Monday, April 10, 2017

Nếu vẽ mèo, nên biết mèo đã được vẽ thế nào, trong lịch sử

Theo truyền thuyết Hồi giáo, thánh Allah tạo ra loài sư tử để bảo vệ chiếc tàu của Noah (trong kinh Qur’an, chiếc tàu này có tên là Safina) khỏi con gấu quấy nhiễu. Để chống trả, con gấu hắt hơi ra một… con chuột, và ông Tý ngay lập tức nhay cắn phá hoại tàu Safina. Nhưng may thay, sư tử còn cao tay hơn. Từ cái hắt hơi của sư tử đã sinh ra loài mèo – kẻ thù truyền kiếp của loài chuột.
Trong số các loài động vật được miêu tả trong nghệ thuật, loài mèo xuất hiện với một tần suất đáng kinh ngạc; cũng hiếm có loài nào bao gồm nhiều lớp ý nghĩ phức tạp như mèo. Bởi vì quan hệ của loài mèo và loài người cũng là một thứ quan hệ vô cùng nhiều thăng trầm.

Tranh mèo thời Ottoman, của họa sĩ Hồi giáo Mehmed Siyah-Kalem

Trong hàng thiên niên kỷ, loài mèo vừa được sùng bái, vừa bị truy đuổi. Mèo được cưng chiều vì đáng yêu và hữu ích, nhưng cũng bị coi là xui xẻo và nguy hiểm. Do tính cách đa chiều, mèo được các nhà triết học gắn kết với nhiều tính cách, từ tích cực (sạch sẽ) đến tiêu cực (gian xảo.) Trong bài này, ta hãy cùng ngắm một số tác phẩm hội họa mô tả loài mèo qua các thời kỳ, từ cổ đại đến hiện đại.

Ở Nhật, các hoạ sĩ Ukiyo-e rất hay vẽ chung geisha với mèo. Nhà văn Lafcadio Hearn nhận xét là các geisha nếu không nuôi mèo thì cũng hay giữ tượng mèo may mắn (maneki neko) trong nhà, bởi mèo vừa xinh xắn dễ thương, mềm mại biết nũng nịu, nhưng cũng khôn ranh và giỏi "săn mồi" như các cô vậy. Tiếng Nhật có các từ nekokaburi (giả vờ hiền lành) và nekanadegoe (nói ngọt ngào) đều có nghĩa là "như mèo" (neko.) 
“Mỹ nữ trong cung và con mèo”, tranh của Yamaguchi Soken (1759 – 1818)

Có một câu nói nửa đùa nửa thật rằng loài mèo kiêu kỳ như vậy để nhắc nhở loài người rằng mèo đã từng được loài người thờ phụng như một vị thần. Điều này rất có cơ sở. Người Ai Cập thờ loài mèo, thậm chí còn ướp xác mèo để giữ chỗ cho linh hồn chúng ở thế giới bên kia, và cho chúng đeo nữ trang vàng quý. Nữ thần Bastet được thờ cúng dọc sông Nile là biểu tượng của chiến tranh, tình mẫu tử, cũng là người bảo vệ của Hạ Ai Cập, vợ của thần Anubis. Nữ thần có hiện thân là mèo. Tương tự, nữ thần Ấn Độ Shashthi bảo trợ cho trẻ em dùng vật cưỡi là một chú mèo. 


Tượng Ai Cập cổ nữ thần mèo Bastet, nằm ở bảo tàng Istanbul

Tranh Ấn Độ vẽ nữ thần Shashthi cưỡi mèo

Tuy nhiên, vị trí thần thánh của loài mèo không duy trì được lâu. Đến thời La Mã, mèo đã bị coi là loài săn mồi khát máu. Trong những di chỉ khảo cổ ở Pompeii, mèo thường được miêu tả với tư thế hung dữ bất biến: rình mồi, hăm dọa, hoặc nghiến ngấu các nạn nhân xấu số.

Tranh mosaic trên sàn của “House of Faun”, khai quật được ở Pompeii. Tuy đã cắm vuốt vào chú chim tội nghiệp, mèo ta vẫn thèm thuồng nhìn mấy chú vịt và hải sản trên bàn ăn.

Khi Thiên chúa giáo trỗi dậy, quan điểm chung về mèo chia làm hai nửa: một bên coi loài mèo là một sinh vật thiêng liêng, bảo vệ cây trí tuệ khỏi loài chuột gặm nhấm, một nửa sợ hãi mèo và coi chúng là hiện thân của quỷ dữ. Thần thoại Hebrew cho rằng người vợ đầu tiên của Adam không phải Eva mà là Lilith, một nữ quỷ biến thành mèo đen để hút linh hồn trẻ nhỏ. Giáo hoàng Innocent VIII thì ra sắc lệnh kết tội mèo là đồng bọn của Satan, từ đó những người phụ nữ nuôi mèo bị coi là phù thủy. Nạn dịch hạch quét qua châu Âu làm chết hàng triệu người, oái oăm thay, cũng bị đổ lỗi cho mèo! Hàng vạn chú mèo đáng thương bị giết hại khiến căn bệnh càng lan rộng cho đến khi người ta nhận ra rằng lạ thay, những người nuôi mèo dường như không bị ảnh hưởng của bệnh (do chuột không dám tới gần.) Thời Trung cổ là một thời điểm không mấy dễ chịu đối với loài mèo.

