Sunday, December 17, 2017

Tiết Bảo Thoa: “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

Tiết Bảo Thoa, như chúng ta đã từng bàn ở đây, có thể được coi là một “lãnh mỹ nhân” (người đẹp lạnh lùng) điển hình. Từ cái tên (Tiết đồng âm với tuyết), nơi ở (được ví như một hang tuyết: xuedong yiban – tuyết động nhất phần), cho tới món thuốc lạnh lẽo Lãnh hương hoàn, dường như Bảo Thoa là một khối băng thuần túy. Thế nhưng đọc kỹ mà xem, ta sẽ phát hiện thấy bên dưới lớp vỏ giá buốt đó là một trái tim nồng cháy, thậm chí trong Bảo Thoa có hiện diện cả những sắc thái khác nhau của “tình”, của “dục”, và “ý dâm.”
Tiết Bảo Thoa
Đối lập với Đại Ngọc buồn giận yêu ghét đều rõ rệt, Bảo Thoa kín đáo hơn. Nếu câu thơ ứng với Đại Ngọc là Ngọc đới lâm trung quải – đai ngọc treo giữa rừng, thì Bảo Thoa là Kim trâm tuyết lý mai – trâm vàng vùi trong tuyết. Người đời có thể nhìn thấy Đại Ngọc, khóc cùng nàng, tôn thờ nàng, còn Bảo Thoa thì sao? Nàng là cành thoa quý bằng vàng vô giá, nhưng đã bị lấp đi dưới lớp tuyết lạnh lẽo. Nàng giấu kín cảm xúc, lặng lẽ im lìm. Chỉ người nào biết giá trị của nàng, lại có lòng tìm kiếm, mới có thể chạm đến phần quý báu, sâu sắc nhất của Bảo Thoa. Nói cách khác, Bảo Thoa mong chờ một người tri kỷ. Tiếc thay cho đến cuối Hồng Lâu Mộng, người đó vẫn không xuất hiện, khiến trâm vàng – bản thể thực sự của Bảo Thoa – mãi mãi không được lộ diện.
Ở một ví dụ khác, hãy cùng xem lại lần Giả Chính vào thăm vườn Đại Quan:
Giả Chính nói:
– Tòa nhà này ở đây chẳng có nghĩa lý gì!
Rồi bước vào cửa. Chợt thấy mặt trước có một quả núi đá lấp lánh cao ngất trời, xung quanh bao bọc bằng các thứ đá đủ các màu, che kín hẳn những nhà cửa bên trong. Ở đây, không có một gốc cây, toàn những cỏ lạ hoặc leo lên núi, hoặc bò ra đất hoặc từ trên núi rủ xuống, hoặc luồn qua khe đá chui ra; lại có những dây từ mái nhà bò xuống, leo quanh cột chằng chịt cả bờ hè, như vải xanh phất phơ, như sợi vàng uốn khúc, quả đỏ hoa vàng, hương thơm ngào ngạt, không một thứ hoa nào có thể bì được.
Giả Chính đến thăm
Khi mới nhìn thấy nơi ở tương lai của Bảo Thoa, ấn tượng đầu tiên của Giả Chính là nhạt nhẽo, đáng chán, “chẳng có ý nghĩa gì”. Thế nhưng khi bước chân vô, ông lại thấy một quả núi đá cao ngất che lấp những nhà cửa, thực vật đẹp đẽ bên trong. Càng vào sâu, Giả Chính và mọi người càng khám phá thêm nhiều điều kỳ thú, đặc biệt là một loài hoa có mùi hương quyến rũ “không hoa nào có thể bì được”. Không những loài hoa này làm ta liên tưởng đến mùi thơm đặc biệt của Bảo Thoa khiến Bảo Ngọc ngây ngất ở hồi 8, nó còn là ẩn dụ về vẻ đẹp giấu kín của nàng. Để cảm nhận nét duyên ngầm của Bảo Thoa, phải vượt qua được thành lũy bên ngoài, bởi nàng không phô bày, diêm dúa. Thế nhưng một khi đã tiếp cận được phần cốt lõi, tính túy ấy, ta mới nhận ra Bảo Thoa mới chính là “chúa hoa,” đứng đầu phái nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Bảo Thoa lại ứng với mẫu đơn, thứ hoa được mệnh danh là 花王 – hoa vương.
