Monday, April 10, 2017

Xem tranh: “Madonna in the Church” của Jan van Eyck - sự vĩ đại trên từng milimet

Tiếp theo bài trước về Rolin Madonna, bài này chúng ta cùng chiêm ngưỡng một tác phẩm khác về Đức Mẹ của hoạ sĩ tài danh Jan van Eyck. Một bức hoạ bé xinh lắm lắm, chỉ chừng 31 cm x 14 cm thôi (to hơn cái iPad một chút) nhưng lại là một từ điển thu nhỏ về Madonna iconography! Câu “A picture is worth a thousand words” (Một bức tranh có giá trị hơn cả ngàn từ ngữ) quả là đúng với tác phẩm này. Kích cỡ nhỏ nhắn càng khiến bức tranh có hiệu quả “mời gọi” người xem dán mắt vào. Dù vẽ Ghent Altarpiece 3.5 m x 4.6 m hay bức tranh sơn dầu tí tẹo này (Madonna in the Church có thể được coi là một dạng miniature painting – tranh tiểu họa), tài nghệ sơn dầu của Jan van Eyck vẫn là không có đối thủ. Thử nhìn cách ông vẽ ánh sáng phản chiếu lấp lánh trên sợi chỉ vàng (tranh dưới.)

Madonna in the Church, của Jan van Eyck, 1438-1440 (Các bạn bấm vào hình để xem bản to)

Gấu áo thêu chỉ vàng của Madonna, có thể thấy một phần của chữ Sole (mặt trời) và chữ Lux (ánh sáng)

Tạm khoan bàn về tay nghề của Jan van Eyck, ở bài này ta chỉ tập trung phân tích hình ảnh Đức Mẹ đã. Các icons về Đức Mẹ trong bức tranh này khá… lằng nhằng, vì thế ở đây ta xếp theo hệ thống cho dễ thấy.

1 – Queen of Heaven
Đây không phải lần duy nhất ông Jan tặng cho Đức Mẹ chiếc vương miện lộng lẫy. Ở bài trước, có người đã thắc mắc về vai trò của chiếc vương miện này, bởi Đức Mẹ đã đẹp hoàn hảo rồi, còn cần vương miện làm chi nữa! Nhưng một trong những tước hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ là Queen of Heaven (có thể dịch là Vương Hậu Thiên Đàng, Nữ Hoàng Thiên Quốc, Nữ Vương Thiên Cung, v.v và v.v,…), do Giáo hoàng Pius XII sắc phong, bởi Đức Chúa con trai người chính là King of Heaven (Tôn Vua Thiên Cung). Đã là Vương Hậu thì đương nhiên phải có … vương miện, và phải được tấn phong đàng hoàng. Trong lời xưng tụng của các thánh dành cho Đức Mẹ thường nhắc đến danh hiệu này:

“The greatest glory of the blessed in Heaven is, after seeing God, the presence of this most beautiful Queen.” St. Peter Damian (1072).

(“Vinh quang cao cả nhất của các thánh trên Thiên Quốc, là sau khi chiêm ngắm Thiên Chúa, là sự hiện diện tuyệt vời của Đức Nữ Vương.” Thánh Peter Damian, năm 1072)

“We know every well that the Blessed Virgin is Queen of Heaven and earth, but she is more Mother than Queen.” St. Thérèsa of the Child Jesus and the Holy Face (1897).

(“Chúng ta biết rất rõ ràng rằng Đức Trinh Nữ là Nữ Vương trời đất, nhưng Mẹ là người mẹ hơn là Nữ Vương.” Thánh Theresa Hài Đồng Jesus.)
Cận cảnh vương miện của Đức Mẹ

Vương miện của Đức Mẹ trong Rolin Madonna, của Jan van Eyck

Đức Mẹ đội vương miện trong Ghent Altarpiece, của Jan van Eyck

Thử so sánh vương miện Đức Mẹ của Jan van Eyck với Đức Mẹ của Botticelli trong Madonna del Magnificat.

