Wednesday, April 19, 2017

Đọc Kim Dung: từ đại hiệp Quách Tĩnh đến "tình thánh" Dương Quá

Xạ điêu tam bộ khúc” là bộ ba tiểu thuyết võ hiệp Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký gộp lại mà thành, trải dài từ sự hình thành của đế chế Mông Cổ cho tới khi quân Minh đánh đổ nhà Nguyên. Trong đó, hai tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp Lữ có quan hệ chặt chẽ hơn hẳn Ỷ Thiên Đồ Long Ký xảy ra sau đó tận 80 năm. Chính vì vậy hai nhân vật chính Quách Tĩnh-Dương Quá cũng thường xuyên được đem ra đặt lên bàn cân so sánh.


Quách Tĩnh hồi bé. 

Nhà phê bình Trần Mặc đã nhận xét rất xác đáng: “Linh cảm xây dựng hình tượng Dương Quá về cơ bản là xuất phát từ việc so sánh với hình tượng đại hiệp Quách Tĩnh mà ra. Quách Tĩnh chậm chạp ngốc nghếch, Dương Quá thì thông minh lanh lợi; Quách Tĩnh chính trực đôn hậu, Dương Quá thì mẫn cảm thiên kiến; Quách Tĩnh trầm tĩnh vụng nói, Dương Quá thì nhiệt tình giỏi biện luận; Quách Tĩnh chuyên nhất cố chấp, Dương Quá thì giảo hoạt đa biến; Quách Tĩnh xuất thân trong sạch, Dương Quá thì thân thế có bí ẩn và vết nhơ. Nếu ví tính cách của Quách Tĩnh như một khối đá vững chắc, không lay chuyển; thì tính cách của Dương Quá giống như một chất lỏng nóng chảy, mẫn cảm, lưu động, có lúc sưởi ấm lòng người, làm tan băng giá, nhưng có lúc lại đốt cháy người khác, thậm chí dẫn đến hủy diệt họ. Tóm lại, hình tượng Quách Tĩnh là mẫu mực chính tông của thế giới võ hiệp, còn hình tượng Dương Quá là một thứ khác hẳn, trái với mẫu mực của thế giới võ hiệp.”

Những ai đã đọc Kim Dung dù ít dù nhiều đều có thể kiểm chứng tính xác thực của những luận điểm trên. Cũng có nhà phân tích cho rằng Quách Tĩnh là tiêu biểu của Nho gia còn Dương Quá là tiêu biểu của Đạo gia, Quách Tĩnh mang gương mặt của Trung Hoa đại lục còn Dương Quá là một Hong Kong ngạo nghễ,… Ở bài này, thay vì “cày xới” lại những điều đã cũ, chúng ta hãy cùng tiếp cận hai nhân vật này từ một hướng khác – cảnh quan địa lý.

Quách Tĩnh tuổi thiếu niên

Những địa danh xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung không đơn thuần là nơi diễn ra cảnh máu chảy đầu rơi hay những cuộc hội ngộ phi phàm. Chúng có một thứ linh hồn đặc biệt, siêu thực, vĩnh viễn ngự trị trong trí tưởng tượng của người đọc. Việc những địa danh này liệu có tồn tại trong thực tế không chẳng còn quan trọng nữa, bởi chúng đã được khắc sâu trong tiềm thức của giới “Kim mê” bằng những nét bút kỳ ảo. Ai có thể quên được Nhạn Môn Quan đầy tình ý thê lương trong Thiên Long Bát Bộ, Hắc Mộc Nhai thần bí của Tiếu Ngạo Giang Hồ, hay Quang Minh Đỉnh hùng vĩ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký? Nhưng có lẽ không có tác phẩm mà cảnh quan địa lý lại đóng vai trò cơ bản trong việc mô tả tính cách nhân vật như bộ đôi Anh Hùng-Thần Điêu.


*

Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi 

Trước hết hãy bàn về Quách Tĩnh. Thật không ngoa nếu nói hành trình của chàng trong Anh Hùng Xạ Điêu là một chuỗi các cuộc… leo núi. Chỉ cần điểm lại mà xem, ta sẽ thấy Quách Tĩnh liên tục chinh phục những đỉnh cao.


Lần thứ nhất, chú bé Quách Tĩnh chấp nhận thử thách của Giang Nam Lục Quái, trèo lên núi giữa đêm khuya khoắt để bái sư.

Lần thứ hai, cậu thiếu niên Quách Tĩnh lại leo lên đỉnh núi hiểm trở mỗi tối để học phép tu luyện nội công thượng thừa của đạo trưởng Mã Ngọc.

Lần thứ ba là khi chàng bắt Đô Sử lên núi để gây áp lực cứu Thiết Mộc Chân (sau là Thành Cát Tư Hãn), từ đó được phong làm Kim Đao phò mã.

Lần thứ tư, Quách Tĩnh chạy lên núi Thiết Chưởng để bảo vệ Vũ Mục di thư của Nhạc Phi, cuốn binh pháp này về sau sẽ giúp chàng cầm quân bách chiến bách thắng.

Lần thứ năm, chàng ta cõng Hoàng Dung lên núi tìm Nhất Đăng Đại Sư để xin chữa thương.

Lần thứ sáu, chàng leo lên đỉnh Cây Trọc mong gặp lại người yêu.

Lần thứ bảy, cũng coi như “lễ tốt nghiệp” của chàng khờ Quách Tĩnh – là cuộc luận kiếm tại Hoa Sơn với các đại cao thủ võ học.

Bìa sách Anh Hùng Xạ Điêu với cảnh núi non

Bảy lần leo núi được Kim Dung bố trí khéo léo trong Anh Hùng Xạ Điêu để tương ứng với những cột mốc trưởng thành của Quách Tĩnh. Từ một chú bé mồ côi cha đáng thương, Quách Tĩnh vụt sáng thành thiếu niên anh hùng, rồi lại trở thành đại hiệp lừng lẫy đương thời. Có hai điểm cần lưu ý về hành trình leo núi của Quách Tĩnh:

– Thứ nhất, mỗi lần leo núi Quách Tĩnh đều giành được một vật báu nào đó: khi là bí quyết võ học, khi là binh thư, khi là ngôi Kim Đao phò mã, khi là cách đánh thành,.. Thế nhưng điều chàng nhắm tới mỗi khi chinh phục đỉnh cao không bao giờ là võ công, của cải, hay danh vọng. Thứ thúc đẩy Quách Tĩnh luôn là danh dự và tình cảm dành cho những người xung quanh: với sư phụ, với Đại Hãn, với người yêu. Và đúng như hiện tượng “vô tâm trồng liễu liễu xanh rờn,” Quách Tĩnh luôn được số phận tưởng thưởng: chàng dần học được nội công Huyền môn của phái Toàn Chân và Nam đế, triệt thành Hoa Thích Tử Mô, giành lấy trái tim của Hoàng Dung,.. Càng quên mình, Quách Tĩnh càng may mắn. Ngược lại, những kẻ ham hố theo đuổi võ công, quyền lực, nhan sắc trong Anh Hùng Xạ Điêu như Âu Dương Phong, Âu Dương Khắc, Cầu Thiên Nhận đều nhận phải quả đắng. Luật nhân quả được Kim Dung áp dụng triệt để trong tác phẩm này.

