Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân



Đầu năm ngắm trăm hoa đua nở lại lần giở đọc về những bông hoa trong Hồng Lâu Mộng, ngẫm nghĩ thấy truyện và đời vẫn rất giống nhau. Cành đào thắm mang về trưng ngày Tết giờ đã tàn, rụng lác đác, chỉ chờ ngày tiễn ra… bãi rác một cách không kèn không trống, nào khác phận người. Trong Hồng Lâu Mộng cũng có một mỹ nhân sinh đúng vào ngày mùng một tháng Giêng, tươi đẹp rực rỡ như hoa đào, tiếc thay mãn khai chẳng được bao lâu thì “nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương” – đó chính là Giả Nguyên Xuân. Trong mười hai thoa của Hồng Lâu Mộng thì Nguyên Xuân là người có địa vị cao nhất, quan hệ huyết thống gần gũi với Bảo Ngọc nhất, cuộc đời vinh hoa phú quý nhất, nhưng cái chết lại đột ngột và mập mờ nhất. Vì thế Nguyên Xuân đáng được bàn tới.

Trong Giả phủ tứ xuân thì Nguyên Xuân đứng đầu – nàng là người lớn tuổi nhất, mà cái gỉ gì gi khác cũng… nhất luôn. Các cô gái trong Hồng Lâu Mộng khi nhắc tới Nguyên Xuân thường tấm tắc khen ngợi có pha chút ghen tị vì “đến ngày sinh của chị ấy cũng hơn người ta.” Nguyên Xuân là con gái của Vương phu nhân và Giả Chính, hơn Bảo Ngọc chừng mười tuổi. Từ nhỏ Nguyên Xuân đã kề cận bên Giả Mẫu, đến khi lớn lại được tuyển vào cung làm Nữ sử. Sau vài năm, Nguyên Xuân được thăng làm Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo, hưởng sự sủng ái của hoàng thượng. Nguyên Xuân vì thế là kim thoa duy nhất hầu như không sinh sống trong Giả phủ trong suốt chiều dài Hồng Lâu Mộng, và xuất hiện cũng rất ít. Đây đương nhiên là ý đồ của tác giả – nhà văn cố tình tạo nên hình ảnh Giả quý phi cách biệt với thường nhân, một kiểu mẫu lý tưởng mà mọi người chỉ dám đứng từ xa mà ngưỡng vọng.



Tuy vậy, thật sai lầm nếu cho rằng Nguyên Xuân chiếm một vị trí mờ nhạt trong Hồng Lâu Mộng. Đối với Bảo Ngọc, Nguyên Xuân vừa là chị vừa là mẹ. Đoạn sau đã nói rõ:

Nguyên là Giả phi lúc bé được Giả mẫu nuôi dạy. Sau thêm được Bảo Ngọc. Giả phi là chị cả, Bảo Ngọc là em út. Giả phi nghĩ mẹ tuổi đã cao, mới sinh được đứa em nhỏ, nên rất thương yêu Bảo Ngọc, khác hẳn mọi người. Vả lại, chị em cùng ở với Giả mẫu, không rời nhau lúc nào. Khi Bảo Ngọc mới ba, bốn tuổi, chưa đi học, đã được Giả phi dạy truyền khẩu, thuộc lòng mấy quyển sách, biết đến mấy nghìn chữ. Tuy là chị em, nhưng chẳng khác gì mẹ với con. Sau khi vào cung, Giả phi thường nhắn tin cho cha mẹ: “Cần phải nuôi dạy Bảo Ngọc cẩn thận, không nghiêm thì sau này không thành người, nhưng nghiêm quá lại sợ xảy ra sự bất trắc, làm cho cha mẹ lo buồn”.
Lòng quyến luyến của Giả phi đối với Bảo Ngọc thật là không khuây chút nào.

Đối với những con người trong Giả phủ, Nguyên Xuân là chỗ dựa lớn nhất về địa vị trong bộ máy phong kiến, là niềm tự hào lớn của gia tộc. Lần duy nhất Nguyên Xuân được phép vua cho về thăm nhà đã khiến họ Giả xây dựng một Đại Quan viên tốn kém vô số vàng bạc – nơi này về sau trở thành sân khấu diễn ra những câu chuyện hỉ nộ ái ố của tất cả các nhân vật chính trong truyện. Cái chết của Nguyên Xuân thì kéo theo sự sụp đổ không thể cưỡng được của Giả phủ.

