“Giả phủ tứ xuân” trong Hồng Lâu Mộng giống như một bộ tranh tứ quý: Nguyên Xuân phong lưu quý phái, Nghênh Xuân văn nhã ôn nhu, Thám Xuân sắc sảo khôn ngoan, Tích Xuân thanh tịnh khác đời. Thế nhưng chữ đầu của bốn cái tên hợp lại (Nguyên Nghênh Thám Tích – 元迎探惜) lại hài âm với cụm từ “đáng phải thở than” (Nguyên Ưng Thán Tức – 原应叹息) đủ thấy cuộc đời họ trước sau đều không có hậu.
Trong bốn cô Xuân thì Nghênh Xuân là người có tính cách hiền lành nhất. Những tưởng ông trời sẽ rộng lòng cho nàng được bình an, nhưng Nghênh Xuân lại chết trong cô đơn và đau đớn. Số phận Nghênh Xuân quả thật dễ khiến người ta chán ngán và mất niềm tin vào cuộc đời.
Nghênh Xuân là con gái của ông cả Giả Xá với nàng hầu, lại là phận nữ, thế nên địa vị của nàng kém xa người anh cùng cha khác mẹ Giả Liễn và cô vợ đanh đá Vương Hy Phượng. Nhưng điều đó không khiến Nghênh Xuân phải bận lòng. Trong ba người chị em họ của nàng, Nguyên Xuân “số đẻ bọc điều” nhưng lại muốn từ bỏ sự xa hoa, Thám Xuân là con phượng hoàng cao quý bất mãn với số phận, Tích Xuân coi tất cả danh lợi đều là không. Chỉ có Nghênh Xuân thực sự hài lòng với những gì mình có, không hề buông lời ca thán. Ngay từ vẻ bên ngoài, Nghênh Xuân đã tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi dễ chịu:
Cô thứ nhất, người nở nang, tầm thước, nước da nõn nà, má đỏ hồng hào như quả vải tươi, mũi loáng như xoa mỡ, tính nết ôn hòa kín đáo, thoạt nhìn đã thấy mến.
Bề mặt Giả Phủ tưởng chừng sóng yên gió lặng nhưng bên trong đầy cạm bẫy. Từ tiểu thư bà lớn đến con hầu người ở đều giành giật, đấu đá, trên đội dưới đạp hòng nâng cao địa vị. Đến cả Đại Ngọc cao quý là thế vẫn ngấm ngầm so sánh ghen tuông với Bảo Thoa, Tương Vân. Riêng Nghênh Xuân đứng ngoài tất cả. Giả Xá và Hình phu nhân thờ ơ bỏ bê nàng, nàng cũng không màng tới. Các chị em trong Đại Quan viên đều có tài riêng: Đại Ngọc, Bảo Thoa văn hay chữ tốt, Tích Xuân có năng khiếu hội hoạ, Thám Xuân tính toán khôn ngoan,… riêng Nghênh Xuân mờ nhạt. Mỗi khi tụ tập thi xã nàng thường lép vế, khi Quý phi truyền các chị em làm câu đố gửi vào cung nàng cũng xếp hạng chót. Thế nhưng Nghênh Xuân cũng không vì thế mà ấm ức phiền muộn. Dường như Nghênh Xuân đã đạt đến mức “vô vi.” Sau đây là nhận xét của bọn người dưới về Nghênh Xuân:
Còn cô Hai thì gọi đùa là “cô hai gỗ”, châm kim vào người cũng không biết “ái” lên một tiếng.
[…] Nghênh Xuân… một người thì có xác không hồn, tự mình không trông nom chu tất nổi mình, còn trông nom người khác sao được.
Nghênh Xuân lựa chọn cách sống như vậy, thật ra cũng chẳng có hại gì tới ai. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, thấy nàng như con cừu non yếu đuối nên kẻ dưới bèn tự tung tự tác. Dấu hiệu “có vấn đề” đầu tiên là khi bà vú nuôi của Nghênh Xuân ăn cắp đồ trang sức của nàng để đi đánh bạc.