Quách Tĩnh cùng Hoàng Dung trên đỉnh núi

– Thứ hai, những lần leo núi của Quách Tĩnh không đơn thuần là thử thách về thể lực. Ý nghĩa tượng trưng ở đây có thể nói là rõ mồn một. Mỗi lần Quách Tĩnh chinh phục một đỉnh cao là một lần chàng vượt qua chính mình, một lần lột xác: khả năng võ học của chàng mỗi lúc lại mạnh hơn, chàng cũng trở nên lịch duyệt giang hồ, không còn là cậu bé ngờ nghệch nữa. Thế nhưng Kim Dung đã rất tinh tế khi cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Quách Tĩnh vẫn không hề thay đổi! Xin thử đối chiếu hai đoạn dưới:

Y giữa tuyệt cảnh chợt nghĩ tới hai câu Tứ sư phụ từng nói:
– Không có việc gì khó. Chỉ e kẻ có lòng.
Nghĩ thầm trước sau cũng chết. ở đây tiến lui đều không được thì chẳng bằng cố sức bò lên, lúc ấy bèn rút đoản đao ra từ từ khoét vào vách núi mấy tấc, kế đó lại khoét lỗ phía trên. Y cố gắng như thế lại lên được thêm hơn một trượng, đã mệt tới mức đầu váng mắt hoa, tay chân mềm nhũn.

Quách Tĩnh

Đây là tình cảnh Quách Tĩnh lần đầu leo lên núi để học Mã Ngọc.

Y ngẩng đầu nhìn, đột nhiên bộp một tiếng, chiếc mũ da trên đầu rơi xuống mặt tuyết, trong chớp mắt ấy đã quyết định:
– Nếu mình không gặp được Dung nhi thì sống chẳng bằng chết. Ngọn núi này tuy hiểm trớ, nhưng nhất định mình phải liều mạng mà lên, cho dù sẩy chân ngã xuống chết thì cũng là làm theo ý nàng một lần.
Nghĩ tới đó, trong lòng lập tức khoan khoái.

Quách Tĩnh – Hoàng Dung

Đây lại là lúc Quách Tĩnh bị Hoàng Dung “làm khó,” bắt chàng ta phải leo lên ngọn Cây Trọc đóng băng trơn tuột mới được gặp mặt tạ tội. Cho dù mục đích cũng như phương thức leo núi của Quách Tĩnh có khác nhau, nhưng về cơ bản thì tính cách quật cường, kiên trinh, bướng bỉnh của Quách Tĩnh vẫn nhất nhất như một. Thà chết không từ, nhất nhất dấn thân, bản sắc anh hùng của Quách Tĩnh là vậy: thuần khiết, đơn giản, thậm chí cậu ta cũng không hề nghĩ mình đang đóng vai anh hùng.
*
Dương Quá – Chọn vực sâu để suốt đời tri kỷ 

Trái ngược với Quách Tĩnh, nhân vật Dương Quá lại có một đường đời rất khác.

Nơi đầu tiên chúng ta gặp mặt chàng là một căn hầm đất nấu rượu bỏ hoang – nơi chú bé Dương Quá rách rưới cư ngụ sau khi mẹ qua đời. Được Quách Tĩnh đem về nuôi nấng và đưa tới núi Chung Nam học đạo, Dương Quá không những không tuân theo môn quy mà còn trở thành đào đồ. Chàng gia nhập phái Cổ Mộ, từ đó cùng Tiểu Long Nữ cư trú trong Hoạt Tử Nhân Mộ, tránh ánh mặt trời. Về sau dòng đời xô đẩy đưa Dương Quá tới Tuyệt Tình Cốc, một thung lũng kín đáo ít người biết tới. Dưới đáy sâu của Tuyệt Tình Cốc lại có thêm một tầng nữa: đầm cá sấu chứa nữ tù nhân Cừu Thiên Xích do chính chồng bà ta giam cầm.

Trên đường lưu lạc giang hồ, Dương Quá có trôi dạt tới hang đá có mộ phần của Độc Cô Cầu Bại – đó cũng là nơi chàng gặp gỡ Điêu huynh, luyện Huyền Thiết Trọng Kiếm, sáng tạo ra Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng. Sau 16 năm truân chuyên lạc mất người tình, chàng lao đầu xuống đáy Đoạn Trường Nhai, tái hợp Tiểu Long Nữ. Kết thúc câu truyện, Dương Quá dắt tay Tiểu Long Nữ trở về Cổ Mộ, kể từ ấy “Thần điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ.”

Minh họa Dương Quá và Tiểu Long Nữ

Khác với Quách Tĩnh, Dương Quá không mặn mà tha thiết gì với núi non. Khi bị đưa tới núi Chung Nam và nhập phái Toàn Chân, phản ứng của Dương Quá là uất hận, nổi loạn, và chạy trốn. Hai lần lên núi Hoa Sơn, chàng cũng mau chóng rời đi. Trong truyện Kim Dung, những ngọn núi luôn là biểu tượng của nam tính phồn thực, tuyệt đỉnh võ học, và khí khái anh hùng kiểu Nho gia. Sự chối bỏ của Dương Quá với núi Chung Nam, và cả núi Hoa Sơn sau này, chính là thái độ quay lưng với tất cả những giá trị đó. Những chặng đường của Dương Quá, trái ngược với Quách Tĩnh, luôn gắn liền với hang động, hầm sâu, vực tối. Chúng là biểu tượng của bóng đêm lạnh lẽo và cái chết; của nữ tính, âm tính; của sự cô độc và chối bỏ. Vì sao Kim Dung lại có quyết định như vậy?

