Wednesday, April 12, 2017

Xem tranh: "Chiếc then cài" - một đại diện “hư hỏng” của Rococo

“Le Verrou” của Jean-Honore Fragonard. (Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn)

Lần trước chúng ta đã tìm hiểu qua về Rococo. Lần này chúng ta thử đi vào một đại diện tiêu biểu của nó nhé: “Chiếc then cài.”
Bức tranh Chiếc then cài (Le Verrou) của Jean-Honore Fragonard được giới thiệu với đông đảo công chúng vào tháng Năm năm 1784, và bị tu viện trưởng de Fontenai của Affiches de Province đả kích dữ dội. Theo ý ngài, bức tranh này chỉ có tác dụng làm suy đồi thêm đạo đức thời Rococo (vốn đã xơ xác) mà thôi, và những bức tượng khỏa thân cổ đại còn “tử tế” hơn hai nhân vật chính trong tranh nhiều, cho dù họ đã mặc quần áo đầy đủ. Có khả năng lớn bức Le Verrou lấy cảm hứng từ các cảnh ong bướm trong những cuốn tiểu thuyết diễm tình thời thượng thời Rococo, đơn cử như tác phẩm Clarissa (1749) của Samuel Richardson, khi nhân vật nữ cũng chống cự (dù là yếu ớt) và mặc nguyên quần áo.

Tranh minh họa trong tiểu thuyết “Clarrisa Harlowe; hay là những cuộc phiêu lưu của một cô nàng trẻ tuổi” của Samuel Richardson

Thậm chí lời buộc tội của de Fontenai còn dẫn chứng rằng Le Verrou rất giống với những hình minh họa ngoài luồng trong những cuốn sách cấm, ví dụ như Therese Philosophe (1748,) trong đó ngay cả những bộ phận kín đáo nhất của nhân vật cũng lồ lộ.

Tranh minh họa trong tác phẩm khiêu dâm “Therese Philosophe” của Jean-Baptise de Boyer

Vậy Le Verrou có xứng đáng với lời chỉ trích nặng nề đó hay không?

Nếu đặt bức tranh vào thời điểm hiện tại, câu trả lời chắc chắn là không. Làm sao chúng ta có thể kết tội Le Verrou, khi mà những bức ảnh quảng cáo thời trang, nước hoa ngày ngày đập vào mắt ta còn táo bạo hơn thế nhiều?

Quảng cáo của Dolce & Gabbana, cùng motif “cưỡng hiếp” với Le Verrou.

Trước tiên, ta hãy nhìn kỹ tác phẩm. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong một phòng ngủ kín đáo và tối; người xem không khỏi cảm thấy như đang nhìn trộm vào một cảnh riêng tư vậy. Ở một phía ánh sáng hắt vào, rọi lên chiếc giường chăn gối hỗn độn chăn gối. Một người đàn ông mặc đồ ngủ với tay lên kéo chiếc then cài, người phụ nữ chạy lại tìm cách ngăn anh ta. Sự hỗn loạn trong căn phòng ám chỉ một cuộc vật lộn đã diễn ra: lọ hoa và chiếc ghế đổ kềnh, một bó hoa nằm lăn lóc trên sàn nhà. 

Ta có thể thấy toàn bộ các cơ bắp trên người đàn ông căng thẳng, những đường gân cũng nổi lên bần bật, đây là giây phút anh ta đã phải kiềm chế, mong chờ từ lâu. Tay chàng ôm lấy eo của cô gái, kéo cô ta lại gần hơn. Đường chéo của chân phải người phụ nữ cho thấy nàng đã nhảy bật lên để ngăn anh ta, trong khi tay nàng đẩy vào cằm anh, cố chống cự nụ hôn. Ngay cả những sợi tóc của họ cũng cho thấy tốc độ và chiều hướng hành động của hai người. Fragonard thật tài năng khi diễn tả sự kịch tính trong bức tranh chỉ bằng những chuyển động trên cơ thể của hai nhân vật. Khó để nhận xét ý đồ thực sự của người phụ nữ – có thật sự nàng muốn chống cự, hay chỉ giả vờ như cách các nhân vật tiểu thuyết hay làm? Dù sao đi chăng nữa, Le Verrou đâu đến nỗi quá bạo lực hay hở hang, ít ra là với con mắt hiện đại?

