Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm dài nhất của Kim Dung. Với gần hai triệu chữ được đăng liên tục trong vòng bốn năm trên Minh báo Hồng Kông và Nam Dương thương báo Singapore, Thiên Long Bát Bộ có cấu trúc phức tạp, hệ thống nhân vật rộng lớn, phạm vi trải dài mênh mông từ Đại Tống đến Thổ Phồn, Tây Hạ, Đại Lý, Đại Liêu,… Nhà phê bình Trần Mặc đã gọi Thiên Long Bát Bộ là một cuốn “Lục Quốc diễn nghĩa” có bối cảnh võ hiệp. Ngoài ra Thiên Long Bát Bộ còn nổi bật vì chứa đựng tinh thần Phật giáo hết sức rõ rệt.
Ngày 27. 10. 1994 tại đại học Bắc Kinh trước sự đón chào của hơn một ngàn sinh viên hâm mộ, Kim Dung đã trả lời câu hỏi của khán giả: “Thiên Long Bát Bộ phải chăng là biểu đạt quan niệm nhân sinh của ngài?”. Ông đáp: “Trong Thiên Long Bát Bộ, có phần biểu đạt quan niệm nhân sinh của tôi. Lúc ấy trong tôi có tư tưởng triết học Phật giáo. Phật giáo khá bi quan đối với nhân sinh, cho rằng đời người là bể khổ. Vô luận nhân sinh tốt đẹp đến thế nào, cuối cùng rồi cũng chết. Nhưng Phật giáo còn có quan niệm khác, tuy con người không tránh được cái chết, nhưng vẫn còn có lúc tái sinh, sau này có thể đời sống tốt hơn, có thể cống hiến được sức mình, có thể giúp đỡ được người khác.”
Tinh thần Phật giáo của Thiên Long Bát Bộ được biểu đạt ngay từ tựa đề tác phẩm. Thiên Long Bát Bộ là cụm từ chỉ tám bộ chúng sinh, trong đó có loài giống người nhưng không phải người (nhân-phi-nhân) thường đến nghe Phật thuyết giảng trong kinh Đại Thừa. Các loài này đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Trước khi Phật giáo ra đời, người dân Ấn Độ đã thờ phụng tám loại thần linh đó rồi. Về sau chúng được kết nạp vào đạo Phật, trở thành các vị thần hộ trì thế gian nhưng vẫn chưa thoát khỏi kiếp luân hồi.
Tựa đề Thiên Long Bát Bộ rất khó dịch ra tiếng Anh, hiện tại có ba cách dịch chính: Demi-Gods and Semi-Devils, Eight Books of the Heavenly Dragons, và phiên âm Tian Long Ba Bu. Khi mới bắt đầu bắt tay viết Thiên Long Bát Bộ, Kim Dung đã có ý định dựng tám nhân vật chính theo tám vị thần Hộ pháp nhà Phật, thế nhưng câu chuyện càng đi sâu càng phức tạp và việc phân loại “ai là ai” trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Đây vẫn là một chủ đề được ưa thích trong giới Kim học. Bài viết này không nhằm nỗ lực phân chia rạch ròi các nhân vật theo tám bộ chúng sinh mà trên hết muốn khơi gợi một cuộc đối thoại giữa những người am tường Kim Dung và Phật học.
1. Thiên
Đứng đầu trong tám bộ chúng sinh là Thiên, còn gọi là Thiên chúng hay Thiên thần. Trong tiếng Ấn Độ, phiên âm của Thiên là Deva, bao gồm các chúng sinh ở sáu cung trời có thân hình phát hào quang rực rỡ. Deva luôn là nam (dạng nữ của Thiên là Devi) làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện. Chư thiên tuy được hưởng phúc báu to lớn hơn người thường nhưng vẫn nằm trong vòng sinh tử. Trước khi chết, chư thiên sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu tàn héo, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, đứng ngồi không yên, đó là thời kỳ đau khổ nhất của chư thiên. Vua trời Đế Thích (Indra) là thủ lĩnh chư thiên.
Dựa theo miêu tả trên, có thể kết luận nhân vật tương ứng với địa vị chư thiên chính là Tiêu Phong. Khi Tiêu Phong lần đầu tiên xuất hiện, uy vũ của chàng đã khiến Đoàn Dự chấn động tâm thần, không kiềm được nảy lòng ngưỡng mộ.
