Friday, April 7, 2017

Trường phái: Mannerism - đứa em hỗn độn và vặn vẹo của Phục Hưng


Nhắc tới Nghệ thuật Phục Hưng Ý thì không thể không nhắc tới ba tên tuổi Leonardo de Vinci, Michelangelo, và Raphael. Ai có chút kiến thức bỏ túi về hội họa cũng có thể kể ra Mona Lisa của Leonardo, trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo, và Raphael thì có… hai thiên thần hay xuất hiện trên hộp kẹo chocolate.
Hai thiên thần của Raphael được ông vẽ dựa theo hai em bé liếc vào hàng bánh trên phố.
Không ít người sẽ thắc mắc vì sao một nền nghệ thuật Phục Hưng rực rỡ như vậy lại tàn lụi, phải chăng chỉ vì cái chết lần lượt của hai cây đại thụ Leonardo và Raphael vào năm 1519 và 1520?
Thực ra sự thoái trào của nghệ thuật Phục Hưng có một nguyên nhân sâu xa hơn: cuộc chiến tranh nước Ý 1521-1526, một trong chuỗi dài các cuộc chiến được gọi chung với cái tên Italian Wars. Chiến tranh thường đẩy mạnh những phát triển về quân sự, song lại làm “tịt ngòi” nghệ thuật, đơn cử như việc Leonardo de Vinci không được dựng bức tượng đồng hình chú ngựa “Gran Cavallo” vì bảy mươi tấn đồng bị … huy động làm vũ khí bảo vệ thành Milan. Rome rơi vào tay Charles V, vua Tây Ban Nha, và nhiều thành bang khác của Ý cũng không còn tự do. Charles V vốn thích quyền lực hơn là hội họa, và đặc biệt không ưa các ông họa sĩ Ý. Chính trị, ở thời điểm nào, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nghệ thuật. Khi Rome mất độc lập kéo theo cái chết của nghệ thuật Phục Hưng, các họa sĩ Ý phải tìm một đường đi khác.
Xét trong một chừng mực nào đó, mỗi trào lưu mới đều học tập, cải tiến, hoặc phản kháng lại trào lưu cũ. Mannerism là trào lưu đến ngay sau thời kì Phục Hưng Ý đỉnh cao, và có không ít người thích nó hơn. Đối với họ, Phục Hưng tròn đầy quá, hài hòa quá, hoàn hảo quá, và… nhàm chán quá. Họ đã chán bố cục tam giác, tỉ lệ vàng, những co đẹp phi thực tế, khung cảnh hoành tráng; họ chán sự sắp đặt và điển tích của Phục Hưng. Nếu Phục Hưng là người anh cả chỉn chu, đầy thành tích, thì Mannerism là một đứa em ngỗ ngược và khó chiều.
“Trường Athens” của Raphael gồm các triết gia và danh họa từ cổ chí kim đặt trong một bố cục đối xứng, hai bên là biểu tượng suy tôn nghệ thuật của Hy Lạp và chiến trận của La Mã – nếu toàn bộ Phục Hưng Ý được tóm tắt bằng một bức tranh thì đó ắt hẳn phải là bức này.

Cái tên Mannerism bắt nguồn từ maniera trong tiếng Ý – khi dịch ra tiếng Việt có thể mang nghĩa trung lập là phong cách, song chính xác hơn phải gọi Mannerism là Trào lưu kiểu cách. Vì Mannerism quả thật là một trào lưu nghệ thuật kiêu kỳ và có phần…phách lối. Để người chưa biết nó thì hiểu nó, để người chưa thích nó chuyển sang yêu nó hơn, hãy cùng tìm hiểu một vài đặc điểm của Mannerism.
Trước tiên, sự khác biệt cơ bản giữa Phục Hưng (Renaissance) và Mannerism là Phục Hưng lấy cảm hứng từ thiên nhiên, còn Mannerism lấy cảm hứng từ… Phục Hưng. “Người anh” Phục Hưng lý tưởng hóa thiên nhiên, vẽ mọi thứ thật đẹp rồi đặt gọn gàng cạnh nhau sao cho thật vừa mắt. “Người em” Mannerism tung hê hết những trật tự của Phục Hưng, tạo ra sự hỗn độn, căng thẳng, xung đột. Một lợi thế của Mannerism: tất cả mọi kĩ thuật vẽ người, vẽ động vật, cỏ cây, vẽ ánh sáng, bố cục, Phục Hưng đã trau giồi cho hoàn hảo, Mannerism chỉ việc kế thừa. Những người ghét Mannerism thường viện dẫn lý do quen thuộc: không có gì giống thật cả! Tuy nhiên các họa sĩ Mannerism không phải là không thể vẽ giống thật, mà là vì họ… chẳng muốn.

