Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: Lý Hoàn đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

Trương Khánh Thiện đã nhận xét về Lý Hoàn trong cuốn Mạn đàm về Hồng Lâu Mộng như sau: “Quãng đường bi kịch của nàng càng dài, cuộc sống nhân sinh của nàng càng cay đắng”. Cùng với Lâm Đại Ngọc và Hương Lăng, nàng là một trong những nhân vật vừa xuất hiện đã mang nỗi bất hạnh đeo đẳng. Xét về địa vị và lai lịch, nhân vật Lý Hoàn lại càng có điểm độc đáo đáng được bàn tới. Nàng là một tấm gương phản chiếu xã hội phong kiến bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ. Có thể nói số phận của Lý Hoàn có ba phần do thiên định, nhưng tới tận bảy phần nằm ở những xiềng xích ăn sâu từ trong tiềm thức cộng đồng.

Lý Hoàn

Xiềng xích ấy bắt nguồn từ đâu? Trong truyện đã nói rõ:

Nguyên họ Lý là vợ Giả Châu. Giả Châu chết sớm, có đứa con trai tên là Giả Lan, lên năm tuổi, đã đi học. Họ Lý cũng là con nhà danh hoạn đất Kim Lăng, bố là Lý Thủ Trung là Quốc tử Tế tửu. Trong họ, con trai, con gái đều được đi học. Đến đời Lý Thủ Trung thì cho “con gái bất tài, ấy là đức”. Vì thế, ông ta không cho con gái đi học đến nơi đến chốn, chỉ cho đọc “Nữ tứ thư”, “Liệt nữ truyện” để biết một số chữ, nhớ một số truyện hiền nữ đời trước là đủ, cốt sao chú trọng về thêu thùa canh cửi và việc vặt mà thôi. Nhân vậy đặt tên con là Lý Hoàn, tên chữ là Cung Tài.

Cái quan điểm “nữ tử vô tài tiện thị đức” này đã ám ảnh xã hội Trung Quốc mấy nghìn năm, đẩy bao thế hệ phụ nữ vào hố sâu của sự tăm tối và phục tùng. Lý Hoàn là tiểu thư của một gia đình quan lại mà còn như vậy, thì đủ biết những người đàn bà ở tầng lớp thấp hơn sẽ ra sao. Không được tự chủ về học vấn và của cải thì đương nhiên hôn nhân cũng phải để người khác định đoạt. Lý Hoàn trở thành vợ Giả Châu, con dâu của Giả Chính và Vương phu nhân, lại sinh được một con trai là Giả Lan. Nàng là chị dâu của Bảo Ngọc, Nguyên Xuân, Thám Xuân, là mợ cả của Giả phủ.

Lý Hoàn dạy con học

Truyện không nói rõ cuộc hôn nhân của hai vợ chồng Lý Hoàn êm đềm hay trúc trắc, chỉ biết Giả Châu là con người đức hạnh, nên có lẽ Lý Hoàn cũng được “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân. Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.” Có điều ngày xuân ngắn chẳng tày gang. Giả Châu chết đột ngột, Lý Hoàn – một người con gái tuổi trẻ mơn mởn – bỗng chốc trở thành góa phụ. Quãng đường đời tươi đẹp của nàng đóng sập cửa từ lúc ấy.

Lý Hoàn trẻ tuổi, góa chồng, mặc dầu ở chỗ cao lương gấm vóc, nhưng lòng lạnh như tro tàn, cây cỗi, hết thảy không buồn hỏi, không buồn nghe việc gì; chỉ biết hầu bố mẹ chồng, nuôi con, lúc rỗi thì khâu vá, đọc sách với các cô em.

Theo bài Vãn thiều hoa (Cảnh xuân về cuối) ứng với Lý Hoàn thì cuộc hôn nhân của nàng trôi qua nhanh như một giấc mộng:

Còn gì ân ái trong gương
Còn gì giấc mộng trên đường công danh
Cảnh thiều hoa đi sao nhanh
Chăn uyên màn gấm thôi đành bỏ qua

.

