Tôi không phải người thông thạo về thơ Đường, nhưng luôn yêu thích những vần thơ nhẹ nhàng, thanh tao mà tràn đầy tình cảm của Đỗ Mục – người được nhân dân Trung Quốc gọi là Tiểu Đỗ để phân biệt với Đỗ Phủ-Lão Đỗ. Đỗ Mục có một bài thơ tiễn bạn rất hay:
Đa tình khước tự tổng vô tình
Duy giác tôn tiền tiếu bất thành
Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt
Thế nhân thuỳ lệ đáo thiên minh.
Bản dịch của Tương Như:
Đa tình mà lại hóa vô tình
Thật khó làm vui trước chén quỳnh
Chiếc nến có lòng còn luyến tiếc
Thay người nhỏ lệ suốt năm canh.
Tự cổ chí kim, ắt đã có không ít người ngồi ngắm ngọn nến từ từ cháy đến sáng bạch mà suy nghĩ nhân tình thế thái. Hình ảnh sợi bấc giống trái tim của cây nến từ từ héo quắt bên cạnh những giọt lệ sáp không ngừng nhỏ được tác giả diễn tả thật tài tình. Ngày nay nến không còn cạnh tranh được về độ sáng và tiện lợi với muôn vàn loại đèn, nhưng người ta vẫn nhớ đến nến, cần có nến khi cắt bánh sinh nhật, trang trí đám cưới, hoặc sắp xếp một bữa tối lãng mạn với hoa và rượu champagne. Hoặc không thì mỗi nhà cũng có vài ngọn nến và bao diêm để phòng khi … mất điện. Nhưng đã có thời, một thời kéo dài hàng ngàn năm, những ngọn nến là nguồn sáng quan trọng xua tan đi bóng tối cho nhân loại.
Thích ánh sáng và sợ bóng tối là một thuộc tính cơ bản của con người. Bái Hỏa giáo ở Ba Tư (Zoroastrianism) tôn lửa làm thần, có rất nhiều đền thờ lửa, trong đó có Yazd Atash Behram ở Yazd chứa ngọn lửa vĩnh cửu cháy từ năm 470 Công nguyên. Người Hindu có ngày lễ Diwali ăn mừng chiến thắng của ánh sáng trước bóng đêm. Dân tộc Do Thái thì có dịp Hanukkah… Con người là chúa tể của muôn loài vì làm ra được lửa, và quan trọng hơn là giữ được lửa. Có lửa thì đỡ sợ thú dữ, giữ được hơi ấm, làm chín được thực phẩm, và… nhìn được mặt nhau khi ông mặt trời đi ngủ. Trước khi có đèn điện, con người đã sử dụng đuốc, nến, đèn dầu hỏa, dầu olive, thậm chí đèn đốt bằng mỡ của con trâu Yak ở Tây Tạng,… Ở đây chỉ bàn về nến.
Nến được chế tạo ở khắp mọi nơi trên thế giới, một cách tương đối độc lập. Những ngọn nến cổ nhất của Trung Quốc được khai quật trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từ hơn 200 năm trước Công nguyên, làm từ mỡ cá voi. Người La Mã làm nến bằng cách nhúng sợi bấc liên tục vào mỡ động vật cho đến khi đạt được độ dày vừa ý. Mỡ động vật (bò, cừu) làm nến thì rẻ và sẵn có, nhưng khi đốt thì tỏa ra mùi không được thơm tho cho lắm. Sáp ong là một thứ nguyên liệu lý tưởng, cháy sạch sẽ, ít khói, và đương nhiên là… đắt đỏ, nên chỉ được giới quý tộc và tăng lữ sử dụng là chủ yếu. Ngoài hai nguyên liệu chính đó, còn có nến làm từ mỡ cá, hoặc nhựa của các hạt cải dầu, quế, sâu bọ,…
Đến thế kỉ 18, người ta phát hiện ra trong đầu cá nhà táng có một khoang chứa dầu – chất dầu này làm nến thì tuyệt diệu – vừa sáng, vừa cháy chậm, mà lại không có mùi khó ngửi. Vì thứ dầu này (gọi là spermaceti) và long diên hương (ambergris, chất màu xám trong ruột cá, dùng trong ngành công nghiệp nước hoa, đắt như vàng) mà cá nhà táng liên tục bị săn bắt và giết hại đến mức bây giờ đã rơi vào danh sách loài sắp bị nguy cấp. Tiểu thuyết Moby Dick của nhà văn Herman Melville – một tác phẩm văn học Mỹ kinh điển mà học sinh trung học Mỹ nào cũng phải đọc, kể về những sự kiện liên quan đến một con tàu săn cá voi và người thuyền trưởng quyết chí trả thù một chú cá voi trắng. Mới đây có bộ phim In the Heart of the Sea dựa theo truyện, ai mê thần Thor đẹp trai cũng nên đi xem cho biết.
