Monday, April 10, 2017

Đọc Hồng Lâu Mộng: Giả Chính - dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

Nếu Đại Quan viên là vườn địa đàng thì Bảo Ngọc là Adam duy nhất ở giữa vô vàn Eve. Giới phụ nữ trong Hồng Lâu Mộng là những đóa hoa muôn hồng ngàn tía, mười hai chiếc thoa vàng mỗi người mỗi vẻ khiến người đọc say mê không dứt. Giới đàn ông trong Hồng Lâu Mộng thì ngược lại: đa số đều ti tiện, bạc bẽo, vô tình. Một trong những người đàn ông “ít xấu” nhất trong Hồng Lâu Mộng là Giả Chính, cha đẻ của Bảo Ngọc, song ấn tượng của người đọc với ông ta đại đa số khá mờ nhạt. Hành động đáng nhớ nhất của Giả Chính trong toàn bộ câu chuyện có lẽ là lúc ông đánh Bảo Ngọc một trận thừa sống thiếu chết. Tuy nhiên thông qua nhân vật Giả Chính người đọc có thể ngộ ra nhiều triết lý của Tào Tuyết Cần về tư tưởng Khổng Mạnh, bởi vì Giả Chính là một nhà Nho điển hình.

Giả Xá (trái), Giả Chính (phải)


Giả Chính và Giả Xá là hai anh em ruột. Giống như Cain và Abel trong Kinh thánh, hai anh em nhà họ Giả được xây dựng theo motif trái ngược, người này là đối trọng của người kia. Giả Xá là con người xảo trá, tham lam, hiếu sắc. Giả Chính thì “từ bé ham học, được ông yêu, muốn cháu thi đỗ làm quan.” Khi lớn lên, Giả Chính được thăng làm Viên ngoại lang, con gái lớn Nguyên Xuân được tuyển vào cung làm Hiển Đức phi, coi giữ cung Phượng Tảo. Con trai là Bảo Ngọc thì đẹp đẽ, là hòn ngọc trong mắt Giả mẫu. Những tưởng cuộc đời Giả Chính thế đã là viên mãn. Thế nhưng kết thúc của Giả Chính lại không được như ý: sự nghiệp tiêu tan, gia đình ly tán. Bởi vì sao? Hay lại đổ tại số phận?

Nguồn cơn gây nên những nỗi khổ của Giả Chính chỉ do số phận một phần, phần còn lại do chính bản thân Giả Chính, hay nói rộng ra là tư tưởng Khổng Mạnh bó buộc khiến con người ta không được sống theo xu hướng tự nhiên. Nếu Giả Xá tiêu biểu cho việc để cái tôi tung hoành đến mức lấn át đạo lý, thì Giả Chính là một trường hợp đè nén bản tính con người. Chữ “Chính” trong tên của ông có hai nghĩa, vừa là cai trị, khuôn phép (như chính quyền, nhiếp chính), vừa là chính trực. Người xưa hay nhắc đến mấy việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong mấy việc đó, may ra chỉ có giữ mình trong sạch là Giả Chính làm tròn. Giả Chính quả thực ngay thẳng, nhưng là cái ngay thẳng cứng nhắc và ngô nghê. Việc nhà và việc nước ông đều không thể nào “chính”, đó là sự oái oăm của nhân vật này.

Tranh vẽ Giả Chính

Trước nói về việc nước.

Giả Chính xưa nay làm quan ở kinh, chức lang trung cũng là chức quan rảnh. Dù có lúc ra làm quan ở ngoài nhưng lại là giáo chức, không liên quan gì đến việc cai trị. Vì thế những điều xấu xa như khấu bớt lương gạo, bóp nặn dân đen, tuy có nghe người ta bàn tán, nhưng bản thân chưa hề trải qua, chỉ một lòng muốn làm ông quan tốt. Ông ta liền cùng bọn giúp việc bàn bạc, yết thị nghiêm cấm những điều xấu xa kia, và hiểu thị hễ tra ra thì sẽ trình quan trên trị tội. Ban đầu mới đến, quả nhiên bọn lại dịch đều sợ, liền dùng đủ cách để xoi bói, kiếm chác, nhưng lại gặp phải Giả Chính là người cố chấp. Bọn người nhà theo hầu Giả Chính lúc ở kinh không hề được chút lợi lộc gì cả, trông mong mãi mới được chủ nhà bổ nhậm quan ngoài, bèn mượn tiếng để vay nợ sắm sửa áo quần cho có thể diện. Họ cứ nghĩ hễ đến chỗ làm quan là sẽ kiếm chác dễ dàng. Không ngờ Giả Chính có cái thói ngây ngô, thật thà muốn trừng trị những thói tệ, các quan châu huyện đưa lễ vật đến ông ta nhất thiết không nhận.

