Monday, April 10, 2017

Trộm tranh từ A đến Z

Không hiểu sao tôi rất mê đọc về các vụ trộm tranh, có lẽ vì chúng là kết hợp cả hai niềm đam mê của tôi: nghệ thuật và trinh thám. Những vụ trong truyện, trong phim lắt léo đã đành mà đời thực lắm khi hay hơn cả tiểu thuyết. Trộm tranh là một loại trộm tương đối đặc biệt vì tỷ lệ thương vong ít, nên khi viết về nó cũng đỡ ngại bị phê bình là… vui trên nỗi đau của người khác, (có lẽ đau nhất là mấy ông giám đốc bảo tàng). Hôm nay thử ngồi tổng hợp một bài về đề tài này từ A đến Z, hy vọng mua vui cũng được một vài trống canh cho độc giả.

– A – Artnapping: Từ chỉ việc trộm các tác phẩm nghệ thuật với mục đích đòi tiền chuộc, biến hóa từ kidnapping (bắt cóc trẻ con) mà ra. Nạn nhân ở đây thường là các bảo tàng lớn một chút, ví dụ như Van Buuren Museum ở Brussels, Bỉ. Hai năm sau khi các tác phẩm của Bruegel Con và Vincent van Gogh bị ăn cắp, bảo tàng này bắt đầu quá trình thương lượng với bọn trộm để chuộc lại tranh. Các chuyên gia hình sự thì kêu trời rằng làm thế là tạo tiền lệ xấu, dễ dẫn tới những vụ trộm táo tợn, liều lĩnh hơn, nhưng thử nhìn từ phía bảo tàng mà xem, mấy “cục cưng” đi mất tăm bảo họ không trả tiền sao đặng? Chó mèo nuôi trong nhà bị trộm ta còn cắn răng đi chuộc về nữa là…

Biếm họa artnapping: bức tranh bị ăn cắp ở đây chắc là của Picasso rồi


– B – Breitwieser: Một tên trộm người Pháp, kẻ được mệnh danh là “tên trộm tranh bền bỉ nhất thế giới”. Từ năm 1995 đến 2001, Stephane Breitwieser đã trộm tất cả 239 tác phẩm với tổng giá trị lên đến 1.4 tỷ đô, tính trung bình ra cứ đều đều 15 ngày/món. Bề ngoài hiền lành và khá điển trai, Breitwieser làm bồi bàn khắp châu Âu để trang trải chi phí và… thăm thú các bảo tàng cho tiện. 172 bảo tàng đã trở thành nạn nhân của tên kẻ cắp hàng loạt này. Khác với những tên trộm thông thường, Breitwieser tự nhận là một người yêu nghệ thuật và chỉ muốn mang tranh về để sưu tập, kiểu “bà để bà ngửi chứ bà không bán”. Trộm nhiều thế nhưng Breitwieser không nhầm lẫn chút nào về thứ tự ngày tháng tên tranh. Ngay cả khi bị mang ra tòa xử, Breitwieser vẫn điềm nhiên “sửa lưng” quan tòa vì đọc sai thông tin tác phẩm mà hắn trộm. Điều đáng buồn nhất trong vụ này là bà mẹ của Breitwieser cố tình phá hủy tang chứng để bao che cho con, và nhà chức trách chỉ thu hồi được có 110 bức tranh. Breitwieser bị tù nhẹ (26 tháng) và còn viết một cuốn tự truyện sau khi được trả tự do. Nhưng ngựa quen đường cũ, năm 2011 cảnh sát lại phát hiện ra hắn đã trộm thêm 30 bức nữa.

