Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: Đại Ngọc và Bảo Thoa - viên ngọc đen với chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

“Rốt lại thì Đại Ngọc-Bảo Thoa ai hơn ai kém?” là một trong mười công án lớn của Hồng Lâu Mộng. Thật khó có thể trả lời thoả đáng đến tận cùng, bởi Tào Tuyết Cần đã cố tình cho hai nhân vật này làm đối trọng trong tam giác tình yêu, ắt không cho phép có sự chênh lệch quá xa. So bề tài sắc thì chẳng có ai trội hơn ai, người là chiếc thoa vàng, người là viên ngọc đen (chữ “đại” trong tên Đại Ngọc là chỉ màu huyền của loại đá dùng vẽ lông mày, không phải là to lớn). Càng đi vào tiểu tiết lại càng khó phân định rạch ròi, đơn giản là người thích cô Lâm, người yêu cô Bảo, cũng như anh thích làm toán, tôi thích viết văn, không có ai đúng ai sai. Vậy so sánh Đại Ngọc và Bảo Thoa phải chăng là một việc làm vô ích?


Đại Ngọc

Hoàn toàn không phải như vậy. Giữa cõi mịt mù hỗn độn lại có thể nhận ra một số đặc điểm và bản chất, ấy chính là Hồng Lâu Mộng. Trên thực tế, không thể nói đến Đại Ngọc mà không kể đến Bảo Thoa, và ngược lại. Người Trung Quốc quan niệm thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa, câu đối lại là tinh hoa của thơ văn. Câu đối gồm hai vế sóng đôi để tôn vinh cái hay của nhau, cả hai cùng tề chỉnh, không cái nào xuất sắc hơn cái nào mới là câu đối hay. Quan hệ giữa Đại Ngọc và Bảo Thoa đại khái cũng gần giống như hai vế của câu đối vậy.

Bảo Thoa

Số phận của Đại Ngọc và Bảo Thoa có gắn kết chặt chẽ với Bảo Ngọc, một bên là “mộc thạch tiền minh,” một bên là “kim ngọc lương duyên”. Bảo Ngọc có lúc ngả sang người này, có lúc lại rung động với người kia, kết cục làm cho một người chết uống, một người sống uổng. Nhìn qua thì có vẻ là một câu chuyện tình tay ba điển hình, nhưng nếu đi sâu hơn thì mối quan hệ này có ý nghĩa tượng trưng rất mạnh mẽ. Tên của Bảo Ngọc chính là ghép giữa chữ “Bảo” trong Bảo Thoa và chữ “Ngọc” trong Đại Ngọc – từ bản thể sâu kín nhất, Bảo Ngọc đã không thể tồn tại mà thiếu một trong hai nàng. Đứng giữa hai tiểu mỹ nhân yêu kiều, các chàng thường trộm nghĩ “thân này ví xẻ làm đôi…”, còn Bảo Ngọc thì lại mơ hai nàng hợp thành một. Trong giấc mộng ở Thái Hư ảo cảnh, Bảo Ngọc đã gặp ai?

Tiên cô truyền bảo dọn bàn tiệc đi, đưa Bảo Ngọc vào một buồng thêu thơm tho. Trong đó trang hoàng nhiều đồ xưa nay chưa từng thấy. Đáng sợ nhất là có một nàng tiên ngồi đấy, tươi đẹp nhu mì, giống hệt Bảo Thoa, dịu dàng phong lưu lại như Đại Ngọc.

