạt Bảo Ngọc thật nặng. Có lúc Giả Hoàn còn suýt làm Bảo Ngọc mù mắt. Chữ Hoàn (攌) trong Giả Hoàn có nghĩa “giam giữ, trói buộc”, lại đồng âm với từ Hoàn (环), nghĩa là vòng quanh, nhằm ám chỉ những hành vi lắt léo nhằm mục đích bẫy người khác, và chữ Hoạn (患) trong từ hoạn nạn. Về sau Giả Hoàn còn hãm hại Xảo Thư, định bán nàng làm lẽ, mà mà kịp cứu.


Giả Hoàn hại Bảo Ngọc

Hai “đồng bọn” của Giả Hoàn cũng có những cái tên không mấy tốt đẹp. Anh ruột Phượng Thư là Phượng Nhân chính là đồng phạm của Giả Hoàn trong vụ bán Xảo Thư, cũng là một kẻ rất gian manh, luôn tìm cách trục lợi từ nhà họ Giả. Phượng Nhân (王仁) hài âm với Vong Nhân (忘仁) - quên đi lòng nhân từ. Mẹ của Giả Hoàn, Triệu Di Nương, từng sử dụng tà thuật để hãm hại Bảo Ngọc và Phượng Thư. Chữ Triệu (赵) trong tên mụ gần âm với chữ Tao (糟), có nghĩa là hỏng, kém, bại hoại. Chữ Tao (糟) này còn xuất hiện ở nhân vật Triệu Toàn ở hồi 105, người chỉ huy quân Cẩm y vệ đến khám xét, bắt bớ nhà họ Giả. Cái tên Triệu Toàn còn đồng âm với “tịch thu tất cả” (抄全).



Triệu Di Nương lên kế hoạch ám hại Bảo Ngọc và Phượng Thư
Người anh họ của Tình Văn tên Ngô Quý, làm việc trong nhà bếp của Giả phủ, cũng là một kẻ hèn kém. “Anh ta cứ rượu chè, chẳng nhìn đến vợ con. Cô vợ là người sắc đẹp đa tình, thấy chồng không nhìn đến, không biết gió trăng là gì, chỉ suốt ngày say khướt, nên chị ta thường có những câu than vãn mặt ngọc phôi pha, má hồng quạnh quẽ. Thấy chồng bụng dạ rộng rãi, không chút nghi kỵ, ghen tuông, chị ta liền giở lối trăng hoa, đĩ thoa, thu phục hầu hết những tay "anh hùng hảo hán" trong phủ Giả.” Chữ “Quý” đồng âm với chữ “Quy” (龜) - con rùa. Trong văn hóa Trung Quốc, con rùa đen rụt đầu rụt cổ là biểu tượng cho người đàn ông hèn nhát và hay bị cắm sừng.
Trong số những kẻ ăn người ở của Giả phủ, vợ Vương Tiến Bảo là một nhân vật có tương đối nhiều đất diễn. Mụ ta là kẻ xu nịnh, lộng quyền, có tính trên đội dưới đạp. Khi bất ngờ được trao quyền khám xét những cô gái trẻ trong Giả phủ, mụ bị quyền lực che mờ mắt đến nỗi dám sờ vào người Thám Xuân và bị ăn tát đau. Cụm từ “tiến bảo” hài âm với “thượng báo” (上報) - mách với cấp trên.

Vợ Vương Tiến Bảo bị ăn tát đau

Điều tréo ngoe là khi hăm hở tìm cách vạch trần các cô gái trong Giả phủ, vợ Vương Tiến Bảo lại vô tình vạch trần đúng câu chuyện của cháu ruột mình - Tư Kỳ, người hầu của Nguyên Xuân. Tư Kỳ là một cô gái can đảm, dám sống với tình yêu của mình, nhưng người tình của nàng lại hèn nhát, chối bỏ trách nhiệm. Tư Kỳ đã đập đầu tự sát. Tư Kỳ (司棋) nói lái là Kỳ Tử (期死) - chờ chết.


Nhiều khi tên nhân vật vừa bao gồm tính cách, hành động, diễn biến, vừa nói lên chủ đề bao trùm của tác phẩm. Trong Hồng Lâu Mộng còn có rất nhiều nhân vật phụ như vậy. Tên bạn rượu của Tiết Bàn tên Ngô Lương, nói dối để gỡ tội cho Tiết Bàn, đồng âm với Vô Lương (無良) - vô lương tâm. Tên Lý Thập, người hầu của Giả Chính, làm những việc ăn của đút, tham ô vô lại dưới trướng chủ, đồng âm với Lý Sự (理事) - chuyên quyền, tự ý. Bên ngoài thế giới thanh sạch của Đại Quan Viên thì thế giới rộng lớn trong Hồng Lâu Mộng chủ yếu là thế sự nhơ nhớp, tàn nhẫn.


