Monday, April 10, 2017

Những đoá hoa trong toà Bạch Ốc


Nancy Clarke và các Đệ nhất phu nhân: Rosalynn Carter, Hillary Clinton, Laura Bush

Từ 1978 đến 2009, hoa trong Nhà Trắng đều được chăm chút, sắp đặt, nắn nót dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nancy Clarke – người phụ nữ nhỏ nhắn được mệnh danh là Sa hoàng của hoa (Czar of Flowers). Bà đã phục vụ dưới sáu đời tổng thống Mỹ, và đảm nhận chức vụ “chưởng môn cắm hoa” (chief flower designer) của Nhà Trắng trong gần ba thập kỷ. Sau khi lui về nghỉ hưu bà còn chấp bút một cuốn sách có tên gọi My First Ladies. Sách kể về mối quan hệ thân tình của bà với sáu vị Đệ nhất phu nhân, từ Rosalynn Carter cho tới Michelle Obama.

Nancy Clarke và các Tổng thống: Bill Clinton, George Bush, Barack Obama

Nancy Clarke là người kín đáo, tế nhị, vì thế những câu chuyện bà kể đa phần xoay quanh việc cắm hoa chứ không có mấy phần thâm cung bí sử, nhưng người đọc vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng những vị nữ chủ nhân Nhà Trắng trong từng trang sách. Ông Lâm Ngữ Đường khi bàn về hoa và mỹ nhân đã nói: ”Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc.” Xin mượn chút tinh thần Sống đẹp ấy để cùng ngắm hoa, ngắm người, dù là “những người muôn năm cũ” ở nước Mỹ xa xôi.

Bà Nancy Clarke với một mẫu hoa hồng cắm trong giá nến (candelabra)

Bà Nancy Clarke bắt đầu sự nghiệp một cách tình cờ nhưng không quá bất ngờ. Từ nhỏ bà đã mê hoa lá, cũng may nhờ có khu vườn đẹp của ông nội cho cô bé Nancy tha hồ nghịch ngợm. Khi trưởng thành bà theo chồng thuyên chuyển công tác khắp nơi (chồng bà phục vụ trong quân đội Mỹ) nhưng vẫn không ngừng trau dồi kiến thức về cắm hoa, thậm chí bà còn theo học tại một trường dạy nghề thuộc hàng danh giá nhất nước Mỹ. Khi ông Michael Clarke nhận nhiệm vụ mới ở DC, bà xung phong tình nguyện đến Nhà Trắng giúp đỡ cho đội cắm hoa.

Bà Nancy Clarke và Barbara Bush, một phu nhân được khen ngợi là dễ gần và vui tính. Barbara Bush cũng là một người đam mê làm vườn.

Vào thời điểm đó (đầu thập kỉ 80), tất cả những người đảm nhiệm việc cắm hoa trong Nhà Trắng đều là đàn ông. Việc cắm hoa tưởng chừng nhẹ nhàng đấy, song lại yêu cầu sức khỏe và sự dẻo dai không nhỏ. Không những họ phải đứng làm việc liên tục trong thời gian dài, mà quy luật bất thành văn của Nhà Trắng là “cắm hoa chỗ nào thì phải tự tay mang đến chỗ đó.” Bưng bê những bình hoa to nặng cồng kềnh mà không để rơi rớt nước trên thảm quý, đồ cổ thật không phải việc dễ. Không những thế, mãi cho tới khi Hillary Clinton sống trong Nhà Trắng và bình thường hoá việc … đàn bà mặc quần, tất cả các nhân viên nữ trong Nhà Trắng đều phải mặc váy nghiêm chỉnh khi làm việc. Nhưng bà Nancy đã mau chóng chứng minh được khả năng và ý chí của mình, dần dần trở thành nhân viên bán thời gian, toàn thời gian, và cuối cùng là trưởng nhóm cắm hoa. Đây quả thực là một thành tích đáng nể.

Một trong những sự kiện cuối cùng do Nancy Clarke đảm nhiệm: bữa tối trọng thể đầu tiên của vợ chồng Obama năm 2009, trang trí với hoa hồng đỏ.

