Tương truyền rằng khi vẽ bức Arnolfini Portrait, Jan van Eyck phải dùng tới sự trợ giúp đắc lực của chiếc kính lúp. Thực hư thế nào không rõ, nhưng ai may mắn có cơ hội tận mắt ngắm Arnolfini Portrait ngoài đời thực chắc cũng nên sắm một cái để “soi” cho rõ. Tạm thời, chúng mình có thể du lịch qua màn ảnh nhỏ bằng cách bấm vào đây.
Trong Arnolfini Portrait, từ ánh sáng nhảy nhót trên bề mặt kim loại đến lớp vỏ sần sùi của quả cam đều sống động tới mức người xem cảm giác có thể … chui vào tranh. Trước khi chiếc máy ảnh đầu tiên được phát minh, Jan van Eyck đã túm được một lát cắt của cuộc sống và truyền tải lại thật tài tình bằng chất liệu sơn dầu. Có người cho rằng Arnolfini Portrait là bức tranh đời thường hiện đại đầu tiên, quả cũng có phần đúng. Nhưng khi diễn giải số lượng icons đồ sộ trong tác phẩm này thì lại thấy nó chẳng “thường” chút nào!
Có thể nói trong giới mỹ thuật thì Arnolfini Portrait được sùng bái và phân tích nhiều chẳng kém gì Mona Lisa cả. Để khai vị, hãy cùng thử điểm qua một số tác phẩm của các hoạ sĩ hiện đại lấy cảm hứng từ Arnolfini Portrait:
Nhân vật nam chính trong tranh là Giovanni di Nicolao Arnolfini. Chúng ta có thể khẳng định danh tính của chàng chuẩn gần 100%, bởi ngoài bức này, Jan van Eyck còn vẽ cho chàng một chân dung nhỏ khác:
Mũi hơi to to, mắt hơi nho nhỏ, hình ảnh Giovanni còn lại cho hậu thế không được đẹp trai cho lắm, ai bảo Jan van Eyck không chịu tô hồng hiện thực cơ. Nhưng cũng nhờ những nét đặc trưng ấy mà ta có thể kết luận đây chính là cùng một người. Trong Arnolfini portrait, phục sức của Giovanni rất đắt tiền: áo choàng nhung viền lông chồn zibelin, áo trong bằng gấm damask, cùng mũ rơm bện không thể thiếu trong mùa hè.
Là một thương gia chứ không phải người thuộc giới quý tộc nên Giovanni không đeo trang sức vàng bạc dềnh dàng, nhưng màu tím của chiếc áo choàng cho thấy tham vọng hãnh tiến kín đáo của nhân vật. Vẻ mặt Giovanni bình thản nhưng khó đoán, đôi mắt chàng tránh nhìn trực diện vào người xem, bàn tay phải giơ lên biểu thị quyền lực gần như tư thế của Chúa khi ban phép.
Nhân vật nữ chính thì danh tính không được rõ ràng lắm, có thể là bà vợ đầu Constanza Trenta của Giovanni. Khi Jan van Eyck vẽ bức này thì nàng đã… chết, nên bức tranh này có khả năng là tranh kỉ niệm Giovanni dành tặng người vợ đã khuất. Còn nếu người đàn bà trong tranh là bà vợ hai Giovanna Cenami thì lại không khớp lắm về mặt ngày tháng – tranh được vẽ từ lâu trước khi họ lấy nhau. Tạm thời ta cứ gọi nàng là người vợ.
Trang phục của vợ Giovanni rất lộng lẫy gồm hai màu chủ đạo là xanh lá (màu của hy vọng, nhưng cũng biểu tượng cho sự ghen tuông) và xanh da trời (sự trong trắng, khiêm nhường.) Lông chồn ermine dày dặn và trang sức vàng tinh tế điểm tô cho nàng đẹp long lanh. Kiểu tóc hai sừng kỳ quặc trên đầu người vợ là đặc trưng cho phụ nữ có chồng ở Bắc Âu thời đó (liệu có bao giờ thành mốt trở lại không nhỉ?) Đôi mắt nàng nhìn về phía Giovanni để bày tỏ sự quy thuận chồng, nhưng không nhìn xuống đất bởi địa vị hai người là ngang hàng với nhau. Bàn tay phải của nàng đặt lên cái bụng to… vượt mặt. Xin đừng vội nghĩ đến cụm từ “bác sĩ bảo cưới.” Jan van Eyck phóng đại cơ thể người vợ để nhấn mạnh thiên chức sinh sản, duy trì nòi giống của phụ nữ ấy mà thôi, chứ cả Constanza lẫn Giovanna đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Là người đàn ông hiếm muộn, có lẽ Giovanni đã đề nghị Jan van Eyck truyền tải hình ảnh vợ mang bầu vào tranh để biểu thị ước nguyện con cái.
