Monday, April 10, 2017

Trước khi đi xem “Everest”…


Đỉnh Everest giữa những đám mây

Đối với giới đam mê leo núi, bao gồm cả những người chỉ thích… cuốn chăn đọc sách mà tưởng tượng như tôi, có một cụm từ có khả năng gợi lên những cảm xúc từ ngưỡng mộ, sợ hãi, cho đến ám ảnh: eight-thousanders. Là tên gọi chung của mười bốn ngọn núi vượt ngưỡng 8000 mét so với mặt nước biển (tất cả đều nằm trong dãy Himalaya và Karakoram,) eight-thousanders với dân leo núi giống như khúc hát tiên cá với những chàng thủy thủ: bí hiểm, cám dỗ, chết người. Vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và khát vọng được ghi danh vào lịch sử đã mê hoặc hàng nghìn người muốn chinh phục những đỉnh cao này, nhưng không ít trong số đó phải trả giá bằng tính mạng. 

Thuật ngữ death zone (tử địa) trong ngành leo núi dùng để chỉ khu vực cao trên 8000 mét, nơi áp suất không khí có thể tụt xuống chỉ còn 30% so với bình thường. Cơ thể con người hầu như không thể chống chọi quá vài phút ở độ cao đó nếu không có thể lực bẩm sinh, luyện tập khắc khổ, và sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến chân tơ kẽ tóc. Nhà leo núi Rob Hall đã nói, duy trì sự sống nếu bị kẹt ở độ cao quá 8000 mét là một điệp vụ bất khả thi: “Anh có ở trên mặt trăng thì cũng chỉ đến thế.”

Nhà leo núi Rob Hall

Rob Hall không phải một cái tên quá nổi tiếng, nhưng đối với dân leo núi thì tên của anh mãi mãi gắn liền với một trong những thảm hoạ leo núi nổi tiếng nhất lịch sử: vào ngày 10 tháng 5 năm 1996, tám người đã thiệt mạng trong chuyến leo núi dẫn đầu bởi Rob Hall và Scott Fischer. Vừa là bạn vừa là kỳ phùng địch thủ, cả hai cùng thiệt mạng trong trận bão tuyết định mệnh. Hiện nay xác của hai người vẫn còn lại trên núi Everest. Trong bộ phim bom tấn diễn tả lại thảm kịch trên của năm nay, Jason Clarke và Jake Gyllenhaal thủ vai Rob Hall và Scott Fischer. Cái chết của những người trong đoàn thám hiểm Everest năm đó vẫn là đề tài tranh luận không thôi trong giới leo núi, và bộ phim mới lại càng làm dậy lên nhiều suy đoán.

Nhà leo núi Scott Fischer

Ngày nay Everest là cái tên không còn xa lạ với bất kỳ ai. Bạn có thể không biết Kilimanjaro nằm ở phương nào, mù mờ về Olympus, và chưa từng nghe đến Vesuvius, nhưng chắc chắn bạn phải biết Everest. Tuy nhiên, phải đến tận năm 1852, đỉnh núi số 15 trên dãy Himalaya (Peak XV) mới chính thức được công nhận là nóc nhà của thế giới, tất cả nhờ công đo đạc của nhà toán học Ấn Độ Radhanath Sikdar. Năm 1865, Peak XV được đổi tên thành Everest. Thế nhưng từ hàng bao đời trước, người dân Tây Tạng đã cung kính gọi Everest là Jomolungma – Thánh mẫu phong, hay nôm na là “Núi mẹ.”

Các Sherpa làm lễ trước khi đưa đoàn người lên đỉnh Everest.

Con người đặt chân đến Bắc Cực (North Pole) lần đầu tiên vào năm 1909, Nam Cực (South Pole) vào năm 1911. Một khi vị trí cao nhất thế giới được xác nhận, Everest được gọi là “Cực Tam” (Third Pole), và đương nhiên khối người… ngứa ngáy muốn trở thành người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi. Thế nhưng phải 101 năm sau phát hiện của Radhanath Sikdar, kéo theo cái chết của ít nhất 24 người, Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay mới trở thành hai người đầu tiên chinh phục Everest… và sống sót trở về. 

