Một dạo lâu rồi, thấy trên Soi có một bài về nghệ sĩ Yayoi Kusama – một người điên nhưng rất tỉnh. Hôm nay xin có thêm một bài, nói thêm về những ý tưởng trong tác phẩm của bà, để cho thấy tính hệ thống kiên định và rất có chiến lược của bà.
Người ta thường nói rằng những người say không bao giờ biết rằng mình say, và những người điên cũng vậy. Yayoi Kusama có ba điểm khác những người điên thông thường: một, bà biết rất rõ mình có vấn đề thần kinh; hai, bà tự nguyện sống trong bệnh viện tâm thần; và ba, bất chấp việc sống trong bệnh viện tâm thần từ năm 1975 đến giờ đã 84 tuổi, bà vẫn không ngừng sáng tác với sức lực và sự sáng tạo tưởng chừng vô tận.
Kusama sinh năm 1929 trong một gia đình giàu có ở Matsumoto, một thành phố cỡ trung bình ở Nhật Bản. Thế nhưng cuộc sống của bà từ nhỏ đã nhiều sóng gió, trái ngược với mong đợi. Gia đình của bà không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh địch hoạ, song những nỗi kinh hoàng của đứa bé Yayoi lại đến từ chính người mẹ ruột. Theo lời kể của Yayoi Kusama, mẹ đẻ của bà là một người phụ nữ bạo lực, luôn đánh đập con và xé tranh mỗi khi bà vẽ. Những người thân cũng khuyên Yayoi chuyển thiên hướng nghệ thuật vào việc sưu tập tranh thay vì tạo ra chúng, song không gì làm lay chuyển được bà. Để trốn thoát khỏi gia đình, bà đến Kyoto để học nghệ thuật, nhưng do chán ghét cách dạy học cổ hủ, bà cố thủ trong ký túc xá để vẽ thay vì đến lớp học. Sự phản đối kịch liệt và thù ghét mãnh liệt của mẹ khiến Yayoi bắt đầu có ảo giác và khủng hoảng thần kinh. Theo Yayoi Kusama, truyền tải những hình ảnh và nỗi sợ trong tâm hồn vào tranh là cách bà tự điều trị cho mình.
Trong vòng vài năm từ 1951 đến 1957, khi sống giữa Pháp và Nhật, bà vẽ vài ngàn bức tranh dựa trên những ảo giác của mình. Khi bà chuẩn bị đến New York, mẹ Kusama cho bà một triệu yên và bắt bà hứa không bao giờ quay trở lại nữa. Uất ức, bà tự tay phá hủy gần hết các bức tranh bên bờ sông cạnh nhà. Những bức bà mang tới New York đã bắt đầu có dấu hiệu của những đốm màu và những mạng lưới vô hạn (infinity nets,) dấu ấn đặc biệt của Kusama. Bà được sự dìu dắt của Georgia O’Keefe, một nữ họa sĩ nổi tiếng khác, và dần dần từ một cô gái 29 tuổi hầu như không biết tiếng Anh, bà bắt đầu xây dựng được tên tuổi.
Theo Kusama, tính “vô tận” trong những tác phẩm của bà phản ánh sự rộng lớn trong trái tim bà. Thành công đến với Kusama rất dễ dàng. Trong vòng 18 tháng kể từ khi đến Mỹ, bà đã có cuộc triển lãm đầu tiên và thậm chí được so sánh với Pollock. Một bức tranh khác về Infinity net đem nghệ thuật của bà đến châu Âu trong một cuộc triển lãm tập thể và bà được chào đón nồng nhiệt tới mức những họa sĩ khác trong nhóm phải phàn nàn.
Khi nhìn lại những tác phẩm trong thập kỉ 1960 của Yayoi Kusama, người xem không thể không ngạc nhiên vì tính phong phú của chúng. Yayoi Kusama vẽ, điêu khắc, trình diễn, sắp đặt, điện ảnh, thậm chí thiết kế thời trang… Vào thời điểm đó, kết hợp các dạng nghệ thuật với nhau chưa được phổ biến như bây giờ. Kusama nói rằng các ý tưởng đến với bà nhiều và liên tục đến mức nhiều lúc bà bị tê liệt vì không biết phải làm gì với chúng.
Kusama tự miêu tả mình là một nghệ sĩ gây ám ảnh (không phải bị ám ảnh,) một kẻ dị giáo trong thế giới nghệ thuật, một người vừa sợ hãi, vừa đam mê những gì mình tạo ra. Được coi là một người tiên phong của phong trào pop art, Yayoi Kusama dàn dựng nhiều “cảnh huống” (happening) mà bà gọi là những lễ hội của các cơ thể ở MoMa, phố Wall, hoặc Time Square, và thường xuyên bị cảnh sát bắt giữ.
Năm 1973, do sức khỏe giảm sút, Kusama trở lại Nhật Bản và bắt đầu quá trình điều trị ở bệnh viện Seiwa. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên bà viết là Kẻ nghiện tự tử ở Manhattan, mở đầu cho một chuỗi mười ba tác phẩm gây sốc xoay quanh các chủ đề bạo lực, tự sát, điên loạn, nghề mại dâm, vv,. Kusama nói đối với những người như bà, rất khó sống ở Nhật Bản, trừ khi là trong một bệnh viện tâm thần.
Một phần đặc biệt trong sự nghiệp nghệ thuật của Kusama là các căn phòng gương vô tận. Chúng được phủ kín gương với bóng đèn treo khắp nơi tạo ảo giác về một không gian kéo dài vĩnh viễn. Những người xem nhiều khi phải xếp hàng ba tiếng đồng hồ để trải qua 45 giây trong một Glass Room của Kusama.
Nghệ thuật của Kusama được ưa thích và có ảnh hưởng rộng lớn không khác gì Takashi Murakami (người cũng có các tác phẩm hợp tác với Louis Vuitton và thiết kế video clip cho Kanye West). Bà được mời thiết kế vỏ điện thoại cho KDDI, người khổng lồ viễn thông của Nhật Bản. Ngoài hợp tác với Marc Jacobs để ra mắt bộ sưu tập thời trang, Kusama còn thiết kế bao bì cho Lancome.
“Tôi sẽ tiếp tục làm nghệ thuật cho đến khi niềm đam mê còn giúp tôi đi tiếp. Tôi vô cùng cảm động khi có nhiều người ưa thích chúng. Tôi làm nghệ thuật bởi nó là liệu pháp chữa trị cho tâm bệnh của tôi, nhưng tôi chắc tôi sẽ không biết mọi người đánh giá các tác phẩm của tôi ra sao cho đến sau khi tôi chết. Tôi tạo ra nghệ thuật để chữa trị cho nhân loại.”
*
No comments:
Post a Comment