4. Những cái tên mang ý đả kích, châm biếm



Ngụ ý của tác giả về thế tục nhơ nhớp không chỉ gói gọn trong thế giới của Hồng Lâu Mộng mà còn ám chỉ toàn bộ hệ thống tư tưởng của xã hội Trung Quốc. Địa điểm “thế tục” đầu tiên được nhắc đến trong Hồng Lâu Mộng, cũng là khởi nguồn cho các tình tiết “thế tục” trong truyện là đất Thập Lý, ngõ Nhân Thanh, miếu Hồ Lô. 



Thập Lý hài âm với “thế lợi” (勢利) - thế lực. Nhân thanh hài âm với “nhân tình” (人情) - tình riêng. Hồ Lô hài âm với “hỗn độn” (糊塗), theo lời Chi Nghiễn Trai. Khởi điểm của Hồng Lâu Mộng vì thế bị chi phối bởi những yếu tố trần tục và rối loạn. Không những thế, khi Chân Sĩ Ẩn bị cháy nhà, phải sống nương tựa nhạc phụ, thì lại gặp phải sự thất vọng lớn.



Sĩ Ẩn phải bán trang trại, đem vợ và hai người đầy tớ gái về ở với bố vợ là Phong Túc, một người làm ruộng, nhưng là hạng giàu có ở châu Đại Nhự Thấy con rể bối rối đến ở nhờ, Phong Túc trong bụng khó chịu. Sĩ Ẩn may còn có số tiền, liền bỏ ra nhờ bố vợ mua hộ nhà đất để làm kế sinh nhai. Phong Túc vừa mua vừa ăn bớt, chỉ còn được một ít nhà nát ruộng xấu. Sĩ Ẩn lại là nhà nho, không quen việc cày cấy, gượng gạo qua một vài năm, vốn liếng hết sạch. Phong Túc trước mặt rể thì nói năm ba câu sáo, nhưng khi gặp người khác thì lại nói xấu rể chỉ quen ăn biếng làm. Sĩ Ẩn biết thế, trong lòng rất hối hận, nghĩ đến tai biến năm trước, vừa tức vừa giận, lại thêm ấp ủ mối thương tâm.



Phong Túc đồng âm với Phong Tục - nhạc phụ của Chân Sĩ Ẩn coi như đại diện của nền nếp phong tục Trung Hoa. Nhưng bản chất của phong tục đó ra sao? Là gian lận, trên đội dưới đạp, tàn nhẫn ngay cả với ruột thịt mình. Chân Sĩ Ẩn - sự thật bị ẩn giấu, bị Phong Tục đè nén trở nên vô cùng bất đắc chí. 



Một nhân vật nữ trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách là Lý Hoàn, lại là biểu tượng cho phong tục Trung Hoa ở khía cạnh đè nén tính nữ. Trong bài này đã phân tích kỹ. 



Trong nhà họ Giả, ngoài các chủ nhân và người hầu cận, còn có một nhóm đặc biệt: những gia khách, hay môn khách được nuôi ăn ở tại nhà quý tộc môn hào ngày xưa. Vị trí của họ cao hơn những kẻ ăn người ở đơn thuần, có sự tôn trọng nhất định của chủ nhân. Trên lý thuyết, những môn khách này có thể giúp đỡ bày mưu kế, làm cố vấn để giúp đỡ chủ nhân trong những công việc đòi hỏi trí tuệ hoặc chuyên môn cao. Nhưng trên thực tế, những môn khách của nhà họ Giả đều là những kẻ ăn bám. Công việc hàng ngày của họ chỉ có ngâm thơ, đùa chơi, uống rượu, đánh cờ với các chủ nhân. Kĩ năng chủ yếu của họ là xu nịnh, khiến Bảo Ngọc vô cùng chán ghét.   


























