Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: Giả Thám Xuân - con phượng hoàng sinh trong ổ quạ


Giả Thám Xuân – tranh minh họa trong sách Hồng Lâu Mộng

Trong số những cô gái của Hồng Lâu Mộng, Giả Thám Xuân là cô gái có cá tính cứng cỏi nhất trong mười hai thoa, song vẫn giữ được khí chất cao đẹp của một vị thiên kim tiểu thư. Cái mạnh mẽ của Thám Xuân thật đường hoàng, hơn hẳn Vương Hy Phượng chỉ được cái khôn vặt, nham hiểm, trên đội dưới đạp. Vương Hy Phượng cũng rất thú vị, người ta muốn ghét nàng cũng không ghét nổi, muốn yêu nàng lại càng khó hơn, song con phượng hoàng thực sự trong Hồng Lâu Mộng là Giả Thám Xuân. Tào Tuyết Cần dụng công mô tả những mặt đối lập của nhân vật này, lại bày đặt những đầu mối giúp người đọc đoán được số phận nàng.

Giả Thám Xuân là cô ba trong “Giả Phủ Tứ Xuân”, về thứ tự nàng xếp sau Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, trên Tích Xuân. Lần đầu Giả Thám Xuân xuất hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Lâm Đại Ngọc:

Cô thứ hai, vóc dáng tròn trặn, người dong dỏng cao, mặt trái xoan, mắt sắc, lông mày dài, nhìn ngắm tình tứ, thanh tú khác thường, trông như thoát hẳn trần tục.

Trong bốn cô Xuân, trừ Nguyên Xuân đã vào cung không kể, nàng là cô gái đẹp nhất, thường được xếp chung với nhóm Đại Ngọc, Bảo Thoa, Tương Vân, Bảo Cầm. Không chỉ đẹp, Thám Xuân còn có khí độ vô cùng đặc biệt. Thám Xuân có con mắt tinh đời, khiếu thẩm mỹ rất tốt. Những đồ vật xa hoa nàng không coi vào đâu, ngược lại chỉ thích những thứ bình dị mà tinh xảo. Đoạn nàng nhờ Bảo Ngọc mua đồ chơi diễn tả rất khéo điều này:

– Mấy tháng nay em có dành dụm được mười quan tiền, anh cầm lấy, khi nào ra chơi phố, thấy có bức chữ hay vẽ đẹp, hoặc đồ chơi xinh xắn, anh mua hộ mang về cho em.
– Thỉnh thoảng anh cũng có đi qua các nhà, các miếu ở trong thành, ngoài thành, chẳng thấy cái gì mới lạ, xinh xắn cả, chỉ có những đồ vàng, ngọc, đồng, sứ, và những thứ đồ cổ không có chỗ vất; rồi đến các thứ vóc, nhiễu và các đồ ăn thức mặc thôi.
– Ai cần gì đến những thứ ấy! Như lần trước anh mua cái lẵng hoa bằng cành liễu, hộp phấn bằng rễ trúc, cái lồng ấp bằng đất thó, trông rất đẹp, em thích lắm. Mà chị em ai cũng thích cả. Họ coi những thứ này như của báu, có cái nào là cướp mất cái ấy.
– Nếu em thích những cái ấy, thì chẳng đáng mấy đồng tiền, cứ cho người nhà mang mấy quan tiền đi, sẽ mua được hàng xe.
– Bọn người nhà biết gì? Anh đi chọn lấy cái gì mộc mạc mà không tục, thì mua nhiều về cho em.



Thám Xuân có sở trường thư pháp. Khuê phòng của nàng được Tào lão gia miêu tả tinh tế mà vẫn phóng khoáng, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp, trong sáng:

Bọn Phượng Thư vào buồng Thám Xuân, thấy các chị em đang cười đùa. Thám Xuân vốn thích rộng rãi, ba gian nhà ở đều để thông luôn. Giữa nhà kê một cái bàn to bằng đá Đại Lý, trên bàn có các loại bút thiếp của cái bậc danh nhân, cùng mấy chục cái nghiên báu, và các thứ ống bút; bút cắm ở ống như rừng cây. Một bên bày cái lọ sứ Như Châu to bằng cái đấu, cắm đầy hoa cúc trắng như thủy tinh. Phía tường bên Tây treo một bức họa “Yên vũ đồ” của Mễ Tương Dương. Hai bên treo hai câu đối, bút tích của ông Nhan Lỗ công: Phong lưu cảnh đượm màu mây khói, chất phác người quen thú suối rừng. Trên án đặt một cái đỉnh lớn, trên cái giá gỗ đàn tía ở bên tả đặt một cái mâm sứ lớn, trên mâm bày mấy chục quả phật thủ vàng tươi; trên cái giá sơn ở bên hữu treo một cái khánh Tị Mục bằng ngọc trắng, bên cạnh treo một cái dùi nhỏ.