Bộ ba nhân vật Bảo Ngọc-Đại Ngọc-Bảo Thoa

Đây là giấc mộng đánh dấu bước đầu sự trưởng thành về tình, tính, và dục của Bảo Ngọc, hay như Tào Tuyết Cần gọi là “phong lưu gây lấy nợ vào thân”. Từ giây phút ân tình với nàng tiên đó, Bảo Ngọc không còn là một đứa trẻ chưa biết mùi đời. Về mặt sinh lý là vậy, còn trong tiềm thức, rõ ràng Bảo Ngọc đã hình thành một “ideal type” (mẫu hình lý tưởng). Người phụ nữ hoàn hảo của cậu Bảo (cũng của Tào tiên sinh) không phải ai cụ thể, mà là một nàng Pandora “lắp ghép” từ Bảo Thoa và Đại Ngọc. Sự kết hợp giữa Bảo Thoa và Đại Ngọc là sự vẹn toàn thập toàn thập mỹ, là một thứ “fantasy”… bất khả thi, vì thế mà nàng tiên chỉ xuất hiện trong giấc mơ chứ không thể tồn tại ngoài đời thực. Tuy nhiên, qua chi tiết giấc mơ có thể thấy triết lý của Tào Tuyết Cần về hai nửa cấu thành nữ tính Trung Hoa. Nữ tính huyền bí đó là một mẫu mực lý tưởng xuất hiện trong giấc mơ của Bảo Ngọc – một giấc mộng nhỏ lồng trong giấc mộng lầu hồng, rồi thiên hạ chẳng qua cũng chỉ là một trường đại mộng. Vậy phải chăng Đại Ngọc và Bảo Thoa đơn giản là hai mảnh của trí tưởng tượng mà thôi?

Nếu chỉ có vậy thì cuộc tranh luận về Bảo Thoa-Đại Ngọc có thể đi đến hồi kết ở đây rồi. Nhưng trong số mười công án của Hồng học, còn có một câu hỏi lớn:

Hồng lâu mộng có chứa đựng tư tưởng phản Mãn Thanh hay không?

Thời Trung Hoa dân quốc, các nhà Hồng học bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc phân tích yếu tố chính trị của Hồng Lâu Mộng, kể từ đó nảy sinh ra nhiều học thuyết mới, trong đó có một thuyết cho rằng hai người đẹp của Hồng Lâu Mộng là đại biểu của hai thời Minh, Thanh.

Tào Tuyết Cần viết Hồng Lâu Mộng vào thời điểm vận nhà và vận nước đều đang suy. Thời Ung Chính, Càn Long, người Mãn Châu đã chiếm được giang sơn gấm vóc của nhà Hán được một thời gian khá dài. Đất nước thái bình thịnh trị, tuy nhiên không ít người vẫn còn nuối tiếc tiền triều. Những tổ chức nửa tôn giáo nửa chính trị kiểu Thiên Địa hội mang tư tưởng phản Thanh phục Minh có không ít người tham gia. Khởi nghĩa lật đổ triều chính trong nội bộ Hán tộc có đầy rẫy trong lịch sử, nhưng người Hán đặc biệt căm hận việc đất nước bị di địch xâm lược. Người Mãn Châu, cũng như người Hung Nô, Khiết Đan,… đều bị coi là man di. Nhà Nguyên (Mông Cổ) đã một lần công diệt Nam Tống, chiếm lấy Trung Hoa, rồi lại bị Chu Nguyên Chương cướp về, lên làm Minh Thái tổ. Triều Minh là triều đại cuối cùng do người Hán cai trị. Về sau Ngô Tam Quế mở cửa cho người Mãn Châu vào lãnh thổ Trung Hoa, cướp lấy chính quyền, lập ra nhà Thanh. Nỗi nhục bị những kẻ “mọi rợ” chiếm lấy đất nước đã ám ảnh không ít thế hệ văn sĩ người Hán. Hồng Lâu Mộng ra đời không sớm không muộn, đúng lúc kinh tế thịnh vượng nhưng tư tưởng phục quốc vẫn còn dai dẳng. Bởi vậy có nhiều người cho rằng Tào Tuyết Cần đã kín đáo gửi gắm vào hai nhân vật Đại Ngọc-Bảo Thoa xu hướng chính trị của ông, và Hồng Lâu Mộng chưa bao giờ là một tiểu thuyết tình ái đơn thuần.

