Monday, April 10, 2017

Antilia: cái tát của những người giàu vô cảm

Đã bao giờ bạn đọc thắc mắc “Đâu là tòa nhà đắt tiền nhất hành tinh?” chưa?

Theo nghiên cứu từ trang comparecamp.com, vị trí đầu bảng thuộc về cung điện Buckingham ở London với giá trị ước tính hơn 1 tỷ bảng Anh. Nhưng cung điện Buckingham là tài sản hoàng gia nên tạm không so sánh giá cả. Vị trí thứ nhì thì sao?



Xin giới thiệu Antilia, tòa building 27 tầng nằm ở phía Nam thành phố Mumbai. Với giá 1 tỷ đô, đây chính là công trình tư nhân đắt đỏ nhất thế giới. Cá nhân nào vung tiền ra xài sang vậy?

Nita Ambani, vợ tỷ phú Mukesh Ambani trong một phòng khách ở dinh cơ Antilia

Thưa rằng, tòa nhà này thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Mukesh Ambani, người giàu nhất Ấn Độ, thứ nhì châu Á, và xếp hạng thứ 36 trên toàn thế giới. Gia đình Ambani sống trong căn nhà khổng lồ này cùng một đội quân 600 người phục vụ. Giữa thủ đô Mumbai, Antilia ngạo nghễ vươn lên, nhưng thân hình nó không có cái đẹp đàng hoàng kiên cố của The breakers, cũng chẳng tinh tế cao sang như Palais Garnier. Ngoằn ngoèo co quắp như thân cây bị bệnh, Antilia là ví dụ điển hình cho “điều xảy ra khi con người ta không sở hữu gì ngoài tiền và rất nhiều tiền.” Tất cả tài sản của Mukesh Ambani vẫn không thể mua cho ông ta sự nhạy cảm vô hình của … tri thức? Lương tâm? Văn hóa? Antilia không những là một thảm hoạ kiến trúc mà còn là cái tát vào mặt 15 triệu người dân sống trong các khu ổ chuột ở Mumbai.

Gia đình tỷ phú Mukesh Ambani

Có lẽ nhận định trên là quá khắc nghiệt chăng? Xã hội utopia sẽ mãi chỉ có trong tưởng tượng, đúng thế. Đấu tố người giàu chỉ vì họ giàu không bao giờ là hành động sáng suốt, lại càng đúng hơn. Mukesh Ambani đâu phải tỷ phú duy nhất ở Ấn Độ, cũng không thể đổ hết những vấn đề của quốc gia lên đầu một người. Nhưng qua việc xây dựng Antilia, Mukesh Ambani đã thể hiện trọn vẹn thái độ vô cảm của tầng lớp trên Ấn Độ đối với chính đồng loại mình.

Antilia nằm trên Altamount Road, một địa chỉ chuyên dành cho giới thượng lưu Mumbai. Tuy có 27 tầng, chiều cao thực của Antilia tương đương với một tòa nhà 40 tầng thông thường. Trên nóc của Antilia có 3 bãi đỗ trực thăng.

Không cần phải nhìn xa, Mukesh Ambani cũng có thể thấy những cảnh tượng khủng khiếp diễn ra từng giờ từng phút trên đất nước ông ta. 42% dân số Ấn Độ sống dưới mức nghèo khó (thu nhập dưới 1.25 đô la một ngày). Chỉ 10% dân số có công việc ổn định. 70% dân số sống trong các khu ổ chuột. Một nửa số trẻ em suy dinh dưỡng trên toàn thế giới nằm ở Ấn Độ. Mỗi năm gần 1 triệu trẻ sơ sinh tại Ấn Độ chết vì tiêu chảy. 200 triệu phụ nữ ở Ấn Độ mù chữ. Đó là những con số thống kê chính thức. Còn bạo lực với phụ nữ bao gồm nạn hiếp dâm, hủ tục giết chết trẻ em gái để tránh trả tiền hồi môn, đốt chết người vì danh dự xảy ra nhiều không thể đếm xuể. Hệ thống pháp luật Ấn Độ thối nát đã thành huyền thoại. Bàn tay của chính quyền không thể và không muốn vươn tới những nơi xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ; tại đó tiếng khóc oán thán của người dân trở nên yếu dần rồi kiệt quệ đã từ lâu rồi. Chất lượng sống trung bình của nhiều vùng quê đủ khiến người ta tưởng Ấn Độ đã tuột khỏi thế giới văn minh. Và ngay tại Mumbai – cửa ngõ để Ấn Độ vươn ra thế giới, nơi Mukesh Ambani xây lên công trình thế kỉ Antilla, sự chênh lệch giàu nghèo và rẻ rúng nhân quyền cũng là một thứ “đặc sản.”

