Monday, April 10, 2017

Một vài cuốn sách bạn nên lùng mua cho được

Thế giới siêu thực của Serafini

Minh họa của Codex Seraphianianus – một cặp nam nữ “hòa hợp” dần thành một chú cá sấu. Có lẽ Luigi Serafini đã lấy cảm hứng từ một hình ảnh trong vở Othello, khi Shakespeare mô tả quan hệ nam nữ như một con quái vật hai lưng (the beast with two backs.)

Codex Seraphinianus – tác phẩm đầu tay và duy nhất trọn vẹn của kiến trúc sư người Ý Luigi Serafini được đông đảo người đọc coi là cuốn sách kỳ lạ nhất thế giới. Nhận định có tính chủ quan (và cực đoan) đó còn phải bàn cãi, nhưng có lẽ không ai có thể phủ nhận sự độc đáo và ấn tượng của Codex Seraphinianus.

Tựa đề của tác phẩm là kết hợp của hai từ codex (sách) và Serafini, họ của tác giả (có nghĩa là thiên thần seraph.)

Codex Seraphinianus dễ khiến người ta liên tưởng đến Voynich manuscript – một tác phẩm cũng gây nhiều tranh cãi sứt đầu mẻ trán trong giới học thuật. Điểm khác biệt lớn giữa hai cuốn này là các chuyên gia vẫn chưa nhất trí xem ai là tác giả của Voynich manuscript, còn Luigi Serafini thì vẫn sống sờ sờ và… còn có website riêng.

Khi lần giở từng trang của Codex, bạn dễ có cảm giác lạc vào một thế giới kỳ quái. Không những chữ viết là một loại ký tự chưa từng có trong lịch sử, mà nội dung của nó cũng vô cùng siêu thực. Cuốn sách được chia thành mười một chương, mỗi chương miêu tả một khía cạnh của thế giới chỉ tồn tại trong đầu Serafini. Tổng hợp lại, Codex là một cuốn bách khoa toàn thư:

Một hình minh họa khác ở chương ba với những loài động vật lạ lùng.

Chương 1: cây cối
Chương 2: động vật
Chương 3: động vật… chỉ có hai chân
Chương 4: vật lý và hóa học
Chương 5: máy móc
Chương 6: loài người
Chương 7: lịch sử
Chương 8: chữ viết
Chương 9: chuyện ăn chuyện mặc
Chương 10: trò chơi và thể thao
Chương 11: kiến trúc
.
Sách hướng dẫn du lịch cho một hành tinh ảo

Nếu trên đời có một hành tinh hơi hơi giống Trái Đất, và các sinh vật na ná các sinh vật trên Trái đất, có lẽ đây chính là cuốn sách hướng dẫn du lịch cho hành tinh đó. Mọi chi tiết nhỏ trong Codex đều tạo ra cảm giác thích thú xen lẫn kỳ dị đối với người xem bởi chúng giống thật mà cũng khác lạ vô cùng. Sự ảnh hưởng của các trường phái nghệ thuật siêu thực và các “quái nhân” như Hieronymus Bosch là hiển nhiên, song sức tưởng tượng của Serafini đủ biến Codex thành một tác phẩm có một không hai. Các nhà ngôn ngữ học đã tốn bao tâm huyết tìm cách phân tích ngôn ngữ kỳ lạ trong Codex mà chưa thành công; chỉ có hệ thống đánh số là đã được giải mã. Mỗi trang sách trong Codex đều giống như phim trường của nhiều bộ phim thần thoại-viễn tưởng gộp lại. Thật quá khó để phân loại cuốn sách này, và có lẽ Codex xứng đáng chiếm riêng một thể loại mới.


Nếu may mắn sở hữu Codex Seraphinianus, bạn nên dành ít nhất mỗi ngày một tiếng đồng hồ để có thể chiêm ngưỡng và “soi” kỹ lưỡng hàng nghìn chi tiết mà tác giả đã dày công khắc họa. Có thể nhận thấy tính cách hài hước kín đáo của tác giả và thoáng qua những điển tích văn học, lịch sử, xã hội mà Serafini kết hợp vào tác phẩm, song 99% Codex là một thế giới thuần túy của tưởng tượng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Codex có cả một cộng đồng fan hâm mộ, tuy không nhiều và rầm rộ bằng fan hâm mộ sách…Twilight chẳng hạn nhưng độ điên đảo cũng không kém.





Masquerade – cuộc săn tìm chú thỏ bằng vàng và bài học không bao giờ cũ về tình ái 


Nếu bạn là một tác giả, và nhà xuất bản thách bạn hãy sáng tác ra một thể loại xưa nay chưa từng có, chắc bạn cũng phải đau đầu nhức óc không ít. Khi Kit Williams, một nhà văn kiêm họa sĩ người Anh đón nhận thách thức đó, ông đã dành hai năm để tạo ra Masquerade – một cuốn sách trẻ em gồm 16 trang. Điều gì khiến cho nó trở nên đặc biệt?

Một là, khi viết sách, Williams còn làm ra một chú thỏ bằng vàng khảm đá quý, đặt chú vào một chiếc hộp hình thỏ bằng gốm (chất liệu gốm dùng để ngăn máy dò kim loại), và chôn chú ở đâu đó trên nước Anh.

Hai là, cuốn sách chính là một bản đồ kho báu mà người đọc cần giải đáp và ghép lại để tìm ra vị trí chú thỏ vàng.

Khi kết hợp hai điều trên lại, thật dễ hiểu khi người đọc Masquerade chủ yếu không phải trẻ con mà là các bố mẹ của trẻ con, và cả những người… không có trẻ con.