Vì vú nuôi bị tội, Nghênh Xuân trong bụng khó chịu, thấy mẹ đến, liền ra mời vào. Uống nước xong, Hình phu nhân nói:
– Con đã lớn rồi, vú nuôi của con làm bậy như thế, sao con không răn bảo. Hiện giờ người ta đều tử tế cả, riêng người nhà mình là xấu thôi. Thế là nghĩa thế nào?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo, một lúc mới thưa:
– Con đã bảo bà ấy hai lần, nhưng bà ấy không nghe, con cũng chẳng biết làm thế nào cả. Vả chăng bà ấy là vú nuôi, chỉ có bà ấy bảo được con thôi, chứ con không thể bảo được bà ấy.
Hình phu nhân nói:
– Nói nhảm! Con có điều không phải thì vú ấy bảo con; nhưng vú ấy phạm pháp, thì con phải lấy tư cách là cô mà răn bảo. Nếu vú ấy không nghe, con trình mẹ biết mới phải. Bây giờ vỡ lở ra, người ngoài biết, còn ra làm sao nữa! Hơn nữa vú ấy là nhà gá bạc, cũng đã nói khôn nói khéo, mượn trâm vòng quần áo của con đi cầm để làm tiền vốn. Con là người nhẹ dạ cả nể, chắc đâu không giúp đỡ ít nhiều. Nếu bị vú ấy lừa mất, thì ta một đồng không có, rồi đây ngày tết, con lấy gì mà ăn mặc?
Nghênh Xuân cúi đầu mân mê tà áo không nói gì cả.
Thừa dịp vú nuôi Nghênh Xuân bị tội, Hình phu nhân bèn tranh thủ nói xấu một loạt từ Giả Liễn, Phượng Thư, Thám Xuân, nhân tiện chửi xéo cả dì Triệu. Hình phu nhân vốn là người nhỏ nhen, đứa hầu bên cạnh lại thừa dịp đổ thêm dầu vào lửa:
[…]
Hình phu nhân thấy vậy cười nhạt:
– Rút cuộc, chỉ có anh con, chị dâu con là tiếng tăm lừng lẫy thôi! Cậu hai Liễn! Mợ Phượng! Cả hai làm trời làm đất, việc gì cũng thu xếp đâu vào đấy, nhưng có một cô em thì lại chả để ý gì đến. Nếu như con ta đẻ ra, thôi thì mặc kệ chúng. Nhưng con lại không phải con đẻ của ta. Con với anh con, dù khác mẹ, vẫn là cùng cha, phải nên chăm sóc lẫn nhau một chút, đừng để người ngoài chê cười. Ta nghĩ, việc đời khó mà liệu định được. Con là con nàng hầu của ông Cả, con Thám Xuân là con nàng hầu của ông Hai. Hai đứa đều như nhau cả. Mẹ con đã chết rồi. Nhưng kể ra, mẹ con còn giỏi gấp mười dì Triệu, đáng lẽ con cũng phải hơn con Thám Xuân mới phải.
Một người đứng hầu bên cạnh thừa dịp nói:
– Cô tôi hiền lành phúc hậu, có đâu như cô Ba là người mồm mép láu lỉnh, làm em lại cứ đành hanh. Biết chị như vậy, cô ấy chẳng vị nể chút nào.
Hình phu nhân nói:
– Anh chị ruột còn như vậy, trách gì người ngoài.
