Những ngày này, đi lại ngoài đường dễ thấy náo nức vì cây thông, quả châu, dây kim tuyến giăng mắc khắp nơi. Những bài hát Giáng sinh cũng được nhà hàng, quán xá khai thác triệt để (cảm giác vui vẻ hội hè dễ khiến người tiêu dùng dễ dàng móc ví hơn, chắc vậy). Kể cả không theo đạo, hầu như ai ai cũng có chút cảm xúc với Giáng sinh, không ít thì nhiều. Đa phần ý nghĩa nguyên thủy của ngày này đã bị thất lạc, nhường chỗ cho chủ nghĩa tiêu dùng, không thì cũng là dịp để tụ tập ăn uống đi chơi. Ngày Giáng sinh năm nay, thử cùng nhau ngắm tranh Chúa Giáng sinh qua các thời kì để hiểu thêm về nguồn gốc của ngày lễ này.
Christmas có nguồn gốc từ Christ’s mass – Christ là tên của Chúa, Mass là thánh lễ. Trong tiếng Hy Lạp, tên Chúa được viết là Khristos (Χριστός) nên chúng ta thỉnh thoảng viết tắt thành Xmas là vậy. Tuy hiện giờ Giáng sinh được cử hành phổ biến vào ngày 25 tháng 12 (bắt đầu từ nửa đêm 24) nhưng trong lịch sử, ngày sinh chính xác của Chúa cũng là chủ đề cãi nhau tung tóe. Có lúc Giáng sinh còn được tổ chức cùng ngày với lễ Hiển Linh (Epiphany ngày 6 tháng 1). Khoảng bốn tuần dẫn tới lễ Giáng sinh là một giai đoạn chờ đợi vui vẻ được gọi là lễ mùa Vọng (Advent) được đánh dấu bởi những cuốn lịch mùa Vọng phong phú. Lịch thường gồm nhiều ô nhỏ, mỗi ô ứng với một ngày, có tranh ảnh, đồ chơi, bài thơ,… rất hấp dẫn với trẻ nhỏ.
Sự Giáng sinh của Chúa trong hội họa (gọi là Nativity) có những chi tiết lắp ghép từ những câu chuyện trong Phúc âm của Luke và Matthew, và một số truyền thuyết khác. Vì thế câu chuyện này nên được nhìn theo hướng thần học, huyền thoại thay vì lịch sử. Tuy nhiên cảnh Nativity trong hội hoạ có nhiều điểm khá tương đồng. Hãy thử cùng đi qua những tác phẩm nghệ thuật lấy chủ đề Nativity để tìm hiểu về sự ra đời của Chúa.
1. Chồng già vợ trẻ là tiên. Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần
Câu này rất đúng với cặp vợ chồng Joseph và Mary. Thường trong tranh vẽ cảnh Chúa Giáng sinh bao giờ cũng có Đức Mẹ và thánh Joseph đứng lúi húi bên cạnh, nhưng hầu như bao giờ bà Mary cũng có gương mặt trẻ trung không vướng bụi trần, còn ông Joseph thường được mô tả già nua, râu ria, khắc khổ. Trong Kinh thánh chẳng hề có nhắc đến tuổi ông Joseph, mặc dù có nhiều nguồn nói rằng khi hạ sinh Chúa, bà Mary mới có 14 tuổi. Vậy vì sao các hoạ sĩ lại vẽ khoảng cách chênh lệch tuổi tác lớn như vậy giữa hai người?
Đó là bởi vì Đức Mẹ tuyệt đối trong sạch - người sinh ra không dính vào nguyên tội. Immaculate Conception là để chỉ sự thụ thai của Đức Mẹ chứ không phải Đức chúa như nhiều người lầm tưởng. Vì trong sạch như vậy nên Đức Mẹ mới được lựa chọn làm chiếc bình đựng Chúa. Nếu để cho Joseph là một nam nhi trai tráng sung mãn, sao tránh khỏi tình cảnh “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” với vợ mình! Bởi vậy các hoạ sĩ thường vẽ ông Joseph sao cho càng già, càng nhăn nheo, càng giống… ông nội của Mary càng tốt. Như vậy để người xem khỏi suy đoán lung tung, mất cả thành ý.