Như đã nhấn mạnh, Nguyên Xuân là người đàn bà có vị trí cao nhất trong số những nhân vật của Hồng Lâu Mộng. Trước tiên hãy xem qua bài chính sách nói về Nguyên Xuân:

Bảo Ngọc vẫn không hiểu, muốn hỏi cho ra, nhưng biết rằng tiên cô chẳng chịu tiết lộ cơ trời, muốn cất sổ đi, nhưng lại tiếc, liền giở xem những trang sau, thì thấy vẽ một cái cung, trên cung treo một quả phật thủ. Có đề bài thơ:
Sau tuổi hai mươi đã trải đời,
Kìa hoa lựu nở cửa cung soi.
Ba xuân nào được bằng xuân mới,
Thỏ gặp hùm kia giấc mộng xuôi.

Trong lời sấm này, tác giả Tào Tuyết Cần đã sử dụng biện pháp song quan để ám chỉ nhân vật Nguyên Xuân. Quả phật thủ tiếng Hán Việt gọi là “hương duyên,” chữ duyên (yuan) đồng âm với chữ Nguyên trong tên của Nguyên Xuân (Yuan Chun). Cái cung biểu tượng cho âm mưu, bạo lực, và sự bấp bênh, lại đồng âm với chữ cung trong cung đình – là nơi Nguyên Xuân ở. “Sau tuổi hai mươi đã trải đời” nói rõ việc Nguyên Xuân được vinh hiển từ rất sớm. Hoa lựu đỏ rực là biểu tượng của phú quý, phồn vinh. “Ba xuân nào được bằng xuân mới” hàm ý rằng Nghênh Xuân, Thám Xuân, Tích Xuân không thể so sánh với Nguyên Xuân về số phận may mắn. “Thỏ gặp hùm kia giấc mộng xuôi” báo trước Nguyên Xuân qua đời vào cuối năm Dần đầu năm Mão, nhưng cũng có ám chỉ về những âm mưu độc địa trong cung cấm.

Khi Nguyên Xuân được phép về thăm nhà và chứng kiến bao tiền của công sức đổ ra để tạo nên một cảnh tượng “khói thơm nghi ngút, bóng hòa rập rờn, chỗ nào cũng đèn sáng chói lọi, lúc nào cũng tiếng nhạc du dương, thật là cảnh tượng thái bình, phong lưu phú quí, nói không xiết được!”, phản ứng của nàng không phải vui sướng, hãnh diện, hài lòng, mà là “lẳng lặng thở dài: “Xa hoa quá”. Nguyên Xuân là vị quý phi sống trong cung, vốn đã chẳng lạ gì với gấm vóc lụa là mà còn như vậy thì đủ hiểu sự hào nhoáng tột đỉnh của Đại Quan viên đến mức nào!

Nguyên Xuân khi gặp mặt người thân

Tới đây phải nghỉ chân uống chén trà để nói về một triết lý của người Trung Quốc: vật cực tất phản (wu ji bi fan), viết đầy đủ là: vật cực tất phản, lạc cực tất bi, thái hợp tất ly, thế thịnh tất suy. Đại ý của triết lý này nghĩa là những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà cố tình đẩy đến mức cực độ thì cũng đều có kết cục xấu. Vui sướng, giàu có, tốt đẹp đến mấy cũng nên dừng lại đúng lúc, nếu không thì trạng thái vui-đẹp-tốt-giàu ấy sẽ bị đảo ngược. Trong Hồng Lâu Mộngta thấy rõ điều đó: nhà họ Giả giàu có vinh hoa đến đỉnh cao rồi lụi tàn, Lâm Đại Ngọc tài hoa phát tiết rực rỡ thì chết yểu, Vương Hy Phượng quyền biến hơn người nhưng kết cục bi thảm. Trong Hồng Lâu Mộng có một đoạn Tần Khả Khanh hiện hồn về báo mộng với Phượng Thư để nhắc nhở:

Câu tục ngữ “Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn”, và “Trèo cao tất ngã đau”, chắc thím cũng đã hiểu. Nhà ta giàu sang lừng lẫy non trăm năm nay, một ngày kia “Hết vui đến buồn”, đúng như câu tục ngữ: “Cây đổ khỉ vượn tan”, chẳng hóa ra phụ cái tiếng dòng họ thi thư lâu đời hay sao?
[…]
Bĩ chán thì phải thái, vinh chán thì phải nhục, xưa nay vẫn quanh quẩn như thế, sức người có giữ được mãi đâu! Nhưng đang lúc thịnh, ta nghĩ cách đề phòng lúc suy, thì cũng có thể giữ lâu được. Hiện giờ mọi sự điều ổn, chỉ có hai việc là chưa xuôi, nếu biết xếp đặt ngay thì sau này sẽ không phải lo.
[…]
Nếu chỉ nhìn trước mắt cho là vinh hoa mãi mãi mà không tính đến mai sau, thì không phải là kế lâu dài. Rồi đây chẳng bao lâu nữa sẽ có một sự vui mừng khác thường, thực là: “lửa nóng sôi dầu, hoa tươi cài gấm!” Nhưng đó chỉ là cuộc phồn hoa nháy mắt, vui sướng một thời, đừng nên quên câu: “tiệc vui cũng tàn!” Nếu không lo xa từ giờ, sau này hối cũng vô ích!

Nên nhớ rằng bài học đằng sau “vật cực tất phản” không phải là tránh né sự giàu sang, tiền tài, sung sướng, mà là nhìn trước ngó sau, biết được giới hạn để tính toán lâu dài! Tần Khả Khanh khi báo mộng cho Vương Hy Phượng đã dặn dò tất cả những điều đó, thậm chí còn báo trước việc quý phi về thăm nhà – “vui mừng khác thường, phồn hoa nháy mắt”, nhưng chỉ như nước đổ lá khoai. Không những Phượng Thư không tỉnh ngộ mà còn tiêu xài hoang phí hơn, mưu mô xảo quyệt hơn, dần dà đưa cả nhà họ Giả xuống vực. Ngoài Khả Khanh, trong Hồng Lâu Mộngcòn có những tiếng nói của lý trí khác (voice of reason) như Bảo Thoa khuyên Đại Ngọc đừng tự hủy hoại bản thân, Tập Nhân phân tích phải trái cho Bảo Ngọc, nhưng tất thảy đều không có tác dụng. Số phận của các nhân vật mang tính cực đoan (Đại Ngọc, Bảo Ngọc, Phượng Thư) rốt cuộc đều đi vào ngõ cụt.

Nguyên Xuân đề biển ở Đại Quan viên

Trở lại Nguyên Xuân, nàng là con người có ý thức rõ ràng về vấn đề “vật cực tất phản.” Từ lời khuyên cha mẹ về việc răn dạy Bảo Ngọc “nghiêm nhưng đừng nghiêm quá” tới nhắn nhở gia đình “Giữ lấy sức khoẻ, không nên thương nhớ” và “Nếu sang năm ơn trên lại cho về thăm nhà, thì không nên bày vẽ xa xỉ như thế này”, đã cho thấy sự khôn ngoan, nhìn xa trông rộng của Quý phi, điều mà cả nhà họ Giả không có ai bằng được. Bản thân Nguyên Xuân cũng hoàn toàn không phải người đam mê cửa vàng lầu ngọc, đền quế cung lan – nàng ưa thích cuộc sống bình an bên cạnh người thân, không bị khoảng cách xa xôi về địa lý và khoảng cách xa hơn của địa vị. Những giọt nước mắt của Nguyên Xuân khi gặp bà, gặp mẹ cho thấy rất rõ ràng:

Một lúc Giả phi mới nén buồn, cười gượng an ủi:
– Ngày trước đã đưa tôi đến chỗ không bao giờ được về gặp người nhà, nay may được về đây, mẹ con lại không cười, không nói, cứ khóc! Chốc nữa tôi đi, biết bao giờ lại được gặp nhau?

Lòng người muốn vậy, nhưng ý trời không cho phép. Nguyên Xuân mong mỏi hướng tới sự hòa hợp, quân bình, nhưng kể cả ngày sinh nhật của nàng đã được thiên định là đầu bảng, trội hơn tất cả mọi người. Vào cung làm phi là một điều trái với nguyện vọng của Nguyên Xuân, một phần vì nàng muốn kề cận gia đình, nhưng phần lớn hơn là trách nhiệm quá nặng nề! Hoàng cung là một nơi trá nguỵ bậc nhất thiên hạ, Nguyên Xuân là một cô gái trẻ vừa “làm bạn với vua như chơi với hổ,” vừa phải đề phòng các âm mưu đầy rẫy xung quanh, lại còn gánh vác trọng trách nặng nề bảo toàn cho địa vị nhà họ Giả ở ngoài cung! Dù thân ở lầu son gác tía, Nguyên Xuân cũng không hề được sung sướng như các chị em trong phủ (và nhiều người đọc) lầm tưởng. Bài “Hận vô thường” ứng với Nguyên Xuân trong “Hồng Lâu Mộng khúc” đã nói rõ:

Đương vui chợt đã buồn ngay,
Chợt nhìn mọi việc thôi rày bỏ qua
Hồn thơm dằng dặc bay xa
Non cao trời rộng đây là quê hương
Tìm nơi báo mộng gia nương
Suối vàng con đã lỡ đương thần hôn
Mau mau lùi bước là hơn.

Lại trở về vấn đề “vật cực tất phản”, trong hội đố đèn, câu đố của Nguyên Xuân đã gây cho Giả Chính nhiều nỗi lo lắng đau lòng, vì nó mang điềm rất gở.

Yêu ma hồn vía còn chăng
Thân như lụa cuốn hơi bằng sấm ran
Ai nghe thấy cũng hết hồn
Ngoảnh đầu nhìn lại tro tàn khói bay.

Đây là câu đố rất hay về cái pháo. Giữa ngày tết Nguyên tiêu mà Quý phi lại nhắc tới “yêu ma”, “hồn vía”, “tro tàn”, “khói bay” thì quả thật không lành. Tại sao Tào Tuyết Cần lại chọn cái pháo để nói về Nguyên Xuân? Vì Nguyên Xuân sinh đúng mùng một Tết – một ngày may mắn sum vầy đầu năm khi người ta đốt pháo để ăn mừng. Tiếng pháo nổ thật vui biết bao, nhưng chỉ là cái vui trong khoảnh khắc, còn sau đấy là xác pháo hồng sẽ vương vãi đầy mặt đất. Sự đối lập giữa cái vui cực độ và cái thê lương cực độ ấy chính là điềm báo “vật cực tất phản” trong số phận của Nguyên Xuân, khiến cho cha của nàng không khỏi buồn rầu sợ sệt. Ở trường hợp này, tác giả để chính Nguyên Xuân tự chọn lấy lời sấm, cho thấy rằng dù khôn ngoan đến mấy nàng cũng không thể thoát khỏi bàn tay sắp đặt của tạo hoá. Nguyên Xuân, ở một chừng mực nào đó, đã hiểu và chấp nhận số mệnh của mình.

Nguyên Xuân trên giường bệnh sắp chết, Giả Mẫu và Vương phu nhân vào cung thăm

Thế nhưng chi tiết thú vị nhất về Nguyên Xuân lại là một đoạn mà nhiều người bỏ qua. Đoạn đó nằm ở hồi mười chín:

Giả Tường vội đem trình các mục vở hát và danh sách mười hai ca nữ. Một lúc thấy chấm bốn vở:
1. Hào yến,
2. Khất sảo,
3. Tiên duyên,
4. Li hồn.
Giả Tường vội xếp đặt các vở đem ra diễn. Những điệu hát lên cao, lanh lảnh, những điệu múa biến ảo như ma, tuy chỉ là lối biểu diễn hóa trang, nhưng nỗi vui buồn đều biểu lộ rõ.

Bốn vở hát do chính Nguyên Xuân chọn có ý nghĩa không thể xem thường, nhưng việc tìm hiểu rõ nguồn gốc từng vở thật là một việc mò trăng đáy nước, bởi trong truyện không có nói rõ. Sau một hồi mò mẫm, đối chiếu các tài liệu ít ỏi bằng… tiếng Anh (như cuốn Another Phenomennology of Humanity của Xunwu Chen), tôi tạm kết luận bốn vở hát đó có lai lịch như sau (bạn nào hiểu biết hơn về vấn đề này xin chỉ giáo thêm):

– Hào yến: Đây là tác phẩm khó xác định nguồn gốc nhất. Theo tôi, cảnh này được lấy từ vở Nhất bổng tuyết (Yi peng xue), một câu chuyện về sự phản bội, gian trá, sự trung thành và hy sinh xoay quanh chiếc chén ngọc trắng như tuyết, hiện tại chưa được dịch ra tiếng Việt. Có tài liệu lại cho rằng cảnh này lấy từ vở Mẫu Đơn đình – đoạn Thái thú Đỗ Bảo đãi tiệc. Quả thật khó để biết chính xác, bởi những buổi hào yến (bữa tiệc hào hoa) trong lịch sử và văn học Trung Quốc có rất nhiều. Điểm chung của hai bữa tiệc lớn trong Nhất bổng tuyết và Mẫu Đơn đình là cảnh tượng náo loạn, tan rã, suy sụp diễn ra ngay sau giai đoạn cực thịnh.

