Trong giới mê sách, ai cũng biết đến “Thánh Kinh Gutenberg” (Gutenberg Bible) – tác phẩm được đông đảo mọi người coi là quyển sách in đầu tiên trong lịch sử. Trên thế giới hiện giờ còn vỏn vẹn 49 bản in nước đầu, trong đó chỉ có 21 bản là đầy đủ, nằm rải rác khắp các nước châu Âu từ Pháp, Áo, Đan Mạch, Bỉ, v.v,… Một trang giấy của Gutenberg Bible đã có giá từ 25000 đến 100000 đô Mỹ, còn một cuốn sách hoàn chỉnh có thể được bán với giá 25 đến 35 triệu đô!
Thế nhưng trên thực tế, Gutenberg Bible không phải là cuốn sách in đầu tiên, ít ra là trong phạm vi hiểu biết của con người. Đúng ra phải gọi Gutenberg Bible là “bản in khắc kim loại đầu tiên” mới chuẩn! Johannes Gutenberg phát minh ra máy in hàng loạt dùng chữ kim loại có khả năng định vị rất chính xác, nhưng người Triều Tiên đã phát minh ra bản in mẫu trượt giống của Gutenberg từ trước đó khá lâu. Và vinh dự “cuốn sách in cổ nhất thế giới có ngày tháng rõ ràng” phải thuộc về bản Kinh Kim Cương khắc gỗ ra đời trước Gutenberg Bible gần 6 thế kỷ. Cũng giống như tượng Nefertiti, điều đáng buồn (cười) là bản Kinh Kim Cương vô giá của Trung Quốc lại lưu lạc sang châu Âu, không biết có ngày nào được quay trở lại cố quốc.
Để tìm hiểu về hành trình của bản Kinh Kim Cương, trước tiên chúng ta cần du ngoạn đến vùng sa mạc Gobi xa xôi. Nằm trên con đường tơ lụa hướng phía tây của kinh đô cũ Trường An là ốc đảo Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc. Tại đây có gần 500 thạch động chứa đựng vô số bích hoạ, tranh vẽ, điêu khắc, chạm trổ tuyệt mỹ, tất cả được gọi chung là hang đá Mạc Cao (Mogao Caves) hay Thiên Phật động (Thousand Buddha Caves.)
Thời kỳ hoành tráng nhất của hang Mạc Cao là khi Phật giáo phát triển tới mức cực thịnh giữa đời Đường. Theo truyền thuyết có từ thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên, một nhà sư mang tên Lạc Tôn nằm mơ thấy ngàn vị Phật toả ánh sáng vàng chói lọi ở khu vực này. Khi tỉnh dậy, ông lao vào xây dựng một ngôi chùa đá làm nơi tu hành cho các nhà sư khổ hạnh. Dần dần chính quyền và nhân dân cùng quyên góp tiền bạc để xây dựng vô số đền thờ trong các hang động, tạo nên một kho tàng nghệ thuật Phật giáo có một không hai. Từ các triều đại sau, Phật giáo mất dần vai trò chủ chốt trong đời sống tín ngưỡng của người Trung Hoa nên hang động Đôn Hoàng cũng vì thế mà chìm vào quên lãng, chẳng được chăm chút thờ phụng. Ngoại trừ những người hành hương sùng đạo viếng thăm, gần như chả còn mấy du khách vãng lai tới đây. Giữa cảnh hương tàn khói lạnh, một tu sĩ Đạo giáo với tên gọi Vương Viên Lục (Wang Yuanlu) tự nguyện ở lại canh giữ, trùng tu khu vực này.
Vào một ngày định mệnh năm 1900, trong lúc quét dọn, phủi bụi những tượng đá ở hang động số 16, ông Vương vô tình đụng phải một cánh cửa bí mật. Thực ra cánh cửa này đã được người xưa trát vữa kín và sơn đè lên để giấu đi (có ý đồ cả). Thế nhưng thời gian không chừa một ai, cửa có kiên cố mấy cũng bị nứt một đường… Ông Vương đẩy cửa vào và phát hiện ra một kho tàng sách gây choáng ngợp gồm 60 ngàn cuộn sách từ văn thư, kinh điển, đến tranh vẽ, cả trên giấy và lụa. Trong gần 1000 năm, những cuộn sách này vẫn được bảo tồn gần như hoàn hảo bởi sự kết hợp của nhiệt độ thấp và không khí khô ráo. Hiện giờ mật thất này chính thức được đánh số 17, nhưng tên gọi thông dụng của nó là “Tàng kinh động,” thật dễ làm liên tưởng đến Tàng kinh các nơi các cao thủ ẩn mình luyện võ trong truyện chưởng.
