Sunday, April 9, 2017

Trường phái: Baroque - huy hoàng, lồ lộ, gây xúc động


Nếu tôi hỏi bạn rằng “Bạn có phải là fan của âm nhạc Baroque hay không?”, có thể bạn sẽ ngần ngừ trước khi trả lời. Nhưng nếu tôi hỏi lại, rằng bạn đã bao giờ nghe tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi, hoặc các trích đoạn giao hưởng của Bach và Pachelbel trong vô vàn các bộ phim từ Twilight đến Cô nàng ngổ ngáo, các buổi lễ khánh tiết, các đám cưới, hay các bài biểu diễn trượt băng, và bạn gật đầu, thì xin chúc mừng, bạn đã được tiếp cận với âm nhạc Baroque một cách vô thức rồi đó. Thật tuyệt vời khi nhận ra rằng các trào lưu nghệ thuật của quá khứ thật ra chưa bao giờ mất đi và bị lãng quên hoàn toàn, mà chỉ đơn giản là ẩn đi và lặng lẽ tô điểm cho cuộc sống của chúng ta theo những cách bất ngờ nhất.
Nếu tìm về ngọn nguồn xuất xứ của từ Baroque, ta cần đến thăm nàng tiên ngọc trai. “Baroque”, hay barroco, là từ chuyên dụng để chỉ những viên ngọc trai có hình dạng méo mó, không cân xứng hoàn hảo với hàm ý chê bai. Và nghệ thuật Baroque cũng bị chỉ trích vì sự thừa thãi, quá đà của nó. Nhưng nếu ngọc trai Baroque có giá trị đặc biệt chính nhờ sự khác thường thì nghệ thuật Baroque cũng như vậy.
Cũng như Mannerism, Baroque - đứa em út, tiếp tục “được” so sánh với "anh cả" Phục Hưng. Sự cầu kì, điệu bộ, xa hoa của Baroque bị coi là diêm dúa, quê mùa khi đặt cạnh Phục Hưng điềm tĩnh, đối xứng. Song giữa vô vàn những viên ngọc trai Baroque đã chìm vào lãng quên, vẫn còn lại các bản giao hưởng của Bach, truyện Don Quixote, cung điện Versailles, đài phun nước Trevi, và còn nhiều ví dụ khác nữa. Trong bài hôm nay, hãy cùng thưởng thức góc nghệ thuật của trường phái này. 

Mặt dây chuyền trang trí hình thần biển với một viên ngọc trai Baroque làm thân người, gắn thêm ngà voi, vàng, đá quí, tráng men. Khoảng 1680, Hà Lan.

Không khác với Mannerism, một phần lớn quyết định tính chất của nghệ thuật Baroque là yếu tố chính trị. Khi Martin Luther viết những tác phẩm đầu tiên chỉ trích giáo hội công giáo vào năm 1517, ông đã bắt đầu một chuỗi sự kiện có tính chất bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Nhờ có ngành in mới phát triển, ảnh hưởng của chúng càng lan rộng. Để phòng thủ-tấn công, giáo hội Công giáo một mặt vừa cải tổ bên trong, một mặt nhấn mạnh lại những học thuyết, tìm cách gây dựng lại sự sùng kính của các tín đồ.

Martin Luther

Nghệ thuật chính là trợ thủ đắc lực của nhà thờ trong trận chiến đó. Hội đồng Trent, dẫn đầu bởi giáo hoàng Paul III, được thành lập năm 1545. Cương lĩnh của hội đồng là sử dụng nghệ thuật như một công cụ hữu hiệu trong việc đánh trực tiếp vào cảm xúc của đại đa số người dân thất học, mù chữ. Nghệ thuật ấy đương nhiên phải đẹp, nhưng đẹp không chưa đủ, mà còn phải lộng lẫy, vượt quá trí tưởng tượng tầm thường, tạo nên ấn tượng siêu phàm. Có vậy mới khiến những kẻ thất học tin hơn vào quyền năng của Chúa, hay chính xác hơn, của nhà thờ Cơ đốc.
Hội đồng Trent