Giả Chính không nhận hối lộ, đương nhiên bọn người dưới không có cửa làm ăn. Kẻ có ý xấu bụng lại ngờ Giả Chính muốn bóp nặn thật nhiều nên làm ra vẻ chảnh choẹ. Kết quả là bọn lính hầu vùng vằng hờn giận nghỉ hết, để cho Giả Chính một mình trơ thổ địa ra đấy. Giả Chính ngậm ngùi nhận ra rằng làm một người chính nhân quân tử giữa một xã hội đầy rẫy tiểu nhân là một việc rất khó. Kể từ đó Giả Chính để cho một kẻ điêu ngoa là Lý Thập cai quản công việc. Đây là một hành động “nuôi ong tay áo.”

Từ đó, Lý Thập làm mưa làm gió, cấu kết trong ngoài kéo bè kéo cánh lừa phỉnh Giả Chính làm việc, quả nhiên việc gì cũng chu đáo, việc gì cũng vừa lòng. Vì thế Giả Chính chẳng những không nghi, mà lại tin cậy. Lúc đó cũng có mấy nơi phát giác, nhưng quan trên thấy Giả Chính chất phác trung hậu, nên cũng không tra xét. Riêng có bọn môn khách giúp việc giấy tờ là nhìn xa thấy rộng, gặp dịp cũng có đem lời khuyên can. Nhưng Giả Chính không tin, nên cũng có người từ việc mà đi; cũng có người thân thiết với Giả Chính thì ở trong giúp đỡ. Nhờ vậy việc chuyên chở xong xuôi, không bị thiệt hại và quá thời hạn.

Sự nghiệp của Giả Chính thế rồi tiêu tùng, nếu không có Bắc Tĩnh Vương ra tay can thiệp thì chắc đã bị tù mọt gông. Về việc này quả thực không thể trách Lý Thập, bởi không có hắn ta thì cũng sẽ có Lý Tam, Lý Tứ lợi dụng Giả Chính làm càn.

Giả Chính tuy rằng dạy con có phép, trị nhà rất nghiêm, nhưng một là họ to, người nhiều, trông nom không xuể, hai là Giả Trân là cháu trưởng phủ Ninh, hiện đương tập chúc, bao nhiêu việc đều thuộc chi trưởng trông nom hết, ba là việc công, việc tư bề bộn, mà tính Giả Chính lại khoáng đãng, không thích chăm lo việc đời, lúc nhàn rỗi, thư thái chỉ đánh cờ, xem sách, ngoài ra không để ý đến việc gì.

Việc nước đã không xong, việc nhà ông cũng hết sức mù mờ. Những việc dối trá, hoang phí, cho vay nặng lãi, vv,… do hai vợ chồng Giả Liễn-Phượng Thư gây ra, ông đều không hay. Giả Trân thì “quyến rũ con nhà thế gia đánh bạc, cường chiếm vợ lương dân làm lẽ, người ta không theo, liền áp bức người ta chết”, Giả Chính cũng không hề biết mảy may! Người đọc đến đây không khỏi thắc mắc: Giả Chính là một con người thông minh, tại sao lại để cho bao nhiêu việc tày trời diễn ra ngay dưới mũi mình? Tôi nghĩ lý do chính là bởi Giả Chính có một niềm tin mù quáng vào Nho giáo, ông nghĩ rằng ai ai cũng tam cương, ngũ thường (nhân lễ nghĩa trí tín) như mình! Trên thực tế, lý thuyết thì màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi, phàm là con người thì đều có dục vọng. Xã hội mà Giả Chính sống là một xã hội ca tụng đạo Khổng, ra rả những điều hay lẽ phải, nhưng thực tế ai cũng chăm chăm thu vén cho mình, sống chết mặc bay. Giả Chính những tưởng mình là “xu hướng chung,” ai ngờ lại là nằm trong nhóm “dân tộc thiểu số.” Sự sụp đổ của nhà họ Giả có thể gọi là một ví dụ của “tragedy of the commons,” nhưng cũng một phần do sự yếu kém trong quản lý của Giả Chính.

