Saturday, May 5, 2018

Bảo Ngọc và mệnh Thổ: Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

Nhân vật thuộc hành Thổ trong Hồng Lâu Mộng cũng là nam chính duy nhất của tác phẩm – Giả Bảo Ngọc. Thổ là đất, mà bản mệnh của Bảo Ngọc chính là một hòn đá. Truyện đã nói rõ:

Khi xưa Nữ Oa luyện đá vá trời ở đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang, luyện được ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một viên, mỗi viên cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng. Nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại ở chân núi Thanh Ngạnh. Ngờ đâu viên đá này từ khi được luyện, đã có linh tính. Nhân thấy những viên đá khác được đem vá trời, còn mình vô tài, bị loại, nó rất tủi hận, ngày đêm kêu khóc buồn rầu.


.
Thèm khát được trải nghiệm hồng trần nên hòn đá van vỉ hai vị Mang Mang đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân cho theo xuống hạ giới. Hòn đá to lớn được biến thành một viên ngọc nhỏ sáng long lanh có khắc chữ, nằm trong miệng chú bé Giả Bảo Ngọc (do Thần Anh thị giả hóa kiếp) khi ra đời. Khi đã nếm đủ “mùi đời lạnh nhạt, tan hợp bi hoan” thì viên ngọc lại trở về bản thể là hòn đá lớn, có điều trên mặt nó đã chép đầy đủ câu chuyện 19 năm của Hồng Lâu Mộng. Chính vì vậy mà hòn đá được kính cẩn tôn là “Thạch huynh”, và Hồng Lâu Mộng còn có tên khác là Thạch đầu ký (truyện hòn đá.)

.
Ngọc hay đá đều là những biến thể của Thổ. Bảo Ngọc và đá-ngọc, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Chàng ta sinh ra ngậm ngọc, nhưng cái tên Bảo Ngọc cũng có nghĩa là một viên ngọc quý. Khi ngọc thất lạc thì thần trí Bảo Ngọc cũng tiêu tán, hồ đồ. Bị phù thủy ám hại, người nhà chỉ cần treo viên ngọc lên là chàng được giải cứu. Do sinh mệnh Bảo Ngọc gắn liền với hòn đá-viên ngọc như vậy nên chàng chính là nhân vật thuộc hành Thổ.

Thổ là đất, mà bùn chính là đất và nước kết hợp mà thành. Bảo Ngọc có câu nói nổi tiếng: “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành.”

Tào Tuyết Cần lại nói rõ hơn:

Vì Bảo Ngọc từ bé luôn luôn ở chung với đám chị em, chị em ruột thì có Nguyên Xuân, Thám Xuân; chị em thúc bá thì có Nghênh Xuân, Tính Xuân; chị em ngoại thì có Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo Thoa; Bảo Ngọc cho rằng, người thiêng hơn cả vạn vật, bao nhiêu tinh hoa trong sạch của trời đất, đều chung đúc vào con gái, bọn con trai chỉ là hạng cặn bã bẩn đục mà thôi.

Như vậy thì trong con mắt Bảo Ngọc thì thân nam nhi là một thứ dơ bẩn, tầm thường. Cậu ta tự nhận mình là bùn, bởi trong Bảo Ngọc có bao gồm cả tính nữ (nước) và mệnh thổ (đất.) Bảo Ngọc vui lòng hạ mình để tôn vinh những chị em xung quanh, chẳng khác nào mặt đất khiêm tốn nâng đỡ các nguyên tố khác. Đó chính là sự cao quý lặng thầm của đất.


