Friday, April 21, 2017

Michael Phelps: một đoạn video mỗi đêm cho kình ngư trở thành huyền thoại

 (Bài viết được đăng trên soi.today ngày 12.8.2016)



Ngày hôm qua “kình ngư” Michael Phelps vừa liên tiếp giành hai huy chương vàng Olympic ở nội dung 200m bơi bướm và 4x200m bơi tự do tiếp sức, trở thành người có nhiều huy chương nhất trong lịch sử hơn 2000 năm của Olympic (25 chiếc, trong đó có 21 huy chương vàng và 12 chiếc ở nội dung cá nhân.) Cùng với vận động viên điền kinh Usain Bolt, Michael Phelps đã sớm trở thành một huyền thoại thể thao ở thời hiện đại. Vậy bí quyết thành công của Michael Phelps là gì?

Nhiều người cho rằng cấu trúc cơ thể đặc biệt là chìa khoá giúp cho Micheal Phelps đạt được những thành tích vô tiền khoáng hậu. Quả thật anh có những đặc điểm thể chất phi thường: sải tay anh còn lớn hơn chiều cao (200cm/193cm,) phổi anh ước tính có thể tích gấp đôi người bình thường (gần 12 lít,) mắt cá chân anh dẻo dai đến mức có thể xoay quá 90 độ, nghĩa là hơn cả tư thế en pointe của diễn viên múa ballet. Nhưng theo Bob Bowman, thầy dạy của Michael Phelps kiêm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bơi Hoa Kỳ trong kỳ Olympic này, đó chỉ là yếu tố phụ đưa anh tới đỉnh cao sự nghiệp.





Trong cuốn sách The Power of Habit, nhà báo của tạp chí New York Times Charles Duhigg đã phỏng vấn hàng trăm người từ CEO của Starbucks đến những con nghiện cờ bạc để hiểu về cơ chế của thói quen. Ai cũng hiểu việc hình thành thói quen tốt là điều kiện tiên quyết dẫn tới sự thành đạt cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng, thế nhưng ý tưởng đột phá của Charles Duhigg nằm ở chỗ: ông cho rằng chỉ cần thay đổi một số thói quen chủ đạo (keystone habits) là đủ. Trong số những người ông phỏng vấn có Bob Bowman. Triết lý huấn luyện của ông là tập luyện chăm chỉ chưa đủ mà còn cần tạo ra các thói quen dẫn tới thành công.

Michael Phelps chuẩn bị vào buổi tập với huấn luyện viên Bob Bowman tại Trung tâm Dưới nước Mona Plummer ở ASU. Ảnh của Charlie Leight/ASU Now

Đoạn video bí quyết

Michael Phelps bắt đầu học bơi khi anh mới lên 7. Lý do tập bơi của Phelps không phải để giải trí hay rèn luyện thể lực mà là để… tiêu bớt năng lượng. Từ nhỏ anh đã bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD.) Căn bệnh này khiến anh gặp khó khăn trong giao tiếp, đồng thời làm mẹ ruột và các thầy cô giáo của anh phải đau đầu. Khi gặp Phelps, Bob Bowman mới chỉ là một huấn luyện viên bơi cấp địa phương. Ông chú ý tới Phelps trước nhất vì cơ thể của anh lý tưởng cho việc bơi lội, nhưng theo ông “tất cả những ai thi thố ở Olympics đều có thể lực ưu việt.” Ông cũng ghi nhận ở Phelps sự kỉ luật đến mức cực đoan, nhưng “vận động viên đỉnh cao nào cũng thế.” Điểm yếu của Phelps nằm ở sự tính tình hay xúc động: anh rất dễ mất bình tĩnh trước mỗi cuộc thi, đặc biệt những khi trải qua giai đoạn khó khăn về tinh thần, ví dụ thời điểm cha mẹ anh chuẩn bị ly hôn.

Điều đầu tiên Bob Bowman làm là mua một cuốn sách dạy cách thư giãn và yêu cầu mẹ của Phelps đọc nó cho anh mỗi đêm trước khi đi ngủ. Trong sách có đoạn nói về việc “nắm chặt tay rồi thả ra từ từ, cảm nhận sự căng thẳng dần tan đi” để giúp Phelps thả lỏng cơ thể trước khi chìm vào giấc mơ.

