Monday, April 10, 2017

Xem tranh: "Gia đình Tổng thống Washington" của Edward Savage


Edward Savage, "The Washington Family”, 1796. George Washington (1732-1799) đảm nhiệm chức vụ tổng thống từ năm 1789 đến 1797.

Được mệnh danh là vị cha già dân tộc (“The Father of Our Country”,), Washington là tổng tư lệnh của cuộc Cách mạng Mỹ. Không học qua đại học thậm chí trung học phổ thông, ông vẫn lãnh đạo 13 thuộc địa giành độc lập từ tay đế quốc Anh. Bản thân Washington khá ngại ngùng về sự thiếu hụt giáo dục này. Các tổng thống sau ông – John Adams, James Madison, và Alexander Hamilton lần lượt học ở Harvard, Princeton, Columbia. Tuy không được học hành bài bản nhưng ông là một trong những vị Tổng thống được người dân yêu quý nhất.

Ông cũng là người quyết định chọn thành phố Washington, DC làm thủ đô, và là vị tổng thống duy nhất có một bang (bang Washington) đặt theo tên mình. Không tham quyền cố vị, ông từ chức sau hai nhiệm kỳ, xác lập một tiền lệ kéo dài cho đến khi Franklin D. Roosevelt được đề cử lần thứ ba. Là tổng thống đầu tiên, Washington còn có mặt trên đồng một dollar và đồng 25 xu, và là một trong bốn gương mặt được khắc trên núi Rushmore.





Vào năm 1789, một họa sĩ 28 tuổi được hiệu trưởng trường đại học Harvard, Joseph Willard phái tới gặp Washington cùng một bức thư. Trong bức thư này, kí ngày 7 tháng 11 năm 1769, Willard bày tỏ lòng yêu quý, ngưỡng mộ của trường đại học Harvard đối với Washington, và đề nghị vị tổng thống cho phép chàng trai trẻ Edward Savage vẽ một bức chân dung để Harvard lưu giữ.

Bức thư hồi âm nhã nhặn của George Washington hai tháng sau (trong đó ông gọi Harvard là Viện Đại học Cambridge) là khởi đầu cho hai năm tổng thống và gia đình kiên trì làm mẫu cho họa sĩ Edward Savage. Nhật kí của Washington có những ghi chép tỉ mỉ về những giờ ngồi mẫu này.

Một bức chân dung khác của George Washington, cũng do Edward thực hiện.

Họa sĩ Edward Savage sinh ra và mất đi ở Princeton, quận Worcester, bang Massachusetts, song sinh thời ông chu du khắp nơi, bao gồm cả London. Bức tranh chân dung gia đình Washington là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được hàng loạt các nhà xuất bản in ấn dưới đủ các dạng khác nhau. Không chỉ có giá trị lịch sử, nó còn có tác dụng như một bức tư liệu bởi thời đó chưa có nhiếp ảnh. (Tổng thống thứ sáu John Quincy Adams là vị tổng thống đầu tiên được chụp ảnh.) Ngoài vị tổng thống đĩnh đạc trong bộ quân phục Lục quân Lục địa, các nhân vật trong tranh còn có:



Martha Washington – đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ (mặc dù danh hiệu đó chưa tồn tại lúc bà còn sống.) Martha còn có vinh dự là người phụ nữ duy nhất không phải… nữ thần Tự Do, nữ thần Công Lý, v.v,… được xuất hiện trên tờ tiền giấy của Hoa Kỳ.
Chi tiết tranh

Điều khá đặc biệt về cuộc hôn nhân này: George Washington không phải là người chồng đầu tiên của bà. Trước khi kết hôn với Washington, Martha đã có một đời chồng, hai đứa con, và một gia sản khổng lồ. Cuộc hôn nhân với Martha đem đến cho George Washington một gia tài lớn gồm nhiều đồn điền và nô lệ.

Một bức tranh của Martha Washington do Edward Savage thực hiện. Những người ghét bà dèm pha rằng bà luôn mím môi vì răng bà rất… xấu. Trên thực tế, người luôn có vấn đề răng miệng là chồng bà. Khi ông trở thành tổng thống Mỹ, chỉ còn duy nhất một chiếc răng trong miệng ông là… răng thật.

