Giả mẫu là một nhân vật được tạo hình đặc sắc vào bậc nhất trong Hồng Lâu Mộng. Giả mẫu có vị trí đứng đầu Giả phủ, tầm ảnh hưởng bao trùm cả hai nhà Ninh, Vinh. Gầu như toàn bộ các cô gái trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách (ngoại trừ Diệu Ngọc) đều là cháu chắt của Giả mẫu, nếu không do huyết thống trực hệ thì cũng thông qua quan hệ hôn nhân. Vì vậy Tào Tuyết Cần bỏ nhiều tâm sức miêu tả Giả mẫu cũng là điều dễ hiểu. Nếu chỉ nhìn bên ngoài, Giả mẫu quả là một bà cụ bao dung, hiền từ, thích an nhàn như … bà nội của chúng ta vậy! Vì vậy e rằng nhiều người sẽ không đồng tình khi tôi cho rằng: những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nhà họ Giả có một phần lỗi của Giả mẫu.
Tào Tuyết Cần để Giả mẫu lần đầu xuất hiện qua lời kể của Lãnh Tử Hưng ở hồi thứ hai, chính là áp dụng biện pháp “chưa nhìn thấy người đã nghe thấy tiếng.” Giả mẫu sinh ra trong nhà họ Sử – một trong bốn gia đình cự phú ở Kim Lăng (Cung A phòng xây lên ba trăm dặm đã đủ chưa? Họ Sử đất Kim Lăng vẫn ở không vừa.) Lớn lên Sử tiểu thư kết hôn với Giả Đại Thiện ở Vinh Quốc phủ, sinh ra Giả Chính và Giả Xá. Lang quân bà chẳng may mất sớm, nhưng hai con trai Giả mẫu nhờ phúc ấm của ông cha mà đều được đặc cách phong quan, tập tước. Giả mẫu cũng vì thế mà được hưởng thụ cuộc sống viên mãn, xa hoa không kể xiết. Người ta còn gọi bà là Sử thái quân.
Trước hết, hãy bàn về khía cạnh vinh hoa phú quý của nhân vật này. Truyện có nhiều chi tiết nhỏ được cài đặt rất khéo léo, tôi xin chỉ ra bốn ví dụ nho nhỏ.
Thứ nhất là khi một thầy thuốc được mời vào thăm bệnh Giả mẫu.
Một lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh, theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già đứng hai bên vén rèm, hai bà già nữa dẫn vào. Bảo Ngọc ra đón. Giả mẫu mặc chiếc áo khoác bằng da dê trắng, trong lót nhiễu xanh, ngồi trên sập. Hai bên có bốn a hoàn bé chưa để tóc, cầm phất trần, ống nhổ đứng hầu; lại có năm, sáu bà già đứng xếp hàng hai bên; đằng sau cái tủ bích sa, thấp thoáng có nhiều người mặc đồ xanh đỏ và đeo vàng ngọc. Thày thuốc không dám ngẩng đầu lên, chạy lại cúi chào.
Thế mới nói, muốn giàu chỉ cần một đời, nhưng muốn sang phải ít nhất ba đời mới đặng. Giả mẫu chẳng bộn bề trang sức trên người nhưng vẫn uy nghi như một vị thái hậu. Từ kiểu cách đón tiếp, a hoàn bà già hầu hạ vây quanh, cho đến những người “đeo vàng ngọc” đứng sau (Phượng Thư, Lý Hoàn, Vương phu nhân) – tất cả đều đóng vai trò bức nền làm toát lên vị trí cao quý của Giả mẫu.
Thứ nhì là ngày mừng thọ tám mươi tuổi của Giả mẫu. Hồng Lâu Mộng có nhiều bữa tiệc xa xỉ đến hoa cả mắt, song chúng ta chỉ cần chú ý đến chi tiết này:
Từ đầu tháng bảy, người đưa lễ thọ đến mừng liên tiếp không dứt. Bộ Lễ vâng chỉ ban cho một cái gậy bằng vàng dát ngọc, bốn súc đoạn màu, chén vàng bốn cái, bạc năm trăm lạng. Nguyên phi lại sai Thái giám đưa đến một tấm thọ tinh bằng vàng, một cái gậy trầm hương, một chuỗi hạt dà nam, một hộp hương phúc thọ, hai nén vàng, tám nén bạc, mười hai tấm đoạn màu, bốn cái chén ngọc. Ngoài ra từ thân vương, phò mã đến các quan văn võ lớn, nhỏ đi lại xưa nay đều có lễ mừng, không thể kể xiết được. Trong nhà đặt một cái bàn lớn trải thảm đỏ bày hết những đồ quý giá bên trên rồi mời Giả mẫu đến xem. Mấy hôm đầu, Giả mẫu còn cao hứng đến nhìn qua, sau chán không xem nữa, chỉ nói: “Bảo cháu Phượng nhận cả, hôm nào rảnh ta sẽ lại xem”.