Chi tiết tranh. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn.

Thế nhưng đặt vào bối cảnh thế kỷ 18 thì quả là không vừa tý nào. Với kiến thức của mình, tu viện trưởng de Fontenai đã nhìn ra được những ẩn ý nghệ thuật tinh tế mà hiệu quả và kích thích hơn cả phong cách “hùng hổ” trong quảng cáo kia. Đó cũng là lý do mà ngài công kích tác phẩm này thậm tệ.

Thứ nhất, bó hoa lăn lóc trên sàn có ý nghĩa gì? Có thể đây là bó hoa chàng ta mang đến tặng người phụ nữ và bị nàng vứt trên sàn; có thể bó hoa bị rơi xuống đất lúc họ vật lộn, có thể đó là hoa của một kẻ theo đuổi khác, bị chàng ta nhìn thấy rồi nổi cơn ghen. Điều đó không quan trọng, bởi hoa rơi và lọ hoa bị lật đều là những “tiếu tượng” (iconography) chỉ việc lấy mất trinh tiết của người phụ nữ. Từ “deflower” tiếng Anh, hay cụm từ “thái hoa dâm tặc" trong văn học Trung Hoa, đều là chỉ cùng một ý này.

Chi tiết bó hoa trong tranh

Thứ hai, chiếc ghế bị lật trong tranh cũng là một trò đùa kín đáo. “Un partie de jambe en l’air” (chân chĩa lên trời) là cách chơi chữ ám chỉ việc quan hệ nam nữ của Pháp.

Thứ ba, quả táo đặt trên chiếc bàn cạnh giường là biểu tượng cho trái cấm và nguyên tội (orignial sin) của Adam và Eva - tội lỗi khiến cho họ bị đuổi khỏi vườn địa đàng.

Chi tiết quả táo trong tranh

Thế nhưng, điều cấm kỵ nhất trong Le Verrou, lại nằm ở chiếc giường…

Chiếc giường là biểu tượng cho giấc ngủ, giấc mơ, và vô số những hoạt động bí mật khác diễn ra giữa đàn ông và đàn bà. Fragonard đã tận dụng triệt để hình dáng cơ bản của chăn gối, rèm đệm trong việc khắc họa chúng một cách tế nhị. Trong phần giới thiệu của Le Verrou trên trang web viện bảo tàng Louvre nơi bức tranh trú ngụ, Severine Laborie nhắc tới vệc chiếc giường có hàm chứa các biểu tượng sinh thực khí nam nữ, mặc dù chắc do ngượng ngùng (?), bà không dám nói hẳn tên của chúng. Thay vì đó, bà trích dẫn lời của Daniel Arasse nói rằng chúng là ẩn dụ cho các bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà.

Đây là những chi tiết mà Daniel Arasse nhắc tới:

Cánh phải của rèm, tạo hình giống bộ phận của người đàn ông

Hai chiếc gối được tạo hình giống bộ ngực đàn bà

Và cuối cùng, phần đỉnh rèm tạo hình giống bộ phận sinh dục phụ nữ

Ngay việc bản thân chiếc rèm cũng là một cách nói tránh. Tại Pháp vào thế kỉ 18, những cảnh tượng bạo lực hoặc gợi tình trên sân khấu kịch thường được ngụ ý bằng việc kéo rèm lại, do đó hình ảnh “êm đềm trướng rủ màn che” ở đây chính là nói về việc quan hệ. Nhà phê bình Robert Ellrich đã từng ghi chú rằng tấm rèm bản thân nó cũng có ý nghĩa gợi tình, và việc “che phủ” các chủ đề táo bạo, oái oăm thay, là một điều cần thiết để duy trì vẻ đức cao vọng trọng trong một xã hội Rococo mục nát về đạo đức.

Fragonard có muốn duy trì vẻ đức cao vọng trọng không? Có thể khẳng định là có, bởi Le Verrou được đặt hàng, thật khó tin, là để làm thành một cặp với bức “Đức Mẹ đồng trinh và người chăn cừu” mà ông vẽ vào năm 1776 (L’adoration des bergers.)