Tên họ của những gia khách này như sau: Chiêm Quang (詹光) hài âm với Triêm quang (沾光)- lợi dụng người ta, Thiện Sính Nhân (单聘仁) hài âm với Thiện phiến nhân (善骗人) - lừa dối người, Bốc Cố Tu (卜固修) hài âm với Bất cố tu (不顾羞) - không biết xấu hổ, Bốc Thế Nhân (卜世人)  hài âm với Bất thị nhân( 不是人) - không ra con người. Qua việc đặt tên những gia khách, Tào Tuyết Cần không chỉ phê phán một hiện tượng trong các gia đình quý tộc mà còn phủ nhận cả một tầng lớp những kẻ sĩ Nho học, có một bụng kiến thức văn chương nhưng cách sống và mục đích sống vô cùng hèn kém, luồn cúi, vô ơn, không hề có nghĩa khí. Bộ mặt thật của những kẻ sĩ đã được vạch trần vào chương 105. Khi bọn gia khách đang cùng uống rượu với Giả Chính thì Triệu Toàn đến bắt bớ:



Mọi người nghe vậy biết là việc này liên can đến cả hai phủ, chỉ lo không biết làm thế nào để thoát thân. Lại thấy vương gia cười bảo:


- Các vị cứ đi ra. Gọi người đưa họ ra cho ta và nói với quan viên ở phủ Cẩm y rằng: đây đều là bạn hữu thân thích, bất tất phải tra xét, mau mau thả cho họ ra.


Bọn bạn bè quen thuộc nghe nói, liền chạy một mạch như bay, riêng Giả Xá và Giả Chính khiếp sợ, mặt tái mét, người run lẩy bẩy.



Tên của những ông lớn của Giả Phủ cũng mang nghĩa châm biếm. Được coi là tầng lớp tinh hoa của xã hội phong kiến Trung Quốc, có tất cả những lợi thế về của cải, dòng dõi, địa vị, song tính cách của họ lại thường đi ngược với hàm ý tốt đẹp của cái tên. Giả Xá - Xá là tha thứ, từ bi, nhưng Giả Xá không chỉ tham lam mà còn rất tàn nhẫn, sẵn sàng hành hạ người khác đến chết để thỏa mãn dục vọng của mình, bất kể là để cưới nàng hầu đẹp hay chiếm mấy chiếc quạt của người khác. Giả Trân - Trân là quý báu, xong Giả Trân lại là nhân tố vô dụng, phá hoại hết cơ nghiệp của tổ tiên. 



Một số cái tên trong Hồng Lâu Mộng có hàm nghĩa mỉa mai, nực cười. Ở chương 66, Tiết Bàn và hầu cận bị giặc cướp ở châu Bình An - nơi tưởng an toàn nhất lại là nơi nguy hiểm nhất. Một chi tiết bị nhiều người bỏ qua là quan tiết độ của châu Bình An sau này chính là người toa rập với Giả Xá để vơ vét người dưới, trực tiếp gây nên sự sụp đổ của nhà họ Giả. Đến chương 99, Tiết Bàn lại đến huyện Thái Bình - nơi y vướng vào vụ đánh nhau và giết chết người bán rượu. Vị vương gia đến quản lý việc khám xét, giam giữ người họ Giả cũng có tên là Tây Bình Vương. Chứa chữ “bình” nhưng đều là những người, những nơi xúi quẩy.



Nhìn một cách rộng hơn, Tào Tuyết Cần dường như muốn nhắc nhở cả những nhân vật trong truyện lẫn người đọc Hồng Lâu Mộng đừng bị đánh lừa bởi vẻ ngoài. Một con người, một sự vật, sự việc có một cái tên may mắn và tốt đẹp, nhưng lại tiềm ẩn hiểm nguy vô cùng. Nếu bị ru ngủ bởi “sắc” - cái bên ngoài mà quên đi “chân sự ẩn” - sự thật bên trong thì sẽ mau đi vào đường tối. Ở hồi thứ 2, cuộc trò chuyện giữa Giả Vũ Thôn và Lãnh Tử Hưng đã tóm tắt trước tính chất “trong héo ngoài tươi” của Giả phủ:



Giả Vũ Thôn:



Năm ngoái tôi đến Kim Lăng, vì muốn thăm di tích Lục Triều 1. Khi tôi đến thành Thạch Đầu, có đi qua hai nhà ấy. Con đường bắc lộ bên đông là phủ Ninh Quốc, bên tây là phủ Vinh Quốc, hai nhà liền nhau, chiếm quá nửa phố. Ngoài cửa chính tuy vắng vẻ không có người, nhưng nhìn qua tường, thấy trong đó điện đài lầu gác rất là nguy nga; ngay cái vườn hoa đằng sau, cây cối núi non vẫn sầm uất tươi tết, đâu phải là nhà suy sút?



