1. Monet – siêu nhân nhìn thấy tia cực tím?
Họa sĩ Ấn tượng Claude Monet sở hữu sự nhạy cảm đặc biệt đối với ánh sáng và màu sắc, hai yếu tố làm nên phong cách rất riêng của ông giữa một rừng tài năng thời kỳ Impressionism. Cezanne đã nhận xét về Monet “chỉ là một con mắt thôi – nhưng một con mắt đỉnh cao!” Tuy nhiên từ năm 65 tuổi, họa sĩ không may bị mắc chứng đục thủy tinh thể. Căn bệnh làm ông không nhìn được rõ những màu sắc như trước, đồng thời khiến thị giác của ông kém hẳn. Điều này được thể hiện khá rõ trong những bức họa thời kì 1905-1923 của ông: những chi tiết trở nên nhòe nhoẹt hơn, và màu sắc chủ đạo của chúng là đỏ, cam, nâu. Monet than phiền về những màu “lạ” mà ông nhìn thấy từ khi bị căn bệnh tấn công; trên thực tế, bệnh đục thủy tinh thể khiến người bệnh nhìn vạn vật có tông vàng và bợt hơn bình thường.
Vào năm 1923, khi Monet 82 tuổi, ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật dưới tay bác sĩ Charles Coutela. Lý do khiến Monet chần chừ một thời gian dài trước khi đi đến quyết định này là do tấm gương Mary Cassatts (bà gần như mù hoàn toàn sau khi phẫu thuật thủy tinh thể.)
Một chút chi tiết khoa học: mắt người không thể nhìn thấy tia UV-A (tia cực tím A) vì trong mắt chúng ta có một thấu kính đặc biệt lọc hết những bước sóng dưới 400nm. Thời của Monet, khi làm phẫu thuật thủy tinh thể, bác sĩ sẽ gỡ bỏ thấu kính này (ngày nay một thấu kính ngăn tia cực tím mới sẽ được đặt vào mắt người bệnh.) Sau phẫu thuật, Monet bắt đầu nhìn thấy nhiều màu xanh và tím hơn hẳn lúc trước. Tình trạng này có tên gọi Aphakia – khả năng nhìn thấy các màu trong khoảng tia cực tím. Các bức tranh của Monet sau năm 1923 thể hiện sinh động “con mắt” mới của họa sĩ. Monet qua đời 3 năm sau đó nhưng cuộc phẫu thuật đã đem lại cho ông một cái nhìn hoàn toàn khác, theo nghĩa đen.
2. Khi đầu bếp cũng có máu nghệ sĩ:
Carpaccio là một món khai vị Ý nổi tiếng thường được phục vụ ở các nhà hàng cao cấp. Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt sống, có thể là thịt cá hồi, cá ngừ, thịt bê, thịt nai, nhưng phổ biến nhất là thịt bò. Các miếng thịt được thái mỏng, ăn kèm nước sốt chanh, dầu ô liu. Do bản chất tươi sống nên chất lượng thịt dùng cho món Carpaccio phải đạt chuẩn hảo hạng.
Món Carpaccio được thai nghén bởi đầu bếp Giuseppe Cipriani tại Harry’s Bar, Venice và là một trong những nhà hàng được liệt vào “di sản quốc gia” của Ý. Trong số những người nổi tiếng tới đây có nữ công tước Amalia Nani Mocenigo. Năm 1950, bà tới Harry’s Bar và yêu cầu một món ăn chế biến từ thịt sống, dựa theo lời khuyên dinh dưỡng của bác sĩ riêng. Một món khai vị huyền thoại đã ra đời.
Cũng vào năm đó, một cuộc triển lãm tranh của Vittore Carpaccio diễn ra ở Venice và Giuseppe Cipriani chính là một “big fan” của họa sĩ này. Lấy cảm hứng từ những mảng màu đỏ chủ đạo trong tranh Carpaccio, Giuseppe đã đặt tên món ăn này theo tên họa sĩ, vì lý do thịt sống cũng… đỏ. Và món Carpaccio chết tên từ đó.
Đặt cạnh nhau:
Chưa dừng ở đó, Giuseppe còn chế tạo một loại cocktail nổi tiếng chứa tinh chất đào có màu hồng và gọi nó là Bellini, dựa trên bức tranh có tông màu tương tự của Giovanni Bellini (trùng hợp thay, chính là thầy của Carpaccio.)
Sự kết hợp của ẩm thực và hội họa thật ngọt ngào!
3. Quả cam có trước hay màu cam có trước?
Vốn từ vựng về màu sắc của loài người không phải luôn đầy đủ như bây giờ. Trong mọi ngôn ngữ, đa phần hai màu trắng, đen sẽ được “phát minh” trước, sau đó là đỏ, xanh, vàng. Có nhiều màu sắc không hề có tên riêng, thậm chí không được coi là một màu riêng mà chỉ được đặt dựa theo tên của vật có màu đấy, ví dụ như màu xanh cổ vịt trong tiếng Việt chẳng hạn.