Một đền thờ được nhà Ambani xây ngay trong Antilia

Cách tốt nhất để hiểu về tình trạng tồi tệ ở Ấn Độ, nếu không thể tận mắt chứng kiến, là đọc về nó. “Behind the Beautiful Forevers: Life, Death, and Hope in a Mumbai undercity” của Katherine Boo là một cuốn sách nhập môn tốt về đề tài này, nhưng phải nói trước một điều: đọc nó có thể dẫn tới khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt, và mất nước do … khóc quá nhiều.

Bìa cuốn Behind the Beautiful Forevers của Katherine Boo. Tác giả từng đoạt giải Pulitzer vì có đóng góp cho cộng đồng qua việc viết bài về những người bị thiểu năng trí tuệ ở Washington, DC.

Tựa đề của cuốn sách đến từ những tấm bảng cực lớn in dòng chữ Beautiful Forever đặt tại sân bay Mumbai – thứ đầu tiên các khách du lịch nhìn thấy khi máy bay hạ dần độ cao. Quanh phạm vi sân bay Mumbai là 5 khách sạn lộng lẫy với tiện nghi tối tân, nơi rượu sâm panh chảy tràn trong những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng: Grand Hyatt, Intercontinental, Leela, Hilton, và JW Marriot. Nhưng phía sau những tấm biển Beautiful Forever và kẹp giữa các khách sạn cao vút sáng choang là Annawadi, một khu ổ chuột trong số hàng ngàn khu ổ chuột rải rác khắp đất nước Ấn Độ.

View từ máy bay khi sắp hạ cánh xuống Mumbai

Nói một cách đơn giản, có lẽ không ai trong số chúng ta có thể tồn tại quá 15 phút ở Annawadi. Nhưng Katherine Boo đã dành 2 năm để theo sát một nhóm cư dân tại Annawadi; bà thu âm, quay phim, ghi chép cuộc sống ngày thường của họ. Là một phóng viên có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực “người nghèo” ở Hoa Kỳ, Katherine Boo vẫn bị choáng váng bởi thực tế tại Annawadi. Nhưng những câu chữ của Katherine Boo trong Behind the Beautiful Forevers bình thản đáng ngạc nhiên. Người đọc gần như có thể tưởng rằng bà vô cảm. Bà kể về sự bẩn thỉu, đói khát, nhẫn tâm tại Annawadi – một hố địa ngục trần thế – một cách chính xác tỉ mỉ như miêu tả cuộc thi trồng hoa thược dược ở San Francisco. Katherine Boo tả sự việc đúng như nó xảy ra, hoàn toàn không để tình cảm chen vào làm khỏa lấp đi sự thật cứng rắn và lạnh lẽo. Lạ thay, chính cách tiếp cận khách quan ấy khiến câu chuyện về Annawadi càng trở nên ám ảnh và đau đớn. Nhờ sự tỉnh táo của Katherine Boo, cuốn sách không bị sa đà vào thể loại “poverty porn.”