“L’adoration des bergers”

Trong tranh, Đức Mẹ ngồi trên cao với vẻ thanh khiết và cao quý, còn người chăn cừu quỳ rạp xuống đất, chìm trong sự tôn thờ, sùng kính. Người phụ nữ trong Le Verrou chính là đối trọng của Đức Mẹ, hay nói cách khác, chính là hiện thân trong sạch của Đức Mẹ, cũng như người đàn ông là hiện thân của người chăn cừu. Một bên là tình yêu thần thánh, tôn nghiêm, một bên là tình yêu trần thế, tầm thường. Cả hai bức tranh đều sử dụng một bảng màu đỏ, vàng, nâu ấm, và chi tiết đầu gối Đức Mẹ, nhìn kỹ lại giống hệt như chi tiết chiếc rèm thứ nhất trong bức Le Verrou. Chủ ý của người đặt hàng bức Le Verrou, Louis-Grabriel, hầu tước xứ Veri, là muốn nhờ Le Verrou giúp làm nổi bật sự đạo đức của bức tranh Đức Mẹ, song qua thời gian Le Verrou không những đã trở nên nổi tiếng hơn mà còn làm người ta lãng quên hoàn toàn bức tranh kia. Thế mới biết con người luôn dễ bị cuốn hút bởi những đam mê trần tục hơn là sự giải thoát linh hồn!

Một số bức tranh có chủ đề tương tự của Fragonard:

“Chiếc tủ áo,” tranh khắc năm 1778. Câu chuyện diễn ra là bố mẹ cô gái trở về nhà phát hiện ra một người đàn ông trốn trong tủ quần áo, tay ông bố lăm lăm cây gậy chuẩn bị nện chàng trai, còn cô con gái đứng khóc vùi mặt trong chiếc tạp dề.

“Nụ hôn trộm,” 1788, đã được giới thiệu ở bài trước.

Vào mùa xuân 1784, bức tranh Le Verrou được khắc bởi Maurice Blot và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Năm 1785, khi dinh thự tại Veri của hầu tước bị đem bán cùng tất cả tài sản trong đó (sự lên xuống của giới quý tộc Pháp cũng bình thường như sự lên xuống của sàn chứng khoán ngày nay) thì bức tranh đã trở nên quen thuộc với dân chúng - đương nhiên với tư cách một tác phẩm cấm kỵ mà các bậc phụ huynh không muốn con cái trông thấy. Trên thị trường đặc biệt đó, Le Verrou thường đi kèm với những bức tranh khác của Jean-Baptiste Le Prince hoặc Jean-Frederic Schall. Nhà mỹ thuật Kristel Smentek có một quan sát thú vị: mặc dù cuộc Cách mạng Pháp nhằm lật đổ giới quý tộc Pháp và lên án cách sống xa hoa, hưởng thụ, trụy lạc, những bức tranh khắc trên vẫn bán đều, thậm chí còn bán tốt hơn sau Cách mạng!

Một ghi chú nhỏ: nhiều ý kiến cho rằng nhân vật người phụ nữ trong bức Le Verrou chính là sự tưởng tượng của Fragonard về Fanny Hill, nhân vật nữ trong “Hồi ức về người đàn bà của lạc thú," viết bởi John Cleland, hoặc Cécile de Volanges trong “Những mối quan hệ nguy hiểm” (Les Liaisons dangereuses) của Pierre Laclos.

Jean-Honore Fragonard là một trong những họa sĩ có gia tài hội họa màu mỡ nhất thời Rococo, với trên 550 tác phẩm, nhưng Le Verrou xứng đáng làm đại diện cho sự nghiệp của Fragonard, cũng như nằm trong số 10 tác phẩm nổi bật nhất của thời kỳ Rococo: Le Verrou gợi tình dưới lớp vỏ ngây thơ, giả vờ đạo đức ngoan hiền nhưng vẫn cố tình quyến rũ. Cửa đóng then cài chỉ là tỏ vẻ, bởi bên trong hay bên ngoài cánh cửa cũng đều “sa đọa” như nhau. Song qua thời gian, giá trị của Le Verrou vẫn không bị mất đi, vì cách xử lý tinh tế của họa sĩ đưa nó lên một tầm mới, tách biệt khỏi những tác phẩm thô thiển, vô nghĩa khác. Vả chăng, sự khao khát, đam mê vẫn luôn là một phần không thể thiếu tạo nên con người, và cảm xúc của người xem khi ngắm Le Verrou là minh chứng cho điều đó.

*

No comments:

Post a Comment