Lý do thứ nhất nằm ở mục đích sáng tác. Anh Hùng Xạ Điêu, trên hết, là câu chuyện về “anh hùng.” Phía sau những diễn biến giang hồ, từ trang đầu tiên cho đến chương cuối cùng, là bức phông nền quốc gia, chính trị, xã tắc. Nỗi đau mất nước của người dân Tống, cuộc chiến chống Kim, xung đột với Mông Cổ,.. luôn hiển hiện trong từng trang sách. Quy trình “trèo lên đỉnh núi cao vời vợi” vừa xác lập tính cách trượng nghĩa cổ điển của Quách Tĩnh, vừa khẳng định uy thế bất diệt của Hán tộc trước ngoại tộc. Ở tuổi trung niên, Bắc hiệp Quách Tĩnh vẫn có thể thi triển “Thượng thiên thê” leo lên thành trước mặt hàng vạn quân địch, chính là tiếp nối mạch truyền thống này.

Bìa cuốn Thần Điêu Hiệp Lữ

Thần Điêu Hiệp Lữ, trái lại, là câu chuyện về một đôi tình lữ thần tiên. Nó vừa là tiểu thuyết võ hiệp có thiên hướng lãng mạn nhất của Kim Dung, vừa là bức tranh sinh động về các cung bậc tình cảm. Trong suốt câu chuyện, nhân vật Dương Quá không chỉ trải nghiệm mối tình sắt son với Tiểu Long Nữ mà còn bị giằng xé bởi chữ hiếu với người cha đã khuất Dương Khang, tình nghĩa huynh đệ, tình cảm sư đồ, và không loại trừ lòng yêu nước đau đáu. Hành trình bildungsroman của Quách Tĩnh thẳng tắp một đường còn Dương Quá thì lạc lối trong mê cung cảm xúc. Bị thu hút bởi nữ giới và tà khí, nhiều khi chàng quay cuồng trong bóng tối của chính tâm hồn mình. Tuyệt Tình Cốc, Hoạt Tử Nhân Mộ, Kiếm Mộ nằm ngầm dưới lòng đất chính là biểu tượng cho những ngõ ngách tâm lý cùng niềm đau giấu kín của con người.

Lý do thứ hai, Kim Dung cố tình khắc họa một Dương Quá thoắt ẩn thoắt hiện nơi âm u, cách biệt với thế giới để biến chàng thành người hùng cô độc. Từ nhỏ đến lớn, Dương Quá luôn là kẻ thách thức quyền uy, đảo lộn trật tự. Những hành động mang tính “phản nghịch” của chàng như lấy sư phụ làm vợ, nhận Âu Dương Phong làm cha, ám sát Quách Tĩnh,…khiến chàng mãi mãi là kẻ đứng ngoài lề võ lâm chính thống. Trong truyện Kim Dung, võ lâm chính là nhân sinh. Nếu Quách Tĩnh có thể đường hoàng ngồi ở vị trí Bắc Hiệp trang trọng trong thành Tương Dương thì Dương Quá vĩnh viễn đeo tấm mặt nạ u buồn, giấu hình giấu tên, không lộ tung tích.

Dương Quá

Về cuối truyện, Kim Dung để cho Dương Quá lập đại công được người người tung hô, nhưng chàng vẫn cầm tay Tiểu Long Nữ trở lại Hoạt Tử Nhân Mộ để sống nốt cuộc đời như mộng. Hơn ai hết, Dương Quá ý thức được rằng cái tôi cá nhân của chàng vốn không thể dung hòa cùng tập thể vốn quá nhiều lễ giáo khắt khe. Giống như tiền bối Độc Cô Cầu Bại, Dương Quá chấp nhận chọn cách tự tách biệt khỏi xã hội, miễn sao có tri kỷ bên cạnh. Độc Cô Cầu Bại có Thần Điêu bầu bạn, Dương Quá cũng chỉ cần một mình Tiểu Long Nữ là đủ cho chàng trên thế gian này.

*

Hoạt Tử Nhân Mộ: mồ chôn của những khối lửa lòng

Trong số những địa điểm của Thần Điêu Hiệp Lữ, Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc là hai nơi chứa đựng nhiều ẩn dụ nhất, mà theo John Christopher Hamn là “tấm lưới của huyền thoại và ngụ ngôn rành rành.”

Hoạt Tử Nhân Mộ là mật thất nằm ẩn dưới chân núi Chung Nam – nó vừa là cơ sở của phái Cổ Mộ, vừa là chốn hạ lạc của người sáng lập Lâm Triều Anh. Vốn dĩ là nơi giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương xây lên làm cơ sở chống quân Kim, Hoạt Tử Nhân Mộ được chuyển quyền sở hữu sang Lâm Triều Anh sau khi bà ta thắng cuộc Vương Trùng Dương.

Lâm Triều Anh trong trí tưởng tượng của các… game thủ. 

Nhưng mục đích của Lâm Triều Anh khi thách thức Vương Trùng Dương không phải để thỏa mãn lòng tự kiêu, càng không phải để giành lấy Hoạt Tử Nhân Mộ, mà lại xuất phát từ tình cảm yêu đương nồng thắm với Vương Trùng Dương. Kết cục không những kế hoạch chống Kim của Vương Trùng Dương thất bại mà mộng uyên ương của Lâm Triều Anh cũng tan vỡ. Từ đó tòa mật thất trở thành mồ chôn cả tham vọng chính trị của người đàn ông lẫn giấc mơ hôn nhân của người đàn bà.

Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh cả đời không kết hôn – tòa mật thất này là cái chung duy nhất của hai người bọn họ. Nói một cách khác, nó là ẩn dụ về đứa con do họ cùng tạo ra. Vương Trùng Dương xây lên phần xác, Lâm Triều Anh thổi vào nó phần hồn. Thế nhưng cả hai người sáng lập lòng đều nguội lạnh như tro tàn, bởi thế Hoạt Tử Nhân Mộ có nghĩa nôm na là “mộ của người chết còn hoạt động.” Phái Cổ Mộ chính là kết tinh võ học nảy sinh từ vết thương lòng của Lâm Triều Anh.