Nhà họ Giả bị tịch biên gia sản, niêm phong nhà cửa

Thế nhưng bi kịch lớn nhất của Giả Chính nằm ở mối quan hệ với con trai ông ta – Giả Bảo Ngọc.

Bảo Ngọc không phải là con trai duy nhất của Giả Chính. Trước cậu ta có Giả Châu – người con trai ngoan ngoãn đã chết non. Có thể trong tiềm thức, Giả Chính luôn so sánh Bảo Ngọc và Giả Châu, phần nào dẫn đến cảm giác xa lạ và thất vọng. Mầm mống gây nên sự không ưa của Giả Chính đối với Bảo Ngọc bắt đầu từ khi cậu ta còn thơ bé:

Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng. Giả Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý lắm.

Nếu nhìn nhận sự kiện này dưới góc độ duy lý, liệu việc Giả Chính căn cứ sự yêu ghét với đứa trẻ ngây thơ dựa trên một trò chơi vô hại có hợp lý không? Một người bình thường, nếu vốn có lòng thương con, kể cả nó có phạm tội tày trời cũng không vì thế mà chán ghét. Đằng này Bảo Ngọc lúc đó chỉ là đứa bé một tuổi. Dẫu sự kiện “chọn phấn sáp, trâm vòng” được cài đặt nhằm báo trước tính cách nâng niu phụ nữ của Bảo Ngọc, ta có thể suy đoán Giả Chính rõ ràng đã có định kiến về Bảo Ngọc, ngoài ra còn ương ngạnh cố chấp. Trong gia đình, thái độ của con trẻ thường là hình ảnh phản chiếu lại cách đối xử của cha mẹ chúng.  Khi tiếp xúc với Bảo Ngọc, Giả Chính không đơn thuần là nghiêm khắc mà rõ ràng là căm ghét. Bảo Ngọc vì thế lại càng sợ sệt cha. Mối quan hệ này chỉ có khả năng trở nên xấu đi chứ không có tốt lên.

Thấy Bảo Ngọc đến chào và nói xin đến trường học, Giả Chính cười nhạt:
– Mày nói đến hai chữ đi học làm tao xấu hổ chết đi được. Cứ như ý tao thì mày đi chơi là đúng hơn. Coi chừng đấy, đừng đứng bẩn đất tao, dựa bẩn cửa tao!
Giả Chính nhìn ra, thấy con trai vú nuôi Bảo Ngọc là Lý Quí, bèn hỏi:
– Ngày thường theo hầu nó đi học, thấy nó học đến sách gì rồi? Hay là chỉ học những câu lếu láo, những lối ngỗ nghịch tinh ranh? Lúc nào rỗi, ta sẽ lột da mày và sửa tội cho cái thằng hư thân kia!
Giả Chính quát to:
– Thằng súc sinh ngu ngốc kia, mày biết được mấy vị cổ nhân, nhớ được mấy bài thơ cũ, đã dám múa mép trước các vị tiền bối? Vừa rồi cho phép mày nói bừa, chẳng qua ta thử xem mày hay dở thế nào, để làm trò cười đấy thôi. Mày cứ tưởng thực đấy à?
– Kể ra cũng chẳng hại gì, không cần phải đổi. Nhưng xem thế đủ biết nó không chăm lo việc chính, chỉ thích những lời văn trai lơ phù phiếm thôi.
Ông ta quát to một tiếng:
– Đồ súc sinh, sao không bước đi!