Bảo Thoa không những ý thức được giá trị của mình, nàng còn tự hào một cách kín đáo về điều đó. Khí chất của nàng được biểu lộ rõ qua bài thơ vịnh hoa hải đường trắng với những câu như “Cửa khép vì hoa khép suốt ngày”, “Phấn son rửa sạch thềm thu nọ”, “Lạt thếch hoa càng thêm được vẻ”. “Băng tuyết vời về bực móc đây”. Tinh thần băng thanh ngọc khiết mà không cao ngạo này là lý do bài thơ của Bảo Thoa được xếp trên tác phẩm ủy mị, sầu bi của Đại Ngọc một bậc, khiến nàng trở thành quán quân đầu tiên của Hải đường Thi xã. Có thể nói tuy người đọc và Tào Tuyết Cần đều có lòng thương yêu, thiên vị Đại Ngọc, nhưng chính Bảo Thoa mới là nhân vật toàn mỹ, cao quý nhất trong thập nhị thoa.
*
Trong phạm vi tác phẩm, tính nhị nguyên (duality) của Bảo Thoa là một điểm đặc sắc. Tình cảm nóng bỏng của nàng không thể được khắc họa quá lộ liễu, bằng không nó sẽ phá vỡ thế cân bằng của bộ ba Bảo Ngọc-Đại Ngọc-Bảo Thoa.
Bảo Ngọc vén rèm vào, thấy Bảo Thoa đương ngồi trên giường thêu kim tuyến, đầu vén, tóc đen nhánh, mặc áo bông màu gụ, cái khoác vai màu tím nhạt viền kim ngân tuyến, quần lụa bông lót màu vàng. Tất cả đồ mặc đều đã rung rúc, giở cũ giở mới, nhìn không có vẻ xa hoa mà lại thêm nhũn nhặn, môi không tô mà đỏ, mày không kẻ vẫn xanh, mặt như mâm bạc, mắt sáng long lanh. Điềm đạm ít lời, có người cho là giả dại; tùy thời đối xử, tự mình chỉ biết phận mình.
[…]
Bảo Thoa xem xong, lại giơ mặt trước xem kỹ, mồm lẩm nhẩm đọc: “Mạc thất mạc vương, tiên thọ hằng xương”. Sau đó Bảo Thoa quay lại bảo Oanh Nhi:
– Mày không đi pha nước à? đứng ngẩn ra đấy làm gì?
Oanh Nhi cười hì hì nói:
– Tôi nghe hai câu này như là đối với hai câu khắc ở cái khóa cổ của cô.
Bảo Ngọc nghe nói, vội cười hỏi:
– Thế ra khóa của chị cũng khắc tám chữ à? Cho tôi xem nào?
Bảo Thoa nói:
– Anh đừng nghe nó, chẳng có chữ gì cả.
Bảo Ngọc nằn nì mãi:
– Chị ơi, chị coi tôi như thế nào?
Bảo Thoa không từ chối được mới nói:
– Đó chẳng qua vì có hai câu chúc tụng tốt lành, nên ngày nào tôi cũng đeo, nếu không thì nó nặng chình chịch, đeo có thú gì!
Bảo Thoa vừa nói vừa cởi dây, lấy cái chuỗi ngọc có kết hạt châu ở trong cổ áo đại hồng ra.
Bảo Ngọc vội đỡ lấy xem, quả nhiên mỗi mặt có bốn chữ, hai mặt thành hai câu tám chữ: “Bất ly bất khí, phương linh vĩnh kế”.
Bảo Ngọc xem xong lẩm nhẩm hai lần, lại nhẩm câu của mình hai lần, cười nói:
– Chị ơi! Tám chữ này với tám chữ của tôi thành một câu đối.
Oanh Nhi cười nói:
– Đó là hòa thượng chốc đầu cho đấy. Người bảo phải khắc vào cái khóa vàng.