Cuộc sống hàng ngày ở Annawadi

Những người dân ở Annawadi về nhiều mặt rất giống chúng ta, họ cũng có khát vọng, có niềm vui, có nỗi buồn và lo âu. Chỉ khác ở chỗ, họ sống giữa núi rác rưởi khổng lồ của thành phố Mumbai. Rác rưởi ấy là thứ dân chủ nhất mà họ có, bởi nó bao gồm từ rác của các khách sạn 5 sao kia đến rác do chính họ thải ra mỗi ngày. Rác là nguồn sống của họ nhưng giết họ âm thầm. Những dòng nước đen trôi nổi ở Annawadi là nơi họ tắm giặt, đại tiểu tiện, cũng là nước sinh hoạt và ăn uống. Công việc tốt nhất những đứa trẻ Annawadi có thể hy vọng là lọc rác, gom rác, và bán rác. Mơ ước của trẻ con Annawadi là được bước chân vào sân bay Mumbai nhặt rác vụn. Niềm vui của trẻ con Annawadi là không phải bắt chuột ăn thịt. Nỗi buồn của chúng là mẹ tự tử, cha ốm dần mòn về ung thư, em qua đời vì thương hàn, bạn thân đi ăn trộm bị đập chết. Nỗi lo ám ảnh tất cả những cư dân Annawadi là không sống nổi đến ngày mai, thậm chí là tối nay. Cái chết lởn vởn quanh Annawadi như hơi thở, gần gũi đến mức những người dân đã quen với nó và chấp nhận rằng nó là một phần tất yếu của đời sống.

Cuộc sống ở khu ổ chuột Mumbai

Annawadi là mảnh đất của lừa lọc, dối trá, hằn thù. Thay vì bảo vệ, giúp đỡ nhau, xu hướng chung ở đây là dẫm đạp lên người khác để sống. Kẻ nào có chút ít quan hệ với chính quyền lợi dụng điều này để bóc lột những người còn lại: rút ruột những đồng dollar viện trợ nước ngoài, dựng lên những chương trình giáo dục để biển thủ công quỹ, mua bán, đổi chác với mafia, cảnh sát, quan tòa,… dồn kẻ yếu vào đường cùng miễn sao kiếm được lợi. Những kẻ thiếu thốn thì ghen tị và tìm những phương thức tuyệt vọng để trả thù ai có nhiều tài sản hơn. Cha mẹ đánh đập, hành hạ con, dùng con như món hàng trao đổi. Tất cả mọi người đều đè nén người khác và bị người khác đè nén. Ở dưới đáy cùng của Annawadi là những đứa trẻ vô tội không thể tự bảo vệ bản thân.

.

Annawadi không phải câu chuyện cổ tích khiến người đọc cảm thấy tin tưởng vào tính thiện của con người. Ở cuối sách không có sự giải thoát nào cho các nhân vật, càng không có cái kết hạnh phúc. Khi gấp sách lại ta biết, cũng như Katherine Boo đã biết: một nửa số trẻ em trong đó sẽ không lớn tới tuổi trưởng thành. Annawadi chỉ là một trong số vô vàn các khu ổ chuột ở Mumbai; khi đặt cạnh nhau chúng vẽ nên một bức tranh toàn cảnh bi quan không lối thoát. Đối với chính quyền Ấn Độ, những khu ổ chuột này là đám mụn nhọt xấu xí cần được che đi bằng tấm vải óng ánh sặc sỡ, miễn sao phô ra một hình ảnh thịnh vượng với thế giới phương Tây. Nhưng ở một đất nước phát triển không bền vững như vậy, tình trạng bất an và nghèo đói là cái vòng luẩn quẩn chỉ chờ đạt đến điểm sôi sẽ nổ tung. Và một bộ phận không nhỏ giới thượng lưu Ấn Độ cố tình tiếp tay cho điều đó.

