Có người đã nhận xét với tôi rằng, dù tôi chưa viết một bài nào chỉ bàn riêng về nhân vật Giả Bảo Ngọc nhưng họ vẫn không cảm thấy thiếu, bởi bài nào cũng có nhắc đến nhân vật này, không ít thì nhiều! Quả thật Bảo Ngọc vừa là nhân vật chính, vừa là chứng nhân cho hầu hết những sự kiện xảy ra trong Hồng Lâu Mộng. Số phận già trẻ trai gái trong truyện từ con hầu Kim Xuyến, con hát Tưởng Ngọc Hàm, trai đẹp Tần Chung,… cho chí ni cô Diệu Ngọc, tiểu thư Bảo Thoa, a hoàn Tình Văn,… đều có gắn bó mật thiết với Bảo Ngọc. Nếu các cô gái trong truyện là những sợi chỉ thêu nhiều màu sắc thì có lẽ Bảo Ngọc chính là cây kim xuyên suốt, nối kết để dệt lên bức tranh Hồng Lâu Mộng muôn vẻ. Sở dĩ tôi trù trừ chưa muốn viết về Bảo Ngọc cũng một phần vì muốn các bạn đọc có thời gian cảm nhận sự hiện diện của cậu ta qua các nhân vật khác. Rốt cuộc thì cũng đã đến lúc chúng ta dành thời gian cho “hòn đá vô tích sự” này. Tuy nhiên nhân vật này có nội hàm rất rộng, vì thế ở bài này, để tránh lan man, sa đà, chúng ta chỉ bàn về tính nữ của Bảo Ngọc.
Trong những nỗ lực cảm nhận nhân vật Bảo Ngọc, có lẽ sai lầm lớn nhất là nhìn cậu ta dưới lăng kính của hiện thực. Nếu chúng ta phán xét Bảo Ngọc như một người bình thường, ắt hẳn đa số người đọc sẽ không có mấy thiện cảm: nhân vật này tính tình không quyết đoán, ít có khí độ của bậc tu mi nam tử, tối ngày lại kề cận đám phấn son, quả thật không có gì hay. Nhưng vì không thích Bảo Ngọc mà kết luận Hồng Lâu Mộng không có giá trị văn học hoặc Tào Tuyết Cần hồ đồ thì thật nhầm lẫn. Hồng Lâu Mộng hoàn toàn không phải một cuốn sách giáo khoa dạy đạo đức. Tào Tuyết Cần xây dựng lên Bảo Ngọc, cũng như Lỗ Tấn viết về AQ với phép thắng lợi tinh thần, Emily Bronte mô tả Heathcliff yêu cuồng dại, càng không nhằm mục đính biến đứa con tinh thần của mình thành hình mẫu lý tưởng đáng học tập. Với Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần cố tình khắc hoạ tính “lưỡng cực” (bipolarity): Bảo Ngọc vừa già (xuất hiện từ buổi khai thiên lập địa) vừa trẻ (trong truyện là cậu thiếu niên), vừa sống ở hiện tại vừa đặt một chân vào cõi ảo mộng, vừa là người vừa là thần, vừa có phong thái của Đạo gia vừa theo Phật pháp. Tính nữ của Bảo Ngọc chính là đối trọng của tính nam trời sinh, cấu thành một phần không thể thiếu trong con người Bảo Ngọc.
Trước hết, khi Bảo Ngọc xuất hiện, hình dáng ra sao?
Khi vào, thoạt nhìn thì thấy một thanh niên công tử: đầu đội mũ kim quan dát ngọc, khăn bịt trán có đính hai con rồng bằng vàng vờn hạt châu, mặc áo chẽn màu đại hồng thêu trăm con bươn vờn hoa, thắt lưng dây tơ ngũ sắc tết hoa, áo khoác ngoài bằng đoạn hoa màu thạch thanh, đi đôi hài bằng đoạn xanh, đế trắng, mặt như trăng rằm mùa thu, sắc như hoa xuân buổi sớm, mái tóc bằng như dao xén, lông mày rõ như mực kẻ, má như cánh hoa đào, mắt như làn sóng gợn. Lúc giận cũng như cười, dù trừng mắt vẫn có tình tứ. Cổ đeo khánh vàng chạm con ly và một dây ngũ sắc buộc viên ngọc.
