Trong giới Hồng học, ít ai còn xa lạ với việc Tào Tuyết Cần cố ý xếp đặt cho Tình Văn trở thành phiên bản song sinh của Đại Ngọc. Tuy nhiên nếu độc giả không chú ý thật kỹ thì dễ dàng để những chi tiết lắt léo mà tác giả dày công “cài cắm” trượt khỏi ý thức của mình. Sau khi dành cả đời tận tâm nghiên cứu Hồng học, ông Chu Nhữ Xương cũng phải thốt lên “Hồng Lâu Mộngthật không dễ đọc và càng khó để hiểu.” Điều này khẳng định một lần nữa tài năng trác tuyệt của Tào Tuyết Cần trong việc kiến tạo một tác phẩm đồ sộ nhưng rất tự nhiên, “không có dấu vết của công phu và nhân tạo” như ông Nhật Chiêu đã nhận xét.
Mặt khác, đối với độc giả mê Hồng Lâu Mộng, tự mình nhặt nhạnh những đầu mối để giải những bài tập Hồng học là một thử thách thú vị. Thí dụ có người đã ví Tình Văn như “cái bóng” của Lâm Đại Ngọc vậy. Trong bài này, người viết xin mạn phép hệ thống lại những điểm tương đồng giữa hai nhân vật Đại Ngọc-Tình Văn nhằm làm sáng tỏ những thông điệp về “duyên” và “nghiệp” của Hồng Lâu Mộng.
Nếu Tình Văn là cái bóng trong gương của Đại Ngọc thì Tập Nhân là hình ảnh phản chiếu của Bảo Thoa. Khi xét về mối tương quan giữa Đại Ngọc-Tình Văn, ta luôn cần so sánh nó với cặp bài trùng Bảo Thoa-Tập Nhân. Trước hết, về hoàn cảnh xuất thân, Bảo Thoa và Tập Nhân đều mồ côi cha nhưng vẫn còn mẹ và anh trai thương yêu. Tình Văn và Đại Ngọc đều mồ côi cha mẹ, bơ vơ không nơi nương tựa. Đây là điểm khiến họ trở nên vô cùng đáng thương trong con mắt người đọc.
Tuy trẻ tuổi, Đại Ngọc và Tình Văn đều không ảo tưởng về địa vị của họ trong phủ Giả. Hai cô gái mồ côi gửi gắm thân mình vào nhà họ Giả, tuy được chiều chuộng từ tấm bé, nhưng họ đều ý thức rõ rằng sự thân thiện của nhà họ Giả cũng chỉ là “giả” mà thôi, có thể tan biến bất cứ lúc nào như làn khói mỏng. Quả nhiên khi câu chuyện đến hồi kết, Đại Ngọc và Tình Văn đều bị chính những kẻ cưu mang họ hắt hủi, đúng với nhận xét của Bảo Ngọc là như “cây hoa lan bị vứt vào chuồng lợn.” Tình Văn bị giới quý tộc mà nàng nai lưng hầu hạ rũ bỏ như một miếng giẻ rách, còn Đại Ngọc bị Giả Mẫu mà nàng yêu thương ruồng bỏ. Đó là bi kịch thứ nhất của Đại Ngọc và Tình Văn. Ngược lại, Tập Nhân và Bảo Thoa được nhà họ Giả đối xử tử tế cho đến cùng.
Điểm tương đồng thứ hai được nhắc đi nhắc lại trong Hồng Lâu Mộng là sự giống nhau về hình dáng của Đại Ngọc-Tình Văn. Vương phu nhân nhận xét Tình Văn là “lưng hơi cong, vai hơi thon, lông mày và mắt lại hơi giống em Lâm.” Trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, Lâm Đại Ngọc đứng đầu, nàng là tiểu thư đẹp và tài năng nhất trong Giả phủ. Trong Kim Lăng thập nhị thoa hựu phó sách, Tình Văn cũng là số một, nàng là người hầu có nhan sắc diễm lệ nhất, khí chất cao đẹp và trong sáng nhất. Tào Tuyết Cần nhắc đi nhắc lại rằng Tình Văn có hình dáng giống Lâm Đại Ngọc, và cùng gắn vẻ đẹp của họ với mỹ nhân số một Trung Hoa: Tây Thi. Một số dẫn chứng:
– Khi Lâm Đại Ngọc lần đầu xuất hiện đã gây ấn tượng bởi vẻ đẹp mong manh, yếu đuối của nàng. Tào Tuyết Cần gọi đó là nét mềm mại “Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn một trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân.”