Vương Trùng Dương

Yếu quyết của phái Cổ Mộ, vì thế, chuyên chú vào việc giới hạn thất tình lục dục của con người. Phép tu luyện dưỡng sinh của “Ngọc Nữ công” phái Cổ Mộ có mười hai yếu quyết chữ Thiểu là: “Thiểu tư, Thiểu niệm, Thiểu dục, Thiểu sự, Thiểu ngữ, Thiểu tiếu, Thiểu sầu, Thiểu lạc, Thiểu hỉ, Thiểu nộ, Thiểu hiếu, Thiểu ố (ít suy, ít nghĩ, ít ham muốn, ít làm việc, ít nói, ít cười, ít buồn, ít sướng, ít vui, ít giận, ít ưa thích, ít ghét bỏ). Không những phái Cổ Mộ là một phái toàn đàn bà, mà dường như từ sư phụ chí đồ tử đồ tôn đều lạnh lùng ít nói, bất cận nhân tình. Theo quy định, phái Cổ Mổ không nhận đệ tử nam giới. Những nữ đệ tử khi tham gia cũng phải thề cả đời không rời khỏi Hoạt Tử Nhân Mộ. Nếu cứ chiếu theo đó thì cả phái Cổ Mộ từ trên xuống dưới đều là “người chết di động.”

Tuyệt Tình Cốc: nơi ẩn náu của những kẻ “muốn” tuyệt tình

Trong khi ấy, lịch sử của Tuyệt Tình Cốc lại cũng có điểm tương tự với Hoạt Tử Nhân Mộ. Mấy trăm năm trước đó, Đường Minh Hoàng mê luyến Dương Quý Phi đến nỗi bỏ bê triều chính, dẫn tới loạn An Lộc Sơn. Một vị quan trong triều chán ngán thế sự liền rũ áo đến ẩn cư trong sơn cốc, lập ra môn phái riêng. Cái tên Tuyệt Tình Cốc chính là nhấn mạnh ý tứ “dùng kiếm tuệ cắt đứt tơ lòng.” Những đệ tử nơi đây dường như đã thực sự đạt đến cảnh giới “tuyệt tình”: họ đều mặc áo xanh, đi lại nhẹ nhàng ít nói cười, không ăn thịt uống rượu để tránh làm tổn thương đến công phu võ học, và né tránh tất cả những thứ tư tình nam nữ. Cốc chủ Công Tôn Chỉ là một kẻ có dung mạo thanh cù, cốt cách tiêu sái, tưởng chừng như sắp sửa đắc đạo tới nơi!

Trong Tuyệt Tình Cốc có mọc một thứ hoa lạ: Tình Hoa. Giữa sơn cốc nảy sinh Tình Hoa đã là một sự lạ đời, nhưng kỳ quặc hơn cả là loài hoa này thường được sử dụng như một thứ vũ khí. Tình Hoa chính là ngụ ngôn của tình yêu: nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng lại có gai vô cùng sắc nhọn, và quả của nó đa phần không ăn được. Kỳ thực trong toàn bộ Thần Điêu Hiệp Lữ thì Tình Hoa chính là thứ độc dược đáng sợ nhất.

Hoạt Tử Nhân Mộ: từ trên xuống dưới chỉ nghĩ đến tình

Đến đây ta có thể thấy một số điểm tương đồng rõ rệt giữa Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc.

Nguồn gốc của Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc đều có gắn bó mật thiết với chữ tình, hay nói đúng hơn, sự tàn phá của tình. Những người thành lập (Lâm Triều Anh, Công Tôn tổ sư) đều gánh chịu những bài học đau đớn do tình yêu/tình dục gây ra, tất dẫn đến cảnh “con chim sợ cành cong.” Điều này đưa chúng ta tới điểm tương đồng thứ hai: cả hai xã hội bé nhỏ trong Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc đều vận hành dựa trên sự tự giới hạn bản thân, trên hết là kiềm chế tình yêu/tình dục. Ái tình nam nữ bị coi như độc trùng, mãnh thú. Nhìn bề ngoài có thể tạm coi Hoạt Tử Nhân Mộ tối tăm khắc khổ là một Dystopia, còn Tuyệt Tình Cốc u nhã xinh đẹp là một Utopia.

Có điều dường như ấn tượng ban đầu đó có phần sai lệch. Cuộc sống nơi Cổ Mộ không thực sự “tắt hẳn” như ta tưởng. Trái tim Lâm Triều Anh liệu có hoàn toàn nguội lạnh với Vương Trùng Dương hay không? Rõ ràng là không, bởi trong cô đơn bà đã sáng tạo ra môn Ngọc Nữ Kiếm Pháp – nó là tâm sự giấu kín trong trái tim người ngọc, là bức thư tình bằng võ học bà gửi cho Vương Trùng Dương. Từng điểm từng điểm của Ngọc Nữ Kiếm Pháp tưởng chừng là đối chọi với Toàn Chân Kiếm Pháp, nhưng thực ra uy lực của chúng mạnh nhất khi song kiếm hợp bích, cùng kề vai kháng địch. Khi Dương Quá theo chân Quách Tĩnh lên núi Chung Nam học nghệ, có nằm mơ cậu ta cũng không thể tưởng tượng dưới chân núi lại có một Hoạt Tử Nhân Mộ – một nơi mà từ người sáng lập, võ công, cho đến những địa đạo đầy cạm bẫy đều là khắc tinh của phái Toàn Chân. Thế nhưng trên thực tế, phái Cổ Mộ và phái Toàn Chân như hai cực âm dương, tuy đối lập nhau đấy nhưng khi kết hợp với nhau lại trở nên hoàn hảo.

Nghi thức của phái Cổ Mộ có điểm hài hước: mọi đệ tử khi gia nhập đều phải… nhổ nước bọt vào bức chân dung Vương Trùng Dương. Nhưng bức chân dung này do tay ai vẽ? Chính là Lâm Triều Anh. Những bức thư Vương Trùng Dương gửi cũng được bà ta cất giữ vô cùng cẩn thận. Lâm Triều Anh không chỉ giữ gìn kỷ vật của người yêu cũ mà khát vọng được cùng Vương Trùng Dương bái thiên địa, động phòng hoa chúc cũng chưa bao giờ tắt trong bà. Đến khi chết, bà vẫn giữ “mấy thứ trang điểm của cô dâu, như mũ phượng đính ngọc, khăn hồng trùm đầu, bộ quần áo lụa đỏ” cùng các thứ trâm vòng trang điểm của tân nương. Nỗi tiết hận trong lòng Lâm Triều Anh là có thực, nhưng niềm nhung nhớ cũng là có thực nốt. Thử hỏi người sáng lập môn phái đã tiền hậu bất nhất thì làm sao các đệ tử có thể tin rằng “nam tử trong thiên hạ không có ai tốt đẹp?”