Sau khi trở thành người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, Edmund Hillary được phong tước Hiệp sĩ và có mặt trên tờ tiền mệnh giá 5 đô của nhà nước New Zealand

Trong giới leo núi có một “kỳ án”: phải chăng George Mallory và Andrew Irvine mới là những người đầu tiên đạt được kì tích chinh phục Everest? Lần cuối người ta trông thấy Mallory và Irvine là ở cách đỉnh núi 245 mét trước khi biến vào đám mây. Thi thể của Mallory được tìm thấy vào năm 1999, 75 năm sau khi ông mất tích – sự kiện này đã tạo cảm hứng cho nhà văn Jeffrey Archer viết cuốn sách Path of Glory. Thi thể của Irvine đến nay vẫn chưa được phát hiện. 

Trên thực tế, hầu như những người đã từng bỏ mạng trên đỉnh Everest vẫn… nằm nguyên ở đó, vì di chuyển những xác chết đóng băng cực kì nặng nề trong điều kiện khắc nghiệt là việc hầu như không thể. Một xác chết nổi tiếng trên đỉnh Everest thậm chí còn trở thành một trong những cột mốc chỉ đường với tên gọi “Green Boot” nhờ chiếc ủng xanh dễ nhận biết. Nhà leo núi David Sharp, chẳng hạn, còn nằm thoi thóp một thời gian dài trước khi qua đời, hàng đoàn leo núi lũ lượt đi qua thăm hỏi nhưng không thể giúp gì cho anh. Khi đã ở trong death zone, tự cứu mình còn khó hơn lên trời. 

George Mallory – một thầy giáo người Anh đẹp trai có tâm hồn lãng mạn. Khi bị phóng viên hỏi đến lần thứ… một tỷ vì sao anh quyết tâm leo Everest bằng được, George trả lời: “Vì nó nằm ở đó.” (“Because it’s there!”)

Everest không có vẻ đẹp hài hòa như núi Phú Sĩ, không thử thách về mặt kĩ thuật như K2, không chết người như Annapurna (cứ ba người lên được đỉnh Annapurna thì có một người chết.) Tuy nhiên đơn giản vì Everest là… Everest, dân leo núi vẫn tràn về đây như những con thiêu thân. Có những người đặt cả những mục tiêu như: Seven Summits – leo lên đỉnh bảy ngọn núi cao nhất trên bảy châu lục (thực ra, leo lên đỉnh bảy ngọn núi cao thứ nhì còn khó hơn nhiều. Có ai ngờ?) hoặc chinh phục cả mười bốn eigh-thousanders. Tổng cộng đã có năm người Ý và năm người Hàn Quốc đạt được mục tiêu thứ hai, dẫn đầu trong các quốc gia. (Ai mà biết dân Ý và dân Hàn Quốc lại là những nhà leo núi cự phách như vậy?)

Cảnh đoàn người lũ lượt leo núi Everest đông nghịt như… tắc đường, rất nguy hiểm nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Cũng vì Everest là… Everest, việc leo nó có những khó khăn rất đặc thù. Khó khăn đầu tiên là vấn đề… tiền đâu. Một giấy phép leo núi cá nhân do nhà nước Nepal cấp có giá 11.000$. Việc tập luyện chuẩn bị cho Everest có thể kéo dài nhiều tháng trời và tốn tiền kha khá, nếu bạn không muốn vừa đặt chân đến Base Camp (trại nền ở vị trí hơn 5000 mét) đã phải bỏ về vì khó thở. Những dụng cụ đặc thù để chuẩn bị cho bạn một chuyến leo núi an toàn và thoải mái (trong phạm vi cho phép) đắt đỏ đến mức nhiều người phải tìm nhà tài trợ mới có thể chi trả nổi. 