Katherine Boo giữa Annawadi

Trở lại với Ambani và Antilia. Những lời buộc tội Ambani hối lộ, lũng đoạn, đã trở nên nhàm tai, bởi không ai ở Ấn Độ có thể đạt mức tài sản như Mukesh Ambani bằng những cách đường hoàng và minh bạch 100%. Nỗ lực từ thiện của Mukesh Ambani (89 triệu đô la so với tổng tài sản 20.3 tỷ) là một trò đùa “không nói ra nhưng ai cũng biết” trong mắt người dân. Cả hai sự thật trên đều quá đỗi phổ biến ở Ấn Độ đến mức thành đương nhiên. Nhưng với Antilia, Mukesh Ambani đã thực sự đi quá giới hạn. Được đặt theo tên hòn đảo tiên trong truyền thuyết, Antilia được nhìn nhận như một nỗ lực của gia đình Ambani nhằm cắt đứt sợi dây liên kết với cảnh tượng khốn khó ở Ấn Độ, tự mình lập ra một triều đại mới. Một con người có tài sản ở mức Mukesh Ambani không bao giờ thiếu đội quân xu nịnh, ăn bám vây quanh – những kẻ kiếm lợi bằng cách thì thầm vào tai Mukesh Ambani rằng ông ta chính là vua, là thần thánh. Đã là vua thì cần có một lâu đài làm bàn đạp để trị vì. Có lẽ Ambani đã bị lóa mắt bởi hào quang của chính mình, và cho rằng việc xây Antilia là một điều tốt cho Ấn Độ. Biết đâu Antilia lại trở thành một Taj Mahal thứ hai? Và Mukesh Ambani chính là vị maharajah của thời đại mới, vĩnh viễn được vinh danh! Thế nhưng đa phần dân chúng Ấn Độ coi sự xa hoa của Antilia là nỗi nhục trong một đất nước nghèo khó và đói ăn.  Ratan Tata đã nhận xét về Antilia một cách xác đáng: “Người dân nổi dậy khởi nghĩa vì những thứ như vậy.”

Xin mạn phép bàn thêm về kiến trúc của Antilia. Toà nhà gồm nhiều khối hộp chồng lên nhau, luân chuyển giữa kính trong, kính mờ, và tường đặc để phân chia khu “kín đáo,” khu giải trí, và khu hở lồ lộ cho dân chúng nhìn chơi! Thế nhưng Antilia vẫn bị nói mỉa là khu ổ chuột theo chiều dọc vì kết cấu lộn xộn thiếu cân đối, một sự giễu nhại không hơn không kém – kiến trúc kỳ dị của nó làm gợi nhớ đến chính những lán trại vá víu xô lệch không cách xa đấy bao nhiêu, chỉ khác là bằng bê tông và chọc trời. Có người đã nhận xét rằng về tỷ lệ thẩm mỹ, những túp lều đơn sơ đắp bằng rơm và bùn nhìn còn vừa mắt hơn Antilia. Sự an toàn của nó cũng là một vấn đề, có người lo động đất một cú là Antilia sẽ vỡ vụn và còn đè lên những công trình xung quanh nữa. Cụm từ “house of cards” (ngôi nhà làm bằng các quân bài – ẩn dụ chỉ những tình huống bấp bênh có thể sụp đổ bất kì khi nào) thật hợp với Antilia.


 Về phần trang trí, theo bà Nita Ambani trả lời phỏng vấn, yếu tố chủ đạo trong thiết kế của Antilia là mặt trời và hoa sen, vì thế trong nhà có rất nhiều đồ mỹ nghệ đủ chất liệu gỗ, pha lê, xà cừ,… theo hai motif này. Thế nhưng oái oăm là Antilia lại gặp vấn đề thiếu sáng. Theo quy luật Vaastu (hệ thống phong thuỷ riêng của Ấn Độ,) thì toà nhà đã phạm lỗi nặng: nhà cửa Ấn Độ cần hướng về phía mặt trời mọc, nhưng hướng Đông của Antilia lại không bố trí đủ cửa sổ.