Một đại hán ngồi ở phía tây nghe thế quay đầu lại nhìn, đôi mắt lạnh lùng sáng quắc lướt qua mặt chàng. Đoàn Dự thấy người đó thân thể thật là cao lớn, chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tuy nhuốm vẻ phong sương nhưng đầy vẻ uy nghiêm.
Đoàn Dự trong bụng tấm tắc khen thầm: “Quả là một đại hán hiên ngang! Hẳn đây là một tráng sĩ bi ca khẳng khái của nước Yên nước Triệu nơi miền bắc chứ Giang Nam hay Đại Lý không thể có được người như thế này. Bao Bất Đồng tự mình huênh hoang anh khí ngất trời nhưng phải người như thế này mới xứng đáng bốn chữ đó”.
Nếu coi vị sư già quét chùa Thiếu Lâm công phu siêu phàm nhập thánh, từ bi vô hạn là Phật sống, thì chỉ còn Tiêu Phong xứng đáng vị trí số một trong “thế giới chúng sinh” của Thiên Long Bát Bộ. Từ võ công, phẩm chất, đến tính cách anh hùng, chàng đều khiến nhân sĩ Tống Liêu, giang hồ hai phe hắc đạo bạch đạo phải nghiêng mình thán phục. Tiêu Phong hào sảng mà không thô lỗ, anh phong lẫm liệt mà vẫn kín đáo khôn ngoan. Chỉ một lộ Hàng Long Thập Bát Chưởng đủ để Tiêu Phong trấn áp quần hào Tụ Hiền Trang, về sau lại đánh cho bọn Mộ Dung Phục, Đinh Xuân Thu lác mắt. Tiêu Phong trước là bang chủ Cái Bang nhà Tống, sau lãnh chức Nam Viện đại vương nhà Liêu, khí chất lãnh tụ luôn hiển hiện. Chàng vì một mảnh chân tình với A Châu mà hết lòng chiếu cố cho cô em gái điêu ngoa của nàng là A Tử, phần đời còn lại không màng nữ sắc lẫn danh vọng, lại đem thân mình đánh đổi cuộc sống yên lành cho nhân dân hai nước.
Tiêu Phong thỏa mãn tất cả những tiêu chí hào quang, nhân hậu, vĩ đại của một bậc chư thiên, và cũng không tránh khỏi cái chết. Nếu năm triệu chứng trước khi qua đời của chư thiên được gọi là “thiên nhân ngũ suy,” thì Tiêu Phong cũng trải qua năm bi kịch cá nhân: cha mẹ bị hại, Cái Bang khai trừ, bằng hữu tuyệt giao, giết lầm A Châu, phản lại Khiết Đan. Cái chết của Tiêu Phong là sự dâng hiến cho hoà bình, nhưng cũng là cách tự kết thúc đau khổ.
2. Long:
Đứng thứ hai trong tám bộ là rồng, còn gọi là Long chúng hay Long thần.
Trong Ấn Độ giáo, Long chính là Naga, là chủ các loài thuỷ tộc sống ở biển. Loài rồng có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo và cũng được người dân Ấn Độ tôn sùng. Theo truyền thuyết, rồng của Ấn Độ không có chân nên hình dáng giống loài rắn, nhưng ở đây là loại rắn chúa, rắn thần để phân biệt với rắn thường Sarpa. Nhiều khi rắn Naga còn là loại hổ mang bành bảy đầu. Trong kinh Udana, khi Đức Phật thiền định dưới gốc cây Bồ đề thì trời đất tối sầm, mưa to ập xuống kéo dài suốt bảy ngày liền, lúc đó một con rắn thần tên là Mucalinda xuất hiện quấn quanh đầu ngài, bảo vệ cho đức Thế Tôn khỏi mưa gió. Trong các kinh khác thường xuất hiện rắn thần đến lễ Phật; rắn cũng là sinh vật đầu tiên (ngoài người) quy y Tam bảo. Khi Naga du nhập vào Trung Hoa thì trở thành Long vương và gắn liền với hoàng gia cao quý. Thiên tử mặc áo long bào, ngồi ghế long ỷ, mặt mày gọi là long nhan, thân mình gọi là long thể, đó là bắt nguồn từ sự kính trọng với loài rồng mà ra.
Nhân vật tương ứng với Long thần của Thiên Long Bát Bộ là Đoàn Dự.