Bảo Thoa ngắt lời mắng:
– Sao mày không đi pha nước đem lại đây?
Rồi hỏi lảng Bảo Ngọc ở đâu đến.
Giả Bảo Ngọc và Tiết Bảo Thoa
Có thể Bảo Thoa không cố tình bày mưu sắp đặt cùng Oanh Nhi, nhưng rõ ràng nữ tỳ này rất hiểu lòng chủ nhân. Trước tiên Bảo Thoa đòi xem mặt ngọc của Bảo Ngọc, lẩm nhẩm đọc tám chữ khắc trên đó. Liền sau đó, nàng lại mắng Oanh Nhi sao đứng ngẩn ra đó mà không “làm gì đi”, ấy chính là một lời nhắc khéo vậy. Hành động tiếp theo của Oanh Nhi là kể về cái khóa cổ của Bảo Thoa, và Bảo Ngọc đã cắn câu một cách dễ dàng. Chủ-tớ hai người phối hợp nhịp nhàng như hai diễn viên đóng theo kịch bản đã soạn trước. Thật tự nhiên, thật tài tình. Đường đường là tiểu thư ngàn vàng, đương nhiên Bảo Thoa có chết cũng không dám mở miệng động đến vấn đề nhạy cảm như ước định hôn nhân. Có điều Bảo Thoa tuy mới gặp Bảo Ngọc chưa lâu nhưng đã hiểu rõ tính cách tò mò, si mê, mộng mơ của anh chàng. Bằng cách mượn lời Oanh Nhi và dẫn dắt Bảo Ngọc, Bảo Thoa đã thành công trong ba việc: giới thiệu cho Bảo Ngọc mối duyên khóa vàng-viên ngọc, gieo rắc những cảm xúc mơ hồ, say sưa trong lòng chàng ta, mà vẫn giữ dáng vẻ thanh cao quý phái, có thể nói là một mũi tên trúng ba đích.
Một hình dung về Tiết Bảo Thoa
Như bài trước đã dẫn, những khía cạnh tình-ý-dục của Bảo Thoa vì vậy chỉ thấp thoáng, lấp ló trong truyện, giống như tia óng ánh của chiếc thoa vàng vùi trong tuyết, chớp mắt một cái thôi là biến mất, nhưng chính vì thế mà càng trở nên sâu sắc, ý vị. Có thể kể ra bốn ví dụ sau về đặc tính “trong nóng ngoài lạnh” của nàng.
Ví dụ thứ nhất là lần gặp mặt tại khuê phòng giữa Bảo Thoa và Bảo Ngọc. Trong khi mối quan hệ Bảo Ngọc-Bảo Thoa đang chớm nở những nụ hoa đầu tiên quanh câu chuyện chiếc khóa vàng nêu trên thì Tào Tuyết Cần khéo léo chuyển cảnh để Đại Ngọc xuất hiện! Nếu tình huống “giằng co” giữa Bảo Ngọc – Bảo Thoa có chút ý vị và e thẹn thì trạng thái này đã bị phá vỡ khi Đại Ngọc chen vào, trở nên nhuốm màu ghen tuông và căng thẳng.
Nói chưa dứt lời thì Đại Ngọc đã tha thướt tới nơi. Trông thấy Bảo Ngọc, Đại Ngọc cười nói:
– Ối chào! Tôi đến không đúng lúc rồi?Bảo Ngọc vội đứng dậy mời ngồi. Bảo Thoa cười nói:
– Sao chị lại nói thế?
Đại Ngọc nói:
– Nếu biết anh ấy ở đây, thì tôi chẳng đến làm gì!
Bảo thoa hỏi:
– Thế là thế nào?
Đại Ngọc nói:
– Thế nào à? Khi đến thì cùng đến, khi không đến thì chẳng ai đến cả; hôm nay anh ấy đến, ngày mai tôi đến, cứ cắt lượt nhau, thế có phải là ngày nào cũng có người đến không? Như thế thì không có lúc nào buồn quá, mà cũng không có lúc nào vui quá. Có gì mà chị không hiểu?