Cũng như với các nhân vật khác, Tào Tuyết Cần đã dụng công đặt tên cho Lý Hoàn. Lá số tiền định của Lý Hoàn mở đầu bằng câu “Đào  xuân phong kết tử hoàn,” chính là ám chỉ tên của nàng. Biện pháp chơi chữ ở đây rất hay. Chữ  trong tên nàng có nghĩa là cây mận, quả mận. Đào và mận thường đi chung một cặp để chỉ vẻ yêu kiều của người phụ nữ, cũng là biểu tượng cho tuổi trẻ nở hoa kết trái và tình yêu đôi lứa (Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa,…) Đào mận gặp gió xuân kết thành quả, chữ “tử” nghĩa là đứa con trai, chữ “hoàn 完” ở đây có nghĩa là hoàn chỉnh, lại đồng âm với chữ “Hoàn 紈” trong tên nàng. Chữ Hoàn này mang nghĩa khác: lụa trắng. Một tấm lụa trắng nõn nà không tỳ vết vừa gợi đến sự cao nhã của thú chơi thư pháp, lại là biểu tượng cho sự trong sạch của người quả phụ một lòng thủ tiết. Thế nhưng nó cũng ám chỉ cái chết và tang tóc, khiến ta không khỏi liên tưởng đến những dải lụa vua ban để tự tử.

Trạng thái “sự đời đã tắt lửa lòng” của Lý Hoàn được mặc định là đương nhiên, nhất là trong một gia đình quyền quý như nhà họ Giả. Chẳng ai bận tâm hỏi han Lý Hoàn xem nàng có vừa lòng ở vậy nuôi con, không màng tình duyên hay không. Có lẽ ngay bản thân Lý Hoàn cũng không hề nghĩ, hoặc dám nghĩ đến điều đó, bởi nàng chẳng có lựa chọn nào khác. Sự ghẻ lạnh của xã hội với những người đàn bà tái giá đủ làm nàng chùn bước, chưa kể sự “rớt hạng” về địa vị mà nàng cùng Giả Lan sẽ phải gánh chịu. Ví dụ rõ nhất trong truyện là kế mẫu của Vưu thị cùng hai đứa con gái riêng: Vưu nhị thư, Vưu tam thư. Ba mẹ con bọn họ bị đối xử chỉ hơn những người hầu một chút, chẳng có thế lực gì, khi bị chèn ép cũng chẳng biết kêu ai. Lý Hoàn chấp nhận sống một cuộc đời góa bụa kiểu mẫu để đổi lấy sự an toàn, bao bọc, và danh dự. Thế nhưng Tào Tuyết Cần đã khéo cho chúng ta thấy tất cả chỉ là lớp vỏ bề ngoài.

Lý Hoàn và con

Ở hồi mười bảy, Giả Chính và Bảo Ngọc cùng các môn khách vào thăm vườn Đại Quan. Xin chú ý đến đoạn sau:

Mọi người vừa nói chuyện vừa đi, đã đến một ngọn núi xanh chênh chếch. Đi vào trong núi, thấp thoáng có một bức tường thấp, đất vàng, trên tường có rơm che, có mấy trăm cây hoa hạnh, trông như lửa phun, ráng phủ. Mặt trong có mấy gian nhà tranh, mặt ngoài có những cây dâu, dâm bụt và găng mơn mởn tốt tươi theo nhau chỗ nhô ra, chỗ lượn vào, đan thành hai hàng rào xanh. Dưới chân núi, ngoài hàng rào có cái giếng khơi, bên cạnh có gầu và trục kéo nước; mé dưới có mảnh rộng phẳng lì, có luống rau tươi tốt, trông bát ngát mênh mông.
Giả Chính nói:
– Chỗ này thế mà có ý nghĩa lắm. Tuy tự tay người ta bày đặt ra, nhưng nhìn đến ai cũng phải cảm xúc, khêu gợi lòng ta muốn về hưởng thú điền viên. Chúng ta hãy vào đấy nghỉ ngơi xem
[…] 
Nói xong, dẫn mọi người vào trong nhà tranh. Ở đây, cửa sổ dán giấy, giường gỗ đơn sơ, không có gì là hào hoa phú quý cả.
Giả Chính trong lòng rất sung sướng, lại nhìn Bảo Ngọc nói:
– Chỗ này thế nào?
Mọi người thấy hỏi, đều khẽ đẩy Bảo Ngọc, xui Bảo Ngọc nói là đẹp. Bảo Ngọc không nghe, nói ngay:
– Xem ra chỗ này kém xa “Hữu phương lai nghi”.
Giả Chính nói:
– Hứ! Đồ ngu xuẩn! Chả biết gì. Mày chỉ thích lầu son gác tía đẹp đẽ một cách thô tục, biết đâu được cái cảnh u nhã này.
[…]
Bảo Ngọc nói:
– Thế thì chỗ này đặt thành trang trại, rõ ràng là do người bày đặt ra. Xa thì không có hàng xóm, gần thì không có thành quách, dựa vào núi thì không có mạch, trông ra nước thì không có nguồn, chỗ cao thì không có tháp nhà chùa, chỗ thấp thì không có cầu ra chợ, trơ trọi đứng một mình, không phải là nơi bao la rộng rãi. Sao bằng mấy nơi trước có vẻ tự nhiên hơn. Tuy có giồng trúc, khơi suối cũng hơi xuyên tạc, nhưng không hại gì. Cổ nhân có bốn chữ “bục tranh thiên nhiên”, sợ chỗ này không đáng có thôn trang, và sơn thủy, mà gượng bày đặt ra, dù khéo léo đến đâu cũng vẫn không hợp.
Bảo Ngọc nói chưa dứt lời, Giả Chính nổi giận thét lên:
– Thôi, bước ngay!

Giả Chính cùng Bảo Ngọc đi thăm vườn Đại Quan

Đoạn này tả sự việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại có hàm ý sâu xa, bút pháp kín đáo hết sức tuyệt vời. Nơi được nhắc đến sau này chính là Đạo Hương thôn – nơi ở của Lý Hoàn. Bề ngoài Đạo Hương Thôn được bố trí bình dị, quê mùa, không châu ngọc hào hoa, chẳng lụa là phú quý, chính là để phản chiếu cuộc sống phẳng lặng, giản tiện của góa phụ Lý Hoàn. Giả Chính – bố chồng Lý Hoàn là một Nho gia theo quan điểm truyền thống, thậm chí như Trương Tráng Niên nhận xét là một nguỵ quân tử, đương nhiên là ông ta ưng ý trước cảnh tượng nền nếp, khiêm nhường đó. Nhưng Bảo Ngọc với “tuệ nhãn” trong sáng và trái tim thấu hiểu tình người, đã nhìn ra sự giả tạo, gán ghép của nó.

Nên nhớ trong giấc mơ nơi Ảo Cảnh, Bảo Ngọc đã uống vào bụng hai thứ thức uống “Thiên hồng nhất quật” (đồng âm với Thiên hồng nhất khốc – ngàn bóng hồng cùng khóc) và “Vạn diễm đồng bôi” (đồng âm với Vạn diễm đồng bi – vạn vẻ đẹp đều buồn,) lại được thưởng thức mười hai khúc Hồng Lâu Mộng. Từ đáy lòng Bảo Ngọc có sự thấu hiểu vô hạn với những nỗi khổ của nữ nhi. Bằng trực quan, cậu linh cảm được sự miễn cưỡng, gò ép của Lý Hoàn nhưng không thể diễn tả bằng lời mà phải biểu hiện bằng việc chê trách Đạo Hương Thôn – nơi các bậc trưởng bối phân cho Lý Hoàn ở. Đương nhiên những câu phê bình của Bảo Ngọc khiến Giả Chính nổi xung, bởi qua đó Bảo Ngọc đã hạ thấp cả một phần của ý thức hệ phong kiến!