Đoàn Dự là nhân vật có thật trong lịch sử, chính là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý. Ông trị vì từ 1108 đến 1147, cũng là quân vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Đại Lý. Cháu nội Đoàn Trí Hưng của ông cũng được tiểu thuyết hóa thành Nam đế trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện. Suốt phần lớn chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự là một vương tử trẻ trung có phần ngờ nghệch nhưng đã có uy của loài rồng.
Thứ nhất, chàng là con trai duy nhất của Đoàn Diên Khánh chính tông nhà Đại Lý, là thái tử chân truyền. Cuối truyện chàng lên ngôi đường hoàng làm vua Đại Lý, chính là trở về “nguyên bản” loài rồng.
Thứ hai, hoàng gia Đại Lý sùng đạo Phật, các triều hoàng đế khi rời ngôi đều xuất gia ở Thiên Long tự. Bản thân Đoàn Dự cũng có tấm lòng hướng Phật, chàng thường xuyên trích dẫn kinh Phật, ghét bạo lực, nhân ái thương người, coi thường vật chất.
Thứ ba, Đoàn Dự học được Bắc Minh Thần Công có thể hút nội lực người khác, nhờ cơ duyên kì ảo lại luyện môn Lăng Ba Vi Bộ, di chuyển thoắt ẩn thoắt hiện, chẳng khác nào loài rồng kỳ bí và mạnh mẽ.
Theo kinh Phật, trong tám loại thần chỉ có Thiên được hưởng phúc vi diệu, và Long có thần nghiệm màu nhiệm nhất, còn sáu loài còn lại tuy có tài biến hóa nhưng tâm chưa đủ tốt. Thế nên Thiên và Long đứng đầu tám bộ chúng sinh, dẫn đến gọi tắt là Thiên Long Bát Bộ. Trong tác phẩm này của Kim Dung, Tiêu Phong và Đoàn Dự cũng là hai nhân vật chính số một, số hai ăn khớp với thứ hạng của Thiên và Long.
*3. Dạ Xoa
Đứng thứ ba trong Thiên Long Bát Bộ là loài Dạ Xoa. Theo kinh Bi Hoa, Dạ Xoa là một loại quỷ, còn gọi là Dược Xoa, dịch đúng nghĩa là “năng đạm quỷ” – tức là quỷ có thể ăn thịt người. Phiên âm theo Ấn Độ của Dạ Xoa là Yaksha.
Có lẽ vì ảnh hưởng của truyện thần tiên nên chúng ta thường nghĩ hễ Dạ Xoa là xấu, nhưng trong kinh văn cũng có rất nhiều Dạ Xoa tốt. Có những Dạ Xoa quy y Phật pháp và dùng thần lực bảo vệ con người. Kim Dung đã từng nói “Nhiệm vụ của Dạ Xoa bát đại tướng là duy hộ cảnh giới của chúng sinh”.
Dạ Xoa có ba dạng: Không Hành Dạ Xoa (đi trong hư không,) Thiên Hành Dạ Xoa (đi trong cõi trời,) và Địa Hành Dạ Xoa (đi trên mặt đất.) Dạ Xoa nam có tướng mạo vô cùng xấu xí thô kệch, nhưng Dạ Xoa nữ (yakshi) lại thường xinh đẹp và phong nhũ phì đồn. Dù là Dạ Xoa nam hay Dạ Xoa nữ, Dạ Xoa xấu hay Dạ Xoa tốt thì cũng đều thông minh mẫn tiệp và di chuyển nhanh nhẹn nhẹ nhàng.
Dựa trên những yếu tố đó có thể cho rằng có ít nhất một vài Dạ Xoa trong Thiên Long Bát Bộ.
Dạ Xoa nam rõ ràng nhất chính là Hư Trúc. Y là nhân vật nam chính thứ ba trong truyện, cũng là anh em kết nghĩa của Tiêu Phong và Đoàn Dự, về vị trí là hết sức hợp lý. Y sinh ra mang bộ mặt xấu trai, cử chỉ vụng về không trau chuốt, nhưng lại có tấm lòng cao thượng và nghĩa khí. Nội công của y là do ba đại cao thủ phái Tiêu Dao là Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Mỗ, Lý Thu Thuỷ cùng truyền thụ nên vô cùng cao thâm, đến cuối truyện võ nghệ của y đã đến cảnh giới xuất thần nhập hóa.
