Friday, April 7, 2017

Xem tranh: "Portinari Altarpiece" – trong lúc chờ Thiên Chúa giáng sinh

Portinari Altarpiece” (bức tranh thánh của nhà Portinari) có lẽ là tác phẩm hội họa Hà Lan cuối thế kỉ 15 được khảo cứu nhiều nhất.
"Portinari Altarpiece."


Tác giả của nó là Hugo van der Goes, một trong những bậc thầy đến từ vùng đất trũng. Ông có thể được coi là bằng vai phải lứa với hai cây cổ thụ khác Jan van Eyck và Rogier van der Weyden. Người đặt hàng bức họa là Tommaso Portinari, người quản lí ngân hàng của nhà Medici tại Bruges.
Hình ảnh của Tommaso Portinari trong tranh

Sau khi nhận tranh, Tommaso Portinari gửi nó đến Florence để đặt trên bàn thờ của Saint Egidio, nhà thờ của bệnh viện Saint Maria Nouva. Ngày nay Portinari Altarpiece được đặt tại bảo tàng Uffizi, Florence. Tuy ngày tháng chính xác của Portinari Altarpiece đã bị thất lạc, song các học giả đa phần đồng ý rằng nó được vẽ từ khoảng 1473 tới 1478 tại Ghent. 

Portinari Altarpiece được vẽ bằng sơn dầu trên gỗ. Là một bức tam bình, Portinari gồm bức trung tâm và hai cánh. Ngay từ trên cánh cửa, khi khép lại, ta đã có thể thấy kì tài vẽ tranh sơn dầu của Hugo van der Goes. Bằng cách chồng lên nhau vô vàn lớp sơn dầu trong suốt, ông đã tạo ra một tác phẩm như điêu khắc đá ba chiều – nhưng là sơn dầu trên gỗ!



Kĩ thuật đánh lừa con mắt này ngoài Hugo ra chỉ có một họa sĩ Hà Lan khác có thể là đối thủ – Jan van Eyck với tác phẩm Ghent Altarpiece.
Chi tiết của “Ghent Altarpiece” của Jan van Eyck khi đóng cánh cửa lại. Cũng như “Portinari Altarpiece”,  bức “Ghent Altarpiece” có cửa đóng, mở.

Trên hai cánh cửa đóng, ta có thể nhìn thấy cảnh Annunciation – Sự truyền tin. Đức Mẹ được tổng thiên thần Grabriel thông báo rằng người sẽ sinh ra Đấng cứu thế. Trên đầu Đức Mẹ là Chúa Thánh Linh (the Holy Ghost) dưới hình dạng chim bồ câu.
Trong những chuyện kể tôn giáo, khi tổng thiên thần Gabriel thông báo với Đức Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên người, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên người, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”
Tổng thiên thần Gabriel, chi tiết tranh. Sơn dầu trên gỗ

Từ trái tim của Đức Mẹ liền nhỏ ra ba giọt máu trong sạch, đậu xuống lòng đồng trinh của Mẹ. Chúa Thánh Linh – dưới hình dạng bồ câu – lấy ba giọt máu đó tạo nên hình hài Chúa Jesus, trong lúc Đức Mẹ cúi đầu, chắp tay trước ngực, “Xin vâng!”
Một điều đặc biệt: việc này diễn ra vào thứ Sáu, 25 tháng 3, lúc bình minh, trùng với giờ Đức Chúa Cha nặn ra Adam, cách đó 5199 năm, buổi Sáng Thế.
Đức Mẹ trong lễ Truyền tin, với Chúa Thánh Thần trên đầu. Chi tiết tranh, sơn dầu trên gỗ.

Tiếp đó, khi mở hai cánh của bức tranh, ta có toàn cảnh Đức Mẹ sau khi đã sinh hạ chúa Jesus. Bức tranh là một tổng thể của những gam màu rực rỡ tựa đá quý. Các chất liệu vải lụa, lông thú, sa tanh của các nhân vật đều được tác giả mô tả hết sức chân thực. Song tài năng của Hugo van der Goes được thể hiện ở chỗ ông đã kể thành công một câu chuyện hoàn chỉnh, bắt đầu từ cảnh Truyền tin cho đến những tình tiết xoay quanh sự giáng sinh của Đức Chúa – Nativity – tất cả trong cùng một tác phẩm.
Đầu tiên, ở cánh trái, ta có bảy nhân vật. Quỳ dưới đất là Tommaso Portinari và hai người con trai của ông – Antonio và Pigello.
Portinari và hai người con trai quỳ dưới đất.

Cảnh các nhà tài trợ được vẽ chung với các vị thánh là một xu hướng phổ biến thời Phục hưng. Một ví dụ nổi tiếng khác là bức Đức Mẹ và quan chưởng ấn Rolin (Madonna with chancellor Rolin) của Jan van Eyck.

