Sunday, April 9, 2017

Trường phái: Futurismo - thiếu thực tế, thân Phát-xít, quá nổi loạn, và rồi chết yểu


Khi cân nhắc về sự gần gũi về địa lý và lịch sử của Ý và Pháp và dòng hải lưu văn hóa giữa hai quốc gia, thật dễ dàng ngộ nhận rằng mọi phong trào nghệ thuật của Pháp đều lan tỏa đến Ý, và ngược lại. Điều nghịch lý là phong trào Dada có ảnh hưởng khổng lồ sau thế chiến thứ Nhất tại Pháp lại không bao giờ chiếm được “thị phần” tại Ý, bất chấp việc Pháp và Ý luôn bắt rất nhạy các tín hiệu nghệ thuật của nhau từ thời Phục Hưng. Một lời giải thích cho hiện tượng này là: Ý không cần Dada vì Ý đã có phiên bản riêng của một phong trào khai phá. Tên của nó là Futurismo, hay còn gọi là Nghệ thuật vị lai. (tiếng Anh: Futurism.) Trước cả Dada, tại Ý Futurismo đã nhanh chóng thu gom dưới trướng mình những nghệ sĩ có khuynh hướng tiến bộ, những avant-gardes, hay còn gọi là những Futurist.
Trong hàng ngũ những phong trào hội họa Ý, Mannerism có thể coi là bị “hắt hủi” rồi nhưng vẫn còn thua xa Futurismo. Các tác phẩm của phong trào Futurismo thường không được đánh giá nghiêm túc trên phương diện nghệ thuật. Không những thế, phong trào Futurismo ít khi được coi là một trường phái hội họa với đầy đủ các sắc thái thẩm mỹ, đơn giản vì nó bị coi là quá “công nghiệp”. Nhưng các dấu ấn của nó lại trường tồn và xuất hiện trong cuộc sống với tần suất dày đặc hơn hẳn Baroque, Gothic, hay Rococo. Nếu bạn từng xem các bộ phim khoa học viễn tưởng như Blade Runner, Matrix, Avatar, hoặc đọc những cuốn sách như Solaris, khả năng là bạn đã được trải nghiệm ảnh hưởng của Futurismo. Đúng vậy, Futurismo, với sự ám ảnh về công nghệ, tốc độ, sức mạnh, và tuổi trẻ, chính là một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng (popular culture.)

Một cảnh trong phim Blade Runner
Đúng với tên gọi Futurist, những người đặt nền móng cho phong trào Futurismo muốn đẩy sự đổi mới đến tận cùng. Và nhân vật có cái tên tên gần như đồng nghĩa với Futurismo chính là Filippo Tommaso Marinetti.
Filippo Tommaso Marinetti