Sau khi các chị em được phân về Đại Quan Viên, Lý Hoàn trở thành người phụ nữ duy nhất đã có chồng được vào ở đó. Nàng lãnh nhiệm vụ cai quản, giáo huấn các cô gái ngây thơ ấy. Đại Quan viên muôn hồng ngàn tía, có Đại Ngọc là bông phù dung kiều diễm, Thám Xuân là hoa hạnh cao sang, Tương Vân là đoá hải đường tươi tắn, Bảo Thoa là mẫu đơn quý phái. Lý Hoàn chẳng được làm hoa. Ở hồi sáu mươi ba, khi rút thẻ hoa, Lý Hoàn rút được thẻ có hình cây mai già.


Mọi người cầm thẻ xem, thấy vẽ một cành mai già, viết bốn chữ “Vóc đựng sương mai”. Mặt sau đề một câu thơ cổ: “Nhà tranh giậu trúc nhưng lòng vẫn vui”.

.

Thế nhưng thay vì đè nén, nghiêm khắc với những cô tiểu thư trẻ trung kia, Lý Hoàn lại một lòng bảo vệ, thương yêu, chiều chuộng bọn họ. Như Chu Chiêu Linh nhận xét, dù sống trong cảnh lòng lạnh tro tàn nhưng Lý Hoàn không mảy may oán thán, chấp nhận tuyết sương để chở che cho những cánh hoa xuân sắc, để những đóa hoa ấy tận hưởng mùa xuân tươi đẹp (dù ngắn ngủi) nơi Đại Quan Viên. Sự cao thượng của Lý Hoàn khiến tất cả người trên kẻ dưới đều phải kính phục.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là chỉ sau khi Lý Hoàn vào Đại Quan Viên, Tào Tuyết Cần mới hé lộ cho ta thấy nàng có một tâm hồn thi vị, tao nhã chẳng kém gì cô Lâm, cô Tiết. Lý Hoàn không tự mình làm thơ bởi nó không phù hợp với vị trí trang nghiêm của người quả phụ, viện cớ tài mọn, nàng chỉ xin nhiệm vụ giám khảo. Nhưng mỗi cuộc thi thơ lại làm ta khám phá thêm những nét mới của Lý Hoàn. Nàng vui vẻ, cười đùa, trêu chọc các em nhỏ, lại có những phẩm bình về thơ rất súc tích, xác đáng.

Các chị em mở Hải Đường thi xã

Bỗng Lý Hoàn đến, cười nói:
– Nhã quá nhỉ! Định mở thi xã à! Tôi xin nhận chức Chưởng đàn. Mùa xuân vừa rồi, tôi vẫn có ý ấy, nhưng nghĩ mình không biết làm thơ, thì bày trò làm gì. Vì thế tôi quên đi, không nhắc đến nữa. Bây giờ cô Ba đã cao hứng, thì tôi cũng xin giúp để góp phần vui chung.
Đại Ngọc nói:
– Đã định mở thi xã thì chúng ta sẽ là thi nhân cả, trước hết nên bỏ những tiếng xưng hô “chị, em, chú, mợ” đi, mới không tục.
Lý Hoàn nói:
– Phải lắm. Đặt những biệt hiệu để gọi nhau mới nhã hơn. Tôi xin tự đặt cho tôi là “Đạo Hương lão nông”, không ai được giành cái tên ấy.
[…] Lý Hoàn cười nói:
– Tôi đã đặt hộ cô Tiết một biệt hiệu rất hay, chỉ có ba chữ thôi.
Mọi người vội vã hỏi:
– Chữ gì?
Lý Hoàn nói:
– Tôi phong cho cô ấy là Hành Vu Quân, các người nghĩ thế nào?
[…]
Lý Hoàn nói:
– Về tình tứ phong lưu thì bài này hay hơn, nhưng về hàm súc hồn hậu thì vẫn phải nhường cho Hành Vu Quân.
Thám Xuân nói:
– Lời phê rất đúng. Tiêu Tương phi tử phải đứng thứ hai.
Lý Hoàn nói:
– Di Hồng công tử phải đội bảng, có chịu hay không?
Bảo Ngọc nói:
– Bài của tôi thực không hay, lời bình ấy rất công bằng – Lại cười nói – Nhưng cần phải châm chước lại hai bài của Hành Vu Quân và Tiêu Tương.
Lý Hoàn nói:
– Đây là theo bình luận của tôi, không can đến các vị, nếu ai nói nữa sẽ bị phạt.