Đây là lần đầu tiên người đọc được diện kiến Bảo Ngọc, ấn tượng có thể nói là rất mạnh mẽ. Tổng cộng, Tào Tuyết Cần dụng công miêu tả tám thứ phục sức trên người Bảo Ngọc (mũ, khăn, áo chẽn, thắt lưng, áo khoác, hài, khánh, dây buộc ngọc) và tám nét nổi bật trên gương mặt cậu ta (mặt, sắc diện, mái tóc, lông mày, má, mắt, vẻ mặt khi giận, khi cười.) Quả thật là người đẹp như ngọc không sai! Nhưng thử đọc kỹ mà xem, những so sánh ước lệ trăng rằm, hoa xuân, hoa đào, làn sóng dường như phù hợp để miêu tả một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành hơn là đấng mày râu. Và trang phục màu đại hồng, thạch thanh đầy nữ tính được thêu bướm, kết hoa càng khiến ý đồ của tác giả “rõ đến không thể rõ hơn”. Hình dáng Bảo Ngọc chính là của một cô gái xinh đẹp thướt tha, hơn nữa còn có hơi hướm giống món đồ vật trang trí. Tào Tuyết Cần cố tình cho Bảo Ngọc ăn mặc thật xúng xính, dường như qua đó “objectify” Bảo Ngọc như một con búp bê vậy. Vẻ ngoài của Bảo Ngọc còn mang đầy màu sắc hưởng lạc và ẻo lả, hoàn toàn trái ngược với lý tưởng của Nho giáo. Tào Tuyết Cần ngạo nghễ dựng lên một nhân vật chính đi ngược lại hoàn toàn hình ảnh nam nhi đại trượng phu, phải chăng là để thách thức lễ giáo truyền thống?
Hình dáng bên ngoài thì như vậy, còn giọng nói, dáng đi của Bảo Ngọc cũng dễ khiến người ta nhầm lẫn. Trong truyện có rất nhiều ví dụ ẩn ý về sự nhập nhằng giới tính của cậu Bảo, đơn cử như:
Già lưu say rượu loạng quạng đến ngủ ở Di Hồng viện của Bảo Ngọc, khi tỉnh dậy:
Già Lưu vâng lời. Tập Nhân lại cho uống hai chén nước trà, già Lưu mới tỉnh rượu, liền hỏi:
– Chỗ ấy là buồng thêu của cô nào mà lịch sự thế? Khác nào được lên trời vậy!
Tập Nhân mỉm cười nói:
– Buồng ấy à? Là buồng ngủ của cậu Bảo đấy.
Giả Mẫu cũng bị nhầm:
Nói chưa dứt lời, thấy phía sau Bảo Cầm có một người mặc áo da vượn màu đỏ đi đến. Giả mẫu hỏi:
– Lại cô ả nào nữa đấy?
– Chúng cháu ở đây cả, chắc là cậu Bảo Ngọc.
– Ta càng ngày càng sinh lóa mắt.
Hai người đi đến, chính là Bảo Ngọc và Bảo Cầm.
Vưu Tam Thư khi nói về Bảo Ngọc:
Xem cách ăn nói, cách xử sự của cậu ấy có vẻ hơi giống con gái. Đó là vì ngày nào cậu ấy cũng ở chung trong đám chị em, thành ra thói quen, chứ hồ đồ ở chỗ nào?
Dính Yên thắp hương cầu nguyện:
Người ở cõi âm, phù hộ cho cậu Hai tôi kiếp sau sinh làm con gái, để cùng chị em các người vui đùa một nơi, không còn là hạng mày râu nhơ bẩn nữa.
Giả Mẫu nhận xét về Bảo Ngọc:
Ta không hiểu sao và cũng chưa thấy đứa trẻ con nào như thế cả. Đối với người khác thì nó bướng bỉnh đấy, nhưng riêng đối với bọn a hoàn lại rất tử tế. Khó thấy có ai được như nó. Vì vậy ta sinh nghi, thường để ý xem xét, thấy nó cứ đùa với bọn a hoàn, chắc là người lớn thì tính tình cũng lớn, đã biết chuyện trai gái, nên mới gần gũi bọn chúng. Nhưng dò xét kỹ, lại hóa không phải. Thế mới lạ chứ? Có lẽ nó là một con a hoàn đầu thai lầm cũng nên.