Sinh ra ở Alexandria, Ai Cập vào năm 1876, Filippo Tommaso Marinetti được giáo dục bởi các tu sĩ dòng Tên người Pháp, sau đó lại được gửi đến Paris để hoàn tất chương trình đại học. Marinetti là một nhà thơ. Từ khi đi học, ông đã nổi tiếng với những tác phẩm như “Les Vieux Marins”, “Le Monoplan du Pape”, tập hợp thơ bi “Le Roi Bombance.” Ngày nay, ông được nhớ tới nhất với tuyên ngôn của Futurismo – “Manifest technique de la litterature futuriste," gọi tắt trong tiếng Anh là The Futurist Manifesto, được xuất bản trong tờ Le Figaro, năm 1909. Thậm chí khi được đọc trong thời điểm hiện tại, Manifesto vẫn có khả năng gây sốc.
.
Chủ nghĩa dân tộc cực kì đậm nét, thậm chí có hơi hướng Phát xít (Fascism) rất rõ, là đặc điểm nổi trội của bản tuyên ngôn này. Quả thật có không ít Futurists đầu quân cho Mussolini, trong đó có cả Marinetti. The Futurist Manifesto đòi hỏi nước Ý khẳng định vị trí trên chính trường quốc tế, khuyến khích chiến tranh, kêu gọi phá hủy bảo tàng, thư viện, thúc đẩy hình ảnh mạnh mẽ, kiêu hùng của một nhà nước Ý dựa trên quân sự và công nghệ, khinh miệt những thứ thủ cựu.
Nếu Marinetti không phải một nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng trong giới văn học, và đất nước ông không trải qua những hệ lụy tâm lý của thế chiến thứ Nhất, chắc chắn Futurismo sẽ không thể nào có vị trí lớn tại Ý. Không những thế, Futurism còn "bám rễ" ở Nga và Anh nữa. Ở Mỹ, Futurismo gây được sự chú ý dù nhỏ khi tàng thư của Marinetti được trường đai học Yale mua lại vào năm 1977, và một triển lãm, Futurism and the International Avant-Garde xuất hiện ở bảo tàng Philadelphia vào năm 1980.
Tuy nhiên, điện ảnh - sự chuyển động trên màn bạc cấu thành từ từ việc lặp lại các hành động đơn lẻ là biểu hiện rõ rệt nhất của Futurismo. Bị ám ảnh với chuyển động, các họa sĩ Futurist thường miêu tả những thân người đang di chuyển với vận tốc chóng mặt như một làn sóng hình dạng và màu sắc hỗn độn. Nếu bạn đã từng vẽ những hình gần giống nhau trên mép một quyển vở rồi bật các trang giấy thật nhanh để thấy hình chuyển động, thì đó chính là điều mà các Futurists thường làm trên cùng một bức tranh.
"Sự đàn hồi" (Elasticity) của Umberto Boccioni, 1912

"Vận tốc và âm thanh trừu tượng" (Abtract speed and sound) của Giacomo Balla, 1914

Một ví dụ cho ảnh hưởng của Futurismo lên những phong trào khác có thể được nhìn thấy qua một tác phẩm nổi tiếng của Marcel Duchamp, một nghệ sĩ Dada. Duchamp miêu tả một người đi xuống cầu thang bằng cách ghép những “khoảnh khắc” của nhiếp ảnh gia Eadweard Muybridge chụp người phụ nữ trên cùng một tấm toan. Kết quả là bức họa nổi tiếng: Người khỏa thân đi cầu thang, số 2. Nếu không biết rằng đây là một tác phẩm Dada/Lập thể, ta hoàn toàn có thể nhầm sang Futurismo.
Marcel Duchamp, "Nude descending staircase," No. 2 (Mẫu nude đi xuống thang, số 2.) 

Những họa sĩ Futurist có lúc lại tập trung vào việc sử dụng các đốm và dải màu nhỏ để tạo thành một bức tranh lớn - họ đã học hỏi từ Pointillism, trường phái nghệ thuật pha màu bằng cách xen kẽ các điểm màu để gây ra hiệu ứng màu cộng. Nhưng trái với hiệu quả êm dịu thường gặp của Pointillism, tranh pha màu của Futurismo đầy năng lượng như muốn lao khỏi khung tranh.
So sánh:
"Những người đi tắm ở Asnieres," tranh của Seurat, dùng hàng vạn vạn điểm màu để tạo thành bức tranh

"Thành phố trỗi dậy" (The city rises) của Umberto Boccini, cùng một kĩ thuật nhưng cho ra hiệu quả khác hẳn nhau.

