Saturday, May 5, 2018

Phượng Thư và mệnh Hỏa: Nội vụ hai tay hai dao

Nhân vật tiếp theo trong Ngũ hành là Vương Hy Phượng, thuộc mệnh Hỏa. Trước khi phân tích kỹ hơn, xin phép nói sơ lược về sự tiến triển trong cách nhìn của độc giả đối với Vương Hy Phượng.

Phượng Thư giữ tiếng nói quan trọng trong nhà họ Giả

Vương Hy Phượng, hay còn được gọi với cái tên Phượng Thư, Phượng ớt (lạt tử) là nữ nhân quan trọng thứ ba trong Hồng Lâu Mộng. Từ thế kỷ 19 đổ về trước, xu hướng chung coi Phượng Thư là nhân vật phản diện, thường so sánh nàng với Tào Tháo. Thế nhưng bước sang thể kỷ 20, Phượng Thư được các nhà phê bình “xét lại” với cái nhìn đa chiều hơn, sự ái mộ của người đọc với nàng cũng từ đó tăng theo. Một cuộc khảo sát vào năm 1935 của giáo sư văn học Triệu Cảnh Thâm tại đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho thấy Phượng Thư được yêu thích chỉ sau Bảo Thoa và Đại Ngọc. Tầm ảnh hưởng của Phượng Thư với văn hóa đương đại Trung Quốc có không ít phần là nhờ yếu tố chính trị, có thể kể ra ba lý do chủ đạo:

Thứ nhất, tính cạnh tranh khốc liệt, chủ nghĩa kim tiền trong xã hội Trung Quốc khiến kiểu người như Phượng Thư trở thành hình mẫu tinh thần, những ai cảm thấy bị chà đạp, thiếu tự tin cũng có thể nhìn vào bản lĩnh của Phượng Thư mà khích lệ bản thân tiến lên. Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc tái sinh chưa chắc đã tồn tại được trong môi trường hiện nay, nhưng Phượng Thư lại có thể thích nghi rất tốt.

Phượng Thư điều hành cơ nghiệp nhà họ Giả, nhưng cũng không ít lần vì tư lợi mà làm chuyện xấu

Thứ hai, tư tưởng giải phóng phụ nữ, trai gái bình đẳng lan rộng khiến Phượng Thư bỗng trở thành “nữ anh hùng” thách thức tầng lớp nam trị. Một người phụ nữ lại có thể quyền biến như vậy, khiến bao gã đàn ông nghiến răng tức mà không làm được gì, quả khiến cho người ta hả dạ. Nàng bị chê là độc ác, nhưng thử hỏi thời phong kiến Trung Quốc có người đàn bà nào đứng trên đỉnh cao mà không có vài phần nhẫn tâm, thủ đoạn? Những hành động của nàng từng bị coi là đảo ngược tôn ti trật tự, giờ đã trở thành tích cực, có tính đấu tranh.