Và hội họa với chủ đề Thiên chúa giáo phải đạt được đủ các tiêu chí sau:
– Có một cố gắng rõ rệt tìm cách lôi kéo người xem vào tác phẩm, biến người xem thành một phần tác phẩm. Để đạt được điều đó, tranh và tượng Baroque rất thật, cảm xúc mạnh mẽ.
– Không còn sự che giấu, nửa kín nửa hở, đánh đố của Mannerism. Tất cả các hành động, suy nghĩ, tình cảm đều trực tiếp, rõ ràng, mạnh bạo, để cho “ai cũng hiểu được.”
– Để tạo được sự kịch tính, tranh Baroque nhấn mạnh vào sự huy hoàng của khung cảnh, của cơ bắp, của tình yêu-tình dục. Ánh sáng tương phản mạnh, màu sắc rực rỡ, các thân hình xoay chuyển, rung động, lao vào nhau, đè lên nhau. Baroque là một bộ phim hành động sôi nổi, không phải phim arthouse suy tư.
– Chủ đề tác phẩm cần tạo ra sự hồi hộp, xúc động, để “câu khách”: sự hiến thân, cái chết, những ảo ảnh, những trạng thái xuất thần.
Tác phẩm điêu khắc “cổ động” tiêu biểu nhất của Baroque, chắc chắn phải là nhóm tượng của Giovanni Bernini.
“Sự xuất thần của thánh Teresa” (The Ecstasy of St. Teresa), của Giovanni Lorenzo Bernini, 1652

Diễn tả cảnh tượng thánh Teresa thành Avila trong trạng thái xuất thần, Bernini đã dựa trên lời thuật lại của nữ thánh khi thiên thần xuất hiện và “Tôi nhìn thấy trong tay người một ngọn giáo bằng vàng, đầu giáo dường như có một ngọn lửa nhỏ. Người đâm tôi rồi lại rút ra đâm tiếp vào trái tim tôi, và khiến tôi bốc cháy với tình yêu dành cho Chúa. Nỗi đau đớn lớn đến nỗi nó khiến tôi rên rỉ, vậy nhưng sự ngọt ngào đến từ nó khiến tôi mong nó kéo dài mãi không dừng…” Nếu khi đọc đến đây, bạn có một sự liên tưởng gì hơi… lạ thì đúng đấy, Bernini đã gắn sự hạnh phúc tột cùng trong đau đớn của thánh Teresa với nỗi hoan lạc trần tục. Hãy nhìn cử chỉ, tư thế, gương mặt, bàn tay của nữ thánh khi thiên thần ở trên đâm bà với ngọn giáo vàng – ẩn dụ về tình dục là không thể chối cãi.
Một tác phẩm khác, cũng theo dòng chủ đề Baroque thần thánh gặp người trần, là bức tranh diễn tả sự kiện thánh Paul cải đạo trên đường tới Damascus, của Caravaggio.
“Cải đạo trên đường tới Damascus” (Conversion on the way to Damascus), của Caravaggio, 1601

Được vẽ riêng cho nhà thờ Santa Maria del Popolo tại La Mã, bức tranh vẽ cảnh thánh Paul, vị giáo hoàng đầu tiên và nền móng của nhà thờ Cơ đốc, khi ấy vẫn mang tên Saul, ngã ngựa trên đường tới Damascus và nghe thấy lời truyền của chúa Jesus. Thánh Paul chính là người nằm ngửa trên mặt đất, hai cánh tay giang ra bên cạnh chú ngựa cùng người bạn đồng hành. Caravaggio là bậc thầy về ánh sáng, và đây là một trong những ví dụ hoàn hảo nhất. Giữa màn đêm tối tăm, một điểm sáng cực mạnh chiếu rọi lên thánh Paul, trong khi phần còn lại chìm trong bóng đen – Caravaggio nhấn mạnh rằng thánh Paul chính là người duy nhất trong bức tranh kết nối với Chúa và được ánh sáng kì diệu của Thiên Chúa chiếu rọi. Trong tranh chú ngựa mới ở chính giữa còn thánh Paul không những bị vẽ rút gọn theo luật xa gần mà còn quay lưng lại người xem,  thế nhưng Paul mới là trung tâm, là nhân vật chính. Caravaggio vừa phân bổ ánh sáng, vừa đặt Paul ở vị trí gần nhất với khán giả để nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoảnh khắc này.
Hãy tạm rời những chủ đề quá mạnh mẽ để chiêm ngưỡng Bốn lục địa của Rubens, một cách tiếp cận tôn giáo lãng mạn và êm ái hơn.
“Bốn lục địa” (The four continents), của Peter Paul Rubens, 1615