Trong tranh Mannerism, nhiều nhân vật nhìn như bị…tra tấn. Cũng dễ hiểu thôi, vì những tư thế đấy đâu thể thực hiện trong đời thường! Các nhân vật trong tranh Phục Hưng duyên dáng, ung dung, thì các nhân vật của Mannerism vặn vẹo, uốn éo như rắn – phong cách này có tên gọi là Figura Serpentinata (tiếng Latin: hình rắn.) Nó rất giống với contrapposto, tư thế xoay người cổ điển của hội họa, song Mannerism đẩy nó lên cao độ, mục đích là để diễn tả cảm xúc tâm lý của nhân vật thêm phần sôi nổi. Cảm hứng số một của các nhà Mannerist là nhóm tượng Laocoon.


"David" của Michelangelo trong tư thế contrapposto

"Laocoon" - Laocoon và hai con trai bị rắn biển cuốn chết vì dám tiết lộ về con ngựa gỗ thành Troy.

Để có thể đạt được Figura Serpentinata, các họa sĩ Mannerism chỉ có một cách: kéo dài chân tay, thân thể các nhân vật trong tranh! Vì thế, trong tranh Mannerism, ta thấy mọi người như bị “phẫu thuật” nối chi vậy. Hãy cùng ngắm Đức Mẹ cổ dài của Parmigianino (Madonna with the long neck.)

