Friday, April 7, 2017

Gustav Klimt: nhân vật vàng của Art Nouveau với những trận mưa vàng

Năm 2006, nhà đấu giá nghệ thuật lớn nhất thế giới Christie’s đã bán một bức tranh cho tỷ phú người Mỹ Ronald Lauder với giá 135 triệu đô la (tương ứng với 155.8 triệu đô la ở thời điểm hiện tại.) Trong vòng bốn tháng sau đó, “Bức chân dung Adele Bloch-Bauer I” giữ vai trò bức tranh đắt nhất thế giới trước khi nó bị soán ngôi bởi “No.5, 1948” của Jackson Pollock. Nếu nói bức tranh này đắt như vàng thì cũng không sai, bởi bề mặt tranh được bao phủ bởi những lá vàng thật. “Bức chân dung Adele Bloch-Bauer I” thuộc về một giai đoạn được những nhà phê bình mỹ thuật gọi là “thời kì vàng” của Gustav Klimt, đồng thời đó cũng là những năm hoàng kim trong sự nghiệp của họa sĩ này.
Gustav Klimt trong trang phục ông thường mặc khi vẽ: một chiếc áo choàng rộng thoải mái (và không có gì bên trong!). Bản thân là một người phóng khoáng và phóng túng, Klimt cũng là một Don Juan chính hiệu: tuy chỉ sống đến 56 tuổi, ông có ít nhất mười bốn đứa con ngoài giá thú.


Gustav Klimt sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Vienna, song năng khiếu nghệ thuật của ông bộc lộ từ rất sớm. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc vẽ trên tường và trần nhà các công trình lớn ở Vienne, song tài năng của ông chỉ thực sự thăng hoa khi ông trở thành một thành viên chủ chốt của phong trào Ly khai thành Viên (Vienne Secession,) một nhánh của phong trào Art Nouveau ở châu Âu. Mục tiêu của nhóm là sự phá cách, không ràng buộc. Nhóm luôn mở rộng vòng tay đón chào những yếu tố mới, con người mới. Biểu tượng của nhóm là nữ thần trí tuệ và chiến trận Athena, hay được biết đến với tên gọi Minerva theo thần thoại La Mã.

"Athena" dưới góc nhìn của Klimt, hoàn thành năm 1898

Tác phẩm nổi tiếng nhất gắn với phong trào Vienne Secession của Klimt là “Beethoven Frieze” (frieze – trụ ngạch – phần trang trí ở dưới mái gờ); nó nằm ở Secession Building – một tòa nhà được xây với mục đích tuyên dương những thành tựu về hội họa, điêu khắc, kiến trúc của phong trào Secession. Klimt vẽ “Beethoven Frieze” cho cuộc triển lãm năm 1902 dành cho bức tượng Beethoven của Max Klinger, cùng với các họa sĩ khác như Roller, Boehm, Andri.
Theo dự định, khi cuộc triển lãm kết thúc, tất cả các bức tranh tường đều bị phá hủy, song nhờ nhà sưu tập Carl Reininghaus mà bức tranh tường của Klimt vẫn tồn tại đến ngày nay (mặc dù trong tình trạng cần được sửa chữa khẩn cấp.) Bức tranh tường này cao 2m, dài 34m, là một nỗ lực tái hiện lại bản giao hưởng số Chín của Beethoven theo trật tự tuyến tính – cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của con người trong một thế giới đầy rẫy bóng tối và cám dỗ.
Sắc đẹp cám dỗ (chi tiết của “Beethoven Frieze”)

Chàng hiệp sĩ đem đến sức mạnh cho con người thông qua hy vọng (chi tiết của “Beethoven Frieze”)

Đồng tiền kỉ niệm phong trào Secession của Áo với các chi tiết của “Beethoven Frieze”

“Thời kì vàng” của Klimt bắt đầu khi ông rời khỏi nhóm Vienne Secession. Dù đã sử dụng vàng lá trong các tác phẩm của mình trước đó, ông chỉ thật sự tận dụng chất liệu này trong những tác phẩm nổi tiếng, bao gồm: “Bức chân dung Adele Bloch-Bauer I”, “Nụ hôn” (The kiss), “Cây đời” (Tree of Life), và “Danae”. Khi Klimt đến xem những bức tranh khảm mosaic thời kì Byzantine ở Ravenna, ông nhận thấy tính chất phẳng lì, không có chiều sâu của những bức tranh này càng làm nổi bật sự lóng lánh, lộng lẫy của chúng. Điều này cũng tương tự như cách Aubrey Beardsley đã tận dụng không gian hai chiều để tập trung sự chú ý của người xem vào những mảng màu đen trắng vậy.
Ngoài đam mê nghệ thuật, Klimt còn thích đi du lịch tới vùng đồng quê nước Ý. Giống như những họa sĩ Art Nouveau khác, Klimt yêu thiên nhiên, đặc biệt là mùa thu. Những mảng màu vàng của mùa thu đã hút hồn họa sĩ và ông cũng phần nào tái hiện lại chúng trên những bức tranh vàng rực rỡ.
Nàng Adele Bloch-Bauer, vợ của nhà công nghiệp giàu có Ferdinand Bloch-Bauer, là người phụ nữ duy nhất được Klimt vẽ hai lần. Ngoại trừ gương mặt và đôi bàn tay được khắc họa rất thật, toàn bộ phần còn lại của bức tranh là vẻ huy hoàng của vàng và những hình kỉ hà – tính trang trí của Art Nouveau được đẩy lên đến mức tối đa  để tạo sự tương phản với người phụ nữ bằng xương bằng thịt kia. Đã có ít nhất ba bộ phim và hai cuốn sách kể về những câu chuyện rắc rối liên quan đến số phận long đong của bức tranh.