Tham vọng của Giả Chính là biến Bảo Ngọc thành một nhà Nho chân chính – đi học thành tài, không ham nữ sắc, nói cách khác là một bản sao thu nhỏ của ông. Nhưng Bảo Ngọc làm trái ngược tất cả. Đó là một cái vòng luẩn quẩn: con hư – cha ghét-con càng chống đối-cha càng ghét. Có thể nói Bảo Ngọc có một mặc cảm Oedipus điển hình. Oedipus giết cha lấy mẹ. Bảo Ngọc thì sợ cha và quấn quít mẹ. Trạng thái tâm lý này của Bảo Ngọc ứng vào mọi quan hệ xã hội của cậu – Bảo Ngọc chán ngán, không tin tưởng giới đàn ông, cậu tránh xa những tên phàm phu tục tử trong phủ, ngược lại tìm sự yêu thương an ủi từ những người phụ nữ, trước hết là Giả mẫu, Vương phu nhân và các chị em, rồi cả những a hoàn. Những người đàn ông thân cận với Bảo Ngọc như Tần Chung, Tưởng Ngọc Hàm, Bắc Tĩnh Vương đều có xu hướng đồng tính. Khi bị cha hành hạ, phản xạ đầu tiên của Bảo Ngọc là cầu cứu mẹ và bà. Những chị em ruột thì cùng chung tay viết chữ để giúp cậu nộp đủ số bài Giả Chính đòi. Các a hoàn thì bao che, dỗ dành, an ủi. Có thể nói Bảo Ngọc đã ly khai khỏi giới tính của mình, cũng là chối bỏ mối dây liên kết với người cha. Sự uỷ mị, thiếu tính nam nhi khí khái đó là không thể chấp nhận với Giả Chính. Trong tư tưởng của ông, Bảo Ngọc là một kẻ phản bội tư tưởng Nho giáo.

Người kia quát to “Đứng lại”, Bảo Ngọc giật nảy mình, ngẩng đầu lên nhìn, té ra là Giả Chính. Bảo Ngọc lạnh hẳn người đi, đành chắp tay đứng bên cạnh.
Giả Chính nói:
– Mày làm sao mà cúi đầu ủ rũ như vậy? Vừa rồi ông Vũ Thôn đến chơi, muốn gặp mày, gọi mãi mày mới chịu đến. Khi đến thì ăn nói toàn là những chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt, không có một chút khoát đạt lưu loát nào. Tao xem mày vẻ mặt lúc nào cũng đầy rẫy những lo phiền, tình dục. Bây giờ làm gì mày lại than dài thở ngắn? Như thế này vẫn chưa được đủ, chưa được hả dạ hay sao?
Bảo Ngọc vốn tay lém lỉnh. Nhưng vì lúc này thương nhớ Kim Xuyến quá, đang băn khoăn không thể chết theo nó được nên cha quở mắng thế nào cũng mặc, cứ đứng đờ người ra.
Giả Chính đáng ra cũng không bực. Nhưng thấy Bảo Ngọc sợ quá, ăn nói khác hẳn ngày thường, nên đã nổi giận đôi phần. Giữa lúc ấy có người gác cửa vào trình:
– Có người bên phủ Trung Thuận Thân Vương xin vào hầu cụ lớn.
[…]
Quan trướng phủ cười nhạt:
– Không phải làm gì cả, chỉ xin ngài nói cho một câu là xong. Trong phủ chúng tôi có một con hát đóng vai nữ tên là Kỳ quan, mấy hôm nay không thấy về, cho đi tìm cũng không thây nó ở đâu. Chúng tôi phải cho người đi dò các nơi. Ở trong thành mười người thì tám người nói: Gần đây nó chơi thân với cậu em ngậm ngọc ở đây. Vì tôn phủ không phải như các nhà thường, nên không dám thiện tiện đến bắt. Bởi vậy hạ quan phải vào trình đức Vương. Ngài nói: “Con hát khác mất trăm đứa cũng không cần, nhưng tên Kỳ quan này là người cẩn thận, chắc chắn, biết lựa dịp ứng đáp, rất hợp ý già này, không thể nào bỏ nó được”. Vì thế, chúng tôi đến nhờ ngài bảo cậu Hai cho tên Kỳ quan về, để thỏa lòng Vương gia chúng tôi thiết tha mong đợi, và chúng tôi cũng đỡ phải đi tìm vất vả.
Nói xong, hắn liền vái một cái.
Giả Chính nghe nói, vừa sợ vừa giận, liền cho gọi Bảo Ngọc, Bảo Ngọc không biết là việc gì, vội chạy ra ngay.
Giả Chính hỏi:
– Thằng đáng chết kia! Mày ở nhà đã không chịu học hành thì thôi, lại còn dám càn bậy, làm những việc trái phép à? Tên Kỳ quan là người hầu thân của đức vua Trung Thuận. Mày là hạng người hèn hạ, dám quyến rũ nó, làm vạ lây đến ta!
Bảo Ngọc nghe nói giật mình, vội thưa:
– Thực con không biết việc này! Ngay hai chữ “kỳ quan” con cũng chẳng hiểu là cái gì, huống chi lại buộc cho con tiếng quyến rũ nữa.
Nói xong rồi khóc.