Breitwieser tiếp thị cuốn tự truyện của mình “Confessions d’un voleur d’art” (Lời thú tội của một kẻ trộm nghệ thuật)



– C – Cooperman Art Thief Hoax: Tại Los Angeles năm 1999 có xảy ra một vụ trộm tranh gây chấn động, nạn nhân là bác sĩ chữa mắt giàu có Steven G. Cooperman. Hai tác phẩm bị trộm là “Nude before a mirror” của Picasso và “Customs Officer’s cabin at Pourville” của Monet. Sau vụ này ông bác sĩ được nhận 17.5 triệu đô đền bù bảo hiểm. Vụ này tưởng thế là đã xong, ai ngờ 5 năm sau sự thật mới vỡ lở: hoá ra bác sĩ Cooperman nhờ ông bạn là luật sư Tierney ăn cắp hộ hai bức tranh trong khi mình giả vờ đi du lịch, mục đích là để moi tiền của công ty bảo hiểm. Ông này lại nhờ một ông khác giấu tranh trong một nhà chứa đồ ở Ohio. Khi ông đó chia tay bạn gái, người đàn bà bị phụ tình liền tức khí đi báo cảnh sát, thế là bác sĩ Cooperman phải ra toà. Cả ba ông đều bóc lịch, còn cô bạn gái thì được 250 ngàn đô tiền thưởng.

“Nude before a mirror” của Picasso, 1932

-D – Difficulty: Trộm tranh khó hay dễ? Tranh to cồng kềnh thì không nói, chứ tranh nhỏ nhẹ thì lắm khi trộm chỉ cần rình lúc không có ai lấy dao rạch khỏi khung, cuộn lại nhét vào túi ngon ơ. Khó là lúc tiêu thụ cơ, vì đâu thể nào xưng xưng đăng lên Craiglist, “Hôm nay tôi ăn cắp được một bức Rubens, có ai muốn mua không…” Đương nhiên cũng có một số trường hợp trộm tranh để làm bộ sưu tập riêng (xem vần B) hoặc trộm tranh theo đơn đặt hàng, nhưng đa phần các tên trộm đều chẳng biết làm gì với tranh sau khi ăn cắp thành công. Treo trong nhà thì lộ liễu, rao bán trên thị trường chợ đen thì nguy hiểm mà huỷ tranh thì tiếc, thế nên lắm khi các tên trộm đành … trả tranh về bảo tàng sau một thời gian tìm kiếm người mua bất thành. Theo một chuyên gia nhận định, những tên trộm giỏi lại thường là những nhà kinh doanh tồi. Ở đây ta chỉ bàn về trộm đơn lẻ, chứ trộm có tổ chức thì lại là chuyện khác.

– E – Entrapment: Một bộ phim về đề tài trộm tranh khá gay cấn ra lò năm 1999. Bức tranh bị trộm là của danh hoạ Rembrandt. Nhưng phần đã mắt nhất của phim không phải tranh quý hay những màn nhào lộn của cô đào Catherine Zeta-Jones mà là nam diễn viên Sean Connery. Ở tuổi 68, chàng cựu James Bond vẫn đầy phong độ, đủ làm chết đứ đừ các nữ khán giả vừa mê tranh vừa mê giai đẹp như tôi đây.

Siêu trộm Sean Connery trong Entrapment



– F – FBI Art Crime Team: Bộ phận đặc biệt của FBI chuyên điều tra về các vụ trộm nghệ thuật ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, gồm có 16 đặc vụ và 3 công tố viên. Để phù hợp với vị trí này, bạn cần có kiến thức rộng rãi về nghệ thuật, cơ thể khoẻ mạnh dẻo dai, và cả máu khám phá mạo hiểm nữa. Kể từ khi thành lập năm 2004, tổ chức đã tìm lại được 2650 tác phẩm có giá trị lên đến 150 triệu đô, quả là một con số ấn tượng. Trong số các tác phẩm được FBI Art Crime Team thu hồi có nhiều bức nổi tiếng như “Children with a Cart” của Goya hay chân dung tự hoạ Rembrandt. Trụ sở của FBI Art Crime Team được đặt tại Washington, DC, nhưng nếu tham gia thì yên tâm là bạn sẽ được du ngoạn khắp thế giới.
“Children with a Cart” của Goya
– G – Gardner Museum: Tên đầy đủ Isabella Stewart Gardner Museum, đây là nơi xảy ra vụ trộm (tính cả trộm tranh và trộm các thứ tài sản khác) lớn nhất lịch sử với tổng thiệt hại lên đến 500 triệu đô. Chỉ có 13 tác phẩm bị xui xẻo, nhưng lại toàn của các danh hoạ lớn như Degas, Rembrandt, Vermeer, Manet. Một bức của Vermeer trong số đó đã có giá 200 triệu đô rồi.

