Friday, April 7, 2017

Rene Magritte: tỉ mỉ đến lạnh lùng, song luôn đau đáu những ẩn ức về mẹ


Rene Francois-Ghislain Magritte sinh năm 1898 tại Lessines, Bỉ, là anh cả của hai cậu em trai. Từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật và được cha ông là Leopold khuyến khích nồng nhiệt. Năm 17 tuổi, ông nhập học ở trường Mỹ thuật Hoàng gia tại Brussels, Bỉ (cùng trường với Van Gogh.) Được trang bị một nền đào tạo bài bản, Magritte bắt đầu thâm nhập vào thế giới hội họa và thử nghiệm từ Lập thể đến Futurismo (Vị lai), -- một phong trào có phần… viễn tưởng, nhấn mạnh vào các chủ đề xa lạ với nghệ thuật như công nghệ và máy móc. Tuy nhiên, sau một thời gian, ông mới tìm được cảm hứng thật sự trong các tác phẩm của Giorgio de Chirico, họa sĩ Ý. Chirico là người có ảnh hưởng lớn đến hai cây đa cây đề của hội họa Siêu thực là Max Earnst và Salvador Dali.

Magritte là người thứ ba.
Giống như Dali, Magritte có nhiều người yêu và không ít người ghét, nhưng kể cả những nhà phê bình khó tính nhất cũng không thể phủ nhận sự chuẩn xác của Magritte, chỉ riêng về thuần túy kỹ thuật mà nói. Từ sợi gân lá đến mạch máu người phập phồng đều được Magritte truyền tả lại với một sự chính xác và tỉ mỉ đến mức lạnh lùng, sao cho càng giống nguyên bản càng tốt. Nói một cách ngắn gọn: Magritte vẽ từng thứ một thì đẹp, và đúng, tương tự như Dali. Nhưng niềm hứng thú với thế giới thực tế của cả hai họa sĩ này đến đây là hết.

Dali là một kẻ “điên” trong cái cách ông xoắn vặn, nấu chảy, tung hứng các đối tượng trong tranh, phủ lên chúng những mảng màu chói gắt. Mục đích của ông là kích thích cảm xúc của người xem đến mức cực độ, làm người ta tức giận, sợ hãi, bật cười. Bởi Dali là người vẽ những giấc mơ quái đản nhất, những cơn ác mộng rực rỡ nhất, và ấn tượng của độc giả sau khi xem tranh Dali cũng như giống như cảm giác sau khi thức giấc vậy.
Salvador Dali, “Temptation of St. Anthony” (Quỷ cám dỗ thánh Anthony)

So với Dali, Magritte rất “tỉnh”. Ông vẽ bằng một sự cân nhắc, tính toán, chính xác như một nhà khoa học vận hành các máy móc trong phòng thí nghiệm. Không khó để tưởng tượng ra Magritte cẩn thận sắp xếp từng món đồ một, ngắm nghía, đặt lên đặt xuống, thậm chí lấy thước kẻ ra đo, rồi mới đặt bút vẽ. Mọi bức tranh của Magritte có sự hiện diện tràn trề của logic, và sự thiếu vắng hoàn toàn của tình cảm. Thật oái oăm, vì tranh Magritte là sự thách thức logic. Nó khiến trò chơi tâm lí ông chơi cùng người xem trở nên tinh tế và…nguy hiểm hơn gấp bội.

Đây, Magritte cho ta một cảnh tượng thật lãng mạn biết bao. Trăng (một nhân vật có thực và xuất hiện đi xuất hiện lại trong tranh Magritte,) trời, lá, cây, thành phố say ngủ. Nhưng ô kìa, sao mặt trăng lại ở trước cây. Người xem quáng gà chăng?
Magritte, “The white page” (Trang giấy trắng)

Lại một bức tranh tả cảnh lãng mạn hơn nữa. Mây lãng đãng, cây đèn đường tỏa ánh sáng ngọt ngào. Nhưng đây là đêm hay ngày?
Magritte, “Empire of light” (Đế chế của ánh sáng)

Magritte, “The flash” (Chớp nhoáng)

Ai cũng đã trải qua hiện tượng nhìn thấy nhiều hình ảnh khác nhau khi bị ánh đèn flash chiếu thẳng vào mặt. Vậy cái flash này là của người xem, hay của…cây? Cây vào bình là cây sắp chết chăng, hay là trước khi lìa đời cây nhớ lại cuộc đời của mình trong một cái chớp mắt?