Mỗi ngày, bà Nancy Clarke đều thức dậy từ bốn rưỡi sáng. Bà bật TV để nghe ngóng tình hình tin tức đặng chuẩn bị tinh thần nếu có sự kiện gì xảy ra đột ngột, vội vã ăn sáng, tắm rửa, rồi lái xe 40 phút đến nơi làm việc. Ngày làm việc của các nhân viên trong đội cắm hoa bắt đầu từ sáu rưỡi sáng (!!!) trong xưởng hoa của Nhà Trắng. White House Flower Shop là một nơi đầy hoa tươi thơm ngát và luôn bận rộn, chỉ thiếu mỗi kẻ mua người bán là hoàn thành bức tranh cửa hàng hoa chính hiệu. Trong xưởng là một tủ lạnh vĩ đại chứa đầy hoa nhập về từ khắp nơi trên thế giới. Nancy Clarke đã viết: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy hoa ở đâu nhiều, phong phú, và đẹp hoàn hảo như ở Nhà Trắng.”

Hoa đồng tiền đỏ mập mạp trong xưởng hoa

Sau khi xuất trình giấy tờ cho hai vòng kiểm tra an ninh, bà Nancy bắt tay vào một khối lượng công việc khổng lồ. Đầu tiên, bà phải chăm chút cho những bình hoa trong khu vực sinh hoạt của gia đình tổng thống, kể từ những lọ hoa bé tí trên bàn trang điểm của Đệ nhất phu nhân trở đi. Trong số những bà vợ Tổng thống, có lẽ Nancy Reagan là người cầu toàn và khó chiều nhất. Bà ghét hoa màu tím – “màu của bà già”, vì thế trong suốt thời kỳ tám năm gia đình Reagan sống trong Nhà Trắng, không một bông hoa tím đậm, tím hoa sim, hay oải hương gì gì được lọt vào đó. Bà cũng không chịu cho ngắt nhụy của hoa lily, sợ làm mất vẻ tự nhiên, và yêu cầu Nancy Clarke phải dùng một chiếc bàn chải nhỏ xíu chải những nụ phấn vàng lỡ có rơi rớt trên cánh.

Đỏ là màu ưa thích của Nancy Reagan – bà yêu hoa màu đỏ, hay mặc trang phục đỏ, thậm chí thường xuyên chụp ảnh chân dung trong phòng Đỏ (Red Room)

Ngoài màu đỏ, Nancy Reagan còn ưu ái hai loại hoa hồng phấn nhạt – Kyrie và Sonia. Khi bà phải nằm dưỡng bệnh sau khi phẫu thuật khối u tại bệnh viện Hải quân Bethesda, Clarke đã chuẩn bị một bó hồng Kyrie để Tổng thống mang vào tặng phu nhân. Trả lời báo chí khi đi thăm vợ ốm, Tổng thống đã nói: “Tôi có hẹn với một nàng ở Bethesda.”

Bức ảnh tổng thống Ronald Reagan cầm bó hoa hồng Kyria đến thăm vợ cùng lời cảm ơn Nancy Clarke do chính ông viết

Đặc biệt, Nancy Reagan ưa chuộng hoa mẫu đơn – thiết kế được bà yêu cầu thường xuyên nhất là một “bát” cỡ lớn chứa chừng năm chục bông mẫu đơn nở xòe, không có chiếc lá nào! Bà luôn đòi hỏi hoa mẫu đơn kể cả khi trái mùa, tức là gần như tất cả mọi lúc, và Clarke phải nhẹ nhàng nhắc nhở Đệ nhất phu nhân là không phải hoa lúc nào cũng có sẵn. Sau khi bà rời khỏi Nhà Trắng, Clarke tặng cho bà một chiếc gối thêu tay có dòng chữ “Mẫu đơn chỉ nở vào tháng Năm”.

Cái gối “Hoa mẫu đơn nở tháng Năm” do chính tay bà Nancy Clarke thêu tặng bà Reagan. Năm nay khi bà Reagan mất thì gối được đem bán đấu giá gây quỹ.