Ở đây lại phải làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm “sex” – giới tính sinh học, và “gender” – giới tính xã hội. Về mặt sinh học thì Bảo Ngọc rõ ràng là nam giới, điều này không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng về mặt tâm lý, tính cách, hành vi, cử chỉ thì mù mờ hơn. Sự rối loạn giới tính của Bảo Ngọc xảy ra từ khi cậu ta còn rất nhỏ:
Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng. Giả Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý lắm.
Số đông mọi người khi đọc đến đây thì cũng như Giả Chính và Tử Hưng, cho rằng Bảo Ngọc lớn lên sẽ trở thành con quỷ hiếu sắc. Đấy là một suy luận thiển cận. Trên thực tế, hành vi chọn phấn son, trâm vòng của Bảo Ngọc là báo trước nữ tính tiềm ẩn của cậu ta. Nói theo cách khác, Bảo Ngọc chọn chúng vì bản thể chàng có một nửa là nữ, chứ không phải vì cậu ta ham muốn phụ nữ. Giả Chính bắt Bảo Ngọc lựa đồ chơi, qua đó gián tiếp ép buộc cậu ta đối mặt với hai giới tính đối chọi nhau, đó là điềm báo trước bi kịch của Bảo Ngọc. Trong truyện, cậu ta thường xuyên phải ra quyết định: chọn giữa mộng ảo và đời thực, giữa Nho giáo và Phật giáo, giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa. Khuynh hướng lưỡng tính chỉ là một trong số vô vàn cuộc đấu tranh mà Bảo Ngọc phải trải qua, như là đánh đổi cho việc trải nghiệm cuộc sống phù hoa dưới trần thế.
Như đã nhắc đi nhắc lại, nơi ở của các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng có ý nghĩa không thể xem thường. Trong Đại Quân viên, Bảo Ngọc chọn viện Di Hồng làm chỗ trú ngụ. Di Hồng viện tên vốn đã mang đậm mùi son phấn, lại là rút gọn của “di hồng khoái lục," hay “hồng hương lục ngọc”. Bảo Ngọc có cả hồng (màu đỏ) và lục (màu xanh) tức là có cả tính nữ và tính nam, nhưng lại nghiêng về hồng nhiều hơn là lục.
Trong truyện, Bảo Ngọc gắn bó sâu sắc với màu đỏ. “Hồng lâu” là nơi “êm đềm trướng rủ màn che” cậu ta ở đã đành, Bảo Ngọc còn đam mê phấn sáp, thích thú son môi.
Nhân thấy hai bên tủ gương có nhiều đồ phấn sáp, tiện tay lấy ra ngắm nghía. Khi thấy một hộp sáp bôi môi, Bảo Ngọc muốn bỏ vào miệng ăn, lại sợ Tương Vân cười.
Còn sau đây là cảnh Bảo Ngọc dỗ dành Bình Nhi sau khi nàng bị Phượng Thư đánh ghen, chẳng hề đượm màu tán tỉnh sắc dục trai gái, mà giống như bạn gái giúp nhau trang điểm thì đúng hơn!
Bình Nhi nghe nói có lý, liền đi tìm phấn, nhưng không thấy. Bảo Ngọc vội chạy đến đài trang, mở cái hộp sứ Châu Tuyên ra, trong hộp đựng một lượt mười thoi phấn hoa ngọc trâm, lấy ra một thoi đưa cho Bình Nhi, cười nói:
– Đây không phải là phấn thường đâu, là giống hoa dạ hương nghiền nát ra, chế với thứ bột thượng hảo hạng đấy.