Chỉ một con người đã quen sống trong sự giàu có, thừa thãi đến cùng cực mới có thể bộc lộ một thái độ “phớt tỉnh” như thế trước của cải. Có lẽ trong tám mươi năm cuộc đời, số lượng châu báu Giả mẫu nhìn qua đã quá nhiều, tới mức chúng không còn đem lại cảm giác ngạc nhiên hay thích thú gì cho bà nữa.
Thứ ba là tên gọi các a hoàn của Giả mẫu. Ngoại trừ Uyên Ương, tên bốn cô còn lại lần lượt là: Hổ Phách, Trân Châu (sau đổi thành Tập Nhân,) Phỉ Thúy, Pha Lê. Chi tiết này là ẩn dụ cho thân phận tôn quý của Giả mẫu – người chủ sở hữu tất cả những viên ngọc kia. Vinh hoa phú quý không dồn vào bà thì còn ai nữa.
Thứ tư là lần Giả mẫu cùng mọi người tới thăm Tiết phu nhân. Chỉ qua cách chọn màn cửa, Giả mẫu đã bộc lộ từ khiếu thẩm mỹ, biết người biết của, cho đến kiến thức sâu rộng:
Giả mẫu nhân trông thấy bức màn the treo trên cửa sổ đã cũ, liền bảo Vương phu nhân:
– Bức màn này khi mới treo, trông đẹp đấy, nhưng để lâu phai màu. Ngoài sân không có cây đào cây hạnh nào, mà trúc đã có lá xanh rồi. Cứ treo màn xanh không ăn màu. Ta nhớ nhà ta có những bức màn treo cửa sổ bốn năm màu kia mà. Ngày mai, bảo lấy thay bức màn này đi.
Phượng Thư nói:
– Hôm nọ cháu mở buồng kho, thấy trong hòm lớn có mấy tấm the “thuyền dực” (the mỏng như cánh ve sầu): màu ngân hồng, tấm thì dệt lối hoa chiết chi, tấm thì lưu vân biển bức (dơi bay theo đám mây), tấm thì bách điệp xuyên hoa (trăm con bướm hút nhuỵ hoa), màu vừa tươi, lại nhã, nhũn nhẹ. Nhưng không thấy thứ the như bà nói. Nếu có thứ ấy, đem ra làm nệm gấm thì chắc đẹp lắm.
Giả mẫu cười nói:
– Hừ! Người ta bảo mày cái gì cũng biết, cái gì cũng từng trải cả. Thế mà ngay thứ the ấy mày cũng không nhận ra được, rồi lại còn nói láo!
Mọi người đều cười, nhân nói:
– Chị đã từng trải đến mấy cũng còn kém cụ? Sao cụ không dạy bảo chị ta để cho chúng tôi cũng được nghe nhờ?
Phượng Thư cười nói:
– Bà ơi. Bà dạy cháu với!
Giả mẫu cười nói với Tiết phu nhân và mọi người:
– Loại the này có từ khi các người chưa đẻ kia. Chẳng trách được nó cho là thứ the “thuyền dực”, vì hai thứ gần giống nhau. Ai không biết thì bảo là the “thuyền dực”, nhưng tên nó là “nhuyễn yên la” (the mềm và mỏng như làn khói) kia.
Phượng Thư nói:
– Cái tên ấy cũng dễ nghe. Cháu đã lớn bằng này rồi, kể ra cũng đã được xem hàng mấy trăm thứ the, nhưng chưa được nghe tên ấy bao giờ.
