The Breakers. Toàn bộ hình trong bài là từ Internet
Mấy năm trước tôi đã có dịp đến thăm The Breakers – dinh thự mùa hè của Cornelius Vanderbilt II. Khi dạo quanh ngắm nghía nội thất dát vàng la liệt, trong đầu tôi đã nảy ra suy nghĩ: “Nhà này là hợp với Donald Trump lắm đây”. Khu nghỉ dưỡng mùa đông Mar-a-Lago mà Donald Trump sở hữu cũng có nội thất cũng mang nhiều âm hưởng của The Breakers (xin đừng nhầm The Breakers của nhà Vanderbilt với khách sạn The Breakers khu Palm Beach cạnh Mar-a-Lago).
Bẵng đi vài năm, bỗng dưng đọc phải bài báo “Donald Trump mua lại The Breakers với giá 112 triệu đô la Mỹ” mà hết hồn. May thay đấy chỉ là tin trào phúng. Nhân dịp Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45, xin cùng buôn chuyện với mọi người về một tác phẩm kiến trúc rất đẹp, rất to, và dát rất nhiều vàng.
*
Ít ai biết Newport, bang Rhode Island lại là một thành phố cảng đứng đầu về … buôn bán nô lệ. Từ 60 đến 90% các tàu vận chuyển nô lệ của Bắc Mỹ đều xuất phát từ bang Rhode Island, trong đó chủ yếu là ra ra vào vào Newport. Đáng lạ vì Rhode Island là một bang vừa nhỏ xíu vừa nằm ở New England chứ không phải miền Nam. Thành phố Newport nằm sát Đại Tây Dương mát mẻ thanh bình thì mau chóng trở thành khu nghỉ mát được giới nhà giàu yêu thích.
Giới nhà giàu Âu Mỹ thời xưa không thèm ở khách sạn như chúng ta bây giờ (trước khi khái niệm “khách sạn sang chảnh” ra đời thì đa số khách sạn chỉ dành cho giới lao động, lữ khách ít tiền, và các thành phần bất hảo khác). Đã ưng ý chỗ nào thì họ xây biệt thự ở đó luôn. Mới đầu chỉ các chủ đồn điền miền Nam tranh thủ đi… mua nô lệ đến xây biệt thự ở Newport, sau cả dân Yankees lắm tiền cũng lũ lượt tới Newport nghỉ hè. Giai đoạn này được gọi là “Gilded Age” (Thời Dát Vàng) dựa trên cuốn tiểu thuyết châm biếm của Mark Twain. Những ai đã đọc cuốn The Age of Innocence ắt sẽ cảm nhận được rõ nét không khí của thời kỳ này. Cảnh tiệc tùng hoa lệ của giới quý tộc mới như một lớp vàng mỏng tráng lên những vấn đề xã hội đầy rẫy.
Hí họa về Thời Dát Vàng của Joseph Keppler
Bức tranh này có tên “Điệu waltz cuối cùng của Thời Dát Vàng.”
The Breakers nguyên thủy không to như bây giờ. Nó vốn là một tòa nhà nông thôn (cottage) xinh đẹp bằng gạch và ván thuộc sở hữu của doanh nhân Pierre Lorillard IV. Giống như nhiều nhà nông thôn khác ở Newport, The Breakers được xây theo phong cách Baroque kiểu Anh. Tiêu biểu cho phong cách này là những dinh thự thời Nữ hoàng Anne (1702-1714) với thiết kế thanh lịch nhã nhặn. Tại The Breakers, đi kèm tòa biệt thự chính còn có một phiên bản nhà mini dành cho trẻ con chơi đùa bên trong.
Vị trí đắc địa nên The Breakers mau chóng lọt vào mắt xanh của Cornelius Vanderbilt II. Ông này mua nó vào năm 1884 với giá tương đương 12 triệu đô bây giờ. Vì chất liệu không chống được lửa nên The Breakers đã bị thiêu trụi vào năm 1892; phần khu nhà mini may quá được xây tách ra nên không vấn đề gì. Sau vụ cháy, Cornelius Vanderbilt II đặt hàng kiến trúc sư Richard Morris Hunt thiết kế một công trình khác trên nền đất cũ sao cho thật lộng lẫy và quan trọng nhất là cấu trúc không được có gỗ (để chống cháy.)
