Monday, April 10, 2017

Burning Man: để hiểu huy hoàng mấy rồi cũng ra tro




Khoảng 2011, tôi và bạn bè rất thích theo dõi chương trình Masterchef của Hoa Kỳ. Trong số những thí sinh tham dự năm ấy, nhân vật để lại ấn tượng rõ nét nhất với tôi là Ben Starr – một chàng gay hiền lành, thích bí ngô, mê nấu nướng, và luôn đối xử nhã nhặn với tất cả mọi người. Kết thúc cuộc thi, Ben không giành ngôi vị Masterchef nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn theo dõi anh, qua blog. Nhờ anh, tôi biết cách làm món bánh chocolate núi lửa trong 5 phút bằng … lò vi sóngthái hành tây thật nhỏ, và chế biến món trứng lòng đào 63.5 độ. Bài viết này, tuy nhiên, không thuộc phạm trù nấu nướng, dù cũng có chút chút liên quan đến việc … nổi lửa. Năm 2013, Ben Starr tuyên bố trên blog là anh chuẩn bị khăn gói hành hương tới lễ hội Burning Man. Khi đó tôi đâu có hiểu Burning Man là ngày hội kỳ lạ gì. Dần dần đọc thêm từ nhiều nguồn khác mới thấy rõ hơn, nhưng có lẽ phải tự mình tham dự mới có thể cảm nhận hết tinh thần của nó.

Vậy thì rốt cuộc Burning Man là cái chi chi?

Burning Man nghĩa là … Người bốc cháy. Người ở đây, may quá, không thuộc loài homo sapienschúng ta, mà là một hình nộm gỗ có tên gọi “The Man”. Hình nộm này lúc đầu chỉ vỏn vẹn 2.4m, nhưng những năm gần đây đã cao tới 32m. Việc đốt hình nộm này chính là nghi thức mở màn lễ hội Burning Man diễn ra hàng năm tại sa mạc Black Rock, bang Nevada, Hoa Kỳ

“The Man” cháy phừng phừng ở Burning Man năm 2013

Tiền thân của Burning Man là những đêm đốt lửa quy mô nhỏ trên bãi biển giữa Larry Harvey và những người bạn, diễn ra từ 1986 đến 1989. Thế nhưng phải đến 1990, lễ hội Burning Manmới chính thức ra đời dưới sự dẫn dắt của John Law và Michael Mikel. Năm đầu tiên chỉ có 20 người tham dự, còn bây giờ con số đó đã lên đến gần 70,000 người.

Toàn cảnh khu Burning Man nhìn từ trên cao. 

Tại Burning Man. 

Burning Man không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, nó đã gặp vô khối rắc rối với chính quyền, nào là không được phóng hoả, nào người tham dự bị tai nạn, rồi ăn chia lệ phí rắc rối. Thế nhưng tới giờ Burning Man vẫn tiếp tục diễn ra đều đều với tiếng vang ngày càng lớn, mặc dù một người đồng sáng lập đã cắt đứt quan hệ với tổ chức này. (Năm 1996, một người bạn thân của John Law bị tai nạn xe phân khối lớn trong khi chuẩn bị cho Burning Man, từ đó John cho rằng ngày hội này nên chấm dứt luôn và ngay!)

Burning Man diễn ra trong khoảng một tuần, từ cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín hàng năm. Một thành phố “cổ tích” được chính những người tham dự dựng nên giữa sa mạc với tên gọi Black Rock City. Bên trong thành phố đó là những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy, những công trình máy móc kỳ lạ, là âm nhạc và vũ điệu vân vân, tất cả được dựng lên cho mọi người thưởng lãm miễn phí.


Sơ đồ Burning Man, hình nộm “The Man” chính là hình tròn ở chính giữa

Burning Man nhìn từ trên máy bay

Chùm hình lấy từ trang này

.

.

.



Những quy củ, lề thói của xã hội bên ngoài đều bị chặn lại, nhường chỗ cho Mười quy tắc chính thức của Burning Man, trong đó có việc cấm thương mại hóa các sản phẩm hoặc mua bán bằng tiền mặt. Những người tham dự cùng hòa trong không khí tự do, bình đẳng, bác ái của lễ hội để sống hết mình.



Đây là nơi ta có thể thấy những người lạ choàng vai bá cổ nhau như đã thân quen từ lâu lắm, tặng quà cho nhau mà không cầu được đáp lại. Họ ném mình vào những hoạt động bộc phát tuỳ hứng, cùng khóc cùng cười với nhau. Và khi Burning Man kết thúc, tất cả mọi thứ đều bị … đốt sạch sành sanh. Những người tham gia rời đi, không để lại dấu vết gì trên sa mạc, để chờ lại được cống hiến và “cháy” hết mình trong Burning Man năm sau.

Chùm hình lấy từ trang này

.



Không biết từ bao giờ, ngày hội Burning Man trở thành một dịp tuyệt vời để các nghệ sĩ thoả sức sáng tạo đến tận cùng. Họ hiến dâng tài nghệ của mình cho cộng đồng xung quanh, biết rằng chỉ một tuần sau là tác phẩm bị thiêu thành tro bụi. Và những người tham dự cũng dành trọn vẹn trái tim để yêu say đắm nghệ thuật, tôn thờ nghệ thuật. Có lẽ vì ý thức được “chỉ giây nữa thôi là xa nhau rồi,” nên cái đẹp trong khoảnh khắc ở Burning Man càng trở nên kỳ diệu hơn chăng? Gì thì gì, Burning Man càng ngày càng thu hút một lượng không nhỏ những người trong giới hàn lâm. Họ đến Burning Man không chỉ để thưởng thức nghệ thuật, mà còn để nghiên cứu. Bởi đơn giản, gần như không có một nơi nào trên thế giới có thể quy tụ cùng một lúc nhiều nghệ nhân đủ ngành nghề đa dạng đến thế! Nếu đi bảo tàng hay gallery, bạn có thể cùng lắm xem một vài chục bức tranh rồi thôi, nhưng ở Burning Man, bạn sẽ thật sự được chìm đắm trong nghệ thuật. Có người đã gọi Burning Man là “triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô vĩ đại nhất thế giới.”

Một số tác phẩm tại Burning Man:
Love, của Alexander Milov

.

Truth is beauty, của Marco Cochran

Đền thờ ảnh của Mike Garlington, toàn bộ bề mặt được trang trí bằng những tấm ảnh

.

.

Khi một hoạt động đạt đến số lượng người tham gia lớn như Burning Man, tất theo đó sẽ nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Ví dụ như năm nay chẳng hạn. Bắt đầu từ năm 2013, Paul Oakenfold – con trai của một tỷ phú Nga, đã lập ra một khu trại “xa hoa” với cái tên White Ocean Camp ở Burning Man. Hoạt động của trại chủ yếu tập trung là âm nhạc điện tử, tuy nhiên Paul khiến nhiều người “ngứa mắt” vì không tuân theo các tôn chỉ của Burning Man: thuê người phục vụ, nấu nướng, xua đuổi những người tham gia đến gần trại của mình (sợ bẩn chăng?) Tại lễ hội Burning Man năm 2016, White Ocean Camp đã bị phá hủy và cắt điện, thủ phạm là ai thì … có trời biết. Đúng sai chắc cũng khó nói, bởi nhập gia thì phải tùy tục mà!

Trại White Ocean

Cùng ngắm một số Burner (người tham dự Burning Man) với gu trang phục bốc lửa hoặc “điên” chẳng giống ai, nhưng vẫn thật đẹp:

.

.

.

.

.

.

Đám cưới ở Burning Man

No comments:

Post a Comment