Bảo Ngọc thấy Đại Ngọc khoác một cái áo đoạn ngoài bằng lông chim màu đỏ sẫm, liền hỏi:
– Có tuyết à?
Bọn hầu già ở dưới nói:
– Có tuyết từ lúc nãy.
Tiếp theo là một trong những trích đoạn đáng nhớ nhất của Hồng Lâu Mộng: bên ngoài là trời tuyết (lạnh,) nhưng tình cảnh ba người quây quần bên trong lại đầy cảm xúc rực cháy (nóng.) Bảo Ngọc muốn uống rượu (lạnh,) nhưng Bảo Thoa đã ngăn cản:
Bảo Thoa cười nói:
– Anh Bảo, hàng ngày anh học hỏi được nhiều điều, thế mà anh lại không biết tính rượu rất nóng à? Phải uống nóng thì phát tán nhanh; nếu uống lạnh thì đọng lại ở bên trong, ngũ tạng sẽ bị lạnh, như thế chẳng có hại hay sao? Từ rày anh nên chừa đi, đừng uống rượu lạnh nữa.
Bảo Ngọc nghe nói có lý, bỏ rượu lạnh xuống, sai người hâm nóng mới uống.
Đại Ngọc đương cắn hạt dưa, nhếch mép mỉm cười. Vừa lúc đó a hoàn của Đại Ngọc là Tuyết Nhạn mang đến cái lồng ấp, Đại Ngọc cười hỏi:
– Ai bảo em đem đến cho ta thế? Thật là em chu tất quá. Nhưng ta đã chết rét đâu mà sợ!
Tuyết Nhạn nói:
– Chị Tử Quyên sợ cô lạnh, bảo tôi mang đến đấy.
Đại Ngọc cầm lấy lồng ấp để vào lòng, cười nói:
– Khen cho em cũng khá đấy! Lại biết nghe lời nó. Xưa nay ta bảo em câu gì, em đều để ngoài tai. Thế mà bây giờ nó bảo em, em vâng lời, nhanh hơn chiếu chỉ nhà vua!
Bảo Ngọc nghe nói thế, biết Đại Ngọc mượn cớ nói chọc mình, nhưng không biết trả lời ra làm sao, chỉ hì hì cười mà thôi.
Bảo Thoa vẫn biết Đại Ngọc xưa nay quen lối nói cạnh nói khóe, nên không để ý. Tiết phu nhân cười nói:
– Cháu người vốn yếu, không chịu được lạnh, thế mà nó lại nghĩ đến cháu, chẳng tốt hay sao?
Đại Ngọc cười nói:
– Dì không biết: may mà ở nhà dì đấy, chứ ở nhà khác, chẳng làm cho người ta phát bực hay sao? Nhà ai chẳng có lồng ấp, việc gì phải mang từ nhà đến? Dù rằng bọn a hoàn chu tất thật đấy, nhưng người ta lại cho cháu ngày thường quen thói ngông cuồng đi rồi.
Giống như âm-dương, hàn-nhiệt là một cặp phạm trù đối xứng và gắn kết bất diệt, luôn xuất hiện cùng nhau trong y học, văn chương, triết học,… của người Trung Quốc. Mặc dù Bảo Thoa bị chứng “nhiệt độc từ trong tim” và phải uống Lãnh Hương Hoàn để điều trị, nàng lại nhắc nhở Bảo Ngọc rằng chất nóng trong rượu nếu không được phát tán hết sẽ làm hại đến ngũ tạng. Cũng theo triết lý nóng-lạnh sóng đôi ấy, Bảo Thoa giải thích cho dì Chu rằng Lãnh Hương Hoàn (lạnh) cần được uống cùng “nhiệt thang” (nóng.) Bảo Thoa vốn luôn được miêu tả như một nhân vật trí tuệ và thông thái. Nàng ý thức được rằng “nhiệt” là một phần không thể thiếu trong cơ thể, cũng như “tình” là một phần không thể thiếu của sự sống. Tìm cách triệt tiêu nó một cách hoàn toàn là một việc làm sai lầm, trái với tự nhiên. Bởi vậy có thể suy ra Bảo Thoa cũng ngoài lạnh trong nóng như ly rượu kia vậy.