Bản chất của thổ là ôn hòa, tĩnh lặng, vững chãi. Chẳng thế mà có câu “hiền như đất”. Bảo Ngọc cũng là nhân vật hiền lành số một trong Hồng Lâu Mộng. Đại Ngọc giận dỗi, mắng mỏ chàng, Bảo Ngọc vẫn một lòng một dạ chiều chuộng, chăm sóc cô. Bảo Thoa lạnh lẽo với chàng, Bảo Ngọc cũng không mảy may để bụng. Trên thực tế, không chỉ các tiểu thư “hành hạ” Bảo Ngọc mà ngay cả các con hầu, người ở cũng đùa bỡn, trách móc, thậm chí dạy dỗ Bảo Ngọc! Về phần mình, chàng sẵn lòng đấm lưng, pha nước, trang điểm, nhường giường cho họ. Với nam giới xung quanh, Bảo Ngọc cũng nhún nhường vô cùng. Từ người có địa vị thấp kém hơn (Tần Chung) đến con hát hèn kém (Tưởng Ngọc Hàm) hay thư sinh nhà nghèo (Liễu Tương Liên) đều được chàng đối xử tôn trọng, chí tình. Tuy được Giả mẫu yêu chiều, Bảo Ngọc cũng không vì thế mà lên mặt với các anh em trong nhà. Truyện đã nói rõ:

Giả Hoàn không dám nói câu gì. Bảo Thoa xưa nay vẫn biết gia pháp nhà này, làm em thì phải sợ anh. Nhưng biết đâu Bảo Ngọc lại không muốn ai sợ mình.


Trong ngũ hành thì Thổ nằm ở vị trí trung tâm. Trong Hồng Lâu Mộng, Bảo Ngọc cũng là nhân vật nam chính duy nhất và quan trọng nhất. Trên thực tế, toàn bộ các sự kiện trong Hồng Lâu Mộng đều xoay quanh cuộc đời Bảo Ngọc, thậm chí từ khi chàng ta còn chưa ra đời. Những cô gái trong truyện, từ chị em, thê tử đến tri kỷ, nàng hầu,… của Bảo Ngọc chính là “bọn oan gia phong lưu đổi kiếp xuống trần” để bầu bạn với chàng. Do đứng ở vị trí trung tâm nên tuy ở trạng thái “tĩnh” nhưng Thổ lại có thể tương tác với tất cả các nguyên tố còn lại. Giữa vườn Đại Quan đầy hương sắc, Bảo Ngọc cũng giống như một chú ong bận rộn bay từ bông hoa này đến bông hoa kia, lúc thì gieo nợ gió trăng, khi lại gây ra oan nghiệt.

Bảo Ngọc giữa đám quần thoa

Bảo Ngọc là mối tình tha thiết của Đại Ngọc (mộc), là duyên vợ chồng của Bảo Thoa (kim), lại có mối dây huyết thống với Phượng Thư (hỏa) cả hai bên đằng nội (Giả Liễn) và ngoại (Vương phu nhân). Chưa kể bản chất đa tình của Bảo Ngọc còn khiến Kim Xuyến, Tình Văn phải uổng mệnh, Phương Quan đi tu, Diệu Ngọc phát điên,… Nếu nhìn lại Kim lăng thập nhị thoa chính sách, dễ dàng nhận thấy ngoại trừ Diệu Ngọc là người ngoài, tất cả các thoa đều có quan hệ máu mủ hoặc họ hàng thông qua hôn nhân với Bảo Ngọc. Về vấn đề này, Chi Nghiễn Trai đã nhận xét: “Bảo Ngọc là sợi chỉ chạy xuyên suốt thập nhị mỹ nhân.”