Vào ngày hôm đó, hai tên trộm mặc đồng phục cảnh sát Boston gõ cửa bảo tàng lúc đêm khuya, đề nghị bảo vệ cho vào trong vì “nghe thấy tiếng ồn ào.” Một khi đã vào trong, hai tên trộm bèn cùm luôn tay chú bảo vệ với lý do trông anh ta giống một kẻ đang bị truy nã. Đến khi anh này nhận ra ria mép của một tên trộm làm bằng sáp thì đã quá muộn.

Ký họa gương mặt hai tên trộm đây, bạn nào thấy thì chỉ giùm cho bảo tàng với, người ta chờ đợi mỏi mòn mấy chục năm rồi

Ngày nay những khung tranh rỗng vẫn được treo đúng chỗ của chúng trong bảo tàng cho khách thập phương tham quan. Trên các thông cáo báo chí, bảo tàng van nài những tên trộm hãy đối xử tử tế với các bức tranh, chỉ dẫn kĩ càng nào là tranh phải được gói bằng giấy không có acid, tránh ánh sáng, duy trì độ ẩm 50% và nhiệt độ 70 độ F. Trước khi chuồn, những tên trộm nói với gác cửa rằng trong vòng 1 năm chúng sẽ liên lạc với bảo tàng. Hiện giờ đã 26 năm và chúng vẫn bặt vô âm tín.

– H – Henry Moore: nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới chuyên về những tác phẩm trừu tượng khổng lồ bằng đồng. Một trong những tác phẩm của ông là Reclining Figure 1969-70 bị đánh cắp năm 2005. Theo suy luận của cảnh sát, những tên trộm đã cắt nhỏ tượng ra để tiêu thụ dưới dạng… phế liệu. 2 tấn kim loại khi bán dưới dạng sắt vụn thì chỉ được hơn 2000 đô là cùng, trong khi tác phẩm được định giá khoảng 4.5 triệu đô.

Một phiên bản khác của Reclining Figure 1969-70 tại Tel Aviv



– I – If tomorrow comes: Tiểu thuyết của Sidney Sheldon khá quen thuộc với các độc giả Việt Nam với tên gọi “Nếu còn có ngày mai”. Nữ nhân vật chính của truyện, Tracy Whitney, là một nữ đạo chích vừa thông minh vừa xinh đẹp chuyên nhắm vào những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, những viên đá quý giá trị,… Trong truyện có nhắc tới một bức tranh của Goya.

-J – “The Just Judges” của Jan van Eyck: Đây là một phần có ý nghĩa đặc biệt với tôi. The Just Judges là một phần của Ghent Altarpiece – tác phẩm theo tôi là vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa. Bị đánh cắp năm 1934 bởi Arsene Goedertier, đến giờ tung tích của nó vẫn là một bí ẩn. Chính phủ Bỉ thương lượng với tên trộm suốt mấy tháng trời (hắn đòi 1 triệu franc Bỉ) chưa kịp ngã ngũ thì hắn đã… ngoẻo củ tỏi, chỉ để lại một mẩu giấy với lời lẽ khó hiểu về nơi cất giấu bức tranh. Để tìm The Just Judges, người ta còn chụp X-quang cả nhà thờ nhưng vẫn vô hiệu. Nhiều người bi quan cho là bức tranh đã bị tiêu huỷ từ lâu rồi, nhưng chính phủ Bỉ chưa hề từ bỏ nỗ lực tìm kiếm sau hơn tám thập kỷ: ngày nay một cảnh sát đặc nhiệm tại Ghent vẫn giữ nhiệm vụ tìm kiếm bức tranh. Toàn bộ câu chuyện về The Just Judges có thể được tìm thấy trong cuốn Stealing the Mystic Lamb của Noah Charney. Bác Noah Charney này là đồng môn cấp đại học của tôi, chuyên nghiên cứu về các vụ trộm tranh. Bác đã viết một tham luận về vụ trộm bức Mona Lisa và là tác giả của quyển The Art Thief.