[…]
Lý Hoàn bình thơ

Trong Hồng Lâu Mộng thường nhắc đến cảnh Lý Hoàn dạy con học. Sự tham dự của Lý Hoàn vào Hải Đường thi xã và phong cách của nàng chứng tỏ nàng có đủ khả năng làm việc đó. Vậy nên đâu thể phán xét con người qua vẻ bề ngoài. Nếu không có những cuộc thi thơ kia, ai có thể ngờ trong Lý Hoàn vẫn chất chứa lòng yêu đời, yêu người như vậy. Thế mới biết những thứ tiếng tăm hão huyền, “Tiết hạnh khả phong” ấy làm hại người phụ nữ biết nhường nào! Trong lá số tiền định của Lý Hoàn đã nói rõ: “Nước sạch, băng trong, ghen ghét hão. Tiếng tăm còn lại ở nhân gian.” Mặc dù nàng đã có chậu lan làm niềm vui – đứa con trai Giả Lan (đáo đầu thùy tự nhất bồn lan) thì số phận của nàng cũng là điều không ai mong muốn, chẳng đáng ghen tị hay khen chê.

Nếu nhìn Lý Hoàn từ khía cạnh người vợ, người mẹ, ta lại thấy có nhiều điều khác đáng bàn.

.

Trước hết phải khẳng định rõ ràng một điều: Tào Tuyết Cần chia những người phụ nữ trong Hồng Lâu Mộng ra thành hai nhóm rõ rệt: những người đàn bà đã có chồng và những cô gái trinh nguyên. Cũng như Bảo Ngọc, ông nâng niu dành những tình cảm trong sáng nhất cho những người con gái ngây thơ, dù họ là tiểu thư hay con ở. Ai có thể quên được Tương Vân hào sảng, Đại Ngọc thướt tha, Tình Văn cao quý, Phương Quan tinh nghịch… Họ cũng là những cô gái tài năng: hoặc biết làm thơ, hoặc giỏi vẽ tranh, hoặc ca hát, kết hoa, thêu thùa,…

Ngược lại, những người đàn bà có chồng trong truyện, dù là bà lớn hay người hầu cũng đều có những khía cạnh thô tục và tàn nhẫn: Hình phu nhân nỡ lòng bán cháu nội, Vương phu nhân khiến Kim Xuyến, Tình Văn phải chết, Phượng Thư cay nghiệt làm hại bao người, Hạ Kim Quế ác độc, Tần Khả Khanh dâm ô, thậm chí Giả mẫu cũng vô tình lạnh lẽo. Những người đàn bà theo hầu như dì Triệu, vợ Vương Thiện Bảo, mụ Liễu, mẹ nuôi Phương Quan,… lại càng xấu xa. Những người đàn bà này cũng đầy tục khí, đa phần họ không biết làm thơ hay treo tranh gì cả (xem đoạn mô tả nơi ở của hai bậc quyền quý Hình phu nhân, Vương phu nhân.) Về điều này, Bảo Ngọc đã có nhận xét rất xác đáng:

Khi con gái chưa đi lấy chồng, khác nào một hạt chân châu rất quý; lấy chồng rồi, không hiểu sao lại sinh ra rất nhiều tật xấu. Dù vẫn là hạt chân châu đấy, nhưng đã trở thành hạt châu chết, phai mờ ánh sáng; đến già đi thì không phải hạt châu, mà là mắt cá đấy! Cũng là một người, sao lại hóa ra ba dạng như thế?

Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Phải chăng Tào Tuyết Cần kỳ thị các phụ nữ có chồng, cố tình khắc hoạ họ như những… phù thủy cưỡi chổi? Không phải thế. Một trong những ý tưởng xuyên suốt của Hồng Lâu Mộng là sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ, hay nói đúng hơn là tính nam và tính nữ. Lại phải mượn lời Bảo Ngọc “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy.” Trong Hồng Lâu Mộng, không chỉ những cô gái bẩm sinh mà những người đàn ông mang tính nữ như Tần Chung, Tưởng Ngọc Hàm, Bắc Tĩnh Vương,… cũng cao quý và thanh nhã. Còn tính nam không chỉ đục dơ từ bản chất mà còn có khả năng làm “ô nhiễm” tính nữ, chính vì thế những người phụ nữ sau khi lấy chồng đều trở nên cứng rắn và “trần tục” hơn. Tào Tuyết Cần đã làm một cuộc cách mạng lật đổ tư tưởng trọng nam khinh nữ bằng ngòi bút.

Trong cái thế lưỡng cực đó, Lý Hoàn là một trường hợp đặc biệt nhưng vẫn phản ánh đúng tinh thần trọng nữ khinh nam của tác giả. Nàng đã có chồng, nên không khỏi bị xếp hạng thấp trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, nhưng vì xa rời ảnh hưởng ô trọc của đàn ông đã lâu, nên vẫn giữ được tính tình hiền lành và cốt cách trong sáng. Sự nhân từ của Lý Hoàn xuất phát từ trong tâm nên nàng được gia nhân trong nhà tôn là Phật sống, chỉ có nàng đến bầu bạn cùng Đại Ngọc khi nàng sắp lìa đời. Nàng vẫn giữ được tâm hồn lãng mạn và yêu nghệ thuật nên được cùng các chị em bầu bạn nơi Đại Quan Viên, dù chẳng thể sống lại tuổi trẻ để bay nhảy cùng bọn họ. Vì thế Lý Hoàn là một trong những số ít người phụ nữ có số mệnh tươi sáng hơn ở thì tương lai:

Mũ châu áo phượng thướt tha
Chống làm sao nổi vận nhà bấp bênh
Già, nghèo khó chịu đã đành
Cũng nên tích đức để dành về sau
Ngông nghênh trâm ngọc trên đầu
Ấn vàng trước ngực muôn màu sáng tươi
Uy quyền lộc vị lẫy lừng
Suối vàng buồn thảm đường chừng gần thôi
Xưa nay khanh tướng còn ai
Hoạ còn tiếng hão cho đời ngợi khen

.
Trong lá số tiền định Lý Hoàn chính là mỹ nhân đội mũ phượng, mặc áo màu ráng trời, ý nói Giả Lan sẽ thi đậu thành công được làm quan, mang lại phúc phận tuổi già cho mẹ. Người viết ưu ái Lý Hoàn, không để nàng chết trong tủi nhục như Phượng Thư, Nghênh Xuân, Đại Ngọc, lại không phải chịu cảnh dơ bẩn như Diệu Ngọc, Tần Khả Khanh. Sự tưởng thưởng này liệu có xứng đáng với cái tiếng hão kia chăng? Xin để cho bạn đọc tự xét.

*

No comments:

Post a Comment