Bình Nhi để lên trên tay xem, quả nhiên vừa nhẹ, vừa trắng, vừa đỏ, vừa thơm, xoa lên mặt thấy da mịn và mát, không bết như thứ phấn khác. Sau thấy một cái hộp ngọc trắng nhỏ, trong đựng một hộp sáp màu đỏ tươi như cao văn khôi, chứ không phải từng tờ một. Bảo Ngọc cười nói:
– Sáp bán ở hiệu không sạch, màu lại chóng bay. Đây là hạng sáp tốt nhất, vắt nước ra, lọc sạch rồi hòa lẫn với sương ở trong hoa, đem nấu lên. Chỉ lấy cái trâm nhỏ khêu một tí xát vào môi; lại lấy một giọt hòa lẫn nước với sáp vào lòng bàn tay rồi xoa lên mặt cũng đủ.
Bình Nhi cứ theo thế trang điểm, thấy tươi đẹp khác thường và mùi thơm ngào ngạt. Bảo Ngọc lại lấy một cành hoa huệ ở trong chậu dùng dao tre cắt đem cắm lên đầu cho Bình Nhi.
Hay đoạn Hương Lăng nói Bảo Ngọc quay mặt đi để thay quần:
Bảo Ngọc cúi đầu nhìn, “úi chà” một tiếng nói:
– Tại sao chị lại bị kéo xuống bùn thế này? Đáng tiếc! Lụa đỏ thạch lựu này dễ bẩn lắm!
[…]
Hương Lăng đỏ mặt cười nói:
– Cám ơn chị lắm, không ngờ bọn quỷ sứ ấy nó làm ác.
Nói xong cầm lấy cái quần, giở ra xem, quả nhiên giống hệt cái quần của mình, liền bảo Bảo Ngọc quay mặt đi chỗ khác rồi ngoảnh vào phía trong cởi quần bẩn ra, mặc quần mới vào.
Đến đây chúng ta đã gần chạm tới cội rễ vấn đề sâu xa của Bảo Ngọc. Bảo Ngọc coi trọng phụ nữ, cho rằng “Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy” không xuất phát từ vị thế nâng niu gái đẹp của đàn ông, mà là đồng bệnh tương liên. Bảo Ngọc có một nửa nữ tính, thậm chí “nửa dôi” là đằng khác, nên sự yêu mến, âu yếm, thương xót của cậu ta với các chị em chính là sự đồng cảm của nữ giới. Trong Hồng Lâu Mộng, ta chứng kiến sự bảo vệ che chắn kỹ lưỡng của mọi người trong phủ với Bảo Ngọc, từ Giả Mẫu, Vương phu nhân, Phượng Thư cho đến các a hoàn, đến mức cậu ta phàn nàn với Tần Chung rằng mình chẳng được bước chân ra khỏi cửa! Kiểu kín cổng cao tường đó vốn chỉ dành cho các tiểu thư, nhưng Bảo Ngọc đã bị đồng hóa với những cô gái trong phủ nên dường như không ai lấy đó làm điều kỳ dị.
Nếu về mặt “gender”, Bảo Ngọc là người lưỡng tính, thì “sexuality” (xu hướng tình dục) của Bảo Ngọc có thể được phân loại là song tính luyến ái (bisexual.) Tạm chưa bàn đến những mối tình với nữ giới của Bảo Ngọc vội. Trong những nhân vật nam của Hồng Lâu Mộng có ba dạng chính:
– Loại đàn ông theo tư tưởng Khổng Mạnh một cách khuôn phép (Giả Chính, Chân Bảo Ngọc) hoặc Đạo giáo (Giả Kính ham mê luyện đan để trường sinh bất lão), lạnh nhạt, không gần nữ sắc, bất cận nhân tình. Với những người này Bảo Ngọc có quan hệ rất hời hợt, bởi cậu ta không có cùng chí hướng, quan điểm với họ.
– Loại đàn ông thích hưởng lạc, ham mê dục tình. Những người này rất đông, phần lớn đều là anh em chú bác của Bảo Ngọc: Giả Trân, Giả Xá, Giả Liễn, Giả Dung, Tiết Bàn,… Đối tượng ham muốn của những kẻ này cũng bao gồm của nam và nữ, cách cư xử thì rất hèn hạ. Với những nhân vật này Bảo Ngọc muốn tránh xa, thâm tâm cậu coi thường và ghê sợ họ. Trong mắt Bảo Ngọc, những đối tượng này chỉ có “dâm” mà không có “tình”, vì thế họ nhơ nhớp và xấu xa.