Hư Trúc trong toàn bộ Thiên Long Bát Bộ hầu như luôn giữ vai trò “người bảo vệ.” Y vì muốn giúp Đoàn Diên Khánh khỏi bị nội thương mà phá được thế cờ Trân Lung, rồi lại vô tình hỗ trợ Thiên Sơn Đồng Mỗ mà được truyền võ công thượng thừa. Sau khi Đồng Mỗ chết, y nảy lòng Bồ Tát, cứu 108 vị đảo chủ động chủ khỏi Sinh Tử Phù, kể từ đó trở thành đầu lĩnh của họ.
Có thể nói cuộc đời Hư Trúc có nhiều may mắn xảo diệu, nhưng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thiện của y. Hư Trúc lớn lên ở cửa Phật, thân sinh của y lại chính là trụ trì chùa Thiếu Lâm, rõ ràng y là một Dạ Xoa tốt thấm nhuần Phật pháp. Sau này y vì phá giới không thể quay lại Phật môn nhưng vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ “bảo vệ chúng sinh,” vậy là đã hoàn thành công quả.
Dạ Xoa nữ có thể là hai nhân vật: Cam Bảo Bảo và Diệp Nhị Nương. Cam Bảo Bảo là vợ Chung Vạn Cừu đồng thời cũng là tình nhân của Đoàn Chính Thuần, nhan sắc xinh đẹp, có ngoại hiệu là Tiếu Dược Xoa (Dạ Xoa cười.)
Diệp Nhị Nương vốn là một cô gái đoan trang phúc hậu, vì trót yêu phương trượng chùa Thiếu Lâm mà sinh ra Dạ Xoa con Hư Trúc. Sau con trai nàng bị Tiêu Viễn Sơn bắt đi, nàng hóa điên, ngày ngày đi bắt cóc trẻ con về chăm sóc rồi giết chết (trong bản sửa gần đây nhất Kim Dung đã giảm nhẹ tội lỗi của Diệp Nhị Nương, bỏ qua đoạn sát hại trẻ con.) Diệp Nhị Nương có biệt hiệu Vô ác bất tác (không phải việc ác thì không làm), là người đứng thứ hai trong Tứ đại ác nhân. Đến tận trước khi Diệp Nhị Nương tự sát, người đọc mới thấy hé lộ tình mẹ – điều thiện lương cuối cùng sót lại trong con người thị.
4. Càn Thát Bà
Đứng thứ tư trong Thiên Long Bát Bộ là Càn Thát Bà, tên tiếng Ấn Độ là Gandharva (nam) và Apsara (nữ.) Càn Thát Bà thường xinh đẹp, giỏi múa hát, không ăn rượu thịt mà chỉ lấy hương thơm để nuôi sống mình, vì thế còn gọi là Nhạc thần hoặc Hương thần. Gandharv trong tiếng Phạn có nghĩa là “biến hoá khôn lường,” ý nói mùi hương và âm nhạc đều mênh mang không đo đếm được. Càn Thát Bà thường gắn bó sinh sống ở nơi có cây cỏ hoa lá, có người cho rằng họ ẩn mình trong mùi thơm của nhị hoa, vỏ cây, nhựa cây. Càn Thát Bà nữ có khả năng thay đổi hình dạng tùy ý, và thường theo hầu cận Thiên thần, hoặc dâng hương, dâng rượu, hoặc ca múa. Vị trí của Càn Thát Bà trong tám bộ là thấp nhất, chủ yếu nhằm mục đích làm cảnh cho đẹp kiểu “bình hoa di động,” gần giống như các nàng nymph của thần thoại Hy Lạp.
Càn Thát Bà trong Thiên Long Bát Bộ có thể ứng với ba nữ nhân: A Châu, Mộc Uyển Thanh, Vương phu nhân. Điểm chung nhất của ba người này là nhan sắc xinh đẹp; ngoài ra họ có mặt trong truyện cũng chủ yếu để làm bầu bạn cho các nhân vật nam chính.
A Châu là Càn Thát Bà rõ ràng nhất. Nàng trước là người hầu của Mộ Dung Phục, sau trở thành người yêu của Tiêu Phong (Thiên thần.) A Châu có khả năng cải trang xuất quỷ nhập thần, trên người lại có mùi hương xử nữ khiến Đoàn Dự nhận ra nàng là con gái. Chữ “Phong” trong Tiêu Phong nghĩa là đỉnh núi cao, nhà văn Trương Hiểu Yến đã nhận xét A Châu như cây nhỏ đầy núi, dùng tình yêu che bóng mát cho chàng. Sau khi A Châu qua đời, đỉnh núi trống vắng hoang tàn lạnh lẽo, người đời không còn ai biết đến Lư Sơn chân diện mục (bộ mặt thật của núi Lư) ra làm sao nữa.