The Breakers trước khi bị cháy
Trước tiên phải nói qua về chủ nhân của The Breakers. Cái tên Vanderbilt ở thế kỷ 19 đồng nghĩa với “giàu nứt đố đổ vách”. Ngay cả bây giờ, nhắc đến Vanderbilt là ám chỉ tới dòng dõi thế phiệt trâm anh với mùi tiền phảng phất. Chẳng thế mà mấy bộ phim hiện đại như Gossip Girl vẫn để nhân vật chút dính dáng với nhà Vanderbilt cho ra vẻ danh gia vọng tộc. Thế nhưng ở thế kỉ 19 thì nhà Vanderbilt vẫn bị giới quý tộc châu Âu coi là giàu xổi. Coi là coi thế thôi nhưng quý tộc mà không có tiền thì cũng mệt, thế nên có ai nhà Vanderbilt cầu hôn thì các hầu tước bá tước công tước vẫn gật đầu vội.
Một bức tranh có tên “Gia đình phù hoa” vẽ cảnh sinh hoạt gia đình của nhà Vanderbilt của hoạ sĩ Seymour Guy, 1874
Cụ tổ nhà Vanderbilt gốc Hà Lan, thường được gọi là Commodore Cornelius Vanderbilt để phân biệt với các cháu chắt cùng tên. Cụ có 2 bà vợ (đều là em họ) và 13 đứa con, thế nhưng một mình con trai cụ là William kế thừa gần hết tài sản khi cụ qua đời. 8 đứa con gái không được cụ để lại xu nào vì cụ cho rằng “đàn bà cần gì tiền với bạc”. Nhà Vanderbilt thế là lôi nhau ra tòa.
Cụ tổ Cornelius Vanderbilt là ông trùm ngành đường sắt và là người giàu nhất nước Mỹ đương thời.
Con trai ông là William “Billy” Vanderbilt kế nghiệp cha và tiếp tục giữ vị trí giàu nhất cho đến khi chết. Con trai của William được đặt theo tên của ông nội và cũng là cháu cưng của Cornelius Vanderbilt. Suốt đời mình, Cornelius Vanderbilt II là một người mộ đạo và ham làm từ thiện. Ông đóng góp rất nhiều cho hội Chữ thập đỏ, viện Met, Cứu thế quân, v.v.,… Đây cũng chính llà ông chủ của The Breakers mà ta đang nhắc đến. Nhờ có ông mà The Breakers trở thành thành một Địa danh Lịch sử Quốc gia (National Historic Landmark) của Hoa Kỳ.
Ông chủ của The Breakers: Cornelius Vanderbilt II
Nhưng The Breakers mà không có bàn tay của kiến trúc sư Richard Morris Hunt thì chưa chắc tiếng tăm đã vang xa như vậy. Richard Morris Hunt là người Mỹ đầu tiên theo học tại trường Mỹ thuật danh giá tại Paris. Tại đây, ông đã góp phần vào việc nâng cấp bảo tàng Louvre. Ông cũng là người thiết kế đế của bức tượng Nữ thần tự do, sảnh lớn cùng mặt tiền viện Met, và đại học Yale. Những căn biệt thự xa hoa nhất trên đại lộ Fifth Avenue đều do ông đảm nhiệm. Được coi là “đại sứ của nền kiến trúc Mỹ,” Richard Morris Hunt có vai trò không nhỏ trong việc hình thành bộ mặt của New York nói riêng và New England nói chung. Tại Newport, Richard Morris Hunt mau chóng trở thành một nhân vật được giới thượng lưu trào đón nhiệt tình.
Vốn sinh ra trong gia đình có của nên Hunt giao thiệp môt cách vô tư thoải mái với những khách hàng tiềm năng của mình, trong đó có kha khá thành viên của đại gia đình Vanderbilt. Không những thế, ông còn đi tiên phong trong việc đòi hỏi nghề kiến trúc sư của mình được coi trọng ngang hàng với bác sĩ và luật sư chứ không chỉ là “thợ vẽ.” Tại Newport, ông cũng có một biệt thự riêng mang tên “Hypotenuse” (cạnh huyền).