Nancy Reagan thổi nến sinh nhật 94 tuổi vào năm ngoái, vẫn không thể thiếu được những bông mẫu đơn yêu thích

Việc quan trọng thứ hai mà bà Nancy Clarke phải đảm nhiệm là chăm sóc hoa trong khu vực khách tham quan. Từ thứ Ba tới thứ Sáu là khoảng thời gian công chúng được vào tự do thăm thú một số phòng ở Nhà Trắng. Việc tham quan này gần như không bao giờ bị gián đoạn, trừ một khoảng thời gian kéo dài chừng vài tháng sau vụ 11 tháng 9. Trong mỗi phòng (ba phòng tầng trệt, ba phòng nghi thức, cộng thêm phòng chào) đều có một bình hoa lớn, thường được chuẩn bị vào thứ Hai và chăm chút đều đặn trong suốt tuần đó (thay hoa héo, bơm nước cũ ra, bơm nước mới vào, ngắt những cành lá rụng…) Bà Nancy Clarke luôn để ý phối hợp màu sắc chủ đạo của từng căn phòng với màu sắc của bình hoa. Ví dụ: những đoá hoa trong phòng Lam (Blue Room) luôn phải có chút màu xanh hoặc tím để ăn ý với nội thất, và bà Nancy cũng thường dùng hoa có tông màu mạnh (đỏ, vàng đậm) để bình hoa khỏi bị “chìm nghỉm.” Sau một tuần dọn vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã tuyên bố “hoa chính là điều ông ưa thích nhất khi sống ở nơi đây.”

Tổng thống Obama trong phòng Lam. Lọ hoa trên bàn là tác phẩm cuối cùng của bà Nancy Clarke trước khi rời Nhà Trắng, đồng thời cũng được vinh dự xuất hiện trên bìa cuốn “My First Ladies” của bà. Lần này bà phá lệ cắm một bình hoa toàn trắng và xanh.

Bữa tối lịch sử kỉ niệm 50 năm ngày thành lập NATO, 1999
Phần thứ ba trong công việc của Nancy Clarke là chuẩn bị hoa cho khu vực West Wing. Vì đây là phạm vi tương đối … chiến lược, nên trong sách bà không đề cập nhiều đến những việc xảy ra quanh đó. 

Những cuộc họp mặt cấp cao hay thảo luận căng thẳng trong Nhà Trắng vẫn luôn có sự góp mặt của hoa


Phần cuối cùng, và cũng là khó khăn nhất trong công việc của Nancy Clarke là tổ chức sự kiện. Trong ba thập kỷ làm việc tại Nhà Trắng, bà đã góp mặt trong rất nhiều khoảnh khắc lịch sử. Có thể chia những sự kiện này thành ba dạng:

Thứ nhất là những buổi nghi thức trọng đại mang tầm cỡ quốc gia. Trong sự nghiệp của mình, Nancy Clarke đã chuẩn bị hoa và trang trí cho vô số bữa tiệc lộng lẫy. Những nguyên thủ quốc gia được tận mắt thưởng thức vẻ đẹp hoa trong Nhà Trắng gồm có Nữ hoàng Anh, công nương Diana và thái tử Charles, thủ tướng Nhật Masayoshi Ohira, tổng thống Brazil Jose Sarney, tổng thống Pháp Sarkozy, thậm chí cả Giáo hoàng. Trước cả khi báo giới nghe phong thanh về những cuộc gặp cấp cao này thì bà Nancy và các nhân viên trong Nhà Trắng đã được thông báo trước. Một cuộc hẹn với Đệ nhất phu nhân sẽ được bố trí thông qua thư ký, đó là khi bà Nancy trình lên ít nhất ba mẫu hoa, tất cả đều đi kèm bình, khăn trải bàn, đồ dao nĩa,… để Đệ nhất phu nhân duyệt. Đó là khi quyết định cuối cùng được đưa ra. (Bất chấp thông lệ, phu nhân cầu toàn Nancy Reagan thường gọi cho bà liên tục sau đó để thay đổi những chi tiết nhỏ, ngay cả khi bà đang ngủ ngon!)

