Sunday, April 9, 2017

Liu Ye – người đàn ông trốn trong màu cổ tích

Cuộc Cách mạng Văn Hóa ở Trung Quốc giống như một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp. Bầu không khí  tràn ngập đấu tố, hành hạ, đói rét chính là chiếc máy xay nghiền nát tinh thần con người hiệu quả nhất. Những nghệ sĩ lớn lên trong thời kì đó ít nhiều đều bị ảnh hưởng về mặt tinh thần hoặc thể chất, và điều này được biểu hiện tương đối rõ ràng trong các tác phẩm điện ảnh (Trương Nghệ Mưa, Trần Khải Ca) và văn học (Mạc Ngôn, Đới Tư Kiệt.)
Nếu điện ảnh và văn học đòi hỏi người xem phải đầu tư một lượng thời gian nhất định để cảm thụ thì mỹ thuật, tuy ít dùng từ ngữ để truyền tải, lại có hiệu ứng nhanh chóng và ấn tượng. Một cái tên khá quên thuộc với những người yêu nghệ thuật trên thế giới là Ai Weiwei (Ngải Vị Vị,) mặc dù nhiều người nhớ tới ông vì những rắc rối với chính quyền hơn là những tác phẩm cụ thể. Còn có thể kể đến Zheng Fanzhi, người có bức tranh sơn dầu “The supper” vẽ nhại theo bức của Leonardo de Vinci với các thiếu niên quàng khăn đỏ, hoặc Zhang Xiaogang với những bức chân dung gia đình đầy ám ảnh.
"Bữa tiệc ly biệt," Zheng Fanzhi, lập mức giá kỉ lục ở nhà Sotheby’s


"Gia đình lớn," Zhang Xiaogang. Chú ý những sợi tơ máu nối giữa các thành viên của gia đình với nhau.

Tuy nhiên còn có một họa sĩ Trung Quốc khác rất đặc biệt - ông cũng lớn lên trong thời kì Cách mạng văn hóa song lại từ chối những ảnh hưởng của nó. Sinh ra vào năm 1964 ở Bắc Kinh trong một gia đình trí thức, từ nhỏ Liu Ye đã lớn lên trong một thế giới tưởng tượng tạo ra nhờ … những cuốn sách cấm bố ông giấu dưới gậm giường. Những tác phẩm phương Tây như Truyện cổ Andersen, Anna Karenina, Chiến tranh và Hòa bình, với một số hình minh họa hiếm hoi đã thắp sáng trong tâm hồn ông niềm khao khát một thế giới khác. Mỗi khi muốn trốn chạy thực tại, ông lại thả hồn vào thế giới ảo đó. Và khi lớn lên, Liu Ye đã tự mình tái tạo thế giới ấy bằng hội họa.
Chọn lựa tránh xa chính trị, Liu Ye tập trung vào khía cạnh con người. Ông thường vẽ trẻ con với gương mặt buồn, hoặc người lớn nhưng với tỉ lệ đầu-thân tròn trĩnh như Doraemon. Tất cả đều được tô điểm bằng những màu sắc tươi thắm như kẹo. Ở khoản này, Liu Ye khá giống với Botero, dù các nhân vật của Botero béo tròn hơn. Đối với Liu Ye, những cảm xúc của trẻ con là những cảm xúc thô thật và tự nhiên nhất. Những nhân vật của Liu Ye, tuy vậy, không bao giờ tươi cười. Dù là trẻ con, người lớn, hay động vật, tất cả đều như bị đông cứng, chết sững, giam cầm trong một trạng thái nửa thôi miên. Liu Ye vẽ như một cách thoát li khỏi tình cảm.
"Nữ vận động viên Olympic"

"Cô giáo và học sinh"