Giả mẫu cười nói:
– Mày đã bao nhiêu tuổi? Biết được bao nhiêu thứ the? Lại dám nói láo! Loại nhuyễn yên la này chỉ có bốn màu: một là vũ quá thiên thanh (mưa tạnh trời xanh), hai là thu hương sắc (màu hoa mùa thu), ba là tùng lục, bốn là ngân hồng. Nếu đem ra làm màn hay che cửa sổ, trông xa như khói mù ấy, cho nên gọi là nhuyễn yên la. Màu ngân hồng lại có tên là hà ảnh sa (màu ráng trời) nữa. Bây giờ ngay the trong nội phủ nhà vua thường dùng, cũng không có thứ nào như thế.
Tiết phu nhân cười nói:
– Không cứ chị Phượng, chính tôi cũng chưa nghe thấy bao giờ.
Qua đoạn trên, không chỉ Phượng Thư mà tất cả người đọc đều nhờ Giả mẫu mà được mở rộng tầm nhìn. Ai ngờ chỉ mấy miếng the mỏng manh mà chứa cả một bề dày văn hóa! Qua nhân vật Giả mẫu, Tào Tuyết Cần đã khắc họa sự cầu kỳ, tinh tế trong cách thưởng ngoạn của giai cấp quý tộc nhà Thanh. Cái đẹp của Hồng Lâu Mộng nằm chính ở những chi tiết nhỏ như vậy.
Thế nhưng nếu Giả mẫu chỉ có giàu sang, sành sỏi thì quá đơn giản. Sự thực là Tào Tuyết Cần đã dựng lên một Giả mẫu đáng yêu, đáng kính, nhưng cũng đôi lúc đáng ghét và cả đáng thương nữa. Sở dĩ có nghịch lý đó là bởi Giả mẫu luôn cư xử như một đứa trẻ được nuông chiều, bất chấp việc bà đã lên chức cụ và có các chắt riêng (Giả Lan, Xảo Thư.) Dựa vào đâu để nói rằng Giả mẫu vẫn giữ tính cách trẻ con?
Thứ nhất, Tào Tuyết Cần đã tóm lược tính cách Giả mẫu một cách chính xác: “Giả mẫu tuy có tuổi, nhưng vẫn thích các cuộc vui”. Đọc Hồng Lâu Mộng là thấy rõ Giả mẫu hầu như luôn là người khởi xướng các buổi liên hoan, tiệc tùng, xướng ca,… Bà thích tụ họp đông người, nếu không “đánh bài với vợ bọn quản gia,” thì cũng lịch kịch dẫn mọi người đi thăm các cháu gái, thăm bà dì, thăm cô Diệu Ngọc,…
Ưa xôm tụ, sợ cô đơn là tính cách thường thấy ở người già, nhưng trong cái ham vui của Giả mẫu còn có sự tùy hứng và vô tư của trẻ thơ. Quý phi Nguyên Xuân gửi về nhà câu đố đèn ngày Nguyên tiêu, Giả mẫu cũng sai làm gấp một cái đèn lồng to đẹp để mở hội, lại bày chè thơm, quả tươi, đồ chơi làm phần thưởng. Thấy Bảo Cầm mặc áo đỏ đứng cạnh hoa mai lộng lẫy quá, bà lập tức ra lệnh cho Tích Xuân phải họa lại cảnh tượng đó bằng được, để cô cháu thừ ra chẳng biết vẽ sao. Nhân dịp cây hải đường trổ hoa trái mùa, bà đòi bày tiệc thưởng hoa dù cảnh nhà đang khó khăn. Ngay cả khi gia đình đã lụn bại đến cùng kiệt, bà vẫn khăng khăng tổ chức sinh nhật cho cháu dâu là Bảo Thoa, và giận dỗi khi mọi người tỏ vẻ buồn! Như một đứa trẻ hay đòi hỏi, Giả mẫu muốn tất cả những ước muốn (nhiều khi là ích kỉ của bà) được thực thi, bất chấp hoàn cảnh thực tế có cho phép hay không.
