Monday, April 10, 2017

Khi nào thì Lễ Tạ Ơn và có nên “tha” gà tây không?

Ở phương Tây, mùa lễ hội cận kề cuối năm là lúc người người rộn rịp đi sắm sửa, các doanh nghiệp cũng nhân đó thi nhau tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Ngay từ tháng 10, ai  siêu thị đã có thể trông thấy đồ trang trí Noel bày cạnh đồ dọa ma… Halloween rồi, đến mức một công ty bán lẻ nhanh nhạy còn chế ra cụm từ “OctoNovemCember” – một portmanteau kết hợp lại ba tháng October, November, và December.

Nhưng ở Mỹ, phải sau ngày lễ Tạ Ơn tinh thần Noel mới lên cao: từ quán xá đến siêu thị đều rộn ràng những bài hát Giáng sinh quen thuộc, đường phố thì treo đèn kết hoa, những đồ trang trí kim tuyến lấp lánh bám bụi của năm ngoái lại được lôi ra mắc khắp nhà.

Cảnh trung tâm mua sắm ngay sau lễ  Tạ Ơn, ảnh chụp hai năm trước ở Washington, DC. Ngay sau lễ Tạ Ơn là đã có cây thông cho lễ Giáng sinh rồi!

Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư (thường là thứ Năm cuối cùng) của tháng 11. Ở Mỹ, ngoại trừ một số ngày cố định như Quốc khánh, Giáng sinh, và đầu năm mới, đa phần các ngày lễ đều được bố trí vào thứ Năm hoặc thứ Hai nào đó để tiện cho mọi người nghỉ một lèo 4 ngày. Ngày lễ Tạ Ơn lại càng là lúc gia đình tụ họp, nhiều khi anh em con cháu một nhà kéo về từ khắp nơi để cùng tận hưởng cảm giác ấm áp sum vầy. Ở trường đại học, các giáo sư thường cho thi giữa kỳ hoặc nộp bài ngay trước lễ Tạ Ơn để sinh viên được nghỉ ngơi thoải mái trước khi quay lại thi học kì. Đến ngày lễ Tạ Ơn, hầu như khuôn viên trường nào cũng vắng ngắt. Tại công sở, mọi người cũng lục tục kéo nhau về sớm từ chiều ngày thứ tư để tranh thủ nấu nướng dọn dẹp nhà cửa. Rất khó tìm được một cửa hàng nào mở vào ngày lễ Tạ Ơn.

Một số ví dụ thông báo đóng cửa ngày Tạ Ơn

Những buổi lễ “tạ ơn” sơ khai đầu tiên của dân Mỹ được tổ chức khá đơn giản, mục đích chính để cảm ơn Chúa đã ban cho một vùng đất mới dồi dào tài nguyên. Thế nhưng những ngày đầu tiên ở vùng đất Plymouth thật không dễ dàng với những người Pilgrim. Trong số 100 người Pilgrim đầu tiên đặt chân đến Mỹ, chỉ có 50 người sống sót sau mùa đông đầu tiên khắc nghiệt. Thật may những người da đỏ của bộ tộc Wampanoag đã dạy họ cách trồng ngô và sẻ chia đồ ăn dự trữ khi đói kém. Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra tại Plymouth vào năm 1621 để kỷ niệm mùa thu hoạch thành công, kéo dài trong vòng 3 ngày. Ngoài 50 người Pilgrim còn có 90 vị khách da đỏ. Sự kiện này là nguồn cảm hứng cho khá nhiều tác phẩm hội họa, tuy có nhiều chi tiết không sát với lịch sử… 

Ngày lễ Tạ Ơn này tuy có ý nghĩa lịch sử quan trọng song chưa phải ngày chính thức – phải hai năm sau cơ. Ngoài ra mặc dù cảm tạ Chúa, những người Pilgrim không muốn có dính dáng gì đến Giáo hội Anh nên ngày lễ Tạ Ơn của họ không phụ thuộc vào nhà thờ. Ngày nay lễ Tạ Ơn ở Mỹ vừa để bày tỏ lòng biết ơn những gì có được, vừa là ngày kỉ niệm những ngày đầu lập nước khó khăn.

“The First Thanksgiving 1621,” tranh sơn dầu của Jean Leon Gerome Ferris, 1899, mô tả quần áo của những người Pilgrim và người da đỏ không chính xác theo lịch sử

Kể từ đó, hàng năm ngày lễ Tạ Ơn bắt đầu được tổ chức với quy mô nhỏ lẻ ở nhiều nơi khác nhau trên đất Mỹ. Các vị tổng thống Mỹ lại vinh danh lễ Tạ Ơn theo cách của mình. George Washington tổ chức lễ Tạ Ơn để mừng đánh thắng quân Anh ở trận Saratoga. James Madison thì dùng lễ Tạ Ơn để kỉ niệm kết thúc Chiến tranh năm 1812. Nhưng phải đến năm 1863, nhờ tổng thống Lincoln, ngày lễ Tạ Ơn mới trở thành một ngày hội mang tầm vóc quốc gia. Lincoln cũng là người ấn định tổ chức lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11. Ngoài ra bắt đầu từ năm 1947, thời tổng thống Truman, mỗi năm một chú gà tây lại được dâng cho ông chủ nhà Trắng. Ronald Reagan là vị tổng thống đầu tiên “miễn chết” cho gà tây mỗi lễ Tạ Ơn; những chú gà may mắn này sẽ được gửi đi khắp nơi để sống nốt phần đời còn lại – từ Disney Land đến nhà cũ của George Washington. Chú gà tây được Obama “miễn chết” gần đây nhất mang tên Popcorn, nặng 17kg!