Mèo bắt chuột, chạm khắc gỗ tại thánh đường Poitiers, Pháp

May thay, các chú mèo thời Phục Hưng có một cuộc sống tươi sáng hơn cả ngoài đời và trên tranh. Mèo xuất hiện thường xuyên trong các bức tranh tôn giáo, đặc biệt là các bức tranh có mặt Đức mẹ Đồng Trinh. Năm thì mười họa, mèo cũng bị đặt cạnh Judas kẻ phản Chúa, đối nghịch với chú chó trung thành…

“Bữa tiệc ly,” của Jacopo Bassano, 1542, với mèo ở góc phải tranh, cạnh Judas

… song đa phần những bức tranh thời Phục Hưng thường vẽ mèo dưới ánh sáng nhiều thiện cảm. Mèo đặc biệt xuất hiện thường xuyên trong cảnh thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ.

.
“Thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ,” của Barocci, 1592

.
Chi tiết trong “Thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ,” của Jan de Beer, 1520

“Thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ,” của Gianfrancesco Bembo

Dường như mèo là một thành viên chính thức của gia đình Chúa hài đồng…

“Gia đình Thánh gia”, của Rembrandt, 1645

Chi tiết trong “Gia đình Thánh gia”, của Rembrandt, 1645

Tới thời Baroque, các họa sĩ trở nên hứng thú với sự giống nhau giữa mèo và người,và bắt đầu nhân cách hóa loài mèo. Ta có Ferdinand van Kessel, họa sĩ nổi tiếng với các bức tranh vẽ động vật tham gia vào các hoạt động của người:
 
“Buổi hòa nhạc của mèo,” của Ferdinand van Kessel

Thực tế hơn, Joseph Wright of Derby miêu tả cảnh hai bé gái mặc đồ búp bê cho mèo dưới ánh đèn nến. Joseph Wright chuộng dùng tương phản sáng tối để làm nổi bật hành động và tâm lý nhân vật; nhìn tranh có thể thấy sự hứng thú xen lẫn độc địa của trẻ nhỏ và vẻ yếu ớt vô lực của chú mèo đáng thương, đuôi cụp giữa hai chân.

“Hai bé gái mặc đồ cho mèo dưới ánh nến,” của Joseph Wright of Derby, 1770

Tới giai đoạn hội họa Ấn tượng, Manet vẫn sử dụng sự liên tưởng mèo đen-phù thủy một cách kín đáo trong bức Olympia, một trong những bức tranh gây sốc nhất thế kỉ 19. Manet vẽ một gái điếm cao cấp nằm nghênh ngang trên giường chú mèo đen cũng hướng đôi mắt thách thức về phía người xem, không khác gì bà chủ.


“Olympia,” của Edouard Manet, 1865

Không muốn gây sốc như Manet, Renoir chỉ chăm chú hướng vào cái đẹp dịu dàng. Các nhân vật trong tranh ông thường âu yếm mèo một cách tình cảm.

“Julie Manet và mèo,” của Pierre-Auguste Renoir, 1887

“Người đàn bà và con mèo,” của Pierre-Auguste Renoir, 1875

Các nghệ sĩ hiện đại khắc họa mèo theo nhiều cách phong phú chưa từng có, song có âm hưởng nghiệt ngã và hoài nghi hơn.

“Mèo,” điêu khắc của Giacometti, 1954. Chú mèo đây là một sinh linh đói khát, không nơi nương náu…
Trên thực tế, mèo của Giacometti nuôi rất béo tốt.

“Mèo xơi tái chim,” tranh của Picasso, 1939. Picasso cho biết ông bị ám ảnh với sự tàn nhẫn, khát máu của cuộc Thế chiến thứ nhất và ông sử dụng hình ảnh trên để diễn tả chiến tranh theo cách ẩn dụ.

“Mèo Địa Trung Hải,” của Balthus, 1949. Người đàn ông-mèo nhìn con cá với nụ cười nhe đến mang tai, tay nắm chặt dao chính là chân dung tự họa của tác giả.

Luôn luôn bí hiểm, mèo vẫn không ngừng quyến rũ loài người. Bài viết chỉ chạm đến một phần cực nhỏ trong số các tác phẩm có mặt người bạn đuôi dài, lắm lông yêu mến của chúng ta. Một điều chắc chắn là sẽ còn không ít người cầm lên cây cọ để vẽ mèo, giảo quyệt hoặc ngoan hiền, đáng sợ hoặc đáng yêu.

*

No comments:

Post a Comment