Friday, April 7, 2017

Xem tranh: “Bữa trưa”, hay là cuộc chiến huynh đệ tương tàn


Bảo tàng nghệ thuât Metropolitan, (tên thân thuộc “viện Met” – the Met,) là bảo tàng lớn nhất Hoa Kỳ và một trong mười bảo tàng lớn nhất thế giới. Với hơn hai triệu tác phẩm quí giá, số lượng tranh thường trực trong kho của viện Met cũng đủ cung cấp cho vài bảo tàng cỡ vừa.


Một trong những người đồng sáng lập viện Met là Eastman Johnson, người có biệt danh “Rembrandt Hoa Kỳ.” Nickname vậy vì trải qua bốn năm học tập ở Hà Lan, Johnson bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ các bậc thầy Flemish, từ cách chọn chủ đề, phong cách thể hiện, và kĩ thuật hội họa; tuy nhiên cái đặc biệt của ông là đưa được vào tranh đời sống Mỹ phong phú.
“What the shell says," (Vỏ sò bảo gì em) tranh của Eastman Johnson
Bức “Bữa trưa” (Lunchtime) của Eastman Johnson là một ví dụ về sự kết hợp hoàn hảo cả hai yếu tố: kỹ thuật Hà Lan + đời sống Mỹ. Nhưng hiện tại bức tranh này không nằm ở Met, mà nằm ở một viện bảo tàng khiêm tốn tại trường đại học Colby, bang Maine, cũng là quê của Eastman Johnson.
“Lunchtime”  (Bữa trua) của Eastman Johnson
Tranh đời thường (genre painting) là một nhánh đặc sắc của hội họa Hà Lan. Đặc điểm của tranh đời thường là màu sắc tranh không rực rỡ, hoạt động trong tranh không đặc biệt, nhân vật trong tranh không nổi trội..., song chính những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt lại được tính toán tỉ mỉ để truyền tải một thông điệp nào đó. Người họa sĩ muốn đặt ra những câu đố với người xem, và hành trình khám phá tất cả những ẩn dụ nghệ thuật chính là một cuộc đi tìm kho báu. Tính biểu tượng trong hội họa Hà Lan vốn có truyền thống dài lâu, từ những bức tranh thánh lộng lẫy của Jan Van Eyck, đến những bức tranh quý tộc của Hans Holbien, và cuối cùng là những tác phẩm mô tả người lao động của Vermeer – một sợi tóc, một viên bi đều có thể là chìa khóa mở ra một cánh cửa dẫn vào trái tim bí mật của tác phẩm.
“Người hầu gái," tranh của Vermeer

Eastman Johnson, như rất nhiều con cái của những gia đình giàu có ở Mỹ vào thế kỉ 19, đã khởi hành đến châu Âu để nghiên cứu nghệ thuật. Vào thời điểm đó, kĩ thuật chụp ảnh chưa phát triển và sách vở cũng còn vô cùng hạn chế so với thế kỉ 21. Cách duy nhất để học từ các bậc thầy cổ điển là bước lên một con tàu vượt Đại Tây Dương, đến các bảo tàng nơi Cựu thế giới, sau đó tự mình chiêm nghiệm, nghiên cứu  tìm ra hướng đi riêng.

 “Bữa trưa” có kích thước khá khiêm tốn (45x53cm) nhưng chất liệu sơn dầu trong suốt và kĩ thuật phối cảnh đem lại cho bức tranh một hiệu ứng ba chiều – người xem dường như có thể nhìn xuyên vào trong căn phòng. Việc sử dụng luật phối cảnh một điểm (one point perspective) trong một không gian kín giúp đưa mắt người xem đi sâu hơn vào tranh, và làm gợi nhớ đến những bức tranh Phục Hưng Bắc Âu như Arnolfini portrait của Jan Van Eyck, một bậc thầy Hà Lan có ảnh hưởng lớn đến Eastman Johnson.
"Chân dung đám cưới" của Van Eyck, 1434
“Arnolfini portrait” của Jan Van Eyck