Tranh vẽ lại The Just Judges của Jan Van der Verken

– K – Kunsthistorisches Museum: Nơi trưng bày tác phẩm nổi tiếng Salt Cellar của nhà điêu khắc đại tài Benvenuto Cellini. Là cái lọ đựng muối tiêu bằng vàng của nhà vua, nó có giá tầm… 80 triệu đô. Cellini rất tinh tế để ông thần biển cầm đinh ba canh giữ con thuyền muối, còn bà thần đất thì bảo vệ đền thờ nhỏ xíu chứa hạt tiêu. Trong lúc bảo tàng đang trùng tu năm 2003, một tên trộm có tên Robert Mang bèn lẻn vào ăn cắp “Salt Cellar” (không bị phát hiện nhờ giàn giáo che khuất). Vụ trộm nổi tiếng quá nên ba năm sau Robert Mang vẫn không tài nào tẩu tán tác phẩm quý giá này được. Năm 2006, cảnh sát Áo tìm thấy nó trong một chiếc hộp chì chôn tại khu rừng ở gần Vienne.

Lọ đựng muối tiêu quý báu nhất trên đời là đây

– L – Louvre: Bảo tàng lớn nhất và (chắc là) nổi tiếng nhất thế giới, mỗi năm đón chào gần 10 triệu lượt người tới thăm. Chẳng thế mà Dan Brown đã chọn Louvre làm bối cảnh cho phần đầu tiểu thuyết Da Vinci Code. Trong truyện, phụ trách bảo tàng Jacques Sauniere bị phát hiện nằm chết với tư thế y như Vitruvian Man của Da Vinci, kéo theo bao bí ẩn và các pha chạy đuổi nghẹt thở…

Vitruvian Man của Da Vinci

Sách bị các nhà sử học, thần học, vân vân học ném đá lia lịa nhưng vẫn thành công rực rỡ, được Hollywood mua bản quyền làm phim, thậm chí có cả tour tham quan Louvre ăn theo truyện nữa. Vụ scandal lớn nhất từ trước đến nay ở Louvre thì không gay cấn bằng truyện nhưng lại có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn nhiều. Ai muốn biết thì kéo xuống phần V nhé.

– M – Money: Vấn đề đầu tiên luôn là ..tiền đâu? Bảo tàng nhỏ hay nhà thờ cũng có đầy tranh xịn, nhưng trộm xong thì khó mà đòi tiền chuộc vì họ nghèo. Bảo tàng lớn thì dư dật hơn, nhưng nguy cơ bị tóm cũng cao. Hơn nữa, giá tranh ngất ngưởng trên trời trong catalogue chỉ thực hành được khi đấu giá mua bán hợp pháp, chứ đem ra ngoài là chết ngay. Trên thực tế, ăn cắp đầu đĩa VCR hay xe đạp trẻ con có khi tiền thu lại còn sát với giá trị thực tế hơn. Điển hình như tên trộm ăn trộm hai bức họa của Durer của một lâu đài cổ rồi phải bán tống bán tháo với giá 450 đô, trong khi chúng được ước tính lên tới vài triệu.