Bàn tới nến không thể chỉ nói về sáp mà không nhắc đến bấc. Bấc có thể làm từ sợi bông hoặc nhiều chất liệu khác, được giữ thẳng nhờ sợi kim loại mỏng. Do hiện tượng mao dẫn, chất sáp nóng bị hút lên đầu bấc để làm nhiên liệu cháy. Nếu nến còn được gọi là đèn cầy thì bấc cũng được gọi là hoa đèn, và cần được cắt tỉa thường xuyên để cháy đều. Nến sinh nhật cho các bé thì cái bấc thường chỉ ngắn một mẩu, để không cháy được lâu, đỡ gây nguy hiểm. Bấc nến luôn nằm ở vị trí trung tâm của cây nến nên còn được gọi là tim nến.
Từ cây nến (candle) và giá nến (candelabra) đều có nguồn từ tiếng Latin – cand, candel – chiếu sáng. Thế nhưng nến không chỉ có tác dụng chiếu sáng mà còn để trang trí, tạo mùi thơm dễ chịụ, và có tác dụng… báo giờ. Vì nến cháy khá đều, người ta có thể vạch lên thân nến để biểt thời gian trôi qua được bao nhiêu. Một cái đinh, hoặc đồng xu có thể được nhét vào cây nến – khi cháy đến đó sẽ rơi xuống tạo thành tiếng động báo thức. Những tu sĩ thời Trung Cổ thậm chí còn đặt một cây nến dưới chân để khi nến… cháy đến chân thì tỉnh giấc.
Hiện nay nến không còn phổ biến như trước, nhưng vì thế lại trở nên đặc biệt hơn. Tôi có một niềm say mê nho nhỏ với những cây nến, từ khi mẹ tôi mang về từ nước ngoài một chú thiên nga pha lê xinh đẹp với quả trứng nến ở phía sau, mà chỉ đến Giao thừa hàng năm mẹ tôi mới đốt cây nến đó… Rồi tôi lại say mê cuộc sống tự cung tự cấp được mô tả trong bộ sách Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Những nhân vật trong truyện tự xẻ gỗ làm nhà, tự trồng lúa mạch làm lương thực, tự mổ thịt gia súc, lột da làm giày, lấy mỡ đun làm nến,.. Hồi nhỏ, tôi thường nghịch ngợm đục rỗng những quả trứng gà, đun chảy sáp rồi đổ vào làm nến, nhưng mười lần thì có đến chín lần là bị bỏng tay.
Lớn lên tôi vẫn thích sưu tập nến. Có loại nến thơm, và có loại nến đẹp. Nến thơm luôn có tác dụng khiến những suy nghĩ căng thẳng rối tinh như cuộn len trong đầu tôi được gỡ ra từ từ theo làn hương phảng phất. Hiện nay ở Việt Nam đã có bán loại Yankee Candle to đùng như một lọ muối dưa với mùi thơm nồng nặc sặc sụa, chỉ mới ngửi, chưa cần đốt đã đủ hắt hơi. Chất lượng của Yankee Candle theo dân tình nhận xét là kém xa hồi trước (hình như thứ gì cũng vậy). Loại nến thơm mà tôi thích nhất là của Diptyque – một hãng nước hoa khá nổi tiếng. Mỗi cây nến được đặt trong một lọ thủy tinh với logo màu trắng đen ghi rõ tên hương liệu, giản dị nhưng rất mỹ thuật. Nến và nước hoa của Diptyque đều có một hương thơm sâu sắc khó diễn tả. (Ít ai biết Diptyque có một loại nước hoa được đặt tên dựa theo Tam Đảo của Việt Nam). Những lọ nến của Diptyque sau khi dùng hết có thể dùng làm lọ hoa nhỏ, hoặc để đựng các món đồ trang điểm nhỏ nhã nhặn.
Nến đẹp thì tùy gu thẩm mỹ, có người chỉ thích nến tealight nho nhỏ, có người thích nến có đính hoa khô, phủ nhũ, gắn vỏ sò, in hình người, muôn hình muôn vẻ. Nhưng đã sưu tập nến thì không thể không nhắc tới thể loại hand-carving candle (nến khắc tay) nổi tiếng của châu Âu.
Sau đây là một video mô tả quy trình nhúng nến, chạm khắc, tỉa hoa khiến mỗi cây nến trở thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự, đẹp đến mức không nỡ đốt vì… thương.
*
*
No comments:
Post a Comment