– Loại đàn ông mềm mại, đẹp đẽ, có tâm hồn lãng mạn, trong sáng. Những người này gồm Tần Chung, Tưởng Ngọc Hàm, Bắc Tĩnh Vương, Liễu Tương Liên… Đặc điểm nổi bật của họ là khuynh hướng bị nữ tính hóa giống như Bảo Ngọc. Mối giao lưu thân cận của Bảo Ngọc với những nhân vật này ngả sang xu hướng tri kỉ-tình yêu, thậm chí gần với tình dục. Những mối quan hệ này được khắc hoạ thanh cao, trong sáng bởi nó không gắn với mục đích sinh sản mà dựa trên sự tương hợp giữa hai tâm hồn, giống như người Hy Lạp cổ nhìn nhận tình yêu nam-nam (pederasty.)
Một số trích đoạn trong sách:
Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, xem ra dáng điệu tươi đẹp như hoa; Tần Chung thì bẽn lẽn nhu mì, chưa nói đã đỏ mặt, ngượng nghịu như con gái; Bảo Ngọc thì nhũn nhặn dịu dàng, nói năng hòa nhã. Vì hai người thân mật với nhau như thế nên tránh sao khỏi sự ngừ vực của một số học trò. Lúc vắng mặt thì người nói thế này, kẻ nói thế khác, giễu cợt, gièm pha khắp cả trong và ngoài lớp học.
Có hai đứa không biết con cái nhà ai, tên tuổi là gì, chỉ vì thấy chúng có vẻ lẳng lơ, nên cả trường đặt tên cho một đứa là Hương Lân, một đứa là Ngọc ái. Có nhưng người mến thích chúng, định đem lòng không tốt đối với lũ trẻ nhưng lại sợ uy thế Tiết Bàn, nên không ai dám vương vào. Từ khi Tần Chung, Bảo Ngọc đến trường, thấy hai đứa ấy trong bụng cũng vấn vương trìu mến, nhưng biết là bạn tương tri của Tiết Bàn, nên cũng không dám động chạm đến. Hai đứa Hương Lân, Ngọc ái đều để ý đến Tần Chung và Bảo Ngọc. Bốn người sẵn có tình ý với nhau, nhưng chưa dám lộ ra ngoài. Mỗi khi vào học, họ ngồi riêng bốn chỗ, nhưng tám mắt vẫn liếc nhau, hoặc đặt lời mượn ý, vịnh dâu ngắm liễu, xa tỏ nỗi lòng.
[…]
Một chốc, Bảo Ngọc ra ngoài đi giải, Tưởng Ngọc Hàm theo ra. Hai người đứng ở dưới thềm, Tưởng Ngọc Hàm lại xin lỗi một lần nữa. Bảo Ngọc thấy hắn mềm mại nhu mì, liền nắm chặt lấy tay nói:
– Lúc nào rỗi sang chơi tôi nhé. Tôi muốn hỏi một điều, trong ban hát ta có một người tên là Kỳ Quan, nổi tiếng nhất thiên hạ, tiếc tôi vô duyên, không được gặp.
Ngọc Hàm cười đáp:
– Đó là tên tục của tôi đấy.
Bảo Ngọc mừng lắm, giậm chân cười nói:
– Thực là may, thực là may! Quả nhiên tiếng đồn không sai. Giờ mới gặp lần đầu, biết làm thế nào đây.
Nghĩ một lúc rồi lấy cái quạt ở trong tay áo ra, cởi viên ngọc ở dây quạt đưa cho Kỳ Quan và nói:
– Vật nhỏ này không đáng bao nhiêu, gọi là tỏ mối tình ngày hôm nay.
Kỳ Quan cầm lấy, cười nói:
– Tôi không có công gì, đâu đáng nhận đồ tặng. Nhưng thôi, tôi cũng có một vật lạ, sáng hôm nay mới thắt vào người, hãy còn mới nguyên, xin tặng lại cậu, để tỏ lòng quý mến của tôi.