Người nhà Trung Thuận vương đến đòi Tưởng Ngọc Hàm

[…]
Giả Chính nghe xong, tức quá, mắt trợn lên, mồm xệch ra, vừa tiễn viên quan trưởng phủ ra, vừa ngoái lại quát Bảo Ngọc: “Không được đi đâu! Trở về tao sẽ bảo mày!” Đưa viên quan kia ra rồi, Giả Chính quay về, thấy Giả Hoàn dẫn mấy tên hầu nhỏ rối rít chạy đến. Giả Chính quát:
– Đánh chết những đứa kia đi cho tao!
[…]
Giả Hoàn nói khẽ:
– Đẻ con nói: “Hôm nọ anh Bảo ở nhà mẹ con, kéo chị a hoàn là Kim Xuyến định cưỡng gian nhưng không được, rồi đánh chị ấy một trận, chị ấy tức quá đâm đầu xuống giếng chết!”
Chưa nghe dứt lời, Giả Chính giận quá, mặt xám lại, quát to: “Lôi thằng Bảo Ngọc đến đây!” Ông ta vừa nói vừa chạy vào thư phòng, quát lên:
– Hôm nay ai còn đến ngăn, thì ta sẽ mang hết cả mũ áo, cân đai và gia tài giao cho người ấy với thằng Bảo Ngọc. Ta đành chịu là người có tội, cạo trọc mớ tóc phiền não này đi, tìm đến nơi thanh vắng để khỏi nhục đến tiền nhân, vì đã đẻ đứa con ngỗ nghịch này!
Những môn khách và người hầu thấy Giả Chính như thế, biết ngay là vì ông ta giận Bảo Ngọc, nên ai nấy đều trợn mắt lè lưỡi, chạy đi ra ngoài cả. Giả Chính thở hồng hộc, ngồi ưỡn người trên cái ghế tựa, nước mắt giàn giụa, quát lên mấy tiếng: “Lôi thằng Bảo ra đây! Mang thừng gậy ra đây! Đóng hết cả các cửa lại! Hễ đứa nào mà báo tin cho nhà trong biết, thì ta đánh chết ngay lập tức!”
Bọn người hầu thấy vậy, đành phải vâng lời đứng yên. Có mấy người chạy đi bắt Bảo Ngọc.
[…]
Giả Chính trông thấy Bảo Ngọc, mắt đỏ ngầu lên, không kịp hỏi đến những tội, như đi ra ngoài thì đùa bỡn bọn chèo hát, trao tặng của riêng, ở trong nhà thì bỏ học hành, cưỡng gian đầy tớ gái của mẹ, chỉ thét: “Khóa miệng nó lại, đánh cho chết đi!”
Bọn người hầu không dám trái lệnh, đành phải dằn Bảo Ngọc xuống cái ghế dài, cầm gậy to, đánh độ mười cái. Bảo Ngọc biết rằng mình có van cũng chẳng tha nào, đành khóc rống lên. Giả Chính cho là đánh khẽ quá, đá thằng cầm gậy, rồi giật lấy gậy, đánh thật mạnh mấy cái.
Bảo Ngọc xưa nay chưa từng chịu đau đớn như thế bao giờ, lúc đầu còn biết đau, khóc ầm lên; đến sau hơi thở dần dần yếu đi, kêu không ra tiếng. Những môn khách thấy thế, sợ xảy ra chuyện không hay, liền chạy cả đến khuyên ngăn. Nhưng Giả Chính khi nào chịu nghe? Ông ta nói:
– Các người hỏi xem những việc nó làm có đáng tha hay không? Tội ở các người ngày thường cứ hay nuông nó để nó hư hỏng thế này, lại còn đến khuyên ngăn à. Mai đây nó phạm tội giết cha giết vua, thì các người còn can vào lối nào?
Mọi người thấy câu nói dữ ấy, biết là Giả Chính bực lắm rồi, liền nhao lên đi tìm người vào báo nhà trong.
Vương phu nhân nghe nói, không kịp đến trình Giả mẫu, liền mặc áo, bất chấp có người hay không, vịn vào một a hoàn xăm xăm chạy thẳng vào thư phòng. Bọn môn khách và người hầu đều tránh không kịp.
Giả Chính đương muốn đánh nữa, thấy Vương phu nhân đến, cơn giận lại càng như lửa cháy đổ dầu thêm. Cái gậy cứ lia lịa vụt xuống càng nhanh càng mạnh. Hai đứa đè Bảo Ngọc vội buông tay ra. Bảo Ngọc đã nằm sóng sượt, không cựa quậy được nữa.
[…]
Giả Chính cười nhạt:
– Thôi đừng nói những câu ấy nữa. Đẻ ra cái giống ác nghiệt này, thì tôi cũng mang tội bất hiếu rồi! Ngày thường hễ tôi quở phạt nó lần nào, là y như có người đến bênh nó. Chi bằng nhân ngày hôm nay kết liễu cái đời thằng chó chết này đi để khỏi tai vạ về sau.



