Monday, April 10, 2017

Goya – người khổng lồ u uất

Thế kỉ Vàng (Siglo de Oro) của nghệ thuật Tây Ban Nha lụi tàn vào khoảng cuối thế kỉ 17 và tắt hẳn cùng cái chết của nhà văn Pedro Barca vào năm 1681, nhưng đã kịp ôm trọn trong nó những cái tên vĩ đại: có một Velazquez phong nhã và tinh tế, lại có một El Greco quằn quại nhiều ẩn ức, có một Juan Miranda quý tộc hào hoa chuyên vẽ chân dung vua chúa, thì cũng có một Murillo mộ đạo vẽ trẻ ăn mày và gái bán hoa với sự trân trọng và lòng mến yêu nhân loại.
Những tưởng tài hoa đã cạn kiệt, nhưng mạch ngầm hội họa Tây Ban Nha vẫn đủ mạnh mẽ để kết tinh thành Goya – họa sĩ vĩ đại nhất thế kỉ 18 ở Tây Ban Nha và có thể là cả châu Âu nữa. Xuất phát từ ngôi làng Fuendetodos bé tẻo teo, gia đình chẳng phải đại quý tộc, tướng tá lại thô hào như một anh thợ mộc, song Goya hoàn toàn đứng bằng vai phải lứa với những “Đại Sư” và đóng góp cho Tây Ban Nha một di sản hội họa có một không hai: những bức tranh của ông có thể khiến người xem cười chua chát, khóc lặng thầm, giận dữ, thậm chí sợ hãi vì sự kì bí và điên rồ của chúng.


Này là chân dung tự họa của Goya – hãy chú ý đến mái tóc hoang dại cùng biểu hiện gương mặt ông. Nội tâm họa sĩ chứa đầy bão tố, nhưng cái nhìn trực diện của ông cũng cho thấy một tinh thần mạnh mẽ tiềm tàng và trí thông minh khác người.

Chân dung Goya của Vicente Portana (1826.) Vẫn khóe miệng rắn rỏi ấy và cái nhìn không khoan nhượng xoáy sâu vào người đối diện.

Người thầy hội họa chính thức đầu tiên của Goya là Anton Mengs, một họa sĩ tiên phong của phong trào Neoclassicism. Không rõ tính cách của hai thầy trò đối lập đến mức nào, nhưng phong cách của hai người ngược nhau rành rành: Mengs thích những bề mặt nhẵn bóng, làn da thiên thần mượt mà, cánh tay tròn trịa, màu sắc tươi tắn chỉn chu như thiệp… Giáng Sinh, bảo sao mà cậu học sinh Goya chả phát sốt phát rét lên vì gò bó! Goya không được lòng thầy, không được lòng cả giới kinh viện Tây Ban Nha nữa, vì vậy ông lên đường tới Ý (nơi ông rốt cuộc cũng vớt vát được một cái giải nhì nho nhỏ ở thành phố Parma.)

Thần mặt trời Helios, tranh của Anton Mengs (1765)

Nào cùng so vị thần mặt trời bóng bẩy xinh đẹp của Mengs với người khổng lồ dữ tợn, gai góc, xù xì¬ (The Colossus) của Goya (1808)

Rốt cuộc thì tương lai nghệ thuật chưa biết sẽ đi đâu về đâu, họa sĩ cứ phải… lấy vợ cái đã! Josefa Bayeu sinh cho Goya cả thảy tám người con, mặc dù chỉ có một cậu con trai hiếm hoi nối dõi, còn lại đều chết non, chết yểu. Không những thế, anh trai của bà còn giúp Goya có công việc vẽ tranh cho xưởng dệt thảm hoàng gia. Vị trí tưởng chừng khiêm tốn này sẽ trở thành bàn đạp sự nghiệp vô cùng quan trọng cho Goya – chính những bức tranh phong cách rococo này đã giúp Goya lọt được vào mắt xanh của vua chúa. Bất chấp sức khỏe yếu, Goya hoàn thành tổng cộng 63 bức tranh lớn.
"Cái dù" (The parasol), một trong những bức tranh Goya vẽ cho xưởng dệt thảm hoàng gia (1777)

