Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

… đó chính là lời bình luận về nhân vật Vương Hy Phượng của Vương Côn Luân – tác giả cuốn Hồng lâu mộng nhân vật luận đồng thời là Chủ nhiệm Ban cố vấn bộ phim Hồng lâu mộng nổi tiếng. Vương lão gia là nhà Hồng học gạo cội, một câu nhận xét của ông đã khái quát thật chuẩn sức hấp dẫn của “Phượng lạt tử.” Ghét Phượng Thư vì nàng  ta thơn thớt lấy lòng Giả Mẫu và Vương phu nhân, vì tính cách tàn độc ám hại Vưu tam thư, vì nhẫn tâm bày kế “tráo rường đổi cột” đẩy cô Lâm vào chỗ chết, nhưng mỗi khi “Mặt phấn đầy xuân trông vẻ dịu. Làn son chưa hé miệng như cười” xuất hiện trên trang giấy là cả người đọc lẫn những nhân vật trong truyện đều không thể không dán mắt vào nàng ta, lắng tai nghe xem cái miệng đẹp đẽ mà điêu ngoa kia thốt ra những lời gì!

Vương Hy Phượng. 

Trong số những người đẹp như hoa của Hồng Lâu Mộng, có lẽ Phượng Thư là nhân vật được nhắc đến nhiều nhất, chỉ sau Đại Ngọc. Vì sao vậy? Thật đơn giản, bởi trong các nữ nhân của Hồng Lâu Mộng, hai nhân vật này là biểu hiện rõ nhất của sự bứt phá quy củ truyền thống. Đại Ngọc bên ngoài yếu mềm nhưng là người con gái mạnh mẽ trong tình cảm, dám sống dám yêu, còn Phượng Thư là người đàn bà thuộc hàng “nữ lưu hào kiệt” trong Giả phủ, nam nhân không có ai bằng. Chỉ bằng nội hai nhân vật này thôi đã đủ để vinh danh Tào Tuyết Cần là một nhà nữ quyền trong văn học!

Nói về cái giỏi của Phượng Thư thì không kể xiết. Phượng Thư không phải người văn hay chữ tốt nhưng lại rất khôn ngoan, bản thân nàng luôn bô bô tự nhận mình là người tục, nhưng tinh ranh lại chẳng ai bằng. Theo tôi, cái khéo của Phượng Thư thể hiện ngay khi nàng ta xuất hiện những trang đầu tiên:

Hy Phượng cầm tay Đại Ngọc, nhìn kỹ một lúc rồi dắt đến cạnh Giả mẫu, cười nói:
– Trong thiên hạ lại có người đẹp như thế này! Bây giờ cháu mới được thấy! Trông hình dáng con người, ai cũng cho là cháu nội của bà, chứ không phải là cháu ngoại. Chả trách ngày nào bà cũng nhắc đến, chỉ đáng thương là em tôi vất vả, sao cô tôi lại mất sớm thế!
Nói xong lấy khăn mặt lau nước mắt. Giả mẫu cười nói:
– Ta vừa mới khuây đi, mày lại còn gợi ra. Em nó ở xa mới đến, người lại yếu, nên an ủi nó, đừng nói chuyện buồn nữa.
Vương Hy Phượng nghe xong, đổi buồn làm vui, nói:
– Phải đấy! Cháu vừa trông thấy, bụng để cả vào cô em, vừa vui vừa buồn, quên hẳn là. Đáng đánh đòn!
Rồi nắm tay Đại Ngọc nói:
– Em bao nhiêu tuổi? Đã đi học chưa? Hiện đang uống thuốc gì? Ở đây đừng nhớ nhà nhé! Muốn ăn gì, chơi gì em cứ bảo chị. Bọn người nhà có hỗn láo thì mách chị.
Hy Phượng lại hỏi người nhà:
– Những hành lý của cô Lâm đã mang vào chưa? Cô Lâm mang mấy người theo hầu? Các người hãy dọn hai gian buồng cho họ vào nghỉ.