Tiền đề cho cuộc đi săn kho báu nằm trong chính câu chuyện được kể trong Masquerade: một chú thỏ tên Jack mang quà tặng của nữ thần mặt trăng đi tặng cho nam thần mặt trời (thật lãng mạn!) nhưng ai ngờ đến nơi thì hóa ra Jack ta đã làm rơi quà tặng ở đâu đó (rơi trúng vào nước Anh.) Nhiệm vụ của độc giả là tìm chú thỏ vàng – quà tặng nằm trong hộp gốm trên có dòng chữ rất chi là… thần thoại:” “I am the Keeper of the Jewel of MASQUERADE, which lies waiting safe inside me for You or Eternity“. (Ta là kẻ giữ báu vật Masquerade, thứ hiện đang nằm đây chờ đợi nhà người hoặc Sự Vĩnh Hằng.”)

Cảm hứng để Kit Williams tạo ra Masquerade chính là sự say mê của chính tác giả với các cuộc đi tìm kho báu – ông muốn tạo ra một câu chuyện cổ tích giữa đời thực, một cuộc kiếm tìm báu vật bằng vàng ròng có hàng trăm nghìn người cùng tham gia! Năm 1979, tác giả Kit cùng một người bạn bí mật hí húi chôn chú thỏ ở một địa điểm công cộng và rung đùi chờ độc giả đầu tiên gửi thư về xác nhận chính xác. (Người thắng cuộc chỉ cần đoán đúng chỗ chôn thỏ, xê xích vài ly, chứ không phải tận tay đào thỏ lên.)


Mỗi bức tranh đều có nhiều dấu hiệu cần được kết nối lại để đi đến câu trả lời cuối cùng. Những dòng chữ bao viền quanh tranh cũng la những đầu mối quan trọng. Đây là trang web có đủ lời giải đáp cho cuốn Masquerade:

Masquerade nhanh chóng trở thành một cơn sốt và các nhà săn kho báu nghiệp dư và cả chuyên nghiệp (!) hăng say cầm xẻng đào xới khắp nơi. Hàng nghìn lá thư cũng được tới tấp gửi đến Williams.

Chú thỏ vàng xinh đẹp

Cuối cùng sau 3 năm, người thắng cuộc đã được tìm ra! Ken Thomas trở thành chủ sở hữu của chú thỏ vàng huyền thoại. Điều đáng nói nhất là nhiều người vẫn không bỏ cuộc, họ có một niềm tin sắt đá là đâu đó vẫn còn chú thỏ vàng thật sự chờ chủ nhân xứng đáng.

Lẽ ra câu chuyện cổ tích có thể khép lại ở cái kết có hậu này. Tiếc thay đây lại là đời thực:

6 năm sau ngày chiến thắng, Ken Thomas bị phanh phui là một kẻ lừa đảo. Y đã cấu kết với John Guard, một tay bạn trai của… người yêu cũ Kit Williams. Do Williams tin người yêu nên nói ra địa điểm chôn thỏ vàng, rồi tới lượt cô người cũ này tiết lộ cho hai kẻ lưu manh. Câu chuyện trẻ em trong sáng đã bị biến thành scandal lùm xùm dính cả tình lẫn tiền. Sau này chú thỏ đã được nhà Sotheby đấu giá và bán cho một nhà sưu tập khuyết danh với giá 32 ngàn bảng.

   The Catwalk Cats – những chú miu sành điệu


Không dễ gây… nhức đầu như hai cuốn Codex Seraphinianus và Masquerade, nhưng The Catwalk Cats vẫn chứa đầy những kho báu nho nhỏ đủ khiến người xem mỉm cười và muốn ngắm nhìn mãi. Đặc biệt dành riêng cho giới mê thời trang, giới mê mèo, và tập con của hai giới này, The Catwalk Cats là tổng hợp những hình minh họa của Grace Coddington – biên tập viên gạo cội của tạp chí thời trang Vogue. Grace Coddington là một nhân vật rất quen thuộc với các tín đồ thời trang, đặc biệt là sau sự phát hành của bộ phim tài liệu The September Issue.

Grace hồi trẻ trên trang bìa Vogue UK

Cùng với “bạn cùng nhà” Didier Malige, Grace Coddington ghi lại những cuộc phiêu lưu của đội quân mèo (do hai người cùng nuôi) trong thế giới thời trang. Didier chụp ảnh, nhưng linh hồn của cuốn sách nằm ở những bức hình minh họa kèm thuyết minh vẽ tay của Grace với những nhân vật thời trang nổi tiếng.

Chú mèo Puff ngồi hàng đầu ở buổi trình diễn thời trang bên cạnh những biên tập viên đình đám nhất. Có thể nhận ra Anna Wintour của Vogue (đeo kính đen, thứ tư từ trái qua) và Grace tóc xù bên cạnh chú mèo

Những chú mèo trong các bộ trang phục đặc trưng của Prada, Balenciaga, McQueen, YSL và Louis Vuitton!

Đàn mèo lẽo đẽo theo sau Karl Lagerfeld

Những con nghiện thời trang mèo

Mèo mặc đồ Versace

Hài hước theo một phong cách rất…Vogue, Catwalk Cats là vô vàn bức tranh nhỏ về thế giới thời trang soi qua lăng kính…mắt mèo. Những hình minh họa của Grace Coddington tuy đơn giản nhưng lại có thủ bút của một nhà thiết kế thực thụ. Một món quà hoàn hảo cho những fashionista và người yêu mèo.

*

No comments:

Post a Comment