Có thể nói Eastman Johnson đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của chủ nghĩa hiện thực. Người xem được thấy một cảnh tượng bình dị – hai đứa trẻ ăn uống, chơi với nhau. Những mảng màu ấm cúng và vị trí trung tâm của hai đứa trẻ khiến chúng như được bao bọc an toàn trong không gian của bức tranh. “Bữa trưa” cho thấy Eastman Johnson đã thấm nhuần những nguyên lí hội họa được coi như “khuôn vàng thước ngọc”: bố cục của bức tranh với hai đứa bé tạo thành một hình kim tự tháp hoàn hảo, gợi nhớ đến tỉ lệ vàng trong các tranh của Raphael hay Leonard de Vinci. 
Hình kim tự tháp trong tranh Raphael

Hình kim tự tháp trong tranh Leonard de Vinci

Trong “Bữa trưa”, cầu thang và cánh cửa làm cân bằng lại hình tam giác, các màu sắc cùng tông chuyển từ kem sữa đến nâu đậm tạo cảm giác dịu mắt cho người xem. Tác phẩm thật đơn giản nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhưng nếu ta tập trung sự chú ý xuống sàn nhà, sẽ có nhiều điều thú vị chờ đón.
“Lunchtime” của Eastman Johnson

Ở bên phải, Johnson đặt vào những lõi bắp ngô tung tóe, sắp đặt như những khẩu đại bác nhỏ – món đồ chơi tự chế của trẻ con. Ở bên trái là cánh hoa rụng tả tơi. Điều này có ý nghĩa gì?
Những bắp ngô tung tóe dưới sàn
Hoa dưới sàn, bên trái

Nếu nhìn lại vào thời điểm Johnson vẽ Lunchtime (1865), ta sẽ hiểu lí do xuất hiện những món đồ chơi thô sơ ấy. Cuộc Nội chiến hai miền Nam Bắc diễn ra từ 1861 đến 1865 là một giai đoạn đau thương trong lịch sử Hoa Kì. Bắt đầu từ những bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ, nước Mỹ bị cuốn vào một vòng xoáy chiến tranh, để lại vô cùng nhiều thương vong và hậu quả nặng nề. Những tác phẩm văn học như Cuốn theo chiều gió, Núi lạnh đã được chuyển thể thành điện ảnh và giúp người đọc Việt Nam phần nào hiểu hơn về cuộc nội chiến nổi tiếng này.
“Fight For The Colors” (Chiến đấu vì màu cờ) - tranh của Don Troiani về nội chiến Mỹ. Trong tranh: Hạ sĩ Francis Waller của đệ lục Wisconsin bộ binh sư đoàn giành giật cờ Mississippi với hạ sĩ William B. Murphy của đệ nhị Mississippi bộ binh sư đoàn tại trận Gettysburg ngày mùng 1 tháng 7 năm 1863.

Ở miền Nam Hoa Kỳ, những người giàu sống một cuộc sống hưởng thụ an nhàn, chủ yếu sống nhờ lợi tức từ các đồn điền bông trù phú – đất đỏ và mưa đem đến những vụ bông bội thu từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên việc trồng và thu hoạch bông đều do những người nô lệ da đen đảm nhiệm. Có thể nói, miền Nam làm giàu một cách “ăn trên ngồi trốc” nhờ nô lệ – một chế độ xấu xa trong cái nhìn hiện đại, song đối với người dân miền Nam lúc ấy, đó là một việc hoàn toàn hợp lí và bình thường.
Tuy giàu có nhưng miền Nam hoàn toàn là một nền kinh tế nông nghiệp. Trái lại miền Bắc nước Mỹ sở hữu một nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nơi khoa học và tư tưởng cùng tiến bộ song song. Cuộc nội chiến do vậy là một cuộc chiến không hề cân sức. Miền Bắc, với hỏa lực mạnh mẽ, đã chiến thắng miền Nam – nơi tư tưởng phân biệt chủng tộc lạc hậu, vô nhân đạo.
Những cánh hoa rụng lả tả là biểu tượng cho quân đội quý tộc yếu ớt và phù phiếm của miền Nam, vốn chỉ bám vào nông nghiệp để tồn tại. Những bắp ngô hình dáng như đại bác là sức mạnh áp đảo của miền Bắc, chĩa thẳng sang chiến tuyến đối phương.
Khi đặt các yếu tố còn lại vào cái khung của cuộc Nội chiến, mọi việc dần trở nên rõ ràng. Trong tranh là hai đứa bé, nhưng một đứa bé nhỏ, yếu đuối, ngồi dưới đất, đôi mắt ngước lên van xin. Đứa còn lại cao lớn, khỏe khoắn, nhìn xuống với sự tự tin và ngạo nghễ của kẻ mạnh. Đây chính là hai nửa của nước Mỹ, tuy là ruột thịt nhưng tách biệt và đối kháng. Trong tay đứa trẻ lớn là một chiếc tô đựng thức ăn mà nó giữ chặt, từ chối không cho đứa em của mình – ẩn dụ về sức mạnh kinh tế áp đảo của miền Bắc.
Đứa em trai trong tranh. Tuy chiếc váy này có vẻ nữ tính, song thực ra theo truyền thống, trẻ em cả nam và nữ từ 1 đến 2 tuổi trong những năm 1860 đều ăn mặc giống nhau. Người xem có thể nhận biết được giới tính nam của đứa bé nhờ mái tóc ngắn đặc trưng.
Người anh trai trong tranh