Phong trào Futurismo, bắt đầu hoàn toàn không phải do các họa sĩ Ý trăn trở đi tìm con đường nghệ thuật. Nó là một phong trào chính trị, xã hội, một sự kêu gọi thay đổi ý thức hệ. Dần dần Futurismo bắt đầu bao trùm lên điêu khắc, kiến trúc, văn học, âm nhạc, thậm chí cả ẩm thực. Ý tưởng chủ đạo của Futurismo luôn luôn là đổi mới, vứt bỏ những cái cũ. Trích đoạn trong “Bản tuyên ngôn của những họa sĩ Futurist”, xuất bản năm 1910: “Chúng ta nổi loạn chống lại sự tôn thờ yếu đuối của những bức tranh cũ, những bức tượng già nua, và tất cả những cái gỉ gì gi cũ kỹ, tất cả những gì bẩn thỉu và mối mọt và bị bào mòn bởi thời gian… Chúng ta coi sự khinh rẻ cái mới là thiếu công bằng, thậm chí là một tội ác…”


Về điêu khắc: bức tượng Futurist nổi tiếng nhất chính là bức tượng đồng của Umberto Boccioni: Một hình dạng duy nhất lưu chuyển trong không gian (Unique forms of continuity in space). Một lần nữa, ta lại thấy sự tập trung cao độ vào chuyển động và sinh lực tuổi trẻ mạnh mẽ.
Tượng đồng của Umberto Boccioni
Về âm nhạc: những nhạc sĩ Futurismo là những người đầu tiên bao gồm các âm thanh của máy móc, tỉ như tiếng kêu của đầu máy hơi nước vào các tác phẩm của mình. Mang tính thử nghiệm nhiều hơn giải trí, âm nhạc Futurismo vẫn là một phần quan trọng vẽ nên bức tranh đầy đủ của phong trào này.


Về văn học: văn học Futurism, cũng như âm nhạc, mang nặng tính thử nghiệm. Các quy luật ngữ pháp bị vứt sang một bên, các nhà văn-thơ-kịch thử với câu cú dài ngắn vô trật tự, văn chương không có ý nghĩa (nonsensical literature,) hoặc đảo lộn các quy tắc ngữ pháp.


Về ẩm thực: khởi nguồn bởi chính Marinetti, những quy tắc mới của Futurist cooking không thể áp dụng lâu dài, tuy nhiên thật thú vị khi biết các Futurist cho rằng phải cắt thức ăn thành các hình dạng kì thú, dùng nước hoa để làm thức ăn dậy mùi hơn, dùng ô zôn tia cực tím làm thay đổi tính chất thức ăn, và (rất may) là nhiều thứ thức ăn chỉ để ngắm và ngửi chứ không phải để ăn! Có lẽ không mấy ai muốn thưởng thức một món ăn Futurismo.
Một món ăn Futurismo
Kiến trúc: Cũng như ẩm thực, phần lớn kiến trúc Futurismo chỉ xuất hiện trên giấy vì thiếu tính khả thi và những hạn chế về kĩ thuật. Một số công trình Futurismo được xây dựng là nhà ga Santa Maria Novella hoặc nhà ga Trento vẫn kém xa so với ý tưởng của kiến trúc sư Antonio Sant’Elia. Tuy nhiên kiến trúc ngày nay đang ngày càng gần với kiến trúc Futurismo hơn bao giờ hết. Trong thời điểm hiện tại, mời mọi người xem các bộ phim khoa học viễn tưởng như Dredd hoặc Gattaca để đắm chìm trong không gian Futurismo.
Nhà ga Santa Maria Novella

Công trình kiến trúc… trên giấy của Antonio Sant’ Elia

Thiếu thực tế, thiếu “đẹp”, thân Phát-xít, quá nổi loạn, Futurismo không thể tồn tại lâu dài. Phong trào Futurismo chết cùng với người xướng lập Marinetti vào năm 1944. Song Futurismo là một phần nên có và cần có của thế kỉ 20. Nước Ý tưởng chừng gắn bó với những vẻ đẹp cổ kính, những giá trị kinh điển, lại làm thế giới ngạc nhiên khi sản sinh ra một trường phái kì lạ. Như những nhà cách mạng, Futurismo vắn số nhưng để lại một di sản, song nó không phải những tác phẩm đẹp cho ta chiêm ngưỡng mãi. Di sản lớn của Futurismo chính là tư tưởng.

*

No comments:

Post a Comment