Thứ hai, Giả mẫu lớn tuổi song cách bà đối xử với con cháu lại không công bằng như một người từng trải lẽ ra phải thế. Có con yêu, con ghét cũng là thường tình, song Giả mẫu dường như không buồn giấu giếm sự thiên vị của mình. Khi bà cưng ai (Bảo Ngọc, Tương Vân, Bảo Thoa,…) thì đối xử với họ như thiên thần, khi bà hắt hủi ai thì người đó phải chịu ấm ức. Sự lệch lạc trong cách Giả mẫu chia sẻ tình cảm không qua mắt được các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng. Cô nàng Phượng Thư cũng ỷ mình được Giả mẫu yêu chiều nên mới có thể pha trò trêu bà, mặc dù trong sự đùa cợt có hàm ý nói Giả mẫu biệt đãi Bảo Ngọc:
– Bà làm lễ sinh nhật cho các cháu, thế nào không được, còn ai dám nói? Nhưng bà lại sửa cả tiệc rượu nữa kia à? Muốn cho bữa tiệc vừa vui vừa nhộn, bà cũng nên bỏ ra một số tiền nữa! Nay chỉ trơ có hai mươi lạng bạc mốc meo này chi vào tiệc rượu, ý chừng bà muốn bắt các cháu phải bù nữa chăng? Nếu quả không có tiền đã đành, nhưng vàng bạc, thoi tròn, thoi dài, để phũng cả đáy hòm, chỉ tội làm phiền cho các cháu. Bà thử nghĩ xem, ai chẳng là cháu? Sau này chẳng lẽ chỉ có một mình chú Bảo rước bà lên Ngũ Đài Sơn thôi à? Sao cái gì bà cũng ki cóp để dành cho chú ấy! Chúng cháu tuy không đáng được dùng của này, nhưng bà cũng không nên làm rầy chúng cháu. Món tiền này liệu có đủ sửa tiệc rượu và bày trò chơi không?
Thế nhưng đối với ông cả Giả Xá thì khác. Mẹ yêu em trai Giả Chính hơn ông ta, lại yêu con trai Giả Chính (Bảo Ngọc) hơn con trai ông ta (Giả Liễn). Sự uất ức của Giả Xá được giấu rất kín, thậm chí chưa chắc Giả Xá đã dám tự thừa nhận với bản thân. Người đọc chỉ thấy nỗi niềm của Giả Xá được hé lộ qua câu chuyện vui ông ta kể nhân một buổi tiệc:
– Một nhà có một đứa con rất là hiếu thuận. Không may bà mẹ bị bệnh, tìm thầy chạy thuốc các nơi không được. Người con mời ngay một bà biết châm cứu đến. Bà này không biết xem mạch, chỉ bảo là bệnh tâm hỏa, châm một mũi là khỏi thôi. Người con sợ quá, hỏi: “Tim mà gặp phải sắt thì chết, châm thế nào được?” Bà lang nói: “Không cần phải châm vào tim, chỉ châm vào bên hông là được rồi”. Người con nói: “Hông cách tim xa, châm vào đó khỏi thế nào được?” Bà lang nói: “Không việc gì đâu. Anh không biết thiên hạ làm bố mẹ, nhiều tim rất là thiên lệch.”
Mọi người nghe nói đều cười lên. Giả mẫu cũng phải uống nửa chén rượu, ngồi một lúc rồi cười bảo:
– Nếu ta được bà lang ấy châm cho một cái thì cũng tốt đấy.
Giả Xá nghe vậy, biết là mình nói sỗ sàng để Giả mẫu nghi ngờ, liền đứng dậy cười, dâng chén mời Giả mẫu rồi nói lảng sang chuyện khác. Giả mẫu cũng không tiện nhắc, lại làm luôn tửu lệnh.
Đối với Đại Ngọc thì còn bi kịch hơn thế, bởi khi mới về nhà họ Giả nàng được Giả mẫu vô cùng thương yêu. Chính truyện đã viết:
Nay nói Lâm Đại Ngọc từ khi đến phủ Vinh, được Giả mẫu thương yêu muôn phần, ăn ở đi đứng, nhất nhất đều như Bảo Ngọc, ngay Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân cũng không bằng.