Khuê phòng như vậy, Giả Thám Xuân đương nhiên là người có năng khiếu văn chương. Vẫn biết Đại Ngọc, Bảo Thoa có tài làm thơ, nhưng phải nhờ đến Thám Xuân ra tay tập hợp, Đại Quan Viên mới có Hải Đường thi xã. Bảo Ngọc cũng phải bất ngờ thốt lên “không ngờ em Ba phong nhã thế.”

Các chị em mở thi xã trong Đại Quan viên

Loài cây ưa thích của Thám Xuân chính là cây ba tiêu (cây chuối), nên nàng tự xưng là Tiêu hạ khách, phong cách đặc biệt ấy khiến mọi người đều trầm trồ khen hay. Hình tượng cây chuối trong thơ ca cổ điển Trung Quốc vừa có khí độ quân tử, lại có duyên ngầm kín đáo, rất hợp với Thám Xuân. Những bức họa mô tả nàng do vậy thường vẽ Thám Xuân tay cầm sách, có khi ngồi cạnh tàu ba tiêu. Chính Thám Xuân đã từng tuyên bố nếu nàng sinh ra là đàn ông, hẳn đã tự lập được công danh rạng rỡ.


Vì những nét đẹp kể trên, Thám Xuân còn được mệnh danh là “cô Ba hoa hồng”. Đầy tớ của Phượng Thư đã giải thích nguyên do như sau: “Hoa hồng vừa đỏ vừa thơm, ai mà chẳng phải yêu, có điều lắm gai thôi.” Quả vậy, không những trong số các cô gái ở vườn Đại Quan nàng ghê gớm nhất, mà ngay cả những người hầu dày dạn và các bà phu nhân cũng phải dè chừng Thám Xuân. Khi Phượng Thư bị ốm, Thám Xuân thay nàng trông nom việc nhà cửa. Bọn người hầu tưởng có thể qua mặt cô tiểu thư non nớt nên định nhờn mặt, xong bị nàng sửa đâu ra đấy, không dám ngo ngoe. Thái độ của các nô tài, nô tì trong phủ Giả đối với Phượng Thư có bảy phần sợ sệt, ba phần căm ghét, còn đối với Thám Xuân là bảy phần kính trọng, ba phần sợ sệt. Phượng Thư cũng biết tính nàng khác hẳn mọi người nên hết sức tôn trọng, không dám khiến nàng mếch lòng. Một lần các bà già đi khắp vườn Đại Quan tra xét, lục rương hòm a hoàn để truy tìm một vật cấm. Vợ Vương Thiện Bảo là một bà già ngu xuẩn, nghĩ Thám Xuân là cô gái yếu đuối nên có ý coi thường, định làm nhục nàng để lên mặt với bọn người dưới. Lập tức bà ta bị đòn đau:

Mụ cho Thám Xuân chỉ giận một mình Phượng Thư thôi, không can gì đến mụ, nên muốn nhân đó làm bộ, liền đi lên trước mọi người, kéo vạt áo Thám Xuân, cố ý giơ lên một cái cười hì hì nói:
– Ngay trong mình cô tôi cũng khám cả rồi, chẳng thấy gì cả.
Phượng Thư thấy mụ làm thế vội nói:
– Già đi thôi, đừng giở trò rồ dại nữa.
Chưa dứt lời thì nghe “bốp” một tiếng, vợ Vương Thiện Bảo bị Thám Xuân tát một cái vào mặt. Thám Xuân nổi giận, trỏ vào vợ Vương Thiện Bảo hỏi:
– Mày là hạng gì dám nắm lấy áo tao. Chẳng qua tao nể mặt bà, thấy mày cũng đã có tuổi, nên mới gọi mày là già, mày lại chó cậy chủ nhà, càng ngày càng bậy, dám lên mặt với tao à! Mày cứ tưởng tao cũng dễ tính như cô mày, mặc cho chúng bay khinh rẻ, mày nghĩ thế là nhầm rồi!
Giả Thám Xuân tát vợ Vương Thiện Bảo