Câu chuyện “nóng nóng lạnh lạnh” giữa Bảo Thoa-Bảo Ngọc khiến Đại Ngọc trở nên khó chịu, thậm chí ghen tức. Trong hoàn cảnh này, Đại Ngọc lại chính là “mỹ nhân băng tuyết”. Đại Ngọc từ bên ngoài trời tuyết đi vào, phá vỡ không khí ấm áp trước đó của Bảo Thoa-Bảo Ngọc. Nàng lạnh nhạt, thờ ơ, kiêu kỳ, mai mỉa. Nàng tỏ ra bất cần, không sợ cái lạnh, thậm chí còn đón nhận nó. Ngay cả cái tên của Tuyết Nhạn cũng góp phần làm tăng sự giá buốt của nàng. Ngược lại, Bảo Thoa lại toả ra sự nồng ấm. Dường như chương này đã báo trước sự rạn nứt của cặp đôi cây-đá và sự kết hợp của cặp đôi vàng-ngọc về sau. Theo giáo sư Martin W. Huang của đại học UC Irvine, đây là trích đoạn trong Hồng Lâu Mộng mà cặp phạm trù nóng-lạnh có tính biểu tượng đậm đặc nhất. Ông cũng chỉ ra rằng việc đặt các hình ảnh nóng-lạnh kề nhau là một truyền thống của văn học Trung Hoa, có từ những tác phẩm như Thủy Hử và Kim Bình Mai.
Ví dụ thứ hai về tính “trong nóng ngoài lạnh” của Bảo Thoa là lúc nàng tới thăm Bảo Ngọc sau khi bị cha đánh. Đoạn này diễn ra ở chương 34:
Bảo Thoa thấy Bảo Ngọc mở mắt ra nói chuyện, đã khá hơn lúc nãy, trong bụng cũng đỡ lo, chỉ lắc đầu thở dài:
– Nếu cậu sớm chịu nghe lời mọi người thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay? Chả cứ cụ và dì mà ngay chúng tôi trông thấy cũng phải đau lòng.
Bảo Thoa nói được nửa chừng thì nín hẳn lại, hối hận không nghĩ kỹ, tự nhiên má đỏ lên, đầu cúi xuống, không nói nữa. Nghe những lời thân mật, có ngụ ý sâu xa, lại thấy Bảo Thoa nín bặt không nói, má đỏ, đầu cúi xuống, tay mân mê dải áo, có dáng e lệ thẹn thò, không thể nào hình dung hết được, Bảo Ngọc trong lòng càng thêm cảm động, bao nhiêu đau đớn hình như đã trút sạch ra ngoài chín tầng mây.
Bảo Thoa đến thăm Bảo Ngọc sau trận đòn
Đôi má đỏ của Bảo Thoa được Tào Tuyết Cần nhắc lại hai lần để nhấn mạnh ý nghĩa của nó. Má đỏ là đào hoa chỉ diện, là biểu hiện của người phụ nữ đa tình. Dáng vẻ, điệu bộ, lời nói của Bảo Thoa dành cho Bảo Ngọc có lãnh tình không? Hoàn toàn không. Thuốc Lãnh Hương Hoàn thế là không có tác dụng rồi!
Ví dụ thứ ba diễn ra chỉ hai chương sau đó là một cảnh tượng đặc sắc, hàm ý sâu xa:
Bảo Thoa đi một mình, tiện đường tạt vào viện Di Hồng, muốn gặp Bảo Ngọc nói chuyện để khuây khỏa buổi trưa. Khi vào đến sân, thấy lặng lẽ không một tiếng động. Đôi hạc đậu ở khóm chuối cũng đều thiu thiu giấc ngủ. Bảo Thoa rẽ sang bên cạnh, vào ngay trong buồng, thấy ở gian ngoài, bọn a hoàn đương ngủ ngổn ngang cả trên giường. Bảo Thoa đi qua cửa sổ có treo màn gấm các màu, vào tận buồng Bảo Ngọc, thấy Bảo Ngọc cũng ngủ, chỉ có Tập Nhân ngồi thêu bên cạnh, để một cái phất trần cán bằng sừng trắng.