Thử so sánh với vương miện thiên thần Gabriel, trong Annunciation cũng của Jan van Eyck.

Thử so sánh với vương miện các Giáo hoàng trong Ghent Altarpiece, của Jan van Eyck

Kết luận: Jan van Eyck sở trường vẽ những chiếc vương miện tinh xảo nhiều châu báu ngọc ngà. Chất liệu sơn dầu khô chậm cho phép ông vẽ chồng nhiều lớp trong suốt tạo hiệu ứng ba chiều, lại tỉa tót những viên đá quý nhỏ xíu và ánh kim loại lấp lánh. Có tài thế thì làm gì có chuyện Jan van Eyck bỏ qua chiếc vương miện trên đầu Đức Mẹ, phí cả một cơ hội thể hiện trình độ đi chứ. Trong tranh Đức Mẹ mặc áo choàng nhung màu lam đậm (biểu tượng cho sự khiêm nhường) bên ngoài chiếc váy đỏ viền ngọc quý tiệp màu vương miện, gấu váy thêu chỉ vàng. Về phần trang phục thì Đức Mẹ của Jan van Eyck có thể nói là lộng lẫy nhất, xứng danh Nữ Vương.


2. Eleusa

Trong hệ thống iconography về Đức Mẹ, Eleusa là dạng mô tả Đức Mẹ nâng niu Đức Chúa hài đồng trong tay; con nép sát má vào mẹ, mẹ bồng con âu yếm.

Eleusa bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Ἐλεούσα, (sự từ bi). Trong giáo hội, danh hiệu này của Đức Mẹ được gọi là Virgin of Tenderness (Đức Mẹ Dịu Hiền.) Để thể hiện sự bao bọc của mẹ với con, Jan van Eyck đã phóng to tỷ lệ chênh lệch giữa Đức Mẹ và Đức Chúa, khiến hài nhi nhỏ bé lại càng có vẻ mong manh yếu đuối. Nếu nhìn kỹ có thể thấy phía sau Đức Mẹ bên tay phải là một tác phẩm điêu khắc Eulesa khác của nhà thờ! Trong bức tranh này, Jan van Eyck thể hiện Đức Mẹ vừa trang nghiêm vừa nhân hậu, khí chất thật xứng đáng với chức danh Virgin of Tenderness. Hình tượng Eleusa cũng có điểm tương đồng với “Quan âm tống tử” của nhà Phật.

Eulesa đắp nổi của nhà thờ và Eulesa “xịn” hiển linh kì diệu

Eleusa của Raphael

Eleusa trong bức Cambrai Madonna, 1340

“Tống tử Quan Âm” là motif vẽ Đức Quan Âm đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn ẵm em bé, khá giống với Đức Mẹ Eleusa.

3 – Virgo Intacta:

Đức Mẹ của Jan van Eyck không chỉ có phục trang yêu kiều và phong thái dịu dàng mà còn có đức hạnh sáng ngời nữa. “Virgo intacta” – tính trinh nữ nguyên vẹn của Đức Mẹ là một phần cực thiết yếu trong tín ngưỡng Cơ Đốc. Theo đó, Đức Mẹ được thụ thai bởi Chúa Ma (The Holy Ghost) và sinh ra Chúa Jesus mà không hề có sự động chạm của đàn ông. Từ xưa xửa xừa xưa, các hoạ sĩ đã vặn óc tìm cách diễn tả điều này sao cho thật duyên dáng ý nhị. Lúc thì họ dùng hortus conclusus (khu vườn đóng kín) ngụ ý sự trong sạch của Đức Mẹ, lúc thì xài hoa lily trinh nguyên, lúc thì cho Đức Mẹ mặc áo choàng trắng…