2. Một túp lều tranh hai trái tim vàng và Đấng Cứu thế trần trụi
Những bức tranh vẽ cảnh Nativity thường đặt các nhân vật chính trong bối cảnh nhà cửa xập xệ, điêu tàn. Nhiều khi máng lừa nơi Chúa ra đời còn đặt tơ hơ ngoài trời thật lạnh lẽo, mà chuồng gia súc thì chẳng có cả tường! Chúa hài đồng mới ra đời thì chẳng được quấn khăn ấm áp giữa ngày mùa đông, nhìn thôi đã thấy rét run. Vẫn biết là nhà trọ không có chỗ nên mới phải ra chuồng gia súc để sinh con, nhưng thật là… ông Joseph và bà Mary nghèo quá chăng?
Thực ra không phải vậy. Tòa nhà hoang phế đấy chính là biểu tượng cho một thế giới cũ nát, rệu rã, sắp tan biến. Sự ra đời của Jesus Christ là điểm khởi đầu cho một kỉ nguyên mới. Có người lại giải thích rằng căn nhà mục nát chính là Temple of Peace, một ngôi đền người La Mã dựng lên trong thời kì thái bình. Theo tài liệu Golden Legend của Tổng giám mục Jacobus de Voragine xứ Genoa, thần Apollo báo trước cho dân La Mã rằng ngôi đền này chỉ đổ sụp khi một cô gái đồng trinh sinh con. Khi Chúa ra đời thì Temple of Peace cũng tự hủy, sau này được thế chỗ bởi nhà thờ Santa Maria Nouva. Còn Chúa hài đồng bị lột trần không phải vì Mary không chuẩn bị tã lót, áo ấm cho con trai, mà để biểu thị rằng đây thật sự là một đứa bé thuộc về… loài người, có thân thể đầy đủ như mọi đứa bé phàm trần khác; bởi Chúa vừa là con người, vừa là thần thánh, ngài mới có thể cứu chuộc nhân loại. Chúa đến với nhân gian trong hình hài trẻ thơ mong manh yếu ớt, chẳng có gươm đao hay sức mạnh gì đặc biệt, bởi ngài chinh phục con người bằng tình yêu tự thân từ bên trong, không bằng sự thống trị và vũ lực. Vì vậy khi xem tranh chúng ta cũng không phải xuýt xoa thương cảm đức Chúa bị rét làm gì!
3. Bò và lừa, con nào biết chủ?
Hình ảnh chú bò và chú lừa là hình ảnh phổ biến và có lịch sử lâu đời nhất trong tất cả các tiếu tượng (icon) của Nativity, có lẽ chỉ sau chính bản thân Chúa hài đồng. Các họa sĩ nhà ta cho bò và lừa vào để quang cảnh thêm phần sinh động chăng? Hay để mấy con vật giúp hà hơi ấm cho Đức Chúa khỏi giá rét?
Thì ra theo lời tiên tri của ngôn sứ Isaiah, “The ox knoweth his owner, and the ass his master’s manger. Israel hath not known me, and my people hath not understood.” (Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân (của) ta chẳng hiểu gì). Con bò và con lừa ở đây tượng trưng cho dân Isreal và dân ngoại (Gentiles). Theo Cựu ước, con bò được coi là sạch, con lừa thì bẩn. Đặt hai con vật cạnh nhau để nói lên sự hòa hợp của hai giống dân dưới sự dẫn dắt của Chúa và Giáo hội. Cả bò và lừa đều là những con vật ngốc nghếch, nhưng chúng đã được khai sáng khi Chúa hài đồng xuất hiện. Tiếc thay loài người nhiều khi lại mù lòa hơn cả động vật tưởng vô tri.
4. Vua và mục đồng đều thành kính như nhau
Tuy Nativity là một chủ đề riêng, nhưng không ít lần được kết hợp cùng sự chiêm bái của những mục đồng (Adoration of the shepherds) và những nhà thông thái (Adoration of the magi) tạo nên một quang cảnh ấm áp, vui vầy. Ai là ai? Vì sao mà đến chốn này?
Theo Luke 2, những người chăn cừu đến chiêm bái Đức Chúa ngay sau khi ngài ra đời. Một thiên thần hiện ra thông báo với họ rằng Chúa đã được sinh ra ở Bethlehem (đây là chủ đề Annunciation of the shepherds), những mục đồng liền vội vã lần tới nơi để ngưỡng vọng hài nhi kỳ diệu. Trong tranh gương mặt vô tư của các mục đồng thường ánh lên sự vui sướng, kinh ngạc, xúc động, tôn thờ. Những người chăn cừu vốn là một tầng lớp tương đối tầm thường trong xã hội, nhưng họ lại được thiên thần thân chinh thông báo về Chúa hài đồng – việc này có ý nghĩa không thể coi thường. Trang phục của các mục đồng thường đơn giản, có khi trong tay họ vẫn cầm cây gậy chắn súc vật, xung quanh có khi rải rác một vài chú cừu. Hình ảnh này có tính biểu tượng bởi trong Thiên Chúa giáo, những tín đồ tự coi mình là những con chiên (cừu) và Chúa là đấng Mục tử cao cả dẫn dắt họ.