Nhưng quan trọng nhất là tìm được một công ty thám hiểm dẫn bạn lên đỉnh, và, quan trọng hơn cả, dẫn bạn sống sót trở về. Một công ty thám hiểm, ví dụ như công ty của Rob Hall, có thể ra giá 65000$ mỗi khách. Và đương nhiên, chi phí bảo hiểm, vé máy bay, chỗ ở tại Kathmandu. Tổng cộng lại, mất 100.000$ cho mỗi chuyến leo Everest là chuyện… bình thường như cân đường. Đương nhiên bạn có thể leo… không giấy phép (leo trộm – ít nhất một nhà leo núi nổi tiếng đã cải trang và thuê hai Sherpa dẫn lên núi theo đường lắt léo), leo không có bình oxy, leo không có tập luyện và cũng chẳng có hướng dẫn, leo một mình (climbing solo,) nhưng xác suất bỏ cuộc hoặc kém may mắn hơn – tử vong, sẽ cao vô cùng. 
Cảnh tượng Base Camp vào ban đêm

Rob Hall đã tự thú nhận ba điều: điều một, leo lên đỉnh núi không khó, vấn đề là leo xuống. Điều hai, việc tập cho cơ thể làm quen với điều kiện khí hậu khắc nghiệt là tối quan trọng. Điều ba, người bình thường không thể leo nổi Everest nếu không có bình oxy và sự trợ giúp của những Sherpa. Vào ngày định mệnh khi thảm hoạ diễn ra, tất cả những quy tắc mà Rob Hall tuân thủ đều bị chính anh phá vỡ.

Đoàn leo núi của Rob Hall có những nhân vật nổi trội:

– Rob Hall: tử vong. Một quy tắc bất di bất dịch của Rob với các khách hàng đó là: làm theo mọi mệnh lệnh của anh trong mọi tình huống, bao gồm việc ngoan ngoãn quay xuống núi khi chạm mốc 2h chiều để giảm thiểu tai nạn, bất kể đang ở vị trí nào. Trong đoàn năm đó của Rob có mặt Doug Hansen – một người đưa thư thu nhập bình thường ở Seattle. Ông đã thế chấp toàn bộ nhà cửa để leo Everest, nhưng khi gần leo đến đỉnh vào năm 1995 (cũng trong đoàn của Rob Hall) thì bị buộc quay về vì đã muộn. Năm 1996, Rob giảm giá cho Doug Hansen và cố gắng dẫn Doug lên đỉnh mặc dù lúc đó đã gần 4h chiều và đang có bão tuyết. Quyết định sai lầm này dẫn đến cái chết của cả hai người. Rob Hall sống sót trên đỉnh Everest mà không có oxy một thời gian dài, nhưng bão tuyết đã ngăn cản mọi nỗ lực tiếp cứu. Anh để lại một vợ đang mang bầu. Trong bộ phim, cảnh tượng anh nói lời trăng trối với vợ (Keira Knightley) khi bị vùi trong tuyết qua điện thoại vệ tinh khiến vô khối người sụt sịt trong rạp chiếu phim.

Keira Knightley trong vai vợ của Rob Hall. Đoạn hội thoại cuối cùng trong phim đã lặp lại y nguyên cuộc trò chuyện có thật giữa hai vợ chồng.

– Andy Harris: cánh tay phải của Rob. Nhiều nhân chứng xác minh rằng não của Andy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về cuối cuộc hành trình. Dưới tác động của độ cao, Andy bấn loạn đến mức nhầm lẫn bình oxy đầy là bình oxy rỗng, dẫn đến chậm trễ trong việc cứu hộ Rob và Doug. Khi nhận ra sai lầm, Andy đã một mình can đảm mang bình oxy lên giúp đỡ Rob, nhưng anh không sống sót nổi qua cơn bão tuyết kinh hoàng.