Tuy kề vai sát cánh cùng Washington suốt nửa cuối của cuộc Cách Mạng, Martha không hào hứng lắm với việc chồng bà trở thành người đàn ông quyền lực nhất đất nước, và không đến dự lễ nhậm chức của ông. Dường như sự nghiệp của vị tổng thống đầu tiên không được lòng những người phụ nữ trong gia đình ông cho lắm: mẹ ruột ông cũng đã phản đối việc con trai cầm đầu quân “nổi loạn” chống lại đế quốc Anh.

George Washington Parke Custis và Eleanor Parke Custis – Hai người trẻ tuổi trong bức tranh, là cháu ngoại của Martha, kết quả từ cuộc hôn nhân trước.

George Washington Parke Custis bên Tổng thống

Eleanor Parke Custis bên Martha

Khi hai đứa trẻ trở nên mồ côi, Martha và George Washington chính thức nhận họ làm con nuôi. Vợ chồng Washington chưa bao giờ có con; có nhiều lời đồn đại rằng những thương tật-bệnh tật mà ông trải qua trong chiến tranh đã khiến George vô sinh. Nhiều người cho rằng đây là một điều tốt cho sự nghiệp của Washington: người dân không phải lo lắng về việc tổng thống thiết lập một chế độ gia đình trị. Thậm chí việc không có con đẻ còn khiến Washington phù hợp hơn với danh hiệu “cha già dân tộc.” Trong di chúc của mình, Martha Washington có để lại một bản in bức chân dung gia đình này cho Eleanor Parke Curtis.

Cậu bé trong tranh sau này sẽ trở thành bố vợ của tướng Lee, Đại tướng thống lãnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.

William “Bill” Lee – người đàn ông da đen đứng sau lưng Martha, chính là người hầu cận trung thành của Washington.
Chi tiết tranh

Mối quan hệ giữa Washington và các nô lệ của mình khá phức tạp. Không chỉ sở hữu riêng nhiều nô lệ, Washington còn trở thành chủ các nô lệ của vợ sau khi kết hôn. Vào năm 1790 Philadelphia trở thành thủ đô tạm thời của Mỹ, nhưng theo luật, bất cứ nô lệ nào ở bang Pennsylvania quá sáu tháng cũng tự động được tự do. Để “lách luật,” Washington chỉ mang vài nô lệ theo mình và thay đổi liên tục. Tuy nhiên trong số những nhà lập nước, ông là người duy nhất trả tự do cho các nô lệ của mình trên diện rộng, mặc dù không phải lúc còn sống. (John Adams, Samuel Adams, Alexander Hamilton, v.v, không sở hữu nô lệ, còn Benjamin Franklin chỉ có vài nô lệ mà ông đã trả tự do lúc cuối đời.) William Lee là nô lệ duy nhất được Washington chỉ rõ họ tên trong di chúc, số còn lại gồm 123 người ông cho phép được tự do sau khi Martha qua đời. Tuy nhiên, chính do quá sợ hãi bị nô lệ… ám sát hòng thúc đẩy quá trình đó, Martha đã thả họ chỉ một năm sau ngày di chúc có hiệu lực.

John Trumbull, “George Washington và William ‘Billy’ Lee” (chi tiết), 1780

Cũng có người cho rằng nhân vật trong tranh là Christopher Sheels, một nô lệ tìm cách bỏ trốn ba tháng trước khi Washington qua đời.


Tuy gia đình Washington làm mẫu cho Savage ở thành phố New York, trong bức chân dung này, họ được khắc họa trên nền dòng sông Potomac, DC. Trên mặt bàn là tấm bản đồ thành phố Washington, còn đại lộ mà cây quạt của Martha trỏ vào chính là nơi đặt Nhà Trắng. Quả thực mà nói, Edward Savage còn khá… non tay trong tác phẩm này. Cử chỉ các nhân vật gượng gạo, vẻ mặt cứng đờ, và tỉ lệ giải phẫu học không chuẩn xác. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đã khiến bức chân dung gia đình Washington trở thành một trong những hình ảnh được yêu mến và đáng nhớ nhất của nghệ thuật Mỹ thời non trẻ.

*

No comments:

Post a Comment