Da cam là một màu như vậy. Cho đến tận thế kỉ 15 ở châu Âu, màu này không có tên riêng mà chỉ được gọi là màu đỏ-vàng. Mãi cho tới khi những cây cam đầu tiên được nhập khẩu từ châu Á, người dân châu Âu mới coi màu cam là một màu riêng đặc sắc. Tên tiếng Anh “orange” xuất phát từ “naranga," từ Sanskrit chỉ quả cam.
Sau khi nhà hóa học Louis Vauquelin phát hiện ra chất crocoite dẫn đến sự phát minh màu vẽ da cam, màu này trở nên rất phổ biến và được các họa sĩ từ Pre-Raphaelites đến Gauguin, Van Gogh yêu thích.
Tương tự như màu da cam, màu hồng (pink) cũng lấy tên từ loại hoa cẩm chướng dianthus. Trước khi có tên này, các tài liệu văn học chỉ nhắc đến màu đỏ nhạt hoặc màu của hoa hồng.
4. Màu xanh vương giả:
Lapis lazuli (tiếng Latin – lapis: đá, tiếng Arab, azula: màu xanh) là một loại đá quý có màu xanh thẳm với các tia sáng li ti phát ra từ bên trong. Lapis lazuli được nghiền ra để tạo thành một màu xanh lam rực rỡ Ultramarine (xanh hơn cả biển.) Cho đến ngày nay, lapis lazuli vẫn là loại màu vẽ đắt tiền nhất. Ngày nay trên thị trường có hàng nghìn màu vẽ tổng hợp công nghiệp phong phú và rẻ, chúng ta thật khó hình dung thời xưa các họa sĩ đã phải sáng tác với một bảng màu giới hạn ra sao khi mà tất cả các màu đều được chiết xuất từ thiên nhiên. Ví dụ như màu indigo chế từ lá cây chàm, màu đỏ từ thần sa, thậm chí màu nâu từ… xác ướp. Thời Phục Hưng, lapis lazuli chỉ được sử dụng cho những nhân vật cao quý nhất, đặc biệt là những bộ trang phục của Đức Mẹ đồng trinh. Lapis lazuli đã từng đắt hơn cả vàng.
Ngày nay, trái với nhiều loại màu vẽ đã mờ đi theo năm tháng và môi trường không thuận lợi, lapis lazuli vẫn giữ được màu thẫm và độ sáng hiếm có, khiến nó trở thành một công cụ không thể thiếu của những người làm nhiệm vụ khôi phục các tác phẩm hội họa bị hư hại. Màu xanh da trời cũng được coi là màu sắc hộ mệnh có khả năng xua đuổi ma quỷ, cộng thêm tư tưởng trọng nam khinh nữ là lý do trẻ em trai thường mặc đồ màu xanh (cho đến tận ngày nay.) Ngược lại, trẻ em nữ thường mặc đồ màu đen cho đến thời Trung Cổ.
5. Màu tím hoàng gia, ai cũng biết nhưng không biết tại sao:
Đã bao giờ bạn nghe cụm từ “born in the purple” chưa? Nghĩa của nó cũng hơi giống như biểu cảm “sinh ra với chiếc thìa bạc trong miệng," song còn cao quý hơn nữa. Từ thời Byzantine, màu tím đã là màu của hoàng gia. Chỉ riêng hoàng gia mới được sử dụng màu tím, giống như áo hoàng bào bên Tàu vậy. Một đứa trẻ có dòng máu hoàng tộc khi mới sinh sẽ được quấn trong vải vóc màu tím - “born in the purple” là vậy.
Thế nhưng không phải sắc tím nào cũng được coi là danh giá. Chỉ có một sắc tím duy nhất được gọi là Tyrian purple mới là sắc tím vương giả, tên của nó lấy từ thành Tyre, nơi sinh của nàng Europa – mẹ của châu Âu trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, anh hùng Heracles (hay Héc-quin) chính là người phát hiện ra màu tím này khi… dắt chó đi dạo. Chú chó hăm hở gặm những con sên trên bờ biển khiến mồm trở nên tím sẫm (giống học sinh Việt Nam gặm bút mực vậy.) Loại sên này, Bolinus brandaris, chính là nguyên liệu để chế thuốc nhuộm tím huyền thoại.
Truyền thuyết là vậy, nhưng đến thời La Mã vua chúa mới bắt đầu cuồng màu tím. Màu tím Tyrian được ưa chuộng không những vì sự sang trọng, nhất là khi được “mix” với vàng ròng, mà còn vì tính chất đặc biệt: càng mặc lâu càng đẹp rực rỡ. Nhiều tài liệu còn lại từ thời La Mã có miêu tả kỹ lưỡng tính chất, cách thu hoạch, chế biến loại màu nhuộm hoàng gia này. Giá của nó thì khỏi phải nói: một cân thuốc nhuộm có giá bằng sáu năm lương một người thợ La Mã! Sau khi đế chế La Mã sụp đổ, các triều đại sau đó từ Charlemagne cho đến nữ hoàng Catherine đệ Nhị vẫn không ngừng ưu ái màu tím, mặc dù cách chế tạo màu tím chuẩn Tyrian đã bị thất lạc cho đến tận thế kỷ 20. Các giám mục Thiên Chúa cũng chọn màu tím làm màu lễ phục chính thức.
No comments:
Post a Comment