Đại Ngọc-Bảo Ngọc chơi đùa khi còn nhỏ

Xét về gia thế, Đại Ngọc mồ côi cả cha lẫn mẹ, có thể nói là gần như “vô sản”. Bảo Thoa thì có cả anh và mẹ, gia thế giàu có bậc nhất, là một trong bốn nhà giàu ở Kim Lăng, “ngọc châu như đất, vàng thời sắt thoi”. Tình cảnh bơ vơ của Đại Ngọc liệu có khác gì nhà Hán mất cả giang sơn, chẳng còn mảnh đất cắm dùi? Đương nhiên người Mãn Châu thứ nhất là số lượng không đông đảo, thứ hai là muốn thu phục nhân tâm, nên vẫn để quan lại người Hán giữ chức trong triều, nhưng những lời xì xào thiên vị người Mãn, chèn ép người Hán quả thật không ít. Tâm lý giận dỗi, so bì của Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng thật chẳng khác gì thái độ uất ức của những sĩ phu vong quốc thời bấy giờ.

Đại Ngọc ghé vào tay Bảo Ngọc xem và hỏi:
– Chỉ đưa cho mình tôi thôi, hay các cô khác cũng có cả.
Bà Chu nói:
– Các cô đều có, hai cành hoa này là của cô đấy!
Đại Ngọc cười nhạt:
– Tôi biết rồi, thừa người mới đến phần tôi.

Xét về hình dáng, Đại Ngọc mong manh sương gió, là nàng Tây Thi đa bệnh, “người yếu như không mang nổi áo, nhưng lại có một vẻ yêu kiều yểu điệu riêng.” Bảo Thoa thì ngược lại, “mặt tròn mâm bạc”, cơ thể phốp pháp giống như Dương Quý phi, mang vẻ đẹp vượng phu ích tử. Người Mãn Châu vốn xuất thân từ du mục, sống trên lưng ngựa, tự nhiên là hay giễu nhại những văn sĩ người Hán “trói gà không chặt”. Nhìn rộng hơn, thể lực kiệt quệ, thường xuyên đau ốm của Đại Ngọc ngụ ý cho vận khí yếu ớt của nhà Minh, trái ngược với nhà Thanh đang đà sung sức. Về cuối truyện Đại Ngọc qua đời là cái kết có thể dự đoán trước, bởi nó ứng hợp với sự rệu rã của nhà Minh. Cái chết của Đại Ngọc cho thấy cái nhìn bi quan của người viết. Thực ra triều đại nào cũng có giai đoạn cường thịnh rồi chuyển sang suy vi. Nhà Thanh đến cuối thế kỷ 19 cũng chỉ còn là một cái bóng của thời Khang Hy, Càn Long.

Bảo Ngọc đến thăm Đại Ngọc khi nàng đang đọc sách tình ái

Xét về nguyện vọng, hành vi trốn mình trong những áng văn mơ mộng kiểu Tây Sương ký, hoặc khóc thương hoa chết trong Táng Hoa từ của Đại Ngọc chính là ẩn dụ cho căn bệnh thoát ly thực tại (escapism) của nhiều người Hán dưới thời cai trị của nhà Thanh. Thương thân trách phận (mồ côi), tiếc nuối quá khứ (được cha mẹ bảo bọc), sợ hãi tương lai (bị bỏ rơi), Đại Ngọc có tâm bệnh rất nặng. Bảo Thoa thì mang nặng tư tưởng phong kiến, luôn khuyên Bảo Ngọc ra làm quan, rõ ràng là có ý đồ chính trị, nếu không thì cũng rất thực tế, nếu chưa nói là xu thời. Bảo Thoa suy nghĩ mạch lạc, thực dụng, có việc đến thì bình tĩnh giải quyết, không mở miệng oán thán. Đại Ngọc coi chốn quan trường là nơi bẩn thỉu, Bảo Thoa cho rằng những áng văn mơ mộng là độc hại. Sự trái ngược này đã phản ảnh thế giới quan khác nhau giữa (một số không nhỏ) người Hán và người Mãn Châu dưới thời nhà Thanh.