 […]
Giả Chính thấy thế, lại nước mắt ròng ròng chảy xuống. đương lúc nhốn nhao, thì a hoàn vào trình: “Cụ đã đến”. Nói chưa dứt lời, đã nghe ở ngoài cửa sổ có tiếng nói run run:
– Đánh chết ta trước đã, rồi hãy đánh chết nó, thế là yên chuyện!
Giả Chính thấy mẹ sang, vừa hoảng sợ vừa thương xót, vội chạy ra đón. Giả mẫu vịn vào một a hoàn đi đến, đầu lắc lư, hơi thở hổn hển.
[…]
Giả mẫu nghe nói nhổ toẹt một cái nói:
– Ta mới nói có một câu, anh đã không chịu được, thế thì anh vác gậy đánh vùi đánh dập thằng Bảo như thế kia, liệu nó có chịu được không? Anh nói rằng anh dạy dỗ con cái để làm rạng vẻ ông cha thế thì ngày trước cha anh đã dạy anh như thế nào?
Nói xong, tự nhiên nước mắt ròng ròng, Giả Chính gượng cười nói:
– Xin mẹ đừng thương cảm làm gì, chỉ vì lúc nãy con nóng tính quá. Từ giờ trở đi con không dám đánh nó nữa.
Giả mẫu cười nhạt:
– Anh không cần giận lây với tôi. Nó là con anh, muốn đánh thế nào anh cứ đánh. Chắc rằng mẹ con bà cháu chúng tôi ở đây chỉ làm phiền anh thôi, chi bằng xa anh ra là hết chuyện.
Nói xong liền sai người: “Sắp sẵn kiệu, ta cùng bà mày và thằng Bảo đi về Nam Kinh ngay”… Người nhà đành phải vâng lời.
[…]

Trên là một đoạn dài, tôi xin trích những phần quan trọng để giúp người đọc hình dung một cách tương đối toàn vẹn quang cảnh sự việc. Đây là phần có tính chất bước ngoặt trong mối quan hệ cha con. Có một số điểm cần lưu ý:

– Giả Chính tức giận vì Bảo Ngọc quyến rũ tên người hầu của đức vua Trung Thuận (Tưởng Ngọc Hàm.) Lý do ở đây không phải vì Bảo Ngọc có khuynh hướng tình yêu đồng giới (chuyện nam giới quý tộc cặp kè với các con hát nam mỹ miều là chuyện khá phổ biến) mà bởi Bảo Ngọc có gan đụng chạm đến “tài sản” của một người có địa vị rất cao. Đây là một hành động có màu sắc đảo lộn tôn ti trật tự – điều Giả Chính không thể nào chấp nhận.

– Trong tiềm thức Giả Chính có nỗi sợ Bảo Ngọc “giết cha giết vua.” Tôi không biết Tào Tuyết Cần có biết đến truyền thuyết về Oedipus hay không, nhưng có lẽ nỗi dè chừng nghi kỵ của người cha với con trai ruột của mình, như Cronus với Zeus, là một nỗi sợ căn bản của nhân loại?

– Người Trung Quốc nghiêm khắc với con cái, nhưng lại chiều chuộng cháu. Có lẽ áp lực nuôi dạy con cái nên người theo tiêu chuẩn Khổng Mạnh quá khắc nghiệt, nặng nề, khiến cho người cha không thể và không dám bộc lộ lòng thương yêu với con, để lâu ngày dẫn đến chai sạn đi. Chỉ đến khi được giải phóng khỏi nghĩa vụ đó họ mới có thể bày tỏ tình cảm dồn nén với cháu mình. Trong một gia đình, người cha nghiêm khắc, người bà từ bi là một hình ảnh đẹp, nhưng ở đây cả hai trạng thái đó đã bị đẩy đi quá xa: Giả Chính biến thành một ông thần ác, còn Giả mẫu chiều chuộng cháu quá đà, cái tình yêu dạt dào đối với cháu của Giả mẫu biến tướng thành sự ích kỉ và nhẫn tâm với người khác (ruồng rẫy Đại Ngọc.)