“Madonna with chancellor Rolin” của Jan van Eyck

Đứng đằng sau ba người đàn ông của nhà Portinari là hai vị thánh: thánh Thomas (vị thánh bản mệnh của Tommaso) đặt tay ban phép trên đầu Tommaso, và thánh Anthony người tu ẩn dật.
Thánh Thomas và viên quản lý Tommaso

Nhưng ở phía xa xa, sau hai vị thánh, có hai hình người nho nhỏ, dễ bị bỏ qua. Đó mới chính là hai nhân vật quan trọng – Mẹ Mary và ông Joseph – tức cha mẹ của Chúa Jesus. 
Phía sau thánh Thomas và thánh Anthony là Đức Mẹ và ông Joseph.
Đức Mẹ bụng mang dạ chửa đã xuống lưng chú lừa và đang đi từng bước một dưới sự dẫn dắt của chồng trên con đường nhỏ hẹp. Đây chính là cuộc chạy trốn khỏi Nazareth của hai vợ chồng để tránh khỏi sự truy đuổi của vua Herod.

Trong Phúc Âm, theo chuyện của Matthew, khi Chúa Jesus ra đời, có một ngôi sao lạ hiện trên bầu trời (ngôi sao Bethlehem – chính là ngôi sao lấp lánh trên ngọn cây thông Noel mỗi dịp Giáng Sinh.) Lập tức có ba nhà thông thái tới từ phương Đông (magi – nhà thông thái, chiêm tinh gia, chứ không phải ba vua nhé) đến hỏi vua Herod: “Vua người Do Thái mới sắp sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Herod chỉ đường cho họ đến Bethlehem và dặn họ cho hắn biết danh tính của vị vua mới đó. Herod này chính là cha của Herod Antipas, người ra lệnh chém đầu thánh John, em họ của chúa Jesus sau này. (Xem bài về Salome và Herod)
Trong khi đó, một thiên thần xuất hiện trong giấc mơ của Joseph và ra lệnh cho ông mang vợ đến Ai Cập mà trốn. Trên đường đi, Đức Mẹ hạ sinh Chúa hài đồng trong máng lừa, và ba vị thông thái theo sự dẫn đường của ngôi sao Bethlehem đã tới để suy tôn vị vua mới giáng thế. Thiên thần cũng dặn dò các vị lúc về không nên đi qua Jerusalem để tránh sự vặn hỏi của Herod, nên họ về nhà bằng một con đường khác. Herod tức giận vì bị cho vào bẫy và ra lệnh xử tử toàn bộ các bé trai dưới hai tuổi quanh Bethlehem, nhưng Joseph và vợ con đã tới Ai Cập và ở đó tới khi Herod băng hà, “hầu cho ứng nghiệm lời Chúa Cha đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Ta đã gọi Con ta ra khỏi nước Ê-díp-tô” (Mat 2:14-15.) Những bé trai bị tàn sát này chính là các Thánh Anh hài mà chúng ta đã đọc ở bài trước.
Ở cánh bên phải, ta có hai nhân vật nữ quỳ dưới đất: Maria Maddalena Portinari – vợ của Tommaso Portinari, và con gái Margherita. Nếu các vị thánh nam bảo trợ cho ba người đàn ông nhà Portinari, thì ở bên này ta có các vị thánh nữ. Giống như ở cánh bên trái, kích thước của các thành viên trong gia đình Portinari đều nhỏ hơn các vị thánh nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa người trần mắt thịt và các đấng siêu nhiên.
Vợ của Tommaso Portinari và con gái Margherita quỳ dưới đất

Vị nữ thánh mặc áo đỏ, chân giẫm lên con rồng là thánh Margaret – vị thánh bảo trợ cho sinh đẻ. Theo truyền thuyết, quỷ sứ hóa thành một con rồng và nuốt chửng người, nhưng đức tin của thánh Margaret đã khiến bà thoát được, không mảy may thương tích. Những người phụ nữ khi sinh con thường gọi tên thánh Margaret với mong ước được an toàn như vậy.
Thánh Margaret dẫm trên đầu rồng
Chi tiết đầu rồng (Tây)

Nữ thánh đứng bên cạnh là Mary Magdalene, tên người được đặt làm tên thánh cho vợ Tommaso (Maddalena)


Trong các bức tranh tả thánh Mary Magdalene, bà thường được vẽ với một chiếc lọ đựng dầu thơm và gương mặt nghiêm trang.
Theo Phúc âm, Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, tức 6 ngày trước khi chết, khi Chúa Jesus tới Bethany, một phụ nữ đã mang tới một chiếc lọ cẩm thạch đựng đầy dầu thơm đắt tiền tinh chế từ hương liệu Cam tùng, xức lên chân Chúa và lấy tóc mình lau chân Chúa. Các vị tông đồ cho rằng tiền mua dầu đó nên được đem cho người nghèo, song Chúa Jesus nói rằng dầu thơm này chính là để chuẩn bị cho việc chôn ngài. Người phụ nữ đó chính là thánh Mary Magdalene. Hai vị nữ thánh Margaret và Magdalene, một người tương ứng với sự ra đời, một người tương ứng với cái chết của đức Chúa lại được đặt cạnh nhau. Portinari Altarpiece do đó không đơn giản chỉ là chuyện kể Giáng sinh mà còn bao hàm cả quá khứ, vị lai. 