Thế nhưng vật đổi sao dời, Đại Ngọc dần rớt khỏi vị trí được cưng chiều trong tim Giả mẫu. Giả mẫu không thẳng thắn hắt hủi cô cháu gái, nhưng thái độ lạnh lùng, xa cách của bà đủ khiến tâm hồn nhạy cảm của Đại Ngọc rỉ máu. Đại Ngọc lại càng không thốt ra nửa lời oán trách, nhưng nỗi ê chề, tủi hổ chất chứa trong tâm nàng không có chỗ giải toả đã hóa thành một cơn ác mộng, khiến cho người đọc không khỏi xót xa thương cảm:
Đại Ngọc vội vàng qùy xuống, ôm lấy chân Giả mẫu mà nói:
– Bà cứu cháu với! Về Nam thì chết cháu cũng không về. Vả lại đó là kế mẫu không phải mẹ đẻ cháu. Cháu xin ở đây với bà thôi.
Nhưng thấy Giả mẫu mặt mày lạnh lùng cười nói:
– Cái đó không can gì đến ta.
Đại Ngọc khóc nói:
– Bà ơi, sao lại thế?
– Làm vợ kế cũng tốt, lại được thêm một bộ đồ nữ trang.
– Cháu ở đây với bà, quyết không tiêu pha quá đáng đâu, chỉ xin bà cứu cháu.
– Không ăn thua đâu! Làm con gái nhất định là phải đi lấy chồng, cháu còn bé không biết đấy thôi, không thể ở đây mãi được đâu cháu ạ.
– Cháu ở đây tình nguyện làm người con hầu làm lấy mà ăn, cũng cứ vui lòng, xin bà làm chủ cho.
Thấy Giả mẫu không nói gì cả. Đại Ngọc lại ôm lấy Giả mẫu mà khóc:
– Bà ơi xưa nay bà rất từ bi, lại rất yêu cháu, sao đến khi nguy cấp bà lại bỏ cháu đi như thế? Cháu tuy là cháu ngoại bà, đã cách một tầng, nhưng mẹ cháu là con đẻ của bà, bà nghĩ đến mẹ cháu xin bà bênh vực cho cháu với.
Đại Ngọc vừa nói vừa đâm đầu vào lòng Giả mẫu, khóc lóc thảm thiết. Nghe Giả mẫu gọi: “Uyên Ương, mày đưa cô đi nghỉ, nó quấy tao mệt quá”.
Vậy thì nhà họ Giả có một bà cụ thích vui chơi hội họp, trong đám con cháu có thiên vị đứa này đứa kia, đôi lúc còn trẻ trung yêu đời đến mức “chọn một cành cúc đỏ cài lên mái tóc” (hồi 40.) Xét cho cùng, đấy cũng không phải bi kịch gì lớn lắm. Vấn đề của gia đình này nằm ở chỗ: từ ông trưởng tộc cho đến đứa hầu, đều răm rắp làm theo mọi ý nguyện của bà. Mọi ý muốn to nhỏ của bà đều được coi là thánh chỉ. Nói có sách mách có chứng, tôi có thể chỉ ra vô số trường hợp Giả mẫu được o bế chiều chuộng như một “Lão phật gia.”
Giả mẫu hỏi Bảo Thoa thích nghe vở hát gì? Muốn ăn thức ăn gì? Bảo Thoa vốn biết Giả mẫu tuổi già, thích nghe những vở hát vui nhộn, thích ăn những đồ ăn nhừ, ngọt, liền chọn cái gì Giả mẫu thường thích, kể ra một lượt. Giả mẫu lại càng vui.
Khi chấm vở, Giả mẫu bảo Bảo Thoa chấm. Từ chối mãi không được, Bảo Thoa đành phải chấm một hồi trong vở Tây Du Ký. Giả mẫu vui lắm, lại bảo Phượng Thự. Phượng Thư biết Giả mẫu thích vui, thích cười đùa, nên chấm ngay vở “Lưu Nhị đương ỳ”. Giả mẫu lại càng vui.
Giả mẫu đã già, nhưng sở thích “vở hát vui nhộn, ăn đồ nhừ ngọt” của bà rõ ràng là ám chỉ cho tính cách trẻ thơ. Bảo Thoa tính tình khôn ngoan đã sớm nắm rõ điều này, đó là lý do nàng dễ dàng chiếm được cảm tình Giả mẫu, trở thành một ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị nguyên phối của Bảo Ngọc.
Giả Chính vội cười:
– Vâng, xin chịu phạt; nếu đoán đúng, xin bà thưởng cho.
– Cái ấy cố nhiên.
Rồi giả mẫu đọc luôn:
– Con khỉ lơ lửng bám trên cành (Đố tên một thứ quả).