Ở tượng đài Richard Morris Hunt
The Breakers được xây dựng trong vòng 3 năm, một thời gian khá ngắn so với kích thước và độ hoành tráng của tòa nhà. Những nguyên liệu quý nhất được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới: cẩm thạch từ Ý, gỗ quý từ châu Phi, gạch lát từ Trung Đông và châu Á. Nhiều bộ phận của The Breakers được gỡ trực tiếp từ các lâu đài Pháp và chuyển về Hoa Kỳ. Khi hoàn thành, The Breakers có 70 phòng với tổng diện tích là 6 ngàn m2, chưa kể 5 ngàn m2 sân vườn, và đã tiêu tốn của Cornelius Vanderbilt II số tiền tương đương với 335 triệu đô la hiện nay. Cổng chính bằng sắt uốn lượn của The Breakers mở ra đại lộ Ochre Point Avenue còn toàn bộ phần sau trông ra biển rộng mênh mông.
Đường xe chạy vào rộng thênh thang đón chào hơn 400 ngàn du khách mỗi năm
Phong cách của The Breakers được các nhà phê bình gọi là “Gout Rothschild,” dựa theo gia tộc siêu giàu Rothschild ở châu Âu. Khác với nhà Vanderbilt, đế chế của nhà Rothschild được xây dựng trên cái nền tài chính, ngân hàng. Vốn gốc Do Thái, nhà Rothschild bành trướng thế lực và quan hệ bằng cách kết hôn với giới quý tộc hoặc các gia đình tài phiệt khác. Về kiến trúc, “kiểu Rothschild” là một sự kết hợp của Phục Hưng Ý, thời kì Victoria của Anh, và Hàn lâm Pháp.
… cùng các biểu tượng trang trí cổ điển và chữ V (viết tắt của Vanderbilt)
Phần làm nên dấu ấn của The Breakers chính là nội thất được trang trí cầu kỳ và sang trọng đến cực điểm, đảm nhiệm bởi Jules Allard và Ogden Codman Jr. (Codman được chính chồng của nhà văn Edith Wharton, tác giả cuốn The Age of Innocence giới thiệu cho Cornelus Vanderbilt II)
Đây là phòng sinh hoạt dành cho đại gia đình tụ họp mỗi sáng. Các cửa sổ được đặt hướng phía đông để đón ánh mặt trời buổi sớm. Xung quanh phòng là các tấm bạch kim khảm hình các nàng thơ. Toàn bộ nội thất được lắp ghép ở Pháp trước khi chuyển về Hoa Kỳ.
Buồng ngủ của tiểu thư Gertrude Vanderbilt có màu hồng xinh xắn. Gertrude Vanderbilt là một người yêu hội hoạ. Có thể thấy hai bức tranh vẽ chân dung tiểu thư khi còn nhỏ do các hoạ sĩ nổi tiếng thực hiện.Trong buồng còn có hai bức tranh do chính cô tự tay vẽ. Sau này Gertrude Vanderbilt sẽ lấy con trai nhà triệu phú Whitney và thành lập bảo tàng Whitney nổi tiếng ở New York.
Đây là phòng âm nhạc nơi diễn ra các buổi biểu diễn và dạ vũ. Trần nhà được dát vàng, bạc, kèm thêm các chi tiết trang trí với motif âm nhạc. Tên các nhà soạn nhạc nổi tiếng cũng được viết trên trần nhà. Theo các câu chuyện kể lại, bác trai (Cornelius Vanderbilt II) chơi vĩ cầm còn bác gái (Alice Vanderbilt) thì chơi dương cầm.
Phòng đọc sách – thư viện màu tối mang vẻ nghiêm trang. Trên lò sưởi có khảm dòng chữ: “Ta cười vào của cải và không cần đến nó, bởi sau tất cả chỉ có trí tuệ là vinh quang nhất.” Thế nhưng trần nhà lại dát đầy các lá vàng hình quyển sách. Trong phòng có hai bức tượng bán thân của Cornelius Vanderbilt II và con trai. Cậu này mất sớm vì bệnh sốt phát ban khi đang học tại Yale (hiện giờ tại Yale vẫn có một sảnh đề tên cậu.)