Ở phía xa xa, ta có thể thấy ba nhà thông thái phương Đông trên đường tới Bethlehem trên lưng ngựa. Một người hầu cận đã xuống ngựa để hỏi đường người nông dân. Hai cánh của Portinari đóng vai trò kể lại những “flashback” của câu chuyện trọng tâm – sự ra đời của chúa Jesus ở bức chính giữa.


Ba vị thông thái phương Đông cùng tùy tùng hỏi đường
Bức thứ ba trong bộ tam bình “Portinari Altarpiece”.

Xung quanh Chúa Jesus là những người được coi là cha mẹ – Đức Mẹ đồng trinh và ông Joseph. Trên cao có các thiên thần bay lượn, lại thêm ba vị đại thông thái. Ba vua đã xuống ngựa, bỏ mũ, và quỳ gối trước Chúa hài đồng.


Trong bức tranh chính giữa, ta có tất cả những nhân vật quy tụ quanh hình hài bé nhỏ của Đức Chúa hài đồng. Em bé Jesus đang phát ra những tia sáng vàng… trên mặt đất. Người xem chắc hẳn sẽ ngạc nhiên, vì xưa nay các câu chuyện về Giáng Sinh luôn kể về Chúa Jesus được ra đời trong máng lừa. Thế nhưng iconography ở đây lại có ý nghĩa đặc biệt. Ở Thụy Điển có một cô gái tên là Bridget. Từ nhỏ cô đã luôn có những giấc mơ về cảnh tượng của Thiên Chúa. Trước khi mất, cô chứng kiến cảnh đứa Chúa mới giáng sinh nằm trên mặt đất, thân mình tỏa ra ánh sáng, với Đức Mẹ tóc vàng bên cạnh. Bridget được phong thánh và cảnh tượng trên đã trở thành hình mẫu cho rất nhiều tác phẩm khác về Giáng Sinh. Trong nhiều tác phẩm, họa sĩ sẽ giảm tối đa ánh sáng xung quanh để tập trung vào Chúa Jesus, thí dụ như bức sau:



"Chúa giáng sinh" của Geertgen tot Sint Jans


Xung quanh Chúa Jesus là những người được coi là cha mẹ của người - Đức Mẹ đồng trinh và ông Joseph. Trên cao có các thiên thần bay lượn, lại thêm ba vị đại thông thái. Ba vua đã xuống ngựa, bỏ mũ, và quỳ gối trước Chúa hài đồng.




Trong chuồng là một chú lừa và một chú bò. Hình ảnh hai loài động vật này rất phổ biến trong các tác phẩm mô tả cảnh Nativity, và ta có thể thấy cả trên những tấm thiệp Giáng Sinh, song ít người biết chúng là biểu tượng của hai dân tộc khác nhau. Chú bò thường được vẽ chăm chú nhìn ra, là biểu tượng của người Do Thái ở Israel – dân tộc đã nhận biết được vai trò của đức Chúa. Chú lừa ngờ nghệch chỉ chăm chỉ húc đầu ăn mà không để ý đến sự tình xung quanh biểu tượng cho người Gentile (Hebrew) – những người không nhận ra Đấng cứu thế.


Chi tiết trong “Portinari Altarpiece”

“Nativity” của Jonathan Pageau. Chú ý chi tiết chú bò và chú lừa nhé các bạn.

Ở trên mặt đất, bên cạnh Chúa là một bó lúa mạch và hai bình hoa. Từng bông hoa đều có ý nghĩa liên quan đến Đức Mẹ Mary và Chúa Jesus. 





Trong lọ bên trái, hoa lily trắng là biểu tượng của sự trinh bạch của Mẹ Mary. Cành hoa biểu tượng sự sùng đạo của Mẹ, còn bông hoa là lòng nhân từ. Theo truyền thuyết, hoa lily trắng mọc từ những giọt nước mắt của Eve khi bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Như trong bài Lễ tấn phong Đức Mẹ đã bàn luận, Mary trở lại thế giới với vai trò là Eve thứ hai – rửa sạch tội của Eve đầu tiên. Do tội lỗi của Eve mà tất cả phụ nữ đều phải chịu đau đớn khi sinh đẻ, nay sự ra đời vô tội và không đau đớn của Đức Chúa Jesus cho thấy vai trò của Mary đã hoàn tất. Hai cành lily là biểu tượng cho hai vai trò sóng đôi của Chúa Jesus – vừa là thần thánh, vừa là con người. Hoa lily da cam là biểu tượng cho sự đổ máu trên cây thập giá của Chúa, còn hoa diên vĩ tím là biểu tượng của ánh sáng và hy vọng. Số lượng ba loại hoa biểu hiện cho đức tin, hy vọng, và từ ái.