Giả Chính biết ngay là quả vải, nhưng cố ý đoán sai, để chịu phạt mấy thứ rồi mới đoán đúng. Giả mẫu lại thưởng cho mấy thứ. Sau Giả Chính lại đọc một câu đố để Giả mẫu đoán:
– Mình thì vuông vắn, chất thì cứng rắn, tuy không biết nói, trả lời đúng đắn. (Đố một thứ đồ dùng).
Ông ta đọc xong, rồi khẽ bảo Bảo Ngọc. Bảo Ngọc biết ý, khẽ đến gà Giả mẫu. Giả mẫu nghĩ một lúc cho là đúng, liền nói:
– Đó là cái nghiên.
Giả Chính cười nói:
– Bà đoán một lần đúng ngay.
Rồi quay lại bảo đem đồ mừng đến. Bọn hầu vâng lời mang hết khay lớn, khay nhỏ lên. Giả mẫu xem từng cái một, đều là đồ mới đẹp, để dùng vào ngày hội hoa đăng cả, trong bụng rất vui.
Đây là một đoạn đặc biệt thú vị. Chỉ là một trò đố vui giữa người nhà thôi mà đã lắm trò giả vờ như vậy! Xuất phát từ lòng hiếu thảo, Giả Chính đã vô tình đối xử với Giả mẫu như một đứa trẻ cần được che chở, lại lôi kéo cả Bảo Ngọc vào. Hành vi bợ đỡ Giả mẫu rõ ràng có tính chất “cha truyền con nối,” nên không có gì lạ khi nó bao trùm luôn cả câu chuyện. Qua sự kiện này, việc người nhà họ Giả bao che, giấu giếm, lừa dối Giả mẫu khi gia cảnh suy sụp không còn đáng ngạc nhiên nữa. Đến tận khi gia tộc gặp cảnh kiệt cùng nhất, Giả mẫu mới ngỡ ngàng:
Giả mẫu thắp hương giữa sân, cầu trời khấn Phật cho nhà họ Giả tai qua nạn khỏi.
Như đã nói, Giả mẫu tính tình trẻ con chưa nguy hại bằng việc người nhà dung túng điều đó. Nếu Giả mẫu chỉ ngồi một chỗ tĩnh dưỡng, thi thoảng bày cuộc vui chơi thì có lẽ cũng chưa đến nỗi. Điều đáng nói là Giả mẫu còn trực tiếp nhúng tay, gây ảnh hưởng đến việc vận hành của gia tộc. Thử nghĩ mà xem, một người già dù có minh mẫn sáng suốt đến mấy cũng khó có đủ trí lực để quyết định những việc lớn trong nhà, nữa là một bà cụ nông nổi như Giả mẫu. Việc này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thứ nhất, trong nhà, Giả mẫu yêu thích và giao phó hết việc nhà cho Phượng Thư cũng bởi nàng có cái miệng giỏi bông đùa, biết cách làm Giả mẫu bật cười. Nàng lại khéo đón ý, đưa đẩy, bày trò, tỷ như lúc mời già Lưu vào nói chuyện với Giả mẫu… Phượng Thư lợi dụng sự yêu chiều, tin cậy của Giả mẫu để lạm quyền, góp phần đưa nhà họ Giả lâm vào cảnh bi đát thế nào thì không cần nói nữa.
Thứ hai, Giả mẫu quá yêu chiều Bảo Ngọc đến mức bất chấp cả những quy tắc ứng xử thông thường. Bảo Ngọc từ nhỏ đã sống ở cạnh các chị em, điều này đến khi cậu ta lớn vẫn không thay đổi. Giả Chính, Nguyên Xuân đều thấy điều này không hợp tình hợp lý, nhưng mấu chốt là họ vẫn muốn chiều ý Giả mẫu, thế nên mới có cảnh một cậu công tử dọn vào Đại Quan viên ở với một dàn tiểu thư:
(Nguyên Xuân) Lại nghĩ đến Bảo Ngọc không như các anh em khác, từ bé đến lớn vẫn ở luôn với đám chị em; nếu không cho sang đây, sẽ làm cho cậu ta buồn, mà Giả mẫu và Vương phu nhân cũng không được vui. Vậy nên cho Bảo Ngọc ở luôn đấy mới phải.