– Lâm Đại Ngọc chôn hoa là một trong những hình ảnh lãng mạn nhất trong Hồng Lâu Mộng. Khi Bảo Ngọc ngó thấy Linh Quan vạch vẽ chữ “Tường” trên mặt đất liền đoán rằng con bé học theo Đại Ngọc chôn hoa, và gọi đó là trò Đông Thi vờ nhăn mặt, không có gì hay mà còn đáng chán. (Tây Thi đời Chiến quốc nhan sắc tuyệt vời, khi nhăn mặt lại càng đẹp. Ở phía đông trong làng có một người con gái rất xấu, thấy thế cũng bắt chước. Nhưng khi cô ta nhăn mặt, người giàu trông thấy phải đóng cửa, không dám nhìn, người nghèo trông thấy phải đem cả vợ con trốn đi nơi khác.)
– Đến bọn con hầu, người ở trong nhà cũng lén gọi Lâm Đại Ngọc là “nàng Tây Thi đa bệnh,” vừa vì nàng có nhan sắc hơn người, vừa vì Đại Ngọc ốm đau luôn.
Giống như Đại Ngọc, Tình Văn có nhan sắc đặc biệt trội hơn hẳn các nô tỳ khác trong phủ, khiến nàng bị ghen ghét không ít. Tình Văn cũng thường được/bị ví với Tây Thi:
– Vợ Vương Thiện Bảo khi ton hót với Vương phu nhân có nói rằng Tình Văn “Nó cậy sắc đẹp hơn người, miệng lại khéo léo, ngày nào cũng trang điểm như nàng Tây Thi.” Lời dèm pha này đã bắt đầu quá trình Tình Văn bị ngược đãi.
– Khi Vương phu nhân tới tra hỏi Tình Văn, con mắt giận dữ của bà thấy nàng “đầu tóc bơ phờ, áo quần lõng thõng, có vẻ lẳng lơ như Tây Thi đêm xuân nằm ôm bụng.” Vốn là người mừng giận bất thường, bà ta liền mắng chửi Tình Văn: “Đẹp thật! Thật là giống hệt ‘Tây Thi đương ốm!’ Ngày nào mày cũng giở cái lối trai lơ ấy ra để cho ai xem đấy? Mày cứ tưởng là ta không biết việc mày làm à?”
Trong toàn bộ Hồng Lâu Mộng, ngoài Đại Ngọc và Tình Văn ra, không còn ai được ví với nàng Tây Thi nữa. Nhưng cũng đúng với câu hồng nhan bạc mệnh, số phận của cả hai cũng thật đau xót, đúng như bài vịnh Tây Thi mà Đại Ngọc đã viết trong chùm thơ Ngũ mỹ:
Trôi theo hoa sóng ngán cho đời,Luống để vua Ngô nhớ thiếp hoài.Đừng bảo Đông Thi nhăn mặt vụng,Bạc đầu mà vẫn giặt bên khơi.
Điểm tương đồng thứ ba giữa Đại Ngọc-Tình Văn là tính cách của họ. Nhạy cảm, thông minh vốn sẵn tính trời, cả hai cô gái đều dễ xúc động, hay buông lời trách móc, đùa cợt, trêu chọc người khác. Đúng như lời sấm báo, Tình Văn “tinh khôn, đài các tổ người ghen.” Đại Ngọc thì thường “tinh ranh, nói câu bỡn cợt.” Sở dĩ tính cách Đại Ngọc-Tình Văn như vậy một phần do hoàn cảnh côi cút của họ, một phần do họ đều có lòng yêu Bảo Ngọc, từ yêu đâm ra ghen, càng ghen lại càng mẫn cảm với những bóng hồng xung quanh anh ta. Đối tượng gây hiềm khích của Đại Ngọc-Tình Văn cũng tương ứng với thứ bậc của họ. Đại Ngọc ghen với Bảo Thoa và Tương Văn; chiếc khóa vàng, con kỳ lân vàng, và điềm báo “kim ngọc lương duyên” khiến nàng bứt rứt không thôi.