Sau cuộc Nội chiến, ánh hào quang giàu có của miền Nam vụt tắt và tầng lớp quý tộc hoàn toàn sụp đổ. Nghèo khó bao trùm khắp miền Nam và những gia đình một thời quý tộc trở nên gần chết đói – các bạn hẳn cũng đã biết qua những chi tiết được miêu tả vô cùng sinh động trong Cuốn theo chiều gió. Vô vàn thuế má và bồi thường đổ xuống khiến miền Nam trở nên kiệt quệ, và đến giờ nhiều bang miền Nam nước Mỹ vẫn rất nghèo. Một đứa trẻ ăn no, nhưng đứa còn lại thì đói và quỳ trên sàn – ẩn dụ không hề hiền lành chút nào về sự phân biệt giàu nghèo và hậu quả chiến tranh.


Bé đói
… và bé no
Có một thứ không hiện diện trong bức tranh nhưng lại để lại một câu hỏi vương vấn: cha mẹ của hai đứa bé ở đâu? Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị lãng quên trong các cuộc chiến tranh, nhưng trẻ mồ côi ở Mỹ sau Nội chiến đã thực sự trở thành một vấn nạn. (theo The Children’s Civil War của James Marten.) Có lẽ phải nhắc lại rằng cuộc Nội chiến để lại sau lưng hơn một triệu thương vong, cùng với đó là vô số mái ấm trở thành “mái lạnh.” Chiếc ghế ở giữa bức tranh cũng là một ẩn dụ mạnh mẽ và hậu quả của Nội chiến.
Vào thế kỉ 19, những chiếc ghế trống thường được đặt ở các đài tưởng niệm hoặc nghĩa trang, thay cho những tấm bia đá.
Một bia đá hình chiếc ghế trống với người thiếu phụ than khóc, tại nghĩa trang Spring Grove ở Cincinnati

Khi những người lính hy sinh ngoài mặt trận, chỗ ngồi của người đó ở bàn ăn trở nên trống trải và thường được để trống để tưởng nhớ người đã khuất. “Chiếc ghế trống” (The vacant chair) của George Frederick Root là một bài hát phổ biến trong Nội chiến, thường được hát vào dịp Lễ Tạ ơn – khi những gia đình người thân của binh sĩ quân quần quanh bàn ăn và nhớ người ra trận. Hình ảnh chiếc ghế trống trong bức tranh ngụ ý về sự ra đi không trở lại của người cha, và khiến bức tranh có một sắc thái buồn và nhức nhối.
     Chiếc ghế trong tranh

Để kết thúc bài viết, xin được trích dẫn một câu nói của John Davis…”Trong những năm tháng khó khăn sau cuộc Nội chiến, người Mỹ mong được vỗ yên bởi sự ngây thơ của trẻ nhỏ.” (Children in the Parlor.) Nhưng nếu chiếu theo bức tranh “Bữa trưa”, trẻ em là tấm gương phản ánh thế giới hơn là sự giải thoát khỏi sự tàn nhẫn của thế giới. Cái nhìn của Johnson là cái nhìn thông cảm và thương xót, nhưng không có ý định xoa dịu và làm mờ đi thực tế.
*

No comments:

Post a Comment