Giả Chính chẳng ưa Bảo Ngọc, nhưng không có nghĩa ông ta hoàn toàn phó mặc đứa con trai này. Trong lòng Giả Chính luôn canh cánh nỗi lo sợ Bảo Ngọc sẽ đi vào con đường sai, vì thế ông thường xuyên tìm cách uốn nắn Bảo Ngọc mỗi khi có cơ hội. Nhưng sự dạy dỗ của ông luôn vướng phải sự cản trở của Giả mẫu. Khi Giả Chính bắt Bảo Ngọc làm một việc đơn giản (đặt câu đối), ông cũng không dám giữ cậu ta lại lâu vì sợ Giả mẫu “không yên lòng”. Mỗi khi Giả Chính tìm gọi Bảo Ngọc thì một tấn trò hề sẽ xảy ra như sau:
Bảo Ngọc sa sầm nét mặt, mất vui, ngồi ngẩn ra một lúc, rồi uốn éo níu chặt lấy Giả mẫu, không chịu đi.
Giả Mẫu an ủi:
– Của quí của bà này! Cháu cứ đi, đã có bà. Cha cháu không dám làm rầy rà cháu đâu.
Giả mẫu nói xong, gọi hai bà già đến dặn: “Đưa cậu Bảo sang, và chớ để ông làm cho cậu ấy sợ”.
Lần duy nhất Giả Chính dùng đòn roi để răn đe Bảo Ngọc thì vấp phải sự cản trở quyết liệt bằng… nước mắt của Giả mẫu. Kết quả là Giả Chính, Giả Xá sợ Giả mẫu khóc lóc sinh ốm, vừa tốn công lại mất của, quá trình dạy con của Giả Chính lại một lần nữa trở thành công cốc công cò. Ngay cả khi Bảo Ngọc bị ốm, bị đau, nỗi lo đầu tiên của Vương phu nhân không phải sự an nguy của con trai mà là sợ Giả mẫu biết! Sự nâng niu của Giả mẫu với Bảo Ngọc khiến cậu ta bị Giả Hoàn căm ghét, rồi bị dì Triệu thuê phù thủy hãm hại đã đành, nó còn tạo ra một khoảng cách không thể cứu vãn với Giả Chính, khiến Bảo Ngọc mãi mãi không thể trưởng thành về mặt nhận thức. Mà đây lại là niềm hy vọng của cả nhà họ Giả! Đủ biết Giả phủ người tuy nhiều nhưng đã không còn ai nữa rồi.
Cuối cùng, văn hóa sùng bái cá nhân (Giả mẫu) trong xã hội nhỏ (Giả phủ) đã tạo nên sự chia rẽ không hề nhỏ. Trong số những người xu nịnh, chiều chuộng Giả mẫu, mấy ai thực sự yêu quý bà? Số đông vây quanh Giả mẫu chỉ vì muốn nâng cao địa vị bản thân, nhân đó o ép người khác. A hoàn Uyên Ương lúc sống gắn bó với Giả mẫu, lại tự tử sau khi Giả mẫu qua đời, nhưng lý do thực là nàng sợ Giả Xá không còn úy kị mẹ già sẽ nhân đó làm ô uế thân nàng. Những kẻ bị “ra rìa” lại càng không tránh khỏi bị cô lập, ghẻ lạnh, thậm chí ngược đãi (Hình phu nhân, Vưu nhị thư). Ta thấy một gia tộc bề thế, giàu có, “tứ đại đồng đường,” nhưng bên trong rặt những mưu mô, xảo trá, đố kỵ lẫn nhau, chẳng hề thấy tinh thần đoàn kết hay sự quan tâm thực lòng. Dù Giả mẫu không hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc này, nhưng khi hệ thống thưởng-phạt và bộ máy vận hành của một gia tộc đều dựa trên sự chiếu cố của một bà lão thì gia tộc đó chỉ là hữu danh vô thực.