Tình Văn, với vai trò người hầu cận bên Bảo Ngọc, thường hay soi xét Tập Nhân và Xạ Nguyệt – hai a hoàn thân thiết khác. Với Xạ Nguyệt, nàng chỉ thường trêu chọc, nhưng biết rõ quan hệ “trên mức bình thường” của Bảo Ngọc và Tập Nhân, nàng rất dễ nổi cáu:
Tình Văn nghe thấy hai tiếng “Chúng tôi”, cho ngay là Tập Nhân muốn nói cô ta với Bảo Ngọc, trong bụng đâm ra ghen, liền cười nhạt mấy tiếng:
– Tôi chả biết ai là “Chúng tôi” cả, đừng để tôi phải hổ thẹn thay cho ai! Các người làm những việc thầm kín với nhau, giấu thế nào được tôi! Tôi cứ nói thẳng: ngay các cô nhà này cũng còn chưa với lên được, huống chi chị cũng như tôi, thế mà lại dám gọi “Chúng tôi” à?
Điểm tương đồng thứ tư giữa Đại Ngọc và Tình Văn là biểu tượng hoa phù dung. Những người đẹp trong Hồng Lâu Mộng thường được ví với hoa. Bảo Thoa là hoa mẫu đơn rực rỡ, đài các, đầy đặn, Thám Xuân là hoa hồng đẹp thơm nhưng lắm gai làm đau người khác, Kim Quế là hoa quế sắc sảo tàn nhẫn, Tương Vân là thược dược phóng khoáng, Hương Lăng là củ ấu bình dị, v.v,… Đại Ngọc và Tình Văn đều ứng với hoa phù dung. Phù dung là loài hoa đẹp kiều mị nhưng mong manh, sớm nở tối tàn. Người sao hoa vậy, cả hai cô gái đều lìa đời khi đang ở tuổi hoa đẹp nhất. Những dẫn chứng về Đại Ngọc-Tình Văn và hoa phù dung bao gồm:
– Khi uống rượu rút thẻ hoa với các chị em, Đại Ngọc rút được thẻ hoa phù dung.
Rồi rút được một thẻ vẽ một cành hoa phù dung, có đề bốn chữ “sương gió buồn tênh”. Mặt sau có một câu thơ cổ: “Thương mình nào dám giận gì gió đông”. (…) Mọi người cười nói:
– Hay quá! Trừ cô ấy ra, không còn có ai đáng làm hoa phù dung nữa.
– Khi Bảo Ngọc lên thăm Thái hư ảo cảnh lần thứ hai, nữ thần cai quản hoa phù dung chính là Tiêu Tương phi tử – cùng tên với Đại Ngọc khi còn sống. Đây chính là hậu kiếp của Đại Ngọc.
– Khi Tình Văn qua đời, Bảo Ngọc liền làm Văn tế nữ thần hoa phù dung để tiễn linh hồn nàng. Về sau câu chuyện lưu truyền trong Đại Quan viên theo lời Giả Dung rằng Tình Văn đã hóa thành nữ thần coi hoa phù dung.
Cuối cùng, điểm tương đồng giữa Đại Ngọc-Tình Văn là mối quan hệ của họ với Bảo Ngọc. Không phải ngẫu nhiên mà Tào Tuyết Cần để Tình Văn làm “cánh chim xanh” đưa thư giữa Đại Ngọc-Bảo Ngọc. Bức thư tình đầu tiên Bảo Ngọc gửi cho cô Lâm không có thơ, không có họa, mà chỉ là hai chiếc khăn lụa cũ trơn. Tình Văn nửa tin nửa ngờ nhưng vẫn vâng lời đem tín vật này đến cho Đại Ngọc, đó là thời điểm bước ngoặt của câu chuyện chính thức đánh dấu Bảo Ngọc-Đại Ngọc sa chân vào đường tình ái.
Tập Nhân và Bảo Thoa cũng gần gũi Bảo Ngọc vậy, song vì sao họ không bao giờ chạm được vào trái tim Bảo Ngọc? Đó là vì Tập Nhân, Bảo Thoa ăn mặc giản dị, được lòng trên dưới, đáng kính đáng yêu,… song họ không hiểu được chí hướng của Bảo Ngọc, một mực khuyên chàng học hành, đỗ đạt, làm quan. Họ có biết đâu Bảo Ngọc sinh ra trong trời đất này chỉ để nếm trải thất tình lục dục của con người, để đốt cháy trái tim đến tận cùng, buông thả cho “lửa nhiệt độc” tình ái bẩm sinh dẫn chàng ta đến đâu thì đến. Viên ngọc là hòn đá hóa thành, sau khi mất đi em Lâm, Bảo Ngọc lại quay trở về làm hòn đá lãnh đạm với đời.