Với mọi bức tranh, dường như Magritte luôn đứng ở một góc vô hình, kín đáo quan sát phản ứng của người xem, và nhếch mép cười.

Ông ru ngủ người xem bằng gam màu tím dịu dàng, nước Ý với tháp nghiêng Pisa lãng mạn…

Magritte, “Memory of a journey” (Kí ức một hành trình)

… để rồi làm người ta chết khiếp với những hình ảnh như thế này:

"The red model," (Hình mẫu màu đỏ.)

Đấy mới chính là Magritte. Sự kinh dị trong tranh Magritte như một đợt sóng ngầm êm ả, lặng lẽ nhưng sẵn sàng bủa vây và làm người ta toát mồ hôi. Không như một cơn ác mộng người ta có thể cười xòa và quên đi, nỗi sợ trong tranh Magritte khiến ta đứng ngồi không yên, nhưng không đủ để ta bỏ đi, mà thậm chí khiến ta muốn…xem tiếp.

Nỗi sợ Magritte tạo ra cho người xem nhân lên gấp nhiều lần đối với những ai đã có kinh nghiệm cá nhân. Chắc ai đã từng đi lạc trong rừng và trông thấy một bóng người thoắt ẩn thoắt hiện mới thấy rùng mình vì bức này. Đối với những người chưa trải qua cảm giác ấy, nó đơn giản là đẹp.

Magritte, “Signature in blank” (Chữ kí trắng)

Song bản thân Magritte cũng bị ám ảnh bởi một bóng ma. Đó là lỗ thủng trong tấm áo giáp trí tuệ bình thản và thông thái của ông: cái chết của mẹ khi Magritte mới tròn 14 tuổi.

Regina Bertinchamps là một thợ làm mũ, vợ của Leopold Magritte, mẹ của Rene Magritte, và một nạn nhân của chứng trầm cảm kinh niên. Vì bà đã có tiền lệ tự tử nhiều lần không thành, Magritte cha phải nhốt bà lại; song số phận đã an bài. Một ngày định mệnh, chú bé Magritte đến bờ sông Sambre để thấy mẹ bị vớt từ lòng sông lên, chiếc áo ngủ của bà quấn quanh đầu để lộ thi thể trần trụi. Không khó tưởng tượng mức độ ảnh hưởng của một bi kịch như vậy đối với tâm hồn thiếu niên nhạy cảm. Song nếu có bất cứ cơn bão tố nào trong lòng, Magritte cũng che giấu nó một cách thành công. Ông lớn lên bình thường một cách đáng ngạc nhiên, không nghiện ngập, cờ bạc, thậm chí ông còn gặp và kết hôn với người yêu ông và sống hạnh phúc suốt cuộc đời với người ấy. Những ẩn ức của Magritte chỉ được bộc lộ qua tranh. Thật may mắn cho Magritte vì đã có hội họa để trút bỏ nỗi lòng…


Ông có một chùm tranh mang tên The lovers (Người tình), trong đó cả hai nhân vật đều bị bịt mặt kín mít. Không nhìn thấy gì thì yêu làm sao? Nhưng thực ra mấy ai dám nói mình hiểu người mình yêu, dù có nhìn mặt nhau hàng ngày. Hoặc có lẽ Magritte muốn nói rằng tình yêu cơ bản là mù quáng? 



Hình ảnh mẹ ông với tấm áo ngủ che kín đầu ắt phải để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc với Magritte, vì motif người che mặt là một motif lặp đi lặp lại trong tranh của ông.
=



.