– Khất sảo: có thể chắc chắn cảnh này lấy từ vở kịch Trường Sinh Điện của nhà soạn kịch Hồng Thăng viết từ thời Thanh sơ, lấy cảm hứng từ Trường Hận Ca của nhà thơ Bạch Cư Dị và Mưa ngô đồng của Bạch Phác đời Nguyên. Vở kịch ca tụng tình yêu lý tưởng của Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi, tuy có chê trách đức vua hoang dâm vô độ khiến triều đình hủ bại, nhưng trên hết vẫn tỏ ý xót thương Quý phi. Vở kịch còn có ý ủng hộ rõ ràng với tiền triều (đời Minh) nên có thể nói là cùng mạch với tư tưởng Phản thanh phục Minh.

Giả Nguyên Xuân

– Tiên duyên: may mắn thay, có thể truy tìm nguồn gốc chính xác cảnh này từ câu chuyện của chàng Lư Sinh. Câu chuyện trên đầu tiên xuất hiện trong “Chẩm trung ký” là cuốn tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường nói về quá trình vinh hoa suy tàn của đời người, mang đậm tư tưởng hư vô của Đạo gia và vô thường của Đạo Phật. Truyền rằng vào đời Đường Thái Tông, có một đạo sĩ tên là Lữ Ông chu du tới Hàn Đan và ở trong một nhà khách nọ. Trong thời gian đó có một người trẻ tuổi tên là Lư Sinh cũng thường tới nhà khách đó để giết thời gian. Sau khi gặp Lữ Ông, Lư Sinh kể chuyện mình sinh ra không gặp thời như thế nào cho Lữ Ông nghe. Một lúc sau, Lư Sinh ngủ gật. Lữ Ông với tay lấy từ sau lưng ra một chiếc gối ruột rỗng bằng gốm đưa cho Lư Sinh mượn. Lư Sinh đón chiếc gối và ngủ ngay lập tức. Trong giấc mơ anh ta thấy mình đi tới một ngôi nhà lộng lẫy, người chủ ngôi nhà đó nhìn thấy Lư Sinh quần áo chỉnh tề liền mời anh ta vào trong và tiếp đãi rất ân cần, cho tiền, đồng thời lại gả con gái cho Lư Sinh. Lư Sinh được ghi tên trên bảng vàng và làm đến chức tể tướng. Nhưng sau đó Lư Sinh gặp phải chuyện phiền phức và bị giáng xuống làm tri huyện. Ba năm sau anh ta lại được triệu về kinh, và không lâu sau được phục chức tể tướng. Đúng vào lúc anh ta đang ở đỉnh cao của danh vọng, mọi chuyện đều như ý thì bị người khác vu cho tội mưu phản và bị bắt. Trước khi vào ngục, Lư Sinh nói với vợ: “nhớ lại khi xưa lúc ta còn mặc áo vải đi lang thang trên phố Hàn Đan, tuy nghèo khổ nhưng lại tự do, và ăn thấy ngon miệng, ngủ cũng ngon giấc. Nhưng nay thì chẳng còn gì nữa”. Sau đó Lư Sinh tuy được miễn tội chết , nhưng vẫn bị lưu đày tới vùng biên cương. Mấy năm sau được chứng minh là vô tội, Lư Sinh lại được mời về kinh làm tướng , còn năm đứa con trai đều làm lên chức quan to. Khi về già Lư Sinh muốn cáo lão về quê song Hoàng thượng không cho, Lư Sinh buồn rầu mà chết. Trải qua từng đấy thăng trầm thì Lư Sinh tỉnh giấc, mở mắt ra vẫn thấy Lữ Ông ngồi bên cạnh, nồi kê cũng vừa chín tới, tất cả vẫn như cũ.
“Ôi ! Thì ra là một giấc mộng!” – Lư Sinh thốt lên.
“Đời người vốn dĩ là một giấc mộng mà” Lữ Ông nói.
Kể từ đó người ta có cụm từ “giấc mộng hoàng lương,” hay giấc mộng kê vàng để chỉ sự phù du của kiếp người.