Một trong hai bức bị ăn cắp của Durer mà không tiêu thụ được

– N – Nazi plunder: Trong số những tội ác ngập đầu của Đức Quốc xã, ngoài thảm hoạ diệt chủng còn là việc vơ vét tài sản có hệ thống. Ít nhất 20% toàn bộ tác phẩm nghệ thuật ở châu Âu đã bị Đức Quốc xã cướp về trong Đại chiến thứ hai. Bộ sậu chỉ huy có Goring đục nước béo cò muốn làm giàu thêm cho bộ sưu tập cá nhân, Hitler tham vọng muốn xây lên một bảo tàng “khủng” riêng cho Đế chế thứ ba, số còn lại chăm chăm bán đồ quý lấy tiền phục vụ cho hoạt động chiến tranh và đút túi. Bởi Hitler rất ghét hội họa hiện đại “suy đồi” nên các tác phẩm Lập Thể, Dada, Vị Lai,… đã rơi vào tay Quốc xã thì chỉ có bị tiêu hủy. Các tác phẩm cổ điển được trọng vọng hơn, đặc biệt nếu là của hoạ sĩ Đức! Ở những nước bị Đức Quốc xã chiếm đóng thì các gia đình Do Thái giàu có như nhà Rothschild bị thiệt hại nặng nề nhất. Khi chiến tranh kết thúc, hàng trăm ngàn của báu đã rơi vào tay chúng, trong đó riêng Goring thu về gần 600 món. Nổi bật nhất trong đó gồm có Ghent Altarpiece, Phòng Hổ Phách (được coi là kì quan thứ tám của thế giới), Portrait of Adele Bloch-Bauer I của Klimt, các tác phẩm của Chagall, Matisse, Renoir,…. Đấy là chưa kể sách quý, đồ sứ, kim hoàn, và cơ man nào là vàng! Ngày nay những nỗ lực tìm kiếm và trả lại những món đồ thất lạc vẫn đang diễn ra. Mới đây thôi (2012) người ta tìm thấy hơn 1000 tác phẩm giấu trong một căn hộ nhỏ ở Munich.

Ảnh tô màu thủ công chụp Phòng hổ phách nguyên bản vào năm 1931

-O – Organized crime: Ở trên tôi nói đùa trộm tranh ít có thương vong thực ra không hoàn toàn chính xác. Giống như ngành làm đồ hiệu giả vậy, tưởng chừng chẳng làm hại ai (tôi thích đeo túi rởm kệ tôi chứ) nhưng lại liên quan đến nạn buôn người, lao động trẻ em, và cả khủng bố nữa. Tiền bán được do trộm tranh thường được dùng cho các mục đích phi nghĩa như ma tuý và tội phạm có tổ chức, đơn giản bởi phần lớn bọn trộm vốn là thành phần bất hảo sẵn rồi. Ở mức độ lớn hơn có nạn chảy máu cổ vật cấp quốc gia, tiền lãi từ đó được dùng làm đủ mục đích xấu xa như đảo chính, khủng bố, mua bán nô lệ,… Trong những ngành kinh doanh tội phạm trên thế giới, buôn cổ vật bất hợp pháp đứng thứ ba chỉ sau buôn vũ khí và ma tuý. Thủ phạm ở đây chủ yếu là mafia quốc tế chứ không còn là những tên trộm cắp cò con.

-P – Percentage: Chỉ 5 đến 10% những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp là tìm lại được, số còn lại vẫn bặt tích. Trong bộ phim Trance của đạo diễn Danny Boyle (127 Hours, Trainspotting, Steve Jobs, Slumdog Millionaire) có cảnh James McAvoy bị thôi miên và tưởng tượng ra một căn phòng bí mật chứa đầy những tuyệt tác bị đánh cắp, trong đó có “The storm on the sea of Galilee” của Rembrandt, “La Femme a l’eventail” của Modigliani, “The concert” của Vermeer, và “Vase of poppies” của Van Gogh. Cảnh đấy đúng là chỉ có trong …mơ. Việc tìm kiếm những tác phẩm thất lạc phụ thuộc rất nhiều vào may mắn. Cải trang thành người mua tranh là một cách phổ biến để cảnh sát thăm dò đầu mối, nhưng trộm cũng khôn lắm nên tỷ lệ thành công vẫn tương đối khiêm tốn.

