Monday, April 10, 2017

Valentine’s – ôi (cái) lễ Tình nhân!


Một dãy thiệp ngày Valentine’s tiêu biểu trong siêu thị

Dù ngày Valentine’s chưa đến nhưng theo dự đoán của tổ chức National Retail Federation, năm nay người Mỹ sẽ tiêu tổng cộng 18.9 tỉ đô la cho hoa lá, kẹo socola, quà cáp, du lịch, v.v…; đối tượng người nhận bao gồm từ người yêu, gia đình, bạn bè, thú cưng, đến… chính mình (theo khảo sát, 14% phụ nữ đã từng tự gửi thiệp Valentine’s cho bản thân.)

Nhưng không phải ở đâu ngày Valentine’s cũng được đón chào một cách nhiệt liệt, tuy hơi sặc mùi… thương mại, như vậy. Ở Arab Saudi chẳng hạn, mới năm ngoái thôi, năm người đàn ông bị đánh đòn giữa công cộng và bỏ tù cả chục năm vì tội tổ chức tiệc Valentine’s với hoa hồng đỏ, nến, và các món đồ trang trí hình quả tim. Ở Thái Lan các nhà chức trách thúc giục giới trẻ đi đền thờ thay vì… vào nhà nghỉ ngày Valentine’s, cũng bởi Thái Lan có tỉ lệ mang thai vị thành niên đáng báo động, mà các bé lại thích chọn đúng ngày Tình Yêu để sống hết mình. Các nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia cũng ngăn cấm tổ chức ngày Valentine’s vì không hợp với truyền thống đạo đức và tín ngưỡng. Sơ sơ chỉ trong châu Á thôi mà tổ chức Valentine’s hay không đã phức tạp như vậy, chưa nói đến hàng tá lý do khiến có nhiều người ghét cay ghét đắng ngày lễ này. Nhưng muốn ghét thì cũng cần đúng người đúng tội chứ nhỉ, vậy cái ngày này là từ đâu ra?

Nhắc đến Valentine’s, hầu như ai cũng nhớ mang máng một, hai ông thánh nào đó tử vì đạo dẫn đến ngày này, hình như vậy… Vấn đề chính xác thánh nào thì vẫn còn khá mù mờ, vì tổng cộng có cả tá ông tên Valentine được phong thánh! Tuy nhiên trong đó có hai ứng cử viên nặng ký nhất: một ông là giám mục ở Terni, một ông là thầy tu thành Rome, cả hai ông đều sống ở thế kỉ thứ Ba, đều cầu nguyện thành công chữa khỏi cho người bị bệnh, và đều bị xử tử ngày 14 tháng Hai. Ông giám mục ở Terni bị Claudius xử tử vì tội truyền đạo, rồi khi bị đưa đến Rome lại dám to gan khuyên hoàng đế Claudius đổi sang Thiên Chúa giáo. Ông thầy tu ở Rome cũng… tương tự,  ngoài ra còn bí mật làm lễ kết hôn cho các cặp đôi theo đạo Thiên Chúa. Nhì nhằng thế nên Giáo hội Công giáo Roma gỡ luôn ngày này khỏi Tổng lịch La Mã, dù vẫn giữ tên thánh Valentine và cho phép tín đồ thờ phụng, miễn ngày 14 tháng Hai năm đó không trùng với lễ khác to hơn.

Thánh Valentine ở Terni, giám sát việc xây dựng thánh đường, bản thảo thế kỉ 14

Thánh Valentine ở Rome an ủi những người bị Claudius cầm tù vì theo đạo

Đến giữa thế kỉ 14, thánh Valentine, cũng như các thánh tử vì đạo khác, được thờ cúng rộng rãi, đối đãi rất hậu. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì ông Valentine cũng chỉ là một (hoặc hai) trong số vô vàn những câu chuyện na ná giống nhau về phép màu, sự sùng đạo, sự hy sinh… Thế nhưng chúng ta lại kết hợp vị thánh này với ngày lễ tình yêu mà không phải ai khác, như tổng thiên thần Raphael (bảo trợ hôn nhân), thánh Nicholas (vì bận làm ông già Noel chăng?), hoặc Dwynwen (nữ thánh bảo trợ các cặp tình nhân/)