"Madonna cổ dài," của Parmigia
Parmigianino (chú nhỏ đến từ Parma) không phải là người duy nhất thực hiện Figura Serpentinata, nhưng bức tranh Đức Mẹ cổ dài là ví dụ nổi tiếng nhất cho phong cách này. Trong tranh, Đức mẹ có cái cổ dài như cổ thiên nga. Trung bình đầu của một người chiếm cùng lắm 1/8, 1/9 chiều dài cả cơ thể, song ở đây đầu của Đức Mẹ chiếm có lẽ chỉ 1/11, 1/12. Những ngón tay dài mảnh khảnh một cách bất thường của Đức Mẹ thậm chí còn khiến nhiều người phỏng đoán xem người mẫu có phải bị hội chứng Marfan không (hội chứng khiến người bệnh rất cao, chi và các ngón tay dài.) Một lời giải thích hợp lý hơn là Parmigianino bị hội chứng Mannerism mà thôi.
Trong bức tranh trên, Chúa hài đồng nằm trong lòng Đức Mẹ cũng dài và to hơn hẳn đứa trẻ sơ sinh bình thường. Mắt Chúa nhắm nghiền song tư thế lại như sắp rơi xuống đất, nhồi nhét bên trái là một nhóm thiên thần gương mặt nhớn nhác, một cái chân thò vào khung hình bên trái, một hình người bé xíu bên phải (thánh Jerome) – sự hài hòa êm ả của Phục Hưng đã hoàn toàn biến mất. Nhìn vào tranh ta thấy sự căng thẳng, khuấy động, bố cục tranh chật hẹp tạo cảm giác bức bối, các nhân vật như không chịu đứng yên. Nếu mục đích của Parmigianino là tạo ra một bức tranh Đức Mẹ và Chúa hài đồng gây cảm giác xáo trộn nhất có thể, thì ông đã thành công.
Một họa sĩ khác, Jacopo da Pontorma, chọn một chủ đề kịch tính hơn cho tác phẩm Mannerism của mình: cảnh hạ Chúa Jesus từ cây thập giá. Trong bức “The deposition from the Cross”, các nhân vật cũng được xử lý bằng Figura Serpentinata, nhưng có nhiều điều còn đập vào mắt người xem hơn: bố cục hoàn toàn hỗn loạn, các nhân vật trong tranh như bị thả rơi, chồng chất lên nhau, phối cảnh kì quặc. Biến mất hoàn toàn những tỉ lệ vàng, kim tự tháp, các nhân vật bị dồn ép trong một khoảng không chật chội, chật đến nỗi thân hình họ che khuất hoàn toàn cây thập giá, chỉ có một nhúm mây ló ra ở góc trái cho ta biết đây là cảnh ngoài trời. Ánh sáng trong tranh không phải ánh sáng dịu dàng, tôn vẻ đẹp, mà là ánh sáng flash chói gắt, làm hằn lên vẻ mặt khủng hoảng, đau khổ, thảng thốt của những con người đối mặt với nỗi đau mất Chúa. Khai thác các trạng thái tâm lý đến cùng cực là một trong những “chuyên môn” của các Mannerist.
“The deposition from the Cross," (Hạ xác Chúa từ cây thập giá) của Jacopo da Pontorma
Kì lạ thay, song song đó, Mannerism lại có một thái cực ngược lại: lạnh lùng. Vì những tín đồ của Mannerism chính là các nhà quý tộc và trí thức ở châu Âu, hội họa Mannerism là tổng hòa của sự chăm chút chi tiết thái quá và thái độ (cố tình) vô cảm. Nói về sự lãnh đạm, không ai có thể vượt qua các nhân vật trong tranh Bronzino. Dĩ nhiên đối tượng cho tranh chân dung của Bronzino toàn là các nhà quý tộc. Từ cô bé cậu bé đến ông già bà cả, tất cả đều phủ kín trong nhung lụa, ngọc ngà, gương mặt phẳng lặng như băng, và đôi mắt thờ ơ nhiều khi không buồn nhìn thẳng vào khán giả. 


Bia Medici, quận chúa con công tước Cosimo đệ nhất, tranh của Bronzino.
Eleanor xứ Toledo, vợ của công tước Cosimo đệ nhất và con trai. Nếu không có bàn tay đặt hờ của nữ công tước trên vai con trai thì đây ắt là bức tranh mẹ-con lạnh nhạt nhất có thể. Bronzino phóng đại kích thước thân hình của nữ công tước để có thể thỏa sức khắc họa lụa là, đá quý- như thường lệ, bàn tay, ngón tay của nữ công tước dài một cách bất thường. Nền tranh màu xanh lam cộng hưởng với ánh xanh lấp lánh trên áo của con trai công tước – chất liệu gấm Florence được Bronzino mô tả tuyệt vời. Chiếc thắt lưng vàng quanh eo của Eleanor có thể là một tác phẩm của nhà điêu khắc Benvenuto Cellini (xem dưới)
Lodovico Capponi của Bronzino, nằm trong bảo tàng Frick ở New York: người đàn ông lạnh lùng nhất Manhattan. Trong thực tế, chàng là người khá lãng mạn. Chuyện bên lề: chàng là bộ thuộc của công tước Cosimo đệ nhất, gia tộc Medici, song người chàng yêu – Maddalena Vettori – lại được chọn làm vợ em họ của công tước. Sau ba năm, Cosimo “đầu hàng” và cho phép họ kết hôn (với điều kiện ngay lập tức trong vòng 24 tiếng); Lodovico và Maddalena cưới và có tám người con.