Thứ ba, Phượng Thư được sự ủng hộ của nhân vật quyền thế nhất Trung Quốc thế kỉ 20 – Mao Trạch Đông. Mao Chủ tịch là một người có tiếng là say mê Hồng Lâu Mộng, ông từng nói rằng phải đọc Hồng Lâu Mộng ít nhất năm lần mới nên mở miệng bình luận về nó. Lúc sinh thời Mao hết sức yêu thích Phượng Thư, thậm chí còn tuyên bố, Phượng Thư có thể đảm nhiệm vai trò bộ trưởng bộ Nội vụ một cách xuất sắc. Nhận xét về cái tài của Phượng Thư, Mao gọi đó là khả năng “hai tay cầm dao giết người mà không rơi một giọt máu.” Vùng Hồ Nam quê Mao Trạch Đông lại nổi tiếng về đặc sản ớt cay xé lưỡi. Người Trung Quốc có câu “Người Tứ Xuyên không sợ cay, người Hồ Nam sợ không cay.” Mao Trạch Đông rất tôn sùng ớt, ông từng nói: “Không ăn được ớt thì không làm được cách mạng!” Vì câu nói "Không ăn cay không làm được cách mạng" mà Mao Trạch Đông và Bác Cổ (Tổng bí thư thứ 5 của đảng CS Trung Quốc) có nhiều lần cãi vã. Bác Cổ là người Giang Tô, mà ẩm thực Giang Tô chú trọng thanh đạm, hương vị chua ngọt. Bác Cổ không ăn ớt nhưng Mao lại khăng khăng người ăn ớt mới có tinh thần cách mạng ngoan cường  Thời kì chiến tranh bữa nào Mao cũng phải có ớt ăn cùng cơm và rau dại, thậm chí món Mao thích nhất là Đông Pha nhục (http://www.jennyartblog.com/2017/12/khoi-ngoc-trong-noi-at-ong-pha-nhuc-va.html) cũng phải nấu bằng ớt khô. Biến thể này sau đó được đặt tên là thịt kho nhà bác Mao để tưởng nhớ Mao Trạch Đông.Sự yêu thích của Mao Trạch Đông với Phượng ớt khiến số lượng công trình nghiên cứu về nàng tăng vọt.

Mao Trạch Đông đọc Hồng Lâu Mộng

Có thể dễ dàng nhận thấy vì sao Phượng Thư chiếm được cảm tình của đông đảo người đọc. Từ thời thượng cổ, lửa đã mang tới hơi ấm và sự sống cho loài người, và cũng có thể trở thành vũ khí hủy diệt, bạo tàn. Lửa mau bùng lên song lại khó kiểm soát. Giống như ngọn lửa, Phượng Thư mang trong mình sự quá khích, cực đoan, hấp dẫn người khác nhưng cũng mau thiêu đốt họ. Người mệnh Hỏa thường có tính cách bốc đồng, cuồng nhiệt, đi kèm với nóng nảy và khắt khe. Họ thường giữ vai trò lãnh đạo, có khả năng truyền cảm hứng, lôi kéo số đông, kèm theo đó là thói bất chấp hậu quả, liều lĩnh, dễ gây rắc rối. Phượng Thư là quản gia của nhà họ Giả, có thể nói là trên muôn người. Nàng được Giả mẫu và Vương phu nhân thương yêu, là tay hòm chìa khóa, song cũng có vô số kẻ nghiến răng căm hận, muốn nuốt sống nàng. Những quyết định sai lầm trong việc cho vay nặng lãi, hại người của Phượng Thư góp phần biến tiền đồ của gia tộc thành tro bụi.

Mệnh Hỏa của Phượng Thư còn thể hiện qua tính hai mặt giống như lửa. Lửa có vẻ đẹp huyền bí, quyến rũ, nhưng chạm tay vào là bỏng. Phượng Thư cũng Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười, có điều ẩn bên dưới là dao găm sắc nhọn. Sự tàn nhẫn của Phượng Thư đã trở thành huyền thoại trong Hồng Lâu Mộng. Nàng nghiệt ngã với tất cả: từ chồng (Giả Liễn) cho tới con em trong nhà, từ người hầu thân tín nhất (Bình Nhi) đến những kẻ nô bộc khác.

Phượng Thư mắng Giả Hoàn:

Mày là hạng người không có khí phách gì cả. Ta thường bảo mày muốn ăn, muốn uống, muốn chơi gì tùy ý, trong các anh, các chị, ưa người nào thì chơi với người ấy, mày không nghe lời, lại cứ đi nghe hạng người bậy bạ, ranh mãnh. Mình không biết tự trọng mình, chỉ theo lối hạ lưu bừa bãi, lại còn oán người ta đối đãi thiên lệch với mình. Thua có mấy đồng mà đến nỗi thế à? Thua hết bao nhiêu? Từ rầy mày còn giữ lối quỉ quái như thế, ta sẽ đánh trước rồi mách bên trường học cho người ta lột da ra! Vì mày không biết tự trọng, nên anh Bảo giận mày lắm. Nếu tao không can thì anh mày đã đá cho mày lòi ruột ra rồi. Thôi! Cút đi!