Có người cho rằng ngày Valentine được tạo ra để thế chỗ ngày lễ Lupercalia diễn ra từ 13 đến 15 tháng Hai của La Mã. Theo truyền thuyết, thủy tổ thành Rome – anh em Romulus và Remus là con trai thần chiến tranh Mars và được sói mẹ Lupa nuôi bằng sữa sói. Chó sói cũng gắn liền với Mars, vị thần rất thiêng liêng đối với người La Mã. Vì thế, Lupercalia là ngày tôn vinh sự sinh sản và tinh thần hùng dũng của thành Rome. Kể cả theo tiêu chuẩn bây giờ, lễ Lupercalia vẫn khá… hoang dại, nào là hiến tế chó, dê, lột da chúng để mặc, thậm chí đánh người tham dự bằng roi để ngăn chặn bệnh lãnh cảm (?). Những trò nghịch ngợm đậm chất phồn thực như vậy hiển nhiên không vừa mắt những người Công giáo ngoan đạo. Khi những tàn dư của tín ngưỡng thờ totem dần dần bị quét sạch dần, ngày Valentine được cho là một trò “bình cũ rượu mới” của Giáo hội Công giáo, giống như lễ Phục Sinh.
Tranh vẽ ngày lễ Lupercalia

Tuy nhiên có nhiều người không đồng ý với lập luận trên, mà cho rằng chính nhà thơ Geoffrey Chaucer cùng các môn đệ mới có công/tội biến thánh Valentine đáng kính thành đồng bọn của Cupid. Lý do vì sao Chaucer chọn thánh Valentine không ai rõ. Tuy nhiên, những bài thơ ca tụng tình yêu đôi lứa gắn với ngày 14 tháng Hai của ông đã cấu thành nền tảng vững chắc không thể phủ nhận cho ngày Valentine’s của chúng ta hiện giờ. Có lẽ vì thời điểm ngày 14 tháng Hai rơi vào thời điểm muôn hoa nở rộ, chim chóc hát ca, lễ hội xuân tưng bừng, khiến cho các cặp tình nhân cũng rạo rực. Các nhà thơ khác như Oton de Grandson, John Clanvowe, John Gower cũng nhanh chóng bắt kịp mốt và sản xuất ra thêm nhiều tác phẩm gắn liền thánh Valentine với tình yêu. Thậm chí nhà thơ John Lydgate còn dùng từ valentine như một từ đồng nghĩa với người ta yêu nhất, tình yêu tột bực của ta! Chẳng thế mà ngày nay những tấm thiệp in (hoặc viết tay) dòng chữ bay bướm “You are my Valentine” hoặc “Will you be my Valentine” được bán chạy như tôm tươi.

Chân dung ông Chaucer, thế kỉ 16. Nhìn ông quả thật không giống với tưởng tượng của chúng ta về nhà thơ tình lãng mạn cho lắm.

Giới quý tộc châu Âu thời Phục Hưng mau chóng thu nhận ngày lễ Valentine một cách thích thú. Vốn thích tiêu xài và khoe mẽ, các ông các bà trong triều biến việc tặng quà và nhận quà ngày Valentine thành một thứ nghi lễ trịnh trọng. Cái gì giới quý tộc mê mẩn thì cũng dễ dàng trở thành thời trang với giới bình dân. Trong nhật kí của mình, ông Samuel Pepys, một lính thủy thế kỉ 17, thường xuyên ca thán về giá cả quà cáp đắt đỏ cho vợ và các “em yêu” khác. Nho nhỏ thì khăn tay lụa, găng tay thêu chỉ vàng, hoành tráng thì trang sức đá quý. Ngày Valentine dần đánh mất các ý nghĩa tôn giáo và chuyển sang một dịp chơi bời, ghép đôi, hò hẹn của cả giới quý tộc và lao động. Thế nhưng phải chờ đến khi được “xuất khẩu” sang Hoa Kỳ, ngày Valentine’s mới thật sự thịnh vượng.