Bảo Thoa bắt bướm ở đình Trích Thuý, được ví với Dương Quý phi

Xét về tính cách, Đại Ngọc có tư thế ngạo nghễ khinh đời, còn Bảo Thoa thì mềm mại và khéo léo. Điều này tưởng chừng ngược đời nhưng thực ra lại rất hợp lý. Trong truyện đã nói rõ:

Bảo Thoa lại cư xử khoát đạt, tùy phận theo thời; không giống như Đại Ngọc có tính kiêu kỳ tự phụ, chẳng chịu kém ai, cho nên rất được lòng người dưới. 

Nếu sự khiêm nhường của Bảo Thoa xuất phát từ tâm lý tự tin của kẻ thắng thì sự tự phụ của Đại Ngọc lại mang nặng màu sắc tự ti, tư thế thua cuộc. Tào Tuyết Cần có thể nói là bậc thầy tâm lý, ông không lạ gì trước những thái độ tiêu cực, oán trách thời cuộc của người Hán, dựa vào đó miêu tả sự dằn vặt, oán trách của Đại Ngọc rất tinh diệu. Trong suốt cả câu chuyện, Đại Ngọc không ngừng ghen tuông, lo sợ Bảo Ngọc yêu Bảo Thoa, chẳng khác nào người Hán cố gắng níu kéo những hồi ức và hào quang của tiền triều. Kết cục thì Đại Ngọc vẫn đánh mất Bảo Ngọc, và dòng chảy của thời cuộc cũng mau chóng chôn vùi nhà Minh dưới cát bụi thời gian, bởi những nỗ lực manh mún giành lại thiên hạ từ tay người Mãn Thanh đều không thành công.

Đại Ngọc ốm đau

Xét về kết cuộc, Bảo Thoa và Đại Ngọc đều không thành công trong tình cảm với Bảo Ngọc. Một người có được trái tim cậu ta, nhưng rốt cục chỉ còn một khối tình hận. Người còn lại có được Bảo Ngọc bằng xương thịt, nhưng chỉ là cái vỏ rỗng tuếch. Nếu coi Bảo Ngọc là hình ảnh đại diện cho trí thức người Hán thì hành trình yêu đương của Bảo Ngọc chính là đi tìm cái tôi chung. Bảo Ngọc xuất hiện đã sống chết yêu Đại Ngọc như quen từ kiếp trước, có điểm giống với tình cảm dân tộc không dễ gì cắt đứt. Rốt cuộc tình yêu đó bị chứng tỏ là không thực tế, thậm chí là có hại và bị ngăn cản, Bảo Ngọc tiếc nuối dằn vặt nhưng vẫn phải thuận theo thời cuộc, kết hôn cùng Bảo Thoa. Về sau Bảo Ngọc hoàn thành nhiệm vụ với gia đình, lấy vợ sinh con đi thi đỗ, nhưng tâm hồn cậu ta đã vĩnh viễn rời khỏi thế giới trần tục, chẳng khác nào những sĩ phu người Hán ra làm quan cho nhà Thanh nhưng trong lòng trống rỗng và đau khổ. Bảo Ngọc còn có thể về cõi Đại Hoang, còn người sĩ phu thì biết về đâu?

Đại Ngọc qua đời, được mọi người rửa ráy để khâm liệm trong khi Bảo Ngọc kết hôn vợ chồng cùng Bảo Thoa