– Ly hồn: Con gái Trương Dật nhà Đường, có sắc đẹp. Lúc đó Trương Dật hẹn gả cho cháu ngoại là Vương Trụ, vì thế hai người vẫn quyến luyến nhau. Đến lúc lớn, Trương Dật đem gả cho người khác. Thiến Nương và Vương Trụ uất ức lắm. Sau Vương Trụ đi thuyền vào kinh, nửa đêm Thiến Nương chợt nhảy qua thuyền rồi rủ nhau trốn vào đất Thục, ở đấy năm năm đẻ được hai con. Khi về thăm nhà, Trương Dật trông thấy sợ lắm, vì con gái mình bị ốm đã mấy năm nay ở trong buồng. Khi Vương Trụ và Thiến Nương đến nhà, người con gái ấy đương nắm ở trong buồng chạy ra đón, thì hợp ngay với Thiến Nương thành một; sau người ta thường dùng chữ “Thiến Nương ly hồn” để tả người con gái vì tình mà chết.

Bốn câu chuyện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu về Nguyên Xuân nói riêng và Hồng Lâu Mộng nói chung. Theo Chi Nghiễn Trai, Hào yến ám chỉ nhà họ Giả giàu có xa hoa rồi sẽ có lúc nhà tan cửa nát, trở nên nghèo khó. Khất sảo là ẩn dụ về mối duyên của Nguyên Xuân (Dương Quý phi) và hoàng thượng (Đường Minh Hoàng) tuy đẹp đẽ đấy mà cũng mong manh dễ vỡ. Tiên duyên báo trước cuộc gặp mặt giữa Giả Bảo Ngọc và Chân Bảo Ngọc. Ly hồn ứng với cái chết vì tình của Đại Ngọc. Nhưng theo tôi, cả bốn câu chuyện còn có những ý nghĩa nhất định liên quan đến cuộc đời của Nguyên Xuân. Cũng giống như Bảo Ngọc và Đại Ngọc, Nguyên Xuân xuất thân là tiên (Tiên duyên) được Không Không đạo sĩ và Diểu Diểu chân nhân mang xuống trần. Khi về thăm nhà, trước cảnh tượng hào hoa mỹ lệ mà mọi người bày ra, nàng đã có một giây phút “flashback” về kiếp trước của mình:

Nhớ lại những ngày ở dưới núi Thanh Ngạnh trong dãy núi Đại Hoang, mình sao mà buồn rầu tịch mịch vậy! Nếu không nhờ nhà sư chốc đầu và đạo sĩ khiễng chân mang đến đây, thì làm gì mình được thấy cái thế giới này.

Sau khi đầu thai, vì mối duyên từ kiếp trước, Nguyên Xuân trở thành chị ruột của Bảo Ngọc. Khi lớn lên, nàng vào cung, phục vụ hoàng thượng (Khất sảo) hưởng đủ mọi vinh hoa phú quý (Hào yến). Nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, người con gái đẹp đã chết yểu (Ly hồn) vì một cách ám muội (có học giả cho rằng Quý phi bị đầu độc trong cung). Tất cả những vở kịch được chọn đều có chứa đựng triết lý “vật cực tất phản” – có lẽ từ trong tiềm thức, Nguyên Xuân đã dự cảm được những điều không lành chầu chực sau lớp vỏ hào nhoáng của tiền tài, danh vọng, tình dục, nhưng nàng không thể cưỡng lại bánh xe của lịch sử. Rốt cuộc Giả phi đẹp đẽ, thông thái, sang trọng cũng thành một nắm xương tàn, chẳng khác nào Dương quý phi bị Đường Minh Hoàng ép thắt cổ rồi chôn vội bên đường, hiện giờ nơi hạ lạc chính xác ở đâu cũng không ai biết.

Nguyên Xuân

Có nhiều học giả cho rằng hình mẫu Nguyên Xuân được Tào Tuyết Cần mô tả chính là lấy từ hai người cô làm vương phi cho vua Khang Hy, còn hoàng đế không lộ mặt trong Hồng Lâu Mộngchính là Càn Long. Dù giả thuyết đó có bao nhiêu phần trăm sự thực thì cũng khó phủ nhận sự tinh tế tuyệt đỉnh trong ngòi bút của ông. Hình tượng và số phận Nguyên Xuân khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về cái đẹp và sự phù du mong manh của xã hội quý tộc tư sản.

No comments:

Post a Comment