Khác với những nghệ sĩ cùng thời, Liu Te được hưởng nền giáo dục phương Tây. Ông học nghệ thuật ở Berlin, và vì thế tránh được sự kiện Thiên An Môn và những hệ lụy tinh thần của nó. Có thể nói so với những người khác, Liu Ye có một sự tự do nhất định trong biểu hiện nghệ thuật. Ông miêu tả những nhân vật nổi tiếng, có thực hoặc không của thế giới phương Tây trong hình dạng ngộ nghĩnh, với một tinh thần hài hước thâm thúy song không kém phần chua chát. Những câu chuyện trong tranh ông có màu sắc êm dịu như những giấc mơ, hoặc ảo giác, song cảm xúc chúng tạo ra là sự trống vắng, lạnh lẽo, và cô độc.
"Bạch Tuyết"

"Romeo"

"Mozart"

"Đức giáo hoàng giải cứu một chú lợn." Sự tương phản giữa giáo hoàng John Paul II và chú lợn nhỏ màu hồng tạo ra cảm giác của tác phẩm siêu thực.

Đam mê hội họa phương Tây, Liu Ye bị ảnh hưởng bởi các sử dụng màu sắc của Paul Klee và cách biểu lộ cảm xúc nhân vật của Vermeer, song họa sĩ khiến ông bị ám ảnh nhất là Mondrian. Những tác phẩm dựa Mondrian xuất hiện với tần suất dày đặc trong tác phẩm của Liu Ye, thậm chí bố cục vuông góc mà ông thường sử dụng cũng bị ảnh hưởng bởi Mondrian.




Piet Mondrian, “Bố cục II màu đỏ, xanh, vàng “

"Buổi học tranh Mondrian" của Liu Ye

"Wow"

"Thần ái tình" của Liu Ye trong một không gian bị ảnh hưởng bởi de Chirico với một bức họa của Mondrian trên tường

Một nhân vật xuất hiện lặp đi lặp lại trong tranh Liu Ye là cô thỏ Miffy. Miffy là một chú thỏ xinh xắn trong series truyện tranh của Dick Bruna. Miffy gợi đến những mảng màu cơ bản của Mondrian và những đường cong tự nhiên thoải mái trong tranh cắt giấy của Matisse. Liu Ye bị Miffy hớp hồn khi ông tới Hà Lan.
Miffy của Dick Bruna

“(Khi ở Đức), tôi rất nhớ nhà và khao khát muốn vẽ một thứ gì giúp tôi kết nối được với quê hương. Đấy là lí do tôi bắt đầu vẽ những bức tranh gợi nhớ về tuổi thơ. Tôi thèm được quay trở lại làm một đứa trẻ, tránh xa khỏi phong trào biểu hiện Đức, và vẽ theo một cách đơn giản. Cô thỏ này chính là Miffy của Dick Bruna, một nhân vật rất được ưa thích ở Hà Lan. Khi tôi sống ở Amsterdam 8 năm trước, tôi biết đến Miffy và mê cô ngay lập tức, có lẽ vì tôi nhận ra chính tôi trong cô bé. Mặc dù Miffy là một nhân vật khá đơn giản và có vẻ không thông minh gì lắm, thực ra cô cực kì khôn ngoan. Tôi yêu cô bé ngay và cô khiến tôi xúc động….Trong tất cả những bức tranh tôi vẽ Miffy, thực ra tôi vẽ chính bản thân mình. Điều này khá giống với Alfred Hitchcock, người xuất hiện thoáng qua trong tất cả các phim của mình. Cô thỏ gắn liền với tuổi thơ song cũng nối kết với hiện tại bây giờ của tôi.”

"Miffy trong bóng tối"

"Miffy học vẽ"

"Bé vẽ Miffy"

Họa sĩ với Miffy và Mondrian thấp thoáng trên tường

Kết hợp giữa Miffy và Mondrian

Cuối cùng, mời các bạn xem một cuộc phỏng vấn với Liu Ye về bức tranh “Bamboo bamboo Broadway” mà ông đang tiến hành, tại đây.

*

No comments:

Post a Comment