Cầu thang lớn với bức chân dung cụ tổ Commodore Vanderbilt
Bếp rộng rãi với nhiều nồi niêu xoong chảo bằng đồng đỏ. Vốn sợ hoả hoạn nên ông Cornelius Vanderbilt hạ lệnh xây bếp thật xa nơi ở của gia đình. Hồi đó chưa có tủ lạnh nên nhà Vanderbilt dùng đá lấy từ các hồ xung quanh để bảo quản thực phẩm. Có thể thấy bếp được chiếu sáng rất tốt. The Breakers có tổng cộng hơn 300 cửa sổ, phần lớn nhìn ra hướng biển.
Đây là phòng chơi bi-a với đồ đạc làm bằng gỗ dái ngựa (mahogany.) Tường được làm bằng thạch cao tuyết hoa Cippolino với các vòng cung bằng cẩm thạch hồng. Các viên đá bán quý nhiều màu sắc kết hợp thành hình những hạt sồi (huy hiệu nhà Vanderbilt).
Phòng ăn chính khổng lồ với diện tích 220m2 là phòng ăn lớn nhất tại Newport. Trên trần nhà là tranh vẽ nữ thần bình minh Eos trên chiếc xe 4 ngựa, lại thòng xuống hai đèn chùm pha lê Baccarat lộng lẫy. Trên tường có khảm vàng 18, 22, 24k.
Phòng ăn phụ, hay còn gọi là Breakfast room, để đối ngược với phòng ăn chính hoành tráng. Nơi này ít vàng và ít đèn pha lê hơn nhưng vẫn có khí phái sang trọng kiểu Louis XV.
Phòng ngủ của bác gái Vanderbilt có hình oval (đây tuy là hình vẽ trên con tem nhưng vẽ chính xác và đẹp hơn ảnh chụp ngày nay.) Trong buồng có cửa dẫn đến 4 tủ quần áo (mỗi ngày bác gái Vanderbilt phải thay ít nhất 7 bộ.) Ngoài ra còn nhiều cửa ẩn để người hậu kẻ hạ ra vào một cách dễ dàng.
Buồng ngủ của chủ nhân – bác trai Vanderbilt lại đơn giản một cách đáng ngạc nhiên. Trong phòng thay vì vàng bạc là các đồ kỉ niệm của gia đình và bạn bè. Xin đừng thắc mắc sao hai bác lại … ngủ riêng. Quý tộc thời đấy là như vậy đó. Ngay cả Nữ hoàng Anh và chồng bây giờ cũng có hai phòng ngủ tách biệt. Một lý do quan trọng là quý tộc đi ngủ phải có người thay đồ cho, mà người hầu nam lại luẩn quẩn ở bên lúc bà chủ cởi áo thì kỳ.
Sơ sơ vậy cũng có thể tưởng tượng The Breakers của ngày xưa với ánh nến lấp lánh, tiếng nhạc dìu dặt, những bữa tiệc linh đình,… quyến rũ ra sao. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Cornelius Vanderbilt II dọn vào đây ở chưa đầy 4 năm thì bị đột quỵ và mất. Lý do khiến sức khoẻ của ông giảm sút nhanh là câu chuyện muôn thuở: con trai ông là Cornelius Vanderbilt III yêu một cô gái mà ông không thích, mà cậu lại gặp nàng đúng lúc nghỉ ở The Breakers mới đau. Bố mẹ không ưa bồ của con vốn là chuyện xưa như trái đất, điều lạ ở đây là nhà Wilson cũng giàu có, thế lực, môn đăng hộ đối, và nàng Grace trẻ thì rất được mọi người yêu mến. (Trong số những người ái mộ nàng có cả Teddy Roosevelt và vua Phổ Edward VII). Lý do tại sao hai ông bà Vanderbilt ghét Grace Graham Wilson thì chỉ có giời biết.
Một phen nổi giận bởi hồng nhan: Grace Graham Wilson.