Tính cách Thám Xuân cương cường như vậy có một phần rất lớn là do hoàn cảnh xuất thân của nàng. Thám Xuân là em gái của Bảo Ngọc, nhưng chỉ cùng cha. Mẹ Bảo Ngọc là Vương phu nhân, vợ cả của Giả Chính. Mẹ đẻ Thám Xuân là dì Triệu, vợ bé. Theo tôn ti trật tự của xã hội phong kiến, không những con gái không bằng con trai mà con vợ bé cũng không bằng con vợ cả. Có nhiều trường hợp thê “cướp” con trai của thiếp, thiếp cũng đành nuốt nước mắt chấp nhận. Kể cả con của thiếp nhận thê làm mẹ, chỉ coi thiếp như người hầu kẻ hạ, thiếp cũng phải chịu. Nhưng dì Triệu lại là người đàn bà ti tiện, xấu xa, luôn bày kế hãm hại Bảo Ngọc, ghét cả Thám Xuân, nên sự thông cảm của người đọc dành cho bà ta hầu như rất ít. Những hành vi, lời nói tục tĩu của dì Triệu gây cho Thám Xuân không ít tức giận và xấu hổ. Nàng đẹp, thông minh, được Giả mẫu yêu thương, nhưng sự tôn trọng mọi người dành cho nàng luôn bị đe dọa bởi bà mẹ đẻ địa vị thấp kém, lại hay gây chuyện. Bởi tinh thần ức chế nên nàng khó tính, chua cay, hay nói lời cay đắng. Theo như lời thằng Hưng nói, “Đáng tiếc là cô ấy lại không phải bà Hai đẻ ra, thực là ‘phượng hoàng đẻ trong tổ quạ’”, thật là nhận xét chuẩn xác. Dì Triệu cũng tự ý thức được điều đó nên khi Thám Xuân sắp đi lấy chồng, bà ta liền nói kháy:

Dì Triệu vừa nghĩ vừa chạy đến bên Thám Xuân mừng cho cô ta, và nói:
– Cô ơi! Cô là người sắp bay cao rồi. Về nhà chú rể tất nhiên là tốt hơn ở đây, chắc cô cũng bằng lòng. Tôi sinh ra cô bấy lâu, chưa hề nhờ được gì, dù cho tôi có bảy phần xấu, cũng còn ba phần tốt, đừng có đi rồi cô bỏ quên ngay tôi.
Thám Xuân nghe nói chẳng có nghĩa lý gì cả, nên chỉ cúi đầu làm việc, không nói nửa lời.

Trong mắt dì Triệu, Thám Xuân là con phượng hoàng sắp bay khỏi cái tổ quạ, khiến cho bà ta vừa hậm hực, vừa nhẹ nhõm. Song số phận của Thám Xuân không chỉ gắn với hình ảnh chim phượng, mà còn cả cái diều nữa. Trong truyện, cái diều xuất hiện ba lần để ám thị tương lai của nàng. Lần thứ nhất là trong sổ tiền định ở Thái Hư ảo cảnh:

Mặt sau lại vẽ hai người thả diều, một vùng bể lớn, một cái thuyền lớn, trong thuyền có một cô gái bưng mặt khóc. Sau bức họa có bốn câu:
Chí cao tài giỏi có ai bì,Gặp lúc nhà suy, vận cũng suy,Nhớ tiếc thanh xuân ra bến khóc.Gió đông nghìn dặm mộng xa đi.

Hai người thả diều trong tranh ứng vào Giả Chính và Vương phu nhân – cha và mẹ cả của Thám Xuân. Việc cho Thám Xuân đi lấy chồng xa chính là quyết định của họ. Đây là lá số tiền định chính thức của nàng.


Lần thứ hai, ở hội thi đố đèn:

Giả Chính lại xem câu đố của Thám Xuân:
Trẻ con ngửa mặt nhìn trời,
Thanh minh là tiết dong chơi hợp thì.
Mỏng manh một sợi du ti,
Biệt ly đừng có trách gì gió đông.
                              (Đố một đồ chơi)
Giả Chính nói:
– Đó là cái diều.