Nhưng món quà Bob Bowman dành cho Michael Phelps – thứ khiến anh tách biệt khỏi những người khác là một hệ thống những thói quen đặc biệt. Mục đích của Bob Bowman là biến Michael Phelps thành vận động viên bơi lội có tinh thần mạnh mẽ nhất. Những thói quen đó hoàn toàn không dính dáng gì đến bản thân việc luyện bơi; chúng là những bài tập trí óc giúp Michael Phelps có thể hoàn toàn bình tĩnh và tập trung trước mỗi cuộc thi, khi mà sự thắng thua được quyết định chỉ trong từng phần ngàn giây đồng hồ. Bob Bowman nói rõ ông không hề có ý định kiểm soát toàn bộ những khía cạnh trong đời sống của Phelps, mà chỉ một số thói quen cơ bản bất di bất dịch.

Ngay từ khi Phelps còn ở tuổi thiếu niên, Bob Bowman đã nói với anh ở cuối mỗi buổi tập: “Hãy về nhà v xem đoạn video ấy.”

Ảnh hồi 2007 chụp Michael Phelps và huấn luyện viên Bob Bowman tại một buổi tập cho giải Bơi thế giới ở Melbourne, Australia. Ảnh của Mark Baker/AP

Theo bạn đoạn video ấy là gì? Một chuỗi các bài tập? Một buổi nói chuyện truyền cảm hứng? Một bộ phim về bơi lội?

Không phải như vậy. Đoạn video mà Bob Bowman nhắc tới hoàn toàn không có thật, hay ít ra nó không phải một cuốn băng video có thể nhét vào máy mà xem được. Đoạn video này là sản phẩm của sự tưởng tượng. Mỗi ngày hai lần, sáng và tối, Michael Phelps sẽ hình dung ra mình nhảy khỏi bục và bơi. Trong óc mình, anh nhìn thấy từng động tác, thấy tường của bể bơi trông ra sao, nước nhỏ trên môi anh khi nhô đầu lên thế nào, thậm chí cả cảm giác lột mũ bơi khỏi đầu ở cuối chặng bơi. Anh sẽ nằm trên giường nhắm nghiền mắt và xem đi xem lại cuốn video đó cho đến khi anh thuộc lòng từng giây một.

Trong khi tập luyện, mỗi khi Bowman yêu cầu Michael Phelps bơi ở tốc độ thi đấu, ông sẽ hét lớn “Bật đoạn video lên đi,” và anh sẽ bơi nhanh hết mức có thể. Đối với anh cảm giác khi bơi chẳng khác gì một bài học thuộc lòng, kết quả của hàng ngàn lần tưởng tượng trong đầu. Dần dần trước mỗi cuộc đua, Bowman chỉ cần thì thầm vào tai anh “Sẵn sàng bật video lên,” và anh liên tiếp chiến thắng. Thói quen này là nền tảng cho mọi thói quen khác của Michael Phelps từ ăn uống ngủ nghỉ đến luyện tập. Mỗi ngày đúng 7h anh bắt đầu bữa sáng gồm trứng, kiều mạch, bốn ly nước tăng lực, tổng cộng gần 1000 calories (trong ngày anh sẽ tiêu thụ tất cả 6000 calories.) Hai tiếng trước khi tập luyện anh sẽ co duỗi tất cả các cơ bắp từ tay đến lưng xuống chân. Đúng 8 rưỡi sáng, anh bắt đầu khởi động: 800m phối hợp, 600m đá nước, 400m kéo phao bằng chân, 200m bơi bướm, sải, hoặc ếch. Sau đó là luyện chạy nhanh để làm tăng nhịp tim. Tổng cộng thời gian để anh hoàn thành bài tập này chỉ có 45 phút!

Về việc này, Bob Bowman đã nói:

“Nếu hỏi Michael cậu ta nghĩ gì trước mỗi cuộc đua, câu trả lời sẽ là zero. Cậu là một cỗ máy đã được lập trình sẵn. Những thói quen đã thay thế cho bản năng. Khi cuộc đua bắt đầu, Michael đã xem ‘cuốn video’ đến quá nửa và ở từng bước cậu đều là người chiến thắng. Mỗi cái duỗi tay đều đúng như cậu tưởng tượng. Những bước khởi động diễn ra theo kế hoạch. Cuộc đua thật chỉ là một phần của chuỗi thói quen, và những thói quen đó đều chuẩn xác. Thắng lợi là đương nhiên.”