Nói xong hắn vén áo lên, cởi cái thắt lưng lụa màu hồng, thắt trong áo lót, đưa tặng Bảo Ngọc và nói:
– Cái thắt lưng này là đồ cống của nữ quốc vương nước Phiến Hương, mùa hè thắt vào, da thịt thơm nức, không có mồ hôi. Hôm nọ Bắc Tĩnh vương cho, tôi vừa mới thắt vào người. Tôi không bao giờ định tặng ai. Xin cậu cởi cái thắt lưng của cậu ra cho tôi.
Bảo Ngọc nghe nói mừng quá, vội nhận ngay, và cởi thắt lưng màu hoa tùng của mình đưa cho Kỳ Quan.
Việc con nhà quyền quý có tình nhân ở cả hai giới không phải điều gì kỳ lạ lắm, thậm chí nó còn là một cách biểu lộ quyền lực là đằng khác. Mấu chốt ở đây là những người đàn ông quý tộc kia luôn đứng ở vị trí săn đuổi trong hành trình tìm kiếm khoái lạc. Mỹ nữ hay mỹ nam cũng chỉ là một món đồ chơi trong tay họ. Tiết Bàn chính là một kẻ như vậy. Còn Bảo Ngọc tuy thân đường đường con nhà dòng dõi mà lại mang dáng vẻ yếu mềm, óng ả như vậy thì thật không thể hiểu nổi! Sự thanh nhã, tú lệ của Bảo Ngọc tương phản hẳn với vẻ rượu thịt, thô bỉ của Tiết Bàn. Trong thực tế, điều duy nhất bảo vệ Bảo Ngọc khỏi sự tấn công tình dục của Tiết Bàn là địa vị tôn quý của Bảo Ngọc, ngang hàng – thậm chí cao hơn Tiết Bàn. Nếu Bảo Ngọc chỉ là tiểu đồng nhỏ thì chắc đã bị Tiết Bàn vồ lấy như diều hâu quắp gà con.
Chi Nghiễn Trai có liệt kê mười hai nhân vật đa tình nhất trong Hồng Lâu Mộng, trong đó Bảo Ngọc đứng đầu tình bảng, còn Đại Ngọc đứng thứ hai. Đại Ngọc là “tình tình,” còn Bảo Ngọc là “tình bất tình,” nghĩa là luyến ái cả những người không yêu mình (Bảo Thoa không có mặt trong danh sách này, nên thường bị gọi là “lãnh tình”.) Trong tình bảng thì Bảo Ngọc là nhân vật nam duy nhất, nhưng trong yêu đương lại mang nhiều tính nữ hơn cả. Bảo Ngọc không chỉ có xu hướng đồng tính nam mà trong quan hệ ái ân nam nữ, cậu ta cũng thường đóng vai trò thụ động. Người khác hời hợt nhìn vào có thể nghĩ Bảo Ngọc là kẻ khinh bạc vô hạnh, hay buông lời gió trăng, cử chỉ không đúng đắn với các chị em. Nhưng trên thực tế những hành động của Bảo Ngọc đa phần đều bị thúc đẩy bởi tình yêu cái đẹp, sự đồng cảm, gần gũi hơn là bản năng của một “con đực.” Khi gặp sự tấn công ồ ạt của tình dục, Bảo Ngọc co lại sợ hãi:
Chợt chị dâu Tình Văn cười hì hì vén màn đi vào nói:
– Giỏi nhỉ! Hai người trò chuyện với nhau, tôi nghe thấy cả rồi! – Chị ta quay lại nói với Bảo Ngọc: – Cậu là chủ nhà, vào buồng đầy tớ làm gì? Thấy tôi xinh đẹp, cậu định đến đây ghẹo tôi hay sao?
Bảo Ngọc nghe nói, sợ quá, vội cười van xin:
– Chị ơi, xin đừng nói to. Chị ấy lâu nay hầu hạ tôi, giờ tôi lẻn đến đây thăm chị ấy.
Cô “Đa” liền kéo Bảo Ngọc vào nhà trong, cười nói:
– Cậu không muốn tôi kêu thì cũng dễ thôi, cậu chỉ nghe tôi một điều này.