Chẳng có cách nào để ông Vương biết được trong số 60 ngàn cuộn sách ấy có thánh điển Phật giáo quý báu vô ngần là Kinh Kim Cương. Với tên gọi đầy đủ Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, nó là một trong những văn bản Phật giáo được lưu truyền rộng rãi nhất, nhưng cũng rất khó hiểu. Kinh Kim Cương thuộc hệ Bát Nhã của phật giáo Đại Thừa, chủ yếu xoay quanh cuộc đàm đạo giữa Đức Phật và tôn giả Tu bồ đề (Subhuti). Một trong sáu phần của Kinh Kim Cương được dịch bởi chính đại sư Đường Tam Tạng! Nhà thơ Nguyễn Du đã từng cảm khái khi đọc Kinh Kim Cương:
“Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cấp đáo phân kinh Thạch Đài thị,
Chung tri : vô tự thị chân kinh.”
(Ta đọc Kim Cương đã cả ngàn lần,
Nhưng nhiều nghĩa sâu ẩn vẫn chưa sáng tỏ.
Đến khi xem tới phẩm Thạch Đài,
Thì cuối cùng mới biết: kinh không lời mới thật là kinh.)
Nội dung của Kinh Kim Cương thì tôi không phải nhà nghiên cứu Phật học nên không dám lạm bàn, nhưng sơ qua thì dường như Kinh Kim Cương chủ yếu bàn về sự giác ngộ và cái phù du của vạn vật. Oái oăm thay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình tướng khắc gỗ của nó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt chẳng mảy may suy suyển.
Trở lại với ông Vương Viên Lục. Sau khi phát hiện kho tàng vô giá nằm ẩn mình trong hang động, ông Vương cư xử đúng như một công dân gương mẫu, đầy tinh thần trách nhiệm: ông đánh động cho chính quyền về di sản quốc gia mới được khám phá. Họ Vương chỉ có một nguyện vọng duy nhất: rằng chính quyền sẽ để ý, đầu tư tiền bạc và nhân lực để sửa chữa, bảo quản hang Mạc Cao. Nhưng không rõ vì lý do gì: lười nhác, quan liêu, hoặc thiếu tầm nhìn, mà chính quyền khu vực lúc đó rất thờ ơ, chỉ ra lệnh cho ông Vương… lấp luôn cửa động lại, có gì tính sau. Sự bàng quan của các quan chức địa phương là một sai sót có thiệt hại nghiêm trọng để sau này khi nhận ra thì đã quá muộn.
Tiếng tăm của kho báu vừa được phát hiện nhanh chóng lan xa và bay đến tai các nhà khảo cổ phương Tây, dù thời đấy chẳng có điện thoại hay Internet. Vừa cần tiền để trùng tu các di sản, vừa ngây thơ ít hiểu sự đời, lại không rõ giá trị của các cổ vật nên ông Vương đã bị họ dắt mũi. Nổi tiếng nhất trong số đó là Aurel Stein, một nhân vật gây chia rẽ chẳng kém gì Ludwig Borchardt.
Đầu thế kỉ 20, đế quốc Anh và đế quốc Nga cùng lao vào giành giật những khoảng trống ở Trung Á, hòng thi hành mưu đồ bá chủ. Những nhà khảo cổ ở cả hai phe thi nhau khám phá những khu vực hiếm người đặt chân tới, vì lý do khoa học thì ít mà chính trị thì nhiều. Giai đoạn này được Rudyard Kipling đặt tên là Ván cờ lớn (The Great Game), còn người Nga thì gọi nó là Trận thư hùng bóng đêm (Tournament of Shadows.) Bác nào khoái xem film James Bond chắc vẫn nhớ bộ phim The Living Daylight có cốt truyện dựa theo thời kỳ này. Trong Ván cờ lớn, phía Anh có Aurel Stein, còn phía Nga có Nikolai Przhevalsky.