Mộc Uyển Thanh cũng là một Càn Thát Bà điển hình. Trên người nàng có mùi thơm quyến rũ nên được giang hồ đặt cho biệt danh Hương Dược Xoa (Dạ Xoa thơm.) Theo như cảm nhận của chàng mê gái Đoàn Dự thì mùi hương trên người nàng “như lan mà không phải lan, như xạ mà không phải xạ, tuy không đậm đà chỉ thoang thoảng dìu dịu nhưng ngửi thấy lòng không khỏi lâng lâng”. Con ngựa mà nàng cưỡi cũng có tên là Hắc Mai Côi (hoa hồng đen). Về sau Mộc Uyển Thanh trở thành chính cung hoàng hậu của Đoàn Dự (theo bản sửa đổi mới nhất của Kim Dung).
Vương phu nhân là con gái của Lý Thu Thủy, người tình của Đoàn Chính Thuần, mẹ ruột của Vương Ngữ Yên. Bà ta có nhan sắc tuyệt vời, tính tình kiêu ngạo, lại đam mê hoa trà đến mức điên cuồng. Vương phu nhân bỏ công sai người đi khắp nơi tìm các loại danh chủng trà hoa về trồng tại Mạn Đà sơn trang, lúc nồng nàn tình ái nhớ tới Đoàn Chính Thuần thì ngâm câu thơ “Xuân câu thuỷ động trà hoa bạch,” khi tiết hận y thì giết đàn ông đem làm phân bón hoa trà. Về sau bà gặp Đoàn Dự và được cậu ta dạy dỗ cho một bài về việc chọn hoa – trồng hoa – thưởng hoa đến mức thẹn toát mồ hôi. Bởi Vương phu nhân sống giữa vườn hoa trà nên có điểm tương đồng với các nữ thần Càn Thát Bà gần gũi thiên nhiên.
5. A Tu La
A Tu La là một hàng thần có nhiều thần thông biến hoá nhưng phúc đức không thể so với Thiên thần (Deva), còn được gọi là Phi Thiên hay Vô Thiện Đẳng. A Tu La trong tiếng Ấn Độ là Asura.
Đặc điểm của A Tu La là tính tình rất hay ghen ghét đố kỵ, kiêu ngạo, đa nghi, đồng thời thích gây chiến và xung đột. A Tu La nam thường xấu xí, A Tu La nữ lại diễm lệ, vì thế A Tu La với Đế Thích đánh nhau liên miên, bên cần rượu ngon, bên đòi gái đẹp. A Tu La đặc biệt tị nạnh với Thiên thần vì cho rằng Phật tổ thiên vị chư thiên. A Tu La chính là ẩn dụ của nhà Phật để nói về tính sân si của con người.
A Tu La nữ trong Thiên Long Bát Bộ chính là Khang Mẫn.
Khang Mẫn là vợ của phó bang chủ Võ Đại Nguyên, cũng cặp kè với Đoàn Chính Thuần phong lưu “rải khắp nhân gian đều oán hận”.
Bề ngoài Khang Mẫn là một phụ nữ “xinh đẹp thanh tú, e lệ đáng yêu”. Tuy nhiên nội tâm của Khang Mẫn đã bị biến dạng từ khi bà ta còn nhỏ, ví dụ rõ nhất: vì ghen tị tỷ tỷ hàng xóm có tấm áo hoa đẹp mà cô bé Khang Mẫn cầm kéo cắt nát áo để người ta không thể nào mặc được nữa. Tâm lý méo mó này phát sinh từ ba yếu tố: tham vọng, kiêu ngạo, và tính ích kỷ tột độ; thị sẵn sàng cắn chết Đoàn Chính Thuần khi ông không chịu lập thị làm phi tử.
Đáng sợ nhất, chỉ vì Tiêu Phong không để ý đến thị trong hội hoa mẫu đơn mà Khang Mẫn quyết tâm khiến chàng phải thân bại danh liệt: thị ám sát chồng, đổ vấy cho Tiêu Phong, nhân đó vạch trần thân phận Khiết Đan của chàng. Có thể nói bước đường hoạn nạn của Tiêu Phong (Thiên) bắt đầu do bàn tay độc ác của Khang Mẫn (A Tu La). Tuy nhiên trong truyền thuyết A Tu La luôn chịu thua Thiên chúng, tương tự Khang Mẫn dùng đủ mọi thủ đoạn vẫn không thể nào trấn áp được Tiêu Phong, cuối cùng lại thành tự hại mình.