G.W.Bush “miễn chết” cho gà tây Pumpkin năm 2008. Pumpkin được mệnh danh là “phó gà tây” (vice pumpkin) vì chú gà tây chính được chọn không may lăn ra ốm đúng hôm trước cử hành lễ, phải thay bằng chú này.

Thực đơn ngày lễ Tạ Ơn có rất nhiều phiên bản khác nhau nhưng thường bao gồm những sản vật của mùa màng (rau, ngô, khoai) và không thể thiếu gà tây. Chính vì vậy nhiều người thích gọi ngày này là “Turkey Day.” Nhân đây xin nói sơ lược về món ăn này.

Thứ nhất, bữa ăn Tạ Ơn đầu tiên của những người Pilgrim có lẽ không hề có gà tây. Trong cuốn American Food của Evan Johns, họ xơi thịt nai, ngỗng, vịt trời, trai, thậm chí lươn, song không có gà tây. Gà tây đã được nuôi ở châu Âu cả thế kỉ trước khi người Pilgrim đặt chân đến vùng đất mới, và chắc chắn gà tây họ từng ăn ở Anh ngon hơn gà tây hoang ở Mỹ nhiều! Tuy nhiên vì dân số gà tây quá đông đúc nên người Pilgrim không tội gì mà không… ăn chúng thường xuyên. Gà tây có công lớn trong việc bảo đảm dinh dưỡng cho những người dân định cư thế kỉ 17.


Hí họa về người Pilgrim đi săn gà tây

Thứ hai, con gà tây (turkey) chẳng có liên quan gì đến nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) cả. Lỗi này là… lỗi của tập thể. Khi dân Tây Ban Nha mang gà tây hoang từ Mexico về châu Âu, dân châu Âu nhầm nó là con gà Phi (guinea fowl,) đây là lỗi đầu tiên. Lỗi thứ hai là dân Anh lại tưởng con gà Phi này đến từ… Ấn Độ. Cuối cùng, dân châu Âu lại nhập nhèm Ấn Độ với Thổ Nhĩ Kỳ nên mới gọi con gà Phi là turkey. Lòng vòng thế nên cuối cùng chú gà tây Nam Mỹ lại mang tên một đất nước Âu-Á xa lắc.

Mặt mũi chú gà Phi

Thứ ba, gà tây quay nghe thì hấp dẫn đấy, nhưng trên thực tế rất khó làm cho ngon. Tôi rất sợ phải ăn món gà tây vì thịt thường khô, dai nhách, vô vị. Phần ngon nhất của nó là bộ da vừa giòn vừa đậm đà thì lại thường bị bỏ đi vì dân Mỹ sợ béo. Ông Jeffrey Steingarten, một cây bút ẩm thực nổi tiếng của tạp chí Vogue, cũng từng bảo rằng con gà tây nên được lai tạo thành hình cái pizza để tăng tối đa diện tích da và giảm tối đa thể tích thịt!

Quay gà tây sao cho ngon là một bài toán khó. Một thực đơn huyền thoại được Morton Thompson sáng tạo khoảng những năm 1930 đã giải được bài toán này. Theo thực đơn đó, riêng phần nhân nhồi (stuffing) của chú gà tây đã gồm 29 nguyên liệu thơm ngon, gồm từ cam, táo, dứa, hạt dẻ nước, vỏ bánh mì, thịt nai, thịt lợn, cộng thêm rau tươi, gia vị, rau khô. Sau khi được nhồi, chú gà tây sẽ được thoa dầu và phủ kín một lớp vỏ (gồm trứng, mù tạt, hành, tỏi, muối, bột mì) và quay cho đến khi bên ngoài đen sì. Khi ăn ta bóc lớp vỏ này đi để món gà tây hiện ra vàng óng, giòn rụm, thịt mềm, ngọt, thơm.

Gà tây đen sì sau khi quay

Gà tây vàng óng sau khi lột vỏ

Một món gà tây nữa mà tôi chỉ thích đọc chứ không có gan làm thử là món Turducken – một con gà (chicken) nhồi vào một con vịt (duck) rồi lại nhồi vào một con gà tây (turkey) quay lên, ở giữa mỗi lớp lại nhồi các loại nhân khác nhau. Đối với những người thích ăn mà lại lười làm, ở Mỹ có nhiều công ty bán món Turducken nhồi sẵn, về nhà chỉ việc quay và cắt ra xơi.

Turducken cắt ra để lộ các lớp thịt bên trong

Sau Thanksgiving no say là đến ngày Black Friday, mọi người đổ xô nhau đi săn hàng giảm giá đến mức chen chúc giẫm đạp lên nhau. Nhiều người còn mang chăn gối, lều bạt ra… cắm trại trước các trung tâm mua sắm chờ mở cửa. Hết đợt lễ Tạ Ơn, mọi người lại quay về cuộc sống hối hả nhưng háo hức vì Giáng sinh chỉ không đầy một tháng nữa…

*

No comments:

Post a Comment