Thật đon đả, ngọt ngào biết bao! Nếu chỉ mới đọc tới đây, người đọc cũng như Lâm Đại Ngọc ắt nghĩ rằng Phượng Thư hiền dịu như cô Tấm vậy. Ai có thể ngờ được đây cũng là con người chua ngoa cay nghiệt đến mức Bình Nhi là người thân tín nhất, trung thành nhất với cô ta cũng từng bị đánh đập không thương tiếc. Bởi vì sao mà Phượng Thư lại thân thiết, chiều chuộng Đại Ngọc, một đứa trẻ mồ côi, không tiền bạc, không quan hệ máu  mủ với cô ta? Đơn giản vì Phượng Thư thấy rõ tình thương của Giả Mẫu với đứa cháu ngoại côi cút, mà trong Giả phủ, ý muốn của Giả Mẫu chính là thánh chỉ. Vị trí quản gia của Phượng Thư trong nhà không chỉ dựa vào tài năng mà có, mà chủ yếu là nhờ vào sự tin tưởng của Giả mẫu và Vương phu nhân. Bảo Ngọc vốn là hòn ngọc trong mắt Giả mẫu, Phượng Thư thì hết lòng chiều chuộng Bảo Ngọc. Bây giờ lại có Đại Ngọc xuất hiện, Phượng Thư đánh giá tình huống rất nhanh, đi tắt đón đầu khiến Giả mẫu càng vui lòng. Đó chính là cái tài của nàng ta. 

Phượng Thư thường luôn ở bên hầu hạ làm vui Giả mẫu

 Phượng Thư không chỉ có tài mà còn là người độc ác. Trong mười hai thoa,  nàng là kẻ có tâm địa dã man nhất. Vì sao tôi nói Phượng Thư dã man? Vì nàng đem việc hành hạ người khác làm thú vui, kể cả những người không hề có ý hãm hại nàng.  Ví dụ rõ nhất có lẽ là cách nàng đối xử với Giả Thụy. Tội lỗi lớn nhất của y là hâm mộ sắc đẹp Phượng Thư. Tội lỗi thứ nhì của y là ngu ngốc, hay còn gọi nôm na là “dại gái.”

Vừa nói, mắt hắn vừa chòng chọc nhìn Phượng Thư.
Phượng Thư là người thông minh, thấy dáng bộ ấy đã đoán được tám chín phần, liền nhìn Giả Thụy, giả cách mỉm cười, nói:



– Không trách anh chú thường nhắc đến chú luôn, bảo chú tốt lắm. Nay được gặp, nghe nói mấy câu, biết ngay chú là người thông minh hòa nhã. Bây giờ tôi phải đến chỗ các bà, không tiện nói chuyện. Lúc nào rỗi, chúng ta lại sẽ gặp nhau.



Giả Thụy nói:



– Tôi muốn đến thăm chị, nhưng sợ chị trẻ tuổi không chịu tiếp khách dễ dàng.



Phượng Thư lại giả cách cười nói:



– Chỗ anh em ruột thịt trong nhà, sao lại nói trẻ tuổi với không trẻ tuổi?



Giả Thụy nghe thế, trong bụng mừng thầm: “Không ngờ hôm nay lại có cuộc gặp gỡ lạ lùng thế này!” Tình cảnh ấy càng làm cho Giả Thụy ngẩn ngơ ngơ ngẩn. 
Phượng Thư lại nói:



– Thôi, chú vào tiệc ngay đi. Coi chừng họ lại bắt uống phạt đấy!



Giả Thụy nghe xong, tê tái cả người, đi chầm chậm rồi cứ quay đầu lại nhìn. Phượng Thư cố ý đi thong thả. Thấy hắn đi xa rồi, trong bụng nghĩ: “Thế mới là: Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao? Đâu lại có hạng người chó má như thế! Nếu vậy có lúc nó phải chết với ta cho nó biết tay!”