Một lần “bơi mù”

Ở thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008, Michael Phelps gặp phải một trục trặc kỹ thuật có thể làm tan vỡ giấc mơ của bất kỳ vận động viên nào. Khi tên anh được đọc, anh bước lên bục rồi bước xuống, vung tay ba lần, rồi lại lên bục, đúng như cách anh đã làm từ khi 12 tuổi. Anh vào tư thế và lao xuống nước khi tiếng súng báo hiệu vang lên. Mọi thứ đều suôn sẻ cho đến khi Phelps nhận ra kính bơi của anh đã bị rò rỉ và đang tràn ngập hơi nước. Lúc Phelps bơi đến chặng thứ hai mọi thứ trở nên mờ ảo, và đến chặng thứ ba thì anh không còn nhìn thấy gì, kể cả vạch đen dưới lòng bể bơi hay chữ T báo hiệu điểm kết thúc. Anh không thể dùng mắt ước lượng khoảng cách còn lại. Bất kỳ vận động viên nào khác ở vị trí này cũng phải mất bình tĩnh. Nhưng anh thì không.


Bowman đã từng cho anh bơi tại một bể ở Michigan trong bóng tối hoàn toàn – cách ông chuẩn bị học trò cho mọi bất ngờ có thể xảy ra. Trong số hàng nghìn cuốn video mà anh xem trong đầu, có không ít video tập dượt cho chính tình huống này. Anh đã tưởng tượng ra cách mình sẽ xử lý mắt kính bị rỉ. Khi bơi tới vòng cuối, Michael Phelps bắt đầu ước tính còn cần bao nhiêu sải bơi để đến đích. Mười chín, hai mươi – có thể là hai mốt. Vừa bơi anh vừa đếm, hoàn toàn thoải mái và tự tin. Tới nửa sau của chặng cuối cùng, anh bắt đầu gia tăng sức lực – một trong những chiến lược thi đấu tiêu biểu đóng mác Michael Phelps. Đến sải bơi thứ mười tám, anh bắt đầu chờ đợi bức tường – cái đích, trong tai anh là tiếng gầm của đám đông, nhưng anh không biết họ đang reo hò cổ vũ anh hay ai khác. Mười chín, rồi hai mươi. Có lẽ cần thêm một lần nữa, cuốn video trong đầu anh lên tiếng. Ở sải bơi thứ hai mươi mốt, anh chạm vào tường. Khi Phelps lột kính bơi và nhìn lên bảng kết quả, bên cạnh tên anh là hai chữ cái “WR” – world record. Một huy chương vàng nữa đã thuộc về Michael Phelps, đồng thời anh còn phá kỉ lục thế giới trong khi “bơi mù.”

Sau cuộc đua, một phóng viên hỏi cảm giác của Michael Phelps khi bơi mà hai mắt mờ tịt. Anh chỉ trả lời đơn giản: “Nó đã xảy ra đúng như tôi dự đoán.” Khi xem lại đoạn băng quay cuộc đua, người ta thậm chí không thể đoán rằng anh đã gặp rắc rối với kính bơi.

Sự thấu hiểu và nhạy bén của Bob Bowman không phải ngẫu nhiên: ở trường đại học chuyên ngành của ông là tâm lý trẻ em, ngoài ra ông còn nghiên cứu âm nhạc cổ điển. Khi được hỏi về người thầy thân thiết của mình, Michael Phelps mô tả ông nghiêm khắc như một sĩ quan huấn luyện, song “tập luyện dưới sự chỉ dạy của Bob là việc khôn ngoan nhất mà tôi đã từng làm, và tôi sẽ không bao giờ bơi cùng ai khác.”

Năm 2016, Michael Phelps được đồng đội chọn làm người cầm cờ cho đoàn thể thao Olympics của Hoa Kỳ.

Update: Sáng ngày hôm nay theo giờ Việt Nam, Michael Phelps đã giành huy chương vàng cá nhân thứ 22 trong sự nghiệp ở hạng mục 200m hỗn hợp. Chúc mừng hai thầy trò Bob Bowman và Michael Phelps! Sáng nay (14/8) theo giờ Việt Nam Michael Phelps lại giành thêm một huy chương vàng nữa, vậy là riêng kỳ Olympics này quốc ca Mỹ đã cất lên năm lần nhờ công của anh. Huấn luyện viên Bowman chắc hẳn rất tự hào. Cả đời không lập gia đình, ông đã gần như thay thế vị trí người cha đối với Phelps (bố đẻ anh gần như không xuất hiện trong đời anh.) Trong 20 năm hợp tác với nhau Phelps đã khăn gói theo thầy từ Michigan tới Baltimore mỗi khi ông chuyển công tác, ngược lại ông cũng luôn ở bên học trò từ buổi dạ hội đầu tiên đến những cuộc thi quốc tế. Con trai đầu lòng của Phelps có tên đệm đặt theo Bob, gia đình anh cũng gọi Bob là "ông nội." Quan hệ khăng khít như vậy trong làng thể thao thật sự hiếm có. 

*

No comments:

Post a Comment