Bảo Ngọc có tính nhẫn nại, thậm chí thụ động, song lại có khả năng tác động đến những nhân vât khác. Điều này khiến học giả Andrew Plaks cho rằng: mệnh Thổ của Bảo Ngọc được thể hiện qua sự gắn bó của chàng với những tấm gương trong truyện.
Bảo Ngọc cũng giống như một tấm gương: bản chất tĩnh lặng nhưng lại phản ánh đúng bản chất của những người khác. Cậu thường đóng vai trò quan sát, chiêm nghiệm. Nhiều sự việc và con người trong Hồng Lâu Mộng được nhìn nhận, đánh giá qua con mắt Bảo Ngọc: sự tàn nhẫn của Phượng Thư, sự yếu đuối của Vưu nhị thư, tính cao ngạo của Diệu Ngọc, tính ghen tuông của Hạ Kim Quế,.. Không những thế Bảo Ngọc còn mang trong mình nhiều sự trái ngược: tính nữ trong hình hài nam giới, thần trên trời đổi kiếp làm người, là viên ngọc thật (chân) nhưng lại mang tên “giả”. Chất nửa hư nửa thực này làm người ta liên tưởng đến bóng người trong gương. Thế giới mà ta sống chưa chắc đã có thật, có khi lại chính là phản chiếu của thế giới trong gương chưa biết chừng.

Giả Bảo Ngọc và mười hai thoa

Trong Hồng Lâu Mộng có ba tấm gương quan trọng, ít nhiều có liên quan đến Bảo Ngọc:

– Tấm gương thứ nhất là của Võ Tắc Thiên, được bày trong buồng Tần Thị. Võ Tắc Thiên là nữ hoàng nổi tiếng truỵ lạc, tấm gương này ắt đã phản chiếu nhiều điều hay ho, lại được bày trong buồng Tần Thị và “chứng kiến” lần vào đời trong mơ của Bảo Ngọc – ý nghĩa xuân tình từ ấy lại càng tăng thêm nhiều lần.

– Tấm gương “Tây dương” được bày trong viện Di Hồng. Đây là một tấm gương lớn có thể phản chiếu cả thân hình người. Già Lưu từng bị nhầm lẫn vì tấm gương này. Chính Bảo Ngọc khi nằm mê man nhìn gương cũng tưởng tượng ra cuộc hội thoại với Chân Bảo Ngọc. Về mặt ẩn dụ, Chân Bảo Ngọc và Giả Bảo Ngọc thực ra là hai mặt thật-giả của một cá thể duy nhất, vì thế có thể nói đó là cuộc đối thoại của Bảo Ngọc với tiềm thức của chính bản thân mình. Katherine Alexander đã nhận xét rằng những tầng ý nghĩa phức tạp của Hồng Lâu Mộng khiến người đọc không khỏi rơi vào trạng thái mơ hồ như Lưu lão lão, tay bấm vào mép gương tự hỏi “làm sao ra được khỏi nơi đây?”

– Tấm gương Phong nguyệt bảo giám.

Sự tương đồng của Bảo Ngọc và những tấm gương được khẳng định qua hội đố đèn ở chương 22. Tại đây, câu đố của Bảo Ngọc là: “Ngươi nhìn về phía bắc thì ta nhìn về hướng nam. Ngươi buồn ta buồn, ngươi vui ta cũng vui theo.” Câu đố này thể hiện tính cách nhạy cảm, dễ lây lan cảm xúc của Bảo Ngọc. Trong suốt Hồng Lâu Mộng, Bảo Ngọc thường xuyên để ý đến những trạng thái hỉ nộ ái ố của những người đẹp xung quanh mình. Dường như chàng có một thứ “ăng ten” đặc biệt với tâm tình nhi nữ. Chàng vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ, sẵn sàng xả thân để đem đến hạnh phúc cho họ. Có điều người trong gương luôn bị cách trở với người bên ngoài, Bảo Ngọc cũng vậy, chàng chỉ có thể quan sát những cô gái đó từ xa, vĩnh viễn không thể gắn bó với một ai thật sự.

Như vậy Bảo Ngọc đã trải qua đầy đủ những biến thể của hành Thổ: đất, bùn, ngọc, đá, gương. Vùng vẫy trong chốn bụi hồng đủ khiến cậu ngộ ra nhiều điều về nhân tình thế thái. Khi câu chuyện kết thúc, Bảo Ngọc nhận ra thất tình lục dục chỉ là phù du, rũ áo trở về chốn Đại Hoang không còn gì tơ luyến. Hòn đá sau khi đi một vòng luân hồi lại quay trở lại làm hòn đá.