Nhất định muốn chia cắt đôi trẻ, Cornelius Vanderbilt gửi con đến châu Âu. Nhà Wilson cũng chẳng vừa, thấy vậy họ cũng gửi Grace đến châu Âu luôn, và nàng vừa đặt chân đến Paris thì đôi chim cu đã quấn chặt lấy nhau. Báo chí hồi đó theo sát nhà Vanderbilt lắm, vậy là chuyện tình Romeo-Juliet Hoa Kỳ ai ai cũng biết. Ông Vanderbilt cáu đến mức đuổi theo con sang tận châu Âu để mắng vốn, và khi con trai nhất quyết không chịu thua, ông từ luôn con và đuổi cậu Cornelius Vanderbilt III ra khỏi nhà. Chuyện này gây ảnh hưởng đến sức khỏe ông Vanderbilt trầm trọng: ông bị đột quỵ cú đầu tiên, và chẳng có lòng dạ đâu mà tới The Breakers nghỉ ngơi nữa. Ở tuổi 55, ông qua đời. Ý kiến chung của mọi người là cậu ấm nhà Vanderbilt đã chọc cho ông bố tức mà chết. Người nhà lẫn người lạ đều chê trách ông quá cứng đầu, và cuối cùng thì ông vẫn… thua: Cornelius Vanderbilt III nhất quyết kết hôn với Grace Graham Wilson, không buồn nói chuyện với cha đến khi ông mất, và rốt cuộc vẫn thừa hưởng tài sản của cha một cách đàng hoàng. Lý do là bởi lòng mẹ mềm hơn lòng cha: bà Alice Vanderbilt cuối cùng vẫn phải chấp nhận con trai và con dâu, nhất là khi chúng đã sản xuất ra bốn đứa cháu cho bà bồng bế.
Vợ chồng nhà Cornelius Vanderbilt III
The Breakers được chuyển quyền sở hữu cho Alice Vanderbilt sau khi Cornelius qua đời. Bà Alice thì để lại The Breakers cho cô con gái út được cưng chiều Gladys Vanderbilt. Có hai lý do chính. Thứ nhất là mấy đứa con còn lại nhà Vanderbilt chẳng ai ngó ngàng gì đến The Breakers – họ thích hội hè nhộn nhịp ở New York cơ. Lý do thứ hai mới thật quan trọng: Gladys chưa có đất đai gì của riêng mình. Nàng kết hôn với một bá tước kiêm đại sứ đầu tiên của Hungary tại Hoa Kỳ. Ông này làm khoa học và… quý tộc thì giỏi (ông là người phát minh ra thiết bị điện báo không dây dưới nước) nhưng đầu tư lại kém, làm mất hết sạch tiền của vợ. Buồng ngủ của nữ bá tước Gladys Vanderbilt Szechenyi tại The Breakers nghe nói cũng rất đẹp nhưng không thể nào tìm được ảnh, thế nên mời bạn đọc ngắm tranh vẽ nàng khi còn trẻ vậy.
Glady Vanderbilt Szechenyi giữ The Breakers đến năm 1948 thì cũng không kham nổi phí bảo trì nữa. Bà cho Hiệp hội bảo tồn quận Newport thuê lại với giá tượng trưng 1 đô la/năm, với điều kiện là gia đình bà tiếp tục được sống ở tầng ba bất cứ khi nào họ muốn. Nhờ cấu trúc kiên cố, The Breakers đã trải qua cơn lốc xoáy kinh khủng năm 1938 mà vẫn bền vững. Người đã mất nhưng vật thì vẫn còn, du khách vừa lang thang dạo bước trong lâu đài vừa mơ về cảnh hào hoa thuở trước, âu cũng là cái kết ổn cho The Breakers. Liệu một trăm năm nữa có ai đến thăm Mar-a-Lago để nhớ về Donald Trump không nhỉ?
Phòng dạ vũ của The Breakers được bảo toàn nguyên vẹn chẳng kém gì thời hoàng kim
* Trở lại gia đình cậu ấm Cornelius Vanderbilt III, số phận quả thật trớ trêu. 30 năm sau ngày họ trốn bố mẹ lấy nhau, lịch sử được lặp lại: con gái của Cornelius Vanderbilt III cũng tên là Grace và cũng… bỏ nhà theo trai, phớt lờ hết những hoàng thân quốc thích được mai mối cho cô.
No comments:
Post a Comment