Nếu Mannerism đứng trên một chiếc kiềng ba chân, thì hai thái cực cảm xúc dữ dội/vô cảm đã chiếm mất hai. Cái chân còn lại là sự tinh tế về mặt trí tuệ của Mannerism – nó là khía cạnh có tính trung hòa lại những mâu thuẫn nội tại của Mannerism, mặc dù chính nó nhiều khi bị đẩy lên thái quá đến mức khó hiểu. Nếu Phục Hưng nhấn mạnh vào chân-thiện-mỹ, thì Mannerism lại đau đáu với các câu hỏi: làm thế nào để tác phẩm phô bày được mức độ hiểu biết của cả nghê sĩ lẫn người bảo trợ? Làm thế nào để tác phẩm có ý nghĩa thâm thúy mà không dựa vào hệ thống biểu tượng đã cũ mòn? Làm thế nào để người họa sĩ thoát khỏi vai trò thợ thủ công mà thực sự trở thành một trí thức, đứng ngang hàng với các học giả, nhà văn thơ? Benvenuto Cellini đã trả lời tất cả những câu hỏi đó bằng một lọ đựng muối.


Thường được gọi là Mona Lisa của điêu khắc, lọ đựng muối bằng vàng tráng men được nhà vua Francis đệ Nhất ủy thác cho Benvenuto Cellini chế tác khoảng năm 1540. Phong cách Mannerism được biểu lộ qua sự hình dáng thon dài, tư thế phức tạp, không cân bằng, của hai nhân vật. Nam thần là thần biển cầm đinh ba và vỏ ốc, ngự trên con tàu chở muối. 




Nữ thần là thần đất, một tay ôm bầu ngực (biểu tượng cho sự nuôi dưỡng của đất mẹ), một tay cầm chiếc sừng dê kết hoa quả (biểu tượng của nông sản dồi dào phong phú.) Nàng ngự trên đền thờ tí hon đựng hạt tiêu. Xung quanh hai vị thần là các loài động, thực vật thủy sinh xinh đẹp. Benvenuto Cellini đã truyền tải được kết tinh của điêu khắc vào một tác phẩm rất nhỏ về kích cỡ, song không làm mất đi sự hoành tráng mà lại tăng thêm phần tinh tế. Ẩn dụ hai vị nam nữ thần biển - đất tương ứng với nguồn gốc của muối – tiêu cho thấy trình độ và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ. Cellini cũng tự mô tả tác phẩm này là sự gắn kết hài hòa của biển cả và đất liền. iá trị của nó là chứng thực cho cả tài năng Cellini lẫn quyền lực của vua Francis. Ngày nay muối là một món gia vị giản dị nhất trong bếp, song trong lịch sử nhân loại vị trí của muối không hề khiêm tốn: từ tiền lương (salary) trong tiếng Anh xuất phát từ salarium, muối trong tiếng Latin.
Một tác phẩm tiêu biểu nhất của Mannerism – cũng là tác phẩm làm đau đầu các nhà mỹ thuật năm này qua tháng khác – là Ngụ ngôn Vệ Nữ của Bronzino (Allegory of Venus.) Nó còn được biết đến với những cái tên khác như Thắng lợi của Vệ Nữ, hoặc Vệ Nữ, thần ái tình, sự điên rồ, và thời gian.

Ta lại bắt gặp trong tranh những đặc điểm đã quen thuộc của Mannerism. Ít nhất bảy nhân vật bị nhét vào môt khối hộp, trên dưới phải trái chen chúc. Thân hình của Cupid dài một cách bất thường, uốn éo như vũ công uốn dẻo, các ngón tay ẻo lả như tay con gái. Làn da trắng lạnh lẽo như cẩm thạch bất chấp màu má ửng hồng; thân hình Vệ Nữ giống như một bức tượng xa cách, không thể chạm đến được hơn là một cơ thể sống.