Phượng Thư là một người đẹp thuộc hàng nhất trong Hồng Lâu Mộng. Đây quyết không phải lần đầu tiên có nam nhân bị “khổ người óng ả, dáng vẻ phong lưu” của nàng ta quyến rũ. Ở đây có hai vấn đề cần bàn: một là, trong việc Giả Thụy to gan lả lướt với Phượng Thư có phải hoàn toàn là lỗi của y không? Hai là, kể cả y có bị nàng ta mê hoặc thì tội đó có đáng chết không? Vấn đề một, rõ ràng Phượng Thư hoàn toàn có thể nghiêm mặt khước từ Giả Thụy, đảm bảo y có ăn gan hùm cũng không dám làm liều. Rõ ràng Phượng Thư ý thức được hấp lực của mình với một thanh niên trẻ tuổi và thích thú khai thác sự chú ý của hắn. Nếu thay Bảo Thoa, Đại Ngọc, Thám Xuân vào vị trí Phượng Thư, chắc chắn họ sẽ không giả lả đưa đẩy với Giả Thụy như vậy. Vấn đề hai, Giả Thuy là một thanh niên máu nóng, bất chợt gặp một thiếu phụ đẹp lại tỏ ý ưa hắn ta, nếu có mừng rỡ tiến tới thì cũng không thể trách, cùng lắm chỉ đáng bị ăn vài bạt tai. Chính Tào Tuyết Cần cũng tỏ ý “bênh” Giả Thụy trong tên đầu chương (Giả Thiên Tường chết oan, soi gương phong nguyệt).  Ý định “cho mày chết” của Phượng Thư đã biểu hiện khía cạnh thích làm người khác đau đớn (sadistic) của nàng. Đây là một điểm khiến người đọc rất khó hoàn toàn thông cảm với số phận bi đát của nàng. Trong mười hai thoa, nàng cũng chỉ xếp thứ chín, sau Xảo Thư (con gái nàng,) Lý Hoàn (bà góa), và Tần Khả Khanh (dâm phụ.) 


Giả Thụy tưởng tượng được ân ái với Phượng Thư trong gương

Đây là lá số tiền định của Vương Hy Phượng trong hồi thứ năm:


Chim phượng kìa sao đến lỗi thời

Người đều yêu mến bực cao tài
Một theo hai lệnh, ba thôi cả
Nhìn lại Kim Lăng luống ngậm ngùi

Trong nguyên tác Tào Tuyết Cần viết: “Phàm điểu thiên tòng mạt thế lai,” dùng biện pháp chiết tự ghép hai chữ “phàm,””điểu” thành chữ Phượng. Bản dịch tiếc thay không truyền tải được điều này, làm lộ thiên cơ. Câu thứ ba là một câu sấm ngữ “nhất tòng, nhị lệnh, tam nhân mộc”, đại ý lúc đầu nói gì cũng được người nghe răm rắp, cuối cùng cũng bị bỏ rơi, đây chính là ám chỉ số phận về cuối của Phượng Thư. Lá số của Phượng Thư lại có hình một con chim phượng trên ngọn núi băng – đã là băng thì có cao mấy cũng phải tan chảy. Phượng Thư đứng trên cao uy nghi lộng lẫy nhưng khi ngọn núi băng – Giả phủ tan rã thì nàng cũng bị ruồng bỏ. Có thể coi Phượng Thư là người đầy tớ trung thành của giai cấp phong kiến. Phượng Thư trên đội dưới đạp, hết lòng phục vụ kẻ trên, bắt nạt người dưới, ung dung ở giữa thu lợi, nhưng kết cục của nàng cũng không ra gì. Vì sao Tào Tuyết Cần lại để nhân vật tài năng, sắc sảo như Phượng Thư kết thúc một cách hẩm hiu như vậy?

Lý do thứ nhất, nhân vật Phượng Thư chính là ẩn dụ cho Giả phủ. Khi nàng mới xuất hiện, khí thế chẳng khác gì tướng soái, trang sức như một vị hoàng hậu nương nương:

“Người này trang sức không giống các cô kia, gấm thêu lộng lẫy, trông như một vị thần tiên! Trên đầu, đỡ tóc bằng kim tuyến xâu hạt châu, cài trâm ngũ phượng Triệu Dương đính hạt châu, cổ đeo vòng vàng chạm con ly, mình mặc áo vóc đại hồng chẽn thêu trăm bướm lượn hoa bằng chỉ kim tuyến, ngoài khoác áo màu xanh lót bằng lông chuột bạch viền chỉ ngũ sắc, mặc quần lụa hoa màu cánh trả.”