Một đoạn ngắn ngủi ấy đủ cho ta thấy tình trạng hằn thù ganh ghét, “thập diện mai phục” trong Giả phủ như thế nào, nhưng Nghênh Xuân vẫn kiên quyết đứng ngoài. Đỉnh điểm của vụ lùm xùm này là khi nhà bà vú Nghênh Xuân to gan… kiện ngược lại Nghênh Xuân, vu oan rằng nàng vay tiền của họ. Chứng kiến sự láo xược đó không ai khỏi tức đầy trong ruột, nhưng Nghênh Xuân lại vẫn bình chân như vại. Đoạn sau thật là một vở bi hài kịch:
Ngờ đâu nàng dâu vú nuôi Nghênh Xuân là vợ Ngọc Trụ, vì mẹ chồng có tội, đến nhờ Nghênh Xuân xin hộ. Thấy họ đương nói chuyện mất dây vàng, nên chưa vào vội. Biết Nghênh Xuân ngày thường là người nhu nhược, nên chúng không coi vào đâu.
[…]
Nghênh Xuân nói:
– Chị ơi, chị đừng có nghĩ mơ hồ như thế! Nếu đợi tôi đi xin hộ, thì chờ đến sang năm cũng chẳng ăn thua gì. Vừa rồi chính chị Bảo và cô Lâm đến xin hộ, cụ còn chẳng nghe nữa là nữa tôi. Tự tôi đã thấy ngượng rồi, lại đi mua thêm lấy cái ngượng nữa sao?
[…]
Vợ Ngọc Trụ thấy Nghênh Xuân dứt khoát từ chối, Tú Quất nói lại đanh thép, không biết trả lời ra sao, bị bẽ mặt quá, nhưng biết rõ Nghênh Xuân xưa nay là người dễ dãi, liền quay lại bảo Tú Quất:
[…]
Nghênh Xuân nghe thấy vợ Ngọc Trụ nói lộ việc riêng của Hình phu nhân, liền gạt đi, nói:
– Thôi, thôi! Không đòi được dây vàng về thì thôi, chị đừng có vơ quàng vơ xiên làm ầm lên nữa. Tôi cũng chẳng cần đến dây vàng. Nếu các bà có hỏi, tôi chỉ nói là đánh mất, cũng chẳng can hệ gì đến chị. Chị về nghỉ thôi.
Rồi cô ta sai Tú Quất đi pha nước. Tú Quất tức giận, nói:
– Cô tuy không sợ, nhưng còn cháu đây để làm gì? Họ đã làm mất đồ vật của cô, lại còn nói bậy là cô tiêu tiền của họ, bây giờ phải khấu trừ đi. Nếu bà Hai hỏi cô tại sao tiêu hết bấy nhiêu tiền và cho là chúng cháu nhờ bão bẻ măng, ăn bớt xén gì chăng? Như vậy sao được.
Tú Quất vừa nói vừa khóc. Tư Kỳ nghe thấy không chịu được cố gượng dậy, bênh vực Tú Quất, hỏi vặn lại vợ Ngọc Trụ. Nghênh Xuân không can nổi, đi lấy quyển “Thái thượng cảm ứng thiên” ra xem.
“Thái thượng cảm ứng thiên” là pho sách dạy chúng sinh bỏ ác hướng thiện, câu đầu tiên như sau: Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình. (Họa và phúc đều không có cửa mà là do lòng người tự gây, làm ác thì gặp họa, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không sai một mảy may.) Nghênh Xuân tin vào quy luật rạch ròi trong sách, nàng cho rằng chỉ cần mình một lòng hướng thiện ắt sẽ được báo đáp như vậy. Mỗi khi có chuyện xảy ra, phản ứng duy nhất của Nghênh Xuân là bưng tai bịt mắt, không nghe không thấy, chúi vào đọc sách như con đà điểu rúc đầu trong cát. (Thám Xuân nhìn qua cửa sổ, thấy Nghênh Xuân ngồi tựa trên giường xem sách, như không nghe thấy gì. Thám Xuân cũng buồn cười). Nếu Thám Xuân không xắn tay vào can thiệp thì chẳng ai biết sự việc sẽ đi tới đâu. Sau khi mọi việc đã được giải quyết êm đẹp, Nghênh Xuân vẫn điềm tĩnh như không:
Nghênh Xuân vẫn ngồi xem “Thiên cảm ứng” với Bảo Thoa, không để ý đến những câu nói của Thám Xuân. Thấy Bình Nhi nói thế, liền cười:
– Chị hỏi tôi à, tôi cũng chẳng có cách gì cả. Họ làm bậy thì họ phải chịu lấy tội, tôi không thể xin hộ được. Tôi chẳng đi xin ai và cũng chẳng trách họ là được rồi. Những vật ăn cắp, đưa trả thì tôi nhận, nếu không trả tôi cũng chẳng cần. Các bà có hỏi, tôi che chở được thì phúc cho họ, nếu không giấu nổi, tôi cũng không biết làm sao được. Không có nhẽ vì họ mà tôi lại dối trá các bà, tất là phải nói thẳng ra. Các chị cho tôi là dễ tính, không biết quyết đoán, có cách gì chu toàn được mọi mặt, không để các bà giận thì tùy các chị định liệu, tôi cũng thây kệ.
