Điêu khắc cũng là một nhánh của nghệ thuật thị giác nhưng không “nổi bần bật” như hội hoạ, không có tính ứng dụng cao như kiến trúc và thiết kế, không phổ biến như phim ảnh. Bởi thế mà độ phủ sóng của điêu khắc còn chưa cao so với các ngành nghệ thuật khác. Chưa kể việc cảm nhận một tác phẩm điêu khắc bị hạn chế rất nhiều nếu ta không thể đến tận nơi ngắm nó. Đó quả là một điều đáng tiếc.
Mỗi khi đi bảo tàng nước ngoài tôi luôn thích xem các tác phẩm điêu khắc vì tính ba chiều của chúng, thật sống động và nhiều cảm xúc. Trong bài này, thay vì nói đến những kiệt tác vốn đã quá nổi tiếng (David, Nefertiti, The Thinker,…) tôi muốn viết về 5 tác phẩm hay ho mà chưa nhiều người biết đến. Những câu chuyện liên quan đến chúng cũng rất thú vị.
Bài 1. The Veiled Christ
Đây là một bức tượng đặc sắc nằm ở nhà thờ Sensevaro, trung tâm thành phố Naples, Ý. Nhiều người thậm chí còn cho rằng nó đứng ngang hàng với Pieta của Michelangelo. Người đặt hàng tác phẩm này là Raimondo di Sangro, hoàng tử thứ bảy của thành San Severo.
Chân dung hoàng tử di Sangro
Yêu cầu của Raimondo di Sangro là “một tác phẩm miêu tả Chúa sau khi qua đời, phủ trên là lớp vải trong suốt tạc từ cùng một khối đá.” Vừa hoàn thành xong phần mẫu bằng đất nung (bozzetto) thì nghệ sĩ Antonio Corradini chết đột ngột, thế là công việc được chuyển sang chàng trai trẻ Giuseppe Sanmartino.
Bản mẫu bằng đất nung giờ vẫn còn
Rất tự tin, chàng ta không để ý cho lắm đến mẫu của người tiền nhiệm mà cứ thế tạc lên một tác phẩm vượt trội hơn hẳn. Sẽ không quá lời nếu nói Veiled Christ ngay lập tức trở thành huyền thoại. Điêu khắc gia nổi tiếng Antonio Canova (cha đẻ của tượng Amor và Psyche đặt tại Louvre) từng tuyên bố sẵn sàng đánh đổi 10 năm tuổi thọ nếu tạo ra được tác phẩm để đời như vậy.
Cận cảnh bức tượng:
Gương mặt Jesus vẫn hằn dấu vết đau đớn của việc bị đóng đinh câu rút trước khi chết, song lại có vẻ yên bình kì lạ. Trên trán Người là một mạch máu nổi gồ, sưng to vì căng thẳng.
Những “nếp vải” cẩm thạch mềm mại như nước nhưng vẫn để lộ đường nét cơ thể của Jesus: trạng thái co cứng (rigor mortis) của cơ bắp sau khi từ trần. Thậm chí việc che phủ còn khiến những chi tiết kia nổi bật hơn, sự đau đớn càng được nhấn mạnh.
Nhìn từ trên xuống. Chiếc gối và các ngù lông và giường cũng hoàn toàn tạc từ cẩm thạch.
Dưới chân Chúa đặt những dụng cụ tra tấn: mão gai, kìm, xiềng xích. Tất cả đương nhiên cũng làm từ cẩm thạch. Trên bàn chân là những vết thương và mạch máu.
Bản thân hoàng tử Raimondo di Sangro cũng bị bức tượng hớp hồn. Theo ông, kể cả những người quan sát tinh tế nhất cũng phải lưỡng lự không biết tấm vải kia là thật hay không. Bản thân Raimondo di Sangro lại là người ham mê nghiên cứu khoa học và nhà giả kim có tiếng, ông đã sáng chế ra nào máy thủy lực (vật lý), lửa vĩnh cửu (hóa học), pháo hoa nhiều màu, một loại máy in,… Có người ác miệng còn nói ông giết người để lấy máu, xương phục vụ cho giả kim thuật.
Một truyền thuyết từ đó được sinh ra: rằng một tấm vải hẳn hoi đã được phủ lên bức tượng Chúa, sau đó bằng một quy trình hóa học bí mật, Raimondo di Sangro và Giuseppe Sanmartino đã “cẩm thạch hóa” nó, và kết quả là như ta thấy! Truyền thuyết này tồn tại những ba thế kỉ và khiến ối người nửa tin nửa ngờ, bởi “tấm vải” cẩm thạch ấy quả thực là quá… ảo diệu. Phải đến khi những bức thư và hóa đơn của di Sangro và Sanmartino được công bố thì người ta mới gật gù, hóa ra truyền thuyết còn chưa kì lạ bằng sự thực: toàn bộ thân hình Chúa Jesus, tấm vải, gối đệm, xiềng xích,… được tạc từ một khối cẩm thạch duy nhất dính liền.
Giuseppe Sanmartino ơi, ông thật là tài quá đi mà!
*
No comments:
Post a Comment