Bảo Thoa đến gần khê cười nói: 
– Chị cẩn thận quá, trong nhà này còn có ruồi muỗi à? Để cái này làm gì đấy?
Tập Nhân bất thình lình ngẩng đầu lên, trông thấy Bảo Thoa, vội bỏ kim chỉ đứng dậy, khẽ cười nói:
– Cô đến đấy à? Tồi sợ giật nẩy mình lên. Cô chưa biết, ở đây tuy không ruồi muỗi, nhưng có một thứ sâu nhỏ ở ngoài màn chui vào, chẳng ai trông thấy. Trong khi ngủ, lỡ nó cắn vào người, thì đau như kiến đốt.
Bảo Thoa nói:
– Chả trách được, đằng sau thì gần nước, lại trồng các thứ hoa, làm thơm lừng cả nhà lên, giống sâu này quen ăn nhụy hoa, hễ ngửi thấy mùi thơm là thế nào nó cũng chui vào.
Bảo Thoa nhìn cái bức thêu ở tay Tập Nhân. Đó là cái yếm bằng lụa trắng, giữa có màu đỏ, trên mặt thêu kiểu “Uyên ương vờn hoa sen” có hoa đỏ lá xanh, có chim uyên ương năm màu.
Bảo Thoa nói:
– Ái chà? Tươi đẹp quá! Cái này của ai mà làm phí bao nhiêu là công?
Tập Nhân ngoảnh vào giường bĩu môi. Bảo Thoa cười nói:
– Người đã lớn thế mà còn đeo cái này à?.
Tập Nhân cười nói:
– Xưa nay cậu ấy vẫn không chịu đeo, nên phải làm thật đẹp, để cậu ấy trông thấy tự khắc phải đeo! Bây giờ trời nóng, nhân lúc cậu ấy ngủ không để ý, tôi lựa cách đeo vào cho, lỡ đêm không đắp chăn cẩn thận cũng không sao. Cô nói làm cái này tốn công, có lẽ cô chưa thấy cái cậu ấy đang đeo trong người sao!
– Chị chịu khó quá!
– Hôm nay làm việc nhiều, cổ cúi xuống đau nhừ cả người.
Lại cười nói:
– Cô hãy ngồi chơi, tôi ra ngoài một tý rồi vào ngay.
Nói xong đi ra.
Bảo Thoa chỉ chăm chú nhìn cái bức thêu nên không để ý, ngồi luôn xuống đó. Vì cũng thích bức thêu, Bảo Thoa liền lấy ngay kim thêu tiếp.
Không ngờ Đại Ngọc hẹn Tương Vân đến mừng Tập Nhân. Hai người vào sân, thấy vắng ngắt cả. Tương Vân quay ra ngoài hiên đi tìm Tập Nhân, Đại Ngọc tìm đến chỗ cửa sổ, đứng ngoài màn the nhìn vào, thấy Bảo Ngọc mặc cái áo sa màu hồng, nằm ngủ ở trên giường, Bảo Thoa ngồi thêu bên cạnh, có cái đập ruồi để gần đấy.
Đại Ngọc thấy thế, đứng né ra một bên, lấy tay bịt mồm, không dám cười ra tiếng, liền vẫy Tương Vân lại. Tương Vân tưởng có gì lạ, vội chạy lại, thấy thế, muốn cười, nhưng nghĩ Bảo Thoa xưa nay đối với mình tử tế, liền nín ngay, biết Đại Ngọc vốn tính đành hanh, hay nói bóng nói gió để chế nhạo người, Tương Vân kéo Đại Ngọc và nói:
– Đi đi thôi. Tôi nhớ Tập Nhân có nói là đến trưa sẽ ra ao giặt quần áo, chắc chị ta đã ở đấy rồi, chúng ta đi tìm chị ấy thôi.Đại Ngọc hiểu ý, cười nhạt một tiếng rồi theo đi.