Bảo Thoa và Tập Nhân có yêu Bảo Ngọc không? Có. Nhưng họ có sẵn sàng hủy mình vì tình yêu đó chăng? Không. Chỉ có Tình Văn dù ốm yếu vẫn “vùng dậy vá áo cừu” cho Bảo Ngọc không màng đến thân mình, báo trước cho việc Đại Ngọc tự hủy hoại bản thân khi tình yêu tan vỡ. Tình Văn xé quạt, Đại Ngọc cắt dây đeo ngọc chính là những điềm báo số phận của họ. Trong câu chuyện này, chỉ có Đại Ngọc-Tình Văn dám cháy hết mình cho tình yêu, bất chấp kết quả bi đát.
Một điểm cần lưu ý: Đại Ngọc và Tình Văn tuy có tình cảm mãnh liệt với Bảo Ngọc, song mối quan hệ đó hoàn toàn trong sạch, không vướng nhơ bẩn của tình dục. Trong Hồng Lâu Mộng, cả Tình Văn và Đại Ngọc đã cùng nằm chung một giường với Bảo Ngọc (Đại Ngọc khi nằm ngủ trưa, Tình Văn khi cảm lạnh) nhưng họ vẫn là xử nữ băng thanh ngọc khiết. Ngược lại, Tập Nhân và Bảo Thoa là hai người có quan hệ chăn gối với Bảo Ngọc, nhưng mãi là “đồng sàng dị mộng”, nên nực cười thay khi nhà họ Giả nghi ngờ Tình Văn đã quyến rũ Bảo Ngọc vào con đường xằng bậy, khiến nàng khi sắp chết vẫn ôm hận mang tiếng xấu mà chẳng được sống hết mình, quả là “Chịu tiếng ong ve thành tổn thọ, đa tình công tử luống than phiền.”
Tình Văn gạt nước mắt, với lấy con dao cắt đứt hai móng tay tháp bút, sau lại cho tay vào trong chăn, cởi chiếc áo lót bằng lụa hồng cũ cùng với móng tay đưa cho Bảo Ngọc và nói:
– Cậu hãy cầm lấy. Sau này trông thấy vật này cũng như thấy tôi vậy. Cậu cởi ngay áo của cậu ra cho tôi mặc. Tôi dù có nằm trong quan tài thì cũng như ở viện Di Hồng. Lẽ ra không nên như thế, nhưng trót mang tiếng hão, tôi không còn cách nào.
Với vai trò “chị em song sinh”, cái chết của Tình Văn báo trước kết cục của Đại Ngọc. Khi qua đời Tình Văn ho dồn, gầy mòn, và mang những dấu vết của bệnh lao. Khi đọc đến đây, người đọc không khỏi ngậm ngùi vì biết số phận Đại Ngọc cũng không mấy tốt đẹp hơn. Hai người con gái đẹp đẽ, trong sáng, lãng mạn bậc nhất Giả phủ đều chết trong cảnh cô độc, không người thân thiết. Tuy nhiên Tình Văn còn đôi phần có hậu hơn vì nàng được gặp Bảo Ngọc trước khi lìa trần, được thổ lộ hết tấm tình chân thật. Đại Ngọc trút hơi thở cuối cùng trong khi người yêu làm lễ hợp cẩn với người con gái khác, âu cũng là số kiếp sinh ra để trả nợ tình kiếp trước bằng nước mắt.
Theo Tào Tuyết Cần, nghiệp chướng ái tình của Lâm Đại Ngọc chính là phải chịu cảnh “hoài công biết nhau” với Bảo Ngọc. Cũng như Tình Văn, Đại Ngọc chia sẻ với Bảo Ngọc mối tình đằm thắm, song tất cả chỉ là uổng phí. Có lẽ đến lúc chết, Đại Ngọc vẫn không thể nhắm mắt được vì những câu hỏi luẩn quẩn:
Bảo rằng chả có duyên đâu,
Thì sao lại được gặp nhau kiếp này?
Bảo rằng sẵn có duyên may,
Thì sao lại đổi thay lời nguyền?
Lâm Đại Ngọc có thể không hiểu, nhưng người đọc không thể không hiểu: chính cuộc tình tưởng chừng như vô thường, “bóng trăng đáy nước, hoa rọi trong gương” đó mới là ái tình thật sự. Vì khi giấc mộng lầu hồng chấm dứt, cát bụi lại trở về với cát bụi, giả và chân dần lộ rõ thì chỉ còn lại mối ơn đằm thắm của Thần Anh với Giáng Châu còn sống lại mãi với nhân gian. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở là vậy!
*
*
No comments:
Post a Comment