Chính nhờ những bức tranh thảm này (được trưng bày ở những lâu đài và nơi ở của hoàng gia) mà ông được giới quý tộc để ý và bắt đầu đặt hàng lia lịa. Vào khoảng thập kỉ 1780 cho đến 1800, sự nghiệp của Goya vẫn đẹp sao. Giới quý tộc xếp hàng chờ ông vẽ tranh chân dung, ông được chỉ định làm họa sĩ cung đình. Thế nhưng căn bệnh điếc và việc suy nghĩ quá độ khiến tâm lý của Goya trở nên bất ổn. Y học hiện đại cho rằng Goya đã bị đầu độc dần dần bởi chính màu vẽ mà ông sử dụng, thời đó chứa rất nhiều độc tố. Sự nghiệp của ông càng cất cánh thì ông lại càng vẽ nhiều bức tranh tăm tối, chế nhạo, đau đớn. Sau này khi chín muồi hơn về sự nghiệp, Goya không đánh giá những bức tranh “kẹo ngọt” thời trai trẻ này lắm, thậm chí tìm cách phủ nhận chúng bằng những tác phẩm đen tối mở đầu bằng Khoảnh sân người điên (Yard with Lunatics.)

So sánh bức “Cái diều” (La Cometa) và “Khoảnh sân người điên” (Yard with lunatics) của Goya. Bức tranh thứ hai, vẽ vào khoảng 1793, phản ánh một giai đoạn đen tối trong cuộc đời họa sĩ. Bị ám ảnh bởi cảnh tượng người điên bị quản giáo đánh đập ông một lần chứng kiến tại Zaragoza, Goya còn trải qua chứng trầm cảm kéo dài khiến ông sợ mình cũng sẽ cùng chung số phận với những con người đáng thương đó.

Đỉnh cao nhất về sự nghiệp đến với ông khi ông được lệnh vẽ chân dung gia đình vua Charles IV cùng gia đình vào năm 1800. Nhưng càng nhìn kỹ, ta càng thấy bức tranh này có điểm bất thường. Trong lịch sử hội họa, có lẽ ít có bức chân dung hoàng gia nào lại cố tình vẽ… xấu đến thế. Bà hoàng hậu Marie Luisa được cho là có người nắm thực quyền trong triều nên được họa sĩ đặt chính giữa bức tranh, mặt mũi nhăn nhó, kiêu kỳ trong trang sức xa hoa mà thiếu đi sự đường bệ thanh thoát. Các nhân vật còn lại cũng cùng một tư thế cứng đờ trong y phục chỉn chu. Ánh sáng và bóng đổ khiến họ giống những con rối trên sân khấu hơn là một gia đình. Đằng sau lưng hoàng hậu là bức tranh vẽ cảnh loạn luân của Lot và hai con gái ruột trong Kinh thánh, một hàm ý không mấy kín đáo về những mối quan hệ ngoài luồng tai tiếng của Marie Luisa. Họa sĩ tự đặt mình trong tranh ở phía bên trái, khuất trong bóng tối, như thể ông cố tình đẩy gia đình hoàng gia ra trước mặt công chúng để bị giễu cợt vậy.

Charles IV và gia đình (1800.) Renoir nhận xét rằng họ nhìn giống “gia đình anh đồ tể diện đồ Chủ nhật.” Sau này Renoir có giải thích ý ông không định chê bai gia đình hoàng gia, mà ông cho rằng chính xuất thân tầm thường của Goya đã dẫn đến bức tranh không được thanh cao, quý phái như Las Meninas của Velazquez – người có dòng dõi sang cả.

Những bất ổn chính trị giữa Pháp và Ý khiến tâm lý Goya càng trải qua nhiều biến động. Người họa sĩ cố gắng ở vị trí trung lập nhưng thế sự nhiều khi không chiều theo ý ông. Quan hệ của Goya và vua Ferdinand VII không mấy hòa hảo. Hai trong số những bức tranh nổi tiếng nhất của ông, Maja khỏa thân và Maja mặc quần áo, bị tịch thu theo lệnh của Ferdinand VII.