Ông Aurel Stein là một nhà thám hiểm can trường và đầy nhiệt huyết. Ông từng bị rụng mất vài ngón chân vì băng giá khi thăm dò dãy Côn Luân ở Trung Hoa. Những chuyến đi của ông đã góp phần lớn thúc đẩy làn sóng khảo cổ “Đông du” ở phương Tây. Ông còn được phong tước Hiệp sĩ và là viện sĩ danh dự của vô số đại học ở Anh, đồng thời xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị chuyên ngành. Thế nhưng ông bị người Trung Quốc hết sức thù ghét, thậm chí một học giả ở thư viện quốc gia tại Bắc Kinh đã từng tuyên bố: “Bản in Kim Cương Kinh bị tên người Anh Stein ăn cắp, và dân tộc chúng tôi đến giờ vẫn nghiến răng căm hận.”
Trong đời mình, Aurel Stein có một thần tượng mà chúng ta rất quen thuộc: Trần Huyền Trang, hay còn được biết đến với cái tên gần gũi Đường Tăng. Chuyến đi thỉnh kinh sang Tây Trúc (Ấn Độ) của Đường Tam Tạng không chỉ là cốt truyện cơ bản của Tây Du Ký, mà còn truyền cảm hứng bất tận cho Aurel Stein. Không như nhân vật yếu đuối, mất tự chủ được Ngô Thừa Ân miêu tả trong Tây Du Ký, Đường Tăng ngoài đời thực không chỉ là một Phật tử sùng đạo mà còn là một nhà du hành dũng cảm. Bất chấp vô vàn khó khăn nguy hiểm trên đường sang Tây Thiên và sự cản trở của chính quyền (ngược lại truyện Tây Du Ký, Đường Tăng sang Ấn Độ không có sự cho phép của nhà vua mà phải trốn đi), ông vẫn đạt được mục đích của mình. Aurel Stein đã tìm thấy ở Đường Tăng một tâm hồn đồng điệu, mặc dù hành trình của ông theo hướng… ngược lại. Vì vậy, dù bản thân Stein không có hứng thú nhiều với Phật giáo, ông luôn mang theo mình nhật kí của Đường Tăng trong mọi chuyến thám hiểm phương Đông. (Đại Đường tây vực ký là ghi chép của Đường Tăng về các nước mà ông đi qua trong quá trình thỉnh kinh, khác với Tây Du Ký mà chúng ta đọc.)
Năm 1907, khi tới Đôn Hoàng, Stein lần tới thuyết phục Vương Viên Lục cho thăm Tàng kinh động. Họ Vương chần chừ một lúc, nhưng rồi cũng xiêu lòng để cho Stein “ngó một tí.” Nhờ một cơ duyên bất ngờ, thông dịch viên tiếng Trung của Stein nhận thấy một đoạn trong một bản kinh mà Vương đưa ra chính do Đường Tam Tạng dịch! Cho rằng sự trùng hợp ngẫu nhiên này là ý trời, Stein bèn thuyết phục Vương Viên Lục cho mình vào thăm hang động. Sửng sốt trước tầm vóc vĩ đại của kho tàng kinh sách, Stein mau chóng thực hiện giao dịch với Vương, mang về Anh hơn 5000 cuộn sách sau khi trả giá bèo bọt… 103 bảng!
Điều éo le nhất là chính Stein cũng không nhận ra giá trị của bản in Kinh Kim Cương cho mãi tới về sau. Bản in trong tay Stein được đóng dấu năm 868, nhưng khi ghi chép lại trong hồ sơ cá nhân, Stein lại… viết nhầm, có lẽ vì vốn tiếng Hoa của ông rất khiêm tốn. Đến tận khi nhà Hán học nổi tiếng người Pháp Paul Pelliot đích thân nghiên cứu bản in này, thế giới phương Tây mới nhận ra giá trị của nó. Khác với Stein, Paul Pelliot có kiến thức nền rộng rãi và hiểu sâu sắc nhiều ngôn ngữ Trung Á, bao gồm cả tiếng Trung Quốc. Vì lợi thế đó, Paul Pelliot cũng mang được về Paris vô khối văn bản giá trị của Đôn Hoàng, mua từ Vương Viên Lục với giá 500 lạng bạc. Thật khổ thân cho ông Vương, chỉ vì muốn có chút tiền cải tạo, trùng tu hang động mà vô tình thành kẻ tội đồ của lịch sử.
