Anny hỏi:
Tôi có chút thắc mắc mong được tác giác giúp đỡ giải đáp.
Khi đọc về các đài phun nước ở Rome trong đó có Fontana della Barcaccia và fontana di Trevi, thì thấy đều coi những đài phun nước này là theo phong cách Baroque. Vậy đặc điểm gì để những đài phun nước ấy được xếp vào phong cách này vậy.
*
Anh Nguyễn trả lời:
Bạn Anny,
Khi hình dung về các trường phái nghệ thuật, thường chúng ta tưởng tượng chúng như những viên gạch gọn gàng xếp hàng trên tường, không viên nào lấn vào phạm vi của viên nào. Nhưng trên thực tế, lịch sử nghệ thuật giống như một quang phổ, nơi những mảng màu không ngừng biến đổi hòa lẫn vào nhau.
Trường phái Baroque thường được chính thức coi là bắt đầu sau cái chết của Michelangelo cho đến giữa thế kỉ 18 – thời kỳ Tân Cổ Điển (Neo-Classicism). Thế nhưng nhiều tác phẩm của Michelangelo đã có xu hướng Baroque rõ ràng, điển hình là trần nhà thờ Sistine.
Về phương diện thẩm mỹ, Baroque có thể tạm chia thành hai nhánh chính. Một là kiểu “tĩnh” – hàn lâm, dè dặt, đường nét đều đặn, lấy khuôn mẫu từ các công trình Hy-La thời Vitruvius. Đây là trường phái thịnh hành ở Pháp, nó vẫn gần với “concinnitas” – cái đẹp thanh thoát, gọn ghẽ, hài hòa của Phục Hưng.
Hai là phong cách “động” – đầy kịch tính, cơ bắp to cuồn cuộn, chi tiết rườm rà, lấy cảm hứng từ những tác phẩm của Michelangelo. Các công trình Baroque Ý, bao gồm đài phun nước Trevi, đa phần đều theo xu hướng này.
Về đài phun nước Trevi, có lẽ ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem là nó giống hệt một sân khấu ngoài trời khổng lồ. Đằng sau đài phun nước là mặt tiền của Palazzo Poli với những cây cột và cửa sổ ngay hàng thẳng lối, chẳng khác nào phông nền sàn diễn. Nhưng chính sự ngay ngắn, long trọng của Palazzo Poli lại càng làm nổi bật tính hữu cơ, biến động của đài phun nước Trevi.
Nền của đài phun nước Trevi là những tảng đá chạm từ tufa (một loại đá núi lửa.) Rõ ràng những tảng đá này có bàn tay nhân tạo can thiệp, nhưng nhờ tài năng của người nghệ sĩ mà nhìn chúng ngẫu nhiên như thể mọc từ dưới đất vậy.
Lấp ló trên đá lại là những loài thực vật sống động – cây cỏ, hoa lá đều bằng đá – điểm xuyết thêm cho vẻ đẹp tự nhiên của đài phun nước Trevi. Tổng cộng có hơn 30 loại thực vật được miêu tả trên đài phun nước Trevi, nào là sồi, atiso, nho, sung, xương rồng,… Thấp thoáng (nếu biết chỗ tìm) có thể tia thấy chú thạch sùng với chú sên ẩn mình.
Hoàn thiện bức tranh này là dòng nước mạnh mẽ dội vào đá, vừa tạo chuyển động không ngừng, vừa đem lại cảm giác “trời sinh ra thế’ cho đài phun nước.
Uốn nắn nguồn nước của thiên nhiên thành công cụ phục vụ con người là chuyện bình thường, nhưng ở đây lại là biến nước từ ống dẫn trở lại thành cảnh tượng thiên nhiên. Giữa thành phố Roma lại hiện ra một thác nước tung bọt, hiệu ứng không thể nói hết.
Về tầm vóc, đài phun nước Trevi cũng biểu lộ tính Baroque đặc trưng. Quy mô chính thức của nó là 50 mét chiều dài, 26 mét chiều cao, nhưng hình khối, chuyển động, thậm chí âm thanh nước chảy cũng tạo nên một cảm giác choáng ngợp hơn thế nhiều. Người qua lại không khỏi thấy như lạc vào một cảnh tượng vừa huy hoàng vừa trần thế.
Thế nhưng yếu tố Baroque rõ ràng nhất của đài phun nước Trevi nằm ở các nhân vật (người và ngựa.) Chủ đề của đài phun nước là… nước, thế nên nhân vật trung tâm là thần đại dương Oceanus – thần đứng hiên ngang trên cỗ xe vỏ sò khổng lồ kéo bằng hai ngựa – một con hiền lành, một con tung bờm lồng lộn. Sự đối lập giữa hai chú ngựa phản ánh tính lưỡng cực của nước: đại dương yên ả đấy nhưng có lúc lại sóng to gió lớn.
Kéo ngựa cho Oceanus là hai Triton nửa người nửa cá. Một Triton đang tìm cách thuần phục chú ngựa bất kham, Triton kia phồng mang trợn mắthổi chiếc tù và huyền thoại – tiếng tù và có thể khiến các khổng lồ giật mình khiếp sợ.
Hai bên Oceanus là hai nữ thần của sự dồi dào và sức khỏe. Cao tít phía trên tầng thượng của Palazzo Poli là bốn bức tượng với các sản vật mùa màng – người thì cầm hoa, người thì cầm bông lúa mạch, người cầm ly rượu với chùm nho, người cầm chiếc sừng sung túc. Bốn vị thần mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều biểu trưng cho sự gắn bó của sự sống và nguồn nước. Không có nước thì cây cối héo quắt, chẳng có bánh mì hay rượu nho, loài người sẽ chết đói…
Nhờ phối cảnh mà nhóm nhân vật của tượng Trevi (ba nam) và nhóm nhân vật của Palazzo Poly (sáu nữ, cộng hai bức phù điêu nhỏ) như hòa làm một, nhưng vẫn thấy rất rõ sự tương phản: các nhân vật nữ thì khoan thai yểu điệu, còn các nhân vật nam thì mạnh mẽ hung hăng. Dù nhìn ở góc độ nào, ba vị nam thần cũng ở trạng thái “arrested movement” – kiểu đang chuyển động thì bị chững lại trong khoảnh khắc.
Để mô tả tốt nhất có lẽ tôi lại phải trích dẫn William Faulkner: ”Mục tiêu của tất cả các nghệ sĩ là bắt giữ chuyển động – sự sống, […] giữ nó đứng im, làm sao để trăm năm sau khi có người nhìn đến, nó lại chuyển động như thể đang sống.”
Đó là đài phun nước Trevi. Còn đài phun nước kia thì thú thật tôi cũng không có ấn tượng lắm (khi nhìn qua ảnh) nên khó có thể cùng bạn chia sẻ về tính Baroque của nó. Mong bạn thông cảm!
*
*
No comments:
Post a Comment