Lãnh Tử Hưng cười nói:



Không ngờ tiên sinh đỗ tiến sĩ, mà lại chẳng thông tí nào! Cổ nhân đã nói: "con sâu trăm nhân, chết vẫn không ngã". Hai nhà này tuy không phồn thịnh bằng lúc trước, nhưng so với những nhà sĩ hoạn bình thường vẫn còn khác xa. Hiện giờ người nhiều, công việc bề bộn. Thế mà từ thầy đến tớ, chỉ biết hưởng thụ phú quý, không người nào lo tính công việc. Đến nỗi hàng ngày phung phí cũng không biết tinh giảm; bề ngoài xem ra không thấy có gì thay đổi, nhưng bề trong thực trống rỗng cả rồi. Đó là việc nhỏ, còn có việc lớn nữa: một nhà phú quý dòng dõi thi thư như thế mà ai ngờ con cháu lại càng ngày càng suy sút!


























Bằng bút pháp hoán dụ, Tào Tuyết Cần đã mượn sự tan rã của Giả phủ để ám chỉ sự suy tàn của Thanh triều. Hồng Lâu Mộng được viết dưới thời Càn Long, khi sự xa xỉ vô độ của hoàng đế đã tạo ra những công trình nguy nga, vật phẩm tráng lệ, phần nào che đi những đứt gãy, hủ bại của triều đình và cảnh lầm than của người dân. Người ta hay nói “Khang - Càn thịnh thế”, thời Khang Hi, Càn Long cường thịnh, còn “Gia - Đạo trung suy”, thời Gia Khánh, Đạo Quang mới bắt đầu rệu rã. Nhưng trên thực tế, những mầm mống hủy diệt đã được gieo rắc ngay từ thời Càn Long, một phần lớn vì sự hoang phí, sủng ái nịnh thần của vị hoàng đế này.



Tào Tuyết Cần cũng kín đáo biểu lộ sự bất bình với thói tiêu pha của hoàng đế, không chỉ qua những cảnh khắc họa cuộc sống hưởng thụ của nhà họ Giả mà còn qua chi tiết sau: thời Càn Long, sáu chuyến du Giang Nam vô cùng xa hoa của hoàng đế đã làm cạn kiệt ngân khố, nhận sự chỉ trích của các sử gia đương thời, trong đó chắc chắn có Tào Tuyết Cần. Nhà vua (không được nhắc tên) trong Hồng Lâu Mộng có thói quen du hành lãng phí cùng cực như vậy chính là hình ảnh phản chiếu của Càn Long. Hãy đọc đoạn dưới đây:



 Phượng Thư cười nói:


- Nếu quả như thế, thì phen này tôi được thấy một việc lớn nhất đời. Tiếc rằng tôi sinh sau đẻ muộn, nếu sớm độ hai ba mươi năm, thì còn ai dám khinh tôi là không biết việc đời. Thấy nói ngày trước đức Thái tổ hoàng đế ta bắt chước việc vua Thuấn đi tuần, quang cảnh nhộn nhịp hơn cả những chuyện trong sách, nhưng tôi không được trông thấy.


Vú Triệu nói:.


- Ối chà! Thực là một việc nghìn năm hiếm có! Tôi nhớ họ Giả nhà ta hồi còn ở miền Cô Tô, Dương Châu, trông nom việc đóng thuyền bể, và sửa sang đường bể, chỉ có sửa soạn đón tiếp vua một lần, mà tiền bạc tiêu như bể nước. Nhắc đến thì...


Phượng Thư vội nói tiếp:


- Họ Vương nhà tôi cũng đã sửa soạn đón tiếp vua một lần rồi. Bấy giờ ông tôi còn giữ riêng việc đón tiếp người các nước đến triều cống. Người nước ngoài đến, đều do nhà tôi tiếp đãi cả. Những thuyền bè hàng hóa ở ngoài đến các tỉnh Việt, Mân, Điền, Chiếng 5 đều là của nhà tôi.


Vú Triệu nói:


- Ai chẳng biết việc ấy? Hiện giờ còn có câu tục ngữ "Vua Đông Hải thiếu ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng nửa lạng". Câu ấy chỉ vào nhà mợ đấy. Lại còn nhà họ Chân ở Giang Nam. Ôi chà! Thần thế như trời! một mình nhà ấy đón vua bốn lần. Nếu không phải chính mắt chúng tôi trông thấy, thì nói không ai tin. Không những coi tiền bạc như bùn, mà các thứ ở đời, hết thảy đều có, cứ chồng chất như rừng như núi ấy. Nhưng tránh sao khỏi bốn chữ "Tội lỗi đáng tiếc".



Mặc dù tác giả đã qua đời trước khi chứng kiến cảnh nhà Thanh dần dần suy tàn, nhưng những dự báo của ông thông qua số phận của nhà họ Giả đã được lịch sử chứng minh là hoàn toàn chính xác.



No comments:

Post a Comment