– Jon Krakauer: phóng viên của tạp chí Outside – được đi theo đoàn của Rob với giá khuyến mãi để đổi lấy quảng cáo cho công ty leo núi. Jon Krakauer đã sống sót trở về. Cuốn sách Into thin air mà anh viết về chuyến đi lịch sử này bán rất chạy và được cho là mở đầu trào lưu “disaster porn,” mặc dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía bạn đồng hành.

– Yasuko Namba: một phụ nữ Nhật Bản đã hoàn thành sáu đỉnh cao trong số bảy trước khi tới Everest. Nhỏ bé nhưng kiên cường, Yasuko là một nhân vật nổi tiếng ở quê hương và chiếm được thiện cảm của tất cả mọi người trong đoàn. Yasuko leo đỉnh Everest thành công nhưng chỉ vài giờ sau đã tử vong vì bị vùi trong bão tuyết. Gần đây, chồng của bà đã phát động một chiến dịch quyên góp để đưa thi thể của bà trở về Nhật.

– Beck Weathers: một bác sĩ giàu có nhưng khá kiêu căng, đam mê leo núi đến mức bỏ bê gia đình. Trước khi leo Everest ông có một phẫu thuật nhỏ trong mắt. Điều Beck không ngờ tới là điều kiện khắc nghiệt trên Everest đã khiến giác mạc của ông bị… bẹt – ông bị lóa tuyết và không thể leo cao hơn. Cũng như Yasuko, Beck bị vùi trong tuyết một đêm, tất cả mọi ngườiđều  cho rằng ông đã… đi đời. Nào ngờ ông vẫn lê được về lều bất chấp mũi và tay bị tê cóng phải cắt bỏ đến tận khuỷu. Ở thời điểm 1996, tại điều kiện không khí loãng vô tiền khoáng hậu, chiếc trực thăng giải cứu Beck đã thực hiện thành công chuyến bay lịch sử, giải cứu thêm cả Makalu Gau Ming Ho – một nhà leo núi Đài Loan. Sau thảm hoạ, Beck đã hàn gắn lại mối quan hệ với gia đình, tiếp tục hành nghề, và viết cuốn sách Left for dead kể về kinh nghiệm trong chuyến đi này.

– Sherpa Ang Dorje: một trong những Sherpa xuất chúng nhất, anh đã leo Everest cả thảy 16 lần. Ang Dorje gặp Michelle Gregory ở Everest, kết hôn với cô và di cư sang Mỹ sống từ 2002. Hiện giờ anh là một kĩ sư vận hành tua-bin gió ở bang Washington.

Các thành viên của đoàn thám hiểm Everest xấu số do Rob Hall (giữa, áo tím) chỉ huy,Andy Harris (giữa) dẫn đường.

Đoàn leo núi của Scott Fischer gồm có:

– Scott Fischer: một nhà leo núi tài ba thường xuyên chinh phục các độ cao mà không dùng bình oxy. Anh cũng là người chỉ huy một chiến dịch dọn sạch Everest, trả lại cho núi non cảnh sạch sẽ tinh tươm (trước đó, những đoàn leo núi năm này qua năm khác bỏ lại trên đỉnh núi vô số rác thải và bình oxy thừa.) Vào ngày xảy ra tai nạn, Scott Fischer bị kiệt sức vì phải lên xuống giữa các trại nhiều lần nhằm trợ giúp các khách hàng kiệt quệ. Để lên được Everest, thông thường những đoàn thám hiểm sẽ trải qua một quá trình acclimatisation (làm quen với thời tiết) kéo dài từ một đến vài tháng. Bắt đầu từ Base Camp, những nhà leo núi sẽ dần dần di chuyển lên các trại số 1, số 2, số 3, số 4, sử dụng bình oxy liên tục kể cả trong giấc ngủ. Nếu một người chưa từng được tập luyện bị thả trên đỉnh Everest (tình huống giả định) thì dù có được giữ ấm đến mức nào, cơ thể anh ta cũng sẽ tiêu thụ oxygen nhiều hơn mức sẵn có trong không khí và tử vong sau vài phút. Trước thảm hoạ năm 1996, Scott Fischer và Rob Hall đã có dự định cùng trèo núi Manaslu với nhau. Scott Fischer qua đời để lại một vợ và hai con. Một quỹ bảo vệ môi trường được đặt theo tên anh.