*

Nhân đây tôi cảm thấy cần phải làm rõ một vấn đề lớn. Ở bài trước, có độc giả thắc mắc vì sao bài thơ “Áo chầu đầy khói…” bản tiếng Việt gán cho Bảo Thoa mà tôi lại nói là của Đại Ngọc. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa rằng, bản dịch tiếng Việt không đúng. Chúng ta thử nghĩ mà xem, hội thi đố đèn đã có những bài thơ của Giả Hoàn, Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân, Bảo Thoa, Giả Chính, Giả Mẫu. Vậy mà lại thiếu hai nhân vật quan trọng nhất là Đại Ngọc và Bảo Ngọc ư? Khi đối chiếu lại với nguyên tác và hai bản dịch tiếng Anh khác nhau (của H. Bencraft Joly và David Hawkes,) tôi nhận thấy bản tiếng Việt đã mắc sai lầm nghiêm trọng: thiếu hai câu đố của Bảo Ngọc, Bảo Thoa và biến câu đố của Đại Ngọc thành của Bảo Thoa. (???)

Minh họa về hội đố đèn của Sun Wen

Không những thế, mỗi câu đố lại nói lên tính cách và số phận của người ra đề, như câu đố của Giả Hoàn (đầu con thú – Anh Cả có tám sừng, anh Hai hai sừng, anh Cả ngồi chồm chỗm trên giường) vừa không thông, vừa thô lỗ, cục súc như con người y. Câu đố của Giả Chính (cái nghiên mình vuông vắn, chất cứng rắn) cũng nói lên sự chỉn chu, mực thước đến mức cứng nhắc của ông. Những câu đố ảm đạm của tứ Xuân cũng ẩn ý về số phận long đong, bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Vì thế việc nhầm lẫn các câu đố là một thiếu sót lớn. Xin được nhắc lại:

– Câu đố “Áo chầu đầy khói…” là của Đại Ngọc. Những hình ảnh tàn tro, héo úa, tang thương trong bài thơ này vừa ẩn dụ cho kết cục não nề của mối tình Đại Ngọc-Bảo Ngọc, vừa ám chỉ số mệnh ngắn ngủi của Đại Ngọc. Vật được nhắc đến trong câu đố là cái đèn canh hương, một thứ đồng hồ sơ khai đánh dấu thời gian bằng cách đốt hương trầm. Hương thơm đấy nhưng mau tàn lụi, đã đốt là cháy hết không để lại gì. Cuộc đời vắn số của Đại Ngọc cũng ngắn dần đi như những đốt hương tàn.

Đèn canh hương

– Câu đố thứ hai của Bảo Thoa có thể dịch nôm na như sau: “Ta có mắt nhưng không thể nhìn, bên trong ta trống rỗng. Khi hoa sen nở thì ta ở bên người, khi lá thu rơi thì ta cũng bỏ đi. Ân ái lứa đôi mặn nồng không thể kéo dài đến mùa đông.” Câu đố này không chỉ ẩn dụ cho tính cách bàng quan, cô độc của Bảo Thoa mà còn báo trước cảnh chăn đơn gối chiếc, xa lìa phu quân của nàng. Vật được nhắc đến trong câu đố là “trúc phu nhân” (bà vợ trúc) – một thứ gối ôm làm bằng tre dùng khi ngủ mùa hè cho mát. Đến mùa đông người ta cất nó đi không dùng tới nữa.

Hình dáng của một “trúc phu nhân”

– Giống như “trúc phu nhân,” Bảo Thoa đem đến sự lạnh lẽo, trống trải thay vì cảm giác ấm áp của một hiền thê thực thụ. Vai trò của nàng chỉ có thời vụ, tư cách người vợ của nàng cũng hữu danh vô thực.

*

No comments:

Post a Comment