Monday, April 10, 2017

Quốc kỳ Mỹ: cờ “kwa kee kwoh” qua 26 lần thay đổi


Quốc kì Mỹ chính thức ngày nay

Đất nước Mỹ có tuổi đời khá non trẻ, song về khoản cờ quạt thì lá quốc kì Mỹ thuộc hàng “lão làng”, có tuổi thọ lâu đời chỉ kém cờ của bốn nước: Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, và Anh.

Khi lá cờ Mỹ lần đầu đến Quảng Châu, Trung Quốc năm 1785 trên một chiếc tàu chở nhân sâm, dân Tàu trầm trồ bu lấy khen “cờ đẹp thế” và gọi nó là kwa kee – lá cờ hoa. Kể từ đó người Trung Quốc gọi nước Mỹ là kwa kee kwoh, hay “Hoa Kỳ quốc” theo tiếng Hán Việt, gọi tắt là Hoa Kỳ.


Quốc kỳ Mỹ hay còn gọi thân mật Sao và Sọc (Stars and Stripes) được người dân Mỹ rất yêu quý, tuy nhiên vì thiếu hiểu biết (cộng gout thời trang hơi tồi) mà nhiều người dân vẫn vô tư mặc những bộ đồ kiểu này, nhất là quanh dịp Quốc Khánh:

Một điển hình của tinh thần yêu nước đặt nhầm chỗ. Theo Flag Code, quốc kỳ Mỹ không bao giờ được sử dụng trên áo quần, ngoại trừ đồng phục quân đội, lính cứu hỏa, cảnh sát, và các lực lượng ái quốc. Song người đẹp có phạm lỗi báng bổ thì vẫn thường dễ được… tha thứ.

Kể từ khi được công nhận chính thức vào năm 1777, quốc kì Mỹ đã trải qua tổng cộng 26 lần thay đổi. Trước đó, lá cờ đầu tiên của nước Mỹ chỉ hơi na ná lá cờ quen thuộc ngày nay. Cờ khi ấy gồm mười ba vạch biểu tượng cho mười ba bang thuộc địa, ở góc trái có kèm lá cờ hàng hải Union Jack của vương quốc Anh, tổng thể gần như giống y hệt lá cờ của… công ty Đông Ấn trong bài trước.


Grand Union Flag, lá cờ biểu tượng cho sự hợp nhất của mười ba thuộc địa chống lại quân Anh, được sử dụng từ năm 1775 đến năm 1777

Cờ Grand Union được “về hưu” vào năm 1777 khi Nghị quyết về quốc kỳ được ban hành (The Flag Resolution of 1777.) Theo đó, ba màu sắc đỏ, trắng, xanh trở thành màu chính thức – màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm và nhiệt huyết, màu trắng tượng trưng cho tinh thần trong sạch, còn màu xanh là hiện thân của lòng trung thành, công lý, và ý chí quyết tâm. Mười ba vạch biểu trưng cho mười ba bang sơ khai, còn mười ba vì sao trắng tụ họp trên nền xanh giống như chính phủ liên bang mới.

Một trong những thiết kế quốc kỳ của Francis Hopkinson, ông này có kí tên vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Bởi Nghị quyết chỉ quy định màu sắc, số sao, số vạch, nên sắp xếp ra sao là tùy ý! Số lượng sao còn ít nên mỗi ngôi sao được tận sáu cánh.

Một thiết kế khác với mười ba ngôi sao chạy vòng quanh như đèn cù. Lá cờ này ngày nay được Bộ Thương binh dùng để tượng niệm các anh hùng của Cách Mạng Mỹ. Con cháu của một bà già tên là Betsy Ross tuyên bố chính bà cụ đã tự tay thêu lá cờ theo yêu cầu của George Washington, nhưng các nhà sử học phán rằng “vô căn cứ.”

Đến năm 1795, quốc kỳ được thêm vào hai vạch, hai sao để phản ánh sự gia nhập của hai bang mới: Vermont và Kentucky. Đây cũng chính là cảm hứng để luật sư Francis Scott Key viết quốc ca Mỹ. Bài hát “The Star-Spangled Banner”, tạm dịch Lá cờ ánh sao chói lọi, tương truyền được sáng tác khi Francis xúc động bồi hồi chứng kiến cảnh lá cờ vẫn phấp phới tung bay ngay cả khi quân Mỹ bị quân Anh vùi dập tơi tả tại trận Baltimore.

Cây cầu đặt theo tên Francis Scott Key tại Baltimore, còn gọi tắt là cầu Key (Key Bridge)

Năm 1818, Quốc hội Mỹ ra quyết định giữ nguyên mười ba vạch để vinh danh các thuộc địa sơ khai, và thêm một ngôi sao mỗi khi có một bang mới sáp nhập. Lần gần đây nhất có thay đổi là khi Hawaii trở thành bang thứ năm mươi. Lá cờ mười ba vạch, năm mươi sao hiện giờ đã tròn 54 năm và là phiên bản có tuổi thọ lâu nhất từ trước đến nay.


Tranh vẽ một số lá quốc kỳ tiêu biểu

Một số chú ý liên quan tới quốc kỳ trong phạm vi lãnh thổ Mỹ, dựa trên United States Flag Code:
– Không được thêu, in, vẽ cờ trên các vật dụng như gối, khăn, hộp, hoặc những thứ vứt đi sau khi sử dụng.
– Không được để cờ chạm đất.
– Không được giẫm đạp lên cờ. Nếu cờ quá cũ và nhàu nát, phải hủy cờ một cách trang trọng (đốt là tốt nhất.)
– Không được “mặc” cờ.

Vân vân và vân vân...

Những giới hạn trên thường chỉ có giá trị… tham khảo, bởi người dân ít ai nắm rõ toàn bộ mấy chục gạch đầu dòng của Flag Code. Theo Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận, chính phủ cũng không thể trừng phạt người dân nếu không làm đúng theo những điều trên. Tất nhiên, sự tôn trọng quốc kỳ và đầu óc phán đoán tối thiểu cũng khá đủ để người dân có những quyết định sáng suốt.

Một số hình ảnh khác của lá quốc kỳ Mỹ:

Lá cờ Mỹ đầu tiên trên mặt trăng, dựng bởi Neil Armstrong và Buzz Aldrin, năm 1969. Hiện tại trên mặt trăng vẫn còn ít nhất bốn lá cờ… không tung bay (vì mặt trăng không bao giờ có gió). Do bầu khí quyển trên mặt trăng gần như bằng zero nên những lá cờ này cần có thanh xuyên qua giữ cho không bị rũ xuống oặt ẹo.

Đám tang tưởng niệm các cựu chiến binh vô gia cư

Lá cờ Mỹ được những người lính cứu hỏa dựng trên đống đổ nát của tòa tháp đôi ngày 11/9 lịch sử. Tuy nhiên lá cờ này hiện giờ đang bị… mất tích, bất chấp sự truy tìm của mọi người.

Để kết thúc bài viết bằng một nốt nhạc ngọt ngào: một trong những món tráng miệng ngày Quốc khánh Mỹ lấy cảm hứng từ quốc kỳ

*

No comments:

Post a Comment