Bức tranh bị mất cắp “The storm on the sea of Galilee” của Rembrandt mà phim “Trance” đề cập đến

-Q – Queen Elizabeth: Từ lâu lâu lắm rồi, thỉnh thoảng Ấn Độ lại có một chiến dịch kêu gào đòi nữ hoàng Anh trả lại viên kim cương Koh-i-Noor. Theo định nghĩa của bên Ấn, phía Anh đã dùng quyền lực chính trị để “trộm” viên kim cương, trong khi lúc ấy rõ ràng nó là quà tặng. Khổ nỗi, nếu muốn truy ra ngọn ngành thì bên Anh cũng phải đòi Ấn Độ trả lại đường sắt, bệnh viện, trường học mà Anh xây dựng ở Ấn Độ thời kỳ thuộc địa. Ngoài ra nếu Anh trả Koh-i-Noor cho Ấn thì cũng phải trả lại Elgin Marbles cho Hy Lạp, trả kinh Kim Cương cho Trung Quốc,… tha hồ nhốn nháo. Tuy nhiên nữ hoàng Anh không phải quốc vương sở hữu viên kim cương lớn nhất thế giới. Vinh dự đó thuộc về nhà vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan. Ông có viên kim cương Golden Jubilee Diamond khổng lồ 545 carats, nặng hơn …1 lạng. Vua Bhumibol cũng là quốc vương giàu nhất thế giới với khối tài sản ước tính lên tới 30 tỷ đô. 

-R – Romans: Đế chế La Mã có lẽ là tổ chức đầu tiên tiến hành trộm cướp nghệ thuật trên quy mô lớn. Hy Lạp sùng thượng nghệ thuật thì La Mã sùng thượng chiến tranh. Dân La Mã mê mẩn nghệ thuật Hy Lạp (chúng ta đến giờ còn mê nữa là) nhưng không làm sao copy được. Người Hy Lạp nhờ quan sát động vật, cỏ cây, cơ thể con người… mà tính ra các tỷ lệ vàng để áp dụng vào điêu khắc, kiến trúc. Người La Mã một là ít gần gũi tự nhiên, hai là suy nghĩ cứng nhắc, ba là thiếu tính lãng mạn phiêu bồng nên các tác phẩm bắt chước của họ không thể sánh bằng nghệ thuật Hy Lạp, tỷ lệ cứ bị “sai sai” sao đó. Không bắt chước được thì ta phải cướp về làm của riêng: trước đấy ăn trộm là sản phẩm phụ của chiến tranh, nhưng dần nó trở thành lý do để gây chiến. Mỗi khi đánh thắng, La Mã lại mang các tác phẩm đẹp nhất về diễu hành trên đường phố rồi trưng bày tại Roman Forum – bảo tàng ngoài trời đầu tiên của thế giới. Ngoài nghệ thuật Hy Lạp, người La Mã còn chiếm đoạt các tác phẩm Etruscan và Ai Cập nữa.

Roman Forum ngày nay

-S – Security: Với tình trạng trộm cắp nhan nhản như hiện nay thì chủ đề an ninh trong các bảo tàng thực sự rất đáng quan tâm. Vấn đề làm sao bảo vệ được các tác phẩm mà không hạn chế sự thưởng thức của người xem là một câu hỏi lớn. Bảo vệ kỹ đến đâu thì còn phụ thuộc vào khả năng tài chính, cơ sở càng nhiều tiền thì hệ thống càng tinh vi. Ở những bảo tàng lớn, các bức tranh đều có thiết bị cảm biến cực nhạy, chỉ cần sờ nhẹ vào tranh là chuông báo động sẽ kêu ầm ầm. Những ô cửa sổ, cửa lớn cũng được giăng mắc đầy thiết bị an ninh. Nhưng theo các chuyên gia bảo mật, biện pháp hữu hiệu nhất là kiểm tra kỹ kẻ ra người vào, và lựa chọn lính gác thật cẩn thận để tránh “tay trong.” Vì vậy đừng ngạc nhiên khi bị kiểm tra túi xách ngẫu nhiên khi bạn đặt chân vào những bảo tàng lớn.