Tào Tuyết Cần vốn dòng dõi người Hán ở Liêu Dương, về sau tổ tiên ông đầu hàng nhà Thanh, nhập tịch Mãn Châu. Nhà họ Tào có uy danh cực lớn, tiền của nhiều như nước, được nhà Thanh sủng ái. Trong gia tộc có ít nhất hai người làm phi tần trong cung, giống với Nguyên Xuân trong truyện. Về sau, khi Ung Chính lên ngôi, những chuyện ăn của đút, bòn rút bị lôi ra ánh sáng, nhà họ Tào liền bị thất sủng, có thể nói là y hệt như tình cảnh nhà họ Giả. Tào Tuyết Cần sinh ra lúc vận nhà khó khăn, thân mang tài nghệ nhưng không thể thỏa chí bình sinh, quả thực đã mang một nỗi uất ức lớn. Tình cảm phức tạp của ông với nhà Minh và nhà Thanh ra sao, ta chỉ có thể phỏng đoán dựa vào những chi tiết ít ỏi, và tác phẩm duy nhất còn lại của ông – Hồng Lâu Mộng.

Bảo Ngọc chăn gối cùng vợ – Bảo Thoa

Tào Tuyết Cần liệu có thực sự ủng hộ phản Thanh phục Minh thì không thể biết chắc, nhưng dựa vào một chi tiết nhỏ như mắt muỗi, có thể suy ra cách ông xếp hạng Đại Ngọc và Bảo Thoa. Chi tiết đó nằm ở hồi Giả Chính vào thăm vườn Đại Quan:

Mọi người níu dây vịn cây đi lên, thấy mặt nước hoa rụng man mác, dòng suối trong vắt rập rờn quanh co; hai hàng liễu rủ bên bờ, những cây đào, cây mận, mọc chen nhau che rợp cả bóng mặt trời. Khắp nơi, không có một chút đất bụi. Trong rặng liễu nhô ra một nhịp cầu, lan can sơn đỏ.
Qua cầu, đường thông các ngả; xa xa, có một tòa nhà ngói mát mẻ và một dãy tường hoa. Ở đây mạch núi chính đều xuyên qua tường chia đi các ngả.
Giả Chính nói:
– Tòa nhà này ở đây chẳng có nghĩa lý gì! (*)

Nơi này về sau chính là Hành Vu uyển, nơi ở của Bảo Thoa.

Bước vào cửa là một dãy hành lang quanh co. Nước đượm mùi thơm.Dưới thềm có con đường đá. Mặt trước ba gian nhà nhỏ, sạch sẽ, cửa khép, cửa mở. Trong nhà kê bàn ghế giường chiếu ngay ngắn gọn gàng. Từ phía trong có cửa con đi ra sân sau. Có mấy cây lê cao lớn, mấy cụm chuối um tùm. Lùi về phía sau, lại có vài gian nhà nhỏ. Chân tường có một dòng suối rộng chừng một thước quanh co theo thềm đến dãy nhà đằng trước, rồi từ trong những khóm trúc róc rách chảy ra..
Giả Chính cười nói:
– Chỗ này thú đấy. Đêm trăng mà ngồi dưới cửa sổ đọc sách, cũng không uổng một đời.

Nơi này về sau chính là Tiêu Tương quán, chỗ ở của Đại Ngọc.

Về điểm này, ông Dư Anh Thời đã nhận xét “đây có thể nói tác giả mượn mồm Giả Chính để biểu hiện thái độ của mình.” Nói rõ hơn về vấn đề phân loại người và cảnh trong Đại Quan Viên, ông Du Bình Bá cho rằng lời bình ở đây đã nói rõ ý đồ của chính tác giả tiểu thuyết: “Đây là phép chưa khen (bên kia) hẵng chê (bên này) trước đã. Bảo Thoa với Đại Ngọc chưa so đã thấy hơn kém. Khắc họa cảnh và người trong tiểu thuyết như vậy không phải là dễ”. Rốt cuộc thì tình cảm của Tào Tuyết Cần trước sau vẫn nghiêng về Đại Ngọc, chẳng khác nào Bảo Ngọc khi sắp rũ bỏ nợ trần gian vẫn si mộng hình bóng từ kiếp trước của nàng Giáng Châu!

*

(*) bản dịch mới dịch câu này là “Nhà cửa ở đây vô vị quá!”

No comments:

Post a Comment