Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

Ông Nhật Chiêu từng phát biểu: “Nghệ thuật của Hồng Lâu Mộng trác tuyệt ở chỗ nó tự nhiên như chính đời sống đến mức gần như “phi nghệ thuật.” Hầu như không có dấu vết của công phu và nhân tạo. Vậy mà hễ chạm vào nó là mê: Hồng mê.” Đã trót ghiền Hồng Lâu Mộng thì lâu lâu lại phải giở ra đỡ nhớ, mà không giở ra thì thôi, đã giở là cắm đầu đọc không nghỉ. Người trong giới yêu Hồng Lâu Mộng vì nó như kho tàng vô tận, mỗi lần đọc lại “cảm” hơn một ít. Trải nghiệm cuộc đời càng nhiều thì lại càng dễ khóc cười với tác phẩm. Trong bài này tôi muốn phân tích nhân vật phụ Hạ Kim Quế để tìm hiểu một hiện tượng quen thuộc: sự ghen tuông của phụ nữ.



Hạ Kim Quế và chồng


Ai chưa từng trải qua ghen tuông? Kể cả không trực tiếp dính dáng chắc cũng đã lọt tai vài câu chuyện đánh ghen đầu làng cuối phố. Nhưng phải nói thật là chị em bây giờ còn sướng hơn phụ nữ ngày xưa nhiều. Chế độ phụ hệ ngày xưa cho phép đàn ông năm thê bảy thiếp, thấy bông hoa mới và đẹp thì vô tư mang về nhà cắm vào lọ. Văn hóa Trung Quốc lại giáo dục phụ nữ tốt “không ghen tuông,” càng khiến nhà trong lửa cháy bừng bừng. Hoàng đế của Lưu Tống là Minh Đế thậm chí còn ra lệnh cho Ngu Thông Chi viết cuốn Đố phụ ký (ghi chép về sự đố kị của phụ nữ) để “giáo huấn” phụ nữ.

Ở đời, hễ cảm xúc tự nhiên mà bị can thiệp, ức chế thì lại càng méo mó biến dạng. Thế nên phụ nữ Trung Quốc hồi xưa không ghen thì thôi, đã ghen thì thật là kinh khủng. Ngoài các thủ đoạn triệt hạ đối thủ, có người còn sẵn sàng quyết liệt lấy cái chết để phản đối. Tại sao người ta gọi đàn bà ghen là “hũ giấm,” “giấm chua,””uống giấm?” Tất cả bắt nguồn từ việc ông Nhiệm Khôi được vua Đường Thái Tôn thưởng cho hai cô hầu xinh, vợ tức quá không chịu. Vua gọi vào bảo nếu cứ khăng khăng cay cú thì uống rượu độc chết đi. Bà ta không ngần ngừ uống ngay. Hóa ra không phải rượu độc mà chỉ là giấm. Nhà vua sợ quá đành phải lấy lại hai nàng hầu. Quả thật đối với hạng người đến chết còn không sợ thì không thể lấy cái chết ra mà dọa được.

Cái ghen của đàn bà trong Hồng Lâu Mộng biểu hiện thế nào? Hầu hết những người vợ trong truyện đều tỏ ra an phận với chế độ một ông nhiều bà, thậm chí còn “dễ thương” đến mức nài nỉ đi hỏi vợ bé cho chồng như Hình phu nhân hỏi Uyên Ương cho Giả Xá!

Hình phu nhân thuyết phục Uyên Ương làm vợ bé cho chồng mình trong chương “Người liều lĩnh khó thoát việc liều lĩnh, gái Uyên Ương thề dứt bạn uyên ương”. 