Cái tài của Jan van Eyck là đã gói gọn được trong diện tích hạn hẹp về bề ngang rất nhiều ẩn ý về hôn nhân. Tranh gần như được chia làm hai nửa bằng nhau, nửa của Giovanni với ô cửa sổ hướng ra bên ngoài là thế giới đàn ông, nửa của Constanza với chiếc giường là lãnh địa người phụ nữ. Ngoài khung cửa sổ là cây anh đào sứ giả của tình yêu:
Những quả cam vương vãi trên chiếc bàn là một thứ sản vật hiếm hoi đắt tiền hồi đó – chúng vừa cho thấy sự giàu có của Giovanni, vừa là một biểu tượng phồn thực:
Hai chiếc guốc đặt ở góc trái ám chỉ tình cảm vợ chồng khăng khít không lẻ mà có đôi. Hành động bỏ guốc ở ngoài rìa căn phòng còn ngụ ý rằng: những bộn bề của đời thường cần phải được trút bỏ trước khi đặt chân vào phòng ngủ – lãnh địa thiêng liêng của đôi lứa:
Ở phía người vợ, ta có chiếc giường hôn nhân màu đỏ thật “nóng bỏng”, rèm nhung đã kéo một nửa lên thật mời gọi. Trên cột gỗ đầu giường có chạm trổ hình nữ thánh Margaret – người bảo trợ cho việc sinh sản. Một chiếc chổi lông nhỏ ám chỉ bổn phận nữ công gia chánh của người đàn bà – đồng thời cũng mang nghĩa “tẩy sạch bụi trần.” Chuỗi tràng hạt lấp lánh treo bên gương nghiêm khắc nhắc nhở rằng tất cả chỉ là phù du, vậy nên người đàn bà nhớ đừng phù phiếm phấn son mà lơ đãng tấm lòng mộ đạo.
Chú chó xinh xắn dưới chân Giovanni thuộc giống chó Griffon Bruxellois thông minh và trung thành. Từ fidelity – sự chung thủy có cùng gốc với Fido – một cái tên phổ biến dành cho những chú chó thời ấy. Trong bức tranh này, chú chó vừa ẩn dụ cho tình cảm vợ chồng trước sau như một, vừa là một biểu tượng của dục vọng (loài chó thế nào thì… ai nuôi chó cũng biết rồi đấy).
Chi tiết quan trọng nhất trong Arnolfini Portrait diễn ra ở chính giữa bức tranh. Giovanni và vợ nắm tay nhau – bàn tay người chồng ở dưới nâng đỡ vợ. Ở đây hai người gắn kết với nhau không chỉ về “phần xác” mà còn cả về “phần hồn” nữa. Theo Erwin Panofsky, hành động này không chỉ là cái nắm tay đơn thuần như… dắt nhau qua đường mà là một lời thề hôn nhân có giá trị pháp lý đàng hoàng. Chả phải các đối tác khi ký kết cũng thường… bắt tay nhau đó sao? Nếu coi hôn nhân đúng như một dạng hợp đồng (hồi xưa hôn nhân vì tình yêu khá hiếm, nhất là trong tầng lớp thượng lưu) thì hành vi nắm tay này rõ ràng không chỉ “thấu tình” mà còn “đạt lý.” Chiếu thẳng lên trên theo trục đứng ta thấy một tấm gương:
Tấm gương lồi cho thấy kỹ xảo tài tình của Jan van Eyck – có thể nói đây là phần giá trị nhất trong bức tranh. Gương trong hội họa có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau: sự hữu hạn của đời người, sự trong sạch của Đức Mẹ Mary, sự chiêm nghiệm (reflection.) Xung quanh tấm gương là mười bức tranh tí hon diễn tả những sự kiện trong cuộc đời Chúa Jesus: những hình ảnh phía người chồng là khi Chúa còn sống, những hình ảnh phía người vợ là khi Chúa đã chết và hồi sinh. Điều này càng làm khẳng định rõ hơn thuyết “tranh tưởng niệm người quá cố”.Như đã nói ở trên, chuỗi tràng hạt và cây chổi nhấn mạnh tính Thiên Chúa giáo đậm đặc của sự kiện – căn phòng dường như biến thành một nhà thờ tí hon, bức gương trở thành con mắt Chúa dõi theo và ban phước cho lễ cưới. Trong gương ta có thể thấy tất cả các chi tiết trong căn phòng được đảo ngược và bé xíu: khung cửa sổ với những quả cam, chiếc giường nhung đỏ, chùm đèn treo, đôi vợ chồng và hai người làm chứng. Một người trong đó chắc chắn chính là Jan van Eyck quấn khăn đỏ, như đã nói ở bài trước, ông rất khoái chui vào tranh mình vẽ. Ở đây Jan van Eyck không chỉ đóng vai trò “thợ nhiếp ảnh đám cưới” mà còn là một nhân chứng đàng hoàng. Chữ ký bay bướm phía trên tấm gương của ông chính là lời khẳng định kiêu hãnh: Johannes de eyck fuit hic 1434 (Jan van Eyck đã ở đây vào năm 1434.) Theo cách của riêng mình, Jan van Eyck đã hợp thức hoá sự kiện diễn ra trong tranh, nâng tầm Arnolfini Portrait từ một bức hoạ bình thường trở thành một văn bản pháp lý.
Một chi tiết cuối cùng đáng lưu ý: trong bộ đèn treo, chỉ có đúng một cây nến cháy sáng. Có người cho rằng đây là cây nến truyền thống được đốt lên trong đám cưới ở Flanders. Nhưng một giả thuyết hợp lý hơn cho rằng ngọn nến lẻ loi nằm lệch phía bên trái (phía của người chồng) nói với người xem rằng chàng vẫn sống, còn ánh lửa của nàng đã vụt tắt từ lâu. Thực hư thế nào, chắc chỉ có Jan van Eyck mới biết rõ mà thôi!
No comments:
Post a Comment