Những nhà vua, hoặc chiêm tinh đến sau các mục đồng. Vì thế nếu cả hai nhóm cùng xuất hiện trong tranh thì các nhà vua thường ở xa xa hơn một chút, đang trên đường đi tới. Theo Kinh thánh, khi Chúa chào đời thì một ngôi sao sáng rực rỡ xuất hiện ở Bethlehem tỏa ra hàng trăm dặm. Các nhà chiêm tinh (nhà thông thái, hay nhà vua, tùy người kể) từ hướng Đông lần theo ánh sáng đó mà tìm. Vì thế trên đỉnh cây thông thường có ngôi sao to lấp lánh. Theo lịch sử, sự kiện này xảy ra sau khi Chúa ra đời chừng mười ngày.
Theo chú giải, các nhà chiêm tinh kiêm nhiệm vụ thầy tư tế và cố vấn cho nhà vua. Vậy thì sao lại biến thành các ông vua? Đó là sự kết hợp giữa truyền thuyết về các nhà chiêm tinh và đoạn tiên tri trong Psalm 72:11: “May all kings fall down behind him.” (Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.”) Trong tranh thường có ba người, dù chả ở đâu nhắc tới số ba, bởi họ dâng cho Chúa ba món quà: vàng, nhũ hương, mộc dược (báo trước việc xức dầu cho xác Chúa sau khi Người bị đóng đinh). Mỗi vị vua đại biểu cho một châu lục, vì thế thường có một vị vua da đen, một vị da trắng, một vị da vàng, y phục khác nhau nhưng thảy đều xa hoa quý phái. Dần về sau này, truyền thuyết dân gian đâm nhánh sum suê, các nhà vua là Gaspar, Balthasar, Melchior. Tương truyền sau khi dâng quà cho Chúa hài đồng, các nhà vua trở về phương Đông nhưng đi đường vòng để tránh sự tra khảo của vua Herod.
5. Thiên thần ca hát, bà đỡ đa nghi
Bức tranh Nativity không thể thiếu những thiên thần phía trên cao ca tụng sự ra đời của Chúa. Theo Kinh thánh, khi thiên thần hiện ra báo tin lành cho những người mục đồng, thì một nhóm thiên binh cũng hiện ra và hát: “Glory to God in the highest, and on earth peace to men on whom his favour rests.” (“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới đất, ân ban cho người). Trong tranh Nativity thường có một vài thiên thần bay lượn quanh Đức Mẹ Mary, có lẽ là mượn từ đoạn trên, trừ khi theo trường phái tả thực thì không có. Những thiên thần thường có cánh, gương mặt và thân hình được lý tưởng hóa khiến bức tranh nhuốm màu thần thoại.
Nhân vật phụ của Nativity có lúc còn có hai người phụ nữ lạ mặt, một người tên là Salome, còn người kia là bà đỡ trong làng. Theo truyền thuyết, Salome không tin là Mary vẫn còn trinh tiết và đòi… kiểm tra. Khi Salome dám sỗ sàng… thò tay vào người Mary thì bà lập tức bị trừng phạt, bàn tay co lại nhăn nheo. Sợ hãi, Salome hối hận và thực sự tin vào quyền năng kì diệu của Thiên Chúa. Khi ẵm Chúa hài đồng lên, tay bà lại lành như cũ, kể từ đó Salome trở thành một đệ tử ngoan đạo. Cảnh tượng này nghe đã thấy có phần thô thiển rồi nhỉ, nên chẳng mấy khi được vẽ lại trong tranh. Thỉnh thoảng có hai bà đỡ tắm táp cho Jesus thì một trong hai bà đó chính là Salome mà thôi. Càng từ sau thời kì Phục hưng trở đi thì bà đỡ xuất hiện càng thưa thớt.
Mỗi Giáng sinh, các trường tiểu học ở phương Tây thường có những vở kịch về Nativity cho các em nhỏ đóng. Có nhiều vai đủ cho mọi người, em nào không đóng mục đồng thì mặc áo cừu, em nào không diễn vai nhà vua thì làm thiên thần, tạo thành một kỉ niệm vui cho tất cả. Những xóm đạo cũng có các hoạt động trang trí máng cỏ, hang đá, cây thông, làm đẹp cho cộng đồng.
*
No comments:
Post a Comment