Đối với những gia đình quý tộc, quan lại, chuyện đàn ông nạp thiếp là đương nhiên, không có mới kì quặc. Ngay Lâm Đại Ngọc cũng chỉ ghen tuông với Tiết Bảo Thoa, Sử Tương Vân vì họ là đối thủ tranh ngôi vị “vợ cả” của nàng, chứ với Tập Nhân – nàng hầu của Bảo Ngọc, nàng không ghen. Một khi đã sinh ra trong nền văn hóa trọng nam khinh nữ thì tư tưởng chồng chúa vợ tôi đã ngấm vào máu, lại thêm nhiều cặp vợ chồng kết hôn chỉ để củng cố địa vị và quan hệ giữa hai dòng họ chứ tình yêu nào có, nên điều này không đáng ngạc nhiên cho lắm.

Trong cả Hồng Lâu Mộng chỉ có hai bà ghen thật sự với các cô vợ bé, ghen đến mức phát tiết thành hành động trả thù: Hạ Kim Quế và Vương Hy Phượng. Tôi bàn về Hạ Kim Quế trước bởi ghen tuông chỉ là một khía cạnh trong tính cách của Phượng ớt. Ngoài ra, Phượng ớt còn nhiều tội “to” hơn, đáng bàn kĩ hơn ở bài sau. Hạ Kim Quế ngược lại là một bức tranh biếm họa điển hình, một nhân vật mà tính cách chủ đạo là ghen giống như nữ thần ghen tuông Invidia của La Mã vậy.

Tranh vẽ minh họa Hạ Kim Quế

Trước tiên xin nói sơ qua về nhân vật Hạ Kim Quế. Cô nàng này là tiểu thư của nhà bán hoa quế họ Hạ, nhà giàu lại có nhan sắc nên “tôn mình như Bồ Tát, coi người khác như bùn”. Là vợ cả Tiết Bàn nhưng xem chừng lại ghê gớm, hung dữ hơn cả chồng, đối xử với người dưới thì độc ác, mẹ chồng thì hỗn láo. Vì tên của nàng ta có chữ “kim” và chữ “quế” nên hễ ai nhắc đụng tới là đánh tập tàn nhẫn. Xin thử phân tích mà coi, hoa quế có đặc điểm gì? Xinh xắn, thơm tho, và nở… vào mùa đông! Hoa quế mà nở mùa hè (hạ) thì nhất định là hoa quế rởm rồi, dù có dát vàng (kim) đi chăng nữa! Tào Tuyết Cần cũng mô tả Hạ Kim Quế “bề ngoài thì tươi đẹp như bông hoa, nhưng bên trong lại có tính nóng nảy như sấm sét”. Cái tính xấu và giả tạo của Hạ Kim Quế vậy là được hàm ý ngay từ cái tên. Lại để ý họ của Tiết Bàn mà xem: chữ tiết đồng âm với chữ tuyết. Tuyết mà gặp mùa hè thì chịu sao thấu! Bảo sao “Tiết Bàn cũng không biết làm thế nào nữa, chỉ hối hận mình chỉ vì một lúc không nghĩ kỹ, lấy phải con yêu tinh ấy.”

Hạ Kim Quế hành hạ Hương Lăng

Hạ Kim Quế ghen với Hương Lăng, nàng hầu của Tiết Bàn. Hương Lăng địa vị, gia cảnh đều kém Hạ Kim Quế, ghen như thế là có lý không? Thú thực là có lý. Người Trung Quốc thường nói: thê không bằng thiếp, thiếp không bằng tỳ (nàng hầu,) nàng hầu không bằng kỹ nữ. Đã là thê thì phải đảm bảo bốn điều: vợ hiền, mẹ tốt, dâu thảo, nghiêm phụ. Lại phải khuyên răn chồng lập công danh, không được quyến rũ chồng để lơ là nghiệp lớn, chậm trễ báo hiếu cha mẹ. So với thê, vai trò của thiếp nhẹ hơn nhiều. Vì thế tình trạng các ông chồng sủng ái thiếp hơn thê là một “vấn nạn” có thật mà thê phải đương đầu. Sự đề phòng, dè chừng của Hạ Kim Quế với Hương Lăng còn lớn hơn bởi dĩ Hương Lăng đã làm nàng hầu cho Tiết Bàn, chăm sóc Tiết phu nhân từ rất lâu rồi. Đoạn sau cho thấy rõ sự thù ghét sủi tăm dưới bộ mặt tươi tỉnh của Hạ Kim Quế:

Một hôm, Kim Quế ngồi rỗi nói chuyện phiếm với Hương Lăng, hỏi đến cha mẹ quê quán, thì Hương Lăng đều nói đã quên mất cả. Kim Quế không bằng lòng, cho là có ý nói dối, rồi hỏi:
– Hai chữ “Hương Lăng” ai đặt cho đấy?
– Cô Bảo đặt cho đấy.
– Ai cũng nói cô Bảo thông, nhưng chị xem cái tên này thì thật là không thông.
– Mợ nói cô Bảo không thông, là vì mợ chưa bàn luận với cô ấy thôi. Cứ kể ra sức học của cô ấy thì ngay ông lớn bên phủ Giả cũng thường khen đấy.
Kim Quế nghe thấy nói thế, ngoảnh mặt đi, bĩu môi, khịt mũi, cười nhạt nói:
– Khi hoa ấu nở có mùi thơm đâu? Nếu bảo là hoa ấu thơm, thì các hoa thơm khác sẽ để nào chỗ nào? Thực là rất mực không thông.
Hương Lăng nói:
– Không những hoa ấu thơm, ngay đến lá sen, gương sen cũng đều có một mùi thơm mát. Nhưng mùi thơm ấy không thơm bằng mùi hoa, nếu khi thanh vắng, hoặc sáng sớm hay nửa đêm, ta chịu khó thưởng thức, thì cái mùi ấy cũng thơm mát như hoa. Ngay cả đến hoa ấu, hoa súng, lá lau, gốc sậy, nếu được hơi mưa móc vun tưới, thì cái mùi thơm mát ấy cũng làm cho người ta tỉnh táo nhẹ nhàng.
– Theo như cô nói, thì hoa quế, hoa lan thơm không ra gì à?
Hương Lăng đương lúc hăng, quên cả kiêng kỵ, thuận miệng nói luôn:
– Mùi thơm của hoa lan hoa quế thì hoa khác không thể bì được.
Nói chưa dứt câu thì a hoàn của Kim Quế tên là Bảo Thiềm trỏ ngay vào mặt Hương Lăng mắng:
– Cô đáng chết! Sao dám gọi tên mợ ra?
Hương Lăng chợt nghĩ ra, băn khoăn ngượng nghịu vội cười thưa:
– Tôi trót buột miệng, xin mợ đừng để ý.
Kim Quế cười nói:
– Làm gì có chuyện ấy. Cô thực cẩn thận quá. Nhưng tôi nghĩ chữ “Hương” vẫn không ổn, muốn đổi ra một chữ khác, không biết cô có bằng lòng hay không?
Hương Lăng cười nói:
– Sao mợ lại nói thế? Ngay thân tôi bây giờ cũng là thuộc về mợ rồi, đổi một chữ tên mà mợ lại hỏi tôi có bằng lòng hay không? Như thế tôi đâu dám nhận. Mợ xem chữ nào hay thì đặt tên cho tôi chữ ấy.
Kim Quế cười nhạt:
– Cô nói cũng đúng đấy, nhưng chỉ sợ chị Bảo để bụng thôi.
Hương Lăng cười thưa:
– Mợ chưa biết, lúc trước mua tôi về, cốt để hầu mẹ thôi, nên cô Bảo đặt cho tôi cái tên ấy. Về sau tôi sang hầu cậu và bây giờ có mợ về đây, lại càng không dính dáng gì đến cô ấy nữa. Vả chăng cô ấy là người hiểu đời thì việc ấy làm gì mà phải tức giận?
– Cô đã nói thế thì chữ “hương” không ổn bằng chữ “thu”. Vì mùa thu thì củ ấu, hoả ấu mọc nhiều, như thế chẳng có gốc tích hơn chữ “hương” hay sao?
– Thôi tôi xin nghe lời mợ.
Từ đấy Hương Lăng đổi tên là Thu Lăng. Bảo Thoa cũng chẳng để ý đến.