Rubens, một họa sĩ Hà Lan đến từ Antwerp không chỉ chịu ảnh hưởng của Michelangelo, Raphael, và Leonardo de Vinci mà còn học tập Titian và Tintoretto. Trung thành với nhà thờ Cơ Đốc giáo, Rubens hưởng ứng phong trào Cải cách một cách nhiệt thành. Những bức tranh của ông là sự kết hợp của tôn giáo, lịch sử, và thần thoại. Rubens là đại diện của Baroque lãng mạn và quyến rũ. Những người phụ nữ nẩy nở má hồng là một thương hiệu riêng của Rubens, và đến giờ từ “Rubenesque” vẫn được sử dụng để chỉ những cơ thể đầy đặn, phổng phao. Nếu Caravaggio giỏi về ánh sáng thì thế mạnh của Rubens là cách dùng màu sắc tươi nhưng không rợ. Những motif thiên thần, tình yêu, thể xác cũng xuất hiện dồi dào trong tranh của Rubens. Trong bức tranh nay, bốn lục địa được nhân cách hóa thành bốn người phụ nữ quây quần, hòa đồng trong niềm tin tưởng tuyệt đối và sự thần phục hoàn toàn với Thiên chúa. Tuy nhiên nếu không có cốt truyện hay ho đó, thật khó thấy bất kì một mối liên hệ nào giữa những người phụ nữ phốp pháp trong vòng tay các ông râu dài với tính mộ đạo!
Cuối cùng, để tổng kết lại bài viết nhập môn về Baroque, hãy tới thăm Rembrandt. Bức tranh vẽ Andromeda bị trói trên núi đá là lần thử sức đầu tiên của Rembrandt với tranh khỏa thân.
“Andromeda bị trói vào núi đá” (Andromeda chained to the rocks), của Rembrandt, 1631

Chủ đề về Andromeda đã bị khai thác không thương tiếc trong nghệ thuật cổ điển – một cái cớ đàng hoàng để vẽ một người phụ nữ đẹp trần trụi bị trói. (Các cụ ngày xưa đã thích tranh bondage rồi.) Câu chuyện của Andromade được thuật lại trong Metamorphoses của thi hào Ovid, khi sắc đẹp chính là lời nguyền độc (nhất là khi có một bà mẹ huênh hoang.) Trước Rembrandt, Andromeda đã “qua tay” Titian, Goltzius, và cả Rubens nữa. Nhưng Rembrandt đã đem đến một góc nhìn hoàn toàn khác về Andromeda. Thay vì phô diễn kĩ thuật vẽ nude hay khoe khoang vẻ gợi cảm của người con gái đẹp, Rembrandt khắc họa Andromeda đúng như một cô gái sợ hãi vì sắp bị ăn thịt: đôi mắt hoảng sợ, gương mặt nhút nhát, tư thế khom khom. Thân thể trắng trẻo của nàng được chiếu sáng loá, nhưng không nhằm mục đích ca tụng mà như đặt nàng vào một vị trí nguy hiểm. Andromeda này là một mục tiêu dễ dàng, như chú nai nhỏ sắp bị ô tô cán đến nơi. Nói cách khác, Andromeda của các họa sĩ trước đây chỉ là người mẫu, nhưng Andromeda của Rembrandt là một nữ diễn viên thực thụ.
Kéo dài từ 1590 đến 1725, những thành tựu của Baroque khiến những người đương thời và các thế hệ sau, dù muốn hay không, cũng không thể không bị nó cuốn hút và chinh phục. Khi Baroque thoái trào, chuyển sang một giai đoạn nhẹ nhõm, tươi tắn hơn, chúng ta có Rococo.

*

No comments:

Post a Comment