Minh họa Lâm Triều Anh và Vương Trùng Dương

Người sáng lập đã như vậy nên những nữ nhân vật còn lại của phái Cổ Mộ cũng không hề lãnh đạm. Tôn bà bà có bộ mặt xấu xí nhưng trái tim ấm áp chính là người cứu vớt Dương Quá. Lý Mạc Sầu tuy thân làm đạo cô nhưng đi đến đâu cũng hát câu “Hỏi thế gian tình là chi vậy,” trong lòng nàng ta vẫn đeo nặng mối hận tình hàng chục năm trước. Quá trình tu luyện “không yêu không giận” Tiểu Long Nữ trải qua từ tấm bé cũng không bảo vệ nổi trái tim nàng trước tình cảm nồng nhiệt của Dương Quá. Cho dù có trăm ngàn bí quyết tu luyện đi chăng nữa thì vẫn phải khuất phục trước tình ái, nhất là khi chính bản thân Tổ sư bà bà cũng không thể làm chủ lòng mình. “Ngọc Nữ công” rõ ràng chỉ là một thứ công phu tưởng tượng. Có lẽ chính vì vậy mà trong môn quy của phái Cổ Mộ có cho phép nữ đệ tử được ra khỏi Hoạt Tử Nhân Mộ, miễn là có một chàng trai nguyện chết vì nàng.

Tuyệt Tình Cốc: bị Tình Hoa làm cho điên đảo

Hoạt Tử Nhân Mộ đã không phải là một Dystopia đúng nghĩa thì địa đàng Tuyệt Tình Cốc cũng không thực sự êm đềm. Ẩn sâu dưới vẻ yên bình đấy là tầng tầng lớp lớp thù hận, dối trá, thèm khát,… Trái với lớp vỏ đạo mạo, cốc chủ Công Tôn Chỉ là một kẻ ong bướm xấu xa. Đi ngược lại nghiêm huấn của tổ tiên, y lén vợ yêu thương một người thiếp là Nhu Nhi. Khi bị vợ phát hiện, không những y giết hại Nhu Nhi để vợ lơi lỏng cảnh giác, mà còn máu lạnh đẩy vợ xuống đầm cho cá sấu ăn thịt. Vừa gặp Tiểu Long Nữ xinh đẹp, vị cốc chủ đạo mạo liền tìm trăm phương nghìn kế cưỡng bức nàng làm vợ, thậm chí sẵn sàng giết chết con gái không thương tiếc.

Dưới đáy của đầm cá sấu lại có Cừu Thiên Xích. Nỗi căm hờn đã đầu độc trái tim bà ta, khiến Cừu Thiên Xích trở thành một nữ ác nhân. Cô gái trinh nguyên Công Tôn Lục Đài thì chính là hình ảnh phản chiếu của Tiểu Long Nữ: một thiếu nữ trong sáng như gương, từ bé đã học cách kiềm chế tình cảm, và cũng… vô phương trước lực hấp dẫn của Dương Quá. Oái oăm thay, chính những cư dân của Tuyệt Tình Cốc lại bị chữ tình hành hạ đến điên dại.

Nếu Tuyệt Tình Cốc là địa đàng thì loài Tình Hoa chính là biểu tượng của trái cấm-tình yêu. Những cư dân của Tuyệt Tình Cốc vừa thờ phụng, vừa sợ hãi, lại vừa khao khát nó. Địa đàng Tuyệt Tình Cốc rốt cuộc cũng vì trái cấm này mà tan nát. Công Tôn Lục Ngạc thì trở thành một thánh nữ tử vì tình. Công Tôn Chỉ và Cừu Thiên Xích cả đời thù hằn nhau, cuối cùng khi chết lại da thịt lẫn lộn dưới đáy hang. Những đồ đệ dưới trướng Công Tôn Chỉ, trừ Phàn Nhất Ông, không ai thoát khỏi cái chết. Chẳng có kẻ thù bên ngoài nào tới đánh giết Tuyệt Tình Cốc, chính ảo mộng tình yêu khiến họ tự hại nhau, chứng tỏ dù có hô vang khẩu hiệu “tuyệt tình” thì con người vẫn bất lực trước số mệnh. Không phải ngẫu nhiên mà khi mới gặp Công Tôn Lục Ngạc, Dương Quá đã nhắc tới câu chuyện về “hồng nhan họa thủy” Bao Tự và Chu U Vương. Cảnh mất nước của nhà Chu chính là lời tiên tri dành cho Tuyệt Tình Cốc.

Công Tôn Chỉ, Tiểu Long Nữ, Dương Quá chiến đấu trên Đoạn Trường Nhai

Kết luận về hai “hang ổ”

Qua hai hiện tượng Hoạt Tử Nhân Mộ lẫn Tuyệt Tình Cốc, ta có thể thấy quá trình đè nén “thất tình lục dục” không những không có hiệu quả mà còn có tác dụng ngược, dẫn đến một thứ ung nhọt tâm lý, càng dồn ép lại càng biến dạng tới mức phi nhân tính. Con người ta có thể chết chứ không thể chối bỏ được tình yêu. Khi câu chuyện Thần Điêu Hiệp Lữ đi tới hồi kết, hầu như tất cả các nhân vật chính của hai phái Cổ Mộ – Tuyệt Tình Cốc đều bị trúng nọc của Tình hoa. Có người được tình yêu cứu rỗi như Tiểu Long Nữ, có kẻ vì nó mà bị huỷ diệt như Lý Mạc Sầu, lại có người vì tình mà hy sinh như Công Tôn Lục Ngạc, nhưng tất cả đều trải qua đau đớn vô cùng. Yêu là chết ở trong lòng nhiều lắm thay!

*

Biểu tượng của máu

Thứ gắn kết số phận Hoạt Tử Nhân Mộ và Tuyệt Tình Cốc là gì? Chính là chàng trai Dương Quá. Sự xuất hiện của chàng đã kích hoạt những cảm xúc bị ức chế, dồn nén của những con người “tuyệt tình”, “thiểu dục” kia, chẳng khác nào hòn sỏi rơi xuống mặt hồ phẳng lặng hay que diêm ném vào đống cỏ khô. Dương Quá dần len lỏi vào trái tim Tiểu Long Nữ, khiến nàng muốn nếm trải cuộc sống phù hoa, rồi lại vì kiếm tìm nàng mà tới Tuyệt Tình Cốc, khuấy động cảnh lặng lẽ nơi đây. Đúng như Trần Mặc đã nhận xét “…tính cách của Dương Quá giống như một chất lỏng nóng chảy, mẫn cảm, lưu động, có lúc sưởi ấm lòng người, làm tan băng giá, nhưng có lúc lại đốt cháy người khác, thậm chí dẫn đến hủy diệt họ.”

Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Minh họa từ internet

Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, bên cạnh “tình thánh” Dương Quá còn có hình tượng máu là ẩn dụ cho tình cảm con người: sôi nổi ấm áp và luôn hiện hữu trong ta. Có ba dẫn chứng:

Thứ nhất, những cư dân trong Tuyệt Tình Cốc luôn ăn chay vì chỉ một giọt máu cũng đủ phế bỏ võ công của họ. Ở đây ta thấy lặp lại motif tự hạn chế mình. Chối bỏ tình hay tuyệt tình là một hành vi trái tự nhiên cũng như tránh né máu – một thứ vốn có sẵn trong cơ thể con người. Trần Mặc đã nhận xét: “Cái gọi là công phu bế huyệt, kỳ thực chỉ là công phu tự kìm nén điển hình. Để bảo đảm công phu ấy hữu hiệu lâu dài, Công Tôn Chỉ đành phải kiêng ăn uống chất tanh, tức là tự kìm nén mình. Đồng thời để duy trì tình trạng ấy, không cho chất tanh quyến rũ mình, Công Tôn Chỉ bắt tất cả mọi người ở Tuyệt Tình cốc đều phải ăn chay, tức là không chỉ kìm nén mình, mà còn kìm nén người khác. “

Thứ hai, khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ bắt đầu yêu nhau, chàng đã cắt tay lấy máu cho nàng uống để phục hồi công lực. Quá trình truyền máu này có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một phần tình cảm nồng nàn của Dương Quá đã được chuyển sang Tiểu Long Nữ, nhờ đó nàng không còn là cô gái băng tuyết hay “hoạt tử nhân” nữa. Từ giây phút này, Tiểu Long Nữ có thể tái hoà nhập thế giới của con người biết yêu thương. Kim Dung đã lấy cảm hứng từ nghi thức kết nghĩa huynh đệ cổ điển “cắt máu ăn thề” và biến nó thành lời tuyên thệ tình yêu.

Hình ảnh Dương Quá và Tiểu Long Nữ trong phim dựa theo tác phẩm

Thứ ba, khi gặp lại Dương Quá ở Tuyệt Tình Cốc, nỗi bi ai đã khiến Tiểu Long Nữ thổ huyết. Một mặt có thể coi như đây là sự đền đáp cho lần “nợ máu” trước kia, mặt khác nó cũng khẳng định sức nặng tình cảm của Tiểu Long Nữ. Những người xung quanh khi chứng kiến đều hiểu “hai người tình thâm ái thiết, dĩ vãng từng có uyên nguyên cực sâu với nhau.” Thế nhưng họ không biết rằng công phu tu luyện của Tiểu Long Nữ cốt yếu không được nảy sinh tạp niệm, nàng càng tương ái Dương Quá thì nội công lại càng suy kiệt. Vậy mà vẫn bất chấp tất cả để mà … yêu thì quả là một sự dấn thân.

Đường yêu đương khổ nạn của “tình thánh” Dương Quá

Truyện Kim Dung không thiếu những chuyện tình bị ngăn cấm: có khi là do chính tà đối ngược (Trương Thuý Sơn – Hân Tố Tố,) có khi là bởi lợi ích quốc gia (Trương Vô Kỵ – Triệu Mẫn,) có lúc đơn giản do tư thù cá nhân (Đại Ỷ Ty – Hàn Thiên Diệp). Thế nhưng dù âm thầm trốn đi hay công khai nổi loạn thì những đôi uyên ương ấy cũng sớm được “liền cánh cùng bay.” Riêng với Dương Quá-Tiểu Long Nữ, mối tình của họ đã phạm phải điều đại kỵ quá lớn, đến nỗi phải mất 16 năm để được giang hồ công nhận. 16 năm ấy vừa là thử thách, vừa là một lời bảo chứng cho tình cảm đôi lứa.

Manga dựa theo Thần Điêu Hiệp Lữ

Các nhân vật nam chính trong Kim Dung đều có giai nhân bầu bạn khi hành tẩu giang hồ, nhưng Dương Quá là một trường hợp đặc biệt. Với Dương Quá, những bài học võ có gắn bó mật thiết với những “bài học yêu,” bởi Tiểu Long Nữ vừa là sư phụ lại vừa là tình nhân của chàng. Nàng tinh thông võ học hơn, nhưng trong tình cảm họ đều ngờ nghệch như nhau. Hai người bọn họ rốt cuộc chỉ có ba phần là tình thầy trò, còn lại bảy phần là luyến ái. Chính vì sự nhập nhằng này mà cả quan hệ sư đồ lẫn khát vọng yêu đương của Dương-Long đều bị giang hồ phủ nhận, dẫn đến vô vàn trở ngại. Có thể nói nửa sau Thần Điêu Hiệp Lữ là sự trả giá của Dương Quá cho mối tình “danh bất chính ngôn bất thuận” này.


Cuộc chạy trốn khỏi phái Toàn Chân của Dương Quá là sự phản kháng lại nền ý thức hệ mà Quách Tĩnh hết lòng tuân thủ. Từ đó Dương Quá bỏ lại những quy củ Nho gia để dấn thân vào thế giới của nữ tính thâm sâu bí mật. Thế nhưng trong tình huống này Dương Quá không phải tội đồ duy nhất. Giây phút Tiểu Long Nữ chấp nhận kết nạp Dương Quá vào phái Cổ Mộ, cả hai người bọn họ đã phạm phải một tội nặng bậc nhất trong võ lâm: không tuân lời sư tổ. Hành động này đã để lại hậu hoạ khôn lường. Hạt mầm của sự nổi loạn lại được gieo rắc ở mảnh đất của tình ái, tất phải nảy ra loài cây khổ đau. Nếu chiếu theo văn học phương Tây thì họ chính là star-crossed lovers, đôi tình nhân sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Câu chuyện tình của Dương-Long trong toà Hoạt Tử Nhân Mộ có phảng phất hương vị của cổ tích, ngụ ngôn với nhiều ẩn dụ về bất hạnh, chia lìa, và trừng phạt, mà tiêu biểu nhất là ba thử thách. 


Ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá


Thử thách đầu tiên của Dương Quá sau khi bái Tiểu Long Nữ làm sư phụ là nằm ngủ trên chiếc giường hàn ngọc. Chiếc giường này có lai lịch rất lớn: đích thân Vương Trùng Dương đã đi tìm loại ngọc quý ở vùng cực Bắc giá lạnh để tặng cho Lâm Triều Anh. Trong văn học, chiếc giường vốn đã là biểu tượng của hôn nhân và gắn bó, ở đây lại nhuốm màu tư tình nam nữ nên ý nghĩa càng đậm. Thế nhưng chiếc giường này lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn: nó lạnh chứ không ấm, nó là dụng cụ luyện công chứ không phải nơi kề vai ấp má, và chỉ những người đàn bà cô đơn gối chiếc sử dụng nó chứ không hề có hơi ấm đàn ông. Mục đích sử dụng của chiếc gường đã hoàn toàn bị đảo lộn, nó trở thành nhân chứng cho trái tim lạnh lẽo của các ngọc nữ phái Cổ Mộ và sự trái khoáy của việc “tuyệt tình.”


Dương Quá qua hình dung của Hoàng Hiểu Thanh

Phải đến khi Dương Quá nằm lên nó thì ý nghĩa của chiếc giường mới hoàn toàn thay đổi. Đặt trong bối cảnh văn học, việc Tiểu Long Nữ cho phép Dương Quá cùng chia sẻ chiếc giường với nàng là có ẩn ý tình dục không thể bàn cãi. Nếu chiếc giường hàn ngọc là biểu tượng cho sự trinh nguyên của Tiểu Long Nữ thì sự có mặt của Dương Quá đã làm tan đi lớp bảo vệ đầu tiên và mở đường cho những rung động sau này. Bầu máu nóng của chàng trai trẻ mau chóng làm ấm lên chiếc giường và cả trái tim người thiếu nữ. Từ đó chiếc giường hàn ngọc thành nơi giao hoà của hai giới, có thể nói là đã chứng giám cho mối tình thâm của hai vị tiền bối Vương Trùng Dương-Lâm Triều Anh. Thế nhưng chiếc giường cũng khiến Dương Quá “toàn thân run bần bật, hai hàm răng gõ vào nhau cầm cập. Nằm một lát nữa, khí lạnh thấu xương, thật không tài nào chịu nổi.” Sự tổn thương thân thể này phản chiếu việc Dương Quá bị mất cánh tay, Tiểu Long Nữ bị cưỡng hiếp và trọng thương – cái giá đầu tiên của mối tình ngang trái.

Tiểu Long Nữ trong hình dung của Hoàng Hiểu Thanh

Thử thách thứ hai của Dương Quá sau khi nhập môn phái Cổ Mộ là chộp bắt những con chim sẻ do Tiểu Long Nữ thả ra. Số lượng chim sẻ tăng từ 3 đến 81 con, phạm vi luyện tập của chàng cũng nới rộng từ gian thạch thất nhỏ ra khoảng không ngoài trời.

Hai người đi ra ngoài nhà mồ, lúc này đang là tháng Ba mùa xuân, cây lá xanh non. Dương Quá hít sâu mấy hơi, cảm thấy hương hoa thơm mát tràn vào lồng ngực, dễ chịu vô cùng. Tiểu Long Nữ mở nghiêng miệng cái túi vải, chim sẻ từ trong túi lũ lượt bay ra; lúc này hai bàn tay với mười ngón búp măng của nàng dang rộng, tay vẫy, tay phẩy, buộc những con chim sẻ đang giương cánh bay đi phải quay trở lại. Bầy chim    được sổ lồng, lẽ nào không bay đi tứ phía? Nhưng lạ thay, song chưởng của Tiểu Long Nữ chỉ làm như thế, mà toàn bộ tám mươi mốt con chim sẻ đều quần tụ ở trước mặt nàng trong phạm vi ba thước.

[…]
Cứ thế luyện tập không mệt mỏi, hết xuân qua hạ, ngày càng tiến bộ. Dương Quá thông minh dĩnh ngộ, cần mẫn dụng công, số chim sẻ chặn giữ được ngày càng tăng, đến sau Trung thu, nó đã luyện xong bộ chưởng pháp “Thiên la địa võng thế”, khi thi triển, nó có thể ngăn giữ được tám mươi mốt con chim sẻ. Nếu có con nào bay thoát, thì chỉ là vì công lực của nó chưa thuần mà thôi.


Thử thách thứ hai này, tuy không đau đớn về thể xác nhưng lại yêu cầu sự kiên trì và bền bỉ cực độ. Nó tương ứng với giai đoạn thứ hai trong chuyện tình của Dương Quá: khi chàng đi khắp thiên hạ tìm bóng người yêu. Vì hiểu lầm nhau, vì lễ giáo cản ngại, vì dòng đời xô đẩy, tổng cộng Tiểu Long Nữ đã ba lần ly khai Dương Quá, theo Trương Hải Hồng nhận xét là có tác dụng “muốn bắt vờ thả.” Thế nhưng anh chàng Dương Quá cũng không phải dạng vừa. “Thông minh đĩnh ngộ,” “cần mẫn dụng công” là tố chất khiến Dương Quá luyện tập thành tài, nhưng cũng là điều kiện cần để chàng theo đuổi tình yêu sau này. Học võ ở đây chỉ là phụ, là tiền đề cho chàng rèn luyện bản lĩnh đi tìm người trong mộng. Thế nên dù cánh chim sẻ Tiểu Long Nữ có bay cùng trời cuối đất thì môn công phu “Thiên la địa võng thế” của Dương Quá cũng bắt nàng trở về bên chàng.


Minh họa của Hoàng Hiểu Thanh

Thử thách cuối cùng chính là luyện Ngọc Nữ Tâm Kinh. Theo truyện mô tả, khi luyện tới đây thì hai người đã trưởng thành: “Tiểu Long Nữ càng lớn càng mỹ lệ tuyệt luân. Năm nay Dương Quá đã mười sáu tuổi, thân hình cao lớn dần, giọng nói hơi ồm ồm, đã thành một trang thiếu niên tuấn tú, chứ không còn là một đứa bé như lúc tới nhà mồ.” Oái oăm thay cách luyện môn này là cả hai người đều phải … cởi hết quần áo. Ý đồ dẫn dắt câu chuyện của Kim Dung không nói thì cũng đã rõ rành rành. Cảnh thầy trò cùng luyện công bởi vậy cũng lãng mạn như cõi bồng lai:

Bụi hồng này dài tới vài trượng, tầng tầng lớp lớp hương thơm ngan ngát. … như có một tấm bình phong, hoa đỏ cành lá xanh, trông rất đẹp mắt, bốn phía có bóng cây bao phủ, tựa hồ một tòa phòng ốc bằng hoa lá cành do thiên nhiên kết thành. 