Khi đọc lướt có thể cho rằng, Hạ Kim Quế chẳng qua bắt nạt Bảo Thoa không được nên tìm cách xỏ xiên, phủ nhận cái tên Bảo Thoa đặt cho Hương Lăng mà thôi. Nhưng việc đổi tên đấy còn có hàm ý khác. Hoa lăng là củ ấu, nhưng chữ “lăng” còn có nghĩa lăng mộ, kết hợp với chữ “thu” lại càng mang ý nghĩa chết chóc, tiêu cực. Ý đồ nham hiểm của Hạ Kim Quế muốn ám hại Hương Lăng đã được tác giả báo trước từ câu chuyện đổi tên tưởng chừng vô thưởng vô phạt này.

Hạ Kim Quế gài cho Hương Lăng bước vào đúng lúc Tiết Bàn đang sàm sỡ Bảo Thiềm, khiến Tiết Bàn tức giận đánh đập Hương Lăng

Kế đó, Hạ Kim Quế bắt đầu kế hoạch cô lập Hương Lăng và Tiết Bàn, cắn răng dùng Bảo Thiềm làm mồi, bụng bảo dạ sẽ “xử lí” Bảo Thiềm sau. Hạ Kim Quế lại tự làm hình nhân thế mạng, gài tội cho Hương Lăng, quậy tung cả nhà Tiết phu nhân. Đỉnh điểm của quá trình tranh đấu mang hơi hướng… Byzantine này là lúc Hạ Kim Quế định quyến rũ cậu em chồng Tiết Khoa, bị Hương Lăng vô tình phá bĩnh. Từ đấy, Hạ Kim Quế quyết chí diệt trừ Hương Lăng bằng được.

Sự ghen tuông của Hạ Kim Quế không chỉ tác động đến Hương Lăng, Tiết Bàn, Bảo Thiềm, Bảo Thoa, Tiết phu nhân, mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ cả với người ngoài cuộc: Bảo Ngọc. Trong Đại quan viên, hay thế giới lý tưởng của Bảo Ngọc, các chị em đều phong nhã, thướt tha, đối đãi với nhau tử tế. Theo cái lý của Bảo Ngọc, Hạ Kim Quế xinh xắn như đóa hoa, ắt không thể cư xử như ác quỷ. Đứng trước một sự việc mà cậu ta không có khả năng lý giải (Hạ Kim Quế là bông hoa rởm,) Bảo Ngọc rơi vào trạng thái buồn bực. Cậu bèn tìm sự cố vấn của Vương Nhất Niêm, một lương y – lang băm khéo mồm:
Vương Nhất Niêm sợ quá không chờ Bảo Ngọc hỏi lại, liền nói:
– Xin cậu cứ kể rõ bệnh ra.
Bảo Ngọc nói:
– Tôi hỏi thấy có thứ cao nào dán khỏi được bệnh ghen của đàn bà không?
Vương Nhất Niêm vỗ tay cười nói:
– Việc ấy thì chịu thôi, không những không có bài thuốc, mà tôi cũng không nghe ai nói đến bao giờ.
– Như thế thì thuốc cao ấy cũng chả ra cái gì.
– Không có thuốc cao chữa bệnh ghen, chỉ có thứ thuốc uống may ra chữa được. Nhưng phải dần dần chứ không thể khỏi ngay được.
– Thuốc gì? Cách uống thế nào?
Thuốc ấy gọi là thuốc “chữa ghen”: lấy một quả lê mùa thu hạng tốt, hai đồng cân đường, một đồng cân trần bì, ba bát nước, sắc đến khi lê chín thì được. Sáng nào cũng ăn một quả và cứ ăn đi ăn lại mãi thì khỏi.
– Như thế chả đáng bao nhiêu, chỉ sợ không chắc đã có công hiệu.
– Một thang không khỏi thì uống mười thang, hôm nay không khỏi thì ngày mai uống tiếp, năm nay không khỏi thì sang năm. Vì ba vị thuốc này đều nhuận phế khai vị, không hại đến người. Vừa ngọt lừ, khỏi ho, lại dễ uống. Uống đến khi một trăm tuổi, thế nào người cũng phải chết, chết rồi thì còn ghen vào đâu nữa? Bấy giờ là kiến hiệu đấy.
Bảo Ngọc và Dính Yên đều cười và mắng:
– Thật là đồ đầu trâu bẻm mép.