Mọi người nghe nói đều bật cười. Đại Ngọc cười nói:
– Thật là “hùm sói đã ngồi trên thềm nhà vẫn còn nói chuyện nhân quả”. Nếu chị Hai là đàn ông thì những người trong nhà này cai quản thế nào được họ?
Nghênh Xuân cười:
– Đúng đấy! Biết bao nhiêu là đàn ông cũng còn như thế, huống chi là tôi.
Những cô gái trong Hồng Lâu Mộng đều là hạng phong lưu thoát tục, không dính vẩn đục mà còn thấy Nghênh Xuân ngô nghê đến tức cười, thì đủ biết sự hiền lành của nàng đến đâu. Câu nói của Đại Ngọc tưởng vô tình nhưng thực ra lại là điềm báo trước cho cuộc hôn nhân của Nghênh Xuân, bạn đọc nên lưu ý chỗ này.
Tào Tuyết Cần không chỉ dụng công đặt tên cho bốn cô Xuân, mà còn chú ý cả tên … bốn a hoàn phục vụ nữa. Người hầu thân tín của Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân lần lượt là Bảo Cầm, Tư Kỳ, Thị Thư, Nhập Họa, ghép thành Cầm-Kỳ-Thi-Họa là bốn thú vui tao nhã của các tiểu thư con nhà quý tộc. Chữ Kỳ trong tên Tư Kỳ vừa là cờ (vì thế mà trong bản dịch tiếng Anh tên nàng là Chess,) vừa đồng âm với chữ kỳ trong kỳ lạ. Khác hẳn với người chủ yếu đuối, Tư Kỳ có tính cách mạnh mẽ không nhường ai, nhưng lại một mực trung thành với Nghênh Xuân. Tình thầy trò khăng khít trong truyện giữa Nghênh Xuân-Tư Kỳ giống của chị em hơn là chủ tớ. Nhìn bên ngoài, Tư Kỳ dường như lấn át cả chủ, nhưng trên thực tế đó là sự bảo vệ. Về sau Tư Kỳ tư tình với anh họ nên bị đuổi khỏi Giả phủ, Nghênh Xuân từ đó mất đi một chỗ dựa. Thử nghĩ mà xem, vú nuôi phản bội, người hầu thân tín bị đuổi đi, cha ruột hờ hững, mẹ đã qua đời, một người nhút nhát như Nghênh Xuân làm sao có thể tự chủ? Bi kịch hôn nhân của nàng chỉ là chuyện một sớm một chiều mà thôi.
Giả Xá đã hứa gả Nghênh Xuân cho nhà họ Tôn. Họ Tôn người ở phủ Đại Đồng, ông cha xuất thân quan võ, là môn sinh của hai phủ Vinh, Ninh ngày trước, kể ra cũng là chỗ thân. Hiện giờ nhà họ Tôn chỉ có một người ở Kinh tập chức chỉ huy, người ấy tên là Tôn Thiệu Tổ, mặt mũi khôi ngô, thân thể hùng tráng, theo nghề cung mã, giao thiệp tinh khôn, chưa đầy 30 tuổi, nhà lại giàu có, hiện đương hậu bổ ở bộ binh để đợi thăng chức.