A Tu La nam trong Thiên Long Bát Bộ ứng với Du Thản Chi và Mộ Dung Phục. Cả hai nhân vật này đều liên tục gây chiến với Tiêu Phong (Thiên) nhưng vẫn chuốc lấy thất bại thảm hại.
Du Thản Chi xuất thân là thiếu trang chủ của Tụ Hiền Trang, là con cháu của Du Câu, Du Ký. Tiêu Phong chỉ bằng một chưởng đã đoạt lấy song thuẫn của cha chú Du Thản Chi, khiến Du thị Song hùng xấu hổ vung đao tự sát. Trong thâm tâm Du Thản Chi vì thế coi Tiêu Phong là kẻ thù lớn nhất trong đời. Về sau đối tượng mà y yêu điên rồ – A Tử – lại một lòng đắm đuối “tỷ phu” Tiêu Phong! Từ một kẻ hiền lành, Du Thản Chi bị thiêu đốt bởi ghen tị, oán thù, si mê,… đến mức không còn kiểm soát được hành vi. Không chỉ tâm lý mà bề ngoài của y cũng bị biến tướng khủng khiếp, y chịu đủ thảm hình: da mặt bị đốt cháy, đầu chụp mũ sắt trở thành “thiết sửu,” chân bị đánh gãy, hai con mắt tự móc đi để dâng cho A Tử… Y vĩnh viễn thất bại trong cuộc đấu với Tiêu Phong, đã không có một phần danh vọng và khí độ của chàng, cũng chẳng được A Tử dành cho một chút tình. Du Thản Chi là một A Tu La quái vật, nhưng cũng vô cùng đáng thương.
Mộ Dung Phục được đồn đại là có võ công ngang hàng với Tiêu Phong, thiên hạ vì thế lưu truyền câu “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung,” nhưng thực ra y không có chân tài thực học. Võ công Đấu Chuyển Tinh Di của y chỉ là trò lừa người, khi gặp phải Tiêu Phong lập tức phải chịu lép. Dù sao mục tiêu chính của Mộ Dung Phục cũng không phải đạt ngôi vị đệ nhất võ lâm, mà là khôi phục nhà Đại Yên của dòng họ Mộ Dung. Vì cái đích này mà y sẵn sàng bái kẻ thù làm cha nuôi, giết hại cả thuộc hạ lẫn người nhà, dùng mọi thủ đoạn thu phục nhân tâm…
Giống như A Tu La, Mộ Dung Phục có mỹ nữ bên cạnh (Vương Ngữ Yên), nhưng y hoàn toàn thờ ơ với nàng, chỉ chuyên chú gây dựng cơ đồ. Cuối cùng y bị Tiêu Phong đánh cho đại bại, người thân bỏ đi hết, kế hoạch gây dựng Hậu Yên sụp đổ. Mộ Dung Phục bị chấn động tâm thần hóa điên, trở nên ngây ngây dại dại. Người thế tục tham lam quyền lực, hay thù hận như Mộ Dung Phục gọi là bị lửa A Tu La thiêu đốt. Trong mỗi người chúng ta đều có một phần A Tu La…
*6 – Khẩn Na La:
Khẩn Na La, tên Ấn Độ Kinnara, là một loại thần kỳ diệu: có lúc nửa người nửa ngựa, có lúc nửa người nửa chim, trên đầu thường có sừng. Kinnara có hình dáng lạ lùng, giống người mà không phải người, khiến ai gặp phải đều ngờ vực không yên, nên còn gọi là Nghi thần (tiếng Phạn: Kim – nghi vấn, nara – người).
Cũng như Càn Thát Bà, Khẩn Na La giỏi tài ca múa và thường trổ tài mua vui cho Đế Thích. Nguồn gốc của vị thần này xuất phát từ bộ tộc Kinnara ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn phủ tuyết giăng mây. Người Ấn Độ cho rằng Kinnara là những sinh linh phi thường, đẹp đẽ, bí ẩn, trú ngụ nơi xa xôi kín đáo. Nam thần là Kinnara, nữ thần là Kinnari. Theo thần thoại, Kinnari có khả năng khiến người ta bị rối loạn tâm trí, thích thú đến mê muội, thậm chí còn quyến rũ Phật tăng, phần nào giống như những cô tiên vùng cao có bùa mê làm lạc lối người phàm. Trong sử thi Mahabharata, Kinnara và Kinnari trọn đời sống trong hoan lạc, là đôi tình nhân thần tiên trẻ mãi không già, luôn say đắm bên nhau.