Tiệc mừng Tổng thống Brazil Jose Sharney trong Vườn Hồng (Rose Garden)

Tiệc mừng thủ tướng Nhật Koizumi

Đây là khâu quan trọng nhất trong việc chuẩn bị cho buổi tiếp tân, bởi đó là lúc Đệ nhất phu nhân liệt kê cho bà Nancy Clarke những chi tiết nho nhỏ nhưng mang tính quyết định. Có lúc bà được dặn dò đừng cắm hoa quá cao, vì Nữ hoàng Anh thấp bé không muốn phải vươn cổ nhìn qua bàn ăn. Một lần khác, bà được yêu cầu hãy cắm hoa hình chú voi để vinh danh thủ tướng Ấn Độ Singh và phu nhân. Có khi bà phải tự tìm hiểu về những màu sắc nên dùng hay nên tránh cho từng quốc gia…

Chú voi kết bằng hoa trên bàn tiệc mừng thủ tướng Ấn Độ

Tất cả đó đều là những công việc tỉ mẩn, nhưng chuyến viếng thăm của vợ chồng cựu bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987 đã để lại cho bà ấn tượng sâu đậm nhất. Theo như bà thuật lại, phu nhân Nancy Reagan nhất định muốn cho Raisa Gorbacheva phải trợn mắt há mồm vì tầm vóc xa hoa của Nhà Trắng. Nancy Reagan đã ra lệnh, trong vòng ba ngày vợ chồng Gorbachev cư ngụ tại Nhà Trắng, mỗi khi họ bước vào căn phòng nào thì hoa trong phòng đó phải là một bình hoàn toàn mới! Nancy Clarke và các nhân viên dưới quyền bà làm việc không ngừng nghỉ suốt ngày đêm để đáp ứng yêu cầu đó.

Bà Nancy Clarke chuẩn bị hoa cho tiệc tối mừng vợ chồng Mikhail Gorbachev

Quá trình duyệt hoa của đệ nhất phu nhân thực ra không đơn giản, bởi bà Nancy Clarke còn phải làm việc với các nhân viên chịu trách nhiệm trông nom các bộ sưu tập đồ cổ trong Nhà Trắng, và cả các đầu bếp nữa. Ít ai biết mỗi đời Tổng thống trước khi rời Nhà Trắng đều có một bộ đồ ăn bằng sứ thửa riêng cho họ, với những chi tiết trang trí hoàn toàn do các phu nhân quyết định. Thời Carter kinh tế đi xuống nên không những hoa lá sơ sài (bà Nancy Clarke thường phải cùng mọi người đi nhặt hoa dại và hoa trong công viên Quốc gia về cắm) mà bộ dao nĩa cũng ít ỏi, thiếu trước hụt sau, khiến các đầu bếp thường phải kết hợp nhiều bộ dao nĩa vào cho đủ.

Cận cảnh vị trí của Tổng thống Bush trên bàn ăn

Đến lúc Nancy Reagan vào Nhà Trắng thì bộ dao nĩa mới trở nên toàn mỹ, có cả những món cầu kỳ như tô nhỏ rửa tay và chén đựng nước súp bouillon. Trước khi gặp mặt đệ nhất phu nhân, bà sẽ bàn bạc với bếp trưởng để cân nhắc số lượng món ăn được phục vụ, ngộ nhỡ đĩa chén không đủ thì thôi ta đừng dùng bộ đó nữa. Còn như giả tỷ bà muốn dùng các bình lọ vermeil quý của Nhà Trắng để cắm hoa chẳng hạn thì lại càng cần lên kế hoạch cụ thể. Sau khi phu nhân duyệt bình hoa trang trí nào, bà Nancy Clarke sẽ giữ nguyên bình hoa đó cho đến khi buổi tiếp tân đã kết thúc, kể cả khi hoa héo nát. Tại sao vậy? Để nhỡ có trục trặc gì thì bà cũng có thể chỉ vào bình vào nói “phu nhân đã đồng ý cái này mà.”