Giả Xá thấy anh ta chưa có vợ, lại là con cháu nhà thế gia, nhân phẩm và gia thế cũng đều xứng đáng, nên chọn làm giai tế. Việc này cũng đã trình Giả mẫu. Giả mẫu không bằng lòng, nhưng nghĩ việc vợ chồng là tự ý trời, cha nó đã đứng làm chủ thì việc gì phải dây vào cho lắm chuyện? Vì thế chỉ nói “biết rồi”, ngoài ra không tỏ ý gì nữa.
Giả Chính xưa nay vẫn ghét nhà họ Tôn, tuy là chỗ thế gia, chẳng qua ông nó ngày trước hâm mộ thế lực phủ Vinh, phủ Ninh, có những việc không thu xếp được, phải đến xin làm môn hạ, chứ không phải là dòng dõi thi thư. Ông ta đã khuyên ngăn mấy lần, nhưng Giả Xá không nghe, nên đành phải chịu.
Những người lớn trong nhà đã phủi tay bỏ mặc Nghênh Xuân từ đó. Nghênh Xuân xuất giá theo chồng, Tử Lăng Châu quạnh quẽ đìu hiu chỉ có Bảo Ngọc lâu lâu nhớ chị ra thăm chốn cũ. Tôn Thiệu Tổ là người thế nào?
Nghênh Xuân đã về nhà được lúc lâu, đã dọn cơm chiều cho bọn bà già và người nhà họ Tôn ăn xong, và cho họ về cả. Nghênh Xuân mới khóc nức nở, ngồi ở trong buồng Vương phu nhân, kể lể những nỗi uất ức: “Tôn Thiệu Tổ một mực ham gái mê say cờ bạc rượu chè, bao nhiêu đàn bà con gái ở trong nhà bị nó hiếp dâm gần khắp lượt. Cháu mới khuyên nó vài ba lần, nó mắng cháu là hạng ‘đàn bà ghen tuông’. Nó lại nói cha cháu mượn của nhà nó năm nghìn bạc định ăn không, nó đến hỏi hai ba lần không trả. Nó lại còn trỏ vào mặt cháu nói: ‘Mày đừng có lên mặt bà với tao! Bố mày đã lấy của tao năm nghìn bạc, đem mày gạt cho tao đấy. Coi chừng tao đánh một trận, tống cổ xuống nhà dưới mà nằm! Ngày trước, ông mày còn sống, thấy nhà tao phú quý, nên chiều chuộng làm thân. Nói đúng ra thì tao với bố mày ngang hàng nhau, giờ lại dúi đầu tao, bắt tao tụt xuống một bực. Không thể có thông gia như thế được, để người ta nhìn vào lại cho là nhà tao chạy theo thế lợi'”.
Đây là câu thơ mô tả Tôn Thiệu Tổ:
Người đâu hung ác lạ lùng
Khác gì giống sói ở vùng Trung San
Bấy lâu tình ái quên tràn
Kiêu dâm chỉ việc mê man tháng ngày
Bảo Ngọc thương xót chị lấy phải chồng hung ác nên van xin mẹ can thiệp. Vương phu nhân chỉ đáp rằng: “Con gái lấy chồng cũng như bát nước đã bị đổ. Đã là con gái ai chẳng phải đi lấy chồng; đã về nhà người ta thì bên nhà gái còn nhìn ngó gì được, cái đó chẳng qua là do số phận nó thế, được người chồng tốt thì hay, nhưng gặp phải đứa xấu cũng đành chịu vậy, người ta hay nói: “Lấy gà phải theo gà, lấy chó phải theo chó.”