Nói xong, chị ta ngồi ngay lên trên giường, kéo Bảo Ngọc vào trong lòng, hai đùi cặp chặt lấy. Bảo Ngọc xưa nay chưa thấy thế bao giờ, tim đập thình thịch, người thấy rạo rực, cuống quá, mặt đỏ bừng, vừa thẹn vừa nói:
– Chị ơi, đừng đùa thế.
Cô “Đa” lẳng lơ con mắt, cười nói:
– Hừ! Ngày thường, nghe nói cậu vẫn quen sống trong trường trăng gió, sao hôm nay lại nhút nhát thế?
Bảo Ngọc càng đỏ mặt, cười nói:
– Chị buông tay ra, có chuyện gì chúng ta sẽ tử tế nói với nhau, để cho bà già bên ngoài nghe thấy thì còn ra làm sao nữa?
Cô “Đa” cười nói:
– Tôi về đây từ lâu, đã bảo bà già ấy đứng chờ ở ngoài vườn rồi. Tôi hàng ngày ao ước biết nhường nào, bây giờ mới được gặp, nhưng đúng như câu: “Nghe tiếng không bằng gặp mặt”. Tôi trông dáng người cậu đẹp thế này, mà lại là cái xác pháo rỗng ruột, chỉ có cái vẻ thôi, coi chừng nhút nhát e lệ hơn người ta nhiều. Đủ biết miệng người ta nói có khi không đáng tin. Như lúc nãy, tôi cứ tưởng chắc chắn hai người ngày thường thế nào cũng thầm vụng với nhau. Khi tôi đứng ở dưới cửa sổ nghe ngóng một lúc lâu trong nhà chỉ có cậu với cô ấy, tôi chắc rằng sẽ nói đến nhiều chuyện thậm thụt với nhau. Nhưng xem ra, thì hai người thật chưa có gì dan díu cả. Thật là ở đời có nhiều sự oan uổng. Bây giờ tôi rất ăn năn đã ngờ cho cậu. Đã vậy cậu cứ yên tâm, cứ việc đến, tôi không dám to tiếng.
Ngoại trừ lần đầu tiên với Tập Nhân, Bảo Ngọc không có mối quan hệ tiền hôn nhân nào khác, bất chấp rất nhiều cơ hội. Nếu không có cô “Đa” minh oan cho, có lẽ người đọc chắc vẫn còn nghi oan cho Bảo Ngọc! Đoạn trên cũng khắc hoạ sự ngượng nghịu, e dè của Bảo Ngọc trước dục vọng mãnh liệt của người đàn bà từng trải. Xét một cách tổng thể, từ cử chỉ, hành vi, tính tình, Bảo Ngọc chính là một ví dụ tiêu biểu cho cái gọi là “một nửa đàn ông là đàn bà.”
Vậy thì mục đích của Tào Tuyết Cần trong việc mô tả một Bảo Ngọc nửa nam nửa nữ, ái nữ ái nam là gì? Nếu coi bản thể nam giới là “cái tôi”, thì bản thể nữ giới là “cái bên ngoài cái tôi”. Thông qua Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần đã đề ra một giải pháp dung hòa giữa cái tôi cá nhân và thế giới. Vì biểu lộ đồng thời cả tính nam và tính nữ, Bảo Ngọc không tránh khỏi bị gắn mác lập dị, bị cả hai giới từ chối cho gia nhập. Đó là bi kịch khi cá nhân không được sự chấp nhận của tập thể. Bảo Ngọc là nhân vật duy nhất đạt tới cảnh giới giác ngộ, vượt khỏi bể trầm luân, điều đó tốt hay xấu? Tôi nghĩ đó là một cái kết khá bi quan, bởi cái tôi cá nhân đã không thể hòa hợp với thế giới bên ngoài, chỉ còn cách trốn chạy. Jacques Derrida đã miêu tả một xã hội utopia, nơi những cá thể như Bảo Ngọc có thể sống tự do, hạnh phúc mà không sợ khuôn khổ áp đặt. Có điều Hồng Lâu Mộng chưa bao giờ là một utopia…
*
No comments:
Post a Comment