-T – Tokeley-Perry: Không phải tên trộm nổi tiếng nhất trong danh sách này, nhưng có lẽ là kẻ có phương pháp đặc biệt nhất. Jonathan Tokeley-Perry tốt nghiệp đại học Cambridge với chuyên ngành triết học và phục chế nghệ thuật. Vốn thông minh đĩnh ngộ, hắn trở thành một chuyên gia phục chế đồ cổ có tiếng ở London. Không hài lòng với số tiền lương ít ỏi, Tokeley-Perry bèn chuyển tới Ai Cập và tham gia một đường dây buôn lậu đồ cổ quy mô lớn. Phương pháp của hắn là gì? Nhúng các món cổ vật vào nhựa lỏng, chờ đông cứng lại rồi sơn màu loè loẹt. Voila! Hải quan chỉ thấy một du khách có gu thẩm mĩ tồi mua hàng đống đồ lưu niệm rẻ tiền xấu xí, đâu có ngờ chính là các kiệt tác nguỵ trang! Bằng cách “thật như đùa” này mà Tokeley-Perry đã đem được 3000 món cổ vật ra khỏi biên giới Ai Cập, trong đó có cả một quan tài đá to sụ, rồi đem bán cho những người mua giàu có. Tổng cộng tổ chức tội phạm này đã thu được hàng triệu đô tiền lãi. Tokeley-Perry chỉ bị tù 3 năm nhẹ nhàng và đang có ý định lấy bằng tiến sĩ trường đại học UCL chuyên ngành …đạo đức.

Tác phẩm trước và sau khi được Tokeley – Perry tút tát

-U – Urn: Năm 2013, một chiếc bình vàng chứa di cốt (răng, tóc, xương) của Đức Phật bị đánh cắp tại một đền thờ tại Udong, Campuchia. Nhưng nghiệp vụ của cảnh sát Campuchia chắc tốt lắm nên chỉ một năm sau đã tìm thấy cái bình và tóm gọn 5 tên trộm, mỗi tên xộ khám bóc lịch 7 năm. Mới tuần trước thôi hàng ngàn Phật tử tham gia vào lễ hội chào mừng di vật của Phật trở về đền. Được biết vào thập niên 1950, bình này được mang từ Sri Lanka về Campuchia nhân dịp 2500 năm ngày sinh Đức Phật.

Cựu hoàng Sihanouk đem bình từ Phnom Penh về Udong năm 2002

-W – Wall art: Tranh treo trên tường bị đánh cắp đã đành, ngay cả khi tranh… chính là tường cũng không thoát. Tác phẩm “Slave labour” của nghệ sĩ graffiti Banksy bị dỡ khỏi toà nhà và đem ra bán đấu giá tại Fine Art Auction Miami với giá nửa triệu đô. Ai là người dỡ, tiền bán tranh thuộc về ai,… đều mờ ám. Banksy không biết gì, chủ nhà im bặt, tổ chức đấu giá thì nói bóng gió về một “nhà sưu tập giấu tên”. Trước tin này, dân chúng ở khu nhà Green Woods kêu ca ầm ầm. Họ vốn đã coi bức tranh tường này là món quà Banksy dành tặng họ, một thứ tài sản chung của khu phố. Làn sóng phản đối dữ dội quá nên ông giám đốc tổ chức đấu giá đành thôi không bán nữa và trả lại bức tranh tường về lại vương quốc Anh. Nhưng về Anh rồi thì tranh vẫn bị bán mất tiêu, người dân chẳng được hưởng lợi gì.