Sói Trung San trong tích cổ (xem phần dưới)
Đến đây cần phải bàn một chút về hệ thống hôn nhân trong Hồng Lâu Mộng. Như chúng ta đã biết, ở Kim Lăng có bốn gia đình danh gia vọng tộc Giả Sử Vương Tiết, trong đó nhà họ Giả là đứng đầu. Theo học giả Eugene Cooper đã chỉ ra trong nghiên cứu Patterns of Cousin Marriage in Rural Zhejiang and in Dream of the Red Chamber, những người đàn ông thuộc chi trưởng trong nhà họ Giả đều lấy vợ là tiểu thư của ba gia tộc còn lại. Bốn thế hệ con dâu trong Hồng Lâu Mộng lần lượt thuộc họ Sử (Giả mẫu), họ Vương (Vương phu nhân và Phượng Thư), họ Tiết (Tiết Bảo Thoa). Chỉ cần chiếu theo thứ tự đó cũng đủ thấy Đại Ngọc hoàn toàn không có cơ hội trở thành vợ của Bảo Ngọc. Ngược lại, những người con gái trong nhà họ Giả lại đều kết hôn với những người nằm ngoài bốn họ trên. Nguyên Xuân được tuyển vào cung, Thám Xuân gả cho một viên võ quan ở xa, Nghênh Xuân lấy con trai nhà họ Tôn, chỉ riêng Tích Xuân đến tuổi lấy chồng khi gia cảnh mạt vận nên ở vậy đi tu theo đúng ý nguyện của nàng. Tất cả đều có lý do của nó.
Nói một cách ngắn gọn, khi gả con trai, cái mà nhà họ Giả nhắm đến là tài sản. Những nàng dâu thuộc họ Sử, họ Tiết, họ Vương, không chỉ mang về món hồi môn béo bở mà còn là chỗ dựa vững chắc về tài chính nhỡ có lúc nhà họ Giả sa cơ lỡ vận. Tuyển vợ từ ba gia tộc giàu có là cách nhà họ Giả quy tụ hết tiền của về một mối. Ngược lại, khi gả con gái, cái mà nhà họ Giả nhắm đến là quan hệ. Vì vậy những bậc trưởng bối trong nhà khi ấn định chuyện trăm năm của con gái thường chọn những gia đình quyền thế ở xa, thậm chí càng xa càng tốt. Đó là cách họ mở rộng phạm vi quyền lực thông qua hôn nhân. Ta có thể thấy điểm tương đồng trong những câu chuyện gả công chúa cho phiên bang để đổi lấy hòa bình trong lịch sử Trung Quốc. Thế nên đừng tưởng “môn đăng hộ đối” là đơn giản, bản thân cái gì “đăng,” cái gì “đối” cũng rất lắm vấn đề.
Theo quan niệm của người Trung Quốc (cũng như của Việt Nam), con gái là con người ta, vì một khi đã xuất giá thì lập tức trở thành người nhà chồng. Con dâu thì ngược lại, họ trở thành những người giữ tay hòm chìa khóa, quán xuyến mọi việc trong nhà. Ta có thể thấy điều này rất rõ trong Hồng Lâu Mộng: quyền lực trong Giả phủ chủ yếu nằm trong tay những người đàn bà ngoại tộc (Giả mẫu, Vương phu nhân, Phượng Thư). Trong khi đó mấy cô tiểu thư mang họ Giả hầu như không nhúng tay vào các việc trong nhà, ngoại trừ Thám Xuân có thể hiện bản lĩnh tí chút. Vai trò người phụ nữ được phân định rạch ròi dựa trên địa vị con gái-con dâu của họ, tất nhiên ở từng hạng mục lại chia ra chi trưởng-chi thứ, vợ cả-vợ lẽ, v.v,…Con dâu mang của cải về nên được lãnh nhiệm vụ cai quản tiền bạc, còn con gái đằng nào cũng gả đi nên chỉ cần tập trung làm đẹp, may vá thêu thùa, điểm thêm chút tài năng là được.