Một tấm thiệp Valentine’s từ năm 1811

Trước năm 1840, ở đất nước Mỹ trên đà công nghiệp hóa và chủ yếu theo đạo Tin lành, hầu như chẳng ai quan tâm đến một vị thánh Công giáo lỗi thời. Vào tháng Hai, họa chăng chỉ có sinh nhật của “thánh” Washington là được dân chúng nhớ tới. Năm thì mười họa những cuốn lịch cũng có in một hai dòng thơ vơ vẩn cho ngày 14 tháng Hai. Tuy nhiên đến khoảng 1840, người Mỹ bắt đầu để ý đến ngày này hơn. Với những khẩu hiệu như “Làm việc ít đi, chơi nhiều hơn” hoặc “Chúng ta đã trở nên quá tính toán,”  những ngày lễ tươi vui dần dần trở lại trong cuộc sống người dân. 

Những tấm thiệp tình yêu nho nhỏ, cũng gọi là Valentine, bắt đầu được nhập khẩu từ Anh. Một sinh viên đại học Yale nói về “cơn điên” ngày Valentine ở New Haven, khi hàng nghìn bức thư tình được gửi qua bưu điện trong một ngày! Một nữ doanh nhân mang tên Esther Howland đã biến ngày Valentine’s trở thành một ngày hội thật sự mang tính “dân tộc.” Được mệnh danh là “Mẹ của ngày Valentine’s Hoa Kỳ”, bà đã nhân rộng những tấm thiệp tình nhập khẩu, vốn dĩ đắt đỏ, và đem chúng đến với quần chúng. Ý tưởng này đến với bà sau khi chính bà được tặng một tấm thiệp Valentine từ đối tác của… cha bà. Thật may mắn, gia đình bà sở hữu một cửa hàng văn phòng phẩm lớn ở Massachusetts. Với bệ phóng này, Esther đã sản xuất những tấm thiệp Valentine tại Worcester và kinh doanh thành công trong nhiều năm trời.

Thiệp Valentine’s vintage của Esther Howland, 1870

Đối với nhiều người không có khả năng chi trả dù chỉ một tấm thiệp Valentine’s, thiệp tự làm cũng là một lựa chọn không tồi. Những tấm thiệp tự làm với những chi tiết cắt, dán, gấp, đục lỗ,… phức tạp thậm chí còn trở nên đáng yêu hơn cả thiệp đi mua, khiến những công ty như Hallmark phải hụt hơi cải tiến mẫu mã, miễn sao cho thiệp Valentine’s sản xuất hàng loạt nhìn cũng tinh tế, cầu kì, cá nhân như… thiệp tự làm.

Túi có quà tặng bên trong, vẽ màu nước, làm bằng tay, khoảng 1830

Ngoài những tấm thiệp xinh xắn, kẹo socola ngọt ngào cũng là một phần không thể thiếu của ngày lễ Valentine’s. Richard Cadbury, con trai gia đình làm kẹo Cadbury nổi tiếng, được cho là đã “phát minh” ra hộp kẹo đầu tiên. Những hộp kẹo socola nhiều hình dạng khác nhau thường được đặt trong những chiếc hộp đẹp có tranh mà trẻ em có thể cắt ra làm đồ trang trí. Richard Cadbury đã cải tiến sản phẩm bằng cách vẽ những bức tranh lãng mạn hơn, có thiên thần bay lượn, gái xinh, gắn nơ, gương, hoặc đồ trang sức nhỏ. Những chiếc hộp bây giờ còn sót lại đã trở thành vật sưu tập quý báu. Theo cuốn “For Lovers, Chocolate“, Niki Dwyer cho rằng sự ưa thích của những đôi tình nhân thời Victoria đối với những hộp kẹo hình trái tim kèm trang trí quyến rũ đã khiến việc tặng socola trở thành truyền thống ngày Valentine’s.

Hộp kẹo socola vintage của Cadbury được sưu tập

Thủ phạm cuối cùng ngày Valentine’s – đóa hồng đỏ, mọi người có thể đọc chi tiết hơn ở đây
Bây giờ chúng ta đã điểm qua kha khá những chi tiết cơ bản về ngày Valentine’s rồi, xin chúc những người có kế hoạch thứ bảy này một ngày lễ Tình yêu vui vẻ. Còn những người không ưa ngày Valentine’s nhưng vẫn thích… hoa hồng và socola, xin nhớ giá hai mặt hàng này vào ngày sau Valentine’s sẽ tụt dốc không phanh.

*

No comments:

Post a Comment