Nhưng nếu chỉ có vậy thì các nhà mỹ thuật Panofsky, Friedlander, Lavey, Hope đã không phải cãi nhau liên tục về ý nghĩa của bức tranh, chủ yếu xoay quanh danh tính của các nhân vật – một cuộc chơi không có hồi kết. Vệ Nữ là Vệ Nữ thì không còn phải bàn cãi: một tay nàng cầm quả táo vàng của Paris, bên trái là con bồ câu biểu tượng cho tình yêu. Cupid lưng đeo cung tên, một tay ôm đầu, một tay vuốt ve bộ ngực mẹ, miệng hôn lên miệng Vệ Nữ. Khó có họa sĩ Cổ điển nào, cả trước và sau Bronzino, dám mô tả trắng trợn một cảnh cấm kị đến thế. 

Và bây giờ danh tính của các nhân vật trở nên mù mờ. Thiên thần tươi cười tung cánh hoa hồng, chân dẫm lên gai, có thể là Jest (đùa cợt,) Folly (điên rồ,) hoặc Pleasure (khoái lạc.) Cô gái bé xinh ở bên phải, phía sau thiên thần, tay cầm mật ong ngọt ngào nhưng cái đuôi lại là đuôi rắn, có thể là Pleasure, hoặc Fraud (lừa dối.)



Ông già vạm vỡ, cánh tay vung ra kéo tấm mành che đi cảnh chướng tai gai mắt của Vệ Nữ và con trai lúc được coi là Time (thời gian,) lúc là Virtue (đạo đức.)
Bà già xám ngoét tay ôm đầu ở bên trái, gần mông của Cupid, có thể là Jealousy (ghen tuông,) Despair (tuyệt vọng,) thậm chí Syphilis (bệnh giang mai,)
Khó hiểu hơn hết là nhân vật có gương mặt vô hồn ở góc trái trên cùng, đối diện với ông già thời gian, liệu đó là Virtue (đạo đức,) Oblivion (sự lãng quên,) hay là Night (bóng đêm?)

Còn nhiều chi tiết cần thảo luận như hai tấm mặt nạ trống rỗng nằm ở góc dưới bên phải, cành nguyệt quế ở trên cùng, cũng như có người lại cho rằng hình ảnh Venus cầm táo và ngồi cạnh đuôi rắn là một sự gợi nhớ đến tội lỗi của Eve… Bronzino đã quá thành công khi tạo ra một câu đố không có lời giải.
Trái với những biểu tượng của Renaissance tuy phức tạp song một là một, hai là hai, Mannerism thích đánh đố, trêu ghẹo, chọc tức người xem. Thí dụ như với bức tranh trên, một trong những cách đọc nó là sự chuyển hóa của tình yêu: bắt đầu từ bên trái là thiên thần tươi vui, ngây thơ, song chân đã dẫm lên cái gai – điềm báo cho chông gai phía trước. Sang bên phải, ta có bản chất hai mặt của tình yêu – nữ thần bé vừa ngọt ngào vừa có nọc độc. Tình yêu đạt đến mức độ mãnh liệt nhất là khi Vệ Nữ chiến thắng, tay nàng tước đi vũ khí của người tình – con trai. Cuối cùng là tình yêu suy tàn, khi nhan sắc đã kiệt quệ và chỉ còn cái xác khô tuyệt vọng (có thể còn mắc bệnh giang mai – xin đừng!). Tuy nhiên đây không phải cách giải thích duy nhất. Bức tranh hiện nằm tại viện bảo tàng quốc gia ở London.
*
Mannerism không chỉ gói gọn trong hội họa, nó còn lan đến cả điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, văn học, triết học… Tuy thời kì Mannerism kéo dài khoảng 80 năm, gấp đôi Phục Hưng “gương mẫu”, nó vẫn bị lu mờ, phần nhiều bởi phong cách Mannerism không dễ nhìn, dễ hiểu, dễ thích như vẻ đẹp Phục Hưng. Song đối với những người đam mê, Mannerism cuốn hút chính vì sự khó chiều của nó. Tìm cách phủ định lại Phục Hưng, Mannerism có thể được coi là tiền thân đầu tiên của hội họa hiện đại. Thế chân Mannerism ở châu Âu là trào lưu Baroque.

*

No comments:

Post a Comment