Phu nhân Obama chính thức chọn mẫu đồ sứ trước khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ

Cho tới ngày có sự kiện diễn ra, bà Nancy Clarke thường làm việc từ sáng đến đêm. Bà có khoảng một chục mối cung cấp hoa từ khắp mọi nơi, và tất cả nguyên vật liệu sẽ được thu gom về Flower Shop trước khi giờ phút trọng đại diễn ra ít nhất 24 giờ. Mọi bông hoa đều được rửa sạch, tỉa lá, cất giữ trong tủ lạnh (có lẽ nên gọi là buồng lạnh mới thật chuẩn.) Một số lần bà còn tiêm thuốc đặc biệt để hoa không bị cụp giữa chừng (chính là thuốc làm giãn cơ bắp của các lực sĩ hay sử dụng.) Những bình, hũ, lọ cắm hoa cũng được rửa sạch, lót xốp hoặc dây thép đặc biệt đỡ hoa. Trong bữa tiệc đón tiếp công nương Diana và thái tử Charles chẳng hạn, mỗi lọ hoa trên bàn khách có chẵn một trăm đóa hồng tròn trặn. Nếu không có cấu trúc chịu lực giấu ở trong thì hình dáng của bình hoa không thể giữ cho đẹp đẽ như vậy được.



Cận cảnh thiết kế gồm một trăm bông hồng trong tiệc tối

Tiệc mừng công nương Diana và thái tử Charles

Thỉnh thoảng cũng có sự cố xảy ra, như lúc những cánh hoa lan Nam phi xoè ra bắt phải nến cháy phừng phừng, khiến cả tổng thống cũng phải đích thân lao vào dập lửa, nhưng hiếm. Cùng những nhân viên khác trong Nhà Trắng làm nhiệm vụ bày bàn ăn, dọn dẹp, trang trí, công việc của bà chỉ thực sự chấm dứt khi tất cả khách đã ngồi vào bàn tiệc. Nhưng bà đã được tưởng thưởng xứng đáng bằng việc nhiều lần được trực tiếp diện kiến các nguyên thủ quốc gia và những người nổi tiếng khác, trong đó có Nữ hoàng Anh, Elton John, và… anh em nhà Jonas.

Bà Nancy Clarke được gặp mặt Nữ hoàng Anh

Không chỉ tham gia vào việc chuẩn bị những buổi lễ cấp cao, bà Nancy Clarke còn đảm nhận việc làm đẹp cho những dịp ít long trọng hơn, song không kém phần đặc biệt. Theo lời kể của bà, vợ chồng nhà Clinton có lẽ là cặp đôi mê hội hè đình đám nhất từng sống trong Nhà Trắng. Gần như không có tuần lễ nào mà họ không tổ chức tiệc tùng, khi là buổi gặp mặt khóa cũ trường Georgetown của Bill, khi thì tổ chức tiệc picnic cho cánh báo chí, khi là tiệc sinh nhật chủ đề thập niên 50s cho Hillary. Nhà Clinton tổ chức tiệc nhiều tới nỗi trên thảm cỏ cạnh Nhà Trắng lúc nào cũng dựng lều để chờ hội hè, khỏi phải cất đi! Chính vì thói quen “bất thình lình” thông báo có tiệc này mà nhà Clinton không ít lần khiến bà Nancy Clarke phải điêu đứng. Đã có lúc bà phải tạm lấy hoa thừa từ một buổi tiệc diễn ra trước cắt cúp đi cho buổi sau. Rất may là những dịp bất ngờ như vậy thường có không khí nhẹ nhàng, không quá linh đình, trọng đại.

Một bữa picnic theo phong cách buffet đơn giản được tổ chức ngoài trời tại Nhà Trắng

Một lần khác, bà Nancy Clarke đang cùng các nhân viên xắn tay áo dọn dẹp ngày lễ Nhậm chức tổng thống thì có nhiệm vụ đặc biệt đưa xuống. Ngày này (Inauguration Day) đương nhiên là khó quên với những nhân vật chính tham gia buổi lễ, nhưng riêng với những người phục vụ trong Nhà Trắng thì nó quả là một cơn ác mộng. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, ngay sau khi gia đình “cũ” bước lên xe ra nơi cử hành lễ, họ phải đóng gói toàn bộ đồ đạc của gia đình này, đồng thời thu nhận, mở ra, sắp xếp toàn bộ đồ đạc của chủ nhân ông mới. Khó khăn nhất là phải làm sao không khiến người cũ ngậm ngùi vì cảm giác bị đá ra khỏi nhà, mà khi người mới về mọi thứ đã gọn gàng đẹp đẽ. Quả là một khối lượng công việc nặng nhọc và đa phần những người tham gia đều cho rằng “thật may bốn năm mới có một lần”. Đây cũng là lý do những người làm trong Nhà Trắng đều mong tổng thống đương nhiệm cứ việc tái đắc cử và ở thêm bốn năm nữa!