Một người đang thu gom rác thải các đoàn leo núi để lại trong đợt dọn dẹp vào năm 2014

– Anatoli Boukreev: một nhà leo núi người Nga có sức mạnh vô địch. Jon Krakauer ca tụng anh như một siêu nhân trong việc leo núi không cần
 oxygen. Vai trò của Anatoli trong thảm họa có nhiều tranh cãi: có nhiều người, bao gồm nhà leo núi nổi tiếng Messner, cho rằng việc Anatoli không sử dụng bình oxy khi dẫn đường là một việc làm thiếu trách nhiệm, nhưng không ai dám phủ nhận nỗ lực anh hùng của Anatoli trong việc giải cứu mọi người trong bão tuyết. Anatoli cũng chính là người phát hiện ra thi thể của Scott Fischer và quyết tâm trèo hết mười bốn ngọn eight-thousanders để tưởng niệm Scott. Anh qua đời trong một trận tuyết lở trên núi Annapurna vào năm 1997. Chín tháng trước khi mất, anh có một giấc mơ chính xác đến từng chi tiết về cái chết của mình, nhưng Anatoli vẫn tiếp tục hành trình bất chấp lời can ngăn của bạn bè.

– Sandy Hill Pittman: người phụ nữ Hoa Kỳ thứ hai trèo lên đủ Seven Summits. Là một nhân vật thượng lưu, vợ của triệu phú Robert Pittman – người đồng sáng lập MTV. Khi leo Everest bà vẫn mang theo hàng tá thực phẩm, đồ đạc xa xỉ cộng vô số Sherpa phục vụ… tận răng, bao gồm việc còng lưng khiêng điện thoại vệ tinh và máy thu phát sóng lên Everest để bà… truyền hình trực tiếp về quá trình leo núi. Sau khi thảm hoạ xảy ra, Sandy Pittman bị chỉ trích nặng nề vì nhiều người cho rằng việc bà được đối xử đặc biệt dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình cứu hộ hôm đó.

– Pete Schoening: một huyền thoại trong làng leo núi. Vào năm 1953 khi leo núi K2, đoàn thám hiểm của ông gồm bảy người trượt ngã trong khi vẫn bị buộc với nhau bằng dây thừng. Bằng sự nhanh nhẹn, kinh nghiệm, và lòng dũng cảm, chỉ với một chiếc rìu mắc vào hòn đá Pete Schoening đã cứu được cả sáu người (một người đã tự hy sinh để đỡ nặng cho các bạn đồng hành.) Kỳ tích này mãi mãi được nhớ tới với tên gọi ngắn gọn – “The Belay”. Chiếc rìu của Pete Schoening hiện giờ vẫn được lưu giữ trong viện bảo tàng, còn tên của ông được đặt cho một ngọn núi ở Nam Cực. Vào ngày thảm họa Everest diễn ra, Pete Schoening không leo vì lý do sức khoẻ. Cùng đi trong đoàn có cháu trai của Pete là Klev Schoening.

– Sherpa Lopsang Jangbu: vai trò của Lopsang trong thảm họa tháng 5 năm 1996 cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt sau khi cuốn Into thin air được xuất bản. Lopsang sống sót sau thảm hoa nhưng chỉ bốn tháng sau, trong khi trèo lên đỉnh Everest lần thứ năm, anh cũng qua đời trong một cơn tuyết lở.