Phượng Thư đánh ghen:

Phượng Thư ngồi ngay ở trên thềm, bắt đứa bé quỳ xuống, rồi hét bảo Bình Nhi:
– Bảo hai đứa hầu ở cửa ngoài mang thừng roi vào đây, đem con ranh con này đánh chết đi cho tao. Nó chẳng biết tao là ai à?
Đứa bé hồn vía lên mây, vừa khóc vừa van lạy xin tha.

[…]

Đứa bé trước còn chối cãi, sau thấy Phượng Thư bảo nung đỏ thanh sắt dí vào mồm, nó mới khóc nói:

[…]

Nói xong, lấy cái trâm ở trên đầu ra đâm vào mồm đứa bé. Nó sợ quá, vừa tránh vừa khóc:

[…]

Phượng Thư quát:
– Từ nãy mày làm gì? Bây giờ tao trông thấy rồi, mày mới tìm cách đổ quanh.
Nói xong, giơ tay tát một cái, làm cho đứa hầu ngã lạng choạng

[…]

Phượng Thư nghe nói, tức run người lên. Lại nghe thấy họ đều khen Bình Nhi, liền ngờ cho Bình Nhi ngày thường vắng mình, chắc cũng ngỏ lời oán trách. Hơi rượu càng hăng lên, không nghĩ ngợi gì cả. Phương Thư quay ngay người lại tát Bình Nhi hai cái; đạp cửa vào, không nói năng gì, túm lấy vợ Bão Nhị đánh xé. Lại sợ Giả Liễn trốn đi, liền đứng chặn lấy cửa và mắng:
– Con đĩ này! Mày đã cướp chồng chủ mày, lại định giết cả vợ chủ mày nữa à! Bình Nhi lại đây! Bọn đĩ này cùng về hùa với nhau để hại ta! Ngoài mặt thì vẫn thơn thớt dỗ dành ta.
Nói xong lại đánh Bình Nhi mấy cái.

Phượng Thư đánh ghen

Về sau vợ Bão Nhị treo cổ tự sát vì nhục nhã, Vưu Nhị Thư cũng nuốt vàng chết do bàn tay ghen tuông của Phượng Thư sắp đặt. Đấy là chưa kể Giả Thuỵ vì mưu hiểm của Phượng Thư mà lìa đời. Mao Trạch Đông đã nhận xét: “Nhìn mà xem, cô ta bỡn cợt Giả Thuỵ vào chỗ chết mà y không hay biết.” Kết cục bi thảm của Đại Ngọc cũng một phần do kế “tráo giường đổi cột” của Phượng Thư. Có thể nói Phượng Thư là nhân vật gây ra nhiều đau khổ nhất trong Hồng Lâu Mộng. Đó là khía cạnh hủy diệt, ghê gớm của Hỏa.

Phượng Thư mồi chài Giả Thuỵ

Lửa hại người, nhưng cũng có thể quay lại thiêu đốt chính kẻ mang nó. Ở chương 25 Phượng Thư bị lời nguyền của phù thuỷ khiến “tâm thần mê mẩn, nằm vật vã trên giường, người nóng như lửa, nói lảm nhảm chẳng biết tý gì.” Có thể nói chất Hỏa trong Phượng Thư đã phản bội lại nàng.