Một thiết kế hài hoà trong phòng Vermeil Room

Nhưng đằng sau vẻ đẹp đó là nỗ lực của bao nhiêu con người…

Hôm đó là ngày lễ Nhậm chức của Bush cha. Khi thấy Nancy Clarke, bà Laura Bush (con dâu Bush cha) đã chọn mặt gửi vàng, nhờ bà trông nom hai cô bé Jenna và Barbara mới có bảy tuổi. Người lớn thì nhiều, ồn ào quá, mà trẻ con thì mau chán. Bà Nancy đã nghĩ ra kế dẫn hai cô cháu nội cưng của tổng thống đến thăm xưởng hoa, và dạy mỗi cô tự cắm một bình hoa thật xinh để bày trong phòng. Nhiệm vụ thành công tốt đẹp, ai nấy đều vui vẻ, và Laura Bush đã nói “thật là một cách tuyệt vời để chào đón hai cô bé đến với Nhà Trắng.” Lúc đó bà Nancy không thể ngờ rằng mười hai năm sau hai cô bé sinh đôi nhà Bush sẽ chính thức trở thành cư dân Nhà Trắng, và rằng bà sẽ chịu trách nhiệm trang trí cho đám cưới của Jenna.

Những bông hoa trang trí xung quanh đế bánh cưới chính là hoa thật. Theo bà Nancy Clarke kể lại, ngày cưới Jenna Bush thời tiết nóng đến nỗi kem bánh tan ra và các tầng bánh có bị xô lệch tí chút (xem trong ảnh)

Năm 1982, bà Nancy Clarke đã phụ trách khoản hoa lá cho đám cưới của Dorothy Bush – con gái Bush cha, em gái út của Bush con tại Camp David. Nhưng lễ cưới của Jenna Bush không diễn ra tại Nhà Trắng hay Camp David. Thể theo nguyện vọng của Jenna, lễ cưới được tổ chức ngay trên trang trại của nhà Bush tại Texas – một nơi hẻo lánh đến nỗi thị trấn gần đấy nhất chỉ có đúng một bốt đèn báo giao thông! Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất bà Nancy Clarke được trải nghiệm máy bay Air Force One. Ngày cuối cùng trước khi buổi lễ diễn ra, bà còn tha thẩn đi hái những bông hoa chuông xanh đặc trưng của Texas vì Jenna muốn có thật nhiều phong vị quê hương trong đám cưới của mình (đang mải hái hoa thì có bão nên bà phải chạy vào nhà gấp). Cùng một người trợ lý, bà chuẩn bị tất cả từ hoa trang trí lều cưới, hoa bàn tiệc, cho đến hoa cầm tay của cô dâu, vòng hoa cài đầu của phù dâu chính (Barbara Bush), cùng những đoá hoa nhỏ gài áo cho chú rể và các phù rể.

Đám cưới của Jenna Bush. Vòng hoa cài đầu của Barbara Bush (ngoài cùng bên trái) có bị hơi rộng và bà Nancy Clarke phải gấp rút sửa trên đường tới nhà thờ

Phần cuối cùng trong số trọng trách của Nancy Clarke là trang trí Nhà Trắng vào những dịp lễ đặc biệt. Năm nào bà cũng trang trí trứng Phục sinh để phục vụ cho Easter Egg Hunt tại Nhà Trắng, và cắm những mẫu hoa đỏ-trắng-lam cho Ngày Độc Lập. Thế nhưng không có lễ nào hoành tráng hơn Giáng sinh. Khi mới bắt đầu làm việc tại Nhà Trắng, bà kinh ngạc khi biết rằng quy trình chuẩn bị cho Giáng sinh mỗi năm gần như bắt đầu ngay từ sau Giáng sinh… năm trước. Sở dĩ như vậy vì Giáng sinh tại Nhà Trắng mỗi năm lại có một chủ đề riêng, có năm là “Văn học cho trẻ em”, có năm là “Họa sĩ Hoa Kỳ,” có năm lại là “Đồ chơi xưa cũ” Dù chủ đề là gì đi chăng nữa thì Nancy Clarke và những người cộng sự cũng dành sự chăm chút cho từng món đồ. Tài khéo và bàn tay tỉ mẩn của bà khiến mọi người đều phải kinh ngạc.