Chi tiết ba loại hoa trong “Portinari Altarpiece”

Ở bình thủy tinh còn lại, ba bông cẩm chướng là biểu tượng của tình yêu và Chúa Ba Ngôi (the Holy Trinity,) với ánh sáng xuyên qua từ bên trái là Chúa Thánh Linh – người chồng thiêng liêng của Đức Mẹ.



Chi tiết hoa cẩm chướng trong “Portinari Altarpiece”

Hoa violet là biểu tượng của đức tin, sự khiêm nhường, còn con số bảy là ẩn dụ về bảy nỗi buồn lớn trong đời Đức Mẹ, bao gồm:
- Lời tiên tri của Simeon về Chúa hài đồng (Luke 2:34)
- Chạy trốn vào Ai Cập để thoát khỏi bàn tay Herod (Matthew 2:13)
- Lạc Chúa Jesus mất ba ngày (Luke 2:43)
- Gặp Chúa Jesus trên đường tới Thập giá (Luke 23:26)
- Đứng dưới chân cây Thập giá khi Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút (John 19:25)
- Nhận lại xác Chúa Jesus dưới chân Thập giá (Matthew 27:57) 
- Chôn cất Chúa Jesus (John 19:40) 




Chi tiết bảy bông violet trong “Portinari Altarpiece”

Bó lúa mạch trên mặt đất chính là ẩn dụ cho lễ ban thánh thể, khi những con chiên ăn bánh thánh và rượu thánh – thịt và máu của Chúa Jesus , người đã hy sinh trên Thập giá để cứu chuộc cho những tội lỗi của nhân loại. 



Chi tiết bó lúa mạch trong “Portinari Altarpiece”

Vẻ mặt trầm ngâm thay vì vui tươi của Đức Mẹ là ý đồ của tác giả: Đức Mẹ đã nhìn thấy kết cục của con trai mình ngay từ khi đức Chúa chào đời. Có thể nói, tuy đây là cảnh Giáng Sinh nhưng lại là sự báo trước sâu sắc về cái chết của Chúa Jesus để cứu chuộc nhân loại. Ngoài ra, Bethlehem trong tiếng Hebrew còn có nghĩa là ngôi nhà bánh mì (the house of bread) hoặc ngôi nhà thịt (the house of meat.) Nơi sinh ra Chúa cũng là nơi xuất hiện lần đầu thân thể Chúa – thân thể sẽ hóa thành bánh thánh.




Trong tranh, chiếc dép của thánh Joseph trên mặt đất tương ứng với chiếc dép mà Thượng Đế hạ lệnh cho Moses cởi ra trên thánh địa núi Sinai (“Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”) 



Chi tiết chiếc dép trong tranh “Portinari Altarpiece”


Ở xa xa ta có thể thấy hai người nông dân, một người đang quỳ mọp, một người che mắt vì ánh sáng chói lòa tỏa ra từ thiên thần bay trên cao. Đây là một cảnh tượng khác trong Kinh thánh – Annunciation to the Shepherds – truyền tin cho những kẻ chăn chiên.Thiên thần báo cho những người chăn cừu biết họ sẽ tìm thấy vị chúa Giáng thế nằm trong máng lừa tại Bethlehem, và vào đêm Giáng Sinh, họ đã lần tìm đến nơi ở của Joseph và Mary. 




Truyền tin cho những kẻ chăn chiên – chi tiết tranh

Tuân theo phong cách “phóng sự," Hugo van der Goes cho ta thấy một người chăn cừu tiến lại gần sau lưng ba nhà thông thái, tay đang trong tư thế cởi mũ và gương mặt tràn trề sùng kính.



Chi tiết người chăn cừu trong tranh “Portinari Altarpiece”

Portinari Altarpice như vậy không đơn thuần chỉ tả một cảnh Giáng Sinh truyền thống. Chỉ trong một tác phẩm, Hugo van der Goes đã làm được một điều dường như không tưởng: kết hợp tất cả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Mẹ Mary và Chúa Jesus thành một khối gắn kết liền lạc, đưa vào cả thông điệp về sự chuộc lỗi thay của cả hai người cho Adam và Eve. Chỉ riêng qua Portinarri altarpiece, tài kể chuyện bằng hội họa của Hugo van der Goes đã đủ khiến ông xứng đáng với danh hiệu bậc thầy.

*

No comments:

Post a Comment