Nàng nhảy lên cây, nhìn tứ phía, thấy đông nam tây bắc đều một màu xanh cây lá tĩnh mịch, văng vẳng tiếng suối rì rào, tiếng chim líu lo, không một dấu chân người, quả là một nơi luyện công cực tốt, bèn nói:

– Ngươi chọn được chỗ tốt, tối nay ta ra đây luyện công.
Canh hai tối hôm ấy, hai người ra chỗ bụi hoa hồng. Ban đêm, mùi hoa càng đậm đà. Tiểu Long Nữ đem pháp môn khẩu quyết tu tập “Ngọc nữ tâm kinh” nói ra một hồi, Dương Quá hỏi những chỗ chưa rõ, rồi hai người sang hai bên bụi hoa hồng, cởi hết quần áo, bắt đầu luyện tập. Dương Quá chìa tay trái qua bụi hoa, chạm vào bàn tay phải của Tiểu Long Nữ, hễ trong lúc luyện tập ai gặp chỗ khó, thì người kia nhận cảm ứng sẽ lập tức vận công trợ giúp.

Hai người từ đó lấy đêm làm ngày. Buổi tối họ luyện công, ban ngày nghỉ ngơi trong cổ mộ. Hồi này đang là mùa hạ nóng bức, ban đêm dụng công càng mát mẻ; cứ thế hơn hai tháng bình an vô sự. 
Hai người ở hai bên bụi hoa hồng tự luyện tập, toàn thân hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, hòa với mùi hoa thêm nồng.




Ngọc Nữ Tâm Kinh là tâm pháp do Lâm Triều Anh tạo ra để đối địch với Vương Trùng Dương, và tương tự như Ngọc Nữ Kiếm Pháp, nó cũng chứa đựng nhiều tình hơn là hận. Trong toàn bộ Thần Điêu Hiệp Lữ, đây là giây phút gần gũi về thể xác nhất của Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Thế nhưng bài học của cây Tình Hoa đã được lặp lại: luyến ái sâu đậm nhất luôn đi kèm với trừng phạt ác nghiệt nhất. Đây có thể ví như giây phút cuối cùng trước khi đôi Adam-Eve bị đuổi khỏi Địa đàng, bởi liền sau bức tranh tiên cảnh này là đau đớn và chia lìa: Tiểu Long Nữ bị Doãn Chí Bình cưỡng hiếp, hai người bọn họ phải rời khỏi toà Cổ Mộ và lạc mất nhau, bị sỉ nhục và hành hạ. Lần thứ hai khi hai người cùng trở lại tòa Cổ Mộ thì quá nhiều mất mát đã xảy ra: thân thể hai người không còn toàn vẹn mà danh dự cũng không, đại đa số võ lâm đều coi khinh họ vì cả gan làm chuyện “suy đồi.” Tiếp nối là 16 năm xa lìa nhau cho tới khi họ sánh vai nhau trở về Hoạt Tử Nhân Mộ vĩnh viễn.

Không chỉ có vậy, Dương Quá vẫn phải theo khuôn phép “đại hiệp cao cả nhất là vì nước vì dân” mà Quách Tĩnh đã sớm thiết lập. Quá trình lập công chuộc tội của Dương Quá trước hết là hành hiệp trượng nghĩa, sau là ba đại công với Tương Dương, cuối cùng là ném đá chết đại hãn Mông Kha dưới thành. Kim Dung muốn viết một câu chuyện về “hiệp lữ,” nhưng vẫn không thể không có yếu tố “anh hùng.” Nếu không có giai đoạn “cải tạo lao động” dài đằng đẵng này, trong mắt võ lâm (và cả người đọc,) Dương Quá sẽ mãi mãi là kẻ vì nữ nhi mà quên đi khí khái nam nhi. Để được đường hoàng danh chính ngôn thuận kết đôi cùng Tiểu Long Nữ, Dương Quá đã phải trải qua từng đấy gian truân, thậm chí đánh đổi cả sinh mệnh.

Kết

Truyện Kim Dung dù tình tiết biến ảo khôn lường nhưng cấu trúc cơ bản tương đối đồng nhất. Những nhân vật nam chính của Kim Dung đa số đều trải qua ba giai đoạn: tuổi trẻ nông nổi, tung hoành giang hồ, và lui về ở ẩn. Có điều để xứng đáng được “về hưu,” những vị anh hùng này đều phải hoàn thành một (hoặc nhiều) công lao nào đó, thường là đem lại hoà bình cho giang hồ (Lệnh Hồ Xung), báo đền nợ nước (Quách Tĩnh), hoặc kết hợp cả hai (Trương Vô Kỵ). So với những vị anh hùng này, sự thoái ẩn của Dương Quá có điểm giống và cũng có điểm khác. Chàng không ra hải ngoại trốn tránh sự đời như Viên Thừa Chí, cũng không tìm một chốn Đào nguyên lánh mình như Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung. Sau 16 năm lăn lộn giang hồ, Dương Quá lại trở về toà mật thất lạnh lẽo dưới chân núi Chung Nam. Thế nhưng có lẽ Dương Quá lại là người có kết cục đáng hài lòng nhất.

Đa phần truyện Kim Dung đều khép lại với những cái kết có hậu nhưng vương chút xót xa. Những vị anh hùng kia dù đã có tất cả oai danh, mỹ nhân, của cải, thẳm sâu trong lòng họ vẫn có điều tiếc nuối. Quách Tĩnh về đảo Đào hoa nhưng lòng vẫn canh cánh nợ nước, Trương Vô Kỵ ngày ngày vẽ mày cho người ngọc nhưng chưa thể quên sự phản bội của Chu Nguyên Chương, Lệnh Hồ Xung cùng Doanh Doanh vui khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ nhưng vết đau vì bị “tiểu sư muội” phụ bạc vẫn còn đó. Ngay cả Vi Tiểu Bảo sau khi dắt 7 phu nhân của y chạy biến vẫn không khỏi lưu luyến Khang Hy và các huynh đệ Thiên Đệ Hội.

Thế nhưng 16 năm lưu lạc đã cho Dương Quá nếm trải đau khổ tột độ lẫn vinh quang tột cùng, đủ để không còn gì hối hận trên đời. Dương Quá dứt áo ra đi mà lòng không còn gì vấn vương, bởi với chàng, được tái hợp Tiểu Long Nữ chính là cái đích cuối cùng và duy nhất. Toà Hoạt Tử Nhân Mộ lạnh lẽo kia với hai người Dương-Long chính là địa đàng thật sự dưới trần thế. Quá trình yêu đương khổ nạn của Dương Quá, như vậy, có thể coi là có hậu hay không?

*

No comments:

Post a Comment