Giả Chính đánh đòn Bảo Ngọc

Có nhiều tranh cãi về 40 hồi cuối của Hồng Lâu Mộng. Bản thân tôi cũng có nhiều điểm lấn cấn về 40 hồi này, nhưng cách xử lý mối quan hệ cha con giữa Giả Chính-Bảo Ngọc ở đây tôi cho là toàn vẹn. Nhìn trên bề mặt, Giả Chính đã hoàn toàn thất bại dưới tư cách một người cha nói riêng và một nhà Nho nói chung. Nhưng chỉ bằng một đoạn ngắn ngủi trong hồi cuối cùng, Giả Chính đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của người đọc:

Một hôm đi đến trạm Côn Lăng, trời rét, tuyết xuống, thuyền đậu ở chỗ vắng vẻ. Giả Chính sai người lên bộ, đưa danh thiếp đi từ tạ bầu bạn, nói thuyền sẽ đi ngay, không dám phiền ai đến thăm hỏi. Khi ấy đầu thuyền chỉ để lại một đứa nhỏ để hầu. Giả Chính ở trong thuyền viết thư, định cho người đi bộ đem về nhà trước. Khi viết đến việc Bảo Ngọc, liền dừng bút lại, ngẩng đầu lên, bỗng thấy đầu thuyền lờ mờ có dáng một người trong bóng tuyết, đầu trọc chân trần, mình khoác chiếc áo đi mưa bằng lông vượn màu đại hồng, ngoảnh vào Giả Chính và sụp xuống lạy. Giả Chính chưa nhìn được rõ, vội ra đầu thuyền, muốn đến đỡ dậy để hỏi. Người ấy lạy bốn lạy, rồi đứng dậy chào theo lối nhà Phật. Giả Chính còn muốn vái đáp, chợt nhìn thấy trước mặt mình không phải ai lạ mà chính là Bảo Ngọc. Giả Chính kinh ngạc vô cùng, vội hỏi:
– Có phải Bảo Ngọc không ?
Người ấy không nói gì, như mừng như tủi. Giả Chính lại hỏi:
– Nếu mày là Bảo Ngọc, thì sao lại ăn mặc như thế mà đến chỗ này ?
Bảo Ngọc chưa kịp trả lời, bỗng thấy một nhà sư, một đạo sĩ đến đầu thuyền. Hai người nắm tay Bảo Ngọc nói:
– Tục duyên đã hết, không đi nhanh lên à ?
Nói rồi, ba người vùn vụt lên bờ đi. Giả Chính không kể đất trơn, vội vàng chạy theo. Thấy ba người đi trước, nhưng không sao theo kịp. Chỉ nghe một người nào trong bọn họ hát:
Chỗ ta ở chừ, đỉnh núi thanh u,Chỗ ta chơi chừ, cõi không mịt mù;Ai đi cùng ta chừ, ta đi theo với ?Mênh mông mù mịt chừ, về nơi Đại hoang !
Giả Chính chạy đuổi theo, đến một cồn đất nhỏ, bỗng không thấy nữa. Giả Chính thở dốc lên, trong lòng ngờ vực. Lúc quay lại thì thấy tên hầu nhỏ cũng chạy theo sau. Giả Chính hỏi:
– Mày có trông thấy ba người vừa rồi không ?
– Có trông thấy. Vì cháu thấy ông lớn chạy theo, nên cháu cũng chạy. Nhưng rốt cuộc chỉ thấy ông lớn, chứ không thấy ba người kia nữa.
Giả Chính còn muốn chạy theo, nhưng chỉ thấy một cánh đồng tuyết tùng mênh mông, không có người nào, Giả Chính lấy làm kỳ lạ, đành trở về.
[…]
Giả Chính thở dài:
– Chúng mày không hiểu rõ ! Đó là chính mắt ta trông thấy, chứ có phải ma quỷ gì đâu. Vả lại nghe tiếng ca, có vẻ rất huyền diệu ? Bảo Ngọc khi sinh ra, ngậm viên ngọc… cũng đã kỳ lạ. Ta vẫn biết trước là điềm không tốt, chỉ vì cụ bà thương yêu nó, nên mới nuôi nó đến ngày nay. Còn vị hòa thượng và vị đao sĩ ấy, ta đã gặp ba lần, lần thứ nhất hai người ấy đến nói về sự linh thiêng của viên ngọc; lần thứ hai, lúc Bảo Ngọc ốm nặng, vị hòa thượng đến, cầm viên ngọc tụng niệm một hồi, thì Bảo Ngọc lành; lần thứ ba, ông ta đưa viên ngọc đến trả, ngồi ở nhà khách, ta vừa ngoảnh đi một cái, bỗng không thấy đâu. Trong bụng ta lấy làm lạ. Nhưng cho là Bảo Ngọc thực có phúc phận, nên các bậc cao tăng tiên đạo đến phù hộ cho nó. Ngờ đâu nó là người đổi kiếp xuống cõi trần. Rốt cục lừa dối cụ bà suốt mười chín năm, đến nay ta mới biết rõ!
Ông ta nói đến đấy, nước mắt ròng ròng. Mọi người thưa:
– Cậu Bảo nếu quả là một vị hòa thượng xuống trần gian, thì không nên đậu cử nhân. Vì sao thi đậu rồi mới bỏ đi ?
– Các người biết sao được ? Phàm các tinh tú trên trời, các cao tăng trên núi, hay những tinh linh trong động, đều có một tánh tình riêng. Các ngươi thử xem Bảo Ngọc thường có chịu đọc sách đâu; nhưng hễ nó để bụng đến thì không có cái gì là không làm được. Còn tính khí của nó cũng không giống người ta !
Ông ta nói xong, lại than thở.