Búp bê Harry Potter do chính tay bà Nancy Clarke vẽ, lâu đài Hogwart thì nhóm của bà dựng theo một bức ảnh bà tìm thấy trên mạng của bộ phim. Đây là trang trí Giáng sinh với chủ đề “Văn học cho trẻ em”

Sảnh lớn đẹp đẽ ngày Giáng sinh

Khi phu nhân Barbara Bush (bà nội của Barbara Bush ở trên) quyết định chọn đồ thêu needlepoint làm chủ để cho mùa Giáng sinh 1991, Nancy Clarke đã thử nghiệm và tìm ra một hệ thống biểu đồ chuyển hóa mọi món đồ thành hình thêu ba chiều. Ngày Giáng sinh năm đấy đã thành công rực rỡ, thậm chí còn tạo nên một làn sóng đan móc trong giới chị em Hoa Kỳ. Những bộ đồ thêu búp bê Raggedy Ann và Andy do bà thiết kế vẫn được bày bán trong cửa hàng quà tặng của Nhà Trắng. Một lần khác, bà treo những chiếc bánh quy lên cây thông Noel trong phòng Bầu Dục để thay cho đồ trang trí thông thường. Ai cũng thích, và mọi người liên tục … ăn bánh, báo hại bà phải liên tục treo thêm bánh để cây thông khỏi bị trần trụi quá.

Mọi người cùng chung tay trang trí Cây thông Giáng sinh của Nhà Trắng

Bà Nancy Clarke đã có một sự nghiệp dài lâu, độc đáo, và đầy những kỷ niệm không thể nào quên. Bà đã từng tư vấn trang phục cho Laura Bush sao cho hài hoà tiệp với màu trang trí, chứng kiến những giọt nước mắt bất lực của Hillary Clinton khi bị chồng phản bội, cùng đùa giỡn với Barbara Bush, và quan sát cách dạy con của Michelle Obama. Bà đã được nhận vô số món quà từ chính Tổng thống và các vị phu nhân của họ, cùng những bức thư tay, thiệp chúc mừng vô cùng tình cảm.

Thư tay của Tổng thống Bush gửi bà Nancy Clarke sau khi được tin bà nghỉ hưu

Song sự nghiệp đó cũng lấy đi của bà nhiều thứ, trên hết là thời gian dành cho gia đình. Nancy Clarke đã từng phải thuê đầu bếp nấu ăn cho chồng con vì có những ngày phải làm việc tới nửa đêm. Tư gia của bà, trái ngược với nơi làm việc, chẳng mấy khi có hoa lá gì, bởi bà đã quá mệt với việc trang trí cho Nhà Trắng. Thậm chí chồng bà phải xuất ngũ sớm, từ chối yêu cầu chuyển công tác đến Hàn Quốc, để cả gia đình có thể ở lại khu vực Virginia – gần nơi bà làm việc. Chính vì thế, Nancy Clarke đã quyết định về hưu vào năm 2009, sau khi đã hỗ trợ gia đình Obama làm quen với Nhà Trắng thật ổn thoả.

Gia đình bà Nancy Clarke chụp ảnh cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong ngày chia tay.

Ngày chia tay của bà đầy đủ những cộng sự đã bên bà bấy lâu, kể cả những người đã nghỉ hưu. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng có mặt và phát biểu: “Bao nhiêu lịch sử và kỉ niệm đã được bàn tay bà tô điểm. Bà đã đem cái đẹp đến cho cuộc sống của rất nhiều tổng thống và gia đình họ.” Nancy Clarke cố ghìm những giọt nước mắt. Không ai ngờ chỉ hơn hai năm sau khi về hưu, bà đã từ trần. Có lẽ đối với những người như Nancy Clarke, công việc thực sự là nguồn sống…

*


No comments:

Post a Comment