Madonna with child and angels, của Mainardi, với hoa lily

Ở đây Jan van Eyck dùng ánh sáng để diễn tả sự trong sạch tuyệt đối của Đức Mẹ. Theo thánh Bernard xứ Clairvaux, giống như ánh sáng của tinh tú chiếu qua kính không làm tổn hại kính mà cũng không bị suy giảm, trinh nữ Mary cũng không bị tổn hại gì khi sinh con. Tính “vô nhiễm” của Đức Mẹ được ẩn dụ bởi kính cửa sổ nguyên vẹn sáng trong. Ngoài ra, theo Panofsky, ánh sáng mặt trời như lẽ thường là phải đến từ cửa sổ phía Nam, do cấu trúc của các nhà thờ Bắc Âu, song ánh sáng ở đây lại tới từ cửa sổ phía Bắc. Ánh sáng kỳ diệu đó không thể là ánh sáng tự nhiên, mà là ánh sáng của Đức Chúa. Hai ngọn nến bên cạnh Eleusa chạm khắc thật nhạt nhòa khi đặt cạnh luồng ánh sáng thần thánh ấy, ý rằng những hình ảnh thờ phụng do con người tạo ra không thể sánh bằng Đức Mẹ thật! Gương mặt của Đức Mẹ cũng tỏa ra một luồng ánh sáng tự thân dìu dịu. Gấu áo thêu chỉ vàng của người có nhắc tới ánh sáng (lux) và mặt trời (sole.)

Ánh sáng xuyên qua cửa kính màu

Hai vệt sáng trên sàn nhà thờ

Cách khắc họa ánh sáng tinh tế của Jan van Eyck trong bức tranh này được ca ngợi hết lời. Học giả Millard Meiss – chủ tịch Congress of the International Committee of the History of Art – cho rằng trong lịch sử hội hoạ phương Tây chưa có ai mô tả ánh sáng xuất sắc hơn Jan van Eyck. Bằng ánh sáng, ông đã đem lại những ý nghĩa sâu sắc và mới mẻ cho khía cạnh đức hạnh của Madonna – một chủ đề tưởng chừng đã trở nên nhàm chán trong hội họa.

4. Madonna as the Church

Cuối cùng và quan trọng nhất trong bức Madonna in the Church là sự đồng hóa của Đức Mẹ và Giáo Hội. Vì sao lại quan trọng nhất? Bởi nó khẳng định quyền lực chính thống của tòa thánh La Mã. Giống như Đức Mẹ là mẹ của Đức Chúa hài đồng, Giáo Hội cũng là ngai tòa duy nhất của Chúa. Nếu chiếu theo tỷ lệ của các nhà thờ được xây dựng ở thời kỳ đó thì Đức Mẹ trong bức tranh này phải cao tới 18 m! Kích cỡ “siêu nhiên” của Đức Mẹ vừa biểu đạt tính phi thường, thần thánh của Đức Mẹ, vừa biến “Đức Mẹ trong Nhà thờ” trở thành “Đức Mẹ chính là một với Nhà thờ.”

Nhìn lại Đức Mẹ khổng lồ uy nghi trong tranh

Để khẳng định thêm “Đức Mẹ chính là Nhà Thờ” Jan van Eyck còn biến những sự kiện trong cuộc đời Đức Mẹ thành những hình chạm khắc trong thánh đường, những chi tiết mà phải cần… kính lúp họa may mới xem kỹ được. Nhiều người đã tìm cách dò xem nhà thờ trong bức này là cái nào ở ngoài đời, nhưng giống như trong Rolin Madonna, Jan van Eyck đã tạo nên một khung cảnh Gothic kỳ ảo, rất giống thật đấy nhưng chẳng phải thật đâu. Nhà thờ mà Đức Mẹ hiện ra ở đây mà là một sản phẩm hoàn mỹ của trí tưởng tượng. Thật không ngoa nếu nói rằng “Madonna in the Church” của Jan van Eyck là bức tranh trí tuệ trên từng milimet.

*

No comments:

Post a Comment