Lúc đó, Giả Chính lo buồn vì những câu đố đèn do các chị em đặt ra đều báo hiệu việc không lành. Quả vậy, Nguyên Xuân đố cái pháo nổ tan tành, về sau chết trẻ, Tích Xuân đố cái đèn đại hải treo cửa Phật, cuối cùng xuất gia đi tu. Thám Xuân đố cái diều, số phận nàng là phải rời khỏi quê hương.
Lần thứ ba, ở lần các chị em chơi thả diều. Sự ám thị lần này được diễn tả rất thơ mộng. Những lần đọc trước tôi đều bỏ qua đoạn này, bây giờ mới thấy dụng ý của tác giả:

Thám Xuân đương định cắt dây cái diều phượng hoàng của mình, chợt nhìn thấy một cái diều phượng hoàng đang bay lên trời, liền nói:
– Không biết cái kia của ai?
Mọi người đều nói:
– Cô cứ cắt cái của cô đi, xem nó quấn lại với nhau thế nào?
Nói xong, thấy cái diều phượng hoàng này dần dần bay sát lại chập vào cái diều phượng hoàng kia. Mọi người đương định rút dây lại, thấy cái diều kia cũng rút dây. Hai cái đương quấn với nhau, lại thấy một cái diều thật to, có chữ “Hỷ” long lanh, có cả sáo vang lên như tiếng chuông trên lưng chừng trời, bay dần sát lại. Mọi người nói:
– Để cho cái này quấn vào, hãy hượm kéo về. Cả ba cái quấn vào nhau mới thích.

Quả nhiên cái diều chữ “Hỷ” quấn vào hai diều phượng hoàng. Ba cái cứ đảo tít mù, đều đứt cả dây rồi vù vù bay đi cả. Mọi người đứng xem vỗ tay cười:




– Thú thật! Không biết cái diều chữ “Hỷ” là của nhà ai, lại đâm ngay vào?

Bảo Ngọc thả diều cùng các tiểu thư trong cung

Đoạn văn ngắn nhưng ý nghĩa hàm súc thật tuyệt diệu. Cái diều phượng hoàng của Thám Xuân là sự kết hợp cả hai biểu tượng gắn với nàng: chim phượng và chiếc diều. Tác giả lại cho một chiếc diều lạ từ đâu bay tới, kèm thêm chữ “Hỷ,” ba diều cuốn vào nhau rồi bay đi biệt tăm, chính ngụ ý rằng Thám Xuân sẽ kết hôn với người phương xa, theo chồng đi mất. Đám cưới là đại hỷ, chim phượng (trống) và chim hoàng (mái) thì biểu tượng cho đôi lứa truyền thống, ví dụ như khúc Phượng Cầu Hoàng của Tư Mã Tương Như.

Ở hồi sáu mươi ba, Thám Xuân lại rút được thẻ hoa hạnh, “Ai rút được thẻ này, tất lấy được chồng sang.” Số phận của Thám Xuân vậy là chắc chắn. Ở cuối sách, nàng được gả vào một gia đình quan chức ở miền biển xa, được đối xử rất tử tế. 

Bi kịch của Thám Xuân cũng nhè nhẹ thôi, chỉ là phải xa gia đình, không được cốt nhục sum vầy. Khúc “Hồng Lâu Mộng” tương ứng với nàng như sau:

PHÂN CỐT NHỤC (Cốt nhục phân ly)
Đường xa mưa gió một chèo,
Cửa nhà, ruột thịt thôi đều bỏ qua.
Con đành lỗi với mẹ cha,
Khóc thương chỉ thiệt thân già đấy thôi.
Cùng thông số đã định rồi,
Hợp tan âu cũng duyên trời chi đây,
Phân chia hai ngả từ nay,
Dám mong giữ được ngày ngày bình yên,
Con đi xin chớ lo phiền.


Tào Tuyết Cần viết 80 hồi đầu Hồng Lâu Mộng, 40 hồi sau ai chấp bút vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Do đó nhiều nhà Hồng học cho rằng kết thúc này quá tích cực theo kiểu “happy ending,” không hợp với mạch truyện. Nhưng dựa trên những “lá số tiền định” trên, kết cục của Thám Xuân có thể nói là rất chính xác và đúng với ý đồ của Tào Tuyết Cần.

*

No comments:

Post a Comment