Lúc này Bảo Ngọc đã ngộ ra trước sau, rũ bỏ bụi trần và lòng si, trở lại bản thể của mình là hòn đá. Việc Bảo Ngọc đi thi đỗ làm rạng danh tổ tiên là một hành động mang tính chất tượng trưng – sự báo hiếu cuối cùng của Bảo Ngọc với cha mẹ. Cùng lúc đó, Giả Chính thoát khỏi lớp vỏ cứng nhắc lạnh lẽo – tình cảm với đứa con trai rốt cuộc đã sưởi ấm trái tim Giả Chính, biến ông ta từ một “hòn đá” thành một người cha đích thực. Hồng Lâu Mộng là một câu chuyện tình viết bằng nước mắt. Nhưng mấy chữ ngắn ngủi: “Giả Chính không kể đất trơn, vội vàng chạy theo.” khiến tôi xúc động hơn những bài thơ bi luỵ trong truyện. Đối với tôi, cảnh tượng kinh tâm động phách nhất trong Hồng Lâu Mộng không phải là lúc Đại Ngọc mất hay Bảo Ngọc đi tu, mà là khi Giả Chính chạy theo ‘nghịch tử’ trên tuyết trong một nỗ lực tuyệt vọng. Người xưa bảo ‘Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật’ có nghĩa là buông dao đồ tể thì lập tức thành Phật. Chỉ trong một giây phút, Giả Chính đã giác ngộ. Ông ta đã được cứu rỗi bởi tình yêu.

Giả Chính chạy theo Bảo Ngọc trên tuyết

Hồng Lâu Mộng khép lại ở đây. Người đọc không biết, người viết cũng không cách nào biết được số phận của các nhân vật sẽ tiếp diễn ra sao. Giả Chính đã gần sáu mươi tuổi, quá già để “xét lại” nhân sinh quan của bản thân mình. Có lẽ Giả Chính sẽ không bao giờ hiểu rằng chính hệ tư tưởng Nho giáo đè nén tự nhiên là thứ bóp (gần) chết quan hệ cha con của ông và Bảo Ngọc. Tình cảm cha mẹ dành cho con cái là thứ tự nhiên nhất trên đời, nó không thể bị chịu sự sai khiến của bất kỳ thứ giáo lý nào, cũng không thể bị dập tắt.  Những dấu chân trên tuyết của Giả Chính còn mãi trên trang sách Hồng Lâu Mộng là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của tình thương đó.

*

No comments:

Post a Comment