Bức tranh tường gây tranh cãi

-V – Vincenzo Peruggia: Tên trộm lừng lẫy nhất trong lịch sử trộm tranh vì trộm thành công bức Mona Lisa. Vào năm 1911 khi vụ trộm diễn ra thì tình hình an ninh ở Louvre còn thô sơ lắm. Peruggia đã từng làm việc cho bảo tàng, nhưng cách hắn ăn cắp tranh cũng chẳng cao siêu gì. Chờ lúc phòng tranh vắng vẻ không có người, tên trộm to gan chỉ đơn giản nhấc tranh khỏi móc, lấy áo khoác quấn kín rồi đường hoàng cắp tranh ra. Ngay cả khi cảnh sát tới tận nhà hắn tra khảo, Peruggia vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì, thật là mặt dày. Gần hai năm sau, Vincenzo Peruggia trở về Ý và được coi như một người hùng có công lớn! Giám đốc bảo tàng Uffizi vờ thương lượng với Peruggia trong khi lén mật báo cho cảnh sát tóm gọn hắn. Vì mang danh nghĩa “ái quốc” nên Peruggia chỉ bị tù rất nhẹ, còn bức Mona Lisa được đem triển lãm khắp nước Ý một thời gian trước khi được đem trả lại cho Pháp. Ngày nay Mona Lisa được đặt sau một tấm kính chống đạn, mỗi năm đón hàng triệu lượt người tham quan, nhưng có người cho rằng nếu không vì vụ trộm này thì Mona Lisa chưa chắc đã nổi tiếng đến vậy.

Vincenzo Peruggia, tư liệu của cảnh sát

-X – X-mas: Là khoảng thời gian các bảo tàng cần thắt chặt an ninh hơn cả. Từ Noel tới Năm mới, không khí tươi vui nhộn nhịp, khách du lịch thì đông mà bảo vệ mải náo nức hội hè rất dễ mất cảnh giác, đấy là chưa kể người ra kẻ vào trang trí, quét dọn, tiếp đón,… khó mà biết thật giả nếu không kiểm tra kỹ. Tôi mà là kẻ trộm tranh thì chắc chắn sẽ nhằm vào ngày trước lễ Giáng sinh để hành nghề. Có vẻ cũng khối kẻ nghĩ như tôi, thế nên mới có những vụ đánh cắp tranh xảy ra vào khoảng gần cuối năm như lần diễn ra năm 2000 ở Stockholm. Mấy tên trộm cho nổ bom ở vài địa điểm trong thành phố nhằm đánh lạc hướng cảnh sát, rồi cuỗm tranh và chạy trốn bằng thuyền máy. Có lẽ bọn trộm này là những kẻ nghiện phim….

-Y – Year 2006: Năm 2006, viện Met (Metropolitan Museum of New York) đồng ý trả lại cho nước Ý nhiều món đồ cổ quý hiếm, trong đó có một chiếc bình 2500 tuổi sau 30 năm giằng co. Đổi lại, các bảo tàng Ý phải cho viện Met mượn nhiều tác phẩm khác, có đi có lại mới toại lòng nhau. Vậy cũng công bằng thôi, bởi riêng tranh tượng cất trong kho của viện Met cũng đủ cung cấp cho 15 bảo tàng cỡ vừa rồi! Đây được hy vọng là mở đầu cho một phong trào tích cực: các ông lớn trong ngành mỹ thuật rất nên trả lại, hoặc chí ít cũng cho mượn lại những tác phẩm đến từ những nước khác để mọi người cùng được thưởng thức kho báu nhân loại.

Chiếc bình 2500 tuổi viện Met trả lại cho Ý sau 30 năm giằng co

-Z – Zodiac: Erte, tên thật Romain de Tirtoff là một hoạ sĩ chuyên về phong trào Art Deco. Ông là người đa tài, giỏi từ thiết kế thời trang, nội thất, nữ trang, đạo cụ phim,… nhưng được biết đến nhiều nhất qua các bức minh họa-quảng cáo cho tạp chí Harper’s Bazaar. Một bản in quý trong series Zodiac (cung Bọ Cạp Scorpion, có chữ kí tác giả) của ông đang bị thất lạc. Thú thực là tôi phải tìm mãi mới ra một thứ bắt đầu bằng vần Z mà có liên quan đến chủ đề này!

Một tác phẩm của Erte

*

No comments:

Post a Comment