Hành Hỏa đứng phía Nam, màu đỏ. Nguyên quán của Phượng Thư ở tại Nam Kinh, loài vật bản mệnh của Phượng Thư là chim phượng màu đỏ trấn phía nam. Ớt (lạt tử) cũng có màu đỏ. Lần đầu Phượng Thư xuất hiện mặc áo màu đỏ rực (đại hồng,) cài trâm ngũ phượng, mắt phượng sắc sảo, khí phái như tướng soái trên sân khấu:

Chợt thấy bọn hầu đỡ một người từ phòng sau lại. Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm Ngũ Phượng Triêu Dương đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả; mắt phượng, mày cong lá liễu, vóc người óng ả, dáng điệu phong lưu. 

Trang phục của Phượng Thư

Khi ở nhà Phượng Thư cũng ăn bận lộng lẫy, áo quần màu đỏ, khác hẳn người khác:

Phượng Thư ở nhà thường đội mũ Chiêu Quân lông điêu sắc tía, chung quanh có dây giắt hạt châu, mặc áo hoa màu hồng điều, khoác áo choàng bằng da chuột, viền chỉ tơ màu thạch thanh, mặc quần nền lụa đại hồng phấn son lộng lẫy, ngồi nghiêm chỉnh ở đấy, tay đương cầm cái đũa bằng đồng gạt tro lồng ấp.

Tính Hỏa của Phượng Thư còn biểu hiện qua màu đỏ của máu. Máu trong người là biểu tượng của sinh mệnh, sức khỏe. Khi Phượng Thư bắt đầu suy yếu thì máu trong người nàng cũng dần kiệt quệ vì bệnh băng huyết, để lại một Phượng Thư nhợt nhạt, không sức sống. Ngọn lửa dần bị dập tắt cũng như máu trong người Phượng Thư không ngớt tuôn chảy. Cuối cùng Phượng Thư vì bệnh tật, mất máu, cộng thêm tủi nhục mà chết năm 31 tuổi.

Phượng Thư khi bắt đầu bệnh tật, yếu ớt, trắng bệch

Theo quan hệ Tương khắc thì Thủy khắc Hỏa. Trong Hồng Lâu Mộng, Thủy là biểu tượng của nữ tính, vì thế Phượng Thư là kẻ phản nghịch giới nữ. Có nhiều dấu hiệu ám chỉ việc này. Vương Hy Phượng là tên nam giới, thậm chí trong Hồng Lâu Mộng có kể “truyện trong truyện” về một cậu học trò tên là Vương Hy Phượng lên kinh dự thi. Từ nhỏ Phượng Thư đã “giả làm trai, đi học.” Lớn lên Phượng Thư không bằng lòng đứng đầu trong giới quần thoa, trái lại, nàng muốn lấn lướt cả giới đàn ông. Dì Chu đã nhận xét về Phượng Thư: “Bề ngoài dáng điệu óng ả, tưởng chỉ là một cô gái đẹp, nhưng lại là người có đến vạn con mắt, không chỗ nào là không nhìn thấy. Còn về ăn nói thì chấp cả mười anh đàn ông mồm mép cũng phải thua.

Tần Khả Khanh khi hiện về báo mộng cũng khen ngợi Phượng Thư: “Thím là bực anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được.”

Vợ Chu Thuỵ cũng nịnh hót Phượng Thư: “Đừng nói là đàn bà làm không được, dầu cho hạng đàn ông ba đầu sáu tay cũng chưa chắc đã chống đỡ nổi.

Phượng Thư tài là thế, giỏi là thế nhưng lại phải chịu ba sự trừng phạt lớn trong đời người đàn bà Trung Hoa thời xưa: chồng chán ghét phản bội, không sinh được con trai, bị băng huyết mà chết. Đó là cái giá phải trả cho việc chối bỏ nữ tính, làm loạn âm dương. Theo y học Trung Quốc, bệnh tật xảy ra khi âm dương không cân bằng. Phượng Thư thừa dương (nam tính) mà lại thiếu âm (nữ tính.) Hỏa quá vượng mà lại không có thủy trị nên bệnh càng tăng. Triệu chứng “âm hư hỏa vượng” của Phượng Thư có ba nguyên do chính.