Hướng Đông thiếu sáng của Antilia

Mỗi tầng trong nhà được hoàn thiện với một loại vật liệu khác nhau để thêm phần đặc sắc, nhưng qua những bức ảnh được nhà Ambani khoe với báo chí, thực ra chỗ nào cũng như chỗ nào. Phong cách của Antilia là “càng nhiều càng tốt”. Khắp nơi là thảm trải, vô thiên lủng đèn pha lê các kiểu, và gương nạm vàng sáng choang. Vào năm 2013, tòa nhà này được độc giả của trang mạng Rediff (Ấn Độ) bầu chọn là một trong mười toà nhà xấu xí nhất thế giới.

Nội thất của Antilia: đèn một bên và … đèn một bên

Đèn long lanh dày đặc rủ từ trần nhà

Một phòng ngủ

Cũng phòng ngủ (chắc dành cho khách không quý?)

Về mặt công năng, tòa nhà vận hành như một thành phố thu nhỏ với đầy đủ rạp chiếu phim năm mươi chỗ, spa và salon làm đẹp, phòng tập yoga, sáu tầng chứa oto cộng thêm cả một cửa hàng sửa/bảo dưỡng xe, chín thang máy chạy nhanh vù vù. 

Sơ đồ Antilia

Trên nóc nhà có bãi đậu trực thăng. 

Thế nhưng sau khi Antilia được hoàn thiện, Mukesh Ambani chần chừ một thời gian dài vẫn chẳng chuyển vào sống. Mỗi ngày cả tòa nhà được thắp sáng rực đến tận đêm khuya, bên trong là dạ vũ và tiệc tùng rôm rả, nhưng đến giờ đi ngủ thì ai về nhà nấy, kể cả gia đình Ambani! Theo tin nội bộ, Ambani viện cớ… nhà thiếu sáng, Vaastu không tốt, nên sợ về ở sẽ mất lộc. Rốt cuộc nhà Ambani vẫn thích ở một căn hộ khiêm tốn chỉ có … 14 tầng ở phía nam thành phố hơn là Antilia.

Antilia khi sáng đèn

Tòa nhà xám xịt vào ban ngày. 

Giữa vô vàn những chỉ trích xung quanh Antilia, Ambani vẫn ngậm tăm. Hai vợ chồng Mukesh và Nita Ambani đều có đội cận vệ túc trực ngày đêm, do chính phủ Ấn Độ đài thọ. Giống như những độc tài và hôn quân trong lịch sử, Ambani không thể thực sự kê cao gối ngủ. Có lẽ Antilia đã thực hiện đúng sứ mệnh lịch sử của nó. Căn nhà của Mukesh Ambani sẽ chẳng bao giờ được coi như đỉnh cao nghệ thuật hay di sản quốc gia của Ấn Độ, nhưng người ta sẽ mãi ghi nhớ nó như một biểu tượng nhức nhối của kinh tế Ấn Độ thời hiện đại. Kiến trúc tự nó không có giai cấp, nhưng giai cấp đã và sẽ luôn dùng kiến trúc để trị vì. Điển hình là đây: năm 2012*, cách Antilia không đầy một dặm, gia tộc Singhania bắt đầu khởi công J.K House. Tôi đoán công trình mới này được thai nghén từ sự “ghen ăn tức ở” với Antilia vì giống Antilia y hệt, chỉ khác là cao hơn vài tầng thôi. Và J.K House sẽ có một bảo tàng hẳn hoi để người dân Slumbai** vào tham quan chứ không “trọc phú” như Antilia đâu nhé! 

Toà nhà J.K House trong quá trình xây dựng

* Tuy 2012 chính thức khởi công nhưng J.K House nằm trùm mền tới tận 2015 mới được xây tiếp, vì rắc rối giấy tờ. Đến bây giờ công trình này đã hoàn toàn xong chưa thì tôi cũng không rõ.
** Tên gọi mỉa mai: Slum (nhà ổ chuột) + bai (Mumbai.)

*

No comments:

Post a Comment