“Nụ hôn” – khúc ca tuyệt đẹp về tình yêu và sự lãng mạn. Biểu tượng của phong trào Art Nouveau tại Áo. Cặp đôi quấn quít giữa cánh đồng hoa dát vàng bị đồn là chính dựa theo Klimt và người bạn tri kỉ của ông – Emilie Floge. Tuy cả đời không kết hôn nhưng với Emilie ông có một mối quan hệ gắn bó keo sơn hơn tất cả những mối tình qua đường. Trước khi mất ông chỉ gọi tên bà.

“Cây đời” – một ví dụ hoàn hảo của những đường cong Art Nouveau. Sự tương phản của gương mặt hai người phụ nữ và không gian dát vàng “siêu thực” khiến gợi nhớ đến Adele Bloch-Bauer. Trong tranh Klimt, phụ nữ không chỉ là những nhân vật quyến rũ và bí hiểm, mà còn đóng vai trò trang trí, cũng như những bông hoa, những con chim, con bướm trên cây vậy. Hai người phụ nữ hai bên tranh được coi là biểu tượng về hai giai đoạn của đời người, còn cái cây là một thực thể sống động, biến hình và thay đổi liên tục như cuộc sống. Nếu coi “Cây đời” là tranh phong cảnh thì đây là bức tranh phong cảnh duy nhất có sử dụng chất liệu vàng còn tồn tại của Klimt.

"Danae" là bức tranh gợi tình nhất của Klimt. Trong thần thoại Hy Lạp, Danae là con gái của nhà vua Akrisios, thuộc Argos. Do lời tiên đoán rằng con trai của Danae sẽ giết mình, nhà vua nhốt Danae dưới hầm sâu. Song thần Zeus đã hóa mình thành một cơn mưa vàng để đến với nàng và từ cuộc hội ngộ thần thánh này, Danae đã sinh ra Perseus – một trong những vị anh hùng á thần xuất chúng nhất, người giết ác quỷ Medusa.

Trong Danae, Klimt vẽ nàng nằm trên một tấm thảm màu tím – màu của vương giả. Ba mảng đỏ nổi bật lên là mái tóc rực lửa, đôi môi hé mở, và hai núm vú – sự khêu gợi không thể chối cãi. Đôi mắt Danae nhắm nghiền, những ngón tay co quắp vì tận hưởng khoái lạc, và thay vì phủ kín bức tranh bằng vàng thì Klimt tập trung cho dòng suối vàng chảy tràn giữa hai chân nàng. Danae nằm co như một hài nhi trong bụng mẹ, phải chăng Klimt đã cố tình chạm vào bản chất đàn ông luôn yêu thích vẻ yếu đuối và ngây thơ của người phụ nữ. Nếu không nhờ tài năng của Klimt thì bức tranh Danae dễ trở thành tranh “người lớn” thuần tuý.
Danae là một đối tượng rất được các họa sĩ thập niên 1900 ưa thích vì câu chuyện về nàng bao hàm những ẩn dụ về vẻ đẹp, tình yêu, sự phi thường của các vị thần. Trong hình là tượng Danae của Rodin

"Danae" của Titian – tư thế chân của nàng rất giống với chân của "Danae" – Klimt. Sự trùng hợp vô tình hay cố ý?

Một bức tranh tương tự là “Water Snakes” – những cô gái đẹp hóa thành những con rắn nước uốn éo mềm mại.

"Mẹ và con"

Mặc dù những tranh chấp với các thành viên đã  khiến Klimt rời bỏ nhóm Art Nouveau của Áo, song những tác phẩm trên cho thấy Art Nouveau không bao giờ… rời bỏ Klimt. Dù Klimt đã tìm kiếm cảm hứng từ cổ điển Hy Lạp, Ai Cập, Byzantine, và Minoan, thì Art Nouveau vẫn là chất dung hòa tất cả những dòng chảy khác nhau đấy để tạo ra một Klimt độc nhất vô nhị. Những tác phẩm của ông được coi là bộ mặt của Art Nouveau Áo. Đi qua những trận mưa vàng của Klimt, liệu các bạn đã cảm thấy Art Nouveau quyến rũ hơn chưa?

*

No comments:

Post a Comment