Sau Aurel Stein và Paul Pelliot, các nhà thám hiểm phương Tây thay phiên nô nức tới lấy đi rất nhiều báu vật từ Đôn Hoàng. Langdon Warner, một giáo sư đại học, đã khoét đi 26 bức bích hoạ quý giá đời Đường để… mang về bảo tàng mỹ thuật Harvard. Giống như Stein và Pelliot, đến tận lúc chết, Langdon vẫn nghĩ mình là một người hùng làm nhiệm vụ cao cả giải cứu các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo khỏi sự tàn phá bởi thời gian và chính quyền thiển cận.
Phản ứng của người dân Trung Quốc trong vòng 100 năm xung quanh việc những di sản tại Đôn Hoàng bị mang về phương Tây là một đề tài xứng đáng được nghiên cứu. Ví dụ, tại sao Paul Pelliot được các học giả Trung Quốc tôn trọng, thậm chí ca ngợi, còn Langdon Warner lại bị căm ghét? Tại sao mới đầu Aurel Stein được chào đón mà lần sau lại bị chính quyền ra lệnh trục xuất, thậm chí người dân còn biểu tình phản đối ổng? Tại sao mãi đến tận năm 1910 những gì còn lại ở Đôn Hoàng mới được đem về Bắc Kinh trong điều kiện bảo quản rất sơ sài? Tại sao những quan chức địa phương lại không nhận ra tầm quan trọng của Tàng kinh động ngay từ đầu? vv và vv... Tính dân tộc, nói đúng hơn là chủ nghĩa Đại Hán của người Trung Hoa có lẽ là lý do đằng sau tất cả. Khi các văn bản ở Đôn Hoàng mới được khai quật, do chúng viết bằng tiếng Phạn nên các nhà nho Tàu đa phần chịu chết không đọc được. Đã không hiểu thì cũng không tiếc của (mãi về sau mới tiếc.) Khi các nhà khảo cổ phương Tây kéo tới Đôn Hoàng thì cũng mọc ra một cộng đồng người Tàu làm cổ vật giả hòng trục lợi. Tới giai đoạn Thập niên Nam Kinh thì nhà nước Trung Quốc mới bắt đầu có phản ứng mạnh mẽ về vai trò của phương Tây.
Aurel Stein, Paul Pelliot, Vương Viên Lục đều đã thành người thiên cổ. Chính quyền Trung Hoa coi Stein là con quỷ ngoại quốc, là “kẻ xấu xa nhất từng du hành trên con đường tơ lụa”. Langdon Warner thường được đem ra làm ví dụ cho việc người Mỹ cướp bóc di sản của Trung Hoa. Vương Viên Lục bị chính đồng bào mình ngoảnh mặt quay lưng. Ngày nay, hang Mạc Cao được coi là một di sản văn hoá của thế giới, đồng thời nhà nước Trung Quốc cũng thành lập một uỷ ban chuyên nghiên cứu và tu bổ. Chỉ có điều những báu vật đã một đi không trở lại thì chẳng có tiền của nào có thể đánh đổi.
Năm 2004, bản in Kinh Kim Cương của Đôn Hoàng được trưng bày tại cuộc triển lãm Con đường tơ lụa tại thư viện Anh Quốc ở London. Hiện giờ nó vẫn đang được lưu giữ ở đây, ngay gần một bản in khác của Thánh Kinh Gutenberg. Toàn bộ các trang của Kinh Kim Cương có thể được xem online, qua trang web của thư viện Anh Quốc. Bản in nguyên gốc quá “mong manh dễ vỡ” nên không phải lúc nào cũng muốn là xem được!
*
*
No comments:
Post a Comment