Dựa vào đặc tính trên, có thể nói Khẩn Na La trong Thiên Long Bát Bộ chính là cặp đôi Vô Nhai Tử-Lý Thu Thủy. Hai người này là môn đồ của phái Tiêu Dao, mà phái này chỉ chuyên tuyển chọn những người có tướng mạo cực đẹp. Vô Nhai Tử khi già vẫn phong lưu tiêu sái đến nỗi Hư Trúc thấy tự thẹn mình xấu xí, Lý Thu Thuỷ thì chính là nguyên mẫu của pho tượng ngọc “Thần tiên tỷ tỷ” mà Đoàn Dự say mê. Hai người này “rủ nhau đi trốn” vào động Vô Lượng, xây một tàng thư võ học, cùng nhau sống cuộc đời tiêu dao nhàn nhã. Vô Nhai Tử có khắc trên vách đá “Trong động không ngày tháng, chính cực lạc nhân gian”, làm chàng ngốc Đoàn Dự cảm khái rằng cực lạc trên trời có khi cũng chưa được như hai người bọn họ.
Võ công của phái Tiêu Dao lấy cảm hứng từ thiên Tiêu Dao Du của Trang Tử, khẩu quyết chính là mấy câu “Ở nơi núi xa xăm mờ mịt, có thần nhân ở. Da trắng như tuyết, giữ mình như ngọc, không ăn ngũ cốc, hút gió uống sương”. Mấy câu này để hình dung loài Khẩn Na La trong thần thoại quả thật vô cùng chính xác. Võ công của phái Tiêu Dao vì thế cũng vô cùng đẹp đẽ phiêu dật, tới mức người của phái Vô Lượng nhìn bóng hai người Vô Nhai Tử – Lý Thu Thuỷ đấu kiếm phản chiếu trên vách đá lại cứ tưởng thần tiên phương nào!
7. Ca Lâu La:
Đại bàng cánh vàng Ca Lâu La là một loại thần cực mạnh trong Thiên Long Bát Bộ. Ca Lâu La là phiên âm từ Garuda của Ấn Độ. Đại bàng này còn có tên gọi Kim Sí Điểu, là vua các loài chim ở núi Tu Di, trong Ấn Độ giáo nó là vật cưỡi của thần Vishnu.
Theo sử thi Mahabharata, Ca Lâu La có mối thù không đội trời chung với Long thần (Naga) vì rắn đã làm hại mẹ của nó. Trên đường đi cứu mẹ, Ca Lâu La được Đế Thích hứa cho dùng loài rồng-rắn làm đồ ăn vĩnh viễn. Mỗi ngày Ca Lâu La phải ăn một con rồng lớn (long vương) hoặc năm trăm con rồng nhỏ. Ngoài ra Ca Lâu La còn nuốt hết những phiền não, ma chướng của con người.
Đại bàng Ca Lâu La có bảo tướng trang nghiêm, sải cánh dài 336 vạn dặm. Tới lúc mệnh tận, trong ruột đầy chất độc do rồng rắn nhả ra, Ca Lâu La liền bay tới đỉnh Kim Cang Luân để tự thiêu, thân mình chỉ còn trái tim xanh biếc.
Quốc sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí chính là hiện thân của đại bàng Ca Lâu La trong truyện. Người này tài cao học rộng, cả Phật pháp lẫn võ thuật đều thông, nhưng mải mê lầm đường rẽ vào ma đạo. Trong suốt chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Cưu Ma Trí luôn tìm cách hãm hại, bắt cóc Đoàn Dự (Long thần) với mong muốn trở thành người có võ công đệ nhất thiên hạ. Mưu đồ chính trị của Cưu Ma Trí cũng không hề kém, y muốn dùng ảnh hưởng của mình để kích động cho các nước đánh nhau, nâng vị trí cho nước Thổ Phồn (Tây Tạng ngày nay) trên bản đồ.