Bảo Thoa thêu yếm uyên ương cạnh Bảo Ngọc, chú ý cái phất trần sừng tê giác ở bên cạnh
Bảo Thoa ngồi thêu trong lúc Bảo Ngọc ngủ trưa
Trích đoạn trên có ý nghĩa thế nào? Về mặt lễ nghi, việc Bảo Thoa ngồi cạnh một Bảo Ngọc say ngủ, ăn mặc không chỉnh tề, rõ ràng là một sai phạm nghiêm trọng. Không những thế nàng còn thế chỗ của Tập Nhân – hầu gái và vợ lẽ của Bảo Ngọc sau này! Theo nhà Hồng học Hồng Thu Phan đời nhà Thanh, hành động này biểu hiện khát vọng hợp thức hóa mối quan hệ vợ chồng của Bảo Thoa với Bảo Ngọc. Khát vọng này mãnh liệt tới mức Bảo Thoa – một tiểu thư luôn chú ý đến phép tắc, quy củ, cũng không thể cưỡng lại được nó. Hồng Thu Phan nhận xét rằng, trong vô thức, Bảo Thoa bị cuốn hút về phía Bảo Ngọc chẳng khác gì “con sâu chui vào nhụy hoa” mà chính nàng nhắc đến. Hình ảnh sâu-hoa làm ẩn dụ cho quan hệ nam nữ vốn không xa lạ gì với người đọc truyện Kiều (Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về.) Điều đặc biệt ở đây là Bảo Thoa lại nắm vai trò chủ động thay vì bị động như những người con gái khác.
Một nhà Hồng học khác là Trương Tân Chi còn “buộc tội” Bảo Thoa một cách ráo riết hơn. Theo Trương, cái phất trần cán bằng sừng trắng là một biểu tượng phồn thực. Thứ nhất, sừng tê giác thường được dùng như một vị thuốc kích dục. Không những thế, chữ tê trong tê giác còn có nghĩa cứng nhọn, vì thế sừng tê thường được dùng để ám chỉ cho bộ phận sinh dục nam giới trong những tác phẩm như Nhục Bồ Đoàn. Quả thật, nếu cái phất trần không phải chi tiết quan trọng thì tác giả đã không bỏ công nhắc tới nó hai lần! Trương Tân Chi còn lật lại hình ảnh sâu-hoa, nhắc lại cho người đọc rằng ở chương 28, Tào Tuyết Cần đã giới thiệu với người đọc một bài hát khá “gợi cảm” những câu như:
“Tháng ba đậu mới trồi hoa,

Sâu kia đâu đã lân la đục rồi.

Đục vào cũng uổng công thôi,
Trên hoa tấp tểnh lên ngồi đánh đu.”

Cuối cùng, khi bình luận về chiếc yếm mà Bảo Thoa thêu cho Bảo Ngọc, Trương Tân Chi đã đặt ra bốn câu hỏi khó: “Chim uyên ương là chim như thế nào? Vờn hoa sen là ý nghĩa gì? Bộ phận nào của đàn ông được che bởi yếm? Cái gì mà ngoài trắng trong đỏ? Tất cả những điều này có ý nghĩa cực quan trọng.”
Uyên ương là một loại vịt mà con trống con mái cả đời quấn quít, vì thế uyên ương hí thủy (uyên ương đùa nước) là một biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Hoa sen (liên) đồng âm với yêu thương (lân) và thường được dùng để chỉ bộ phận sinh dục nữ. Loại “yếm” được miêu tả trong đoạn này giống như một thứ tạp dề đeo dưới thắt lưng đàn ông. Và cái gì trong trắng ngoài đỏ thì … để bạn đọc tự đoán. Trong một đoạn văn rất ngắn, Tào Tuyết Cần dệt lên một bức tranh sống động, tục mà vẫn nhã, có ý dâm đấy mà vẫn thanh cao. Và nhân vật Bảo Thoa qua đó càng trở nên thú vị, nhiều màu sắc hơn.