Cuối truyện, Giả mẫu đã “bù đắp” lại cho gia đình lụn bại bằng cách phân phát hết tài sản ki cóp cho con cháu. Có thể nói đây là một sự chuộc tội nhằm cân bằng lại những thiếu sót trong tính cách của nhân vật này:
Giả mẫu gọi Hình phu nhân và Vương phu nhân cùng bọn Uyên Ương mở rộng đổ hộp lấy ra hết cả những đồ vật dành dụm từ khi làm dâu đến nay, lại gọi bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Trân đến chia cho từng phần rõ ràng. Giả mẫu cấp cho Giả Xá ba ngàn lạng và nói:
– Số bạc hiện có ở đây, anh đem đi hai ngàn làm tiền tiêu để một ngàn cho chị ấy tiêu riêng. Đây có ba ngàn lạng cho cháu Trân, nhưng chỉ được đưa đi một ngàn lạng, để lại hai ngàn lạng cho vợ cháu giữ lấy. Ai nấy tự lo lấy sinh sống. Nhà cửa thì ở chung với nhau, cơm nước thì ăn riêng. Việc hôn nhân của con Tư sau đây cũng là việc của ta. Tội nghiệp con Phượng lo liệu bấy lâu bây giờ sạch không, cũng cho nó ba ngàn lạng, giao cho nó giữ lấy không cho cháu Liễn tiêu. Giờ đây nó còn ốm mê mệt thì bảo con Bình đến mà nhận về. Đây là xiêm áo của cha ông để lại cả áo quần và đồ trang sức của ta dùng khi còn nhỏ, nay ta không dùng đến. Đồ đàn ông thì bảo ông Cả, cháu Liễn, cháu Trân, cháu Dung đem ra mà chia nhau. Đồ đàn bà thì bảo bà Cả, vợ cháu Trân và con Phượng đem mà chia nhau. Đây có năm trăm lạng bạc giao cho cháu Liễn, sang năm đưa linh cữu con Lâm về Nam.
Giả mẫu phân phát xong, lại nói với Giả Chính:
– Anh nói còn mắc nợ người ngoài, việc đó cũng không thiếu được. Anh bảo đem số vàng này bán đi mà trả cho người ta. Đó là bọn chúng nó phá mất của ta đấy. Anh cũng là con ta, ta không hề có thiên vị. Bảo Ngọc đã nên cửa nên nhà, những vàng bạc và đồ vật còn lại đây ước chừng mấy ngàn lạng, đều đã cho nó cả. Vợ cháu Châu xưa nay ăn ở hiếu thuận với ta, thằng chắt Lan cũng tốt, ta cũng chia cho mẹ con nó ít nhiều. Thế là công việc của ta xong xuôi.
Bọn Giả Chính thấy Giả mẫu phân xử sáng suốt như thế, đều quỳ xuống khóc và nói:
– Tuổi già như thế, bọn chúng con chưa có chút gì hiếu thuận. Giờ đây lại chịu ơn của người thế này. Thật bọn chúng con lấy làm xấu hổ!
Phải nói người viết đã rủ lòng thương Giả mẫu, vẫn để cho bà được lần cuối sưởi ấm trong sự kính trọng (lần này mới tự đáy lòng) của con cháu. Chúng ta cũng vì cử chỉ đẹp ấy mà quên đi những sai lầm của Giả mẫu. Nếu không vì chi tiết này, có lẽ hình ảnh của Giả mẫu đọng lại trong người đọc chỉ là sự tủi hổ của tuổi già!
Giả mẫu thấy chức tước của cha ông để lại bị cách mất, con cháu đang bị giam, chờ ngày tra hỏi. Hình phu nhân và Vưu thị đêm ngày khóc lóc. Phượng Thư bệnh tình nguy cấp, tuy có Bảo Ngọc, Bảo Thoa ở bên cạnh, nhưng chỉ có thể khuyên giải chứ không thể chia nỗi lo âu được. Vì thế, đêm ngày phiền muộn, lo trước nghĩ sau, nước mắt không bao giờ khô.
[…]
Giả mẫu nghe nói hoảng hốt, chảy nước mắt, và nói:
– Làm sao thế? Nhà mình mà đến nông nỗi ấy à. Ta tuy chưa từng trải, nhưng nghĩ bên nhà ta ngày trước so với bên này còn hơn gấp mười. Cũng chỉ vì lo tô điểm hảo bộ mặt bề ngoài, nên sau mấy năm không xảy ra việc như ở bên này. Nhưng cũng đã suy sụp. Không đầy hai năm là sạch cả! Theo như anh nói, thì nhà mình không thể chèo chống được một vài năm nữa à.
No comments:
Post a Comment