Về cuối truyện, những luồng nội lực do Cưu Ma Trí lén luyện Tiểu Vô Tướng Công xung đột lẫn nhau khiến y bị tẩu hoả nhập ma suýt mất mạng, giống như chất độc phát tiết trong người đại bàng Kim Sí Điểu. Những tham vọng, sân si tích tụ trong người Cưu Ma Trí chỉ chờ dịp bùng lên “hoá kiếp” y như ngọn lửa thiêu đốt Ca Lâu La. May mắn cho Cưu Ma Trí, Đoàn Dự hút hết nội lực và cứu sống y, kể từ đó Cưu Ma Trí tỉnh ngộ và chuyên tu Phật pháp.
8. Ma Hầu La Già
Thần rắn Ma Hầu La Già (Mahoraga trong tiếng Ấn Độ) là một con rắn lớn, còn gọi là Đại Mãng Xà hay Địa Long để phân biệt với loài rắn biển Naga. Cũng có khi Ma Hầu La Già được khắc hoạ với hình tượng đầu người mình rắn. Theo kinh Lăng Nghiêm, Ma Hầu La Già “thuộc loại bò sát; vì ngu si độc ác nên tự chiêu mời rắc rối, đần độn vô tri, muốn thoát luân hồi nên đã tu luyện từ bi trí huệ, vãn hồi hậu quả gây ra, thoát được luân hồi”.
Trong Thiên Long Bát Bộ, nhân vật Mộ Dung Bác chính là rắn thần Ma Hầu La Già. Một là tính tình Mộ Dung Bác vô cùng khôn ngoan hiểm độc giống loài rắn thông minh, về mưu mô thủ đoạn thì còn hơn nhiều con trai y Mộ Dung Phục. Y chính là kẻ dàn dựng vụ mai phục ở Nhạn Môn Quan, lừa bao anh hùng chính đạo không chết cũng bị thương, lại hại cả nhà Tiêu Viễn Sơn gây nên tai hoạ dài lâu. Ôm mộng phục quốc, y bèn giả chết trốn vào chùa Thiếu Lâm để học lén 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm Tự. Do không có căn bản nội công nên Mộ Dung Bác bị tổn thương nội tạng rất nặng, quả đúng là “ngu si độc ác”. Về cuối truyện y được nhà sư quét chùa cứu khỏi họa sát thân, nhờ đó lại được khai sáng, trở thành một Phật tử ngoan đạo. Quá trình lột xác của loài rắn là biểu tượng cho sự tái sinh. Mộ Dung Bác cũng hai lần chết đi sống lại – một lần là y giả chết, một lần do nhà sư già đánh cho chết đi để chữa bệnh. Quá trình cứu rỗi và giác ngộ của Mộ Dung Bác chính là giống với loài Ma Hầu La Già.
Kết bài:
Trong kinh của Phật Giáo đại thừa có kể lại khi đức Phật thuyết pháp cho các bồ tát, tì khưu thường có tám loại chúng sinh đến nghe giảng kinh. Kinh Pháp Hoa trong phẩm Đề Bà Đạt Đa có chép:
Thiên long bát bộ, nhân dữ phi nhân, giai dao kiến bỉ Long Nữ thành Phật. (Trong tám loại chúng sinh trên trời, người cũng như không phải người đều thấy được Long Nữ thành Phật)
Lại có câu “Trời, Rồng, A Tu La, Dạ Xoa
Đến nghe Phật Pháp, nên chí Tâm
Ủng hộ Phật Pháp mãi trường tồn
Mỗi mỗi siêng tu lời Phật dạy”.
Hình ảnh này có lẽ chính là cảm hứng cho Kim Dung viết lên cảnh tượng ở hồi 43, khi vị sư già quét chùa dùng Phật giáo để hóa giải hết những nghiệp chướng của các loài chúng sinh trong truyện:
Vị lão tăng nói:
– Các ngươi muốn xuất gia làm sư thì phải nhờ các vị đại sư chùa Thiếu Lâm thế độ. Ta có mấy lời để cho các ngươi nghe.
Nói xong ngồi xuống thuyết pháp. Tiêu Phong và Mộ Dung Phục thấy cha mình quì xuống cũng quì theo. Huyền Sinh, Huyền Diệt, Thần Sơn, Đạo Thanh, Ba La Tinh nghe thấy nhà sư nói những lời tinh diệu không khỏi vui mừng, tự nhiên sinh lòng kính ngưỡng, ai nấy đều quì xuống.
No comments:
Post a Comment