Ví dụ cuối cùng về nữ tính, thậm chí dục tính của Bảo Thoa nằm ở chương 27: Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng. Cần nhắc lại rằng trái với Đại Ngọc liễu yếu đào tơ, Bảo Thoa có thân hình nảy nở, đẫy đà. Nếu Đại Ngọc thường được so sánh với nàng Tây Thi đa bệnh thì Bảo Thoa lại được ví với Dương Quý Phi – một mỹ nữ nổi tiếng truỵ lạc đời nhà Đường.
Bảo Thoa bắt bướm ở đình Trích Thuý, được ví với Dương Quý phi
Nghĩ xong, Bảo Thoa định quay đi tìm chị em khác, thì trước mặt có một đôi bướm trắng to bằng cái quạt, con xuống con lên, theo gió bay lượn, rất là đẹp mắt. Bảo Thoa muốn bắt để chơi, liền lấy cái quạt ở trong tay áo ra, định đập xuống đất. Không ngờ đôi bướm cứ lên lên xuống xuống, lượn lượn bay bay, rồi chúng luồn qua khe hoa, khóm liễu, chờn vờn định bay qua sông, làm cho Bảo Thoa cứ rón rén đuổi theo mãi đến đình Trích Thúy ở bên ao. Bấy giờ mồ hôi đầm đìa, hơi thở hổn hển, Bảo Thoa đành thôi không đuổi nữa.
Những cụm từ “mồ hôi đầm đìa” (hương hãn lâm lâm,) hơi thở hổn hển (kiều xuyễn vy vy,) và đặc biệt hình ảnh “đôi bướm lên lên xuống xuống, lượn lượn bay bay” (nhất song hồ điệp, nhất khởi nhất lạc) rất thường được dùng để miêu tả người phụ nữ trong cảnh khoái lạc trong những tác phẩm gợi dục của Trung Quốc, Không những thế, trong Kim Bình Mai, Phan Kim Liên cũng hai lần bắt bướm trong khi đùa giỡn cùng con rể Tây Môn Khánh là Trần Kinh Tế. Trong Lâm Lan Hương, hình ảnh cặp bướm bay lượn cũng gắn liền với nhân vật nữ chính lẳng lơ. Trên thực tế, đoạn Bảo Thoa bắt bướm lẽ ra được viết dài và chi tiết hơn nhiều để làm đối trọng của cảnh Đại Ngọc chôn hoa: cái đẹp nhục dục, trần thế của Bảo Thoa đối nghịch với cái đẹp tinh thần, siêu hình của Đại Ngọc*. Nếu nhìn qua lăng kính trừu tượng thì Bảo Thoa biểu tượng cho tình yêu thân xác, Đại Ngọc biểu tượng cho tình yêu tâm hồn, và sự kết hợp của bộ ba Bảo Ngọc-Đại Ngọc-Bảo Thoa mới là tột cùng của tình yêu hoàn hảo.
Đại Ngọc qua đời, được mọi người rửa ráy để khâm liệm trong khi Bảo Ngọc kết hôn vợ chồng cùng Bảo Thoa
*
*Tiếc là ông Ky Hốt Tẩu (một người hàng cha chú, thậm chí có thể chính là cha đẻ của Tào Tuyết Cần) đã yêu cầu tác giả cắt đi những cảnh quá sống sượng. Ky Hốt Tẩu là một bút danh có ý nghĩa chua  chát. Ky nghĩa là tàn tật, phế hỏng. Hốt là cái bằng sừng hoặc ngọc các quan cầm khi vào chầu vua. Tẩu là ông già. Dựa vào bút danh, có thể suy đoán Ky Hốt Tẩu là một trưởng lão trong Tào gia đã từng có thời gian làm quan trong triều. Những dòng bình luận bên lề của Ky Hốt Tẩu thường có những từ cảm thán: khấp (khóc,) thán tức (than thở,) thương tai (đau đớn thay.) Vì sự can thiệp của Ky Hốt Tẩu mà Phong Nguyệt Bảo Giám nhiều cảnh chăn gối, yêu đương, hóa thành Hồng Lâu Mộng mà chúng ta đọc ngày nay.

No comments:

Post a Comment