Có lúc ông tặng cho người mẫu phụ kiện thật đẹp…quả đúng là mặt hoa da phấn.
"The great war" (Đại chiến)

Song có lúc nó bị đẩy lên đến mức nhức nhối.

”The rape” (Cuộc cưỡng hiếp) là một bức tranh tăm tối, nó chạm đến đáy sâu trong tâm lí của người phụ nữ – con mồi. Đối với nhiều người, cái họ nhìn thấy đầu tiên ở một người đàn bà là thân thể của họ.

Magritte hiếm khi mô tả người phụ nữ với một gương mặt nguyên vẹn. Giới tính nữ, thay vì là một niềm hạnh phúc và vinh quang, được coi như một gánh nặng và đau đớn.
“Dangerous Liaisons” (Những mối quan hệ bất chính). Người phụ nữ che giấu cơ thể – nữ tính và gương mặt – bản ngã mình một cách khổ sở và đấy xấu hổ.

"The menaced assassin" (Kẻ ám sát bị hăm dọa): Một người phụ nữ nằm như chết, máu đỏ ứa ra trên thân thể trắng bệch, vây quanh là những gương mặt đàn ông vô cảm trong áo quần trịnh trọng. Đây là một sự tái hiện lại cảnh tượng mẹ ông bị vớt lên từ dưới lòng sông, vô tri vô giác, không có gì bảo vệ bà khỏi cái nhìn và sự tàn nhẫn của người đời.

”The collective invention" (Phát minh tập hợp.) Magritte vẽ như thể với hy vọng mẹ sẽ biến thành con cá và bơi đi, nhưng cái đuôi cá đã không mọc ra kịp thời.

“The double secret" (Bí mật kép.) Đối với những nạn nhân của bệnh trầm cảm, bi kịch là chính họ cũng không thể hiểu mình. Giá như hội họa có thể trở thành một công cụ trị liệu và bóc tách được nội tâm của bệnh nhân như trong tranh.

“The evening gown” (Chiếc áo ngủ.) Tựa đề tranh thật lãng mạn và hợp với nội dung tranh, nhưng nếu ta coi người đàn bà như mẹ Magritte và đặt chiếc áo ngủ vào hoàn cảnh bên sông Sambre, hành động tự sát của bà chính là một sự quay lưng với Magritte. Và nỗi đau bị bỏ rơi này theo ông suốt cuộc đời.

Tự trách mình là một tình trạng phổ biến của thân nhân những người tự chọn kết liễu cuộc sống. Giá như người con trai có thể đổi chỗ cho mẹ, để chăm sóc nuôi dưỡng mẹ trong tình thương, có lẽ chuyện tự tử đã không xảy ra.

Hoặc nếu có thể tạo ra mẹ từ tranh, như trong truyền thuyết về chàng Pygmalion và nàng Galatea…. Trong ảnh là bức “Attempting the impossible” (Cố gắng làm điều không thể.)
Bức tranh ảm đạm nào cũng cần một vệt sáng. Đối với Magritte, vệt sáng đó là vợ ông – Georgette Berger. Bà là quả cân làm thăng bằng lại cuộc đời ông. Không lâu sau khi gặp Georgette, ông thề sẽ không bao giờ xa bà, và cuộc đời hai người chính là minh chứng sống cho lời thề đó. Khác với mẹ ông, Georgette không bao giờ bỏ rơi Magritte.

Hai vợ chồng Magritte

Bức chân dung ít tính nghệ thuật và triết lý nhất, nhưng đơn giản và hạnh phúc như cuộc hôn nhân của Magritte

Khi được hỏi về ý nghĩa những bức tranh của mình và mối liên hệ nếu có với cuộc đời ông, Magritte trả lời như một triết gia đích thực: “Tranh của tôi không che giấu gì, nó đơn giản là điều bí ẩn. Người ta thắc mắc tranh của tôi có ý nghĩa gì ư? Chả có ý nghĩa gì cà, vì điều bí ẩn đơn giản là bất khả tri.”

*
.

No comments:

Post a Comment