Lê mùa thu đã ngọt, sên nước đường lại càng ngọt, dùng cái ngọt để áp chế giấm chua, thật là logic làm sao. Nhưng phải chờ chết đi mới có công hiệu, tóm lại vòng vèo chỉ để nói rằng ghen là căn bệnh mãn tính không có thuốc chữa! Bài thuốc chữa ghen – “liệu đố thang” đó tưởng chỉ là một câu chuyện cười mua vui, nhưng thực tế diễn biến những hồi sau đã xảy ra đúng y như vậy. Bệnh ghen của Hạ Kim Quế chấm dứt khi Hạ Kim Quế tìm cách đầu độc Hương Lăng, cuối cùng lại giết chính mình. Khi Hạ Kim Quế chết, “lỗ mũi con mắt đều chảy máu, đang vật vã giữa đất, hai tay cào bụng, hai chân giãy đành đạch” khiến Tiết phu nhân chết khiếp. Điều tra ra, Hạ Kim Quế nấu bát canh đổ thạch tín, định để Hương Lăng ăn, nhưng Bảo Thiềm đã vô tình đánh tráo lại, khiến Hạ Kim Quế trở thành tự mình hại lấy mình. Người viết khéo để cho chính Hạ Kim Quế và Bảo Thiềm – một nạn nhân kiêm đồng phạm trong “tội ghen” của Hạ Kim Quế – chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ ám sát ngược này. Nào phải thạch tín hại chết cô ta mà chính là căn bệnh ghen tuông mới là thủ phạm vậy. Vì ghen tuông mà chết, chết là hết ghen, thật gọn ghẽ. Nói cách khác, ghen tuông chính là thứ thuốc độc hạng nhất.

Hạ Kim Quế ngộ độc thạch tín

Phân tích kĩ hơn, có thể thấy cách mô tả có phần nghiệt ngã, khắt khe của người viết với Hạ Kim Quế đã phản ánh phần nào tư tưởng của thời đại. Việc nạp thiếp được lễ giáo phong kiến cho phép, nên thê thường rút về “tuyến hai,” tìm cách áp bức, hành hạ, thậm chí mưu sát thiếp như Hạ Kim Quế. Hành động ghen tuông này đương nhiên bị giới đàn ông phản đối cật lực, thậm chí người đàn ông thương hoa tiếc ngọc nhất trong Hồng Lâu Mộng là Giả Bảo Ngọc cũng không thông cảm nổi. Vì thế việc Hạ Kim Quế bị đem ra làm cái bung xung xấu xí, làm “câu chuyện cảnh giác” để khuyên phụ nữ không ghen tuông âu cũng phù hợp với mạch tư tưởng của Hồng Lâu Mộng. Ghen chưa chắc đã là tình, nhưng ghen chắc chắn là một sản phẩm phụ của tình, do vậy tội ghen bị trừng phạt, suy đi tính lại, cũng là bởi tình mà ra. Hạ Kim Quế vì thế cũng có thể liệt vào những nạn nhân chết vì tình trong Hồng Lâu Mộng. Tuy vậy, tội ghen khiến Hạ Kim Quế phải đứng “đội sổ” trong Kim Lăng thập nhị thoa phó sách, xếp sau hai chị em nhà họ Vưu, Uyên Ương, Bình Nhi, Trí Năng, và kẻ thù số một – Hương Lăng.

*

No comments:

Post a Comment