Ba người Việt Nam đầu tiên lên đỉnh Everest (2008)

Bộ phim “Everest” (2015) không phải tác phẩm đầu tiên diễn tả lại thảm họa cướp đi tám người năm 1996. Trước đó đã có ít nhất bốn bộ phim, hơn chục cuốn sách, vô số cuộc phỏng vấn, mỗi câu chuyện được kể, mỗi khía cạnh được đào xới lại làm dấy lên những cuộc tranh luận không ngớt về việc thương mại hóa Everest, sự vô trách nhiệm của các đoàn lữ hành và chính những người leo núi với sinh mạng của bản thân, tình trạng ô nhiễm môi trường, đánh mất bản sắc dân tộc của những người Sherpa, vv,… Tháng 10 năm 1996, khi nỗi đau thương những người đi mất vẫn còn mới nguyên, một bức thư được đăng tải đem đến cái nhìn mới về thảm kịch:

Poster phim. “Everest” hiện đang có chiếu tại các rạp Việt Nam

“Tôi là một đứa trẻ Sherpa mồ côi. Cha tôi tử vong ở thác băng Khumbu khi đi khuân vác cho một đoàn thám hiểm hồi thập kỷ 60. Mẹ tôi tử vong ở dưới đèo Pheriche, trái tim bà ngừng đập dưới sức nặng gồng gánh cho một đoàn khác, năm 1970. Các huynh đệ của tôi cũng qua đời vì nhiều lý do khác nhau, tôi và chị gái được gửi làm con nuôi ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Các Sherpa khuân vác trên núi Everest. Đôi khi Sherpa phải thồ những gánh đồ nặng hơn cả trọng lượng cơ thể của mình.

“Tôi chưa bao giờ trở lại quê hương, từ đáy lòng tôi cảm thấy nó đã trở thành một vùng đất bị nguyền rủa. Tổ tiên của tôi dừng chân tại vùng Solo-Khumbu sau khi thoát ách áp bức ở vùng đất thấp. Ở nơi đó họ tìm được nơi trú ẩn dưới bóng “Sagarmathaji,” – Thánh Mẫu của trái đất. (người Nepal gọi Everest là Sagarmathaji – dịch nôm na: cái trán của bầu trời) Để đáp lại, họ cần phải bảo vệ Thánh Mẫu khỏi sự xâm phạm của những kẻ ngoại đạo.

“Thế nhưng dân tộc của tôi đã làm ngược lại. Họ giúp người ngoài tìm đường vào chốn tôn nghiêm và xâm hại những chi trên cơ thể đất mẹ – trèo lên đỉnh của người khoe khoang chiến tích, làm ô uế thân xác người. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, những người khác thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, hoặc đánh đổi các sinh mạng khác để sống…

“Vì vậy tôi tin rằng ngay cả các Sherpa cũng có tội trong thảm hoạ năm 1996 trên đỉnh Sagarmathaji. Tôi không hề cảm thấy tiếc nuối vì đã không trở lại quê hương. Tôi biết định mệnh đã an bài cho những người ở đó phải sống trong đoạ đày và bất hạnh, và cả những kẻ giàu có, kiêu căng nghĩ rằng chúng có thể chinh phục thế giới cũng cùng chung số phận. Hãy nhớ đến tàu Titanic. Kể cả con tàu “không thể chìm” cũng phải chìm, và những kẻ người trần mắt thịt ngu dốt như Weathers, Pittman, Fischer, Lopsang, Tenzing, Messner, Bonington chẳng là gì đối với sức mạnh của Thánh Mẫu. Vì thế tôi thề sẽ không bao giờ quay về và trở thành một phần của sự báng bổ ô nhục đó.”

Một Sherpa khuân vác từ base camp lên các camp trên Everest.

*
Tin mới nhất: chính phủ Nepal dự định cấm những nhà leo núi quá già (trên 75,) quá trẻ (dưới 16,) tàn tật, hoặc thiếu kinh nghiệm, leo núi Everest. Chính sách trên dự định được bắt đầu từ mùa xuân sang năm.

*

No comments:

Post a Comment