Những cô tiểu thư trong Giả phủ, vì thế, chẳng khác nào những món hàng được bày bán, chỉ chờ ngày “xuất xưởng”. Họ là những con tốt được người lớn dùng để đổi lấy địa vị và uy quyền, còn bản thân họ có hạnh phúc trong hôn nhân không thì nào ai quan tâm đến. Số phận của Nghênh Xuân thế là đã được an bài. Người họ Giả xót xa thương cảm cho nàng nhưng không phẫn nộ hay tìm cách trả thù nhà họ Tôn, bởi việc nàng bị Tôn Thiệu Tổ hành hạ đến chết chỉ là một thứ tổn thất ngoài dự kiến (collateral damage). Là một người đàn bà trong xã hội phong kiến, dù là một người đàn bà quý tộc đi chăng nữa, thì sướng khổ phụ thuộc chủ yếu vào may mắn mà thôi. “Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”. Ra ruộng cày còn đỡ, đằng này Nghênh Xuân rơi vào móng vuốt của loài hùm sói.
Đây là lá số tiền định của Nghênh Xuân:
Mặt sau lại vẽ một con lang dữ, đuổi bắt một mỹ nữ, định ăn thịt. Dưới có câu:
Rõ ràng giống sói Trung Sơn,
Gặp khi đắc ý ngông cuồng lắm thay.
Làm cho hoa liễu thân này,
Hoàng lương giấc mộng mới đầy một năm.
Sói Trung Sơn (Trung Sơn lang) là một nhân vật phản diện trong truyện cổ Trung Quốc, được dùng để chỉ hạng người độc ác, ăn cháo đá bát. Ông Đông Quách cứu nó khỏi tay thợ săn, nó lại trở mặt đòi xơi tái ông. Loài sói thường gắn với những gì xấu xa, dữ tợn, trong văn học phương Tây cũng có chó sói lớn Big Bad Wolf ăn thịt cô bé quàng khăn đỏ và ba chú heo con. Dùng sói Trung Sơn để miêu tả bản chất đê hèn, cục súc, lật lọng của Tôn Thiệu Tổ thật là chuẩn. Trở về trước, trong lời nói đùa của Đại Ngọc đã có dự báo về số phận của Nghênh Xuân. “Hùm sói đã đến thềm nhà” dùng để chỉ cuộc hôn nhân bất hạnh với Tôn Thiệu Tổ đã sắp xảy ra, nhưng Nghênh Xuân vẫn nhất nhất tin rằng chỉ cần giữ mình trong sạch, thiện lương sẽ được hưởng phúc. Đúng như trong Hồng Lâu Mộng khúc, tình cảnh của Nghênh Xuân là “Hỉ oan gia.” (Gặp oan gia không đáng mừng mà lại mừng). Trong vòng chưa đầy một năm, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ốm không có thuốc, thường xuyên bị hành hạ, đánh đập, chửi bới, Nghênh Xuân đã từ trần.
Thán phương hồn diễm phách,
Nhất tái đãng du du.
(Một năm duyên đã bẽ bàng
Hồn thơm phách đẹp, suối vàng xa chơi.)
Nếu theo quan điểm hiện đại, tích cực kiểu “tính cách tạo nên số phận,” thì chính sự thụ động, nhu nhược của Nghênh Xuân đã góp phần đẩy nàng đến kết cục không may. Thế nhưng nói cho cùng, ở trong xã hội của Hồng Lâu Mộng, cho dù Nghênh Xuân có vùng vẫy thế nào chăng nữa cũng khó thoát khỏi sự ấn định của gia tộc. Câu đố ứng với thân phận của nàng chính là cái bàn tính:
Trời chuyển, người xoay, lý chẳng cùng,
Người xoay trời đứng cũng không xong,
Tại vì tính toán quanh co mãi,
Mà số âm dương vẫn chửa thông!
Có lẽ bởi những câu chuyện như Nghênh Xuân mà có câu “người tính không bằng trời tính” chăng? Nữa là không tính gì cả…
*
*
No comments:
Post a Comment