Đó cũng trùng với giai đoạn thịnh vượng của nhà họ Giả. Nhưng cũng giống như Phượng Thư bên ngoài đẹp đẽ mà bên trong xấu xa, Giả phủ hào nhoáng thực ra cũng thối nát từ bên trong: nào là loạn luân, bóc lột, nào là lừa gạt, tự sát,…  Cuối cùng Giả phủ và Phượng Thư đều bị chà đạp bởi chính những nghiệp chướng họ tạo ra. Sự tan vỡ của Giả phủ cũng như cái chết của Phượng Thư là không thể tránh khỏi.

Nhan sắc Phượng Thư thường được mô tả lộng lẫy rực rỡ cầu kì

Lý do thứ hai, Phượng Thư là một nhân vật vượt qua lễ giáo. Cái tội lớn nhất của Phượng Thư không phải ghen tuông, đáo để, hay tham lam, mà là quá khôn ngoan tài giỏi.  Tào Tuyết Cần cố tình để những người đàn ông trong phủ Giả đều là những kẻ bất tài: kẻ thì mơ mộng như Bảo Ngọc, người thì thiếu thực tế như Giả Chính, kẻ thì dâm ô hưởng lạc như Giả Xá, không có nổi một mống đảm đương nổi việc lớn. Nếu Đại Ngọc là số một về khoản văn chương thì Phượng Thư là kẻ tháo vát nhất Giả phủ. Thế nhưng trong bối cảnh phong kiến thì một người đàn bà mà lại giỏi giang hơn tất thảy đàn ông là một điều không thể chấp nhận nổi. 

Để cảnh cáo Phượng Thư, tác giả để nàng khốn khổ vì đường chồng con. Giả Liễn là một kẻ đa tình nhưng đối với vợ lại chẳng có chút thương yêu tôn trọng. Phượng Thư cũng không thể sinh con trai và sức lực của nàng bị phá hủy bởi bệnh rong kinh. Như tất cả những điều khác trong Hồng Lâu Mộng, căn bệnh của nàng cũng có ý ẩn dụ. Phượng thư bị mất máu trong nhiều tháng ròng – căn bệnh đó là sự trừng phạt bản thể phụ nữ của nàng, oái oăm thay, chính vì nàng không chịu ngoan ngoãn theo khuôn phép phụ nữ “bất tài mới là có đức.”  Bệnh mất máu cũng là biểu tượng cho quá trình dần dần cạn kiệt năng lượng của  Phượng Thư và Giả phủ. Ở đầu truyện Phượng thư là con chim phượng rực lửa, đến cuối truyện nàng chỉ còn là cái bóng nhợt nhạt của chính mình.

Phượng Thư đánh đập Bình Nhi. Theo phong tục Trung Quốc, con gái nhà quyền quý khi xuất giá thì người nữ tì thân cận nhất cũng trở thành nàng hầu của chồng. Bình Nhi là người tận tụy với Phượng Thư nhất nhưng vẫn là nạn nhân mỗi khi nàng Phượng ớt nổi cơn ghen

Học giả Vương Bá Hàng đã so sánh Phượng Thư với Võ Tắc Thiên và Từ Hi thái hậu và kết luận rằng: hệ tư tưởng phong kiến không thể cho phép những người phụ nữ có quyền lực tồn tại một cách bình thường mà phải bằng mọi cách tô vẽ họ thành những nhân vật phản diện. Nói nào ngay, trong thời hiện đại mà chúng ta đang sống cũng có không ít trường hợp những người phụ nữ quá xuất chúng bị chê trách, dèm pha. Sự thoái trào của những triều đại Trung Quốc cũng thường được đổ tại cho Đát Kỷ, Bao Tự. Những truyền thuyết về sự trụy lạc của Võ hậu và Từ Hi, cũng như những khía cạnh tiêu cực Tào Tuyết Cần dành cho Vương Hy Phượng chính là biểu hiện cho nỗ lực “bêu xấu” đó.

*

No comments:

Post a Comment