Thứ nhất, hành vi, cử chỉ của Phượng Thư thường thiên về nam tính hơn là nữ tính, ví dụ như:

– Ở nhiều chương trong truyện, nàng uống rượu chẳng kém gì giới mày râu. Già Lưu, Sử Tương Vân say rượu đi tìm chỗ ngủ, còn Phượng Thư say thì… nóng máu, đánh nhau.

– Trái với những người đàn bà quý tộc thường mê tín, Phượng Thư lại không tin vào tâm linh. Ở chương 15, nàng nói với sư am Thúy Nguyệt: “Xưa nay ta chẳng tin sự báo ứng âm ty địa ngục gì cả. Bất cứ việc gì ta đã làm là làm.” 

– Nàng cũng không nhút nhát, e thẹn như những chị em khác. Ở chương 13, “Nghe người báo: “Ông vào!”, các bà các chị nhớn nhác lẩn vào phía sau, chỉ có Phượng Thư thong thả đứng dậy.

Các tiểu thư trong Giả phủ đa phần đều văn nhã thanh tao, nhưng lửa hoang dại chứ không mềm mại như nước, như cây, thế nên Phượng Thư hầu như không biết chữ. Trong cuộc sống hàng ngày, mồm miệng nàng cay nghiệt và có ba phần thô tục. Giả Mẫu cũng nhận xét: “Con Phượng ăn nói như Hạng Võ.”

Phượng Thư xinh đẹp nhưng chữ nghĩa biết rất ít, văn thơ không thạo, công việc trong nhà đa phần dựa vào trí nhớ tốt mà giải quyết

Thứ hai, dường như Phượng Thư có ý muốn vô thức “ví đây đổi phận làm trai được.” Ở chương 46, Phượng Thư nói với Giả Mẫu về Uyên Ương: “Ai bảo bà khéo chải chuốt cho người? Chải chuốt đến nỗi nó đẹp mơn mởn lên, trách nào người ta chả thích? May cháu là dâu đấy, chứ là cháu trai, thì cháu đòi bà đã lâu rồi, không còn chờ đến bây giờ. Để cháu tu hết kiếp này, đến kiếp sau được làm con trai, cháu mới cần đến nó.” 

Thứ ba, chúng ta còn chứng kiến Phượng Thư nhiều lần đảm nhận vai trò đàn ông trong gia tộc. Ở chương 40, nhân ngày Tết trong Đại quan viên, nàng lên đứng đầu thuyền dùng sào chở thuyền đi, bất chấp Giả Mẫu can ngăn. Ở chương 54, nàng khoe với Vưu thị rằng mình “đốt pháo giỏi hơn bọn người hầu đấy nhé.” Vì giới đàn ông trong nhà không ai kể chuyện cho Giả mẫu vui, Phượng Thư cũng đóng luôn vai diễn hài. Nàng nói: “Trong nhị thập tứ hiếu có chuyện ‘múa áo ban’, các anh ấy không mặc áo hoa múa cho cụ tôi vui thì tôi phải khó khăn mới làm cho cụ tôi cười, để ăn thêm được một ít, cho cả nhà vui mừng.” Những hành động tưởng chừng vui đùa đó thực ra báo hiệu cho quá trình tiếm quyền, lấn át phái nam của Phượng Thư. Trong mọi khía cạnh từ tài chính đến đối nhân xử thế trong gia đình, nàng đều làm chủ, bởi đàn ông nhà họ Giả người thì mải ăn chơi đàng điếm (Giả Xá), người mê luyện đan (Giả Kính), người bàng quan không để ý (Giả Chính).

Trong quan hệ Tương sinh thì Hỏa sinh Thổ, vì thế, Phượng Thư luôn che chở, bảo vệ, chăm sóc cho Bảo Ngọc – nhân vật mang mệnh Thổ và cũng là trung tâm của Ngũ hành. Nhân vật này sẽ được bàn ở bài sau.

No comments:

Post a Comment