Hai bức Maja (1799-1800)

Về phương diện nghệ thuật, hai bức tranh vẽ maja (thuật ngữ  chỉ người phụ nữ tầng lớp thấp thích ăn mặc diêm dúa ở Tây Ban Nha) không có gì quá nổi trội. Nhưng tư thế mời gọi, ánh mắt nhìn khiêu khích, và nhất là những chi tiết ở phần nhạy cảm của maja này tạo nên một làn sóng xôn xao khi chúng bị lôi ra trước công luận. Vì nhiều lý do, nhiều người cho rằng maja mặc quần áo thậm chí còn khêu gợi hơn phiên bản khỏa thân của cô ta. Bản thân Goya chưa từng tự mình công bố hai bức tranh này. Cả hai bức tranh đều được thủ tướng Godoy ưa thích, mua và treo cùng một chỗ – bức tranh khỏa thân ở phía sau và có thể được hé mở bằng hệ thống ròng rọc, tạo hiệu ứng như maja chơi ú tim… cởi áo với người xem vậy. Rokeby Venus của Velazquez cũng cùng nằm trong căn phòng chứa tranh nude của vị thủ tướng đa tình này. Khi Godoy bị trục xuất, hai bức maja bị tịch thu và Godoy bị buộc phải khai ra tên của vị họa sĩ “biến thái” vẽ nên chúng. Goya may mắn thoát tội vì khăng khăng mình chỉ vẽ dựa theo Velazquez và Titian.

Maja ngày nay trong bảo tàng ở Madrid.

Một phần đặc biệt trong di sản tranh của Goya là những bức biếm họa được ông gọi chung là Los Caprichos. Một series gồm 80 bức khắc mực mô tả những trò xấu xa, hủ bại, ngu dốt của nước Tây Ban Nha đương thời nói riêng và xã hội nói chung. Không chỉ là những bức biếm họa đơn thuần, chủ đề của Los Caprichos khá… nặng đô và gợi nhiều ám ảnh. Một số tác phẩm trong bộ tranh Los Caprichos:

Con lừa tự hào về dòng dõi

Kẻ đào mỏ

Ai rồi cũng đến lúc

Trong những tác phẩm của Goya, có lẽ những tác phẩm trong series Tranh đen (Black paintings) là tăm tối nhất, vượt hơn cả Los Caprichos. Vào năm 72 tuổi, Goya dọn vào một căn nhà cũ của một người điếc. Bản thân ông lúc đó cũng gần điếc đặc và thường xuyên sống trong trạng thái căng thẳng tột độ. Những bức tranh “đen” này được ông vẽ thẳng lên tường, không được ai đặt hàng, càng không cho ai xem. Có thể nói Goya vẽ những bức tranh này như một loại tâm lý trị liệu mà ông dùng để tự trị liệu cho mình. Những bức tranh này giúp người xem hình dung ra những địa hạt đáng sợ mà trí tưởng tượng của Goya đã dẫn ông đi.

“Saturn ăn thịt con mình” (1819 – 1823.) Saturn hay còn gọi là Cronos quyết tâm ăn thịt hết những đứa con trai của mình vì sợ bị tiếm quyền, nhưng rốt cuộc vẫn không thắng khỏi số mệnh. Đứa con trai cuối cùng của Saturn chính là thần Jupiter đã thoát khỏi bị ăn thịt và trả thù cha. Màu máu đỏ đối lập với da trắng tạo cảm giác ghê rợn. Đôi mắt trắng dã của Saturn càng làm tăng vẻ điên cuồng của vị titan này. Ngoài Goya ít có ai vẽ cảnh này vì nó quá tàn nhẫn và không đẹp đẽ gì.

“Hai lão già ăn súp” (1819 – 1823)

“Lễ Sabbath của các phù thủy” (1819 – 1823)

Khi về già, Goya dần trở nên lo ngại trước thể chế mới ở Tây Ban Nha và ông bỏ quê hương chuyển qua Pháp sống. Goya qua đời tại Bordeaux vào năm 82 tuổi. Để hiểu thêm về cuộc đời ông, những người yêu nghệ thuật có thể thưởng thức bộ phim Goya ở Bordeaux  (1999) của đạo diễn Carlos Saura. Bộ phim giành được 5 giải Goya (giải của Hiệp hội phim ảnh Tây Ban Nha, tương đương với Oscar của Hoa Kỳ! Người thắng cuộc trên từng hạng mục được nhận một bức tượng nhỏ hình họa sĩ Goya. Thật là một sự tương đồng đầy vinh dự cho người làm phim.)

*

No comments:

Post a Comment